🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Độ Phàm phương trượng vẫn một mực ung dung hòa nhã, nói :

- A di đà Phật, chúng sinh trong ba nghìn thế giới, khổ não đã nhiều, có thể dứt được can qua, thì nên dứt...

Độc Cước Long trâng tráo :

- Ý ta đã quyết, lão hòa thượng chớ khá lải nhải dài dòng, cho ta đọc xong Tàm Tang khẩu quyết, sẽ tìm thằng Tuệ Minh mà quyết một trận thư hùng.

Nói dứt lời, thân hình của hắn bắn vụt về phía sau, đoạn lảo đảo hai ba vòng, cốt làm cho rối mắt Tâm Đăng và Độ Phàm, đoạn thối lui về phía sau nhanh như một tia chớp.

Bộ phát khinh công của Độc Cước Long quả thật là siêu phàm, ban nãy Tâm Đăng đã đuổi theo một khoảng thời gian khá dài mà không bắt kịp, như thế cũng đủ riêng về thuật khinh công, người đã hơn Tâm Đăng một bậc.

Biết rõ như thế nên Độ Phàm phương trượng vừa thấy rõ hắn động đậy thân hình liền dùng ngay mũi gậy của mình vẽ ra một vòng thần tốc.

Vòng tròn này vừa vẽ ra thì Tâm Đăng nhìn thấy Độ Phàm phương trượng một cách trân trối.

Trong thâm tâm của Tâm Đăng vừa nảy ra một ý.

Chàng không biết Độ Phàm phương trượng có dính líu ra sao với Khuyên Khuyên Nữ Sĩ mà Khuyên Khuyên Thần Bộ của ông ta lại mầu nhiệm đến dường này...?

Ý nghĩ của Tâm Đăng vừa đến đây, thì hai chiếc vòng dưới chân của Độ Phàm phương trượng đã đưa ông ta vòng ra phía sau, chặn lấy đường rút lui của Độc Cước Long..

Cũng trong một lúc, Độc Cước Long kêu lên một tiếng :

- Ủa, té ra lão thầy chùa này cũng có dính líu đến con tiện tì Khuyên Khuyên...

Câu nói này lẽ ra đã làm cho Độ Phàm phương trượng hổ thẹn hoặc nổi giận, nhưng ông ta vốn là một vị cao tăng đắc đạo, nên thái độ vẫn ung dung nho nhã, nói rằng :

- Món bảo vật của Thiếu Lâm đang ở trên mình của thí chủ, xin hãy trao trả cho Thiếu Lâm...

Độc Cước Long cười ha hả, cắt ngang câu nói của Độ Phàm nói :

- Lão hòa thượng đã nói, làm người chẳng nên có tính tham, sân, si vậy thì hòa thượng hà tất phải sinh lòng tham chiếm giữ lấy pho sách này, hãy để cho mượn đỡ một thời gian, ngày sau sẽ mang tận Thiếu Thất sơn giao hoàn cẩn thận.

Độ Phàm phương trượng nói :

- A di đà Phật, Tàm Tang khẩu quyết là một pho sách võ lâm chí bảo, không thể nào để cho thí chủ độc quyền chiếm hữu được...

Lúc bấy giờ Tâm Đăng thấy Độ Phàm phương trượng đã ra mặt nói chuyện với Độc Cước Long, vì giữ lễ chàng không chen vào câu chuyện nữa.

Nhưng nghe mẩu đối thoại của người đến đây thì bỗng nghe Độc Cước Long gắt gỏng :

- Vậy thì lão hòa thượng nhất định nhúng tay vào vụ này?

Độ Phàm phương trượng chắp tay giữa ngực nói một câu tuy mềm dịu nhưng đầy cương quyết :

- Bần tăng nguyện xả thân vì Phật pháp, để bảo vệ quyển kỳ thư của môn phái Thiếu Lâm...

Câu nói chưa dứt thì Độc Cước Long thân hình trờ tới nhanh như một bóng ma trơi, mồm thét lớn :

- Lão hòa thượng thắng được ta một đòn ta sẽ hai tay dâng sách trả cho.

Dứt lời bàn tay tả của hắn từ từ tống ra một chưởng, Tâm Đăng cách đó hơn năm trượng mà hơi lạnh gần như cắt da, bất giác trong lòng kinh hãi.

Thì ra, Độc Cước Long vốn biết Độ Phàm phương trượng vốn là một tay kình địch, nên đòn thứ nhất là dùng hết toàn lực. Luồng chưởng phong này đi tà tà chiếu thẳng vào huyệt Giai Tĩnh trên bả vai của Độ Phàm phương trượng.

Độ Phàm tức tốc vẽ một vòng bên tay tả của mình cốt ý muốn xê dịch thân hình để trốn đòn.

Nào hay đâu thân hình của ông ta chỉ nhón lên được nửa bước thì thanh gậy trong tay của Độc Cước Long bây giờ đâm ra một gậy thật là kỳ diệu...

Thì ra đòn thứ nhất chỉ là một thế võ có trách nhiệm đi tiên phong mở đường khai lối cho thế đâm cực kỳ ác liệt của thanh gậy vốn dùng để thay chân của hắn.

Thế chưởng kia hùng hồn mạnh bạo bao nhiêu, thì thế đâm thâm trầm lặng lẽ bấy nhiêu, nó đi một cách êm ái vào huyệt Vân Môn trên vai của Độ Phàm phương trượng.

Tâm Đăng thấy vậy, thất sắc kinh hoàng rú lên một tiếng, nhưng tiếng rú của chàng chưa dứt thì thân hình của Độ Phàm phương trượng thay hình đổi bộ một cách phi thường nhanh chóng làm cho thế chưởng kèm trong đường roi ác liệt kia phải tức khắc đi trượt vào khoảng không một cách trơ trẽn...

Tâm Đăng “à” lên một tiếng kinh dị, vì chàng vừa nhận ra đó là một thế võ thứ năm trong Tàm Tang khẩu quyết: Ngân Tâm Nhiếp Tâm.

Đến giờ phút này Tâm Đăng mới tận mắt trông thấy oai lực của một thế võ đượm đầy mùi Phật pháp.

Thân hình của Độc Cước Long ban nãy hùng hổ bao nhiêu, bây giờ gặp phải thế võ Ngân Tâm Nhiếp Tâm thì rũ người ra như một kẻ mất hồn.

Tâm Đăng tưởng rằng Độ Phàm phương trượng sẽ thừa cơ thắng thế đó mà tiếp tục bồi thêm cho hắn ta một chưởng. Nhưng nào hay đâu đòn Ngân Tâm Nhiếp Tâm vốn xuất xứ nơi Phật pháp nên rốt cuộc không bao giờ sinh ra sát thủ, mà chỉ dùng phương pháp làm cho đối phương phải tự bó tay giao mình.

Độc Cước Long loạng choạng chống gỡ được hai ba thế thì bị Độ Phàm phương trượng đẩy vào một tình thế hết sức nguy nan.

Trong một cái chớp mắt, một bàn chân duy nhất còn lại của Độc Cước Long hoàn toàn bị khống chế làm cho thân của ông ta không tài nào xê dịch được... Thanh gậy trong tay vào giữa lúc thân hình của hắn hoang mang đến tột độ, thì cánh tay tả của hắn bị điểm một ngón vào huyệt Hiệp Cốc nằm gần Hổ Khẩu làm cho cánh tay tê buốt...

Độc Cước Long hết sức hoang mang vừa định tháo lui, hiềm vì thanh gậy đã mất đi, nên cử động không còn lanh lẹn như xưa nữa.

Mới chỉ gắng gượng xê dịch được trừng năm trượng, thì huyệt Hoàn Khiêu bị nhói lên một cái, làm cho hắn phải rũ người ra nằm trên mặt đất...

Thì ra hắn đã bị Độ Phàm phương trượng dùng đầu gậy của hắn điểm với theo một đường đúng vào huyệt Hoàn Khiêu.

Độ Phàm phương trượng quay lại bảo Tâm Đăng :

- Con hãy cẩn thận khám xét trên mình nó để lấy lại pho Tàm Tang khẩu quyết.

Tâm Đăng vâng lời, thong thả bước tới, tay tả để trước mặt mình để bảo vệ tiền tâm, tay hữu thò ra để sờ mó trên thân của Độc Cước Long.

Chàng càng khám chừng nào trong lòng càng sợ chừng nấy, vì lẽ chẳng có triệu chứng nào báo cho chàng biết Tàm Tang khẩu quyết nằm ở chỗ nào.

Tức giận bồi hồi, Tâm Đăng lại khám kỹ lại một lần nữa, từ trên bâu áo cho tới lai quần không chỗ nào bỏ sót.

Bỗng Độ Phàm phương trượng trông thấy cả mặt của Tâm Đăng sáng rực lên, vì lẽ khi bàn tay của chàng vừa sờ đến lưng hắn, bỗng bắt gặp một cuốn giấy tròn tròn...

Huyệt Hoàn Khiêu và huyệt Hiệp Cố của hắn đã bị điểm, nên bán thân bất toại, nhưng mồm của hắn vẫn còn nói được, thấy Tâm Đăng mò được cuốn giấy trong mình, hắn hốt hoảng kêu lên rối rít :

- Mi không được sờ mó đến gói tài liệu đó...

Nhưng Tâm Đăng nào chịu vâng lời hắn, chàng lôi tuột nó ra tháo tung ra đoạn dâng trước mặt Độ Phàm phương trượng.

Liếc mắt nhìn vào vuông giấy đó, Độ Phàm phương trượng bất giác kinh hãi vì lẽ đó là một tờ hịch viết bằng lối chữ thật là sắc sảo.

Mấy hàng đầu của tờ lịch vừa đập vào mắt của Độ Phàm thì Tâm Đăng thấy mặt mày ông ta khác sắc.

Nhóng cổ lên nhìn, chàng thấy trong tờ hịch đó viết rằng :

- “Xét vì hôn quân vô đạo, nên chính sự thối nát, muôn dân đồ khốn, nay kẻ hèn này không nề mình là người tài hèn đức bạc, quyết phất cờ khởi nghĩa ủng hộ tân quân...”.

Chưa kịp đọc nốt, thì Độ Phàm phương trượng liền thu tờ hịch lên, Tâm Đăng trong lòng bàng hoàng kinh dị, không ngờ một người xấu xa như Độc Cước Long mà cũng có ý định “mưu đồ đại sự”...

Còn đang bần thần, bỗng nghe Độ Phàm phương trượng nói :

- Thế còn Tàm Tang khẩu quyết?

Độc Cước Long ú ớ trả lời :

- Đã trao cho một người khác trước khi vào thành này.

Sau khi đọc qua mấy dòng chữ trong tờ hịch kia, Tâm Đăng đối với người này bớt đi một phần nào lòng thù địch.

Cho đến Độ Phàm phương trượng là người cứ đinh ninh rằng Độc Cước Long đến khuấy phá Thiếu Lâm tự chỉ vì lòng tư thù, vậy bây giờ cũng dịu giọng lại.

Chưa kịp hỏi đến câu thứ nhì, bỗng thình lình từ trên mái ngói dãy nhà đối diện có một câu trong trẻo vang lên :

- Tàm Tang khẩu quyết vốn là võ lâm chí bảo, nhưng cứ bo bo giấu đút riêng cho một môn một phái, chẳng hóa ra là một điều ích kỷ đó ư?

Giọng nói thanh thao lánh lót này vừa đáp vào màng tai của Độ Phàm phương trượng, chàng thấy ông ta khẽ giật mình đoạn lấy ngay lại bình tĩnh, Độ Phàm chắp tay trước ngực nói :

- Mấy mươi năm cách mặt, không ngờ thí chủ lại tái xuất giang hồ, anh hùng trong bốn biển lại có dịp thưởng thức Khuyên Khuyên Thần Bộ.

Câu nói này vừa dứt, thì Tâm Đăng đã rõ người khuất mặt này là ai. Vốn từng thưởng thức Khuyên Khuyên Thần Bộ của Trì Phật Minh nên Tâm Đăng trong lòng vô cùng thán phục, không ngờ đêm nay lại gặp Khuyên Khuyên Nữ Sĩ ở chỗ này.

Chàng đưa mắt lén nhìn Độ Phàm phương trượng, thấy sắc mặt của ông ta vẫn hiền hòa tươi tỉnh.

Chàng vừa định mở miệng hỏi đầu đuôi cớ sự, nhưng chưa kịp hé môi, thì từ trên mái ngói có một bóng người lả lướt bay xuống nhẹ nhàng như một cánh hoa rơi...

Thoáng trông thấy bộ pháp thần kỳ đó, Tâm Đăng dường như thấy lại Trì Phật Minh vì bộ pháp của hai người không sai một mẩy.

Trong một cái nháy mắt, người này đã đứng trước mặt của Độ Phàm, Tâm Đăng nhìn kỹ thấy đó là một người đàn bà, tuổi ngoài ba mươi, nhưng sắc diện vẫn còn tinh anh sắc sảo...

Thì ra đây chính là Khuyên Khuyên Nữ Sĩ, tuổi thật của bà ta đã ngoài bốn mươi, nhưng nhờ biết cách trau dồi sắc đẹp, thoáng nhìn qua dường như một người tuổi độ ba mươi.

Độ Phàm phương trượng lim dim cặp mắt mắt, thần sắc nghiêm trang nói :

- Chẳng hay nữ thí chủ quá bước đến đây có điều chi chỉ giáo?

Khuyên Khuyên Nữ Sĩ trả lời :

- Tờ hịch kia Phương trượng đã đọc qua ắt hiểu thâm ý.

Độ Phàm phương trượng trả lời :

- Mặc dù ngọa bệnh mấy mươi năm, nhưng đệ tử vẫn thường xuyên bẩm báo công việc bên ngoài nên cũng hiểu sơ qua...

Thì ra lúc bấy giờ, vào khoảng giữa đời nhà Minh, Hoàng đế Tuyên Tôn băng hà, còn lại Anh Tôn nối ngôi khoảng mới chín tuổi, tất cả quyền hành thảy đều lọt trong tay của hoạn quân và Vương Chấn.

Vì vậy, chính sự trong triều thối nát, trăm quân nghi kỵ lẫn nhau, mạnh ai lấy tham quyền cố vị, làm cho muôn dân đồ khổ, lòng người ly tán...

Khắp nơi có khởi nghĩa dậy lên rầm rộ, ai cũng muốn nổi lên đạp đổ chính quyền giết tên hôn quân và lão hoạn quan Vương Chấn kia.

Trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, các tay anh hùng hào kiệt khắp nơi thảy đều xôn xao.

Vậy mà phái Thiếu Lâm chỉ vì mất đi Tàm Tang khẩu quyết và Độ Phàm phương trượng mang bệnh trầm kha, vì vậy mà im hơi lặng tiếng.

Không ngờ sau khi Tàm Tang khẩu quyết được mang về bảo tự thì hào kiệt bốn phương thảy đều dòm ngó.

Nguyên nhân chỉ vì có một số hào kiệt, đêm đêm lén vào thâm cung định ám sát Vương Chấn và Anh Tôn hoàng đế, nhưng chạm phải đoàn Cẩm Y thị vệ thảy đều là những tay hảo thủ, nên thảm bại mà về.

Vì thảm bại quá chua cay, ai cũng nghĩ đến Thiếu Lâm tự là chỗ phát nguyên của nền võ học, muốn giải quyết vấn đề, phải tìm đến Thiếu Lâm tự, mà đến Thiếu Lâm tự ai cũng không quên Tàm Tang khẩu quyết.

Suốt mấy năm trường, không đêm nào là họ không người đến dòm hành Thiếu Lâm tự, vì vậy mà cái tin Tâm Đăng mang Tàm Tang khẩu quyết từ Tây Tạng về, và chàng cùng Thiếu Lâm tam lão đến miền Bắc xa xôi tìm thuốc để trị bệnh cho Độ Phàm phương trượng, họ đều nhất nhất nghe biết.

Những người trong Thiếu Lâm tự cứ tưởng rằng trong giới giang hồ, chỉ muốn chiếm Tàm Tang khẩu quyết ngõ hầu làm bá chủ.

Chớ không ngờ trong những số giang hồ đắc đạo, còn có một lực lượng hùng hậu của những bậc anh hào hiệp sĩ, muốn mượn Tàm Tang khẩu quyết để mưu đồ ích nước lợi dân.

Trong khối nầy có Khuyên Khuyên Nữ Sĩ là một nhân vật lẫy lừng, mà trong đám hào kiệt, ai cũng đều trọng vọng.

Ban nãy, Độc Cước Long sở dĩ buông lời vô lễ với Khuyên Khuyên Nữ Sĩ, chỉ vì muốn đánh lạc hướng của Độ Phàm phương trượng đó thôi.

Rõ ra thì tên Độc Cước Long nầy đâu mấy mươi năm ẩn tích trong giang hồ, suy ngẫm nửa đời người của danh thảy đều là những điều phi nghĩa và hung bạo nên lòng cừu hận cũng nguôi đi.

Dù vậy, hắn ta vẫn ráo riết luyện tập võ công của mình, một hôm kia, đang để hết tinh thần vào luyện võ trông một chỗ hoang vu hẻo lánh, bỗng thình lình có Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đi ngang qua đó.

Thấy người nầy tuy tàn tật nhưng võ công thâm hậu, Nữ Sĩ bèn mang Khuyên Khuyên Thần Bộ ra thu phục.

Sau khi hỏi rõ nguồn cơn, hiểu rõ người nầy có một mối thâm thù với Tuệ Minh phương trượng bà ta lợi dụng điểm đó nhờ Độc Cước Long vào chùa ra tay, ngõ hầu đánh lạc hướng nghi ngờ của những người trong Thiếu Lâm tự.

Nhưng không ngờ Tâm Đăng lại đuổi theo sát gót, và Độ Phàm lại can thiệp như vậy.

Thấy tình trạng rắc rối, Khuyên Khuyên Nữ Sĩ buộc lòng phải ra mặt...

Đây nói về Khuyên Khuyên Nữ Sĩ sau khi nghe Độ Phàm phương trượng trả lời rằng biết việc quan trọng đang xảy ra giữa dân gian trong lòng lấy làm mừng rỡ.

Vốn là một người bạn lâu năm với Độ Phàm, biết tánh tình của ông ta trọng điều nhân nghĩa nên bà ta tiếp tục tấn công :

- Nếu Phương trượng đã rõ đầu đuôi, thì chắc không tiếc chi một quyển sách mọn này... Dám xin Phương trượng vì lợi ích của muôn dân, cho chúng tôi mượn đỡ quyển sách này, sau khi đại sự thành công thì chúng tôi sẽ giao hoàn cẩn thận.

Câu nói của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ làm cho Độ Phàm phương trượng cúi đầu suy nghĩ, trong lòng của ông ta thật như trăm cuốn tơ vò.

Vì là lẽ theo cựu lễ trong võ lâm, thì những ngón nghề riêng của môn phái, không bao giờ truyền thụ ra ngoài.

Nay mặc dù nói rằng vì quốc gia đại sự, nên Khuyên Khuyên Nữ Sĩ mới mượn sách, nhưng Độ Phàm phương trượng làm sao có thể làm trái với luật lệ trong làng võ.

Nhìn áng mấy hồng thoáng hiện lên phương đông, trong trí của Độ Phàm phương trượng bỗng nảy lên một ý, trên khuôn mặt đăm chiêu lo lắng của ông ta vụt hiện lên một nét cười tươi...

Độ Phàm phương trượng chắp tay trả lời :

- A di đà Phật... Vì quốc gia đại sự, vì lợi ích của trăm dân, lẽ ra bần tăng không chối từ... Nhưng hiềm vì luật lệ của võ lâm quá khắt khe... Tuyệt kỹ của bổn môn không thể truyền thụ ra ngoài... Vì vậy, bần tăng mới nghĩ ra một phương pháp trọn vẹn cả đôi đường... Bản môn sẽ cử ra một người đệ tử học thông suốt lấy Tàm Tang khẩu quyết... Để cùng chung lưng ra sức gánh vác việc đại sự của quốc gia...

Khuyên Khuyên Nữ Sĩ lẳng lặng mà nghe, thấy Độ Phàm phương trượng nói đến đây rồi ngừng lại, bà ta nghĩ thầm :

- Không biết người sẽ cử ai đây?

Còn đang bất quyết, chợt nghe Phương trượng chỉ vào giữa mặt của Tâm Đăng, nói một câu cả quyết :

- Nay bần tăng thay mặt cho tệ phái, chỉ định Tâm Đăng là người sẽ được quyền nghiên cứu pho sách Võ Lâm Chí Bảo, và khi nào Nữ Sĩ có việc cần Tâm Đăng sẽ hết lòng giúp sức.

Khuyên Khuyên Nữ Sĩ nãy giờ vẫn theo chân Tâm Đăng và Độc Cước Long nên nhất cử nhất động của chàng bà ta thảy đều trông tỏ rõ.

Vì nhờ Khuyên Khuyên Thần Bộ của bà ta quá điêu luyện, nên Tâm Đăng không phát giác.

Bây giờ nghe Độ Phàm phương trượng chỉ định người này sẽ thay mặt cho phái Thiếu Lâm tận lực mưu đồ đại sự, trong lòng mừng rỡ.

Lúc bấy giờ, trời đã rạng sáng, trên đường phố lác đác có người qua lại.

Độ Phàm phương trượng nói :

- Quyển Tàm Tang khẩu quyết chúng tôi xin giao trả cho quý phái... Nhưng chúng tôi đang gặp phải một việc vô cùng khẩn cấp không thể nào trì hoãn... Cần phải hỏa tốc lên đường... Vậy Tâm Đăng hãy rời gót ngay trong giờ này mới kịp.

Nói dứt lời, bà ta thò tay vào túi rút ra một quyển sách dâng lên Độ Phàm phương trượng.

Độ Phàm thò tay nhận lấy thấy đó chính là Tàm Tang khẩu quyết.

Thì ra ban nãy Độc Cước Long bị Tâm Đăng bám sát, lại e kinh động đến Thiếu Lâm tự, lên trong lúc bay mình nên đầu thành này, lợi dụng bức tường thành này làm tấm bình phong, hội họp với Khuyên Khuyên Nữ Sĩ...

Và chỉ trong một cái chớp mắt thì tên này đã trao quyển Tàm Tang khẩu quyết cho bà ta, cốt ý để Khuyên Khuyên Nữ Sĩ tìm đường tránh mặt.

Độ Phàm phương trượng nhận lấy quyển sách qua tay, đoạn trao lại cho Tâm Đăng nói :

- Chúng ta mặc dù là người xuất gia, nhưng trước cảnh nước loạn nhà tan, trăm dân khốn khổ, không thể nào ngoảnh mặt làm ngơ, chính ngôi Thiếu Lâm tự danh vang làng võ này, ngày xưa cũng do chư vị cao tăng phụ trì minh quan, bình Nam dẹp Bắc, sau khi thiên hạ được thái bình, mới lui về Thiếu Thất sơn xây chùa mà tu luyện nay con phải noi gương chư vị cao tăng đó mà gánh lấy việc yên nguy của đất nước...

Độ Phàm phương trượng nói đến đây, thì trời đã sáng tỏ. Vầng thái dương rạng rỡ trên đầu thành loang lổ...

Tâm Đăng kính cẩn nhận lấy quyển sách, đoạn phủ phục vái chào mà nước mắt lưng tròng.

Tuy mới chỉ gần gũi Độ Phàm phương trượng không bao nhiêu ngày, nhưng Tâm Đăng lấy làm cảm mến lắm.

Trong khoảng đời tu luyện, gặp Độ Phàm phương trượng có lẽ đây là một người có một nền Phật học cao thâm và có chí hy sinh vì Phật pháp nhất.

Vì có tinh thần Đại Dũng, Đại Hùng đó mà năm xưa vì bảo vệ Tàm Tang khẩu quyết mà ông ta phải thọ trọng thương.

Tâm Đăng trong lòng thầm nghĩ :

- Cũng đồng một quyển Tàm Tang khẩu quyết mà năm xưa Độ Phàm phương trượng liều chết để giữ gìn, còn bây giờ thì lại khẳng khái giao lại cho Tâm Đăng mang ra chỗ giang hồ để cứu nguy cho đất nước.

Khuyên Khuyên Nữ Sĩ thôi thúc :

- Trời sáng rồi, chúng ta lên đường đi...

Thế là mọi người đồng cùng nhau chia tay, Tâm Đăng theo chân Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đi về hướng tây bắc, còn Độ Phàm phương trượng thì nhằm hướng Thiếu Lâm tự trở về.

Đoàn người của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ, Tâm Đăng, Độc Cước Long vừa ra khỏi thị trấn này, thì mặt trời đã lên cao hai sào, ánh nắng bắt đầu gay gắt...

Nhưng ba người chân vẫn không dừng bước...

Ra khỏi thành chừng hai dặm, đường sá bắt đầu vắng vẻ, nên cả ba người từ từ gia tăng tốc độ.

Tâm Đăng càng đi chừng nào trong lòng càng thêm kinh hãi vì lúc bấy giờ chàng đi phía sau lưng Khuyên Khuyên Nữ Sĩ, đôi bên chỉ gần trong gang tấc, nên trông thấy bộ pháp của bà thật tỏ rõ...

Chàng nhìn thấy hai gót chân xinh xắn của bà cơ hồ như không tiếp xúc với mặt đất nữa, nó nhẹ nhàng lả lướt trôi đi trên ngọn cỏ, thoáng trông người ta có cảm giác như bà ta là một tiên nữ giáng trần...

Bước đi của bà ta tuy mềm dịu nhưng tốc độ càng lúc càng nhanh.

Tâm Đăng nào dám chểnh mảng, chàng đã lỡ mang danh là đệ tử quá nhiều vị tôn sư nổi danh trong làng võ nào chịu kém sút, vội vàng vận dụng hết sức lực của mình, toát ngay ra thiếu chữ “không” trong phép khinh công...

Thiếu chữ “không” có nghĩa là làm cho thân hình của mình nhẹ nhõm như không, vì vậy chàng vừa đổi sang bộ pháp này, thì nghe thấy thân hình của mình nhẹ nhàng lâng lâng.

Và chỉ trong một cái chớp mắt, thì chàng đã vượt khỏi Độc Cước Long hơn hai trượng.

Ban nãy so qua tài nghệ, thì rõ ràng Độc Cước Long già dặn hơn Tâm Đăng một bực, nãy giờ tuy đi cùng đường, ông ta chỉ dùng có một thanh gậy để trợ lực, vậy mà vẫn lướt đi nhanh như một luồng gió thoảng...

Bây giờ thấy Tâm Đăng thình lình vượt qua mình hai trượng, trong lòng bỗng nổi lên căm tức, mặc dù theo chân Khuyên Khuyên Nữ Sĩ lâu ngày, nhưng tính tình xấu xa khi còn là một tên giang hồ đại đạo bây giờ đã gột rửa khá nhiều nhưng lòng tự ái thông thường của con nhà võ vẫn chưa diệt được.

Ông ta thét lên một tiếng, rồi cùng thay đổi bộ pháp đuổi theo Tâm Đăng.

Tiếng thét của Độc Cước Long làm cho Khuyên Khuyên Nữ Sĩ giật mình quay lại, và bà ta bắt gặp Tâm Đăng lúc bấy giờ đang trổ thiếu chữ “không” đuổi theo mình sát gót.

Trên môi của bà ta mỉm một nụ cười tươi tắn, cố ý muốn thử thách tài nghệ của người này, bà ta không nói không rằng quay đầu thẳng về phía trước, rồi cất lên một tiếng hú vang lừng...

Nghe tiếng hú Tâm Đăng biết ngay rằng bà ta sẽ cho mình nếm mùi chua cay, nên sẵn sàng chuẩn bị.

Quả thật tiếng hú vừa dứt thì thân hình của bà ta bắn về phía trước như một tia chớp giữa lưng trời.

Tâm Đăng thở dài tự nói với mình :

- Người này mang danh là khinh công đệ nhất thiên hạ, quả thật không ngoa... Không ngờ những tài bộ mà ta học được ở Tây Tạng so với những nhân tài lỗi lạc ở Trung Nguyên chẳng thấm vào đâu...

Y nghĩ này vừa dứt thì thân hình của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đã thoát đi hơn ba trượng rồi.

Hào khí trong lòng của Tâm Đăng bỗng nhiên nổi dậy, chàng cắn răng vận dùng ngay ra chữ “khoái” trong phép khinh công “Khoái” có nghĩa là nhanh, tâm pháp này vừa toát ra thì tốc độ gia tăng quá nhiều, nhưng thân hình của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ chỉ cứ cách Tâm Đăng ba trượng mà phi tới mãi.

Bỗng thình lình, hai tai của chàng có một tiếng cắt gió nghe vèo vèo vang lên, thì ra Độc Cước Long từ phía sau bây giờ đã lướt lên vùn vụt, để rồi qua mặt Tâm Đăng chừng một trượng.

Tâm Đăng nghĩ :

- Tài nghệ của hắn như vậy, hèn chi vừa nãy ta đuổi mãi hắn, mà chẳng kịp.

Ba người cứ giữ mãi ba cái khoảng cách đó mà tiến tới vùn vụt, bỗng thình lình Khuyên Khuyên Nữ Sĩ đưa tay chỉ về phía trước nói :

- Đến nơi đây...

Tâm Đăng nhìn theo hướng trỏ của Khuyên Khuyên Nữ Sĩ thấy trước mặt mình là một dãy núi non trùng trùng điệp điệp, xanh ngắt một màu.

Tâm Đăng mới đến đây là lần thứ nhất, nên chẳng biết dãy núi này tên gì, nhưng thấy hình thức bên ngoài thì chắc địa thế hiểm trở lắm.

Chợt nghe Độc Cước Long nói :

- Tiểu sư huynh chắc muốn biết dãy núi này tên gì? Thiên Sơn đó!

Tâm Đăng giật mình không ngờ tên này lại nhìn thấu tâm can của mình đến như thế.

Không bao lâu cả ba người đã phi hành đến chân núi Thiên Sơn, bỗng thình lình Khuyên Khuyên Nữ Sĩ lùi lại một bước, nhường đường cho Độc Cước Long đi trước, người này có vẻ thạo đường lối lắm, Tâm Đăng nhìn thấy hắn ta toàn lựa những con đường mòn vắng vẻ, đi quanh co khúc khủyu trong những cánh rừng rậm rạp.

Đi tiến tới một cách khó khăn, chợt thình lình đường sá phía trước như tắc nghẽn lại, vì những phiến đá sừng sững dựng lên...

Và Độc Cước Long liền dừng chân đứng lại...

Tâm Đăng thấy hắn ta thò thanh gậy trúc trong tay ra vạch lấy những bụi cỏ hoang nằm dưới khe đá, khẽ điểm nhẹ vào một chiếc hình tròn xinh xắn...

Lạ lùng thay, thanh gậy của người này vừa chạm vào chỗ hổng thì vang lên mấy tiếng “sè sè” kỳ lạ...

Nhưng chàng âm thanh này vừa phát ra thì phiến đá sừng sững trước mặt ba người từ từ xê dịch sang tay tả để rồi bày ra một cửa động tối om om...

Nhanh như chớp Khuyên Khuyên Nữ Sĩ cùng với Độc Cước Long lách mình đi vào, và Tâm Đăng tức tốc nối gót theo sau.

Ba người đi quanh co trong một đoạn đường tối u ám không bao lâu bên tai của Tâm Đăng bỗng vang lên những tiếng thì thào, chàng nghe thấy những tiếng này thì nhân số đông đảo lắm.

Ba người càng đi, tiếng nói chuyện càng tỏ rõ...

Chẳng bao lâu trước mắt ba người chợt hiện lên tia sáng nhợt nhạt, và khi ba người vừa đến nơi thì trước mắt vùng hiện ra một khung cảnh bao la bát ngát, đồi núi trập trùng...

Tâm Đăng thật không ngờ bên trong này lại có một khung cảnh thiên nhiên to rộng đến thế.

Một điều làm chàng thêm kinh khiếp là giữa khoảng núi trùng điệp đó, có không biết bao nhiêu người lố nhố, tổng số không dưới nghìn người.

Tất cả đều chú mục vào khán đài xây ở tận cùng phía nam của một khoảng đất bằng phẳng mà rộng rãi.

Ba người này vừa xuất hiện, thì bỗng có tiếng coong nổi lên vang dậy. Và ai nấy thảy đều quay đầu nhìn lại...

Từng tràng pháo tay tức khắc nổi lên vang dậy.

Thì ra Khuyên Khuyên Nữ Sĩ vốn là một người được phe đối lập với Minh triều trọng vọng nhất.

Hôm nay mọi người tụ tập tại nơi đây để bàn một việc hệ trọng, chờ mãi mà chẳng thấy Khuyên Khuyên Nữ Sĩ ra mặt, mọi người thảy đều nóng lòng.

Một số nhân vật cao cấp càng thêm nóng nảy, vì biết bà ta hiện đang thâm nhập vào Thiếu Lâm tự, chưa biết lành dữ thế nào.

Bỗng chợt nghe tiếng coong báo hiệu bà ta đã trở về, ai nấy thảy đều mừng rỡ.

Sau một cơn nhốn nháo, mọi người bỗng im phắc, thì ra lúc bấy giờ có một người mặt vuông râu quai nón, phi thân lên đài nhanh như chớp.

Người này chấp tay xá chào một vòng, đoạn nói :

- Thưa chư vị huynh đệ, anh em chúng ta có mặt tại nơi đây tuy là người trong bốn biển, nhưng thật ra toàn là anh em với nhau cả...

Một tràng pháo tay nổi lên vang dậy làm sôi động cả khoảng sân to rộng.

Đây là lần thứ nhất, trong đời của Tâm Đăng nghe thấy những ý tưởng đầy lòng bác ái, và mắt trông thấy những cảnh tượng hùng tráng và sôi nổi của một cuộc họp đầy chân tình đầy nhiệt huyết.

Tràng pháo tay vừa dứt, người đứng trên khán đài nói tiếp :

- Ngày nay, hôn quân đương đạo, muôn dân đồ thán, đã mang tiếng là người anh hào hiệp sĩ thì chúng ta phải làm sao?...

Có tiếng reo hò vỡ lở từ khắp nơi vang lên, hòa lẫn trong những tiếng thét :

- Hãy giết thằng Vương Chấn!

- Hãy giết đứa Hôn Quân!

Bầu không khí nơi đây cực kỳ sôi động, Tâm Đăng nghe thấy trong huyết quản của mình có một dòng máu nóng đang sôi lên sùng sục...

Cảm giác này chàng chưa hề có, chàng nghĩ trong khi còn ở miền Tây Tạng hoang vu, trong lòng chàng đôi khi chỉ thoáng gợi lên những ý niệm êm đềm khi tiếp xúc với những người đẹp: Mặc Lâm Na, Trì Phật Anh...

Kể từ khi chàng đặt chân vào đất Trung Nguyên đến nay, thì chàng được mục kích bao nhiều việc lạ lùng, nhưng chỉ có việc này là đượm nhiều hào khí nhất.

Chàng nghĩ rằng Tạng Tháp đại sư phải thí đi một đời người để truy tầm Tàm Tang khẩu quyết, rốt cuộc phải chết một cách đau đớn, như vậy thật lòng dạ ích kỷ vô cùng.

So sánh với những người đứng nơi đây, nguyện hy sinh tánh mạng để đổi lấy sự ấm no của muôn dân, thật là một trời một vực.

Chàng miên man suy nghĩ, nếu một người luyện võ chỉ vì một mục đích làm cho rỡ ràng môn phái của mình, mà chẳng thiết đến quyền lợi của dân tộc quốc gia, thì ý niệm ấy thật là hẹp hòi ích kỷ.

Những câu nói dở dang của Độ Phàm phương trượng trước khi chia tay với chàng, bây giờ lại nổi lên mồn một.

Giọng nói oang oang như lệnh vỡ của người đứng trên khán đài bây giờ lại vang lên :

Toàn thể huynh đệ có mặt tại nơi đây đều là quý vị đại diện cho các môn các phái trong khắp thiên hạ... Nay ý của quý vị đã quyết, thì chúng ta phải tức khắc hành động.

Tiếng reo hò vỡ lở lại vang lên ầm ĩ :

- Phải chọn một vị Minh chủ lãnh đạo toàn thể võ lâm...

- Phải, nên chọn một vị Minh chủ.

Người đứng trên đài hỏi lại :

- Làm thế nào để chọn Minh chủ?

Lúc bấy giờ người người đang xao động, thế mà câu hỏi của người này át cả âm thanh hỗn loạn dưới này.

Tâm Đăng tấm tắc khen thầm, không biết người này thuộc môn phái nào mà nội lực có vẻ mạnh mẽ dường ấy?

Mọi người lại nhao nhao lên nói, có kẻ chủ trương nên chọn người tài đức, có người lại chủ trương nên chọn một bậc có võ công thâm hậu nhất, có người chủ trương rằng nên chọn người có vây cánh to nhất...

Cả hội trường phải nhốn nháo thật lâu mới quyết định xong một quy tắc.

Quy tắc đó là chọn một vị Minh chủ cần có đức hạnh hơn người, chứ không cần phải võ công đệ nhất.

Đây cũng là một quy tắc mới mẻ trong võ lâm, mà mọi người được dịp trông thấy lần thứ nhất.

Chứ theo cựu lệ trong làng võ thì phần ai muốn lên chức Minh chủ thảy đều có một nền võ công thượng thặng khiếp phục được đám giang hồ.

Cả hội trường hoan hô vỡ lở, hoan nghênh Minh chủ võ lâm. Người được võ lâm hào kiệt trọng vọng đưa lên ngôi Bang chủ chẳng phải ai xa lạ, mà chính là tân Cái bang Bang chủ: Lương Khánh Dân!

Lương Khánh Dân là một lão già đầu râu tóc bạc, vốn là một vị Cái bang trưởng lão. Gần đây trong Bang Hội có điều cải cách, sửa sang lại mọi việc trong Bang Hội, do đó mọi người đồng công cử một vị Trưởng lão mà có đức hạnh cao siêu, có thể lấy đức hạnh mà làm cho bang chúng tâm phục.

Kể từ ngày Lương Khánh Dân lên ngôi Bang chủ, thì cực lực sửa sang lại công việc trong nội bộ, mấy triều Cái bang bang chúng rải rắc khắp nơi toàn cõi Trung Nguyên thảy đều đồng tâm nhất trí, nghe theo hiệu lệnh của ông ta.

Trong công cuộc tụ tập hết những anh hùng hào sĩ trong đất nước, để làm một việc ích nước lợi dân, Lương Khánh Dân tốn hao rất nhiều tâm lực.

Vì vậy bây giờ được mọi người nhiệt thành ủng hộ.

Cuộc lễ nhậm chức Võ lâm Minh chủ được cử hành trong tình trạng gấp rút, đến khi xong xuôi thì mặt trời chen lặn.

Lương Khánh Dân truyền cho mọi người đốt lửa lên để ăn mừng ngày đại hội.

Đêm hôm ấy trong khoảng thung lũng đầy kỳ bí này, ánh lửa sáng rực như bao ngày, hàng nghìn người quây quần chung quanh ngọn lửa bập bùng, cùng nhau truyền tay nhau uống những ly rượu nồng cho chí thêm hứng, cho lòng thêm say...

Mãi đến khi tiệc tan thì trống đã tàn canh hai. Mọi người lục đục giải tán từng đợt sóng người theo chân những vị tiếp tân đi vòng ra sau mé núi.

Tâm Đăng lúc bấy giờ cũng hòa trong dòng người mà đi, đến khi chàng vừa quanh sang triền núi thì trong lòng càng thêm kinh dị.

Vì lẽ phía sau triền núi kia nhà cửa dây ngang dây dọc, mặc dầu là nhà tranh nhưng lối kiến trúc thật là hùng vĩ và ngăn nắp.

Từ trong những dãy nhà đó tỏa ra những làn ánh sáng hắt hiu mờ nhạt, càng làm tăng thêm vẻ âm u huyền bí.

Tâm Đăng được đưa vào một gian phòng gần một gian đại sảnh cực kỳ to rộng, bên trên có đề ba chữ thật to :

“Tụ Nghĩa Đường”.

Ba chữ này nhắc nhở cho Tâm Đăng cái ý niệm hành hiệp tác nghĩa của con nhà võ.

Trải qua một ngày đi đường nhọc mệt, Tâm Đăng ngả lưng lên giường là thiếp đi lúc nào không biết.

Đến khi mơ màng thức giấc, nhướng mắt nhìn lên, thấy bên khung cửa sổ có một vầng trăng bạc...

Bên cạnh vầng trăng bạc này có một chiếc đầu đang treo ngược, mở cặp mắt nhìn mình không chớp.

Giật mình kinh hãi, Tâm Đăng tức khắc vùng dậy nhảy xuống giường.

Thân hình của chàng vừa đặt xuống mặt đất, thì ra người kia cũng từ trên mái nhà thình lình rơi xuống, buông mình nhẹ nhàng như một tàu lá thoảng...

Tâm Đăng không dám lên tiếng, sợ làm kinh động đến mọi người, trong lòng e người này là gian tế, nên vội vàng vung bàn tay tả ra trước ngực để bảo vệ tiền tâm.

Đoạn chàng cất mình bay vù về phía trước, lách qua khung cửa nhanh như một đường tên...

Vừa thoát ra khỏi nhà thì Tâm Đăng trông thấy người ấy đã lướt ra ngoài xa hơn mười trượng.

Dưới bóng trăng mờ, chàng trông thấy khổ người của gã dạ hành thon thả yểu điệu rõ ràng là một người con gái.

Nhưng người con gái nầy có vẻ vô cùng quen thuộc... Chàng tức tốc toát ra công lực của người thiếu nữ “không” trong thuật khinh công, để rồi lướt tới như bay, đuổi theo sát gót nàng thiếu nữ.

Trong một cái chớp mắt chàng đã thu ngắn khoảng cách lại, chỉ còn năm bảy trượng mà thôi.

Bỗng thình lình người đi phía trước dừng phắt chân lại, và Tâm Đăng tức khắc “à” lên một tiếng...

Trong tiếng rú của chàng không biết chứa đựng bao nhiêu nguồn cảm lạ lùng khôn tả...

Vì rằng dưới ánh trăng mờ nhạt, khuôn mặt của người kia vừa lộ ra đem đến cho Tâm Đăng một sự bất ngờ.

Thì ra người khách dạ hành kia đối với Tâm Đăng không phải ai xa lạ mà chính là một thiếu nữ đã bước vào đời của Tâm Đăng trước nhất, người ấy chính là Mặc Lâm Na đó!

Một năm về trước, Tâm Đăng đã thấy nàng lên đường về Tân Cương, chàng những tưởng nàng đã vui với hoàn cảnh mới, không ngờ hôm nay lại đến nơi sơn cùng thủy tận này.

Chàng cũng thẩn thờ dừng chân đứng lại, mồm lắp bắp mấy tiếng :

- Mặc Lâm Na...

Mặc Lâm Na bây giờ thần sắc hốc hác quá nhiều, cặp mắt tuy còn sáng, nhưng so với những ngày còn ở Tây Tạng thì thật kém xa.

Nàng nhìn thẳng vào mặt của Tâm Đăng, rồi bỗng thình lình òa lên khóc...

Tâm Đăng chưa biết làm gì bỗng thình lình Mặc Lâm Na dùng một thân pháp lẹ làng nhảy tọt vào lòng nàng.

Tâm Đăng giật mình đánh thót vội đẩy nàng ra nói :

- Tôi... tôi... là một người xuất gia...

Mặc Lâm Na ủ rũ nói :

- Người xuất gia sao lại còn can thiệp vào chính sự?

Tâm Đăng trả lời :

- A di đà Phật... Muôn dân đang điêu linh đồ thán, thì người xuất gia cũng phải biết đau cái đau của nhân dân,biết khổ cái khổ của nhân dân... Chắc cô có biết câu “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” của người Hán chúng tôi?

Mặc Lâm Na mặc dù là người Tây Tạng, nhưng từ thủa nhỏ đã học được nhiều chữ Hán, lẽ tự nhiên biết rõ câu này, nhưng nàng khẽ gật đầu, trả lời :

- Tôi biết, nhưng tôi cũng biết câu “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”...

Tâm Đăng xô phắt nàng ra xa, nói :

- Cách mặt một thời gian, Mặc cô nương đổi tánh rất nhiều...

Mặc Lâm Na rơi nước mắt trả lời :

- Phải... Thay đổi quá nhiều, vì tôi hiện đã là...

Tâm Đăng không muốn cho Mặc Lâm Na lôi thôi dài dòng nên cắt ngang câu nói :

- A di đà Phật... Tiểu tăng nầy mang trọng trách không thể hầu chuyện với cô nương được, xin cô nương lui gót đi cho...

Mặc Lâm Na nức nở khóc rằng :

- Tâm Đăng quả thật quên hẳn những đoạn đời thơ mộng ở Tây Tạng?...

Tâm Đăng chắp tay trả lời :

- Dĩ vãng là hết, cô nương đừng nghĩ ngợi bâng khuâng gì nữa, bây giờ tôi không còn là một chú tiểu thơ ngây trong Bố Đạt La Cung như khi xưa nữa... Mà bây giờ tôi đã là người của Thiếu Lâm đại phái, người được vinh dự để nắm lấy Tàm Tang khẩu quyết để mưu ích nước lợi dân...

Mấy câu nói này làm cho Mặc Lâm Na im lìm không dám nói lên nửa lời.

Nàng cúi đầu trầm ngâm nghĩ ngợi thật lâu, mới nói tiếp :

- Vậy trước khi chia tay, Tâm Đăng có thể cho tôi được tỏ thêm vài lời?

Tâm Đăng nói :

- Cô cứ tự nhiên...

Mặc Lâm Na nói một cách thiết yếu :

- Kể từ ngày tôi rời khỏi Tây Tạng, giờ phút nào cũng nghĩ đến Tâm Đăng... Lần này Tâm Đăng vào nơi trọng địa này tôi cũng hay biết... Vì vậy nên mới mạo thiên nguy vạn hiểm đến đây bày tỏ đôi lời...

Nghĩ một chút nàng lại nói tiếp :

- Những người tập trung tại nơi đây sẽ thi hành một việc tày trời, nhưng việc này e lành ít dữ nhiều, vì vậy tôi mạo hiểm đến đây tỏ trước cùng...

Nói đến đây nàng nghẹn lời vì tìm không ra một danh từ để xưng hô cho đúng tâm trạng của nàng hiện giờ.

Nhưng rồi nàng cũng ấp úng kể tiếp, thì ra kể từ khi nàng rời khỏi Tây Tạng, lang thang đường lên xứ Tân Cương, tại đây nàng gặp một người chú họ và gửi thân tại đây.

Nào hay đâu, sau một thời gian ngắn, chú họ của nàng lại khăn gói lên đường vì có lệnh của nhà vua gọi gấp.

Đầu đuôi chỉ vì đương kim Hoàng đế được thám tử báo tin rằng các môn phái trong làng võ Trung Nguyên đang tập lập tìm kiếm cao thủ, tập trung những anh tài của đất nước, quyết cử hành một cuộc tấn công bất thần vào Hoàng cung để thanh toán đương kim Hoàng đế, và tiêu diệt những phường tham quan ô lại...

Vì thế mà lực lượng phòng vệ trong Hoàng cung cũng tăng cường mãnh liệt, chuẩn bị để ứng chiến.

Nhờ một người sư huynh giới thiệu, nên Hoàng thượng hạ thánh chỉ đến miền Tân Cương hẻo lánh tìm cho được người chú họ của Mặc Lâm Na là Trác Thế Hùng...

Trác Thế Hùng tuân thánh chỉ vào kinh không được bao lâu, nhờ trải qua một cuộc đấu võ vô cùng ác liệt, đánh bại tất cả những tay cao thủ trong đoàn Cẩm Y Thị Vệ, và oanh liệt giữ được chức quốc sư...

Hiện bây giờ, Trác Thế Hùng đang tập trung các tay cao thủ trong Hoàng cung để ngày đêm luyện tập, quyết tặng cho làng võ Trung Nguyên một trận đòn đích đáng...

Trác Thế Hùng sở dĩ được giữ chức quốc sư, chỉ nhờ ở nơi ông ta thiện dùng môn Đại Thủ Ấn một cách tài tình...

Tâm Đăng nghe đến ba chữ “Đại Thủ Ấn”, trong lòng rung động, chàng chỉ vì ba chữ này mà phải vượt đường xa nghìn dặm vào đất Trung Nguyên.

Bây giờ nghe qua hãy còn hoảng vía.

Mặc Lâm Na kể đến đây thì trời đã sang canh tư, ngửa mặt nhìn sao, Tâm Đăng khuyên nàng :

- Đa tạ tấm lòng tốt của cô đã bắn tin cho tôi biết trước, giờ đây trời đã gần sáng, xin cô hãy rời khỏi nơi trọng địa này...

Mặc Lâm Na nước mắt như mưa, nàng nói :

- Chia tay lần này, không biết có còn gặp lại nhau hay chăng?

Tâm Đăng nói :

- Lời Phật cô đã nói đời người ta sống là gửi, thác là về, không bao lâu nữa thì chúng ta thảy đều rũ sạch bụi hồng trần mà trở về cõi Phật, vậy thì sống là không, mà chết cũng là không, hà tất phải bận tâm suy nghĩ.

Mặc Lâm Na nghe mà như không nghe, trả lời :

- Tâm Đăng ơi... Kiếp sau tôi không muốn Tâm Đăng sẽ là người xuất gia nữa.

Tâm Đăng không trả lời đưa tay trỏ vì sao Bắc Đẩu...

Bỗng từ xa có tiếng chân văng vẳng, Tâm Đăng thôi thúc :

- Cô về đi thôi...

Mặc Lâm Na òa lên khóc, lại nhảy xổ vào lòng Tâm Đăng nhưng lần này chàng đã có chuẩn bị nên lẹ làng xử một đòn lẩn trốn trong Tàm Tang khẩu quyết.

Cái né tránh tài tình của Tâm Đăng làm cho Mặc Lâm Na chới với trong không khí.

Từ phía xa xa, Tâm Đăng nhẹ nhàng đẩy ra một chưởng, một luồng chưởng phong mềm dịu đỡ người đẹp Mặc Lâm Na đứng thẳng người lên...

Tiếng chân người từ đàng xa bây giờ đã tiến tới gần lắm, Mặc Lâm Na nói qua làn nước mắt :

- Kiếp này không đặng làm chim liền cánh, thì kiếp sau xin nguyện làm cây liền cành...

Câu nói vừa đến đây thì từ sau triền núi xuất hiện một nàng thiếu nữ mặc áo trắng tinh...

Mặc Lâm Na đưa tay qua đầu chào Tâm Đăng theo một lối chào cổ truyền của người Tây Tạng, đoạn nói một câu cuối cùng :

- Chúc Tâm Đăng mã đáo thành công, kỳ khai đáo thắng.

Dứt lời thân hình của nàng biến nhanh trong làn sương đêm.

Và cũng chính lúc đó, chiếc bóng trắng kia cũng dừng chân trước mặt Tâm Đăng, chàng “à” lên một tiếng kinh hoàng, ấp úng nói :

- Ủa, Trì... cô nương...

Thì ra đó chính là nàng thiếu nữ họ Trì, nhưng dưới màn sương đêm mờ ảo, không biết người này là Phật Anh hay là Phật Minh.

Tâm Đăng hỏi tiếp :

- Cô nương cũng đến chỗ này?

Nàng thiếu nữ thưa :

- Vâng... Tôi cùng với sư phụ và Phật Anh cũng đến, nhưng không biết giờ này Phật Anh đâu?

Tâm Đăng nghe nói ngơ ngác, thì ra Tịnh Tâm sư thái phen này cũng dẫn hai người đệ tử đắc ý nhất đến đây để ra tay hành hiệp.

Bây giờ, Mặc Lâm Na đi rồi, nên trong lòng chàng đã lấy lại sự bình tĩnh, bỗng Trì Phật Minh nghe chàng cất tiếng nói :

- Xin Phật Anh cô nương hãy ra mặt...

Câu nói này chưa dứt thì trong một bụi rậm gần đó, có một nàng thiếu nữ mình mặc áo trắng lóp ngóp chui ra...

Phật Minh reo lên một tiếng :

- Lén ra đây mà chẳng báo lấy một lời làm cho sư phụ sai ta đi tìm khắp nơi...

Đoạn tinh nghịch nhìn Tâm Đăng một cái, Phật Anh hai má nóng rần, vì nàng thấy trong cái nhìn của Phật Minh đượm một vẻ chế giễu...

Nàng nói :

- Quốc gia đang gặp cơn nguy biến, tôi thật không còn lòng dạ để nghĩ đến việc nhi nữ thường tình nữa...

Câu nói của nàng vừa đến đây, thì bỗng từ phía kia vang lên một hồi chuông lanh lảnh, cả ba người thảy đều giật mình, thì ra bây giờ trời đã rạng sáng, hồi chuông kia chính là hiệu lịnh triệu tập tất cả mọi người đến chỗ sân rộng hôm qua.

Thế là không ai bảo ai cả ba người trổ thuật phi hành đi nhanh đến địa điểm.

Đến nơi, thấy mọi người thảy đều tề tựu đông đủ, Minh chủ bây giờ đang đứng trên khán đài ngỏ lời cùng chúng anh hùng, đại ý muốn nhắn nhủ anh em hãy trở về lo ráo riết luyện tập võ công, để rồi một ngày gần đây sẽ trọn ngày cử sự...

Minh chủ dứt lời mọi người đành lục tục kéo nhau ra về, trong chớp mắt trong khoảng thung lũng này chỉ còn lại vài mươi người, trong đó có Phật Anh, Phật Minh, Tâm Đăng và Tịnh Tâm sư thái.

Bà ta được biết Tâm Đăng đại diện cho Thiếu Lâm phái, hết sức mừng rỡ, phủ dụ vài lời đoạn chia tay nhau ra về.

Mặt trời lên cao ba sào thì Tâm Đăng mới ra khỏi thung lũng, và chàng cùng Phật Anh, Phật Minh chia tay, hẹn sẽ tái ngộ trong một ngày đầy oanh liệt...
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.