Đêm đã khuya bốn bề tịch mịch, mảnh trăng tàn gắng sức phóng qua từng mây đầy ảm đạm những tia sáng âm thầm yếu ớt. Ngọn gió thu hiu hắt thổi những chiếc lá bay phất phới. Trên đại điện một ngôi chùa cổ giữa cõi hoang vu, bốn cây hồng lạp (đèn cầy to bằng cánh tay trẻ con, ánh sáng chập chờn nhau. Bốn ông già màu áo khác nhau ngồi xếp bằng tại bốn góc. Cả bốn vị nét mặt đều nghiêm nghị lạ thường, ngồi yên chăm chăm tựa hồ bốn pho tượng đất, không ai nói câu nào. Một cơn gió thoảng đưa mùi hoa quế ngọt ngào vào trong điện, đồng thời thổi tạt bốn ngọn lửa hồng dường như tắt hẳn rồi trở lại bùng sáng lên. Giữa lúc những ngọn hồng lan sáng lòa trở lại, chính giữa đại điện xuất hiện thêm một ông già áo xanh, râu bạc, chừng tới rốn. Ông đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi đột nhiên chắp tay thi lễ, lớn tiếng nói : - Tiểu huynh đã làm nhọc lòng bốn vị hiền đệ phải chờ lâu! Bốn ông kia vẫn ngồi tĩnh tọa không chớp mắt, tựa hồ như không nghe thấy gì. Ông râu bạc thở dài, lẩm bẩm : - Chuyện xưa đã đi vào quá khứ, chẳng là các hiền đệ đều quên khuấy việc ba mươi năm trước đây rồi sao? Mỗi khi tiểu huynh nghĩ đến nông nổi năm anh em ta phút chốc trở nên cừu địch, tuy chưa đến nỗi tàn sát nhau nhưng đã coi nhau như người dưng. Ba mươi năm trời ấy tiểu huynh luống những bâng khuâng chẳng ngày nào là không nghĩ đến những hàn gắn lại mối tương thân giữa anh em mình. Các hiền đệ xa khơi gốc chân trời, không thể mỗi lúc tìm đến nhau được, vì thế mà hoài bão của tiểu huynh không được mãn nguyện. Thời gian thấm thoát phút chốc đã ba mươi năm, vì ta tìm được hành tung bốn hiền đệ rất khó nên tiểu huynh để thiếp mời bốn vị về đây hội diện, cho khuây khỏa nổi cách biệt ba mươi năm trời. Thế mà bốn vị hiền đệ vẫn chưa lượng tình, cởi mở tấm lòng sầu khổ cho tiểu huynh. Ông nói để ông nghe, hàng giờ bốn vị kia vẫn lờ đi như không nghe thấy gì và người cũng không nhúc nhích. Ông toan nói nữa, bất thình lình có tiếng chân mười hai thiếu niên đều đeo binh khí ập vào đứng sắp hàng để ngăn lối ra khỏi cửa điện. Ông già râu bạc nhíu cặp lông mày, đưa mắt nhìn mười hai thiếu niên, thấy gã nào cũng tinh thần lanh lợi, khí thế hào hùng. Ông bỗng cười, vụt hỏi : - Các cậu nhỏ này tướng mạo phi phàm, hẳn là đệ tử của bốn vị hiền đệ? Bốn ông vẫn im lặng không lên tiếng. Mười hai thiếu niên đều ăn mặc theo lối võ sinh nhưng màu sắc không giống nhau, xanh phớt có, vàng thẩm có, trắng bạch có, tím lợt có, cứ ba người một màu sắc, giống như sắc phục của từng vị ngồi bốn góc. Ông già râu bạc chỉ mong bốn vị lên tiếng để ông giãi bày tâm sự. Song bốn ông cứ trơ ra tựa hồ không muốn mở miệng. Ông già râu bạc dùng hết cách mà bốn vị vẫn im lìm. Bất giác ông lộ vẻ không hài lòng, mở to mắt, lớn tiếng nói : - Chư hiền đệ! Giả tỉ các hiền đệ không lượng xét cho tiểu huynh cũng xin nói rỏ ra, nếu cứ ngậm miệng như thế này mãi thì thật tiểu huynh không thể chịu nổi. Bốn vị vẫn ngồi yên không nhúc nhích. Ông già râu bạc đột nhiên nghĩ ra một kế, từ từ bước lại phía ông già mặc áo xanh phớt ngồi phía tả. Bỗng có tiếng ngăn lại : - Hãy khoan! Ba thiếu niên mặc áo xanh phớt nhất tề nhảy ra đứng chắn trước mặt ông già râu bạc, nói tiếp : - Lão tiền bối có điều chi chỉ dạy xin cứ nói cho vãn bối hay là được. Gia sư đang luyện công chưa tỉnh, xin lão tiền bối đừng kinh động! Ông già râu bạc đột nhiên làm mặt giận, nhưng chỉ thoáng cái ông đã lấy lại được vẻ trấn tĩnh hòa ái, cười hỏi : - Các ngươi có biết ta là ai không? Ba gã thiếu niên áo màu xanh phớt, đồng thanh đáp : - Bất luận là ai cũng không thể quấy rầy gia sư trong lúc người luyện công. Ông già râu bạc tự nhiên sa sầm nét mặt hỏi : - Có thật sự sư phụ các ngươi đang vận công, điều hòa hơi thở không? Gã thiếu niên đứng bên tả quay đầu nhìn sư phụ rồi đáp : - Gia sư đang nhập định, thường là một ngày một đêm không ăn uống, không cử động. Hiện mới được một đêm, lão tiền bối có việc chi gấp vậy? Ông già râu bạc chú ý nhìn hồi lâu vào mặt ông già áo xanh rồi quay phắt lại từ từ bước sang phía ông mặc áo vàng đang ngồi quay mặt vào tường. Ba thiếu niên mặc áo võ sinh màu vàng vừa nghe tiếng áo lất phất đã nhanh như chớp nhảy vào đại điện, đứng hàng chữ nhất chắn lối ông già râu bạc. Ông già râu bạc khẽ thở dài một tiếng, lắc đầu rồi lại chuyển hướng đi về phía ông già áo tía, nhưng cũng bị ba thiếu niên áo tía nhảy ra ngăn cản. Rốt cuộc ông già râu bạc đi về phía nào cũng bị những thiếu niên ngăn trở. Ông già râu bạc tựa hồ như không muốn động thủ cùng bọn thiếu niên, ông từ từ đi trở lại giữa đại điện đưa mắt nhìn mười hai gã rồi gằn giọng hỏi : - Có thật sư phụ các ngươi đang vận công nhập định? Ngoài ra không có ý gì khác? Câu hỏi đột ngột khiến cho mười hai thiếu niên đồng cảm thấy rùng mình, quay đầu lại nhìn thì thấy bốn vị vẫn đang xếp bằng tĩnh tọa, tuyệt không tỏ vẻ gì khác, liền đồng thanh đáp : - Quả vật! Nghiệp sư phụ đang tĩnh tọa nhập định. Lão áo xanh râu bạc khẽ gật đầu nói : - Ta cũng mong như vậy! Rồi lão cũng xếp bằng ngồi xuống nhắm nghiền đôi mắt. Mười hai thiếu niên ai nấy lui về sau lưng sư phụ mình ngồi xuống đất. Tòa đại điện trở lại với bầu không khí tĩnh mịch. Gió thu vẫn thổi hoa quế thơm ngọt ngào vào đại điện, đồng thời lay động bốn ngọn hồng lạp lúc sáng lúc mờ ảo. Không biết lúc đó vào giờ nào, một thanh âm uyển chuyển quyện với mùi hoa quế vọng vào đại điện. Thanh âm này cực kỳ quái dị, êm đềm và loáng thoáng, như có, như không, văng vẳng bên tai dù chú ý đến đâu cũng không nghe rõ. Mười hai gã thiếu niên đều nghe thấy nhưng không ai nói ra vì không có cách gì xác định được người khác cũng nghe thấy như mình, hay là chỉ riêng mình có cảm giác hão huyền. Họ sợ nói ra, thì tự mình kém cỏi còn là việc nhỏ, nhưng tổn thương đến oai danh của sư môn mới là việc lớn. Nên tuy mười hai gã cùng nghe thấy mà đều lơ đi như không có chuyện gì. Thanh âm như có như không, như thực như hư, rồi thốt nhiên trầm xuống khiến cho mười hai thiếu niên đồng thời cảm thấy rất kỳ dị, tựa hồ như người đang ở trên cao trăm ngàn trượng bị đẩy xuống hố sâu không đáy, đã không có cách chống đỡ lại không tài nào kêu lên tiếng được, họ tuyệt vọng đến nỗi phải nhắm mắt lại. Lúc mấy người tỉnh lại thì trời đã sáng tỏ. Bốn cây hồng lạp đã cháy hết. Lão áo xanh râu bạc đêm qua ngồi nơi chính điện không thấy đâu nữa. Mỗi người nhìn nhau rồi lại nhìn đến các vị sư phụ. Bốn vị vẫn ngồi đó không xê xích chút nào. Mười hai gã thiếu niên, vì oai danh của sư môn mình dù không có điều gì hằn học nhau, nhưng vẫn còn chỗ riêng tây nên không ai chịu kể lại với ai. Bọn họ đối với việc ông già râu bạc tự nhiên bỏ đi, trong lòng đều sinh ra lo sợ. Mười hai thiếu niên, hai mươi bốn con mắt đổ dồn vào chỗ ông già râu bạc ngồi thấy không còn dấu vết chi cả. Đây là một cục diện đầy bí ẩn, cả mười hai thiếu niên đều biết rằng tình hình có vẻ không ổn mà không ai muốn đến thức tỉnh sư phụ mình trước. Thế rồi gã nọ nhìn gã kia trong lòng rất hoang mang lo sợ mà không ai mở miệng nói trước. Nguyên mười hai thiếu niên này từ lúc theo sư phụ mình vào đại điện. Mỗi vị chọn lấy một chỗ. Sau khi đâu ngồi đó các vị đều nhắm mắt điều hòa hơi thở, không ai mở mắt nhìn ai một lần nào nữa. Tình trạng này chưa bao giờ có, mười hai thiếu niên hàng ngày kề cận sư phụ mình chưa thấy lần nào kỳ dị như hôm nay. Đứng trước hoàn cảnh bất thường họ không biết xử trí ra sao, chỉ cho là bốn vị ngồi luyện công, nên thủy chung vẫn không dám kinh động. Thời gian vẫn trôi đi vùn vụt, bốn ông già sắc phục khác nhau vẫn ngồi yên nguyên chỗ không nhúc nhích. Mười hai thiếu niên đều ruột nóng như lửa đốt, đi tới đi lui trong đại điện, nhung không dám kinh động sư phu. Bỗng gã thiếu niên áo trắng nói khẽ : - Trong võ lâm chưa có ai ngồi lâu như vậy. Các vị sư phụ đây đã ngồi một ngày một đêm không ăn uống gì, chẳng biết ra sao? Gã thiếu niên lớn tuổi hơn đáp : - Sư phụ thường nhắm mắt nhập định mấy ngày không ăn là thường. Đây mới có một ngày một đêm tưởng cũng chẳng tổn thương gì. Câu nói này tiếng nói khá lớn dường như có ý để bốn ông già nghe tiếng. Nhưng lạ thay bốn ông vẫn như không nghe thấy gì, mí mắt vẫn không động đậy. Mười hai gã thiếu niên chia nhau đứng gần sư phụ mình đã một ngày trời. May mà tòa nhà cổ này ở nơi hoang dã, thường ngày rất ít người qua lại nên không ai làm kinh động đến bọn họ. Đêm đã hơi khuya, trăng mới mọc chiếu vào đại điện, mười hai gã thiếu niên mỗi lúc một thấy tình trạng nguy ngập hơn, ai nấy đều phập phồng lo sợ. Một gã thiếu niên áo xanh cất tiếng nói lớn : - Bọn ta cứ chờ đợi mãi biết đến bao giờ? Tại hạ tưởng chúng ta cần gọi sư phụ tỉnh lại. Chưa dứt lời, một thiếu niên mặc áo tía lợt nói tiếp : - Phải đó! Chúng ta c đợi nữa cũng không sao, nhưng gia sư một khi nhập định tai mắt vẫn có linh mẫn đặc biệt. Chẳng lẽ chúng ta lớn tiếng nói chuyện thế này mà người không nghe thấy? Mười hai người bàn bạc cả nửa ngày mới đồng ý vào thức tỉnh sư phụ. Bọn họ bước tới lạy phục sát đất đồng thanh gọi : - Sư phụ!.... Bốn ông già vẫn ngồi yên, dường như không thấy tiếng các đệ tử gọi. Mười hai gã thiếu niên đồng thời cảm thấy hoang mang, chú ý nhìn mặt sư phụ thì vẫn thấy sắc mặt bình thường không thấy gì khác lạ. Chỉ thấy hai mắt nhắm nghiền như người đang hành công vận khí. Các thiếu niên lại có lòng kiên quyết tự tin. Họ cho là võ công sư phụ mình thâm hậu vô cùng, các vị ngồi tĩnh tọa quyết không thể xảy ra những chuyện bất ngờ... Hơn nữa từ lúc sư phụ tiến vào đại điện ngồi tĩnh tọa nguyên chỗ, ngoại trừ ông già áo xanh râu bạc chẳng một ai vào. Các bậc võ công thượng thặng đang tĩnh tọa, không có cường địch ám toán thì còn có điều gì khả nghi. Họ chỉ băn khoăn ở chỗ các vị ngồi lâu thế mà tuyệt nhiên không hề nháy mắt. Mười hai gã thiếu niên điều cho là một trường hợp đặc biệt kỳ lạ, nên chỉ thấy trấn tĩnh được một chút rồi lại thấy trong dạ nôn nao, rồi lại chăm chú nhìn sư phụ. Bỗng một gã thiếu niên áo vàng kêu rú lên một tiếng kinh hãi : - Sư phụ!.... Rồi nước mắt tràn ra như mưa. Tiếng rú kinh hãi này làm cho hết thảy mọi người đều run sợ, trống ngực đánh thình thịch, quay đầu nhìn ra. Gã thiếu niên áo vàng khác lớn tuổi hơn khẽ hỏi : - Chu sư đệ! Sư đệ điên rồi sao? Gã họ Chu lau nước mắt nức nở nói : - Sư... Sư phụ đã tịch rồi... Hắn vừa dứt lời, hết thảy đều giật mình, cả kinh thất sắc. Gã thiếu niên áo vàng lớn tuổi tức giận nói : - Sư phụ ngồi vận công tĩnh tọa tự nhiên vô cớ sao lại thác được. Sư đệ chỉ nói càn! Tuy miệng gã nói vậy nhưng trong lòng gã rất hoang mang, rất xúc động. Vì muốn bảo vệ danh dự của sư phụ, hắn không dám thò tay vào sư phụ mình để xem lời sư đệ nói có đúng không. Gã thiếu niên họ Chu buồn rầu nói : - Sư phụ thác thật rồi! Hai tay người đã giá lạnh. Bấy giờ gã áo vàng lớn tuổi mới từ từ đưa tay ra sờ vào tay ông già áo vàng. Bỗng đột nhiên rụt tay lại nói : - Sư phụ nội lực tinh thâm không thể nào thác thế này được. Lòng gã tôn kính sư phụ vô cùng. Tuy gã biết là sư đệ nói đúng nhưng vẫn không chịu thừa nhận. Gã thiếu niên họ Chu không thấy sư huynh mình nói thêm liền nói tiếp : - Đệ thấy sư phụ ngồi yên không nhúc nhích nên đã có ý nghi ngờ, liền đưa tay sờ vào bàn tay người đang chắp để trên ngực nên mới biết là sư phụ đã thác lâu rồi, hai tay đã lạnh cứng. Mười một gã thiếu niên kia đều la lên những tiếng hãi hùng, sờ tay sư phụ mình. Ai nấy cũng đều khóc rống lên vì gã họ Chu nói đúng. Bốn ông đã chết tự bao giờ. Hai tay đều lạnh ngắt cứng đơ. Ngoài trời làn mây ảm đạm dày đặc che mất ánh trăng, trong điện tối om. Ngọn gió thu hiu hắt đưa mùi hoa quế ngào ngạt vào trong điện. Lại một âm thanh huyền ảo lẫn trong gió đưa đến. Âm thanh cực kỳ vi nhược như có như không mà vẫn lọt vào tai mọi người. Bỗng có tiếng một người hỏi : - Các bạn hãy thử lắng tai nghe! Dường như có một thanh âm rất lạ? Một người khác lớn tiếng đáp : - Đúng rồi! Đêm qua tôi đã nghe thấy thanh âm này. Trong đại điện tối om, chỉ nghe tiếng người nói chuyện mà không biết là ai. Nhưng kỳ thật thì trong lòng mọi người đều cảm thấy nặng trĩu dường như đang bị một sức nặng ngàn cân đè lên, chẳng ai buồn để lưu tâm xem người nào đã nói ra câu đó. Bỗng lại thấy có một người khác lên tiếng : - Thanh âm này dường như là tiếng tiêu... Trong đại điện tiếng khóc đã im bặt, một người khác lên tiếng phản đối : - Đâu phải tiếng tiêu. Tại hạ thổi tiêu đã hơn mười mấy năm trời nên hiểu rõ lắm. Lại một giọng nói cục mịch xen vào : - Thanh âm tuy uyển chuyển du dương, nhưng khiến người nghe phải buồn ngủ. Câu nói này khiến mọi người chợt nhớ ra thanh âm kỳ dị đêm trước, làm cho ai nấy đều bị xúc động mạnh mẽ rồi chẳng mấy chốc đã ngủ mê đi, thậm chí ông già râu bạc bỏ đi cũng chẳng ai biết. Thanh âm đang êm ái mơ hồ bỗng đổi điệu cao bổng lên đầy vẻ sát phạt tựa hồ như có thiên binh vạn mã đang kéo đến ầm ầm. Mười hai thiếu niên đồng thời cảm thấy dường như đang bị hãm vào vòng vây. May mà tiếng sát phạt vọt lên một lúc, mọi người vừa bị cảm xúc thì thanh âm đó đã im bặt. Bất thình lình có người quát lớn rồi đứng phắt dậy chạy ra ngoài điện. Lúc đó tầng mây dầy đã lảng vảng bay đi, ánh trăng mờ ảo ẩn hiện bóng người chạy ra ngoài điện, mình mặc áo trắng. Bỗng có tiếng người lên tiếng gọi giật lại : - Vương sư đệ! Sư đệ đi đâu? Sao không trở về? Tuy sư huynh gọi gấp nhưng tựa hồ gã không nghe thấy, càng chạy thật mau; thoáng cái đã mất hút. Một người khác có vẽ bực tức nói : - Sư phụ chết chưa nhắm mắt mà gã đã không nghe lời sư huynh ở lại lo liệu, tôi phải chạy theo bắt gã trở lại mới được. Tuy gã này nói với sư đệ như vậy, nhưng mọi người trong điện đang để tâm vào việc nghiêm trọng, ai nấy đều hết sức lo lắng nên gã muốn nói gì thì nói. Kể ra trước hoàn cảnh này bọn họ phải cùng nhau thương nghị, đưa ra kế hoạch để đối phó với tình thế. Nhưng lúc bốn ông già vào đại điện không có điều gì dặn bảo, nên bọn đệ tử vẫn riêng rẽ từng tốp không ai nói với ai câu nào. Dường như ai bàn ra trước là làm thương tổn đến uy danh sư môn mình. Bất thình lình trong điện lóe lên ánh lửa sáng. Ông già áo xanh râu bạc đêm trước lại xuất hiện. Ông này lúc đi cũng như lúc đến, tuyệt nhiên không phát ra tiếng động nào nên chẳng ai biết. Ánh lửa chiếu vào chòm râu bạc và nét mặt nghiêm trang. Mười một gã thiếu niên, không ai bảo ai nhất tề đứng phắt dậy bao vây chung quanh ông. Ông già này hai mắt lấp loáng, luồng nhãn quang đảo nhìn mọi người rồi nghiêm giọng hỏi : - Lại một gã đi đâu rồi sao? Giọng nói nghiễm nhiên tự đặt mình vào địa vị sư trưởng. Hai gã thiếu niên áo trắng tức giận đồng thanh hỏi : - Ông là ai? Ông già áo xanh đột nhiên trừng mắt lên như muốn nổi nóng, nhưng chỉ thoáng qua, ông ẩn nhẫn được ngay, dịu giọng nói : - Lão phu không nói nên các ngươi không biết lão phu là ai? Ngừng giây lát, ông nói tiếp : - Các ngươi đã có nghe sư phụ các ngươi nói tới Diệp Nhất Bình bao giờ chưa? Giọng nói có vẻ âm trầm ảo não. Mười một gã thiếu niên hơi rùng mình đồng thanh đáp : - Thì ra ông là đại sư bá. Nói xong liền lạy phục xuống đất. Diệp Nhất Bình đôi mắt rung rinh ngấn lệ ngửa mặt lên thở dài nói : - Gia sư các ngươi đã thường đề cập đến đại danh của sư bá, nào ngờ hôm nay lẽ ra người được trùng phùng, nhưng ta đã đến chậm một bước thành thử gia sư các ngươi đã hóa ra người thiên cổ... Đang nói dở câu nhưng gã sực nhớ đến chuyện đêm trước nên hắn thôi không nói nữa. Diệp Nhất Bình thở dài não ruột nói : - Giả tỷ ta không an bài kịp thì quả nhiên bốn vị hiền đệ đã thiệt mạng vào tay người đó. Mười một gã thiếu niên sửng sốt nhìn nhau hỏi : - Sao? Chẳng lẽ sư phụ. Diệp Nhất Bình gật đầu nói : - Sư phụ các ngươi quả chưa chết nhưng không thể để cho tỉnh lại ngay được. Tên cường địch này xảo trá vô cùng, nếu y biết sư phụ các ngươi còn sống tất y sẽ quay trở lại. Người này võ công tuyệt cao, chúng ta không thắng nổi y. Bây giờ chỉ còn cách... Bất thình lình một cơn gió thổi bật tà áo lên, một bóng đen mặc áo dạ hành từ ngoài điện nhảy vào, lưng đeo bảo kiếm, tay dài như tay vượn, lông mày như thanh kiếm, mắt sáng như sao, coi bộ là một thiếu niên anh tuấn. Tay phải cắp một người toàn thân mặc áo trắng. Chàng khom lưng nói với ông già áo xanh râu bạc : - Đệ tử đã điểm huyệt y và bắt sống y đem về đây. Diệp Nhất Bình đưa mắt nhìn gã áo trắng rồi nói : - Được lắm! Ngươi để gã xuống đây rồi hãy ra canh giữ cửa điện, bất cứ là ai muốn trốn ra đều phải giữ lại. Thiếu niên áo đen “dạ” một tiếng rồi rút thanh kiếm sau lưng ra cầm tay đi ra ngoài đại điện. Diệp Nhất Bình lại đưa mắt nhìn mười một gã thiếu niên đứng chung quanh một lượt rồi nói : - Trong bọn các ngươi đây, ai là người đã biết võ nghệ trước nhập môn, xin mời lại gần lão phu một chút. Ông hỏi luôn mấy câu mà không thấy ai trả lời. Diệp Nhất Bình từ từ móc trong bọc ra một cuồn sổ mỏng rồi cười nói : - Đối với việc này lão phu đã dụng tâm khá nhiều, điều tra minh bạch. Hành động của các ngươi ta đã ghi vào nhật ký, đừng hòng chạy thoát. Nói rồi, ông mở nhật ký ra xem. Bỗng thấy gã áo tía lên tiếng : - Đừng nghe lời xảo trá của lão, rõ ràng là lão đã hạ độc thủ để hại sư phụ, bây lão còn khéo giở trò ma quái. Sư phụ đã thác rồi, ai nấy đều chính mắt mình nhìn thấy. Đời nào người chết rồi còn sống lại được. Câu nói này khiến cho tất cả mọi người sinh lòng nghi hoặc, mười gã thiếu niên kia cũng đồng thanh phụ họa. Trong đại điện nhốn nháo cả lên. Diệp Nhất Bình gọi chàng thiếu niên đang đứng canh cửa bảo : - Bắt tên phản đồ này cho ta. Thiếu niên áo đen lạng mình đi một cái, xông vào giơ chưởng lên nhằm đánh vào gã áo tía nói câu vừa rồi. Thiếu niên áo đen vừa ra tay, lập tức gây căm phẫn cho mười gã kia. Họ nhất tề phóng quyền ra đánh chàng áo đen. Thiếu niên áo đen cười lạt một tiếng, tay phải đổi thế đánh ra thế bắt, nhanh như chớp chụp xuống đùi bên tả gã áo tía, rồi nghiêng người một cái đi ra ngoài. Tuy thế đánh này rất hung mãnh bắt buộc mọi người phải mở một lối đi nhưng chàng vẫn không thể nào tránh khỏi những quyền chưởng phóng tới ào ào đập xuống sau lưng. Song bao nhiêu quyền, chưởng đánh tới đều bật ngược trở lại. Mọi người dừng tay đứng ngẩn người ra nhìn chàng áo đen. Nguyên những quyền, chưởng đánh vào người chàng áo đen chẳng khác gì đập vào thỏi sắt khiến cho gân tay tê buốt mà chàng thiếu niên áo đen dường như chẳng cảm thấy gì. Diệp Nhất Bình cặp mắt loang loáng đảo nhìn mọi người lạnh lùng quát bảo : - Dừng tay! Tuy tiếng quát không lớn lắm nhưng chẳng khác gì cơn gió dữ đập vào màng tai, khiến cho ai nấy không khỏi rùng mình, đứng yên không nhúc nhích. Diệp Nhất Bình đưa mắt nhìn gã áo tía bị bắt khẽ bảo chàng áo đen : - Kỳ nhi! Con điểm huyệt gã đi. Thiếu niên áo đen vâng lời ra tay điểm huyệt gã. Diệp Nhất Bình khẽ vuốt chòm râu bạc, nói : - Lát nữa trong bọn ngươi sẽ có bốn tên máu chảy trên đại điện. Chưa dứt lời ông đưa mắt nhìn hai gã áo trắng, một áo tía nằm dưới đất bỗng biến sắc. Bằng một giọng cực kỳ nghiêm trọng, ông nói tiếp : - Trừ hai gã này, còn hai tên nữa, mau ra đi. Ta quyết không hành hạ các ngươi đâu. Nếu trước mặt lão phu đây mà còn ăn nói hồ đồ thì đừng trách ta độc ác. Mười gã thiếu niên đưa mắt nhìn nhau, ai cũng nơm nớp, tựa hồ không hiểu ông nói gì. Đột nhiên một người bước tới rút thanh trường kiếm sau lưng chỉ vào ông râu bạc, lớn tiếng quát hỏi : - Ngươi là ai? Cốt ý giở trò ma quái là có ý gì? Mọi người nhìn xem là ai, thì ra là gã thiếu niên áo trắng. Gã quắc mắt nhìn ông già râu bạc, cầm ngang lưỡi kiếm rõ vẻ muốn ra tay. Diệp Nhất Bình lạnh lùng nhìn gã thiếu niên cầm ngang ngọn kiếm hỏi : - Chẳng lẽ ngươi còn hoài nghi lão phu sao? Thiếu niên áo trắng chưa kịp trả lời, bất thình lình sau pho tượng thần có tiếng cười the thé vang lên, rồi nói : - Diệp Nhất Bình! Cả ngươi cũng trúng ám toán của ta rồi, khó lòng sống được mười hai giờ nữa. Diệp Nhất Bình quay đầu nhìn lại thì thấy một ông cao lêu nghêu, gầy khẳng gầy kheo, mình mặc áo trắng, tay chống gậy trúc từ từ bước ra. Không biết lão nấp sau pho tượng tự bao giờ mà lúc này đột nhiên xuất hiện. Diệp Nhất Bình biến sắc hỏi : - Ông Thiên Nghĩa! Ngươi nói thật đấy chứ? Lão cao gầy mặc áo trắng khẽ đập cây gậy trúc xuống đất cười nói : - Có bao giờ Ông mỗ nói sai? Diệp Nhất Bình lại hỏi : - Tại sao ngươi lại ám toán ta? Ông Thiên Nghĩa cười ha hả đáp : - Ta chỉ muốn bốn gã kia không chết. Còn ngươi ta không muốn để sống. Diệp Nhất Bình quay đầu nhìn ra chàng thiếu niên áo đen, lạnh lùng hỏi Ông Thiên Nghĩa : - Còn gã đồ đệ kia của ta đã trúng độc chưa? Ông Thiên Nghĩa khẽ nhếch miệng cười khan lên tiếng nói : - Tất cả mọi người trong đại điện đã trúng độc cả rồi. Diệp Nhất Bình hỏi : - Chất độc trong mình ta bao giờ sẽ phát tác? Ông Thiên Nghĩa ngẩng đầu nhìn trời đáp : - Vào khoảng giờ ngọ ngày mai. Diệp Nhất Bình nói : - Vậy thì lão phu còn sống được thêm năm giờ nữa. Ông Thiên Nghĩa nói : - Nếu ngươi chịu biến cải tâm tính ít ra cũng sống thêm được ba năm. Diệp Nhất Bình lẳng lặng suy nghĩ không nói gì thêm nữa. Thiếu niên áo đen tức giận quát lên một tiếng, chống kiếm xông lại. Ông Thiên Nghĩa đập gậy trúc xuống đất, khẽ quát : - Bản lĩnh kém cỏi như ngươi sao địch nổi lão phu? Diệp Nhất Bình đưa người ra chận thiếu niên áo đen lại nói : - Kỳ nhi! Không được vọng động. Lùi lại cho mau. Ông Thiên Nghĩa đưa mắt nhìn qua tất cả mọi người lạnh lùng nói : - Tất cả mọi người ở đây đều đã bị thương vì mũi kim độc của lão phu, chỉ nội trong mười hai giờ chất độc phát ra là chết hết. Trên thế gian này không có thuốc nào cứu được tính mạng cho các ngươi, chỉ có một con đường sống là uống thuốc giải độc của lão phu đây tự chế ra, cứ cách ba ngày uống một viên, nếu quên uống trong mười hai giờ là chất độc lập tức hành hạ. Mười gã thiếu niên mắc phải vụ kỳ quái này, đầu óc hôn mê hai mắt mở trừng trừng, miệng há hốc không biết làm thế nào. Thiếu niên áo vàng đứng cuối hàng bên tả nói xen vào : - Xin lão tiền bối hãy cứu tỉnh sư phụ tiểu tử lại rồi hãy nói chuyện. Ông Thiên Nghĩa lắc đầu cười lạt nói : - Bốn vị này đã uống thuốc giải độc của ta. Sau đây ba ngày không cần ai cứu cấp vẫn tỉnh lại. Lão ngừng một lát, đột nhiên cất cao giọng hỏi : - Các ngươi định chết trong đại điện này hay hy vọng sống thêm? Lão hỏi luôn mấy câu nhưng vẫn không ai trả lời. Nguyên những người có mặt tại đây, chỉ riêng một mình Diệp Nhất Bình là biết lão còn ngoài ra không ai biết nên câu chuyện lão nói mọi người trúng phải kim độc tất cả đều không tin. Ông Thiên Nghĩa nhìn mặt mọi người biết họ có ý hoài nghi liền cười lạt nói : - Suốt đời tại hạ không nói dối ai, các vị không tin xin vén tay áo lên mà xem thì sẽ rõ, lão phu nói có thật không? Mười gã thiếu niên đều vén tay áo lên cao, quả nhiên thấy nơi huyệt “Quan Tiết” ở khuỷu tay có một chấm đen bằng hạt đậu thì ai nấy đều rùng mình tự hỏi : “không biết ta trúng kim độc tự lúc nào mà không thấy đau đớn gì hết?”. Ông Thiên Nghĩa khẽ gõ đầu gậy xuống đất nói : - Các ngươi ở trong tòa đại điện hoang vu này đã hai ngày một đêm hẳn đều nhận thấy trong cuộc đời các ngươi đã cảm thấy có nhiều điều quái dị. Có biết đâu cũng trong thời gian này có nhiều cao thủ trong hắc, bạch lưỡng đạo đã phát sinh nhiều cuộc đấu trí và đấu lực rất ác liệt. Hơn nữa còn bao nhiêu tay cao thủ đã bị tử thương... Nói đến đây ngọn đuốc trong tay Diệp Nhất Bình đã cháy hết. Nhân lúc tối om, không biết ai đã lên tiếng hỏi : - Lão tiền bối nói câu đó với ngụ ý gì, vãn bối vẫn chưa hiểu, liệu tiền bối nói rõ nguyên nhân cho vãn bối nghe được không? Trong tòa đại điện vẫn bao phủ một bầu không khí trầm lặng tối mò. Lát sau lại nghe thấy một tiếng ồm ồm hỏi : - Khắp nơi hai phái Hắc, Bạch xung đột nhau, còn trong ngôi chùa cổ này không ân sư hội họp nhau có liên quan gì đến không? Đột nhiên nghe một trận cười ha hả ngắt đứt câu hỏi chưa dứt, tiếp theo có tiếng nói : - Diệp Nhất Bình! Ngươi vận động chân khí để ngăn ngừa chất độc phát tác đó hả? Sao không chịu ngồi yên điều hòa hơi thở? Ngươi làm thế chỉ chóng cho chất độc hành hạ mà thôi. Thốt nhiên ánh lửa lại sáng lên. Ông Thiên Nghĩa đưa cao ngọn đuốc đang cháy cầm trên tay từ từ bước lại thắp sáng nến trước pho tượng lên. Ánh lửa sáng soi rõ mặt lão râu bạc áo xanh lộ vẽ đau khổ cùng cực. Diệp Nhất Bình ngồi xếp bằng dưới đất, đưa mắt nhìn Ông Thiên Nghĩa lạnh lùng nói : - Giả tỷ Diệp Nhất Bình này chưa bị trúng độc thụ thương thì quyết không chịu thua dưới tay Ông Thiên Nghĩa. Ông Thiên Nghĩa cả cười nói : - Võ lâm khắp thiên hạ không ai không biết Ông mỗ khét tiếng về dùng độc. Vậy câu nói của ngươi cũng bằng thừa. Diệp Nhất Bình không nói gì nữa, từ từ nhắm mắt lại vận chân khí điều hòa hơi thở. Nguyên trong lúc đèn tắt, hai người đã đem nội công thượng thừa đấu ngầm với nhau. Mới đấu ba chiêu thì Diệp Nhất Bình trong người bị nội thương nặng và trúng độc không thể chống lại và chịu thua Ông Thiên Nghĩa. Gã thiếu niên áo đen nhìn thần sắc sư phụ bất giác trong lòng nỗi giận. Chẳng quản mình đang trúng độc, nhảy xổ đến đánh ra chiêu “Xuyên Vân Trích Nguyệt” nhanh như gió. Ông Thiên Nghĩa đưa gậy trúc lên gạt phăng thanh trường kiếm lạnh lùng nói : - Đến sư phụ ngươi còn muốn chết không được, ngươi không dừng tay ngay mà còn vô lễ thì đừng trách ta hạ độc thủ. Diệp Nhất Bình chợt mở mắt ra, quát lớn : - Kỳ nhi! Ngươi không phải là đối thủ của lão, dừng tay lại ngay. Thiếu niên áo đen thở dài thu kiếm lại đứng lùi qua một bên. Ông Thiên Nghĩa đảo mắt nhìn mọi người rồi nói : - Trước nay lão phu làm việc gì cũng minh bạch mau lẹ, các ngươi có muốn lão phu giải cứu cho hay không tùy, ta quyết không miễn cưỡng... Ngừng một lát, lão nói tiếp : - Ta nói rõ cho các ngươi biết trước, kim độc của ta là do các chất độc chế luyện nên. Ngoài bản chất kịch độc của nó, thể tích của nó cũng nhỏ bé lạ thường. Nếu trúng phải nó mà trong sáu giờ không lấy ra, nó sẽ chui vào trong mạch máu tuần hoàn đi khắp cơ thể, đâm vào cả ngũ tạng lục phủ. Tuy độc tính của nó chiều mai các ngươi mới cảm thấy phát tác, thế nhưng nếu các ngươi muốn bảo toàn tánh mạng thì phải lấy được nó ra trước giờ dần. Nói xong lão từ từ chống gậy trúc bước ra khỏi đại điện. Diệp Nhất Bình gọi giật lại : - Ông Thiên Nghĩa trở lại đã! Chúng ta thương lượng chút. Ông Thiên Nghĩa mỉm cười đi trở vào nói : - Đây thật không phải là chuyện chơi nếu Diệp huynh không sớm định chủ ý. Ta bỏ ra đi không những quí vị chết oan uổng mà cả bốn vị nghĩa đệ kia dù ta đã cho uống thuốc giải mà không người trông nom thì cũng không sống nỗi. Diệp Nhất Bình nói : - Bốn vị kia tuy cùng ta có nghĩa giao kết nhưng đã ba mươi năm nay chưa được hội diện, mình ta không thể chủ trương được. Giờ chỉ có cách là lão huynh hãy lấy kim độc trên người mười hai gã đệ tử kia và cứu tỉnh cho bốn vị nghĩa đệ của ta rồi đem điều yêu sách của lão huynh nói cho họ nghe. Bất luận là họ có ưng ý hay không, lão phu cũng đảm bảo quyết không gia hại đến lão huynh. Ông Thiên Nghĩa đắn đo một lúc, đưa mắt nhìn mọi người trong điện một lượt nói : - Nếu lão phu không nghe lời của Diệp huynh thì e rằng có người nói lão phu chỉ biết hăm dọa. Diệp Nhất Bình trông ra ngoài cửa điện, thúc giục : - Thời giờ cấp bách lắm rồi, nếu lão huynh thuận theo đề nghị của ta thì xin lập tức ra tay. Ông Thiên Nghĩa khẽ gật đầu, chạy đến trước ánh đèn trước pho tượng hỏi : - Ai là người để cho lão phu lấy kim độc ra trước? Thiếu niên áo đen bước lại nói : - Để tiểu tử thử xem lời tiền bối thật hay giả. Ông Thiên Nghĩa nhìn chàng một cái rồi nói : - Hay lắm! Cởi áo ra đi. Thiếu niên áo đen ngần ngừ một chút hỏi : - Tại hạ bị trúng kim độc chỗ nào? Ông Thiên Nghĩa đáp : - Ở bên tay trái ngươi. Thiếu niên áo đen vén một bên tay áo trái lên hỏi : - Thế này được chưa? Ông Thiên Nghĩa không đáp, thò tay vào bọc móc ra một mảnh nam châm hình móng ngựa. Đặt cây gậy trúc xuống, tay trái nắm chặt lấy tay trái chàng, tay phải cầm mãnh nam châm đặt vào chổ trúng kim độc, xoay chuyển luôn luôn. Một mặt lão vận động chân lực cho mạch máu tụ lại. Chỉ trong một lúc, cánh tay trái thiếu niên áo đen đang trắng bạch từ từ biến thành sắc hồng tươi. Mười gã thiếu niên kia bu quanh lại xem.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]