Một câu nói tuy ít chữ nhưng "thiên hồi bách chuyển"*, "hồi" vào tận sâu trong một nơi nào đó, "chuyển" vào trong trái tim đong đầy cảm xúc của Tiết Thứ.
*Thiên hồi bách chuyển: Quanh đi quẩn lại
Giọng nói khàn khàn và âm điệu cố ý kéo dài bỗng chốc như đan thành một tấm lưới khóa chặt hắn. Hắn không thể trốn, cũng không muốn trốn.
Lý trí cam nguyện bị vây chặt, dã thú trong lòng lại gào thét đòi xông ra. Tiết Thứ căng cứng cả người, trong con ngươi đen kịt chứa đầy sự tàn bạo và cả khát vọng khôn cùng.
Hắn nắm chặt lấy cổ tay Ân Thừa Ngọc. Với một chút lý trí còn sót lại, bắp tay Tiết Thứ gồng lên, đôi mắt đầy tơ máu.
Hệt như một con sói đang đi săn, chớp mắt sẽ vồ tới, ghim chặt răng nanh vào cổ con mồi.
- Điện hạ phạt ta thế nào cũng được.
Cổ tay hơi đau, Ân Thừa Ngọc lùi về sau, vừa vặn gặp phải dục vọng trong mắt hắn.
Đúng là người trẻ tuổi, nhiệt huyết sôi trào.
Y xấu xa mím môi nhìn cổ tay bị nắm chặt, lại vươn bàn tay còn lại chạm vào cánh tay Tiết Thứ rồi vuốt nhẹ theo gân xanh gồ lên. Sau cùng, y vỗ nhẹ lên mu bàn tay hắn:
- Ngươi làm đau Cô đấy, lại thêm một tội nữa.
Mặc dù nói vậy nhưng lại không thấy y tức giận như trước nữa.
Tiết Thứ dời mắt, nhìn cổ tay của y.
Da Ân Thừa Ngọc khá trắng, chỉ cần chạm mạnh là sẽ xuất hiện vết đỏ. Bị hắn nắm chặt đến thế, tất nhiên đã đỏ một mảng lớn.
Hắn vô thức buông lỏng tay, vết ngón tay hằn rõ trên cổ tay trắng đẹp.
Trông càng mỹ lệ hơn.
Con ngươi Tiết Thứ tối đi, hắn cắn chặt răng, cố gắng kiềm chế lại xúc động của mình.
- Chiếu theo luật Đại Yến thì không tôn trọng lễ nghi là bất kính, phải chém. Ngươi nói xem...Cô phải phạt ngươi thế nào mới tốt?
Tiết Thứ mím môi không nói.
Ân Thừa Ngọc cong mắt, nhàn nhã nhìn dáng vẻ cố gắng kiềm chế của hắn. Lâu sau, y mới làm bộ thở dài, nói tiếp:
- Mà thôi. Cô là người nhân hậu, tha cho ngươi lần này. Cô buồn ngủ rồi, ngươi lên làm ấm giường, tiện thể lấy công chuộc tội.
Y lại nhìn Tiết Thứ, cười lạnh nhạt:
- Trên thuyền vừa ẩm vừa lạnh, vừa hay thân nhiệt ngươi cao, giúp Cô sưởi ấm đi.
Hai tay xuôi bên hông của Tiết Thứ nắm chặt,. Hắn nhìn vào mắt y, bỗng cảm thấy như rơi vào xoáy nước sâu không thấy đáy.
Hắn vừa hoảng hốt vừa thấy hoa mắt nhưng lại tình nguyện chìm sâu vào, chỉ để mong được gần hơn một chút.
Tiết Thứ chật vật quay đi, chậm rãi đứng dậy, nói:
- Vâng.
- Ngươi đi đi, xong rồi thì gọi Cô.
Ân Thừa Ngọc phất tay, cầm một miếng nhân hạch đào (óc chó) đã được bóc sạch sẽ đặt trên đĩa lên, bỏ vào miệng.
Ân Thừa Ngọc vui đến híp mắt, hạt hạch đào quả nhiên rất ngon.
Tiết Thứ loay hoay trong phòng đến tận khi tiếng chuông canh ba vang lên mới ra ngoài.
Ân Thừa Ngọc nằm dựa trên ghế quý phi đọc được hơn non nửa quyển sách vừa ăn ước chừng nửa đĩa hạch đào. Y buồn ngủ lắm rồi. Thấy Tiết Thứ đã xếp giường xong, y đuổi hắn ra ngoài rồi đi vào trong nghỉ ngơi.
Gối đầu cùng chăn gấm đã được xếp ngay ngắn trên giường nhỏ. Y lấy tay sờ, không có hơi lạnh mà lại âm ấm. Y hài lòng cởi áo ngoài, chui vào trong chăn gấm.
Xem lúc trước đã nói gì nào, Tiết Thứ làm ấm giường không tệ đâu.
Đi ra khỏi phòng, Tiết Thứ về thẳng chỗ ở của hắn trên khoang thuyền.
Hắn khóa trái cửa, cả người chìm trong bóng tối. Cuối cùng mới thả lỏng được tâm tình bị đè nén, hắn nặng nề thở dài một hơi.
Hồi lâu sau, trong đêm xuân lạnh lẽo ẩm ướt, dục vọng nóng rực trong hắn lắng xuống.
Tiết Thứ bước tới trước bàn thắp đèn lên. Rồi hắn múc một chậu nước, lấy cái khăn tay dơ trong tay áo ra, cẩn thật giặt sạch.
Nhìn khăn tay màu trắng ngâm trong nước, Tiết Thứ đứng ngẩn ngơ.
Có lẽ bây giờ điện hạ cũng đã ngủ rồi.
Cái giường đó trông không lớn lắm, chắc là điện hạ đã nằm vào vị trí hắn từng nằm, cả người được bao trong nhiệt độ và...mùi của hắn.
Tiết Thứ giơ ngón tay lên ngửi, không có mùi gì cả.
Chút tâm tư nho nhỏ của hắn, điện hạ không phát hiện ra chứ?
Mà cho dù có biết hay không cũng không sao. Tiết Thứ rủ mắt, cầm khăn tay ướt đẫm lên chà, điện hạ nếu có tức giận, cũng chỉ phạt hắn mà thôi.
Nhớ lại hình phạt hôm nay, hắn liếm đôi môi khô nứt, trong lòng đầy chờ mong.
*
Đội thuyền đi hết hai ngày một đêm mới đến được bến tàu Thông Châu.
Xe ngựa của Thái tử đã sớm đợi ở bến tàu. Tang vật trên thuyền sẽ được bộ Hộ phái người đến kiểm tra, Ân Thừa Ngọc lên xe về cung Từ Khánh.
Tiết Thứ còn phải áp giải đám Vạn Hữu Lương tới Đại Lý Tự nên không đi cùng.
Lúc đi qua người hắn, Ân Thừa Ngọc khẽ nói:
- Nếu Phụ hoàng gọi ngươi, ngươi biết đáp thế nào chưa?
- Điện hạ yên tâm.
Tiết Thứ gật đầu.
Hắn là người thông minh, Ân Thừa Ngọc nói một câu này là đủ rồi. Y không nhiều lời với hắn nữa, lên xe ngựa quay về cung Từ Khánh
Tiết Thứ đứng im, cho đến khi không nhìn thấy xe ngựa nữa mới đi làm việc.
Ân Thừa Ngọc về cung Từ Khánh thay y phục trước rồi đến điện Võ Anh hồi báo cho Long Phong đế về tình huống của hành trình đi Thiên Tân Vệ lần này.
Có lẽ là đoán được hôm nay y về kinh, ngoại trừ thủ phụ Ngu Hoài An cáo bệnh không ra cửa thì mấy các lão [1] đều tìm cớ đến điện Võ Anh để dò la tin tức.
Tuy mấy ngày nay có rất nhiều tin từ Thiên Tân Vệ nhưng hai nơi cách nhau khá xa, truyền tới đây khó tránh khỏi sai lệch. Tin tức từ chỗ Thái tử mới là chính xác nhất.
Lúc Ân Thừa Ngọc bước vào, tức thì có mấy ánh mắt nhìn thẳng vào y.
Y vẫn vững vàng tiến đến, hành lễ với Long Phong Đế:
- Nhi thần may mắn không để ngài thất vọng.
- Đứng lên đi, con ra ngoài gần một tháng, trẫm và hoàng hậu đều nhớ mong con. truyện kiếm hiệp hay
Long Phong Đế vui vẻ bảo y đứng lên, ánh mắt nhìn Ân Thừa Ngọc đầy từ ái.
Ông ta đã biết số tài sản tham ô tịch thu được lên tới một ngàn năm trăm vạn lượng từ sổ sách mà Phương Chính Khắc mang về. Mặc dù xưa nay không thích đứa con này vượt qua mình song nghĩ tới số bạc thu được, trên mặt ông ta lại lộ ra ý cười.
Lệnh cho Cao Viễn mang ghế cho Ân Thừa Ngọc ngồi xong, Long Phong Đế mới hỏi đến tình hình Thiên Tân Vệ.
Không giấu tình huống hỗn loạn ở ruộng muối Trường Lô, Ân Thừa Ngọc kể lại hết sự việc:
- Trong Trường Lô có chuột bự, một bên làm giả công văn, phát bừa bãi diêm dẫn, ăn chặn tiền thuế; một bên cấu kết với diêm thương và tào bang, mở cửa chuyển muối đến phía nam kiếm lợi. Thậm chí còn liên quan đến việc Quan Hải Sơn cấu kết với cưới biển, khiến cho ruộng nương hoang phế, quân đội yếu kém, dân không có nghề nghiệp đàng hoàng, toàn bộ đều sao muối trong sân.
- Chỉ mới xử lý diêm trường Trường Lô mà số quan lại cao thấp có liên quan tận mười người. Khó mà tưởng tượng ra được cảnh tượng ở hai nơi rộng lớn Lưỡng Hoài và Lưỡng Chiết thế nào nữa.
Ân Thừa Ngọc nhấn mạnh, đứng dậy cúi người:
- Chuyện thuế muối liên quan đến quốc gia, ngày nào còn chưa diệt trừ được chuột lớn thì ngày đó quốc khố còn nghèo. Xin phụ hoàng hạ lệnh tra rõ.
- Đúng là phải tra rõ.
Long Phong Đế tức giận:
- Chính vì nhiều tham quan đến thế mới dẫn đến việc quốc khố rỗng không. Quan viên liên quan đến án Trường Lô lần này phải xử lý nặng tay. Xét nhà, thẩm vấn, chém đầu để cảnh cáo người sau. Ngoài ra, phái Ngự Sự đến các Diêm sử tư còn lại tra rõ, không chừa lại một tham quan nào.
Một câu của ông ta khiến đám các lão phía dưới giật mình sợ hãi.
Ngoại trừ Trường Lô, Đại Yến còn có năm Diêm sử tư khác ở Lưỡng Hoài, Lưỡng Chiết, Sơn Đông, Phúc Kiến và Hà Đông. Ngoài ra phía dưới còn phân thành mấy tuần kiểm tư, số quan viên vì lợi ích lớn mà nhúng tay vào nhiều vô số kể.
Nếu muốn tra rõ, không biết bao nhiêu người bị đẩy ngã đây?
Nhất là Lưỡng Hoài, Lưỡng Chiết và Phúc Kiến đều nằm ở phía nam. Trong bốn người ngồi ở đây thì có ba người thuộc phe phái quan viên phía nam, liên quan rất sâu đến quan trường nơi đó.
Mấy người các lão nhìn nhau. Cuối cùng thứ phụ [2] Thiệu Thiêm lên tiếng:
- Xin bệ hạ nghĩ lại. Người xưa có câu "Nước quá trong thì không có cá", chuyện muối lậu đã có từ lâu, tuy cần phải nghiêm trị chỉnh đốn nhưng tuyệt đối không thể nóng vội. Nếu xử phạt quá nặng ắt sẽ hỗn loạn. Vậy không bằng áp dụng chính sách vừa đấm vừa xoa, chỉ xử chém những người chính, còn lại những người khác phàm là nộp của cải tham ô sẽ được coi như lấy công chuộc tội, phạt tiền nhưng không cắt chức. Cứ như thế, chúng ta không công tốn sức mà quan viên diêm chính cũng tự tra xét lại, có thể lấp đầy quốc khố. Đây chẳng phải một công đôi việc sao?
- Thứ phụ nói có lý. Nói cho cùng "nhiều người khó phạt", quan viên liên quan đến việc này nhiều lắm. Nếu giết hết thì thứ nhất là không còn người nào để sử dụng nữa, thứ hai là trăm năm sau, bệ hạ sẽ mang danh tàn bạo.
Đại học sĩ điện Văn Hoa - Thường Khải cũng hùa theo.
Bọn họ đều biết rõ tính cách của Long Phong Đế, ông ta mở miệng đóng miệng kêu giết cũng không phải căm hận đám quan lại tham ô thật mà là tức giận vì bọn chúng dám giấu riêng bạc.
Nói cho cùng, đều là vì chuyện của cải vào túi ai mà thôi.
Quả nhiên, Long Phong đế vừa nãy vẫn còn đang tức giận nghe thế lại do dự, bắt đầu tự hỏi xem điều Thiệu Thiêm nói có thực hiện được hay không.
Long Phong Đế là loại người thế đấy, không có thực học, không có chủ kiến. Rõ ràng là người đứng đầu thiên hạ nhưng chỉ biết lo cho lợi ích của mình.
Ông ta có thể vì của cái trong túi đám tham quan kia mà phái y đi tra rõ ruộng muối Trường Lô, không chừa một tên tham quan nào; lại cũng có thể vì cùng lý do đó mà bỏ qua luật pháp, coi thường luật pháp.
Ân Thừa Ngọc không nói ra, ngược lại thì Lô Tĩnh - Đại học sĩ điện Kiến Cực - không nghe nổi nữa. Hắn là thượng thư bộ Lại, không ai rõ đám tham quan này hơn hắn. Lô Tĩnh bác bỏ:
- Lời của thứ phụ Thiệu và các lão Thường đặt luật pháp của Đại Yến ở chỗ nào? Nếu tham quan hối lộ trái pháp luật không bị trừng phạt thì cứ thế mãi chắc người nào cũng dám tham ô.
- Các lão Lô, ông nói lố quá rồi...
Đại học sĩ Văn Uyên các - Tống Quảng Hiên cũng mở miệng.
Cả bốn người tôi một câu anh một câu tranh luận, không ai nhường ai.
Long Phong Đế nhức đầu, vỗ mạnh lên bàn:
- Thôi, việc này bàn lại sau.
Nói xong, ông ta nhìn qua Ân Thừa Ngọc từ nãy giờ không nói lời nào, không còn từ ái như trước nữa:
- Mấy ngày nay Thái tử cực khổ rồi, quay về nghỉ ngơi đi.
Dứt lời, ông ta phủi tay trở lại cung Càn Thanh.
Cho tới lúc về đến tẩm cung, Long Phong Đế ngẫm lại càng thấy đề nghị của Thiệu Thiêm đúng lắm. Quốc khố rỗng không, trước đây ông ta muốn sửa mấy tòa tháp Vạn Thọ cũng không có bạc để sửa. Nếu như tra rõ mấy Diêm sử tư, xử phạt của cải vài tên tòng phạm, không chỉ sửa mấy tòa tháp mà xây hành cung cũng còn dư.
Huống hồ cái triều đại trước cũng từng có tiền lệ mua quan bán chức, hành động của ông ta cũng xem như là noi theo tổ tiên.
Long Phong Đế càng nghĩ càng thấy được, ông ta lệnh cho Cao Hiền:
- Đi gọi Tiết Thứ đến.
*
Sau khi ra khỏi điện Võ Anh, Ân Thừa Ngọc không về cung Từ Khánh ngay.
Y đứng hồi lâu dưới hành lang nhìn cảnh xuân bên ngoài, đợi cho cơn tức trong lòng dịu lại.
Y thở dài một hơi, đạp lên ánh nắng đi tới cung Khôn Ninh.
- -------------------
Cún: Tiến lên nào tôi ơi.
Điện hạ:?
[1] [2] Năm Hồng Vũ 洪武 thứ 13 (1380),Chu Nguyên Chương 朱元璋 bãi bỏ Trung thư tỉnh, đồng thời quy định vĩnh viễn không lập Thừa tướng, vì thế mọi chính vụ đều quy về Lục bộ, do Hoàng Đế trực tiếp quản chế. Bởi chính vụ quá nhiều, Chu Nguyên Chương đã phái các quan viên từ bộ phận văn từ, văn chương của Hàn lâm viện gia thêm cho họ hàm Điện các Đại học sĩ 殿阁大学士 để phụ giúp Hoàng Đế duyệt các tấu chương, thảo các chiếu chỉ. Thời Minh Thành Tổ 明成祖, cho quan viên Hàn lâm viện nhập thẳng vào Văn uyên các 文渊阁, bắt đầu tham dự nhiệm vụ trọng yếu. Sau thời Nhân Tông 仁宗, Anh Tông 英宗, các Học sĩ đa phần đều là nguyên lão của các triều, chức quyền và địa vị càng lớn, nội các lúc bấy giờ cũng giống như Chính sự đường 政事堂 của triều Đường. Từ sau thời Minh Thế Tổ Gia Tĩnh 明世祖嘉靖, vị thứ trong triều, đứng trên cả Lục bộ nghiễm nhiên là chức Tể tướng. Do bởi Chu Nguyên Chương có quy định không lập Thừa tướng nên mọi người gọi các Đại học sĩ là Phụ thần 辅臣, Các lão 阁老, riêng đối với người đứng đầu Phụ thần thì gọi là Thủ phụ 首辅, Nguyên phụ 元辅. Sau Thủ phụ là Thứ phụ 次辅(Nguồn: https://www.chuonghung.com/2012/12/dich-thuat-noi-cac-va-cuu-khanh-trieu.html)
- -------------------
Mấy bạn muốn edit bộ Cửu Thiên Tuế thì edit thôi nha, nhưng mà xin vui lòng edit từ đầu, tui không thích bị dịch chen đâu. Btw, tui không drop đâu. Cảm ơn mọi người nhiều.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]