Chương trước
Chương sau
Anh là ai với dáng người thánh thiện?
Cho em hoài thao thức với tương tư
Hai người vừa rời khỏi quán ăn, Phi Nhi liền kéo em gái vào một con hẻm vắng.  Phi Nhi gỡ tấm mặt nạ da người xuống, hóa thành một cô gái tuy không son phấn mà vẫn sắc nước hương trời.  Nàng trừng mắt nhìn Phi Yến đang đứng bên cạnh nàng.
- Phi Nhi tỉ tỉ - Phi Yến cũng cởi tấm mặt nạ da người ra và cũng hóa thành một cô gái vô cùng xinh xắn, nói – Tỉ nhìn gì mà lâu vậy, bộ mặt của muội dơ lắm hả?
Phi Nhi cất tấm mặt nạ da người vào tay áo nàng, vờ lên tiếng xuýt xoa một cách chân thành:
- Đâu có dơ, chỉ là tỉ chưa từng nhìn thấy ai đẹp như muội, càng ngày muội càng đẹp!
Phi Yến cũng cất tấm mặt nạ da người vào tay áo nàng, rút cây đao của Phi Nhi ra soi mặt và nói:
- Nha đầu kia, mi là con gái nhà ai mà xinh đẹp vậy?  Thật xứng với chàng!  Mà mi và Phi Nhi tỉ tỉ là một cặp song sinh, tỉ nói mi đẹp vậy khác nào tỉ ấy tự khen mình chăng?
- Đủ rồi đó Phi Yến! – Phi Nhi nói - Lần nào muội cũng chọc giận bọn nha môn hết, có ngày mất đầu cho biết!
Phi Yến vẫn nhìn vào thân đao.
- Sợ gì chứ? – Phi Yến bĩu môi nói - Chúng ta kể về truyền nhân của Võ Ma và Võ Thánh, không chỉ nói về Giang Nam Thất Hiệp!
Phi Yến nói xong nghĩ đến người đàn ông nàng gặp trong quán ăn, thật là tao nhã, tuấn mỹ làm sao, nàng vừa nghĩ vừa dán mắt vào thân đao của Phi Nhi.  Phi Yến ngắm rất kỹ diện mạo của nàng trong thân đao.  Từ nhỏ, nàng đã biết rằng nàng rất xinh đẹp, nhưng đến nay mỗi lần nàng nhìn hình ảnh của mình trong gương vẫn gây cho nàng cảm giác lạ lùng.  Đôi lông mày cong, đôi mắt đen láy, đôi môi đỏ mọng và tấm thân chín dậy một cách nhanh chóng kia đều nói với nàng rằng nàng đã trưởng thành.
Phi Nhi và Phi Yến bước bên nhau, hai thân hình mảnh mai của hai cô gái mất hút trong con hẻm nhỏ.
Tối đó Cửu Dương, Nghị Chánh và Hiểu Lạc xuống núi tìm cuốn Đồng Sơn Chí.  Trần Tôn ở lại Đồng Sơn với các cống sinh.  Do ban sáng ba người đã ra tay đánh nhau với người nha môn nên đành phải cải trang thành ba người Hồi để không ai nhận ra.  Ba người đội trên đầu nón thêu hoa, chân đeo ủng bằng da, mặc y phục có hoa văn mà người Hồi thường mặc.  Ba người trông chẳng khác chi ba người Hồi thật, bất giác nhìn nhau mỉm cười, lòng cảm thấy vui vui.
Họ vừa đi qua cổng chợ Hồ Lô thì Cửu Dương rẽ vào một gian hàng bày biện các loại sách.  Nghị Chánh và Hiểu Lạc không đi theo Cửu Dương, hai người dán mắt vào một đám người chạy ngang vui vẻ gọi nhau ơi ới:
- Mau lên, mau lên!
- Trễ rồi!
- Coi chừng không còn chỗ tốt đâu!
Nghị Chánh bèn túm lấy một người hỏi:
- Xin hỏi vị huynh đài này, chuyện gì xảy ra mà ồn ào quá vậy?
Người này đứng lại, vừa thở vừa nhìn Nghị Chánh:
- Mấy người đây nhất định là ở xa mới tới phải không?
Nghị Chánh gật đầu, lại nghe:
- Hèn gì không biết mỗi chiều tối ở chợ Hồ Lô thường có hội chợ rất vui, nhưng tối nay xuất hiện một cô nương, không biết là đến từ đâu, nhưng là mỹ nhân, tổ chức cuộc thi đánh cờ vây, cho nên cả thị trấn mới ồn ào lên.
- Đánh cờ vây có thưởng hay sao mà cả thị trấn ồn ào lên? – Nghị Chánh hỏi.
Nhận được câu trả lời:
- Kẻ giải được Chân Long kỳ cuộc sẽ được làm tân lang!
- Nhỡ có người giải được mà không chịu cưới cô gái thì sao? - Hiểu Lạc thắc mắc.
Người kia trả lời:
- Mỹ nhân ai mà không chịu!  Trên đời này không ai ngu vậy đâu!
Nói rồi hắn ba chân bốn cẳng chạy đi.
Hiểu Lạc thấy cũng vui vui, kéo tay áo Nghị Chánh, giục chàng chạy theo đám người địa phương, vừa chạy Hiểu Lạc vừa bảo Nghị Chánh:
- Mau lên, mau lên, sư bá ơi!  Con muốn tới đó để coi cho biết!
Nghị Chánh kéo nó đứng lại:
- Không phải nói là đi được đâu, phải hỏi xem sư phụ ngươi có muốn đi coi không đã.
Hiểu Lạc nói:
- Vậy sư bá chờ ở đây để con đi tìm sư phụ!
- Nhưng ngươi đừng có nhắc đến chuyện kén chồng đó! – Nghị Chánh nói với theo Hiểu Lạc - Bằng không ngươi cũng biết mà, hắn sẽ không đi.
- Dạ con biết!
Hiểu Lạc nói, nó còn lạ gì chuyện tình cảm của Cửu Dương.  Chàng thật hoàn hảo, nhưng, của đáng tội, ngoài nữ thần y chàng vẫn thản nhiên chẳng rung động trước bất kỳ bóng hồng nào.  Mà hai người họ cùng nhau lớn lên nên Hiểu Lạc cũng hiểu, nữ thần y chẳng cần tranh thủ, tự nhiên nắm giữ được trái tim chàng.
Nghị Chánh nhìn theo hướng Hiểu Lạc chạy đi tìm Cửu Dương, tự nhiên chàng cảm thấy thương cho Tiểu Tường quá thể.  Cổ nhân thường nói nếm li rượu đầu làm người ta nhớ, uống đến li cuối mới khiến người ta say.  Chuyện tình cảm cũng thường như vậy đấy.  Trong mỗi một đời người, thường thì phải trải qua vài ba mối tình, rồi cuối cùng mới tìm được một nửa đích thực của đời mình.  Nhưng, đối với Cửu Dương, Nghị Chánh biết Cửu Dương chỉ muốn say mãi từ li đầu tiên, chỉ có li rượu đó thôi chàng không muốn uống một li nào nữa hết.  Cho nên sẽ không bao giờ gọi thêm làm gì cho lỡ dở hết ra.  Cho nên, Tiểu Tường, tuy cũng là một mỹ nhân, nhưng thật chua chát làm sao khi nàng là kẻ đến sau nên chỉ một bước xa xôi thôi mà đến nỗi cả cái bóng lưng của Cửu Dương nàng cũng chả bao giờ chạm được!
Lại nói đến Cửu Dương đang tìm mua cuốn Đồng Sơn Chí thì nghe Hiểu Lạc chạy vào nói có cuộc thi đánh cờ gì đó, còn chưa trả lời, Hiểu Lạc đã kéo tay chàng ra khỏi túp lều.  Cửu Dương thấy Hiểu Lạc phấn khởi muốn đi coi cờ, bất quá, đánh cờ cũng là một trò bổ ích chàng cũng không phản đối.
Thế là ba người cùng kéo nhau đi theo dân địa phương tới giữa chợ.
Khi họ tới nơi thì đã có đám đông cả trăm người chen chúc nhau rồi.  Cảnh tượng vô cùng náo nhiệt.  Hiểu Lạc được tới chỗ đông vui thì sung sướng lắm, nó vừa hăng hái chen lấn vào đám đông, vừa quay lại cười hì hì với Cửu Dương và Nghị Chánh.  Cửu Dương và Nghị Chánh thì không muốn thất lạc thằng bé, nên cũng bám sát theo Hiểu Lạc.
Đám đông đa số là nam nhân nhưng cũng có một vài nữ nhân, chen chúc giẫm đạp lên nhau la oai oái.
Nghị Chánh nghe một anh chàng ăn bận lịch sự như nho sĩ nói với một cô gái:
- Cô nương xinh đẹp ơi, tại hạ đây xin thất lễ, có câu này muốn nói với cô.
Cô gái liếc anh chàng văn nhân một cú, trả lời cộc lốc:
- Gì?
Văn nhân nói:
- Tại hạ muốn nói là…
Cô gái thấy người này nói năng lâu lắc gắt:
- Có gì nói mau đi!
- Tại hạ muốn nói dưới bàn chân mỹ miều của nàng là bàn chân thô ráp của tại hạ.
Lời này khiến Nghị Chánh bật cười, sau đó lại nghe:
- Quen không ta?
Nghị Chánh tưởng có người hỏi thăm chàng bèn khẽ quay sang nhìn, thấy người vừa hỏi là gã mập mạp, mặt búng ra sữa, mặc áo gấm hoa hoè màu đỏ, nhìn qua cũng biết tay công tử nhà giàu được nuông chiều từ tấm bé.  Ngờ đâu tên mập không phải là nói chuyện với chàng.  Nghị Chánh nghe một kẻ đáp:
- Quen thì thế nào?
- Quen sao không vẫy đuôi?
Tên mập dứt lời ngoác miệng cười ha hả, người bị gã chửi xéo chỉ biết há hốc miệng ra rồi lẩn đi nơi khác, chắc không muốn dây vào tên công tử này.  Lát sau tên mập lại quay sang hỏi người mặc áo gấm màu xanh cũng đứng gần Nghị Chánh.
- Quen không vậy?
Lần này người áo xanh đáp:
- Lạ!
- Lạ sao không sủa?
Người áo xanh da trời nghe thế trợn to mắt dữ tợn, gầm lên:
- Á à!  Mày là thằng nào mà lại dám ăn nói láo xược như vậy với bổn đại gia, hả?
- Tao láo đó, làm gì được nhau nào?
- Vậy mày chờ coi mày có bản lĩnh hay nắm đấm này của tao có bản lĩnh!
Thế là tiếng bôm bốp vang lên.  May nhờ có đánh nhau mà đám đông tản ra được một chút, ba người bọn Cửu Dương nhìn thấy lỗ hổng vội chen chân vào đứng ở hàng đầu.  Ba người vào được bên trong rồi, cả mừng nhắm mắt, lau mồi hôi, thở ra một hơi.  Vừa mở mắt ra thì thình lình thấy bầu không khí sáng hực lên, bọn Cửu Dương thấy một thiếu nữ độ chừng mười tám mười chín tuổi, mắt sáng mày thanh, da trắng má hồng, môi đỏ như hoa đào, dáng mình yểu điệu.  Nàng mặc áo vàng tươi như hoa cúc.
Phần nhiều đám đông trố mắt nhìn cô gái, mồm há hốc cả ra, vẻ như họ chưa từng thấy cô gái xinh đẹp như vậy bao giờ.  Vài người khác thì kín đáo hơn, tuy cũng bị thu hút bởi nhan sắc kiều diễm của cô gái nhưng họ không dám tỏ thái độ sống sượng, chỉ dùng cặp mắt đắm đuối nhìn.
Thiếu nữ xinh đẹp này là Phi Nhi, nàng đã quá quen với những cặp mắt háo hức đắm say của đám giang hồ thô lỗ bị nhan sắc của nàng mê hoặc nên không thèm đếm xỉa đến bọn chúng.  Phi Nhi dán mắt vào một bàn cờ vây được khắc trên một tảng đá lớn, tảng đá được dựng đứng như bức tường kiên cố.  Chênh chếch phía sau tảng đá là chiếc xe đẩy, Phi Nhi dùng để di chuyển bàn cờ.
Phi Nhi ngồi trên một cái phản gỗ, cách bàn cờ khoảng chừng hai trượng, một công tử ngồi bên cạnh nàng.  Công tử khoác bạch y, trên đầu đội nón trắng tinh khôi, mặt đẹp như ngọc, trông như con nhà quí tộc.
Ba người bọn Cửu Dương thấy vị công tử khoác trường bào trắng đang cầm trong tay những quân cờ trắng bắn vào tảng đá đang dựng đứng, quân cờ được y bắn rất chính xác, vào ngay giao điểm của các đường ngang dọc trên bàn cờ.  Nghị Chánh, Cửu Dương và Hiểu Lạc mở to mắt lên nhìn.  Ở trong Hắc Viện, Cửu Dương và Nghị Chánh là hai cao thủ chơi cờ, kiến thức cũng rộng, nhưng trước giờ chưa thấy ai chơi cờ như thế này.
Phi Nhi nắm trong tay những quân cờ đen, mỗi lần nàng bắn quân cờ ra là kình phong rít lên veo véo, quân cờ cắm sâu vào vách đá.  Trong lòng Hiểu Lạc vô cùng ngưỡng mộ Phi Nhi, nó biết cô gái này phải là một cao thủ, vì thủ kình phát xạ rất mạnh và chuẩn xác, lại nữa nó thấy những con cờ nào bị bắt chết, thì cô gái vung chưởng, trở thành một đám bụi rớt khỏi bàn cờ.  
Qua nhiều nước cờ, gương mặt vị công tử áo trắng có vẻ chẳng còn được tự tin như ban đầu.  Còn Phi Nhi thì miệng luôn tươi cười.  Phi Nhi nói:
- Lối đi cờ của công tử vô cùng cao siêu, nhưng không biết có thể qua được cửa này để mở ra lối thoát không?
Nàng nói xong liền bắn một con cờ đen ra.  Lần này, mồ hôi đọng từng giọt to như hạt đậu trên vầng trán công tử, từ từ chảy xuống hai bên má chàng.  Công tử suy đi nghĩ lại, không biết phải đặt tiếp quân cờ ở đâu để phá kỳ cuộc này?
Bên ngoài có tiếng giục chàng:
- Ngẫm nghĩ gì mà lâu quá, đến lượt chúng tôi chưa?
Người khác cũng sốt ruột, tặc lưỡi:
- Kẻ đã bất tài thì chớ có nên làm phí thời gian người khác, để chúng tôi phá thử kỳ cuộc này!
- Thế chúng ta phải phá kỳ cuộc như thế nào? - Hiểu Lạc hỏi Nghị Chánh.
Nghị Chánh không biết, quay sang Cửu Dương, Cửu Dương nói gì đó với Nghị Chánh.  Nghị Chánh gật gù.
Một người khác dùng lời lẽ khiếm nhã nói với công tử áo trắng:
- Đúng rồi, thằng nhóc mặc bạch y kia!  Đừng câu giờ nữa bây, mau trả tiền, cúi đầu chịu thua đi thôi.  Còn không có tiền thì tuột quần chổng mông ra chịu đòn cũng được!
Đám đông nghe vậy cười rộ lên.  Công tử áo trắng đứng dậy chắp tay xá Phi Nhi, nói:
- Tại hạ chịu, Chân Long kỳ cuộc của cô bày ra, đích thật vô cùng tuyệt diệu, tại hạ không phá giải được.  Xin cô nhận số ngân lượng của tại hạ.
Phi Nhi cười:
- Chân Long là bố cục trong số cờ vây có ý ngăn chặn địch thủ, sử dụng bốn mươi lăm con cờ.  Thông thường, mọi người không qua khỏi bốn mươi con cờ, Chân Long này đã có hơn hai trăm con cờ, công tử có thể đi được mười tám nước đã là vô cùng hiếm thấy!
- Đa tạ lời khen của cô nương.
Công tử áo trắng nói, sau đó chàng lấy một cái túi đưa Phi Nhi, chàng nhìn bàn cờ rồi nhìn nàng một cách tiếc nuối rồi đi ra.
Phi Nhi cất tiền vào áo, nhìn đám đông hỏi:
- Xin mời vị tiếp theo, không biết có ai muốn tái đấu với tiểu nữ không?  Hay tiếp tục chơi ván cờ đang bày ra?
Những kỳ thủ đang đứng xem cờ thấy công tử áo trắng đã đi được mười tám nước, không muốn tái đấu, nhưng họ cũng không biết phải tiếp tục đặt quân cờ chỗ nào?  Những người không phải kỳ thủ thì chỉ biết châm chọc là giỏi, chứ nhìn trận cờ này đương nhiên phải bó tay.
Phi Nhi trầm tĩnh, chờ đợi, chỉ nghe phần đông mọi người lắc đầu than thở:
- Ta vốn là một tay cao cờ, từ trước đến giờ chưa gặp đối thủ, nhưng cờ thế này lợi hại quá, ta không nghĩ ra được nước giải, không biết thiếu hiệp có giải pháp gì không?
Người được hỏi lắc đầu:
- Tại hạ cũng biết kỳ thế không ít đâu, nhưng với thế cờ này thì hoàn toàn vô phương.
Người khác xoa đầu liên tục nói:
- Gay go rồi, gay go rồi.
Chợt một người bước ra, cầm con cờ trắng lên, ném về phía bàn cờ, ghim vào phiến thạch phát lên một tiếng phập!
Thế cờ bất thường, mọi người lặng thinh một chút tức thì nhìn quanh quất, sau hồi biết người ném cờ là Nghị Chánh một người nói:
- Khả năng chơi cờ của huynh đài kém quá!
Bốn người khác thở dài nói:
- Sao huynh đài không hỏi chúng tôi?  
- Ai lại tự tay giết một loạt quân mình như huynh đài!
- Đúng là quá hồ đồ!
- Thế là mất toi ngân lượng rồi!
Nghị Chánh cười trước những lời chế nhạo chàng, lúc nãy Cửu Dương bảo với chàng bước cờ này, nhưng Cửu Dương một mực không muốn đấu cờ, nên chàng ngứa tay đã bước ra đi thử một con cờ.  
Mọi người thấy Nghị Chánh im lặng không nói, tiếp tục chỉ trỏ, Phi Nhi nói:
- Trên đời chỉ có huynh đài và sư thúc tiểu nữ là chơi cờ như vầy.
Rồi Phi Nhi nhìn mọi người, nói thêm:
- Cả đời thúc thúc tiểu nữ nghiên cứu thuật cờ vây, rồi lấy kinh nghiệm học được đó mở ra Chân Long kỳ cuộc, vô cùng tâm huyết, những tưởng không bao giờ có người hóa giải, không ngờ tỉ muội chúng tôi vừa đến Tứ Xuyên đã có người phá vỡ kỳ cuộc này!
Nghị Chánh nói:
- Cô nương quá khen.  Kỳ cuộc này rất cao thâm, tại hạ suy nghĩ mãi cũng không tìm ra cách nào để khắc phục, huynh đài bên cạnh tại hạ mới là người nghĩ ra nước cờ vừa rồi.
- Tìm đường sống trong cõi chết – Phi Nhi gật đầu chào Cửu Dương, nói.
Phi Nhi nói xong vung tay, những quân cờ trắng bị quân đen vây hãm lập tức rơi ra khỏi bàn cờ.
Đến khi này mọi người đứng xem cờ mới vỡ lẽ, ồ lên thán phục, nhìn vào những ô trống trên bàn cờ.  
Một người nhìn Cửu Dương nói:  
- Huynh đài thật thông minh, đúng là trong hoàn cảnh hỗn độn, bước duy nhất có thể đi là hy sinh một số quân ta, chỉ có tự tay giết cờ của ta mới có thể mở ra lối đi.  
Đúng là trên bàn cờ lúc này hé lộ một nước cờ để đi, một nước cờ mới, những quân cờ trắng còn lại bây giờ đã có đường để tiến quân.
Trong lúc mọi người vỗ tay hoan hô, Hiểu Lạc cũng vỗ tay, cả đời nó, ngoài Cửu Dương, chưa bao giờ có người thứ hai chơi cờ hay hơn chàng.
Cửu Dương chắp tay bái tạ mọi người rồi định rời đi.  Nhưng đám đông chắn đường chàng nói:
- Chúc mừng tân lang!
Cửu Dương ngơ ngác nhìn mọi người.  Phi Nhi nói:
- Huynh đã giải được kỳ cuộc của sư thúc tiểu nữ, huynh thật là một nhân tài thiên phú, trí tuệ phi phàm.  Nhưng tiểu nữ không phải là người kén chồng, mà người kén chồng là muội muội tiểu nữ.
Cửu Dương giật mình, khi một cô gái bước ra từ đám đông, giống hệt Phi Nhi.  Phi Yến bước lại đứng đối diện Cửu Dương.  Tối nay Phi Yến vận y phục màu hồng thạch anh, trên đầu đính cây trâm cũng hồng thạch anh.  Phi Yến và Phi Nhi đều sở hữu nhan sắc vô cùng diễm lệ vô song, nhưng trong tú khí của Phi Yến lại có một chút hào khí, chiếu rọi nên thêm phần rực rỡ.  Phi Yến như một đóa hoa đương khoe sắc thắm, nở vào mùa xuân còn long lanh lộ thủy, hai má nàng ửng đỏ như ráng chiều Tây Hạ, đôi mắt vừa sáng vừa trong trẻo như sao.
Phi Yến nhìn Cửu Dương, nở một nụ cười vô cùng quyến rũ nói với chàng:
- Lúc bọn tiểu nữ đặt ra quy định chơi cờ, đã có nói, nếu có người hóa giải được kỳ cuộc, tiểu nữ sẽ theo người đó suốt đời.  Mấy mươi năm qua kỳ cuộc của sư thúc tiểu nữ không hề có ai hóa giải, bây giờ huynh đài đã làm được, coi như tâm nguyện của sư thúc đã hoàn thành, tiểu nữ thật sự cảm kích huynh đài!
Cửu Dương lắc đầu:
- Xin lỗi cô nương, lần chơi cờ này mong cô không tính cho, được chăng?  Mong cô hãy mời người khác tiếp tục đấu cờ với cô.  Tại hạ có chuyện phải về, cáo từ.
Mọi người nhìn Cửu Dương như nhìn một vật lạ từ cung trăng rơi xuống.  Nhưng đúng là Cửu Dương vẫn một mực lắc đầu, nói với Phi Yến:  
- Xin lỗi cô nương, mong cô hãy tìm người khác tái đấu bàn cờ với cô, tại hạ thật sự phải đi rồi, xin chào.
- Vị huynh đài – Phi Nhi níu áo Cửu Dương lại nói – Trong thuật chơi cờ vây, chẳng phải có câu bước chân đi cấm kỳ quay lại hay sao?  Huynh không thể đã đi nước cờ rồi bây giờ rút lui!
Cửu Dương vẫn một mực lắc đầu:
- Nước cờ vừa rồi không phải chính tay tại hạ đi, là do người bạn của tại hạ đi, nên lần này không tính, mọi người, làm ơn tránh đường.
Đám đông định tản ra cho Cửu Dương đi, nhưng Phi Yến ra sức siết chặt tay áo Cửu Dương, kéo lại.  Cửu Dương nhìn hai cô gái, chưa biết tính sao.  Phi Yến nói:
- Trước khi mọi người chơi cờ đã nghe hết quy luật của tỉ muội bọn tôi rồi, rằng bất luận là ai, miễn chưa có hôn thê, và trong hạng tuổi, giải được ván cờ là trở thành tân lang.  Bây giờ huynh nói không tính là sao?  Vậy chứ ta hỏi huynh, huynh có vợ ở nhà rồi hay không?
Cửu Dương im lặng, Phi Yến nói:
- Huynh không trả lời là không có phải không?
Cửu Dương vẫn một mực im lặng.  Nghị Chánh nhìn mọi người nói:
- Tránh đường!  Tránh đường!  Làm ơn tránh đường!
- Chúng ta đi thôi sư phụ ơi - Hiểu lạc nói.
Phi Yến vẫn không thu tay về, nhìn mọi người.
- Xin các vị hương thân hãy nói một lời công bằng – Phi Yến nói - Trên đời này làm sao lại có chuyện “bước chân đi” mà có “kỳ” quay lại?  Huynh đài này là trai chưa vợ, tiểu nữ cũng là gái chưa chồng, huynh ấy lại trong hạng tuổi hoàn toàn phù hợp với các điều kiện tỉ muội bọn chúng tôi đặt ra.  Xin các vị nói một lời công bằng, làm ơn!
Đám đông nhìn nhau, rồi nhìn Cửu Dương, không hẹn mà cùng siết chặt “vòng vây,” không cho chàng đi.  
Phi Nhi bảo Phi Yến thả tay áo Cửu Dương ra, Phi Nhi nói:
- Thôi hay là như vầy đi, chúng ta mở tiếp một cuộc thi nếu huynh đây thắng có thể đi, còn nếu thua, thì ở lại uống… ba li da.  Để muội muội của tiểu nữ không phải mang tiếng ép hôn, huynh thấy sao?
- Cuộc thi gì, thi như thế nào? – Nghị Chánh hỏi.
- “Ba li da” là cái gì? –Hiểu Lạc cũng tò mò.
Cửu Dương nhìn Phi Nhi, tuy bấy lâu nay chàng xông pha nghe ngóng tin tức ở chốn phong trần không biết đã bao nhiêu lần nhưng sao ba từ này đối với chàng nghe vẫn lạ tai.  Cửu Dương nghe Hiểu Lạc hỏi, cũng chờ nghe câu trả lời từ Phi Nhi.
Phi Nhi nói:
- “Ba li da” nghĩa là người thua phải ngậm ba li rượu đưa qua miệng của người kia, coi như là rượu giao bôi.  Còn cuộc thi thì vào quán rượu đằng kia bọn tiểu nữ sẽ nói cho huynh nghe luật lệ, đi thôi.
Nghị Chánh nghe Phi Nhi nói vỗ lên vai Cửu Dương một cái.  Đã từ lâu, Cửu Dương vang danh trong Thiên Địa hội là người có tửu lượng rất tốt, nếu bảo vô địch thiên hạ cũng không phải nói quá.  Cửu Dương có thể uống cả ngàn li cũng không hề tuý lúy càn khôn.  Không ngờ Phi Nhi muốn thi đấu rượu.  Nghị Chánh cảm thấy nắm chắc phần thắng, nhưng Cửu Dương chưa vội gật đầu.  Hiểu Lạc cũng nghĩ như Nghị Chánh, nghe Phi Nhi nói xong nó lay lay tay áo Cửu Dương, nói:
- Đồng ý đi sư phụ, tửu lượng của sư phụ rất cao, hãy cho hai chị em họ tâm phục khẩu phục đi!
Phi Yến nghe Hiểu Lạc nói với nét mặt toát đầy vẻ tự tin đến độ cao ngạo, trong bụng không khỏi buồn cười.  Phi Nhi cũng thấy buồn cười, coi như nàng đã sắp giúp Phi Yến hoàn thành tâm nguyện rồi.  Đối với Phi Nhi, Phi Yến nứt mắt ra đời đã thử qua rượu, hồi còn ở Thanh Thành các vị huynh đệ muội thường hay kháo với nhau rằng từ nhỏ Phi Yến uống rượu thay cho sữa mẹ, nên Phi Nhi tin chắc Phi Yến sẽ thắng trận đấu rượu rất dễ dàng.
Sau một hồi suy nghĩ Cửu Dương cũng gật đầu.  Phi Yến nói:
- Mọi người đã thấy rồi đấy nhé, huynh ấy đã đồng ý!
Đoạn nàng quay sang Cửu Dương.
- Lần này – Phi Yến nói – Huynh mà thua không được trốn đi, các vị hương thân, xin các vị làm chứng cho, nếu huynh ấy thua xin hãy giúp tiểu nữ cản chân huynh ấy giữ lại không cho đi!
Mọi người hô:
- Đồng ý!
Hiểu Lạc cười nói:
- Còn chưa biết ai thua ai, sư phụ của con là người sành rượu nhất trên đời.  Người có tài uống rượu như trăm sông đổ về biển rộng, người sẽ giải trừ hôn ước cho coi.
Phi Yến trừng mắt với Hiểu Lạc, Hiểu Lạc cũng mở to mắt nhìn lại Phi Yến.  Trong cái vẻ đẹp của Phi Yến, Hiểu Lạc thấy có chút bướng bỉnh, trong cái tính ngay thẳng, chứa đựng sự ngạo nghễ, nhiệt tình, lẫn liều lĩnh của kẻ còn non sữa, thì làm sao mà xứng với Cửu Dương được.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.