🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Nghĩ thoáng ra xem nào. Mình cần nghĩ thoáng ra. Nào phải động đất hay có gã điên nào đó mang súng hoặc sự cố hạt nhân gì đâu? Theo thước đo thảm họa thì việc này chẳng có gì to tát cả. Chẳng có gì to tát cả. Sau này nghĩ lại kiểu gì tôi cũng tự cười mình và nghĩ bụng, “Ha ha, sao lúc ấy mình lại ngớ ngẩn cuống cà kê lên thế nhỉ..."

Thôi nào, Poppy. Đừng giả bộ nữa. Lúc này tôi đâu cười - thực ra là còn đang phát ốm lên. Tôi đang mò mẫm trong phòng khiêu vũ của khách sạn, tim đập thình thịch, vô vọng hết nhìn trên tấm thảm nền xanh lơ trang trí họa tiết lại nhìn sau những chiếc ghế mạ vàng, dưới những chiếc khăn ăn bỏ đi, những nơi không thể có nó.

Tôi đánh mất nó rồi. Thứ duy nhất trên đời lẽ ra không được đánh mất. Chiếc nhẫn đính hôn của tôi.

Nói rằng đó là một chiếc nhẫn đặc biệt thì vẫn chưa đủ. Nó đã đi qua ba thế hệ nhà Magnus. Một chiếc nhẫn đẹp mê hồn bằng ngọc lục bảo điểm hai viên kim cương, được bảo quản trong két đặc biệt của ngân hàng trước khi Magnus rút ra lúc anh ngỏ lời cầu hôn tôi. Suốt ba tháng nay ngày nào tôi cũng đeo cẩn thận, tối đến thì kính cẩn đặt lên trên một chiếc khay sứ đặc biệt, cứ ba mươi giây lại cảm thấy ngón tay mình thiêu thiếu... thế mà bây giờ, đúng cái ngày bố mẹ anh từ Mỹ trở về thì tôi lại đánh mất nó. Đúng cái ngày này .

Ông bà Giáo sư Antony Tavish và Wanda Brook-Tavish vào giây phút này đang bay về nước sau sáu tháng nghỉ phép đi du ngoạn Chicago. Tôi có thể hình dung ra họ lúc này đang nhai lạc rang tẩm mật ong và mỗi người ôm một chiếc Kindle mà đọc bài vở. Thực tình tôi không biết ai trong hai người làm tôi khiếp hơn.

Là ông giáo sư. Bác ấy hay mỉa mai thôi rồi.

Không, bà giáo sư mới đúng. Tóc uốn quăn, lúc nào cũng vặn hỏi người ta quan điểm về vấn đề nữ quyền.

Đồng ý, cả hai người đều đáng sợ kinh. Và chỉ khoảng một tiếng nữa họ sẽ hạ cánh, rồi tất nhiên là họ muốn thấy chiếc nhẫn...

Không. Đừng thở dốc như thế, Poppy. Giữ vững tinh thần nào. Mình chỉ cần nhìn việc này từ một góc độ khác. Ví dụ như... thám tử Poirot [1] sẽ làm gì ở vào địa vị mình? Ông ta chắc sẽ không tá hỏa lạch bạch ngược xuôi. Ông ta sẽ bình tĩnh dùng những tế bào chất xám bé xíu gợi nhớ lại từng tiểu tiết cốt yếu, manh mối giải quyết mọi việc.

[1] Tên nhân vật thám tử người Bỉ trong truyện trinh thám của Agatha Christie (chú thích của Người dịch, từ đây sẽ viết gọn là N.D)

Tôi nhắm nghiền mắt lại. Những tế bào chất xám bé xíu ơi. Cố lên. Cố hết sức xem nào.

Vấn đề là, tôi không chắc thám tử Poirot có uống ba ly sâm banh hồng và một ly mojito trước khi phá Vụ giết người trên chuyến tàu tốc hành phương Đông hay không.

“Cháu gì ơi!” một cô nhân viên tóc muối tiêu đẩy máy hút bụi đang cố tránh tôi, tôi há hốc miệng hoảng hốt. Họ đã làm vệ sinh hút bụi phòng khiêu vũ rồi sao? Ngộ nhỡ họ hút cả chiếc nhẫn thì sao?

“Cô ơi.” Tôi nắm lấy vai áo bằng vải nilon màu xanh lơ của người dọn phòng. “Làm phiền cô cho cháu tìm thêm năm phút nữa trước khi hút bụi được không ạ?”

“Vẫn tìm nhẫn à?” Cô nhân viên lắc đầu hồ nghi rồi tươi tỉnh hẳn. “Cô chắc cháu sẽ tìm thấy nó nguyên vẹn ở nhà thôi. Rất có thể từ hồi nào đến giờ chiếc nhẫn vẫn ở trong nhà cháu.”

“Có thể ạ.” Tôi bắt mình phải lịch sự gật đầu, dù rất muốn hét tướng, “Cháu không ngu đến thế đâu!”

Tôi để ý thấy một nhân viên vệ sinh khác ở đầu kia phòng đang dọn vụn bánh và giấy ăn nhàu nát bỏ vào túi nilon đen. Không có vẻ chú tâm gì cả. Bác này không nghe tôi nói gì à?

“Xin lỗi!” Chạy vội về phía bác ấy, tôi cất tiếng the thé. “Bác đang tìm chiếc nhẫn của cháu, phải không ạ?”

“Chẳng có dấu hiệu gì, cưng ạ.” Người phụ nữ lùa một đám phế thải nữa từ trên bàn vào túi rác, không buồn liếc thêm lần hai.

“Ôi cẩn thận!” tôi giật lấy nắm giấy ăn, mở tung ra lần nữa, cẩn thận sờ từng tờ một xem có cục cứng nào bên trong, không đếm xỉa đến nước kem bơ đang chảy dính đầy tay mình.

“Cháu ơi, bác đang phải dọn vệ sinh.” Bác ấy giật nắm giấy ăn khỏi tay tôi. “Mà cháu lại xả rác ra thế này à!”

“Cháu biết, cháu biết rồi. Cháu xin lỗi.” Tôi quờ lấy đống hộp đựng bánh kem mình vừa thả lỏng chỏng trên sàn. “Nhưng bác không hiểu đâu, nếu không tìm thấy nhẫn thì cháu đi đời luôn.”

Tôi những muốn tóm lấy túi rác và dùng kìm gắp tỉ mẩn khám xét từng thứ bên trong. Tôi những muốn quấn băng dính một lượt khắp phòng và tuyên bố đây là hiện trường gây án. Chắc chắn là ở đây, chắc chắn là ở đây.

Trừ phi ai đó vẫn đang đeo nó. Đó là khả năng duy nhất còn lại mà tôi đang bám vào. Một trong số những người bạn của tôi vẫn đang đeo chiếc nhẫn và vì lý do nào đó không nhận ra điều này. Có thể nó rơi vào trong túi xách... hay là túi áo... hay mắc vào áo len... những khả năng lướt qua trong đầu tôi mỗi lúc một thêm phi thực, nhưng tôi vẫn muốn bám vào đó.

“Cháu đã thử hỏi phòng gửi đồ chưa?” Người phụ nữ ngoặt qua chỗ tôi.

Đương nhiên tôi đã thử hỏi phòng gửi đồ rồi. Tôi đã bò lê bò càng kiểm tra mọi xó xỉnh. Cả những bồn rửa trong phòng vệ sinh nữa. Hai lượt liền. Tôi đã cố gắng thuyết phục người quản lý trực khách sạn đóng cửa cho kiểm tra mọi đường ống thoát nước, nhưng anh ta từ chối. Anh ta nói nếu tôi đoan chắn chiếc nhẫn bị mất ở đây thì là chuyện khác, và anh ta tin cảnh sát sẽ đồng ý với anh ta, rồi đề nghị tôi đứng tránh sang một bên vì còn khách khác đang đợi!

Cảnh sát. Hão. Cứ tưởng họ sẽ phóng ầm ầm cả đội xe tới ngay lập tức sau cú điện thoại, nào ngờ họ chỉ bảo tôi đến đồn cảnh sát lập biên bản. Lấy đâu ra thời gian lập biên bản! Tôi còn phải tìm chiếc nhẫn chứ!

Tôi hối hả quay lại chiếc bàn tròn nơi chúng tôi ngồi chiều nay, lúi húi bên dưới, đập đập lên tấm thảm lần nữa. Sao tôi lại để cho việc này xảy ra ? Sao tôi lại có thểngu ngốc đến vậy ?

Cái ý tưởng mua vé dự buổi tiệc trà sâm banh của quỹ Marie Curie này là của Natasha, một bạn học cũ. Cô ấy không thể tham dự buổi tắm hơi cuối tuần của đám con gái với nhau, cho nên thay bằng cái này. Cả bàn bọn tôi gồm tám người, ai nấy đều vui vẻ nốc sâm banh và ngốn bánh kem, cho đến trước khi bắt đầu quay xổ số thì có người nói, “Poppy ơi, cho bọn tớ đeo thử chiếc nhẫn của cậu đi.”

Bây giờ tôi còn chẳng nhớ nổi người đó là ai. Có khi nào là Annalise không nhỉ? Cô ấy là bạn đại học của tôi, và bây giờ chúng tôi đều làm việc ở Trung tâm Vật lý trị liệu First Fit Physio, cùng với Ruby - cũng là bạn học cùng khóa vật lý trị liệu. Ruby cũng có mặt chiều nay, nhưng tôi không chắc cô ấy có đeo thử nhẫn không. Hay là có nhỉ?

Không thể tưởng tượng mình lại nhảm nhí đến thế. Sao tôi có thể làm thám tử Poirot khi thậm chí không nhớ nổi những điều cơ bản cơ chứ? Sự thật là, có vẻ như mọi người đều đã đeo thử nhẫn: Natasha, Clare, Emily (bạn học cũ ở trường Taunton),Lucinda (người phụ trách tổ chức đám cưới của tôi, đang trên đà trở thành bạn bè),Clemency 1 trợ lý của chị ta, Ruby và Annalise (không chỉ học cùng đại học rồi là đồng nghiệp mà còn là bạn thân nhất của tôi. Hai người cũng sẽ làm phù dâu cho tôi).

Phải thừa nhận là sự ngưỡng mộ của mọi người khiến tôi phổng mũi. Tôi vẫn không thể tin nổi mình lại được sở hữu một vật đẹp lung linh như thế. Sự thật là tôi vẫn không thể tin một tẹo tèo teo nào. Mình đã đính hôn! Mình, Poppy Wyatt. Đính hôn với một giảng viên đại học, cao lớn, đẹp trai, tác giả của một cuốn sách và từng xuất hiện trên ti vi nữa chứ. Mới sáu tháng trước đây thôi, đời sống tình cảm của tôi thật thảm họa. Suốt một năm chẳng có động thái đáng kể nào và rồi tôi miễn cưỡng quyết định cho anh chàng hôi miệng gặp trên trang ketban.com cơ hội thứ hai... thế mà bây giờ chỉ còn mười ngày nữa là đến ngày cưới của tôi! Mỗi sáng tỉnh dậy, nhìn tấm lưng trơn láng lấm tấm tàn nhang của Magnus đang ngủ, tôi nghĩ thầm: “Đây là chồng sắp cưới của mình, Tiến sĩ Magnus Tavish, đang làm việc tại trường King’s College London” [Chuyên ngành của anh là Chủ nghĩa Tượng trưng Văn hóa. Sau lần hò hẹn thứ hai, tôi đọc lướt cuốn sách anh viết, Triết học của chủ nghĩa tượng trưng, nhưng cố tỏ ra đã ngẫu nhiên đọc nó từ lâu lắm rồi vì thú vui. (Nhưng thú thật là anh chẳng tin lấy chút nào). Dù sao, quan trọng là tối đa đọc cuốn sách. Điều gây ấn tượng với tôi nhất là có rất, rất nhiều chú thích. Tôi thích lắm, chẳng thuận tiện quá ư? Ném chúng vào bất kỳ lúc nào bạn muốn, bạn sẽ có vẻ thông thái ngay lập tức.

Magnus nói chú thích là để cho những điều không phải mối quan tâm chính của bạn nhưng dù sao bạn cũng có để ý đến đôi chút. Vậy nên, đây là chú thích của tôi về chú thích] và trong lòng lại nhói lên một cảm giác hồ nghi. Rồi tôi quay người sang nhìn chiếc nhẫn lóng lánh xa hoa trên bàn ngủ và lòng lại nhói lên một cảm giác hồ nghi nữa.

Magnus sẽ nói gì đây?

Ruột quặn lên, tôi nuốt nước bọt khó khăn. Không. Đừng nghĩ đến việc đó. Những tế bào chất xám bé xíu ơi, cố lên nào. Làm việc tử tế đi nào.

Tôi nhớ là Clare đeo chiếc nhẫn một lúc lâu. Cô ấy thực sự không muốn tháo nó ra. Rồi Natasha bắt đầu giằng lấy, miệng nói: “Đến lượt tớ, đến lượt tớ!” Tôi nhớ mình hét lên: “Cẩn thận chứ!”

Tôi muốn nói không phải là tôi vô trách nhiệm. Tôi đã rất để ý theo dõi khi chiếc nhẫn được chuyển quanh bàn.

Nhưng rồi tôi bị mất tập trung vì họ bắt đầu công bố kết quả xổ số với những giải thưởng rất hấp dẫn. Một tuần ở biệt thự Ý, một buổi ở tiệm làm đầu hạng nhất, một phiếu giảm giá ở Harvey Nichols [2]… Cả phòng râm ran, người người rút vé ra xem, từ trên bục, các số trúng thưởng được xướng lên, rồi các chị em nhảy cỡn hét: “Là tôi!”

[2] Tên một chuỗi siêu thị hạng sang ở Anh. (N.D)

Và đấy chính là lúc tôi phạm sai lầm. Đấy chính là thời điểm “giá như” đắng họng. Nếu có thể đi ngược lại thời gian, đó chính là giây phút tôi phải nghiêm túc lên lớp bản thân: “Poppy, phải biết những gì đáng ưu tiên chứ.”

Nhưng người ta bao giờ cũng chỉ ngộ ra khi sự đã rồi, phải vậy không? Ta phạm sai lầm tai hại vào khoảnh khắc đó, và như mũi tên bay đi, những gì đã làm chẳng thể nào chuộc lại được.

Chuyện là, Clare trúng xổ sổ giải thưởng vé xem Wimbledon. Tôi rất quý Clare, nhưng cô ấy lúc nào cũng hơi bị rụt rè. Cô ấy không đứng bật dậy reo toáng lên: “Tôi trúng rồồồi!” mà chỉ khe khẽ giơ tay lên. Đến mấy người chúng tôi ngồi cùng bàn còn không nhận ra là Clare đã trúng thưởng.

Ngay khi tôi nhận thấy tay Clare đang huơ chiếc vé trúng thưởng thì người dẫn chương trình trên sân khấu nói: “Tôi nghĩ nếu không có ai trúng thưởng thì chúng ta sẽ quay xổ số lại lần nữa vậy...

“Hét đi!” Vừa hích Clare, tôi vừa vẫy lấy vẫy để. “Đây đây! Người thắng cuộc đây này!”

“Và số mới là... 4-4-0-3.”

Không thể tin nổi, tôi thấy một cô tóc đen nào đó ở bên kia phòng bỗng cất tiếng hò reo, tay vung vẩy một tấm vé số.

“Cô ta không phải là người thắng cuộc!” tôi phẫn nộ hét lên. “Cậu mới là người trúng số.”

“Không sao đâu mà.” Clare co vòi lại.

“Có sao đấy!” tôi la toáng lên trước khi kịp ngậm miệng lại, và thế là ai nấy quanh bàn đều bật cười.

“Đúng đấy, Poppy!” Natasha hùa vào. “Tiến lên nào, Bạch Mã Nữ Hiệp! Lập lại công bằng đi nào!”

“Nữ Hiệp tiến lên!”

Đó là câu đùa quen thuộc. Chả là từng có một việc thế này, hồi trung học tôi có khởi xướng bản kiến nghị cứu loài chuột cảnh, kể từ đó mọi người gọi tôi là Bạch Mã Nữ Hiệp, hoặc gọi tắt là Nữ Hiệp. Câu cửa miệng thiên hạ gán cho tôi xem ra là: “Có sao đấy !” [Thực ra tôi đã bao giờ nói thế đâu. Cũng giống như Humphrey Bogart chưa bao giờ nói: "Chơi lại đi, Sam!" cả. Chỉ là giai thoại thôi.]

Gì thì gì. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng chưa đầy hai phút sau tôi đã có mặt trên sân khấu cùng với cô gái tóc đen, cãi lý với người dẫn chương trình cho ông ta thấy đúng ra vé trúng thưởng là vé của Clare chứ không phải vé của cô kia.

Giờ tôi mới biết đáng lẽ mình không được rời bàn. Lẽ ra tôi không được rời chiếc nhẫn, dù chỉ một giây. Giờ tôi mới thấy mình thật ngu ngốc. Nhưng tôi biện hộ cho mình thế này: ai mà biết là còi báo cháy lại cất lên kia chứ?

Quái lạ thế chứ. Mới phút trước, mọi người còn ngồi tiệc trà vui vẻ. Nhoằng một cái, còi báo cháy réo om sòm và thế là nhốn nháo hết cả lên, ai nấy đều cắm đầu cắm cổ chạy ra cửa. Tôi có thể thấy Annalise, Ruby và tất cả những người khác vớ lấy túi xách rồi đi hướng ra phía sau. Một người đàn ông mặc complet bước lên sân khấu đẩy cả tôi, cô gái tóc đen lẫn người dẫn chương trình về phía cửa phụ mà không để cho chúng tôi đi hướng khác. “An toàn của quý vị là ưu tiên của chúng tôi,” anh ta cứ lải nhải như vậy. [Tất nhiên là khách sạn không hề bị hỏa hoạn. Hệ thống bị đoản mạch. Tôi hiểu ra như vậy, mặc dù điều đó cũng chẳng mang lại tí an ủi nào.]

Ngay cả lúc đó, tôi cũng không hề lo lắng. Tôi không nghĩ chiếc nhẫn sẽ mất tích. Tôi cho rằng một trong các bạn của mình đã giữ nó an toàn, tôi sẽ gặp mọi người ở bên ngoài và lấy lại nó.

Ở bên ngoài, tất nhiên, như một mê cung. Trong khách sạn cùng lúc với buổi tiệc trà của chúng tôi còn có một cuộc hội thảo lớn của các thương gia, đại biểu từ các cửa khác nhau đổ xuống đường, nhân viên khách sạn cố gắng dùng loa để loan báo thông tin, xe bấm còi inh ỏi, và tôi mất bao nhiêu thời gian mới tìm ra Natasha và Clare trong đám hỗn loạn.

“Cậu có cầm nhẫn của tớ không đấy?” ngay lập tức tôi hỏi, cố gắng để giọng không có vẻ đang buộc tội. “Ai giữ nó ?”

Cả hai đứa trông nghệt ra.

“Đâu biết.” Natasha lắc đầu. “Không phải Annalise đeo à?”

Thế là tôi nhào vào giữa đám đông để tìm Annalise, nhưng cô ấy không đeo nó, cô ấy nghĩ là Clare. Clare thì nghĩ là Clemency. Clemency lại nghĩ chắc là Ruby, nhưng chẳng phải cô ấy đã rời khách sạn rồi sao

Vấn đề là cái sự hoảng sợ nó bò trườn len lỏi vào trong người ta. Một phút trước bạn vẫn còn rất bình tĩnh, vẫn còn tự nhủ: “Đừng có nhố nhăng. Làm sao mà mất được.” Phút sau, nhân viên quỹ Marie Curie thông báo buổi tiệc sẽ bị cắt ngắn do tình huống không lường trước rồi trả áo khoác và túi cho khách. Rồi tất cả bạn bè của bạn biến xéo đi bắt xe điện ngầm. Còn ngón tay của bạn thì vẫn trống trơn. Và một giọng nói trong đầu bạn đang rít lên: “Ôi Chúa ơi! Mình biết ngay là điều này sẽ xảy ra mà! Ai lại đi giao phó cho mình một cái nhẫn cổ cơ chứ! Sai lầm to! Sai lầm to!”

Và đó là lý do tại sao một tiếng đồng hồ sau bạn thấy mình đang chui dưới gầm bàn, mò mẫm trên một tấm thảm bẩn tưởi, tuyệt vọng cầu xin một điều kỳ diệu xảy ra. (Mặc dù bố chồng tương lai của bạn đã viết một cuốn sách bán chạy về việc điều kỳ diệu không tồn tại và tất cả chỉ là mê tín và thậm chí nói “OCO” [Viết tắt của “ôi Chúa ơi.”] là dấu hiệu của tâm trí nhu nhược.) [Thám tử Poirot có bao giờ nói: “ôi Chúa ơi" không nhỉ? Mình nghĩ là có. Hoặc là “Trời ơi" (bằng tiếng Pháp),cũng vậy cả. Mà thế có phải là phản bác lại lý thuyết của bác Antony không nhỉ, vì những tế bào chất xám bé xíu của thám tử Poirot rõ ràng sáng suốt hơn bất kỳ ai. Một ngày nào đó mình sẽ chỉ cho bác Antony thấy điều này. Khi nào mình cảm thấy đủ dũng cảm (điều sẽ không bao giờ xảy ra nếu mình đánh mất chiếc nhẫn, tất nhiên)].

Đột nhiên nhận thấy điện thoại bật sáng, tôi liền nắm lấy nó, ngón tay run run. Có ba tin nhắn, tôi vội vàng mở xem, lòng đầy hy vọng.

Tìm thấy chưa? Annalise xx.

Xin lỗi bạn thân yêu, chẳng thấy đâu sất. Đừng lo, tớ sẽ không hé lời nào với Magnus đâu. N xxx

Pops ơi! Khổ quá vậy, mất nhẫn rồi à! Tớ nghĩ tớ có thấy nó chỗ... (nội dung còn tiếp)

Tôi nhìn chằm chằm vào điện thoại, phấn khởi. Clare nghĩ cô ấy đã thấy nó ư? Ở đâu?

Tôi bò ra khỏi bàn, lắc lắc cái điện thoại, nhưng phần nội dung còn lại nhất định không chịu hiện ra. Tín hiệu sóng ở đây như dở hơi. Thế này mà cũng tự nhận là khách sạn năm sao à? Mình phải đi ra ngoài thôi.

“Cô ơi!” Tôi đến gần người dọn phòng có mái tóc muối tiêu, cao giọng đủ để át tiếng máy hút bụi. “Cháu chạy ra ngoài để xem tin nhắn điện thoại một tí. Nhưng nếu cô tìm thấy chiếc nhẫn thì gọi cho cháu ngay nhé, cháu đã đưa cô số máy của cháu rồi đấy ạ, cháu ở ngay phố trước mặt thôi...”

“Ừ, cô hiểu rồi,” người phụ nữ dịu dàng nói.

Tôi lướt qua hành lang, cố tránh từng tốp đại biểu tham dự hội thảo, hơi chậm lại khi qua trước bàn của người quản lý trực khách sạn.

“Có thấy cái gì đó..."

“Chưa thấy cái gì được nộp lại cả, thưa cô.”

Bên ngoài trời thoáng mát, chỉ một chút gợi đến mùa hè, tuy bây giờ mới cuối tháng Tư. Hy vọng mười ngày nữa thời tiết vẫn cứ thế này, bởi vì váy cưới của tôi hở lưng, tôi rất trông mong một ngày đẹp trời.

Trước cửa khách sạn là những bậc cầu thang rộng, thoai thoải, tôi bước lên bước xuống, tay xoay xoay cái điện thoại, cố gắng bắt sóng nhưng không thành công. Rốt cuộc tôi bèn đi thẳng xuống hè đường, tay xoay điện thoại điên cuồng hơn nữa, giơ nó lên trên đầu, nói nghiêng người về phía phố Knightsbridge vắng vẻ, điện thoại nằm trên đầu ngón tay duỗi ra.

Nào nào, điện thoại ơi! tôi phỉnh phờ nó trong đầu. Làm được mà, hãy làm vì Poppy nào. Hiện tin nhắn đi. Chắc chắn phải có tín hiệu sóng đâu đó... nhất định làm được mà!

“Aaaaaa!” Tôi nghe thấy tiếng mình hét lên vì sốc trước khi kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Vai tôi đau xé vì bị vặn. Các ngón tay có cảm giác bị cào xước. Một kẻ đi xe đạp đang phóng nhanh xuống cuối phố. Tôi chỉ đủ thời gian để ghi nhận cái mũ màu xám cũ kỹ và cái quần jean bó đen trước khi chiếc xe đạp rẽ ở góc phố.

Tay tôi trống trơn. Thế này là thế quái nào...

Tôi sững sờ nhìn lòng bàn tay, tê dại. Mất rồi. Thằng kia đã chôm cái điện thoại của tôi. Cái thằng khốn kiếp đã chôm nó rồi.

Cái điện thoại là cả cuộc sống của tôi. Tôi không thể sống thiếu nó. Đó là bộ phận sống còn.

“Thưa cô, cô không sao chứ?” Người giữ cửa lật đật chạy xuống. “Có chuyện gì xảy ra ư? Anh ta có làm cô bị thương không?”

“Tôi, tôi... bị cướp.” Bằng cách nào đó tôi cũng lắp bắp ra lời. “Điện thoại của tôi bị nẫng rồi.”

Người giữ cửa tỏ vẻ rất thông cảm. “Những kẻ bất hảo lúc nào cũng lợi dụng thời cơ. Cần phải rất cẩn thận khi ở những nơi như thế này...”

Tôi không nghe được anh ta nói gì. Người tôi bắt đầu run rẩy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị bỏ mặc và hoảng sợ như thế này. Không có điện thoại thì làm ăn gì? Mình xoay sở thế nào đây? Tay tôi theo phản xạ lục túi tìm điện thoại ở chỗ quen thuộc. Từng tấc bản năng trong con người tôi chỉ muốn gửi tin nhắn cho ai đó: “OCO, mất điện thoại rồi!” nhưng làm sao tôi làm được khi không có điện thoại cơ chứ!

Điện thoại là những người xung quanh tôi. Là bạn bè tôi. Là gia đình tôi. Là công việc của côi. Là thế giới của tôi. Là tất cả. Tôi cảm giác như ai đó vừa cướp đi hệ thống trụ đỡ sinh mệnh của mình vậy.

“Tôi có nên gọi cảnh sát không, thưa cô?” Người giữ cửa băn khoăn liếc nhìn tôi.

Tôi không đủ tập trung để trả lời. Tôi hốt hoảng nhận ra điều thậm chí còn khủng khiếp hơn. Chiếc nhẫn. Tôi đã đưa số di động cho các nhân viên dọn vệ sinh, nhân viên bộ phận gửi đồ, những người trong quỹ Marie Curie, tất cả. Nếu có ai đó tìm ra chiếc nhẫn thì sao? Nếu ai đó đã tìm thấy nó và chính lúc này đây đang cố gắng gọi cho tôi, nhưng không có ai nghe máy vì Gã Đội Mũ đã quẳng thẻ SIM của tôi xuống sông mất rồi thì sao?

Ôi Chúa [Tâm trí nhu nhược]. Tôi cần nói chuyện với người quản lý trực khách sạn. Tôi sẽ đưa số điện thoại cố định ở nhà...

Không. Đó không phải là ý tưởng hay. Nếu họ để lại lời nhắn, Magnus có thể nghe được mất [Tôi được phép cho mình ít nhất một cơ hội nghĩ rằng sẽ tìm lại được chiếc nhẫn an toàn mà anh ấy không hay biết gì về vụ này chứ, đúng không?].

OK, thế thì... thế thì... Tôi sẽ đưa số điện thoại chỗ làm. Đúng rồi.

Có điều tối muộn thế này thì không còn ai ở chỗ làm cả. Tôi không thể đến đó ngồi hàng tiếng, chờ vêu phòng khi có điện thoại được.

Tôi bắt đắu cảm thấy siêu hoảng loạn. Mọi thứ đang sụp đổ.

Đã thế, khi tôi chạy ngược vào trong hành lang, người quản lý trực khách sạn lại đang bận túi bụi. Bàn của anh ta bị một nhóm đại biểu hội nghị bu kín, nói chuyện về việc đặt nhà hàng. Tôi cố gắng lia theo ánh mắt của anh ta, hy vọng anh ta sẽ ra dấu bảo tôi được ưu tiên bước tới trước, nhưng anh ta lại lờ tôi đi một cách có chủ ý, khiến tôi cảm thấy bức xúc. Tôi biết tôi đã làm anh ta mất khá nhiều thời gian chiều nay - nhưng chẳng nhẽ anh ta không nhận thấy tôi đang vấp phải hoàn cảnh tệ hại đến thế nào hay sao ?

“Thưa cô!” Người giữ cửa theo tôi đi vào hành lang, lông mày nhíu lại đầy bản khoăn. “Cô uống chút gì để đỡ sốc nhé? Arnold này!” Anh ta nhanh nhảu gọi một người phục vụ. “Anh mang cho quý cô đây một ly rượu mạnh miễn phí nhé. Nếu cô nói chuyện với người quản lý trực khách sạn, anh ta sẽ giúp cô liên hệ với cảnh sát. Cô có muốn ngồi nghỉ không?”

“Không, cảm ơn anh.” Một ý nghĩ đột nhiên nảy ra trong đầu tôi. “Có lẽ tôi nên gọi vào chính số máy của mình! Gọi cho thằng cướp! Tôi có thể bảo hắn quay lại, sẽ trả tiền chuộc... anh nghĩ thế nào? Tôi mượn điện thoại của anh được không?”

Người gác cửa gần như giật lùi khi tôi chìa tay ra.

“Thưa cô, tôi nghĩ đó sẽ là một hành động rất liều lĩnh và dại dột.” Anh ta nghiêm nghị nói. “Và tôi tin cảnh sát cũng sẽ đồng ý rằng cô không nên làm như vậy. Tôi nghĩ cô đang bị sốc. Xin cô hãy ngồi xuống mà cố thư giãn.”

Ừm. Có lẽ anh ta nói đúng. Tôi cũng chẳng thích thú gì việc hẹn hò với một tên tội phạm đội mũ. Nhưng tôi không thể ngồi thư giãn được; tôi đang trong trạng thái bị kích động. Để làm dịu thần kinh, tôi bắt đầu đi đi lại lại, gót giày gõ lộp cộp trên nền cẩm thạch. Ngang qua cây bồ đề trồng trong chậu... ngang qua bàn báo... ngang qua thùng đựng rác to đùng sáng bóng... quay lại cây bồ đề. Đi vòng vòng như thế thật dễ chịu, và tôi vẫn dán mắt vào người quản lý trực khách sạn, chờ anh ta xong việc.

Hành lang nhộn nhịp các thương gia tham dự hội thảo. Qua cửa kính, tôi có thể thấy người giữ cửa quay lại ngoài bậc thềm, đang mải vẫy taxi và nhét tiền boa vào túi. Một người đàn ông Nhật thấp lùn trong bộ complet màu xanh nước biển đang đứng gần đó cùng với một vài thương gia có vẻ là người châu Âu, la ó ầm ĩ bằng một thứ tiếng có vẻ như là tiếng Nhật, giận dữ, khoa tay múa chân chỉ vào mọi người bằng chiếc thẻ hội thảo có dây buộc màu đỏ đeo quanh cổ. Ông ta bé tí mà những người đàn ông kia lại trông có vẻ lo lắng sợ hãi, buồn cười thế chứ.

Ly rượu mạnh được mang tới trên một chiếc khay, tôi ngừng lại chút để uống một hơi, rồi lại tiếp tục đi lòng vòng như cũ.

Cây bồ đề trong chậu... bàn báo... thùng rác... cây bồ đề trong chậu... bàn báo... thùng rác...

Bây giờ tôi đã bình tĩnh hơn, và trong lòng nổi lên những ý nghĩ giết người. Cái Gã Đội Mũ đó có hiểu rằng gã đã phá bĩnh cuộc sống của tôi không? Gã có hiểu điện thoại di động thiết yếu đến mức nào không ? Đó là thứ tệ hại nhất có thể ăn cắp của người khác. Thứ tệ hại nhất.

Mà nó có phải điện thoại đời mới gì cho cam. Nó khá cũ rồi. Thế nên chúc Gã Đội Mũ may mắn nếu muốn gõ chữ B hay muốn vào mạng. Mình hy vọng gã sẽ thử và sẽ thất vọng. Lúc đó gã tha hồ mà hối hận.

Bồ đề... bàn báo... thùng rác... bồ đề... bàn báo... thùng rác...

Với cả gã còn làm vai mình đau nữa chứ. Thằng con hoang. Có lẽ mình có thể kiện gã đòi bồi thường tiền triệu. Nếu như cảnh sát tóm được gã, mà điểu đó thì sẽ không xảy ra.

Bồ đề... bàn báo... thùng rác...

Thùng rác.

Đợi đã.

Cái gì thế?

Tôi đứng sững lại, nhìn chằm chằm vào trong thùng rác, tự hỏi không biết có phải ai đó đang chơi xỏ mình hay mình bị ảo giác.

Đó là một chiếc điện thoại.

Nằm ngay trong thùng rác. Một chiếc di động.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.