Chương trước
Chương sau
Tể chấp xung quanh nghe mà biến sắc, chỉ duy Văn Ngạn Bác mặt mày vẫn bình tĩnh, chỉ hỏi kim thượng: “Sao bệ hạ lại nói như vậy?”
Kim thượng xoa ngực, thở phì phò dồn dập, nói đứt quãng: “Họ cùng đại thần…mưu đồ bí mật, muốn cho Thập Tam…làm hoàng đế…”
Lúc nói tới “cùng đại thần mưu đồ bí mật”, ánh mắt ngài hốt hoảng lướt qua Phú Bật đứng bên Văn Ngạn Bác chừng như lơ đãng. Phú Bật rùng mình, môi giật giật như muốn nói gì, nhưng chung quy câu ấy lại chẳng nên lời, sau cùng ông cụp mắt cúi người với kim thượng, giữ im lặng.
“Họ muốn…giết ta… Dùng kim…dùng kim đâm vào đầu ta…” Giọng hoàng thượng càng lúc càng yếu, thân mình cũng không trụ vững được nữa, trượt xuống dưới, nội thị hai bên bước lên đỡ, sau thì kim thượng nhắm mắt, rơi vào trạng thái nửa hôn mê, miệng lẩm bẩm nói mớ, toàn những từ ngữ rời rạc lộn xộn không thành câu.
Văn Ngạn Bác sai người đỡ kim thượng vào tiểu điện Nội Đông Môn nghỉ ngơi trước rồi truyền thái y, tiếp đó đưa mắt nhìn những người trước mặt, hỏi duyên cớ trong đây. Ta thấy Trương tiên sinh im lặng không nói, bèn đáp lời Văn Ngạn Bác trước khi đám Thạch Toàn Bân kịp mở lời: “Ban nãy quan gia ngất xỉu, uống thuốc đốt ngải bình thường không hiệu nghiệm, Trương tiên sinh kiến nghị dùng kim châm vào huyệt vị sau đầu, chúng thái y không dám hành thuật này, để tránh làm lỡ thời cơ chữa chạy, Trương tiên sinh đành tự tiến cử châm cứu, cũng không phải mưu toan làm tổn hại long thể như lời quan gia nói.”
An Định quận quân đứng một bên cũng chứng thực: “Đích xác là vậy. Trương tiên sinh châm cứu được một lát thì quan gia tỉnh lại, nghiêng đầu thấy Trương tiên sinh đang cầm kim muốn cắm lên đầu ngài thì cả kinh, rút kim găm trên đầu ra, vội vàng đứng dậy, cầm dao chĩa lại… Có lẽ tưởng lầm là Trương tiên sinh…”
Cô dừng lại ở đây, không nói hết, nhưng ý nghĩa trong lời đã rất rõ ràng. Văn Ngạn Bác trầm ngâm, lại hỏi Thanh Hà quận quân: “Có đúng vậy không?”
Thanh Hà quận quân gật đầu: “Phải ạ. Trước khi châm cứu, Trương tiên sinh không cho người đóng cửa cung, nếu có dị tâm thì đã chẳng thản nhiên như thế.”
Thanh Hà quận quân xưa nay luôn hiền hòa lương thiện, thái độ phụng dưỡng đế hậu rất kính cẩn, khác hẳn chị gái mình. Giờ nghe cô nói vậy, ta cũng hơi yên lòng.
Thanh Hà quận quân lại nhún mình với Văn Ngạn Bác, nói: “Quan gia ốm bệnh đã lâu, mong tướng công miễn xá tiêu tai cho thiên tử.”
Văn Ngạn Bác cũng xá cô: “Đây là chức trách của tể chấp, Ngạn Bác sao dám không tận sức!”
Loading...
Kế đó, ông quay sang Trương Mậu Tắc, dặn: “Về sau phụng dưỡng chúa thượng chớ để ngài thấy binh khí kim loại, kim dùng châm cứu cũng cất tạm đi đã.”
Trương tiên sinh cười sầu khổ, không đáp.
Lúc này, có nội thần từ trong điện đi ra, nói với Văn Ngạn Bác: “Quan gia đang gọi tướng công ạ.”
Văn Ngạn Bác và quan viên nhị phủ còn lại bèn cùng vào gặp vua, mà Thạch Toàn Bân đỡ kim thượng vào điện thì lại đi ra, bước thẳng tới cạnh Trương tiên sinh, nói: “Mới rồi quan gia nói anh mưu nghịch, tuy việc này chưa chắc đã là thật nhưng để tránh hiềm nghi, Bình Phủ có thể cho tôi xem thử chỗ ở của anh không?”
Ý là muốn lục soát nơi ở của Trương tiên sinh xem có căn cứ mưu nghịch xác thực không.
Võ Kế Long thấy Trương tiên sinh vẫn trầm mặc, bèn cũng góp lời: “Chúng ta cộng sự nhiều năm, tự biết anh không làm thế, nhưng quan gia đã nói vậy rồi, trong cung khó giữ bí mật, nhiều người biết sẽ khó tránh khỏi có kẻ phỏng đoán xằng bậy. Tốt nhất là để chúng tôi đi xem xem, tương lai có ai nói bậy, chúng tôi cũng dễ bề biện bạch thay anh.”
Trương tiên sinh đứng trơ trong gió rét đìu hiu, ánh mắt phân tán đậu lên một nơi không xác định nào đó phía trước, một lúc lâu sau mới mở miệng: “Mậu Tắc đành nhờ hai vị đô tri xử trí.”
Đối với nơi ở gọn gàng thanh nhã của Trương tiên sinh mà nói, bận lục soát này chẳng khác nào một tai vạ chưa từng có. Hai vị đô tri dẫn tiểu hoàng môn lật tung mỗi ngóc ngách trong phòng, làm mặt sàn hỗn độn thành đống, vô cùng mất trật tự, không một món đồ nào là còn nguyên vị trí.
Có điều, họ chẳng tìm được bằng chứng gì đủ để chứng minh Trương tiên sinh mưu toan phản nghịch. Ban đầu ta lo họ sẽ mò được một vài bản sao tấu chương thần tử, hoặc quyển chiếu thư phế hậu, nhưng cũng không có.
Nghĩ lại, từ khi làm lĩnh ngự dược viện, Trương tiên sinh theo quan gia vào triều, chính sự cao thấp đều nghe rõ cả, vốn chẳng cần tiếp tục tích trữ tấu chương, mà quyển chiếu thư thì chắc chắn Trương tiên sinh đã thuộc làu làu, sau chuyện dẹp giặc thầy càng thêm cẩn thận, hẳn cũng sẽ không giữ lại trong phòng.
Trong lúc lục soát phòng ngủ, Thạch Toàn Bân phát hiện ra ba cái rương lớn có khóa, yêu cầu Trương tiên sinh mở ra, Trương tiên sinh lại không bằng lòng, nói: “Mậu Tắc lấy tính mạng ra cam đoan, trong đây chỉ là chút vật phẩm riêng tư, tuyệt đối không phải thứ trái với lệnh cấm.”
Thạch Toàn Bân căn bản không tin, thấy Trương tiên sinh khăng khăng không chịu, tức thì sai người cưỡng chế cạy khóa, xông lên kiểm tra, rất nhanh sau đó đã phải thất vọng – cất trong rương chỉ là trăm ngàn cuộn giấy ngập chữ và một vài tài liệu văn tự, không có vẻ gì là được viết cụ thể như thư từ, không có ý nghĩa minh xác, chỉ toàn những tập viết phi bạch, bút lực không đều, trang giấy cũ mới không đồng nhất, hẳn là giấy bỏ đi sau khi luyện chữ.
Thạch Toàn Bân còn chưa hết hi vọng, mở từng cuộn ra xem, song vẫn chẳng phát hiện ra bất kỳ câu chữ nào mưu nghịch. Y bèn nhếch khóe miệng với Trương tiên sinh: “Thì ra Bình Phủ cũng mê bút nghiên.”
Không thu hoạch được gì, người tra xét chuyển sang lục lọi tất cả lưỡi dao vật nhọn trong phòng Trương tiên sinh, bao gồm cả dao cắt giấy và đồ dùng châm cứu. Sau cùng, Thạch Toàn Bân buông xuống một tiếng “Đắc tội” rồi nghênh ngang bỏ đi.
Đợi họ khuất bóng rồi, Trương tiên sinh mới cúi người xuống, bắt đầu một lần nữa thu dọn lại từng cuộn phi bạch viết hỏng này vào rương. Ta và tiểu hoàng môn bên người thầy giúp đỡ, bốn năm người cùng bắt tay vào làm, mất một khoảng thời gian dài mới hoàn toàn thu dọn xong xuôi.
Bọn ta muốn tiếp tục sắp xếp lại đồ đạc bị lật tung cho Trương tiên sinh, thầy lại xua tay, nói: “Ta mệt rồi, muốn nghỉ ngơi. Các cậu về trước đi.”
Sắc mặt thầy tối tăm, hai mắt đờ đẫn, quả thực có vẻ vô cùng mệt mỏi. Bọn ta bèn đồng ý, lui khỏi phòng để thầy nghỉ ngơi.
Ta định trở về, đi được mấy bước lại không nhịn được quay đầu, thấy Trương tiên sinh đang đóng cửa từ bên trong, tay vịn lấy hai cánh cửa phòng, trước khi khép lại, thầy nghiêng đầu nhìn về phía trung cung, trong mắt lập lòe ánh lệ, sắc thái thê lương.
Ta ngớ ra, mơ hồ cảm thấy có gì đó không ổn, lại không nói được cụ thể là cảm giác gì. Cuối cùng vẫn xoay người, chậm rãi đi ra ngoài.
Lúc đi tới Nội Đông Môn, bên trên chợt có thứ gì rơi xuống, rớt trúng khăn chít đầu của ta rồi lăn xuống đất. Ta cụp mắt nhìn mặt đất, trông thấy một cục nhìn như bùn, lại ngẩng lên xem, phát hiện ra đó là bùn từ tổ yến năm cũ trên xà hiên cửa rơi xuống.
Chính trong sát na ấy, ta hốt nhiên cả kinh, tức khắc quay đầu vội vã chạy về phía nơi ở của Trương tiên sinh.
Cửa phòng thầy đóng kín, ta lớn giọng hô gọi mãi không thấy thầy đáp lời, bèn không dám trì hoãn thêm nữa, lùi ra sau hai bước, tung người đạp một cước, phá cửa xông vào.

Chạy vào buồng trong, quả nhiên bắt gặp kết quả ta phỏng đoán: trên xà nhà rủ xuống một dải lụa trắng, cổ Trương tiên sinh tròng vào thòng lọng, treo mình dưới xà nhà.
Ta cấp tốc tiến lên, vừa ôm lấy hai chân thầy nâng lên, vừa cao giọng gọi người tới. Nội thị chung quanh chốc lát kéo đến, trông thấy cảnh tượng này đều lấy làm kinh hãi, ba chân bốn cẳng cởi dây thả Trương tiên sinh xuống, đỡ lên giường, hết bấm huyệt nhân trung lại nhấn ngực, một lúc sau, thấy Trương tiên sinh ho ra tiếng, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Đợi lấy lại tinh thần rồi, có người ra ngoài tìm thái y đồng thời thông tri cho tể chất trong tiểu điện Nội Đông Môn.
Thái y chạy đến rất nhanh, sau một phen cứu chữa thì tuyên bố Trương tiên sinh đã không còn gì đáng ngại, kê đơn thuốc, lại dặn dò chi tiết mấy ngày nay phải chăm sóc thầy ra sao rồi thu dọn dụng cụ chữa bệnh, quay về thông báo tình hình cụ thể cho tể chấp.
Sau khi Trương tiên sinh tỉnh dậy, đám tiểu hoàng môn thường ngày hầu hạ thầy đều giàn giụa nước mắt, hỏi thầy cớ sao ra hạ sách này. Thầy chỉ chán nản nhắm mắt, nghiêng đầu vào trong, không nói không rằng.
Lát sau, có hoạn giả hầu trong tiểu điện Nội Đông Môn tới cho mời: “Văn tướng công mời Trương tiên sinh đi Trung thư tỉnh một chuyến.”
Ta và Đặng Bảo Cát hay tin chạy đến trước đó đỡ Trương tiên sinh dậy, kèm dìu hai bên, đưa thầy tới Trung thư tỉnh. Lúc này các quan viên lưỡng phủ khác đại khái hãy còn chầu trong tiểu điện Nội Đông Môn, trong Trung thư tỉnh chỉ có một mình Văn Ngạn Bác, nhác thấy Trương tiên sinh, ông lập tức mở miệng: “Anh có làm chuyện mưu nghịch mà chúa thượng nói không?”
Trương tiên sinh lắc đầu.
Văn Ngạn Bác lại chất vấn: “Đã không làm thì vì sao anh lại gây nên chuyện hồ đồ nhường ấy ngay tại thời khắc nhạy cảm thế này, để người ta cho là anh sợ tội tự sát?”
Trương tiên sinh cụp mắt không đáp, Đặng Bảo Cát thấy thế bèn giải thích thay: “Bởi quan gia nói đến hoàng hậu, có lẽ là Bình Phủ tự cảm thấy mình làm liên lụy đến trung cung, nên…”
Văn Ngạn Bác xua tay, nói với Trương tiên sinh: “Thiên tử bị bệnh, có nói gì cũng chỉ là mê sảng khi đương bệnh, anh hà tất cho là thật?”
Thấy Trương tiên sinh vẫn lặng thinh, sắc mặt Văn Ngạn Bác nghiêm lại, vung tay áo trỏ vào thầy, lạnh lùng nói: “Anh chết rồi, trung cung biết nương thân chốn nào?”
Trương tiên sinh tức thì ngẩng đầu như bị lay chuyển. Mặt đối mặt trong im lặng với Văn Ngạn Bác một lúc, thầy vái vị tể tướng trước mặt một vái thật sâu, cổ họng mới bị tổn thương phát ra giọng nói khàn khàn tàn tạ: “Mậu Tắc tạ tướng công giáo huấn.”
Văn Ngạn Bác gật đầu, gọi kẻ hầu bên ngoài vào, lệnh: “Đi mời các vị đô tri, phó đô tri trong cung lại đây.”
Rất nhanh, chúng hoạn quan cao cấp nối gót đi vào. Văn Ngạn Bác liếc Trương Mậu Tắc, nói với mọi người trước mặt: “Chuyện hôm nay đã điều tra rõ, cái gọi là mưu nghịch chỉ là lời mê sảng khi đương bệnh của thiên tử, không phải thật sự, Mậu Tắc vô tội. Xin các đô tri nhắc nhở thuộc hạ chớ bàn tán quàng xiên, về sau mà có lời đồn đại truyền ra ắt chém không tha!”
Thần sắc ông nghiêm túc, ánh mắt uy nghiêm, chúng hoạn quan không dám trái lời, đều cúi đầu nghe lệnh.
Văn Ngạn Bác lại nhìn sang Trương tiên sinh, vẻ mặt đã dịu đi nhiều, ôn hòa căn dặn thầy: “Sau này anh chính là người hầu hạ bên cạnh chúa thượng, cần phải tận tâm tận lực, chớ rời đi quá thường xuyên.”
Trương tiên sinh gật đầu ưng thuận. Văn Ngạn Bác lại cho gọi Sử Chí Thông tới trước mặt, nói: “Xin đô tri bẩm báo hoàng hậu, tể chấp lưỡng phủ muốn làm lễ tế ở Đại Khánh Điện, ngày đêm dâng hương, cầu phúc cho vua. Mong hoàng hậu cho phép, dựng trướng sạp ở nhà hông mé tây điện chuẩn bị cho lưỡng phủ ngủ lại.”
Làm lễ tế cầu phúc hẳn chỉ là cái cớ, có lẽ là Văn tướng công thấy cung cấm không yên nên muốn nhân cớ đó ngủ lại trong cung, phòng chuyện bất thường.
Đối mặt với yêu cầu này, Sử Chí Thông chần chừ đáp: “Theo lệ quốc triều, lưỡng phủ không ngủ lại trong điện…”
Văn Ngạn Bác liền trừng mắt, cao giọng phản bác: “Tình thế bây giờ không bình thường, há lại bàn đến lệ thói!”
Sử Chí Thông cả kinh, vội vâng dạ đồng ý, lĩnh mệnh rời đi.
Bấy giờ Văn Ngạn Bác mới phất tay cho mọi người lui.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.