Chương trước
Chương sau
Vóc dáng tôi khá cao so với những cô gái cùng lứa tuổi, nhưng lại khá gầy nên cũng được gọi là nhỏ nhắn. Đáng buồn thay, từ lúc bỏ nhà đi Hồng Lộ đến giờ tuy chưa đầy một tháng, tôi đã đầy đặn lên thấy rõ nhờ những món ngon suốt dọc đường đi, may là lộ phí mang theo vẫn còn đủ để dùng. Tôi hay tự nói với mình, nốt món này thôi, cho đến khi tôi tìm ra được một món đặc sản mới. Rồi tôi lại tự trấn an: khi nào tìm được người cần gặp, tôi sẽ rất tự giác quay về Yên Bang, ngoan ngoãn ở lại Dưỡng Chân Trang chép kinh và ăn chay một tháng, đương nhiên không phải để tu hành mà chỉ là để lấy lại vóc dáng mảnh mai khi xưa, nhưng chắc chắn sẽ khiến cho toàn thể trang viện bất ngờ đến mức đang ngủ cũng phải giật mình tỉnh dậy vì hoảng sợ.

Năm ngày trước, tôi đã đến được Hồng Lộ, nhưng người tôi muốn tìm lại vừa mới rời đi. Tốn thêm vài đồng bạc lẻ, tôi được tên lính canh cho biết người ấy sẽ có mặt ở Thăng Long chậm nhất vào ngày thứ tư của tháng sau. Ngày bốn tháng tư ở Thăng Long, nếu không phải dự Hội thề Đồng Cổ thì còn có thể có việc gì?! Từ nhỏ đến giờ tôi cũng chỉ mới nghe nói đến chứ chưa từng được dự lễ hội này nên ngay lập tức nhắm hướng Thăng Long mà đi, một công đôi ba việc.

Không ngờ khi đến Gia Lâm, tôi gặp lại người tôi không muốn gặp nhất: Nguyệt Nhi.

Thật ra tôi rất muốn nói với Nguyệt Nhi, sau này cô ta có hát tuồng chèo thì nên chọn những vai bi thảm, càng bi thảm càng tốt, không cần diễn cũng đạt vô cùng, vì hai lần tôi gặp cô ta đều trong tình trạng chẳng có gì tốt đẹp.

Lần này gặp tôi, cô ta đang lả đi vì kiệt sức. Là thân con gái, nếu không phải là kẻ hào khí ngất trời, can trường không kém đấng nam tử hán nào như Nhã Phong tôi, sao có thể bôn ba ngược xuôi ngàn dặm?! Lúc nhìn thấy cô ta ngất xỉu giữa đường, trong đầu tôi chỉ nhớ đến gương mặt ngây thơ nói ra hai chữ "không biết", báo hại tôi phải ở trong ngục chịu khổ một ngày trời. Tôi không đến cứu thì cô ta cũng không chết được. Lúc dợn bước đi, trong đầu tôi lại hiện ra gương mặt ương bướng của tên thiếu niên kia, nghĩ đến cảnh hắn ta kề dao vào cổ tôi mà hỏi:

- Phong, tại sao ngươi lại bỏ mặc cô gái của ta?!

Tự dưng tôi hơi ớn lạnh, vội vàng nhìn xuống cây sáo bằng ngọc vẫn đeo bên hông, lần trước lại mang ra làm vũ khí để đánh tên công tử trăng hoa ở quán ếch.

Dẫu sao tôi và hắn cũng từng cùng nhau trải qua hoạn nạn, một mẩu bánh dày cũng chia sẻ, tôi không nên quá tuyệt tình với người mà hắn quan tâm.

Nhưng, kẻ đã cho tôi và Quang Khải cơ hội cùng nhau chịu khổ đó, chẳng phải là cô ả đào hát này sao?!

Cứ nghĩ tới nghĩ lui như thế, rốt cuộc tôi đã đi vòng quanh chỗ cô ả ngất xỉu hết mấy vòng.

Cuối cùng, tôi chợt nhớ đến lời lão già vẫn dạy: sinh mạng con người là thứ quý giá nhất, có thể đánh đập kẻ thù tàn nhẫn, miễn đừng cho họ chết. Tôi quyết định ra tay nghĩa hiệp, trong đầu không ngừng lẩm bẩm:

- Từ bi, nhất định phải từ bi.

Vốn tôi định sẽ rời đi ngay sau khi cô ta tỉnh, kẻo lại bị liên lụy vào những chuyện không đâu. Không ngờ cô ta không biết ngại ngùng gì, chỉ sau một vài câu xin lỗi chuyện xưa cho có lệ là lại nhờ cậy được ngay.

Cô ta nhờ tôi đến Thăng Long thì tìm Quang Khải, báo giúp rằng cha cô ta lâm trọng bệnh, cần một số tiền rất lớn để chữa trị. Tôi cứ tưởng Quang Khải về Tức Mặc, nghĩa là ngược đường đi Hồng Lộ nên mới chia tay hắn lúc ở Khoái Châu, nếu sớm biết hắn cũng đến Thăng Long hẳn là chúng tôi đã có thể kết bạn đồng hành.

- Đây là...?! – Tôi nhìn chăm chăm vào miếng ngọc màu xanh cô ta đưa tới.

- Tín vật của người, nhờ tiểu thư chuyển lời giúp. – Cô ta dùng ánh mắt kiên định nhìn tôi.

Chẳng hiểu là do không muốn dây dưa với cô ả yếu ớt này, hay vì cũng muốn có cơ hội gặp lại tên thiếu niên áo xanh có cái dáng vẻ quen quen kia, tôi không từ chối nữa.

Tôi đưa tạm cho Nguyệt Nhi một phần ba lộ phí, bảo cô ta quay lại Khoái Châu để lo cho cha già, còn tôi lập tức ruổi ngựa đến Thăng Long, đi bất kể đêm ngày.

Dù tôi không thích Nguyệt Nhi đến đâu, cho rằng cô ta không xứng với Quang Khải thế nào, người cha già yếu bệnh tật của cô ta cũng không có lỗi.

***

Ngày bốn tháng tư, tôi đến Thăng Long, đúng vào ngày diễn ra Hội thề Đồng Cổ.

Tương truyền vào thời họ Lý còn trị vì đất nước, thái tử Lý Phật Mã theo lệnh vua cha đi đánh Chiêm Thành, ngang qua Trường Châu [2], đêm nằm mộng thấy thần Đồng Cổ xin theo phò vua diệt giặc. Sau khi thắng trận trở về, thái tử rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô và lập đền thờ. Đến thời họ Trần, từ năm Kiến Trung thứ tư, Hội thề Đồng Cổ được tổ chức đều đặn mỗi năm, lập đàn treo cờ, toàn thể vương hầu, quốc thích cùng nhau uống rượu có pha máu và cùng đọc lời thề[3]. Lúc nhỏ khi tôi nghe kể chuyện này, đã đập bàn đứng dậy, thấy nghĩa khí hừng hực trong lòng.

Có thứ tình nào vượt qua được cái tình với quê cha đất tổ?! Có thứ nghĩa nào cao hơn nghĩa của những người từng vào sinh ra tử cùng nhau?!

Tôi đến hội thề vào lúc mặt trời đã lên cao, không kịp xem phần nghi lễ. Suốt con đường dẫn vào đền thờ, người đi dự hội tấp nập rộn ràng, xiêm y đủ màu sặc sỡ, dập dìu tài tử giai nhân. Phía trong đền, cờ xí rợp trời, quân lính đứng thành hàng, giáo gươm sáng chói. Phải mất khá lâu tôi mới chen vào được đến sân đền, không ngừng dõi mắt tìm kiếm một màu áo thiên thanh.

Sau này khi nghĩ lại, sở dĩ tôi chú ý đến Quang Khải và cảm thấy thân quen cũng bởi lần đầu gặp nhau, cậu ta mặc một bộ y phục màu xanh nhạt, giống hệt trang phục thường ngày của người mà tôi mải miết đi tìm.

Đến khi ngôi đền thiêng hiện ra trước mặt, trán tôi đã lấm tấm mồ hôi, mà một người tôi muốn tìm, một người tôi phải tìm, vẫn không thấy tăm hơi. Tiết trời hơi nóng bức của ngày cuối xuân đầu hạ không khiến những cuộc vui kém phần hào hứng, mà ngược lại còn tăng thêm lửa cho những kẻ tham gia. Tôi định tìm một bóng cây để tránh nắng, cuối cùng lại tò mò đến xem hội đi cầu mai ở cái ao nhỏ cạnh đền thờ. Một người đàn ông vóc dáng chắc nịch, mặc bộ áo giao lĩnh màu nâu dài đến bắp chân đang thận trọng bước đi qua chiếc cầu bằng thân cây mai được đặt là là ngang mặt nước. Phía bên này, dải lụa đào được buộc khéo léo trên một cành trúc đang phất phơ như trêu chọc. Mỗi bước ông ta đi, chiếc cầu nhỏ lại lắc lư khiến đám người xung quanh hứng chí reo hò, có người lo lắng nhắc nhở. Gương mặt rám nắng của ông ta ánh lên một vẻ đắc thắng lạ lùng.

Trong ký ức của tôi, cách đây rất lâu rất lâu, tôi cũng từng vừa run rẩy vừa hớn hở đi qua một chiếc cầu tre nhỏ, phía trước là một cậu bé đang đi giật lùi, tay nắm chặt tay tôi. Chúng tôi cứ nhích từng bước, từng bước khẽ khàng, cho đến khi cả hai cùng rơi xuống, nước dưới ao bắn lên tung tóe, ướt tiếng cười giòn của chúng tôi.

Người đàn ông đã sắp đến bờ, không ngờ chỉ còn một bước chân, lúc ông ta đưa tay đón lấy dải lụa đào, một cơn gió nghịch ngợm trêu đùa đưa dải lụa chệch sang một phía, ông ta rướn người bắt lấy, cuối cùng cả người cùng dải lụa đều rơi xuống nước.

Mặc kệ tiếng cười rộ lên xung quanh, tôi cố giữ vẻ mặt bình thản để không làm người đàn ông kia thêm mất mặt. Không ngờ sau lưng tôi lại có kẻ không hiểu chuyện:

- Không cần giả vờ nghiêm túc như vậy.

Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, thân mặc tiêu kim tử phục [4], đầu đội mũ củng thần ba bậc, đứng trước mặt tôi mỉm cười, gương mặt còn sáng rực hơn cả vầng thái dương đang chói trên đầu.

Tôi xuýt xoa một hồi dài vì đã quên mất một điều quan trọng, trong ngày đại lễ như hôm nay, cả Quang Khải và người tôi muốn tìm đều không thể vận màu áo lam ưa thích, tôi có mỏi mắt tìm khắp biển người này cũng hoài công.

- Ta tưởng ngươi đi Hồng Lộ tìm người, sao lại chạy đến Thăng Long?! – Quang Khải tỏ vẻ ngạc nhiên.

Tôi không biết bắt đầu từ đâu, vô thức đảo mắt một vòng tìm thử màu áo tía dát vàng hệt như y phục mà hắn đang mặc trên người, cuối cùng thở dài, đưa mắt đến hàng rượu của một bà cụ già bày tạm dưới gốc đa ở cách đó không xa.

- Chúng ta qua đó ngồi, ta sẽ kể ngươi nghe.

Sau vài câu ngắn gọn, tôi đã kể sơ lược cho hắn tình hình của cô đào hát Nguyệt Nhi, đồng thời đưa cho hắn miếng ngọc đính ước của hai người. Quang Khải cầm miếng ngọc hồi lâu, bỗng dưng chép miệng:

- Ngốc thật.

- Đúng là ngốc thật. – Tôi chợt đồng tình. – Cô ta bán miếng ngọc đi, không phải là có thể cầm cự được một thời gian sao?!

Quang Khải nhìn tôi bằng một ánh mắt rất lạ kỳ.

Đâu phải tôi không hiểu được cảm giác nhớ nhung một người, trân trọng kỷ vật mà người ấy để lại cho mình. Tôi nhận lời giúp Nguyệt Nhi cũng một phần vì tôi đồng cảm với sự trông ngóng của cô ta. Nhưng mà, lão già vẫn hay dạy tôi, tài sản có quý giá đến mấy thì cũng chỉ là vật vô tri vô giác, không thể coi trọng hơn con người. Hơn nữa, ký ức và sự nhớ thương của ta dành cho một người, nếu thực sự đậm sâu, sẽ không vì mất đi một kỷ vật mà phai nhạt.

Xem ra suy nghĩ này của tôi trong mắt người khác là rất thực dụng, rất vị kỷ.

Không ngờ, Quang Khải xếp cây quạt hắn đang cầm trên tay lại, gõ nhẹ vào vai tôi một cái:

- Phong, thì ra không chỉ cái tên của ngươi giống con trai, mà suy nghĩ của ngươi cũng không có chút nữ tính nào.

Thật lòng tôi không biết câu này là khen ngợi hay phỉ báng.

- Ngươi có gặp lại Nguyệt Nhi, nhớ bảo với ả là ta không thất hứa.

- Ta sẽ báo. – Quang Khải gật gù, rồi như chợt nhớ ra điều gì, hắn đưa tay vào ngực áo – Số tiền ngươi giúp Nguyệt Nhi hôm ấy, để ta gửi lại.

- Không cần. – Tôi dùng cây sáo ngọc đang cầm trên tay ngăn hắn lại. – Dù sao thì... bây giờ ngươi có trả tiền, ta cũng không mua được thứ ta cần mua nữa.

Lúc ấy, ở Gia Lâm, tôi muốn ghé qua Bát Tràng, mua một bộ ấm chén thật đẹp để tặng một người thích ẩm trà.

Quang Khải suy nghĩ gì đó, rồi rót ra hai chén rượu.

- Phong, ngươi đã hai lần giúp ta, sau này dù ngươi có bất cứ việc gì, ta sẽ là người có mặt đầu tiên.

Tôi cầm lấy một chén, lắc lắc nhẹ, nhìn những giọt rượu sóng sánh phản chiếu ánh nắng xuyên qua kẽ lá rồi lại nhìn Quang Khải:

- Lúc nãy ngươi vừa cắt máu ăn thề với những người trong đó – tôi đưa tay chỉ về phía ngôi đền cổ - bây giờ lại muốn tiếp tục sao?!

Hắn có vẻ ngạc nhiên vì tôi biết được những nghi thức diễn ra phía bên trong, nhưng lại không hỏi gì, chỉ bật cười sảng khoái:

- Thề hay không cũng chỉ là một câu nói. Bằng hữu, hiểu nhau là được.

Tôi cũng mỉm cười, đưa tay cạn chén.

Ly rượu kết giao vừa uống xong, Quang Khải đã hỏi tôi, giọng rất quan tâm:

- Ngươi vẫn chưa tìm được người đó sao?!

Tôi cười nhẹ, lắc đầu, đôi mắt lại vô thức đảo một vòng khắp sân đền.

- Hẳn là người rất quan trọng với ngươi?!

- Khải. – Tôi nói khẽ. – Nếu không quá nặng lòng, ngươi có dám một mình lặn lội từ Yên Bang qua Hồng Lộ, rồi lại đến Thăng Long?!

Nói xong tôi nhận ra mình thật ngốc, hắn là nam nhi, lại là hoàng tử, dù có ngao du hết dãy sơn hà rộng lớn này cũng đâu có gì là to tát.

- Ngươi đi tìm Nguyệt Nhi đi, cô ta đang cần ngươi lắm. – Tôi nói sang chuyện khác. – Nhưng nếu hai người có lấy nhau thì ta chỉ đến ăn tiệc, không gửi quà mừng.

Tôi cố pha trò, nhưng chẳng hiểu sao từ lúc đặt chân đến nơi này, tâm trạng tôi cứ nặng nề u ám như có đám mây đen đang lơ lửng trên đầu.

Khải định nói gì đó, tôi chẳng còn nghe rõ.

Phía góc sân đối diện, một ông đồ già bày những câu đối được viết trên giấy đỏ, đông đúc vương tôn công tử vây quanh để cùng thi thố văn chương. Duy chỉ có một câu không ai đối được suốt từ sáng đến giờ.

Một dáng hình thư sinh cao cao, hơi gầy từ xa đi đến, hỏi han vài lời rồi điềm đạm đưa câu đối lên trước mặt, ung dung mỉm cười, thong thả mài mực.

Màu áo tía dát vàng trên nguời Quang Khải tỏa ra anh khí hào sảng, còn trên thân người ấy lại mang một vẻ tao nhã cao quý lạ lùng.

Lúc tôi ý thức được hành động của mình, tôi đã đứng trước mặt người ấy, xung quanh là rất nhiều tài tử đang chờ câu đối lại.

Người ấy đặt thỏi mực xuống, đứng đối diện với tôi, trên gương mặt thoáng nhẹ nụ cười. Bỗng người đưa bàn tay ra trước, động tác như định lau nước mắt cho tôi.

Tôi bước lùi lại một bước, xấu hổ cúi đầu, lúng ta lúng túng lau đi gương mặt đã ướt đẫm tự bao giờ. Phải mất một lúc lâu, tôi mới tìm lại được giọng nói đã đi lạc đâu mất của mình, ngước mặt lên nhìn người ấy, cố nở một nụ cười bình thường nhất:

- Tiên sinh!

Trong ánh mắt bình thản như nước của người ấy chợt thoáng một vẻ xót xa.

Người ấy nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười trìu mến. Cây quạt đang cầm trên tay bỗng gấp lại rất nhanh, người ấy gõ nhẹ lên đầu tôi rồi hỏi:

- Đói bụng rồi, phải không?!

[1] Trích thơ Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu):

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi / Làm người thế ấy cũng phi anh hùng

[2] Hữu ngạn sông Mã, nay thuộc xã Yên Thọ, Ý Yên, Nam Định

[3] Lời thề dưới thời Trần: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần minh làm tội"

[4] Áo bào màu tía dát vàng, trang phục đại lễ của vương hầu thời Trần, theo Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.