Chương trước
Chương sau
Ten-go đứng trước cửa khóc, cố chấp có thể tóm gọn trong ba chữ: dai, dài và dại. Khóc đến nỗi dại người, chỉ biết nấc lên hềnh hệch mà không rặn nổi thêm giọt nước mắt nào nữa. Bố dỗ Ten-go mãi, bố bảo đàn ông con trai không được như thế, khóc nhiều sẽ biến thành con gái. Từ “con gái” làm Ten-go giật nảy người, trong thâm tâm của nó, con gái là một thứ gì đó mù mịt, luôn biến ảo và đáng sợ ngang hàng với mẹ. Vì thế quả quyết với bố sẽ không khóc lóc đòi về với bà ngoại nữa.

Đợt ấy còn hơn hai tháng rưỡi là Ten-go sẽ vào lớp một. Mẹ tiết kiệm nên cũng chẳng gửi Ten-go đến nhà trẻ nữa vì thế Ten-go phải ở nhà một mình, đổi lại buổi trưa mẹ đều về nhà ăn cơm mà không ngồi cả ngày ở cửa hàng nữa. Mùa hè buồn chán của Ten-go trôi qua theo từng dòng nước mắt khóc trộm, chỉ có mỗi con Ki – con chó bọ bé tẹo với bộ lông màu vàng đất bầu bạn. Không biết con Ki phát phì ra sau mấy tháng có phải nhờ thường xuyên liếm nước mũi trên mặt Ten-go hay không?

Cuối tháng tám, Ten-go vào lớp một. Ten-go gần như là thằng nhóc duy nhất không làm loại trò theo cách nói của mẹ là “chảy nước đái” trong lớp. Sau này, khi nhớ lại, mẹ Ten-go thường khoe với mọi người rằng, Ten-go lúc nhỏ nhát như cáy, gặp người lạ không biết chào hỏi toàn tìm cớ lủi mất. Và Ten-go là một thằng nhóc sống nội tâm chỉ thích lủi thủi một mình, mẹ khẳng định chắc nịch. Thế mà thực tế vốn không hoàn toàn như mẹ vẫn “tự tưởng tượng”, thời điểm đó vừa nhìn thấy thằng nhóc ngơ ngáo ngồi bên cạnh Ten-go liền nảy ra ý đồ bắt chuyện với nó. Có khi do lâu ngày tự kỷ với con Ki mà Ten-go đổi tính cũng nên.

- Mày tên là gì? – Ten-go gõ gõ vào mặt bàn đánh động nó.

Thằng bé quệt nước mắt, nấc lên nấc xuống.

- Tao tên là…

Chẳng kịp nghe Ten-go xưng tên, thằng bé đã òa khóc, nước mắt nước mũi hòa cùng nước dãi tuôn ra tùm lum. Nhìn đám hỗn hợp nhoe nhoét bám trên áo và rớt tong tong trên đùi thằng nhóc, Ten-go vừa thất vọng vừa khinh thường, nó quay đầu về phía sau. Khẽ đánh giá thằng con trai loắt choắt ngồi bàn dưới, nó nhỏ đến mức cằm gần như chạm mặt bàn. Chỉ mất bốn năm ngày là Ten-go đã quen thân hết lũ nhỏ bàn trên lẫn bàn dưới. Ten-go cứ thế thao thao bất tuyệt cả tá truyện trên trời dưới đất, còn bọn kia chỉ có nước há miệng mà nghe như thể chờ đợi Ten-go phát kẹo vậy. Bất giác Ten-go thấy mình như biến thành Dũng Lớn của lũ nhóc quanh xóm ngày trước vậy.

Thế nhưng niềm vui của Ten-go lại chẳng kéo dài được lâu. Mồm miệng bắt vạ cái thân chẳng sai. Nói chuyện giờ giải lao không đủ, Ten-go tiếp tục mang những câu chuyện của mình vào tận trong giờ học. Cô giáo chủ nhiệm dần chú ý đến Ten-go. Không! Chính xác mà nói là miệng của Ten-go. Ban đầu chỉ là vài lần nhắc nhở và Ten-go cũng ngoan ngoãn vâng dạ.

Một hôm, đâu như được nửa tiết, Ten-go bắt đầu không chịu ngồi yên. Mắt Ten-go khẽ liếc cô giáo, hạ thấp giọng:

- Tiến Lợn! Mày đọc tập “Bảy viên ngọc rồng” mới nhất chưa? “Xên Bọ Hung” của mày chắc cú sắp thua sấp mặt đến nơi!

Thấy thằng Tiến không đáp lời, Ten-go lại được nước lấn tới. Miệng văng nước miếng giải thích. Ten-go đâu biết, trên bục giảng cô giáo đã ngừng viết, nhăn mày quan sát.

- Vinh! Em đứng dậy cho cô!

Ten-go hoảng hốt va mạnh vào cạnh bàn khiến cả lớp cười ồ.

- Cô đã nhắc nhở em bao nhiêu lần? Em không nghe lời đúng không? Không muốn ngồi học đúng không? Đứng học luôn đi! – Nói xong cô giáo cũng không để ý đến Ten-go nữa.

Giờ giải lao, Ten-go được tạm tha ngồi xuống. Nhưng vừa vào tiết ba, Ten-go lại ngọ nguậy. Tiếc là không đứa nào dám bắt chuyện với Ten-go. Đúng là một lũ chết nhát. Thấy con bé bàn trên có phần mũ liền áo hay hay, Ten-go gấp giấy thảy vào giống như chơi bóng rổ vậy. Nó quay lại lườm Ten-go một lần, chẳng nói chẳng rằng giũ hết đám giấy khỏi mũ. Thấy nó không phản ứng gì thêm, Ten-go trắng trợn nghịch càn bằng mấy hạt ô mai vừa lục được trong hộc bàn. Bất thần con bé đứng phắt dậy cáo trạng:

- Em thưa cô! Bạn Vinh ném giấy vào áo em!

Ten-go thầm than, phen này đời Ten-go coi như xong. Uổng cho viên bi mắt mèo Ten-go cho con bé hôm trước.

- Em giỏi lắm! Ra góc lớp đứng cho cô!

Ten-go đưa mắt nhìn quanh quất nhưng vẫn đứng im.

- Em có nghe lời không? Có để cho lớp tiếp tục học bài không?

Ten-go gãi đầu, trả lời:

- Nhưng mà góc nào hả cô? Lớp mình có mấy góc lận.

Cả lớp phì cười, Ten-go đứng đó đắc ý cười ngây ngô. Cô giáo đập tay lên bảng làm cả lớp im re.

- Em còn định diễn trò cho cả lớp xem?

Nhác thấy đôi lông mày nhướn cao giống hệt mẹ là Ten-go biết sắp có giông bão nổi lên. Vượt quá ngưỡng chịu đựng của mẹ, ăn gậy cũng không biết chừng, Ten-go chẳng muốn làm đứa khai trương sức nặng của cây thước bản to trong tay cô giáo đâu. Chắc chắn thảm lắm. Ten-go thầm tính toán nhanh trong lòng, ngay lập tức chọn góc cuối lớp. Dại gì đứng gần cô giáo chứ.

Liên tiếp hai buổi học sau đó Ten-go phải làm bạn với góc lớp. Mấy đứa bàn dưới cùng cũng bị chuyển lên trên tạo thành một ranh giới ngăn cách giữa Ten-go với cả lớp. Lúc ở nhà một mình Ten-go thường nói chuyện với con Ki, nhưng ở lớp không thể mang con Ki theo được, thế nên Ten-go chuyển qua làm quen cùng bức tường. Ten-go lén lút móc trong túi quần ra một chiếc compa. Loay hoay tìm điểm tựa tay trái thoải mái nhất, Ten-go bắt đầu khắc tranh. Cực kì yêu thích nhân vật “Ca-Đích” trong truyện “Bảy viên ngọc rồng”, thế nên dĩ nhiên “Ca-Đích” trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của Ten-go. “Ca-Đích đại chiến cô giáo”, Ten-go cảm thấy rất hài lòng về cái tên này.

Giờ giải lao Ten-go luồn ra ngoài chơi đá cầu. Đến lúc lẻn vào lớp Ten-go sững người khi thấy cô giáo trầm ngâm đứng trước góc tường của nó. Lòng Ten-go thầm nhủ, thôi thế là xong!

Quan sát cả lớp đã ổn định, cô giáo chậm rãi nói:

- Vinh! Em về chỗ đi!

Ten-go nghi hoặc, lò dò đi về chỗ ngồi.

- Bạn Vinh đã vi phạm nội quy rất nhiều lần. Vì thế từ hôm nay, bạn Vinh sẽ ngồi một mình ở bàn cuối cùng. Cho đến khi cô nhận thấy bạn Vinh hoàn toàn hối cải, bạn sẽ được quay trở về chỗ cũ. Còn bây giờ cả lớp mở vở ra tập viết.

Ten-go cúi đầu ôm sách vở về chỗ mới. Nhìn cả lớp im lặng đồng loạt mở vở tập viết mà chẳng thèm để ý đến Ten-go, lần đầu tiên Ten-go không thấy vui khi mình bị phạt nữa.

Ở chỗ ngồi mới, Ten-go chẳng thể bắt chuyện được với mấy đứa bàn trên, mà có khi bọn nó cũng chẳng muốn nói chuyện với Ten-go cũng nên. Ngoài học mấy chữ cái và con số linh tinh, Ten-go tiếp tục vẽ nốt câu chuyện “Sôn gô ku đại chiến cô giáo” còn dang dở.

Ba tháng sau, Ten-go vẫn ngồi một mình ở cuối lớp. Chẳng phải cô giáo trù dập gì Ten-go cả. Đâu như khoảng một tháng trước, cô giáo chuyển Ten-go lên ngồi cạnh con bé lớp trưởng. Con bé rất ngoan ngoãn, có lẽ mục đích của cô giáo là để con bé kèm cặp Ten-go. Được chừng một tuần Ten-go cũng khá thành thật giữ miệng trong giờ học, thế nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Ten-go bắt đầu gợi chuyện với con bé lớp trưởng:

- Nhà bạn có nuôi chó không?

Con bé nhăn mặt, không trả lời.

Không buông tha cho con bé. Ten-go lấy giấy vẽ hình con chó nhỏ dễ thương nhất mà Ten-go có thể nghĩ ra, phía trên kí hiệu chữ Ki. Ten-go thì thào như đứa ăn cắp:

- Đây là con Ki nhà mình.

Con bé liếc hình vẽ trên tờ giấy, lại liếc cô giáo trên bục giảng. Nó dùng khuỷu tay lôi tờ giấy đến trước mặt. Ten-go cười thầm trong bụng khi thấy con bé say sưa ngắm hình vẽ. Không biết cơm về tay ai, con bé kèm cặp Ten-go hay Ten-go chăn dắt con bé đây.

- Con mèo nhà bà ngoại mình. Mèo tam thể, khoang trắng khoang đen, hình như đen nhiều hơn trắng. Lâu lắm mình chẳng được gặp nó, chắc giờ phải lớn chừng này. Nhà bạn có nuôi mèo không?

Con bé gật gật.

- Màu gì? Lớn không?

- Đen! – Con bé nhăn nhó nói được một từ, giọng nó nhỏ như kiến gặm bánh.

Được thế lấn tới, Ten-go vẽ tất cả những con vật mà Ten-go biết ra giấy. Con bé càng lúc càng hào hứng đáp lại những câu chuyện của Ten-go. Hóa ra con bé chẳng hề ít nói như Ten-go tưởng, mà là siêu bà tám luôn. Hai đứa nói chuyện gần như không kiểm soát và dĩ nhiên giấy chẳng bọc được lửa, chỉ vài buổi sau cả hai dễ dàng bị lọt vào tầm ngắm. Cả hai không hề hay biết cô giáo đã đứng sau lưng tự lúc nào. Ten-go giật nảy, cảm giác đau điếng quen thuộc từ tai phải truyền tới. Và thế là Ten-go lủi thủi trở về với bàn cuối ngay lập tức.

Sáng chủ nhật mẹ Ten-go đi họp phụ huynh. Ten-go ở nhà chẳng khác ngồi trên đống lửa là bao. Cho đến buổi trưa, vừa thấy bóng dáng mẹ ngoài cửa Ten-go mê mẩn chạy tót về bàn học giả vờ tập viết. Lạ lùng là mẹ chẳng quát tháo gì cả, như bình thường gọi cả nhà xuống ăn cơm. Ten-go ăn rón ra rón rén, thi thoảng lén lút xem sắc mặt mẹ có đổi không. Ăn cơm xong, Ten-go vừa định lỉnh lên gác, mẹ đã từ đằng sau tóm ngay lấy tai của Ten-go.

- Ông biết gì chưa? Con ông giỏi nhất lớp đấy!

- Có chuyện gì? – Bố Ten-go nghi hoặc hỏi.

- Không biết đứa con quý hóa của ông sinh vào giờ gì mà miệng như máy khâu? Ở lớp giờ ra chơi nói chưa đủ, vào tiết học lại nói chuyện tiếp. Vi phạm nội quy một mình còn thấy thiếu, lại lây tiếp cho các bạn khác. Cô giáo bảo miệng nó hình như bị hở hay sao đó, không lúc nào ngậm được. Ông kiếm cho tôi cuộn băng dính để tôi dán chặt miệng thằng con ông lại. À, còn vẽ bậy lên tường nữa. Lười chảy thây ra. Nghỗng vịt đầy một chuồng. Không biết lớn lên làm được trò trống gì không?

Ten-go tối tăm mặt mũi níu lấy hai cái tai đã đỏ như da gà chọi. Đầu óc Ten-go rối loạn vì sợ là mình không sống qua nổi cơn bão này. Cuối cùng, Ten-go cũng chỉ nhận mấy nhéo tai đau điếng.

Nghe lỏm từ cuộc nói chuyện của bố mẹ, Ten-go biết được một ít tin tức, số phận của Ten-go đã hoàn toàn rơi vào tay cô giáo và dường như Ten-go sẽ tiếp tục làm bạn với chiếc bàn cuối thân thương. Thời hạn đến lúc nào Ten-go chịu, có khi là hết đời cũng nên. Ấy thế mà Ten-go đoán cũng gần đúng. Ten-go gắn bó với chiếc bàn cuối gần hết năm năm tiểu học. Nhưng cũng nhờ khoảng thời gian đó mà Ten-go nhận ra lúc trước Ten-go ngu ngốc cỡ nào. Những trò chọc cười của Ten-go chẳng vui như Ten-go tưởng tượng.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.