"Cầu ba mươi ba ngàn ba trăm thần phật, giúp cho tiểu thanh thiên kia thoát khỏi biển khổ vô biên, trả y về nhân gian này"
==
Cung yến tan đi, đêm dài vắng người, không một ai ngủ say.
Trần Sư Đạo vừa bước khỏi cửa kiệu, lướt qua người hầu ân cần đỡ, suýt chút nữa là vấp vào bệ cửa ngã, thằng bé canh cổng liên tục kêu lên, đèn dầu trong phủ được thắp sáng, từ trên xuống dưới đều bị kinh động.
"Đừng xé chuyện nhỏ thành to, trở về ngủ hết ngay, tắt đèn đi, đừng lãng phí dầu." Trần Sư Đạo vẫy vẫy tay, dặn dò hai câu, bảo người nấu chút canh thuốc an thần cho ông, dặn dò xong mới về phòng ngồi xuống, ngơ ngác nhìn ra cảnh đêm mịt mờ, khóe miệng giật giật, "Sao lại không muốn sống nữa?"
Đệ tử mà ông tâm đắc nhất, đứa trẻ mà ông yêu thương nhất bị ép đến nỗi không muốn sống nữa.
Biết rõ với trí thông minh của mình, Triệu Bạch Ngư nhất định sẽ bị tổn thương, trong lòng ông thừa biết y thích hợp làm một ẩn sĩ nhìn núi hỏi nước hơn, biết rõ y quá chính trực, quá đồng cảm với lê dân bá tánh, ngoài miệng thường hay nói "Quan trường không phân biệt đúng sai đen trắng", và y cũng đã thỏa hiệp không biết bao nhiêu lần. Nhưng đến khi có một ngày, công bằng của chúng dân và đạo lý quan trường thật sự xung đột với nhau, trong thời điểm khó chọn cả đôi đường, y thà thịt nát xương tan cũng muốn tìm kiếm công bằng giúp đỡ những người ngoài kia.
Triệu Bạch Ngư không hợp vào quan trường.
Khi đó rõ ràng đã nói như vậy rồi, vì sao về sau còn cố hết sức giật dây bảo y kiến công lập nghiệp? Vì sao còn thuyết phục y vào hai phủ làm tể tướng?
Biết rõ Lưỡng Giang nguy hiểm, ông vẫn khuyên nhủ y đến đó.
Trái lại đã có được đệ tử thanh thiên đầu tiên của Đại Cảnh như mong muốn, thế nhưng Triệu Bạch Ngư đã nhận lại được gì?
Nhận được trái tim như tro tàn đối với quan trường, khiến y phải đứng giữa những bất công của bao người, phải chịu thêm một đao chí mạng chưa biết sống chết.
Trần Sư Đạo run rẩy đưa tay lên che mặt: "Ta cũng là người ép chết ngũ lang."
Năm lần bảy lượt bảo y thỏa hiệp, nhượng bộ, phong thư gửi về Lưỡng Giang tự cho là cứu được Triệu Bạch Ngư, nhưng làm sao không biết đó chính là cọng rơm đè chết y?
Sau khi chém chết ba trăm quan, ngũ lang đã phải sợ hãi đến nhường nào chứ?
Tạo nên sự sống cho con dân, mở ra muôn đời thái bình, nhưng cùng lắm là y chỉ cầu một công đạo giết người phải đền mạng mà thôi, từ quân vương cho đến ân sư, bạn bè đều cùng y gánh đạo lý mà đi, ai cũng đều khuyên y dừng lại.
Dừng lại, thỏa hiệp, nhượng bộ, đừng cố chấp, đừng làm chuyện dại dột, không đáng!
Y đã cô đơn đến nhường nào?
Nói rằng tuy thiên vạn nhân ngô vãn hỉ*, nhưng trên con đường kia chỉ có y lẻ loi độc hành.
(*) Là 1 câu nói trong cuốn Mạnh Tử. Công Tôn Sửu thượng, nguyên văn: 自反而缩, 虽千万人, 吾往矣 - Tự phản nhi súc, tuy thiên vạn nhân, ngô vãng hĩ: ý là tự vấn thấy chính nghĩa thuộc về mình cho dù có thiên quân vạn mã, vô vàn khó khăn, ta vẫn tiếp tục tiến về phía trước.
Ngũ lang đã phải tuyệt vọng đến mức nào mới có thể một lòng muốn chết cơ chứ?
***
Phủ Đồng tri.
Cao đồng tri nhận lấy canh an thần mà người hầu đứa tới thổi thổi, để nguội một chút rồi mới đưa cho Cao phu nhân vẫn còn chưa hoàn hồn: "Uống rồi đi ngủ đi."
Cao phu nhân mở mắt ra, chậm rãi uống hết canh an thần, một lúc lâu sau mới thở dài: "Ngày mai ta sẽ đến chùa Hồng Phúc đốt đèn cầu phúc, phù hộ cho tiểu thanh thiên bình an thoát khỏi nguy hiểm."
Cao đồng tri: "Quyên góp thêm chút tiền nhang dầu nữa, cầu cho tiểu Triệu đại nhân vô sự."
Ông thở dài một hơi, không thể không nói rằng đã cảm động trước cảnh tượng Triệu Bạch Ngư cản đao cứu Thánh thượng, sau đó từ chối để thái y cứu mình.
Để có thể ngồi vào vị trí Tể tướng này của ông thì phải là một lão già giàu kinh nghiệm trong quan trường trước, huống chi xưa nay lắm cuộc chiến chém giết, cảnh máu tanh nào mà ông chưa từng nhìn thấy?
Bởi ông cũng đã từng ra lệnh giết chết vạn người mà mặt không đổi sắc.
Chỉ có mỗi đêm nay khi nghe thấy câu "Không muốn sống nữa" của Triệu Bạch Ngư, ông mới thoáng run sợ, xúc động không thôi.
Cao đồng tri quả thực rất yêu thích Triệu Bạch Ngư, chỉ là sự yêu thích đó ít nhiều cũng có trộn lẫn với lợi ích, ví dụ như vụ án Lưỡng Giang đã dính dấp đến phân tranh Thái tử không chút nghi ngờ, Đông cung và Lục hoàng tử chém giết tựa như ngao cò tranh nhau, nhưng bệ hạ thì vẫn vững như kiềng ba chân*, không hề che giấu ý muốn nâng đỡ Hoắc Kinh Đường trước mặt đám lão thần bọn họ.
(*) Nguyên văn: Nhâm bằng phong lãng khởi, ổn tọa điếu ngư thai (任凭风浪起, 稳坐钓鱼台): Dù cho sóng gió nổi lên, vẫn vững vàng ngồi câu cá. Khi gặp tình trạng khó khăn, nguy hiểm thì vẫn không dao động; Dù ai nói ngã nói nghiêng lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Xuất phát từ những tranh chấp lợi ích rắc rối phức tạp trong quan trường, Cao đồng tri không chút do dự vươn tay ra kéo Triệu Bạch Ngư, nhưng nếu như đi ngược lại với lợi ích căn bản, ông vốn đã không cần phải nghĩ ngợi mà bỏ đá xuống giếng.
Đây chính là quan.
Khi không vướng mắc lợi ích thì chỉ biết lo cho thân mình, liên quan đến lợi hại thì lo trước lo sau, liên tục tung ra mọi thủ đoạn có thể làm, thật ra mục đích cuối cùng vẫn chỉ là bảo vệ thân mình, lo cho bản thân mà thôi, mấy ai còn nhớ đến dân chúng? Ai dám vì một câu công bằng như "giết người đền mạng" để đối nghịch với quân vương và triều đình?
Thế nhưng cho đến giờ, đọc sách làm quan không phải chỉ để lo cho thân mình, làm người thì phải dựa vào thiên lý và lương tâm, làm quan càng cần phải dựa vào thiên lý và lương tâm, đáng tiếc không có quan lại nào còn nhớ rõ.
Càng làm quan chức lớn thì càng phải cẩn thận, cẩn thận từng li từng tí, trong mắt chỉ còn lại có chính mình thôi, đâu còn chỗ cho lê dân bá tánh nữa?
Cao đồng tri biết dù bản thân không thể so bì với hiền thần lương tướng như Tỷ Can hay Ngụy Chính, nhưng ông có thể tự xưng mình là một trung thần trong lòng bệ hạ, triều đình và người trong thiên hạ, mà khi có sự xuất hiện của Triệu Bạch Ngư, ông mới giật mình nhận ra là bản thân đã xem nhẹ dân chúng bình dân dưới chân mình quá lâu rồi.
Chỉ một công đạo cơ bản cũng không cho được, vậy thì coi là trung thần lương tướng gì chứ?
Vậy nên Cao đồng tri mới rung động, sự tán thưởng xen lẫn tính toán lợi ích đối với Triệu Bạch Ngư đều hóa thành kính phục.
"Chỉ mong vô kinh vô hiểm, bình an vô sự."
***
Phủ Khang vương.
Cao đô tri dìu Khang vương hai chân mềm nhũn ngồi xuống, cầm khăn ẩm lau mặt và tay giúp ông, lại bị Khang vương nắm ngược tay lại, kéo về phía trước ôm lấy eo, chôn mặt trong ngực Cao đô tri.
"Ta không ngờ Triệu Bạch Ngư lại cản đao, cũng không hề nghĩ rằng y một lòng muốn chết."
Giọng nói của ông rầu rĩ, cảm giác bức bối bộc lộ ra trong lời nói.
Cao đô tri vỗ lưng ông nhẹ giọng trấn an: "Không ai có thể biết trước cả, ngươi một lòng muốn cứu Triệu Bạch Ngư thoát khỏi khốn cảnh, bổn ý là vì tốt cho y mà thôi."
"Ban đầu là tại ta hèn nhát, không dám nói rõ sự hung hiểm của Lưỡng Giang, nếu như nói cho y biết chuyện một trăm tám mươi quan liên danh bảo vệ Ma Đắc Dung sớm một chút, nếu như ta không lắm mồm lắm miệng nói một câu tiền trảm hậu tấu, nói không chừng y đã có thể chuẩn bị tâm lý thật tốt từ sớm rồi, trong lòng y sẽ băn khoăn, không đến nỗi... Không đến nỗi phải gieo mình vào núi đao biển lửa, cũng sẽ không tự cắt đứt đường lui, dứt khoát như thế này."
Cao đô tri thầm thở dài, từ đầu đến cuối vị vương gia cẩm y ngọc thực của hắn vẫn không thể hiểu được nguyên nhân thật sự khiến tiểu Triệu đại nhân chém chết ba trăm quan rồi không muốn sống nữa, đâu phải là bởi vì Lưỡng Giang hung hiểm?
Rõ ràng là vì vô vàn ân oán chồng chất ngút trời không thể dẹp yên, rõ ràng là vì quan lại trong quan trường tối tăm chẳng thể thấy mặt trời này không muốn vì dân chờ lệnh, rõ ràng là vì y chỉ có một thân một mình, quá đỗi cô đơn.
***
Đỗ phủ.
Đỗ công tiên về phủ liền đưa phu nhân đi tắm rửa, áo bào còn dính máu trên người ông vẫn chưa được cởi ra đã bị Hộ bộ Phó sứ bám lấy, tâm trạng vốn đã nặng nề vì lo lắng cho Triệu Bạch Ngư, còn phải nghe Hộ bộ Phó sứ gào khóc nên đầu óc trở nên đau nhức.
Một ông già choai choai trên mặt đầy nếp nhăn, tóc hơi bạc, bên tóc mai vẫn còn cài trâm hoa lăng tiêu đã héo rũ, bấy giờ đang ngồi ở tiền thính của Đỗ phủ ăn vạ không chịu đi, thút tha thút thít khóc lóc vì đã nhìn thấy chí hữu cản đao cho Thánh thượng, nghe thấy chí hữu nói không muốn sống nữa, trái tim lão đã tan nát rồi.
Cảm xúc lên đến đỉnh điểm, lão khóc càng to hơn, gào thét đến nỗi hai tai Đỗ Công Tiên đều đau.
Ông mặt không đổi sắc nghĩ, hay thật, cuối cùng cũng vinh dự được tri kỉ nhận làm chí hữu rồi, nhưng mà tiểu Triệu đại nhân người ta thậm chí chưa mời lão đến phủ Lâm An quận vương qua đêm, sao lại không biết xẩu hổ như vậy chứ?
"Tiểu Triệu đại nhân là Bồ Tát công đức vô lượng, người hiền sẽ được trời giúp, không có việc gì đâu."
"Ý ông là sao? Trên mép ông chỉ treo được mỗi câu không có việc gì dâu thôi à? Đỗ Công Tiên, ông đúng là đồ máu lạnh."
"..." Đỗ Công Tiên lạnh lùng nhìn ra bầu trời đêm bên ngoài phòng lớn, trong lòng nghĩ xem nên cắt đứt quan hệ với tên đồng liêu lâu năm này thế nào.
Chờ đến khi tâm trạng của Hộ bộ Phó sứ ổn định lại, Đỗ Công Tiên liền vội vàng đuổi người đi, vất vả lắm mới khuyên được người ra đến cửa, kết quả gặp được Công bộ Thị lang Phạm Văn Minh đang đi ngang qua, không biết có chuyện gì mà hắn trố hai mắt ra nhìn Hộ bộ Phó sứ, rồi cũng chẳng hiểu vì sao mà hai người quay lại tiền thính Đỗ phủ ngồi ì ra không chịu đi.
Đỗ Công Tiên thấy mắt hai vị đồng liêu đỏ bừng, đã không tức giận nổi nữa rồi.
Thích thế nào thì cứ làm thế ấy đi.
Phạm Văn Minh và Hộ bộ Phó sứ xì xào bàn tán: "Ngày mai tấu thỉnh Thánh thượng, xem có thể vào cung thăm tiểu Triệu đại nhân hay không?"
Đỗ Công Tiên: "Người có thể tỉnh được hay không còn là một chuyện, cả đám vào đấy chẳng phải sẽ quấy rấy thái y cứu chữa..." Đang nói giữa chừng thì lời bỗng bị cắt ngang bởi hai đôi mắt đỏ ngầu giận dữ của Hộ bộ Phó sứ và Phạm Văn Minh, ông ngượng ngừng nói: "Chắc chắn tiểu Triệu đại nhân sẽ tỉnh lại mà. Chắc chắn."
Lúc này hai người mới dời mắt đi.
Hộ bộ Phó sứ: "Hay là đừng tới làm phiền y, nghe ngóng tin tức thôi là được rồi. Ta và ngươi cố gắng làm chuyện khác trên triều vậy, như vụ án Lưỡng Giang kia, không thể bỏ qua cho kẻ chủ mưu, còn có đám quan lại Đông Nam kia nữa, dù đã chặt đầu rồi cũng phải tra cho đến cùng, công khai tội của bọn chúng ra ngoài, phải truyền sự thật của án oan này đi khắp thiên hạ."
"Có lý." Phạm Văn Minh gật gù, "Cần giải oan nên giải oan, cần trừng trị phải trừng trị, dù quan có bị bắt hay bị chém rồi thì cũng không thể mặc kệ dân chúng chịu khổ thêm nữa, phải trả lại công bằng và trong sạch cho bọn họ, triều đình cũng cần phải chi trả đền bù cho mọi tổn thất."
Hộ bộ Phó sứ: "Nhưng mà bản án này ta và ngươi chưa chắc có thể nhúng tay vào được."
Phạm Văn Minh: "Ta biết là bệ hạ sẽ giao bản án cho Triệu tế chấp. Tuy nói rằng cả kinh đô này ai cũng biết Triệu tế chấp ghét bỏ tiểu Triệu đại nhân, nhưng ông ta xử sự công bằng, sẽ không vì lòng riêng mà trả thù người khác."
Hộ bộ Phó sứ bĩu môi: "Chỉ sợ vạn nhất." Lão không ưa Triệu Bá Ung giả vờ nghiêm chỉnh kia chút nào, ông ta rất bất công với chí hữu Triệu Bạch Ngư của lão.
Phạm Văn Minh ho một tiếng: "Ta thấy lúc tiểu Triệu đại nhân bị thương, Triệu tế chấp và phu nhân của ông ấy vô cùng đau lòng, trông không giống như là giả, cảm giác, cảm giác như có ẩn khuất gì đó."
"Có à?" Đỗ Công Tiên xen vào.
"Đương nhiên là có!" Đỗ phu nhân thay quần áo sạch sẽ xong đột ngột bước từ bên trong ra, khoanh hay tay lại, trong lòng kích động nhưng có thể kìm lại được: "Ta nhớ Xương Bình ghét cay ghét đắng tiểu Triệu đại nhân, không hề có chút tình thương của mẹ nào, trái lại Triệu tế chấp và Triệu phu nhân thì rất ân cần, thật ra có để tiểu Triệu đại nhân trong lòng. Còn một điều mà các ông không để ý tới, đó là trước màn bức vua thoái vị, Triệu tế chấp và phu nhân đã liên tục nhìn về phía tiểu Triệu đại nhân rồi, tình cảm đó, ánh mắt đó, cực kì mỏi mòn..."
Đỗ phu nhân nói không ngừng nghỉ, thuật lại bí mật cay đắng mà bà đào bới ra được trong bữa tiệc.
Ba người đàn ông đều đứng nghe chăm chú, đoán ra được sự thật cuối cùng, không khỏi đồng loạt hít sâu một hơi: "Đúng là không thể tưởng tượng nổi!"
"Nếu sự thật là vậy..." Hộ bộ Phó sứ và Phạm Văn Minh lầm bầm tự nhủ: "Tiểu Triệu đại nhân đúng là vô cùng cực khổ rồi."
***
Trong điện Từ Minh, Thái hậu quỳ gối trước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi.
Ma ma đứng ở bên ngoài tiểu Phật đường nhỏ giọng nói: "Thái hậu, trời đã sáng rồi, bệ hạ vẫn còn đang chờ ở phía trước."
Thái hậu mở mắt ra, thắp một nén nhang trước Bồ Tát rồi ra khỏi tiểu Phật đường, cung nữ thái giám tranh thủ thời gian tiến lên hầu hạ. Đến trước phòng khách, Nguyên Thú đế vẫn còn đang đứng chắp tay, nghe thấy tiếng động mới lập tức xoay người tới hành lễ.
Thái hậu vươn tay nâng ông dậy, dẫn tới tháp ngồi.
Nguyên Thú đế cúi đầu: "Con trai tới đây thỉnh tội với mẹ, con không thể che chở cho Xương Bình, cũng không thể bảo toàn muội ấy."
Bức vua thoái vị thì dù có là con ruột cũng đáng chết, huống chi là em gái?
Ông đặc biệt đến nói lời xin lỗi bởi ngay từ đầu đã không muốn tha thứ cho Xương Bình, việc Hoàng hậu, Đông cung và Xương Bình mưu phản, bức vua thoái vị sẽ nhanh chóng bị dừng lại, Nguyên Thú đế không thể không nắm rõ tình hình.
Lui một vạn bước mà nói, vì sao Xương Bình lại mạo hiểm mưu phản?
Có lẽ vì bà ta đã sâu sắc cảm giác rằng khó mà bảo toàn bản thân, cho nên mới muốn đánh đòn phủ đầu trong ván bài bát thiên này.
Phàm là Nguyên Thú đế làm chút gì đó cho Xương Bình sau khi bà ta hồi kinh, dù chỉ là một câu nói thôi cũng đủ để trấn an bà rồi.
Nhưng mà không có.
Một bên giận dữ lệnh cho Triệu Bạch Ngư về kinh, một bên sấm to mưa nhỏ, qua loa hạ một khẩu dụ vây cấm xuống, kiếm cớ kéo dài việc tra xét đại án Lưỡng Giang, rồi cấm túc cả Xương Bình, đến tận giờ phút này cũng không hề có ý định truy cứu việc đám người Trần Sư Đạo, Hoắc Kinh Đường bắt tay nhau bày mưu bức sát Xương Bình.
Có thể đó là thêm dầu vào lửa, hoặc chỉ là khoanh tay đứng nhìn, nhìn Xương Bình tự rước lấy cái chết, sau cùng không thể phủ nhận được sát tâm của Nguyên Thú đế.
Thái hậu nhìn Nguyên Thú đế thật lâu, ông cũng góp phần thúc đẩy cái chết của em gái ruột thịt, vì vậy nên mới áy náy đau buồn, tình cảm biểu hiện ra lúc này là thật, tuyệt tình diệt trừ Xương Bình cũng là thật.
Thiên tử bạc tình.
"Là do Xương Bình ương bướng độc đoán, đại nghịch bất đạo, rơi vào kết cục này là do nó tự gieo gió gặt bão. Hoàng đế cũng đừng quá đau buồn, hãy lo cho bản thân mình đi."
Thiên gia vô tình.
"Nếu như con ngã xuống, giang sơn xã tắc, lê dân bá tính phải làm sao bây giờ?" Thái hậu vuốt ve Phật châu, chuyển ánh mắt sang chiếc bàn thấp khắc kinh Phật bên cạnh, niệm từng chữ một, "Nghe đám thái giám cung nữ nói, lúc Hoàng đế bách tử nhất sinh, Triệu Bạch Ngư đã lấy thân mình ra ngăn một đao chí mạng cho con, bây giờ vẫn còn giằng co với sinh tử phải không?"
Nguyên Thú đế gật đầu.
"Chính vì vậy, Hoàng đế mới buông thả để Triệu tế chấp giật dây vì tình riêng, đồng ý cho ông ấy đưa Xương Bình đi tra hỏi sao?"
"Triệu khanh có ơn với trẫm, nhưng không phải là vì nguyên nhân này." Nguyên Thú đế nghĩ đến món nợ mà mình còn thiếu, tuy không nhiều lắm nhưng cũng đã đủ khiến cho Thiên tử áy náy rồi, "Thái hậu có điều không biết, Xương Bình đã lén lút đánh tráo Triệu Bạch Ngư và Triệu Ngọc Tranh khi chúng mới vừa ra đời."
Thái hậu ngẩng đầu lên: "Cái gì?"
"Triệu Bạch Ngư mới là con trai út của Triệu tế chấp, còn Triệu Ngọc Tranh là con trai của Xương Bình."
Thái hậu bàng hoàng không nói nên lời, mạnh mẽ siết chặt vòng Phật khiến nó đứt phăng, hơn trăm hạt bồ đề lách cách rơi xuống đất: "Thật sao?"
"Tất cả đều là thật."
"Tạo nghiệp chướng, Xương Bình tạo nghiệp chướng rồi." Thái hậu không ngừng lắc đầu tiếc nuối: "Ta biết nó kiêu căng cố chấp, cho rằng nó vẫn còn chút lương tâm, ít ra sẽ không gây nghiệp lên người con mình, không ngờ nó lại có thể ra tay với một đứa trẻ khi nó chỉ vừa mới sinh ra."
Bà thở dài nói: "Hai mươi năm trước hủy hoại Triệu gia một lần, hai mươi năm sau lại phá tan nát một lần nữa, quả nhiên là oan trái nghiệt duyên."
Mà oan trái nghiệt duyên này có liên quan gì đến Triệu Bạch Ngư đâu?
Chịu khổ chịu khó hai mươi năm, sau cùng chỉ có Triệu Bạch Ngư là vạn tử nhất sinh mà thôi.
"Quả nhiên, y là Bồ Tát đến nhân gian độ kiếp cho nên mới phải chịu lắm gian nan khổ cực như vậy." Thái hậu thở dài nặng nề, nhìn Nguyên Thú đế nói: "Hoàng đế về nghỉ ngơi đi, ta cũng mệt rồi."
Nguyên Thú đế đứng dậy: "Nhi tử cáo lui."
***
Ra khỏi điện Từ Minh, nghênh đón ánh mặt trời mới mọc, sắc mặt của Nguyên Thú đế không thay đổi, khẽ vuốt ve ngón tay chắp ở sau lưng.
Mưu phản, bức vua thoái vị, trong một đêm mất đi Hoàng hậu và Đông cung, suýt nữa mất luôn cả mạng, nếu như bình thường, lẽ ra Thái hậu phải bận bịu tới lui, quan tâm sai người nấu canh an thần mang đến, còn phải sao chép kinh Phật, làm thức ăn chạy tạ ơn thần minh tám phương, thế nhưng lúc này đây bà chỉ lạnh nhạt nói vẻn vẹn vài câu cho có, thậm chí không chạm vào tay ông, không vỗ lưng ông, cũng không xoa đầu ông để an ủi.
"Còn trách cứ trẫm nữa."
***
Cửa cung điện Từ Minh đóng lại, Thái hậu ngẩn người nhìn hạt châu lăn lóc dưới mặt đất, ma ma chăm sóc bà bốn mươi năm trời bước tới thấp giọng khuyên nhủ, nói đã một đêm bà chưa ngủ rồi, hay là đi ngủ trước đi.
"Tâm sự nặng nề thế này làm sao ngủ được?" Thái hậu lặng lẽ lau nước mắt trên khóe mắt, con gái hại người, kẻ đau lòng nhất là bà, "Đỡ ta vào nội đường tiểu Phật đường đi, chép thêm nhiều lần kinh Phật nữa, tiện thể chuộc tội thay cho Xương Bình vậy."
Bỗng nhiên Thái hậu lại nói: "Vào kho phủ ta tìm một vài dược liệu quý hiếm đưa đến Thái y viện, nói là để cho Triệu Bạch Ngư dùng. Còn nữa, trong hai ngày này tìm thời gian đi lãnh một cái thẻ ngà, đến chùa Hồng Phúc giúp ta đốt đèn cầu phúc."
Ma ma cẩn thận hỏi lại: "Cầu cho Xương Bình điện hạ sao ạ?"
Thái hậu im lặng rất lâu mới lên tiếng: "Cầu phúc cho Triệu Bạch Ngư... Cầu cho thằng bé về sau vô tai vô nạn."
***
Điện Tử Thần, noãn các.
Đã ba ngày trôi qua, Triệu Bạch Ngư vẫn chưa có dấu hiệu tỉnh lại.
Máu đã ngừng chảy, miệng vết thương được khâu lại rất thuận lợi, cơn sốt cũng đã lui, dược liệu bổ máu bổ khí quý báu đưa vào cơ thể như rót nước, thái y luôn canh chừng ở bên ngoài noãn các chờ lệnh mọi lúc, đến cả Từ Minh Bích cũng bị Hoắc Kinh Đường ép vào cung cứu chữa cho Triệu Bạch Ngư.
Ngày đầu tiên thật sự rất nguy hiểm, lưỡi đao kia suýt chút nữa là đâm xuyên thủng nội tạng, sau khi xác nhận máu không còn chảy nữa, thái y bèn nhanh tay khâu miệng vết thương lại, khi ấy Triệu Bạch Ngư đã được cho ăn không ít ma phi tán, theo lẽ thường là sẽ phải tình lại vì cơn đau do khâu sống, nhưng mà suốt cả quá trình đó y không hề có ý thức, đồng tử tan rã, chứng tỏ nguy cơ cực cao, bất cứ lúc nào cũng có khả năng tử vong.
Cũng may đó chỉ là nỗi sợ chứ không nguy hiểm, việc khâu vết thương đã hoàn thành, nhưng theo sát phía sau là cơn sốt cao đến đáng sợ, ba canh giờ sau đó phải có người trông chừng Triệu Bạch Ngư không được rời một giây một phút nào, cứ đúng giờ là phải giúp cơ thể y hạ nhiệt độ, còn cần phải luôn chú ý đến miệng vết thương tránh để nó rách ra, không được để nhiễm trùng,
Giành giật từng giây căng thẳng, giữ vững tinh thần, chỉ sau mấy canh giờ ngắn ngủi thôi mà hai nhóm người từ thái giám cung nữ đến thái y đều nối tiếp nhau mệt mỏi ngã gục.
Cũng may là đã hạ sốt, miệng vết thương cũng không nhiễm trùng, nhưng mà Triệu Bạch Ngư vẫn không tỉnh.
Các thái y vắt óc đau khổ suy nghĩ rồi đưa ra kết luận: "Đáng ra bây giờ tiểu Triệu đại nhân phải tỉnh rồi, nhưng vẫn chưa tỉnh thì chỉ có thể nói..." Thái y do dự một chút, vẫn cắn răng nói ra: "Chỉ có thể nói rõ ý chí sống sót của bản thân y rất yếu ớt, không muốn tỉnh lại!"
Hoắc Kinh Đường rơi vào trầm lặng, một lúc lâu sau mới hỏi: "Vậy có cách nào giúp tiểu lang tỉnh lại không? Có cách nào có thể làm tăng ý chí sống sót của tiểu lang hay không?"
Đám thái y quay mặt sang nhìn nhau, cuối cùng Từ Minh Bích bước ra khỏi hàng nói: "Lúc ta đi chu du dân gian có từng gặp một ca bệnh té chấn thương đầu hôn mê mấy tháng liền, nhờ người nhà kiên trì mới khiến cho ý chí sống sót của người bệnh tuôn ra mạnh mẽ, rốt cuộc cũng tỉnh lại. Sau đó người bệnh nói rằng lúc hắn hôn mê vẫn có thể cảm nhận được rõ ràng những gì xảy ra ở xung quanh mình, còn nghe thấy được những điều người thân nói bên tai hắn, đúng là nhờ người nhà không bỏ cuộc, ý chí sống sót mới bật lên, thoát khỏi cái chết đang đe dọa, kéo sinh mạng trở lại lần nữa."
Hoắc Kinh Đường: "Ngươi nói tuy tiểu lang hôn mê, nhưng y vẫn có thể nghe thấy chúng ta nói chuyện sao?"
Từ thần y khựng lại một chút rồi đáp: "Có lẽ vậy." Gã cũng không chắc chắn lắm.
Hoắc Kinh Đường: "Vậy có phải là ta nói chuyện với tiểu lang rồi, y sẽ không còn muốn chết nữa hay không?"
Từ thần y im lặng một lúc lâu mới đáp lại: "Quyết định còn nằm ở mức độ lưu luyến nhân gian này của tiểu Triệu đại nhân nữa."
Thực tế, bởi vì Triệu Bạch Ngư không mấy luyến tiếc nhân thế này cho nên mới hôn mê đến tận bây giờ.
Đáp án này trong lòng ai nấy đều hiểu rõ, nhưng chẳng ai dại dột nói ra thành lời.
Hoắc Kinh Đường mạnh mẽ lau mặt mình: "Biết rồi. Các ngươi lui xuống trước nghĩ cách khác đi, mặc kệ có thể dùng được hay không, dùng có tốt hay không, cứ nói ra trước đã."
Từ Minh Bích nhìn thấy hai quầng thâm dưới mắt và tơ máu đỏ rực trong mắt hắn, quần áo vẫn còn là bộ mà hắn mặc vào cung yến mấy đêm trước, những vết máu đã khô lại chuyển thành màu đen, toát ra một mùi hương hơi gay mũi, dáng vẻ của hắn thật sự là đã mệt mỏi đến cùng cực rồi, trông chật vật chịu không nổi, thế là gã bèn khéo léo khuyên hắn đi nghỉ ngơi một chút.
"Cái gì?" Có lẽ là không ngủ nhiều ngày liền, cũng có lẽ là do tâm thần không yên, phản ứng của Hoắc Kinh Đường rất chậm chạp, hắn lấy lại tinh thần rồi mới lên tiếng, "Ta sợ người đầu tiên tiểu lang nhìn thấy sau khi tỉnh lại không phải ta, y sẽ sợ. Ta cũng sợ nếu như ta không ở bên cạnh tiểu lang nói chuyện với y, y sẽ hiểu lầm rằng trong cuộc đời này không có gì đáng để tiếc nuối..." Dừng một chút, hắn có chút không tự tin hỏi: "Tiểu lang có lưu luyến ta không? Có thể tỉnh lại vì ta không?"
Từ thần y nghẹn lời.
Gã đã quen biết Hoắc Kinh Đường nhiều năm, cái người này dường như trời sinh tính tình hăm hở, năm đó hắn bại trận, binh lính cùng vào sinh ra tử với hắn ngã xuống rất nhiều, nhưng cùng lắm thì hắn cũng chỉ mất tinh thần buồn bã một chút thôi rồi lại nhanh chóng giương cờ giống trống giết sạch quân địch, không để lại dù chỉ một mảnh giáp, dùng máu và đầu quân địch để cho quân lính của hắn nhắm mắt.
Hỗn thế ma vương nổi danh kinh đô ở trước mặt Triệu Bạch Ngư giờ đây cũng trở nên thiếu tự tin mất rồi.
Hoắc Kinh Đường bóp hổ khẩu, nói: "Bảo người đưa Nghiên Băng, Ngụy bá và Tú ma ma vào cung đi, bọn họ ở cùng tiểu lang hai mươi năm, dù chẳng có chung huyết thống gì mà còn hơn cả người thân, nói không chừng sức nặng của bọn họ trong lòng tiểu lang còn nặng hơn cả ta nữa."
Chỉ trong một cái chớp mắt, hắn nói với Từ Minh Bích: "Cứ như vậy đi."
Từ thần y và các thái y hết cách, chỉ đành phải lui ra gian ngoài, để mặc Hoắc Kinh Đường không ngủ không nghỉ túc trực bên cạnh Triệu Bạch Ngư đang hôn mê.
Hoắc Kinh Đường ngồi bên cạnh mép giường, chăm chú nhìn khuôn mặt tái nhợt của Triệu Bạch Ngư, giúp y vén tóc ra phía sau tai, lại cầm khăn vải ấm lau chùi cơ thể cho y.
Triệu Bạch Ngư hôn mê mà cơ thể vẫn rất sạch sẽ, Hoắc Kinh Đường thân thể khỏe mạnh là thế nhưng còn trông giống người bệnh hơn cả y nữa.
"Tiểu lang kiên trì lâu như vậy rồi, thật ra vẫn không nỡ buông bỏ có đúng không? Sao lại có thể nói thế gian này không có gì đáng để lưu luyến chứ? Tiểu lang cam lòng buông bỏ ta sao? Tiểu lang còn chưa tận mắt nhìn thấy Nghiên Băng thành gia lập nghiệp cơ mà, à phải, Lý Ý Như đã đồng ý lời cầu hôn của Từ Minh Bích rồi, cuối tháng này sẽ hứa hôn. Còn có cả Tú ma ma, Ngụy bá, và cả mọi người trong phủ quận vương đều đang đợi em về nhà, Trần Sư Đạo bọn họ mỗi ngày đều đi qua hỏi một câu về thương thế của em... Rất nhiều người đều ngóng trông em khỏe mạng, rất nhiều người đều đang đợi em tỉnh lại. Xương Bình đã bị đem đi tra hỏi rồi, từng hành vi phạm tội của bà ta đều sẽ được công bố với thiên hạ, từ chuyện thạch thương họ Khuông đến án oan của Dương thị đều là án sai được sửa lại, công bằng mà em muốn cho lê dân bá tánh đã cho được rồi, em muốn nói với tất cả mọi người có oan phải giải oan, giết người thì đền mạng, bọn họ đều nghe được cả rồi. Triều đình và dân chúng, từ trẻ đến già đều đang bôn ba vì em, bọn họ đều đang giúp em giải tội không chiếu chém chết ba trăm quan Lưỡng Giang, bệ hạ cũng không còn định trách cứ nữa mà muốn khen thưởng..."
Dông dài một lúc, Hoắc Kinh Đường không nói nên lời nữa.
Hắn nắm bàn tay của Triệu Bạch Ngư lên áp vào áp, nước mắt ấm áp rơi xuống làm ướt lòng bàn tay y, cũng thấm ướt cả chăn bông.
"Tiểu lang tỉnh lại được không? Đừng rời bỏ ta."
"Nếu như em thật sự là tiểu Bồ Tát từ trên trời xuống trần gian độ kiếp, vậy thì có thể ở lại độ ta xong rồi hãy quay trở về được không?"
Hoắc Kinh Đường khẩn cầu Triệu Bạch Ngư, cầu xin cả thần phật không biết có thật sự tồn tại hay không, trước đây hắn cúng Phật là vì có điều muốn cầu, nhưng tạp niệm quá nhiều không thành tâm, còn từ giờ về sau hắn chỉ cầu thần bái phật vì một mình Triệu Bạch Ngư, cũng chỉ ôm lòng thành kính với một mình y mà thôi, có thể trả tiểu lang lại cho hắn được không?
"Ta biết rõ, ta biết rõ tiểu lang đã phải chịu quá nhiều khổ sở. Họ Triệu kia, còn có Tạ thị, mấy ngày nay bọn họ thường xuyên gửi bái thiếp muốn vào noãn các, muốn gặp em, tỏ vẻ buồn bã đáng thương, hối hận gần chết, trái lại đánh tiếng đến chỗ Thái hậu và bệ hạ, bọn họ được phép vào nhưng đều bị ta cản lại. Ta biết rõ cả... Lúc ở dịch trạm, ta đều nghe được hết rồi, ta mới biết..." Hai mắt Hoắc Kinh Đường đỏ hoe, cũng khiến cho nước mắt đau lòng như muốn nhuốm màu đỏ thẫm, "Ta mới biết suốt hai mươi năm qua tiểu lang của ta phải cực khổ chịu đựng biết bao nhiêu việc ác. Tiểu Bồ Tát của ta vốn nên được sống cuộc đời lá ngọc cành vàng, vốn phải được lớn lên trong vô vàn thương yêu, tiên y nộ mã, khí phách tung bay, em sẽ là thiếu niên lang thu hút sự chú ý nhất trong kinh đô, là tiểu trạng nguyên xinh đẹp nhất, muốn đòi lại công bằng cho dân cần gì phải khổ tâm tốn sức? Cũng nào có cần phải tuyệt vọng đến nỗi không cần cả mạng sống nữa? Sẽ có người yêu em thương em, che chở bảo vệ em, nuông chiều để em có thể bước đi trên con đường của mình, đi theo con đường thanh thiên vì bá tánh của em..."
"Em vốn phải như thế."
"Ta không cho phép người nhà họ Triệu vào đây, bởi ta biết em sẽ không muốn gặp mặt bọn họ, nhưng ta cũng thừa biết tiểu lang dễ mềm lòng, nếu như ta làm sai rồi thì em hãy tỉnh lại mắng ta một trận đi... Còn nếu ta không làm sai thì em phải khen ta đấy, bằng không thì lương tâm ta khó an lắm."
Quỷ đòi nợ vô lương tâm nhất mà lại không biết xấu hổ nói lương tâm hắn khó an à?
Nguyên Thú đế vừa bước vào tới nơi nghe xong lời này suýt nữa là không thở nổi, ho mạnh một tiếng nhưng không được Hoắc Kinh Đường đáp lại, ông ho thêm hai tiếng nữa, thế là nhận được ánh mắt tựa lưỡi dao sắc lẹm muốn giết người của Hoắc Kinh Đường.
"..." Nguyên Thú đế ngượng ngùng hỏi: "Vẫn chưa tỉnh à?"
Hoắc Kinh Đường: "Không có việc gì thì đừng đến đây làm phiền người khác."
Cơn giận vừa lắng xuống của Nguyên Thú đế lại đột ngột vùng lên, nhưng khi nhìn thấy dáng vẻ chật vật mệt mỏi của Hoắc Kinh Đường thì nó đã bị sự xót xa đã lấn át mất rồi, ông bèn cất giọng khuyên nhủ hắn giống hệt như bao người cha trên đời này: "Nghỉ ngơi một lát đi, chuyển thêm một chiếc giường nữa để ở bên cạnh, nghỉ chút thôi. Trẫm sẽ lệnh cho người theo dõi y từng giây từng phút, phàm là Triệu khanh có động đậy, dù mi mắt chỉ run lên một chút thôi cũng sẽ lập tức đánh thức con dậy."
Hoắc Kinh Đường: "Bệ hạ đến đây chỉ để nói vậy thôi sao?"
Nguyên Thú đế cau mày: "Ngày nào Triệu tế chấp và Tạ thị vợ ông ấy cũng đến chờ bên ngoài điện Tử Thần đấy, Tạ thị đổ bệnh sốt cao không giảm mà mỗi ngày đều kiên trì đến đây đợi suốt mấy canh giờ liền. Từ khi trở về sau đêm cung yến đó, ngày hôm sau lên triều, đầu Triệu tế chấp đã bạc hơn nửa, rõ ràng là đã hối hận lắm..."
"Nếu như ngài tiếp tục nói những điều này, vậy thì đừng đến đây nữa."
"Con!" Nguyên Thú đế nổi giận nhưng vẫn thấp giọng nói: "Con cứ cứng đầu cứng cổ như vậy sao?"
Bả vai Hoắc Kinh Đường sụp xuống, sắc mặt thẫn thờ: "Cha à, xin cha đấy, có thể đợi sau này rồi hãy hỏi ta tội bất kính có được không?"
"Ta..."
Nguyên Thú đế nghẹn họng, khi Hoắc Kinh Đường còn nhỏ chưa hiểu chuyện từng gọi ông là cha, bị ông trách mắng rồi đánh cho một trận, kể từ đó phân biệt rạch ròi, sau này đưa hắn về lại phủ Tĩnh vương, rồi đến lúc trúng cổ độc, ông đưa lão Lục vào quân Ký Châu, Hoắc Kinh Đường liền hoàn toàn coi ông như người xa lạ.
Lúc ở cùng nhau hai người tuyệt đối không vượt qua giới hạn, đến những lúc hắn bướng bỉnh vô lễ hay tỏ ra tức giận cũng sống chết bám vào thân phận quân thần, sẽ không còn bỏ ra lòng tin tưởng và kính trọng ông như lúc trước nữa, nói chi đến việc gọi ông một tiếng cha.
Bây giờ gọi ông là cha, chỉ vì cầu xin ông để ngày sau hãy hỏi tội thôi.
Nhưng ông nào có muốn hỏi tội đâu.
Ông chỉ hy vọng Hoắc Kinh Đường có thể ngỗ nghịch với ông, chọc cho ông nổi giận như ngày trước, ông chỉ mong hắn có thể giận dỗi mình, đừng trầm lặng suốt ngày giống như bây giờ nữa, trông cứ như là hắn cũng sắp sửa hôn mê rồi chết cùng Triệu Bạch Ngư luôn vậy.
"Cha, cha không nói nữa. Nhưng con nghe lời cha đi, người ta còn chưa tỉnh, con đã ngã xuống trước rồi đấy."
Hoắc Kinh Đường không đáp lại, cũng chẳng biết cái tính cố chấp này đến cùng là giống ai nữa, thế nhưng Nguyên Thú đế cũng hết cách rồi.
Ông tự biết mình mắc nợ, mắc nợ cả hai người ở trước mặt ông đây.
***
Ra khỏi điện Tử Thần, Nguyên Thú đế hỏi thái giám bên người: "Nghe nói Thái hậu đốt đèn cầu phúc cho Triệu Bạch Ngư ở chùa Hồng Phúc sao?"
Đại thái giám: "Vâng. Đã đốt đèn dâng lên cầu phúc rồi ạ."
Nguyên Thú đế: "Linh nghiệm lắm à?"
Đại thái giám: "Nghe nói là vô cùng linh nghiệm. Trong phủ có chùa Hồng Phúc, ngoài phủ có chùa Bảo Hoa, khách hành hương nhiều như mắc cửi, ngựa xe như nước, nếu như không linh nghiệm thì cũng chẳng có mấy ai đến đâu ạ."
Nguyên Thú đế: "Ngươi giúp trẫm đi đốt một chiếc đèn đi."
Đại thái giám vội vàng lui đi: "Vâng."
***
Tạ thị không thể vào noãn các, không gặp được Triệu Bạch Ngư, chỉ đành nghe ngóng tình hình từ người bên ngoài, biết được ý chí sống sót của Triệu Bạch Ngư cực kì yếu ớt thì lệ rơi lã chã, tự biết rằng đó là lỗi lầm của bọn họ, thế nhưng chẳng biết phải làm sao, bởi họ cũng chẳng giúp đỡ được gì.
Trên đường về phủ đột nhiên rẽ sang đường khác đi chùa Hồng Phúc, bởi vì bà là khách hành hương thành kính nhất, cho nên vừa đến chùa là có thể trực tiếp đi gặp trụ trì, lời đầu tiên chính là yêu cầu đập bỏ đèn cầu phúc mà ngày trước bà cầu cho Triệu Ngọc Tranh.
Trụ trì im lặng nhìn bà, mặt không đổi sắc hỏi: "Phu nhân đã nghĩ kĩ chưa?"
"Đập đi." Tạ thị còn nói thêm: "Làm phiền trụ trì giúp ta đốt một ngọn đèn cầu phúc trừ họa, dù từ nay về sau ta có phải ăn chay niệm Phật, hoặc ngày ngày sao chép kinh Phật cũng không thành vấn đề, nhưng cầu, nhưng cầu cho tiểu Lân Nô từ giờ trở đi vô kinh vô hiểm, vô tai vô nan."
Trụ trì: "Mời đi theo ta."
Đèn cúng được thắp sáng tại điện Vạn Phật, khi đến nơi, Tạ thị phát hiện trước cửa đại điện, trên lan can, bên dưới sân rộng đều bày đầy đèn sáng, bây giờ đang là hoàng hôn, đèn chỉ sáng mờ, nhưng đến lúc trời hoàn toàn sụp tối thì hàng vạn ngọn đèn sẽ bừng sáng rực rỡ, vô cùng tráng lệ.
Nhưng đây không phải là điều hiếm lạ.
Thỉnh thoảng chùa Hồng Phúc sẽ tổ chức pháp hội để cho vạn dân cúng đèn cầu phúc, chùa Bảo Hoa bên ngoài phủ cũng sẽ tổ chức, thậm chí một vài chùa miếu nhỏ cũng sẽ tổ chức pháp hội này để cho hàng trăm, hàng nghìn chúng dân đến thắp đèn.
Sở dĩ Tạ thị biết được là bởi vì bà đã từng đi đến tất cả các pháp hội này, đã từng quỳ trước thần phật vì Triệu Ngọc Tranh người yếu nhiều bệnh, chùa miếu nào cũng có giữ lại những món đồ mà bà thành kính cung phụng.
Nhưng phúc lành mà bà khao khát có được lại không rơi trúng đứa con trai nhỏ của bà, có điều không thể trách thần phật không hiển linh, phải trách bà nhận nhầm người, trách bà lòng dạ độc ác giận chó đánh mèo lên người đứa trẻ vô tội.
"Tục nói cha mẹ nợ, con cái trả, có phải là do kiếp trước của ta quá nhiều nghiệp chướng, thiếu nợ quá nhiều cho nên kiếp này mới bắt con ta trả lại hay không? Vì sao báo ứng lại không báo trên người ta, mà lại rơi xuống trên đầu một đứa nhỏ vô tội kia chứ?"
Có lẽ đã vượt qua được nỗi đau đớn cùng cực, khi hỏi câu hỏi này, Tạ thị cũng ngạc nhiên vì tâm trạng của mình rất bình tĩnh.
"Vạn vật trên thế gian này đều là do nhân quả quyết định. Bởi vì nhân ở kiếp trước có quá nhiều biến số, không nhất định ảnh hưởng đến quả trong kiếp này, nhưng nhân trong quá khứ lại chính là quả của hiện tại, nhân không nhất định là nhân của bản thân mình, nó có thể là nhân của người khác nhưng quả lại gieo xuống đầu phu nhân. Hoăc cũng có thể là người nào đó làm ảnh hưởng đến nhân mà người gieo xuống, cuối cùng khiến cho quả rơi trúng một người khác."
"Nhưng đối với người vô tội kia mà nói, vô duyên vô cớ ăn phải quả xấu là điều công bằng hay sao?"
"Nhân quả đã định, không nói công bằng." Trụ trì quay đều lại nhìn Tạ thị, ấm giọng nói: "Người phải chịu quả xấu có khả năng sẽ gieo một nhân mới, có lẽ là nhân ác, cũng có lẽ là nhân thiện, nếu như là nhân thiện thì sẽ kết được quả tốt, quả tốt rơi xuống đầu người khác cũng đã là công đức vô lượng rồi."
Mặt Tạ thị không có biểu cảm gì, dù trụ trì có đại trí đại tuệ dường như đã thấy rõ hết thảy, nhưng bà vẫn không cam lòng.
Dựa vào cái gì mà kẻ gieo nhân ác không tự mình gánh chịu hậu quả, lại muốn đổ hết tai họa lên người con trai nhỏ của bà?
Vì cớ gì muốn con trai của bà ăn quả xấu còn bản thân nhận lại nhân thiện, tích góp công đức cái gì chứ?
Trụ trì thấy bà như vậy thì cũng không khuyên nhủ nữa.
Lúc này có người đi ra từ trong điện Vạn Phật, đưa mắt nhìn thấy Tạ thị bèn bước đến hành lễ: "Ồ, Triệu phu nhân cũng tới lễ Phật sao?"
Tạ thị ngước mắt lên nhìn thì thấy đó là đại thái giám bên cạnh Nguyên Thú đế, bà không có lòng trò chuyện, chỉ gật đầu qua loa đáp lại: "Ông cũng vậy à?"
Đại thái giám chắp hai tay hướng lên trời: "Phụng mệnh làm việc, đến thắp một ngọn đèn nhỏ cầu phúc cho tiểu Triệu đại nhân, suýt nữa là không xin được." Ông quay đầu nói với trụ trì: "Ngài là trụ trì chùa Hồng Phúc phải không? Sao lại để chùa thiếu đèn vậy? Nếu như Triệu phu nhân đến đây là để thắp đèn cầu phúc, chỉ sợ là phải quay về đi thôi, bên trong đã hết đèn rồi. À, mau gọi người mang thêm đến đi."
Tạ thị biến sắc, đột nhiên nhìn về phía trụ trì, trụ trì đang hỏi một tiểu sa di, xác nhận là không còn đèn nữa, nhưng bây giờ không kịp đi mua nữa rồi.
Trụ trì: "Sao lại không còn? Gần đây không tổ chức pháp hội vạn chúng cúng đèn, sao lại có nhiều khách hành hương đến đốt đèn như vậy?"
Tiểu sa di đáp: "Không chỉ đèn cúng trong chùa Hồng Phúc của chúng ta hết, mà có lẽ đèn của chùa Bảo Hoa ngoài phủ và chùa miếu nhỏ trong phủ cũng đều đã hết sạch rồi. gần đây mọi người trong ngoài phủ đều vào chùa xin thanh đăng*, vốn chỉ có mấy vị phu nhân có cáo mệnh đến cầu thôi, không bao lâu sau thì dân chúng cũng ùn ùn kéo đến, có vài người còn cùng chia sẻ một ngọn đèn nữa... Hai ngày trước Thái hậu cũng đến chùa chúng ta cúng thanh đăng, không biết vì sao lại truyền được ra ngoài, hôm nay đèn có sẵn đều đã được thắp lên hết cả rồi."
(*) Thanh đăng (青灯): Đèn dầu thắp lên có ánh sáng màu xanh lục.
Tình cờ có ba người dân áo vải đi qua bên cạnh, mỗi người đều cầm trong tay một ngọn đèn cúng, Tạ thị chặn bọn họ lại hỏi thăm xem có thể bán nó cho bà hay không, ba người nọ đều tỏ vẻ khó xử.
Tạ thị sốt ruột nói: "Ta có thể trả giá gấp mười lần, cầu xin các người nhường đèn cho ta với."
Thật ra bà có thể đợi thêm vài ngày nữa, cũng biết đèn cầu phúc chỉ là để an ủi lòng mình mà thôi, không thể khiến cho ngũ lang tỉnh dậy, nhưng mà bà đã không còn biết phải làm thế nào nữa rồi.
Dường như thắp một ngọn thanh đăng lên cũng đã đủ để an ủi tâm hồn đau đớn của bà rồi, bà đã không còn nơi nào để quay đầu lại nữa, chỉ đành phải bắt lấy niềm an ủi cằn cỗi duy nhất mà bà có thể bắt được thôi, ý nghĩ ấy đã thúc giục bà dây dưa với ba người khách hành hương chỉ để mua lại một ngọn đèn.
Một trong ba người nọ nói: "Không phải bọn ta cố tình ép giá, chỉ là đèn này thắp sáng dâng lên là vì tấm lòng."
Tạ thị hỏi: "Lòng vì điều gì?"
Ba người: "Cầu phúc cho một người."
Tạ thị: "Cho ai?"
Ba người: "Triệu đại nhân Triệu Bạch Ngư."
Tạ thị giật mình, đến cả đại thái giám cũng ngạc nhiên ra mặt, mà tiểu sa di kia cũng tự nhiên nói ra: "Hàng vạn ngọn đèn này đều là do dân chúng trong phủ ta thắp sáng dâng lên để cầu phúc cho Triệu đại nhân đấy, ta còn nhớ có một vị khách hành hương quỳ từ bên ngoài sơn môn đến tận đây, thành tâm thành ý cầu ba mươi ba ngàn ba trăm thần phật, giúp cho tiểu thanh thiên kia thoát khỏi biển khổ vô biên, trả y về nhân gian này."
Hắn quay đầu lại nhìn hai người, khó hiểu vò đầu rồi nói: "Hai người không biết à? Triệu đại nhân vì dân chờ lệnh, còn lấy thân cản đao cứu Thánh thượng, hôm nay mạng còn treo lơ lửng, hôn mê bất tỉnh, chuyện đã truyền khắp nhân gian rồi, bây giờ muốn có đèn khó lắm. Phủ kinh đô chúng ta đã như vậy, nghe nói ở Lưỡng Giang còn có người lập cho y bia trường sinh, ngày đêm thắp sáng thanh đăng trong nhà đấy."
Vạn dân trong thiên hạ dâng cúng thanh đăng, chỉ cầu cho một người phúc tinh cao chiếu.
Mà bấy giờ, Tạ thị đã rơi lệ đầy mặt rồi.
***
Điện Tử Thần, noãn các.
"Công bằng ở lòng dân, trong lòng dân có cán cân." Hoắc Kinh Đường nói nhỏ bên tai Triệu Bạch Ngư, mới vừa rồi Nghiên Băng đã vui vẻ nhắc đến chuyện trong kinh đô có ba mươi ngàn ngọn đèn cầu phúc cho Triệu Bạch Ngư, hắn bèn kể lại cho y nghe, "Tiểu lang, em lập mệnh cho lê dân bá tánh, bọn họ đều cầu xin thần phật trả em trở về đấy."
"Tiểu lang, tiểu Bồ Tát, em không cô đơn đến thế đâu, đừng quay về trời có được không?"
"Tiểu lang..." Hoắc Kinh Đường rúc vào cổ Triệu Bạch Ngư, dòng chất lỏng ấm áp lại chảy xuống, "Cuộc sống này không hề gay gắt đến như vậy mà phải không? Em không phải cô đơn một mình, có ta, có thân bằng hảo hữu, còn có thiên hạ vạn dân, em quan tâm đến họ đến nhường này, làm sao có thể cam lòng buông bỏ đúng không?"
Hắn không nhúc nhích, cho nên cũng không nhận ra có một bàn tay trắng nhợt yếu ớt đang từ từ nâng lên, nhẹ nhàng đặt lên bả vai hắn.
Hoắc Kinh Đường không dám động đậy, sợ rằng đây chỉ là ảo giác mà thôi.
Sau đó, hắn chợt nghe thấy một giọng nói ấm áp như tiếng trời vọng xuống từ trên đỉnh đầu, "Người mà ta luyến tiếc không thể buông bỏ được, là chàng."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]