Chương trước
Chương sau
Cung Tây lầu Nam rậm thu thảo, lá rụng chẳng quét đỏ lựng thềm (*). Ý cảnh thê lương câu thơ này miêu tả, phải đến khi bước chân vào đại nội Tây Kinh rồi, ta mới lĩnh hội được sâu sắc.
(*) Hai câu trong bài “Trường hận ca” của nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường.
Lạc Dương là kinh đô của đế vương thời xưa, cũng là bồi đô (*) của quốc triều, suối ngọt đất lành, gió nhẹ trời trong. Kế thừa y quan nếp sống còn sót lại của Hán Đường, sĩ phu quốc triều cũng chuộng nơi này hơn, thường cất ốc quây vườn, xây đài dựng tạ, trồng trọt cỏ cây ở đây, hằng năm tới vui chơi thưởng ngoạn. Bởi vậy nên trong thành Lạc Dương, lâm viên sĩ phu san sát, hoa cảnh tươi tốt, nức danh thiên hạ.
(*) Thời phong kiến Trung Quốc có chế độ lưỡng kinh: ngoài kinh đô ra thì còn có một kinh đô phụ, gọi là bồi đô (陪都),thiết lập dựa trên tình hình chính trị, quân sự của đất nước, bồi đắp những thiếu sót của kinh đô, hình thành sự phối hợp giữa hai kinh.
Nhưng cơ hội giá lâm Lạc Dương của hoàng đế lại không nhiều như chúng sĩ phu, thường chỉ khi đi yết kiến lăng tẩm chư đế mới tiện đường tạt vào, lâu lâu trú chân dăm ba ngày, thế nên mức độ được coi trọng của cung thành Tây Kinh kém xa đại nội Đông Kinh. Từ Tùy Đường kéo dài đến giờ, cung thất đã hỏng hóc kha khá, hoàng đế quốc triều cũng không có ý định trùng tu, quan viên sứ thần trông coi đại nội phần lớn đều dùng phương pháp vặt đầu cá vá đầu tôm để tu sửa, thường dỡ hai gian phòng cũ sửa thành một gian phòng mới, ngày nay, quy mô cung thành đã thu hẹp lại rất nhiều, không còn thịnh cảnh tiền triều nữa.
Vách đổ tường xiêu nhiều nên nơi đây cũng trở thành cõi yên vui cho cỏ hoang quạ đen sinh sôi nảy nở. Lúc ta đến đương giữa hoàng hôn, một vị lão nội thị lưng gù eo cong dẫn ta tới cung viện nơi ta nương thân lâu dài sau này, mới mở cửa viện, chưa bước vào đã nghe thấy một trận chim chóc vỗ cánh nghe phành phạch, đám se sẻ quạ đen bị kinh động lũ lượt bay lên cành cây gần như đã rụng sạch lá, thấy chúng ta giẫm lên lớp lá khô dày đặc đi vào, chúng nhanh chóng khôi phục lại thần sắc bình tĩnh, cao ngạo quay đầu sang phía khác, dùng tiếng âm “quang quác” đơn điệu hùng hồn của mình ca hát cùng gió tây.
Trong lúc ta nghe tiếng quạ kêu, lão nội thị lấy một chiếc chìa khóa ra, run lập cập mở ổ khóa một gian cung thất. Sau khi đẩy cửa, ông vung phất trần, quét phủi mạng nhện giăng chằng chịt trên xà dưới cột trước rồi mới ra hiệu bảo ta đi vào, nói: “Chính là ở đây.”
Ta mất trọn ba ngày mới dọn dẹp được chốn này thành một chỗ có thể ở được, lại qua vài ngày nữa, một nội thị mới quen trong sái tảo ban đến thăm vỏ ốc này của ta, vừa thấy tình hình đã cả cười: “Sạch sẽ thế, vẫn còn giữ thói quen nếp sống ở Đông Kinh à, cậu hẳn vẫn còn muốn quay về.”
Sau, ta mới để ý thấy nội thị nơi đây không hề giống nội thị Đông Kinh, chán chường lại lười nhác, chỗ ở của mình và cung viện các nơi đều lộn xộn bừa bãi, mà họ cũng khuyết thiếu động lực dọn dẹp, có làm việc cũng chỉ đưa chổi hai cái khi có mặt đô giám. Loading...
“Quét sạch vậy làm gì? Dù sao trời cao hoàng đế xa, quan gia cũng có nhìn đến đâu.” Họ nói.
Về cơ bản, họ đều là hoạn giả từng phạm lỗi, đã chẳng còn hi vọng nào trở về được Đông Kinh, cuộc đời không ai ngó ngàng đến cũng như cung thành vậy, ngày một hiu quạnh theo tháng chảy năm trôi, tựa hồ ý nghĩa của việc sống tiếp chỉ là để vứt chổi, híp mắt, nằm ườn trong đình viện có nắng mà ăn bơ làm biếng.
Ta không dành quá nhiều thời gian vào việc chuyện phiếm với họ, dầu cho họ rất có hứng thú với quá khứ của ta. Trong mắt họ, ta đại khái rất trầm lặng ít nói, suốt ngày chỉ biết cắm cúi cầm chổi quét dọn khoảnh sân mãi mãi quét không sạch, cứ như thể chức vụ hiện tại của ta yêu cầu vậy.
Một ngày giữa tháng Giêng năm Gia Hựu thứ sáu, ta đương quét dọn trước đại điện như thường lệ, chợt có người lại gần, một góc áo xanh lọt vào tầm mắt ta.
Ta ngẩng đầu, sợ là bụi bặm tung lên đã làm bẩn xiêm y người nọ, đang định xin lỗi thì cái ngước mắt này đã giúp ta nhìn rõ được gương mặt người đến, nhất thời sửng sốt.
Người ấy mỉm cười ôn hòa, gọi tên ta: “Hoài Cát.”, ta vừa mừng vừa sợ, tay buông lỏng, cái chổi rơi xuống đất, ta vái người ấy một vái thật sâu: “Trương tiên sinh.”
Chức vụ cụ thể của Trương Mậu Tắc hiện tại là binh mã kiềm hạt Vĩnh Hưng Lộ, chưởng quản cấm quân phủ Kinh Triệu Trường An đóng quân, phòng thủ và rèn luyện. Thầy nói với ta chuyến này thầy đảm đương nhiệm vụ sứ thần Vĩnh Hưng Lộ vào kinh báo cáo, hồi cung chúc mừng xong lại trở về Trường An, trên đường đi ngang qua Tây Kinh, biết ta hiện đang ở đây, bèn đến thăm ta.
Ta mời thầy vào phòng ở của mình, định ra ngoài chuẩn bị chút rượu với món nhắm thì bị thầy bảo thôi: “Đó giờ ta không uống rượu, cũng không thích thức ăn tanh mặn. Chỗ ta vừa vặn có mang theo một bánh trà tiểu long hoàng hậu ban thưởng, hôm nay tương phùng, không bằng lấy trà thay rượu có được chăng?”
Ta biết thầy xưa nay không có sở thích gì, chỉ yêu uống trà, cũng bèn đồng ý, lập tức đi tìm trà cụ trong lúc đợi đun nước châm trà.
Trương tiên sinh lấy từ hành lí mang theo ra một bánh trà tiểu long, cũng tự cầm ra một bộ trà cụ, ấm đun và cối trà, muỗng trà bằng bạc, phối với vải lọc trà bằng lụa vẽ hình ngỗng lội khe suối cùng chung trà lông thỏ men đen Kiến An (*),đều là dụng cụ châm trà cực phẩm được người đời tôn sùng.
(*) Chung trà lông thỏ là mặt hàng quý trong các loại chung trà men đen do lò Kiến Dương, Phúc Kiến thời Tống chế tác, bởi có vân dài mảnh như lông thỏ nên có tên là vậy.
“Những thứ này cũng là hoàng hậu thưởng ạ?” Ta chỉ vào trà cụ, hỏi thầy.
Thầy xua tay, đáp: “Đây là quan gia ban cho.”
Ta lấy làm bất ngờ, lại cười nói: “Vậy hẳn tiên sinh sắp hồi kinh rồi.”
Thầy chỉ cười đáp: “Hãy sớm.”
Thầy không nói thêm nữa, ta cũng không tiếp tục truy vấn, một khắc tiếp đó chỉ lặng thinh xem thầy đổ dầu cao lên bánh trà tiểu long, dùng một tấm giấy sạch bao lại đập nhỏ ra rồi lấy một số lượng vừa đủ bỏ vào cối trà bạc hình thuyền, bắt đầu tỉ mỉ nghiền vụn bằng bánh xe duy nhất trong đó.
Bánh trà long phượng là trà cống của Bắc Uyển, núi Phượng Hoàng, Kiến Châu, trên bánh trà có dấu hoa văn long phượng, bánh trà đại long phượng một cân mười bánh, mà lượng cống một năm cũng không quá mười cân. Màu trà trắng sữa, vừa mở cối ra, bụi ngọc đã bay vờn, hương trà tỏa khắp phía, chưa vào cửa đã thấm ruột thấm gan.
Trương tiên sinh thấy ta nhìn không dời mắt, bèn cười khẽ hỏi ta: “Tài nghệ châm trà của cậu bây giờ thế nào?”
Ta cúi đầu đáp: “Khó trông đến bóng lưng tiên sinh.”
Thầy liếc những khối vụn còn dư không dùng đến của bánh trà, nói: “Cậu cũng châm đi, chúng ta đấu thử một phen.”
Ta nhất thời dậy hứng, cũng không chối từ, lấy ít khối trà xay nghiền, sau đó hai người bọn ta từng người bắc ấm lên bếp trà đun nước, chuẩn bị đấu trà.
Trong lúc đợi nước sôi, chúng ta đều tỉ mỉ rây trà vụn đã nghiền qua vải lọc, chốc sau, nghe thấy tiếng ấm sôi như mưa gió táp lên cây tùng, bèn nhấc ấm tráng nóng từng chung, lại bỏ vụn trà vào, rót chút nước nóng vào hòa đều, làm cao trà tan ra thành trạng thái như keo lỏng, rồi lại nhấc ấm lên, ta cầm một cây chổi đánh bằng trúc, Trương tiên sinh cầm một chiếc thìa bạc, mỗi người đều rót trà vào chung đồng thời đánh quấy trong chung mình.
Động tác hai ta như nhau, thời gian hoàn thành mỗi phân đoạn cũng không mấy sai lệch. Giữa chừng ta liếc trộm quan sát động tác của Trương tiên sinh, thầy vẫn một mực cụp mắt làm việc của mình, không hề ngó ta lấy lần nào.
Lá trà vốn có khả năng sinh váng bọt, trong trà Kiến (*) lại có chút bột gạo, theo động tác đánh quấy, bọt sữa cuộn trào, dâng ngập trong chung, nổi lên từng đóa hoa sữa bọt vụn trắng ngà, xoay vòng ngưng tụ mà bất động, trong trà nghệ gọi ấy là “cắn chung”. Mà đấu trà thắng bại chính là ở thời gian hoa sữa cắn chung dài ngắn, đồng thời đánh quấy rồi đợi chốc lát, hoa sữa trong chung ai tan rã, để lộ ngấn nước đầu tiên thì là thua.
(*) Chỉ Phúc Kiến, kinh đô trà của Trung Quốc.
Chúng ta dừng động tác đánh quấy gần như cùng lúc, gác lại trà cụ trong tay, đặt chung trà song song một chỗ lên khay đỡ, yên lặng đợi kết quả thi đấu.
Chung trà ta dùng là một chén sứ ảnh thanh miệng rộng đế tròn nhỏ có hoa văn sen xanh, thành mỏng chất láng, hoa sữa đựng bên trong tràn ngập bạch trà, như lá sen nâng bông tuyết trắng, mà chung trà lông thỏ Trương tiên sinh dùng thì thành dày, thoạt nhìn có vẻ dung dị tự nhiên, song quan sát kĩ có thể nhìn thấy dưới đáy chung trà men sứ xanh đen rải rác những sợi vân màu trắng bạc dạng tia tỏa, mảnh mai như lông thỏ, tinh xảo không lời tả xiết, mà có chung trà tôn sắc, một đen một trắng, càng thêm nổi bật màu trà.
Thoạt đầu, hoa sữa trong chung trà của hai ta hình dáng tương tự, nhưng đợi một chốc là có thể nhìn ra hoa sữa trong chung trà ảnh thanh đã mỏng đi phần nào, tốc độ tan rã nhanh, bọt nước li ti không ngừng nổ vỡ, từng lớp từng lớp biến mất, cuối cùng hiện ra một vòng ngấn nước ở giữa. Mà hoa sữa trong chung lông thỏ vẫn cắn chung như cũ, chưa mảy may hiện màu sắc nước.
Ta khom người, mỉm cười: “Hổ thẹn quá, Hoài Cát thua tiên sinh nước này rồi.”
Trương tiên sinh cũng mỉm cười nhìn ta, hỏi: “Trà và nước chúng ta dùng lần này đều giống nhau, cậu biết mình thua ở đâu không?”
Ta ngẫm nghĩ, lắc đầu nói: “Thỉnh tiên sinh chỉ giáo.”
Trương tiên sinh bèn liệt kê từng lí do: “Đầu tiên, vải lọc trà của cậu lỗ không đủ nhỏ, số lần rây không nhiều bằng ta, mà trà vụn dùng để châm trà cần phải thật mịn, vào nước nóng mới dễ nổi, giúp hoa sữa hút hết được vụn trà nước trà; thứ hai, lúc cậu tráng nóng chung, nước rót không đủ, chung trà chưa nóng tới, làm ảnh hưởng đến vụn trà nổi lên, nên không bền; tiếp nữa, cậu tráng nóng chung xong là vội vã hòa cao rót nước ngay, khiến nước châm trà quá nóng, quá chín trà sẽ chìm, cần đợi thêm đôi lát cho nước trong ấm dừng sôi rồi mới bắt đầu châm trà; ngoài ra, cậu rót nước hơi nhiều, thế nên trà thiếu nước dôi, đế mây mới dễ tan, lúc đấu trà chỉ cần rót nước đầy bốn phần chung là được; cuối cùng, động tác đánh quấy của cậu quá mạnh, dục tốc bất đạt, nên rót quanh mép chung, làm nước nóng men theo vách chung chảy vào trong chung, động tác khuấy cao trà ban đầu cũng đừng quá mau, từ từ khuấy đảo, dần dần gia tăng đánh quấy, ngón tay xoay theo cổ tay, trên dưới thấu triệt, mới có thể làm màu sắc nước trà dần óng lên, hoa sữa châu tròn ngọc sáng, bền lâu chậm tan.”
Ta vô cùng thán phục, xấu hổ cảm tạ, thầy lại mỉm cười, nói một câu như bâng quơ: “Sai lầm lớn đều là do liên tiếp những sai lầm nhỏ tạo thành.”
Ta cụp mắt ngẫm ngợi cẩn thận lời thầy, hồi lâu sau mới hỏi lại: “Lúc tiên sinh châm trà không hề nhìn sang tôi, sao biết vải lọc trà của tôi lỗ không nhỏ, tráng chung không đủ nóng, đánh quấy quá mạnh?”
“Việc này chưa chắc đã phải nhìn chằm chằm mới biết.” Thầy đáp, “Xem kết quả cũng có thể nhìn ra ngay quá trình bên trong.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.