Chương trước
Chương sau
Ta đứng dậy, khom người thi lễ với Lý Vĩ, Lý Vĩ không phản ứng, ánh mắt lướt qua ta nhìn về phía công chúa. Công chúa đã sớm thu lại nụ cười, khẽ cau mày hờ hững nhìn hắn, ám chỉ rất rõ ràng rằng sự có mặt của hắn không được hoan nghênh.
“Có việc gì à?” Công chúa hỏi hắn, giọng lạnh nhạt.
Lý Vĩ cụp mắt, ta để ý thấy bàn tay nắm quyển trục của hắn hơi siết lại, song chung quy vẫn không nói gì liên quan tới nó, chỉ trả lời câu hỏi của công chúa như sau: “Không có… Ta chỉ, đi ngang qua đây…”
Đến lời nể mặt khách sáo cho có lệ công chúa cũng chẳng buồn nói, trực tiếp hạ lệnh đuổi khách: “Không có gì thì về nghỉ ngơi sớm đi.”
Lý Vĩ chưa đi ngay, đứng tại chỗ bất động một chốc rồi mới lặng lẽ vái chào tạm biệt công chúa, xoay người rời đi.
Nhìn bóng hình hắn biến mất, công chúa thở phào một hơi, lúc nhìn lại sang ta, nét mặt đã rạng ngời trở lại: “Nào nào, chúng ta chơi cờ tiếp đi!”
Hẳn Lý Vĩ đến là để tìm công chúa, ta nghĩ.
Loading...

Một năm qua, hắn nghiên cứu thư họa đã có chút thành tựu, ta cũng giới thiệu hắn với Thôi Bạch, thi thoảng hắn sẽ đi tìm Thôi Bạch thỉnh giáo về hội họa, đôi khi họa gia trong kinh tụ tập mở hội nhã, hắn cũng sẽ đi dự thính – theo lời Thôi Bạch, Lý Vĩ rất ít mở lời trong những buổi tụ hội ấy, thường chỉ ngồi trong một góc, lẳng lặng lắng nghe mọi người đàm đạo thảo luận – hôm nay, có lẽ hắn mua được một bức thư họa đẹp hoặc tự mình vẽ một bức, định mời công chúa chỉ giáo, song thái độ cự tuyệt ra ngoài ngàn dặm của công chúa đã khiến mong muốn ban đầu của hắn tiêu biến.
Điều này làm ta cảm thấy rất áy náy với hắn, nhất là khi nghĩ chẳng biết tâm trạng hắn ra sao lúc chứng kiến ta nắm tay công chúa.
Hôm sau, ta đi tìm hắn, khi ấy hắn đang ở một mình trong thư phòng, ta gõ cửa đi vào, thấy hắn ngồi bên bàn sách, liếc ta một cái rồi dời mắt đi, vẫn không nói một lời.
Vốn định giải thích chuyện hôm qua đánh cờ với công chúa, nhưng lời đến khóe miệng lại nấn ná chần chừ. Đắn đo mấy bận, ta ghìm xuống không nói, chỉ hỏi hắn: “Tối qua tôi thấy trong tay đô úy có cầm một quyển trục, là danh tác thư họa mới mua được gần đây à? Chẳng biết có thể đưa sang mời công chúa cùng thưởng thức hay chăng?”
Hắn nhạt nhẽo đáp hai chữ: “Không phải.” rồi lại là một khoảng im lặng.
Ta đưa mắt nhìn chung quanh, phát hiện ra quyển trục hắn mang theo tối qua đang đặt trên bàn sách, bèn đi tới, nhẹ nhàng cầm lên định mở ra.
Trước nay hắn đối xử với ta cũng khá tôn trọng, thường hỏi ta vài vấn đề về thư họa, thậm chí đôi lúc còn cho ta xem tác phẩm của mình, nhờ ta cho ý kiến, thế nên động tác ta cầm quyển trục của hắn lên xem tương đối tự nhiên, ta cũng không nhận ra có gì không ổn.
Nhưng vừa mở được chút ít, tranh đã bị hắn đoạt lại. Hai tay hắn xé mạnh, bức tranh rách toạc, hắn tiếp tục hùng hổ xé thêm mấy cái, phá hủy hoàn toàn bức họa, rồi ném tất thảy bao gồm cả trục giữ tranh vào sọt rác.
Qua những mảnh vụn tranh thoáng liếc ra được trong quá trình ấy, có thể thấy đây vốn là một bức thủy mặc vẽ trúc. Tranh trúc thủy mặc là đề tài công chúa thường vẽ, mà nét mực bức họa Lý Vĩ xé bỏ hãy còn rất mới, hẳn là tác phẩm gần đây của chính hắn.
Mặt Lý Vĩ đỏ gay, thở phì phò, thể hiện sự tức giận hiếm thấy của bản thân với ta, nhưng hắn vẫn không trực tiếp phát tiết với ta nỗi bất mãn của mình, thậm chí, trước sau vẫn dõi mắt sang nơi khác, không đối mặt cùng ta.
Ta không phải người giỏi ăn nói, nhất thời cũng khó tìm được câu chữ gì có thể dập tắt lửa giận của hắn, chỉ yên lặng cụp mắt đứng đó, lại vô ý phát hiện ra trong sọt rác ngoài bức tranh hắn xé bỏ mới rồi còn có rất nhiều những mảnh giấy vụn khác, hình vẽ bên trên cũng đều là các loại hình dáng khác nhau của trúc thủy mặc.
Hắn ắt đã phải vẽ đi vẽ lại rất lâu mới rút ra được một bức tương đối hài lòng, tối qua cố ý mang theo, muốn mời công chúa xem.
Ta càng thêm thẫn thờ, chỉ cảm thấy tình thế phát triển nằm ngoài khả năng dự liệu và khống chế của mình, đứng trong đó quả thực tiến thoái lưỡng nan.

Chớp mắt ngắn ngủi kế tiếp như kéo dài đằng đẵng, ta và Lý Vĩ đều lặng thinh, mỗi người một phương, vẫn duy trì tư thế bất động, nhìn ánh nắng trên chấn song hết sáng lại tối theo mặt trời lấp ló giữa trời mây.
Cuối cùng, người hóa giải sự lúng túng này là nội thị Ngự dược viện đến phủ báo tin. Dưới sự dẫn đường của người hầu trong phủ, hắn một đường rảo bước, tiến vào nói với chúng ta: “Sáng sớm hôm nay, Văn Hỉ quân quân đã sinh hạ một công chúa.”
Tất cả mọi người đều biết kim thượng nhất định rất thất vọng, nhưng ngài vẫn gắng hết sức không thể hiện sự thất vọng này ra. Lúc công chúa dẫn theo ta vào cung gặp ngài, ngài đang tự mình bế cửu công chúa, vui cười ngắm nghía, trong mắt đầy ắp yêu thương.
“Huy Nhu,” Ngài hồ hởi gọi công chúa qua xem đứa con gái nhỏ của mình, “Cửu muội muội của con giống con hồi bé phết đấy.”
Những thể thức lễ nghi chuẩn bị đón hoàng tử cũng không vì công chúa mà thay đổi. Hoàng đế Đại Tống có con cái ra đời sẽ ban thưởng quà lễ tiền bạc cho đại thần, gọi là tiền “bao tử”, mà lần này để đón cửu công chúa giáng sinh, kim thượng tuyên bố ăn mừng ba ngày, số lượng tiền bao tử ban tặng hạ thần phong phú gấp bội trong quá khứ, những món lễ vật này đều làm từ chất liệu quý giá như vàng bạc, sừng tê giác, ngà voi, ngọc đá, hổ phách, đồi mồi, đàn hương, còn đúc vàng bạc thành hình hoa quả, tể tướng, từ thần và đài gián đều được nhận lễ thưởng này.
Ân sủng kim thượng dành cho Thu Hòa cũng chẳng mảy may suy giảm, một ngày đến thăm cô mấy bận, liên tục thể hiện sự yêu thích của mình đối với cửu công chúa, song Thu Hòa thì lại càng buồn khổ hơn, thường trộm ngài rơi lệ, thế nên lần nào vào gặp, ta cũng thấy hai mắt cô sưng đỏ.
Kim thượng cũng cảm nhận được tâm trạng của cô, còn lén bảo công chúa: “Con vào cung trò chuyện với Thu Hòa nhiều nhiều chút, nói cho nàng biết, cha và con đều rất thích cô em gái này.”
Để tiến thêm một bức chứng minh sự coi trọng của ngài đối với cô con gái mới, ngài thậm chí còn quyết định đại xá thiên hạ y như khi hạ sinh hoàng tử, thanh lý mọi phán quyết cho phạm nhân đang bị giam giữ trong kinh, phạm nhân từ tử tội trở xuống hạ một bậc, từ tù tội trở xuống được phóng thích, dùng ơn trạch ấy cầu phúc cho công chúa.
Hơn nữa, năm ngoái sau khi biết tin Thu Hòa có thai, kim thượng đã từng hạ lệnh giảm án cho tù phạm, đây là lần thi ân thứ hai. Tri chế cáo Lưu Thưởng tuy không phải ngôn quan nhưng cũng không nhịn được mà nêu ý kiến về việc này: “Thanh lý phán quyết cho phạm nhân trong kinh tuy là ban ân nhất thời song bên ngoài đều nói, bởi hoàng nữ giáng sinh nên mới có lần thi ân chúc mừng này… Đại xá hai lần trong một năm, tội tù chịu ơn, người tốt mất tiếng, minh quân hiền thần đời trước đã coi hành động này là tệ nạn, thần kính xin triều đình ngăn cấm. Lại nghe tiền bao tử ban thưởng hạ thần đều làm bằng của báu, thần cho là lãng phí vô ích, ban thưởng vô cớ, quá mức tai hại, phô trương xa xỉ, đi ngược lại với đạo tiết kiệm răn dạy xưa nay. Bệ hạ cần minh xác chính lệnh, thắt chặt cung kiệm, lấy đó báo đáp trời cao, xây dựng nền tảng muôn cõi. Không nên thi ân nuông chiều mà làm tổn hại đến chính thể, gây ra những phí tổn dư thừa, làm suy đồi đức tiết kiệm.”
Lời can gián của Lưu Thưởng chẳng thể thay đổi được quyết định của kim thượng, có điều, một tháng sau, khi An Định quận quân hạ sinh thập công chúa, kim thượng không còn thi ân như vậy nữa.
Tất nhiên, đối với chính Thu Hòa, ngài lại càng không quên ban thưởng. Mấy năm gần đây, ngài muốn sinh hoàng tự nên đã tinh tuyển mười nữ tử trẻ tuổi bổ sung vào hậu cung, gọi là “Thập Các”, Thu Hòa, An Định quận quân và Thanh Hà quận quân đều nằm trong số đó. Mỗi người thuộc Thập Các đều được cung cấp cung nhân, nội thị, đề cử quan và tiền tiêu rất sung túc, nhưng phong hiệu của họ đều chỉ là quận quân, huyện quân, nhiều năm qua chưa từng thăng vị.
Một ngày nọ, Miêu hiền phi và công chúa đến thăm Thu Hòa, vài vị thuộc Thập Các cũng có mặt khi đó, đợi kim thượng tiến vào, Miêu nương tử hỏi ngài đã nghĩ xong chuyện thăng Thu Hòa lên danh vị gì chưa, ngài mỉm cười nói: “Vừa phân phó rồi, bảo từ thần viết sắc chỉ, thăng Thu Hòa lên mỹ nhân.”
Thu Hòa nghe thấy tức khắc vùng dậy hạ bái, nói: “Thiếp xuất thân hàn vi, được bệ hạ quan tâm, hạ sinh công chúa, đã là rất may mắn rồi. Huống hồ bệ hạ yêu thương cửu công chúa, đã ban thưởng hậu hĩnh, lại thanh lý phán quyết cho tù tội cầu phúc cho nó, mẹ con thần thiếp chịu ơn đã quá sâu nặng, nếu bệ hạ lại thăng vị cho thiếp, để thiếp vượt cấp làm mỹ nhân, đối với thiếp chỉ sợ là hành động giảm phúc. Ý tốt của bệ hạ, thần thiếp vô cùng cảm động, nhưng dẫu thế nào cũng không dám tiếp nhận, kính xin bệ hạ thu hồi mệnh lệnh đã ban.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.