Sông Hồng đoạn chảy qua Thăng Long-Hà Nội uốn lượn quanh co như nhĩ tai nên người xưa gọi là Nhĩ Hà (có người gọi Nhị Hà). Vì quanh co nên dòng chảy cũng thay đổi liên tục đã tạo ra nhiều bãi bồi. Trước nhà Lý, dân chúng hai bên bờ sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu... đã đắp đê ngăn nước tràn vào đồng bảo vệ thành quả lao động của mình. Tuy nhiên đê cách đây hơn nghìn năm không sừng sững như bây giờ, nó chỉ như bờ vùng bao quanh đồng ruộng. Năm mưa nhiều, lũ lớn nước tràn qua đê gây ngập lụt xóm làng ven sông. Mất mùa nhưng bù lại cá tôm theo nước vào đồng mang lại nguồn thực phẩm vô cùng dồi dào cho nông dân. Và khi nước rút để lại lớp phù sa mầu mỡ khiến lúa hay ngô khoai tốt hơn.
Khi Lý Thái Tổ rời Hoa Lư ra định đô bên sông Hồng và sông Tô Lịch, xây thành Thăng Long trên nền thành Đại La đổ nát, thì đoạn đê qua Thăng Long được đắp cao hơn, vì nhiều năm nước tràn cả vào thành qua cửa Đại Hưng (nay là khu vực chợ Cửa Nam). Đê cao lên chặn dòng chảy làm bãi bồi rộng hơn nhưng cũng làm nhiều chỗ quanh năm nước sát chân đê. Lý Thái Tổ xây thành thì một phần đất của phường Yên Xá (phía nam Hồ Tây) phải di dời ra ngoài đê sông Hồng. Làng mới có tên là Yên Xá Châu. Tuy nhiên năm Thuận Thiên thứ 5 (Nhâm Tý 1132),Lý Nhân Tông cho đổi tên thành phường Cơ Xá và sáp nhập vào đất Kinh Bắc. Phường Cơ Xá kéo dài từ Yên Hoa (tên cũ của làng Yên Phụ) xuống đến đê Bình Lao (nay là khu vực Lương Yên) còn chiều rộng gồm cả bãi bồi bên kia sông.
Nằm ngay sát thành Thăng Long, chỉ cách con đê mà thân phận phường Cơ Xá long đong, đời vua này thuộc Thăng Long, đến đời vua khác lại sang đất Kinh Bắc. Khi Tự Đức lên ngôi (1847),Cơ Xá thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, nhưng ba năm sau, năm 1851, Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai lại sáp nhập vào huyện Gia Lâm của tỉnh Bắc Ninh. Thời Pháp thuộc, mảnh đất này cũng bị chuyển sang đất Bắc Ninh rồi lại nhận về nhiều lần khi chính quyền phân chia lại địa giới hành chính. Năm 1911, những thôn ở phía nội đô được gọi là Phúc Xá (gồm các bãi An Dương, Nghĩa Dũng và Phúc Xá phần dưới cầu Long Biên) thuộc Hà Nội còn các thôn ở phía bên Gia Lâm gọi là Cơ Xá Nam. Việc chia đôi phường khiến dân không hưởng ứng vì họ còn quan hệ họ hàng, phe giáp. Dân Phúc Xá không muốn sáp nhập với làng Ngọc Thụy (đất Gia Lâm) vì họ là dân nghèo sợ các đàn anh Ngọc Thụy bắt nạt nên đã lấy cớ đất Ngọc Thụy lắm cướp. Còn Cơ Xá Nam không muốn vào nội thành vì “phải theo luật lệ cảnh sát khắt khe và đóng thuế nhiều”. Tuy nhiên họ buộc phải chấp nhận.
Dòng chảy thay đổi liên tục khiến bãi bồi cũng thay đổi theo nên bãi bồi năm này ở bên này nhưng năm khác lại ở bên kia. Chỉ có hai bãi ít bị xói lở là Nghĩa Dũng và An Dương vì thế dân đông hơn, không thưa thớt như bãi mới. Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX thuyền chở đá còn vào sát được các lò nung vôi Thạch Khối (nay là phần đất ngoài bãi đầu đường Thanh Niên). Trong bài Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Hữu Lượng sáng tác năm 1801, có câu “Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút/Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ì ồ”, đến gần cuối của nửa đầu thế kỷ XIX không còn thấy ai nói đến những lò vôi này nữa vì bãi cát đã mở rộng ra giữa sông. Trận lụt năm 1913 và 1915 đe dọa chân đê nên chính quyền cho đắp thân, đổ đá kè đê An Dương ngăn không cho nước đổi dòng về phía Hà Nội. Trúng thầu kè đoạn đê này là cô me Tây Laoa (vợ quan Pháp Leroy) và Bạch Thái Bưởi. Vì kè đoạn đê này nên dòng chảy bị uốn làm bờ bên Gia Lâm bị lở còn phía Hà Nội thì cát lại bồi. Cuối thế kỷ XIX, Bãi Giữa và Phúc Xá còn liền nhau, dâu bạt ngàn sát vào chân đê. Bãi Giữa kéo dài đến tận Đồn Thủy, Tàu bè vào muốn vào Giang Khẩu (khu vực bến Bạch Đằng ngày nay) phải vòng hết Bãi Giữa mới rẽ vào lạch để vào bến. Nhưng 10 năm sau Bãi Giữa phình to lạch nước vẫn còn song bãi An Dương và Phúc Xá bị hẹp lại. Từ năm 1920 trở đi, bãi cát ngoài bờ sông coi như ổn định. Bãi An Dương, Phúc Xá dài đến chân cầu Long Biên. Bãi Giữa tách khỏi An Dương, Nghĩa Dũng còn con lạch cũ thành dòng chảy của sông Hồng. Phía dưới Đồn Thủy, cát bồi thêm rộng ra. Và vì cát bồi nên bến Tàu Cột Đồng Hồ không còn sử dụng được do vậy chính quyền buộc phải chuyển bến xuống Bình Lao (thời bao cấp gọi là bến Phà Đen).
Ở đâu có làng là ở đó có đình, có đền có chùa nên bãi bồi từ làng Chèm xuống tận Lĩnh Nam đều có nơi thờ tự. Song có năm do nước to lũ lớn đã gây thiệt hại cho các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Thời nhà Lý, đình Lãng Bạc (nay thuộc phường Phú Thượng quận Tây Hồ) nằm ngoài đê, nước to cuốn trôi cả đình. Giữa thế kỷ XIX, nước sông Hồng lên làm xói đê Đồng Nhân buộc dân làng này phải chuyển đền thờ Hai Bà Trưng vào trong đê. Cuối thế kỷ XIX, khi xây cầu Long Biên, đền Bà Móc bị phá bỏ để xây đầu cầu bên này. Năm 1902, nước sông Hồng lại lên khiến đình Chèm (nay là phường Thụy Phương, quận Nam Từ Liêm) bị ngập sâu trong nước làm đình vừa lún vừa nghiêng. Để cứu ngôi đình đẹp, có tam quan quay về hướng bắc thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng - một nhân vật huyền thoại và Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung, các bô lão trong làng đã chọn phương án “kiệu đình” và may mắn ngôi đình còn cho đến ngày nay.
Dân gian có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang”, phường Cơ Xá xưa có đủ hai yếu tố này thế nhưng cuộc sống của dân chúng lại quá gian nan vất vả. Đất ngoài bãi rộng nhưng là phù sa nên không thể cấy lúa nước mà chỉ có thể trồng dâu, ngô khoai hay rau màu. Vào mùa mưa, nước lũ dâng cao hoa màu không kịp thu hoạch bị chìm trong nước. Dân chỉ còn cách bắt con cá con tôm sống qua ngày chờ nước rút. Theo nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Sán, quả chuông ở chùa Bắc Biên (nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đúc năm 1690 đã ghi lại “Lý Thường Kiệt (thời niên thiếu tên là Ngô Tuấn),sinh ra ở Yên Xá thấy dân làng mình ra lập nghiệp ở ngoài đê mưu sinh vất vả vì không có đất trồng cấy, ngài đã dâng sớ và triều đình nhà Lý chấp thuận miễn thuế và tạp dịch cho dân, lại cho phép thu tiền đò ngang, đò dọc và lệ này kéo dài mãi đến cuối đời Lê. Nhớ công ơn của ngài, dân chúng các làng phường Cơ Xá thờ ông làm thành hoàng”.
Trước khi Pháp chiếm Hà Nội, dân sống ngoài bãi thưa thớt, dân nhập cư phần lớn đều có nghề thủ công nên họ vào phố, chẳng ai ra bãi. Tuy nhiên cuối thế kỷ XIX, đầu XX, dân nhập cư vào Hà Nội không nghề nhiều hơn, không có tiền để mua nhà đất trong phố họ chỉ còn cách chọn bãi làm nơi cư ngụ. Thời Pháp thuộc, An Dương, Phúc Xá có tên gọi chung là Bãi Cát (banc de sable). Về hành chính, Thống sứ Bắc Kỳ đã gộp cả Bãi Giữa vào làng Phúc Xá và lúc Phúc Xá thuộc về huyện Gia Lâm, khi lại thuộc về nội thành. Bãi Cát cũng có một lý trưởng (tương đương trưởng phố) và quản tuần. Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn văn Uẩn viết: “Dân bãi từ nhiều nơi đến, trong đó phần đông là người gốc Đanh, Xuyên (huyện Phú Xuyên) chuyên làm nghề kéo xe tay, xe bò hoặc người nghèo vùng chiêm trũng Hà Nam, Thái Bình. Trong phố cũng có người ra đây do thành phố quy hoạch khu Nam Tràng, Yên Ninh”.
Hàng năm đều có người trong phố ra làm dân Bãi Cát là dân tỉnh lẻ về Hà Nội sinh sống với các nghề thủ công, buôn bán lặt vặt nhưng trắng tay không còn chỗ ở ra đây tạm trú xoay xở kiếm nghề khác. Thực tế dân Bãi Cát tứ chiếng quần tụ không theo tục lệ sinh hoạt của làng truyền thống Bắc Bộ, không có đình chùa riêng chỉ có vài miếu tư nhân nặng về đồng bóng. An Dương có miếu Cô Trôi, Bách Linh, Phúc Xá có đền Lánh. Dân gốc Cơ Xá mất dần chỉ còn lại rất ít sống ở Bãi Giữa và Cơ Xá Nam.
Phu xe kéo bị chèn ép nên cuộc sống của họ khốn khó, nhiều người bị dồn đến bước đường, trước tình cảnh đáng thương và đáng lên án, nhà báo Tam Lang (tên thật là Vũ Đình Chí, 1900-1986) quyết định làm phóng sự về những bất hạnh họ phải chịu đựng. Và phóng sự Tôi kéo xe ra đời được đăng dài kỳ trên Hà Thành ngọ báo năm 1932. Để có thiên phóng sự này, Tam Lang đã đóng vai một phu xe, ra ngoài bãi sống chung với họ nên phóng sự phản ánh rất chân thật với nhiều chi tiết rùng rợn. Về dân bãi, Tam Lang viết: “Dân Bãi Cát có nhiều tầng lớp, những tên anh chị sống bám vào dân nghèo, chứa cờ bạc, hành động côn đồ, cho vay nặng lãi. Còn đại đa số là tầng lớp dưới đáy xã hội làm ăn lam lũ với đủ các nghề lao động nặng nhọc như: xe tay, xe bò, khuân vác, vớt củi, bán quà rong... Kiếm ăn chật vật vất vả lại hay cờ bạc, thuốc xái, kiếm được đồng nào qua tay hết đồng ấy, sống không có ngày mai”. Hàng năm, nước to trôi cả nhà và nếu có ai chết thì anh em hay hàng xóm chôn vụng trên bãi cát, khi nước lên san phẳng cả mồ mả. Họ đẻ con không có giấy khai sinh, người lớn tên tuổi không có giấy tờ chứng minh. Bệnh tật không có nơi chữa, những năm phát sinh dịch tả, đậu mùa dân chết hàng loạt. Thỉnh thoảng cảnh sát bao vây bắt thuốc phiện lậu, bắt sòng bạc, khiến dân ở đây sống trong nơm nớp lo sợ. Trong báo cáo của Thống sứ Bắc Kỳ năm 1912 gửi Toàn quyền Đông Dương có đoạn: “Dân Bãi Cát không khai tử vì sợ khai báo phiền hà tốn kém, không giấy tờ lý lịch nên trẻ con không được đi học, người lớn không thể xin được việc làm ở các xí nghiệp”. Năm 1936, chính quyền thành phố quyết định di dời nghĩa trang chôn cất người chết vô thừa nhận ở bãi Nghĩa Dũng, vợ chồng nhà tư sản dân tộc Trịnh văn Bô đã cúng 100 tiểu đại để đựng hài cốt. Cuộc sống ngoài bãi còn được phản ánh qua câu ca dao “Bồi Đồn Thủy, đĩ Bình Lao”(con trai ngoài bãi đi làm bồi, con gái đến khu vực Bình Lao làm đĩ và Tây trong Đồn Thủy thường trốn ra đây mua vui).
Bãi còn là nơi tá túc của những người hát xẩm và tại An Dương có tới mấy chục gánh túm lại một chỗ, dân gọi là Trại Xẩm. Ngày đi hát, tối về lấy nước sông Hồng đỏ ngầu nấu ăn rồi chui vào trong lều ngủ vạ vật, sớm hôm sau lại kéo nhau ra bến ô-tô, bến xe điện. Cuộc sống lam lũ nhưng năm 1954, họ sẵn sàng tham gia vào đội văn nghệ tuyên truyền kêu gọi bà con không nghe theo lời xúi giục di cư vào Nam. Họ đã tự nghĩ ra lời đặt cho các bài xẩm rồi cùng nhà thơ Thanh Tịnh về hát ở Nam Định, Thái Bình.
Một sự kiện diễn ra tại sân vận động Phúc Tân (sau 1954 gọi là sân vận động Long Biên, nay sân này không còn) là năm 1946, hàng nghìn người dân An Dương, Nghĩa Dũng, Phúc Xá đã nồng nhiệt chào đón Hồ Chủ tịch ra đây vận động bầu cử vì được giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa I. Trong 9 năm bị tạm chiếm, Bãi Cát và Bãi Giữa đã hình thành đội tự vệ bí mật. Sau 60 ngày đêm chiến đấu chống quân Pháp, đầu năm 1947 Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút khỏi Hà Nội, đơn vị tự vệ ở Bãi Cát đã bí mật đưa các chiến sĩ qua sông Hồng an toàn Sau khi tiếp quản thủ đô, chính quyền thành phố đã làm nhiều việc khiến diện mạo An Dương, Nghĩa Dũng, Phúc Xá và Phúc Tân thay đổi. Chỉ trong vài năm, hàng loạt các khu tập thể một tầng, lợp ngói, sử dụng chung công trình vệ sinh, nước sạch được xây dựng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết chỗ ở cho bộ đội, cán bộ từ chiến khu về, ví dụ khu tập thể K95 dành cho quân đội, khu lao động An Dương. Cùng với nhà tập thể, một số xí nghiệp chế biến gỗ cũng mọc lên, các xí nghiệp khai thác, thu mua lâm sản từ mạn ngược đưa về đã ra đời thu hút lao động phần lớn là dân bãi. Họ trở thành người trong biên chế nhà nước. Xen giữa những gian nhà lá ở khu vực Phúc Xá là trường Trung cấp Xây dựng, Trung cấp Tài chính khang trang. Chính quyền mới cũng tập hợp dân lao động tự do vào các hợp tác xã vận chuyển bằng xe bò, xích lô, ba gác nên cuộc sống của họ khá ổn định. Các gia đình trồng dâu, ngô hay khoai lang được đưa vào hợp tác xã nông nghiệp vì thế bờ dâu vẫn xanh ngắt bãi đê sông Hồng. Nhưng thay đổi lớn nhất đối với dân nghèo ngoài bãi là trước kia con cái sinh ra không có giấy khai sinh, bản thân họ cũng không có giấy tờ thì tháng 8-1958, thực hiện chủ trương của Ủy ban hành chính thành phố, Công an quận Hoàn Kiếm đã kê khai làm hộ tịch và làm chứng minh thư cho người từ 18 tuổi trở lên. Từ dân lao động tứ chiếng sống đủ các nghề không ai quan tâm thì nay họ trở thành “công dân Hà Nội”.
Trong những năm tháng Mỹ ném bom Hà Nội, cầu Long Biên trở thành trọng điểm đánh phá và nhiều lần bị bom sập nhịp. Trong đêm 21-12-1972, máy bay B52 ném bom vào khu lao động An Dương làm chết 135 người dân vô tội.
Vì sống ngoài đê nên vào mùa mưa lũ, hàng vạn dân phấp phỏng lo âu. Trận lũ năm 1967, 1969 và đặc biệt là trận lũ lớn nhất thế kỷ XX xảy ra năm 1971 khiến dân bãi phải sơ tán khẩn cấp vào trong đê, các cửa đều phải hàn khẩu, nước sông mấp mé mặt đê Yên Phụ. Nhiều gia đình không có họ hàng, người thân trong phố phải sống tạm hàng chục ngày trên vỉa hè Yên Phụ. Những năm bao cấp, hạ tầng ngoài đê chưa được quan tâm đầu tư nên đường xá lấy lội, nước sạch thiếu trầm trọng. Nhưng từ khi thực hiện Đổi mới, đường sá, điện nước cho dân ngoài bãi dần được cải thiện. Năm 1997, tôi gặp lại anh bạn cùng đơn vị khi anh đang đạp xích lô, anh cho tôi địa chỉ ở 62 đường Bạch Đằng và hẹn ra chơi vì từ ngày rời chiến trường K anh em chưa gặp lại. Tôi đi tìm thì có tới mấy chục số 62. Bây giờ không còn tình trạng như vậy. Đường phố, hẻm rồi ngách không thảm nhựa thì trải bê tông bằng phẳng. Phố bãi sông thực sự lột xác lần thứ hai vào những năm đầu thế kỷ XXI, từ khu vực Tứ Liên kéo đến cầu Vĩnh Tuy hầu hết là nhà bê tông kiên cố. Nếu ai ra lần đầu không nghĩ đây lại ngoài đê. Và ngoài bãi đâu chỉ có dân lao động, còn có cả nhà thơ, nhà văn:
Trưa hè trời nắng chang chang
Mẹ em đi cấy phơi lưng cả ngày
Ước gì em hóa thành mây
Em che cho mẹ suốt ngày nắng râm
Bốn câu thơ của cố nhà thơ Thanh Hào được đưa vào sách giáo khoa tiểu học. Ông người gốc Cơ Xá, sinh ra, lớn lên và mất ở Bãi Giữa. Nhà văn Nguyễn Khải từng sống ở khu tập thể K95 rất nhiều năm. Ngoài các nhà thơ, nhà văn còn có các nghệ sĩ cũng chọn bãi sông Hồng làm nơi cư ngụ. Bờ sông còn có cả anh hùng, đó là trung úy Nguyễn Tài Hải, phó công an phường Chương Dương, đã hy sinh vì nhiệm vụ bắt kẻ tiêu thụ gỗ ăn trộm của nhà nước năm 1981.
Ước mơ một Hà Nội quay mặt ra phía sông không còn con đê ngăn cách để chiều chiều ra “nghe tiếng sông Hồng thở than” là mong muốn không chỉ của giới kiến trúc sư mà Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng (1954-1976) từng ước ao như vậy. Sang đầu thế kỷ XXI, sông Hồng gần như không còn lũ vì khởi nguồn nằm bên kia biên giới bị khai thác quá mức. Nên chăng cho phá đê?