Chương trước
Chương sau
Thuở nhỏ tôi thường nghe mọi người đọc một bài vè:

"Trời mưa cho ướt lá khoai

Đố ai lấy được con trai Thổ Hà

Trời mưa cho ướt lá cà

Đố ai lấy được đàn bà Vạn Vân."

Gốm Thổ Hà mang sắc đỏ thẫm, lão già lại chuộng sự thanh nhã của gốm trắng Bát Tràng hơn nên trước giờ tôi chưa có dịp thấy qua. Còn rượu làng Vân, bấy lâu tôi chỉ biết đó là thứ lão thích uống nên trong nhà lúc nào cũng trữ rất nhiều, đến hôm nay mới tỏ loại mỹ tửu danh bất hư truyền, khiến người tưởng như mới ngà ngà lăn ra ngủ như chết. Ông Đảm tối qua say bí tỉ chẳng nói làm gì, tên Nguyễn Nam bị tôi đuổi về phòng từ sớm mà đến lúc mặt trời lên bảy tám sào vẫn chưa tỉnh giấc. Tôi ngồi đợi mãi, đợi mãi, đến khi hết kiên nhẫn bèn ghé tai hắn hô to:

- Cháy! Cháy rồi!

Tên thầy thuốc nọ quả nhiên tỉnh rất mau. Hắn chớp mắt mấy cái cho hoàn hồn, đoạn nhìn tôi ngơ ngác:

- Nhã Phong... em làm gì ở đây?

Thấy hắn đã nhận ra mình, tôi lập tức đem nỗi thắc mắc to lớn gây trằn trọc cả đêm ra hỏi hắn:

- Ngươi có biết thế nào gọi là "cưỡng hiếp" không?

Lang băm kia đột nhiên mặt mũi tái xanh, lùi sâu vào góc giường, kéo chăn lên che kín ngực, đôi mắt mở to kinh hãi. Tôi nhìn hắn vừa buồn cười, vừa hậm hực:

- Rút cuộc đó là chuyện thế nào, tại sao cả anh Thân, chị Hạnh, mấy tên gia đinh rồi giờ đến ngươi cũng làm ra vẻ kinh tởm vậy?

Bốn mắt nhìn nhau. Chớp chớp.

- Em... sao tự dưng lại hỏi như thế? – Mãi một hồi hắn mới lắp bắp được mấy từ.

- Ngươi không cần biết, chỉ cần giải thích thôi!

- Chuyện này... tôi không nói được. – Hắn nhún vai đầy miễn cưỡng.

- Ta đi hỏi sư ông. – Tôi đứng phắt dậy đi về phía cửa. – Các người thật là vô dụng!

- Đợi đã! – Nguyễn Nam vội kêu lên.

Tôi quay đầu lại, thấy gương mặt hắn đang rất khổ sở, vẫy vẫy tay. Tôi lập tức đến ngồi lên mép giường, chăm chú nhìn hắn khó nhọc nói từng lời:

- Việc đó là... à... ừm... là người nam ép người nữ cho gần gũi.

- Có phải giống như tên công tử trêu ghẹo Nguyệt Nhi ở quán rượu bị ta và Quang Khải đánh nhừ tử không?

- Không, việc đó chưa đáng là gì.

- Vậy... thế nào mới đáng?

Lúc này tôi cảm thấy rất bực bội, phải chi lúc xưa Quang Khải kể tôi nghe chuyện Yên Sinh vương cưỡng gian cung nữ họ Lý, tôi không say đến chẳng biết gì thì đã không mất một buổi sáng đi hỏi hết người này đến người nọ như vậy. Hai người đàn ông nói chuyện với nhau bao giờ cũng dễ dàng hơn.

Căn phòng bỗng trở nên im lặng. Đôi mắt đang mở to của Nguyễn Nam dần dần hẹp lại, khóe môi cũng từ từ cong lên. Hắn không lùi nữa mà chuyển sang tiến về phía tôi, đưa tay nắm lấy khuỷu tay tôi kéo lại gần hắn. Tôi vẫn tròn mắt nhìn xem hắn định làm gì. Đến lúc gương mặt hắn đã sát kề, hơi thở nóng rẫy, tôi vẫn chưa hiểu ra sự việc. Bàn tay hắn di chuyển lên vai tôi, siết nhẹ một hồi. Đột nhiên hắn đẩy mạnh tôi ra, gục đầu về phía bên kia rồi bật cười khùng khục.

- Đau! Ngươi điên hả? – Tôi nổi cáu.

Tên thầy thuốc kia vẫn chưa dứt cơn cười. Hắn lắc lắc đầu, đưa tay lên lau nước mắt rồi chống tay ngửa người về sau, mặt ngẩng lên trời mà than trách một mình:

- Đúng! Tôi điên rồi! Tôi đã luôn nghĩ em là đàn bà của Hưng Ninh vương kia đấy! Quên mất em vẫn còn là đứa trẻ...

- Này! Ngươi nhìn ta oai phong lẫm liệt thế này, chỗ nào giống bọn đàn bà kia hả? – Tôi cắt ngang lời hắn. – Vả lại, người xưa có câu "nữ thập tam, nam thập lục", năm nay ông đây mười sáu, vừa đủ tuổi trưởng thành rồi.

Nguyễn Nam đã dứt cơn cười, đôi mắt hướng về tôi bỗng xa xăm. Hắn nhìn tôi rất lâu, rất lâu, hoàn toàn khác ánh nhìn lúc say rượu đêm hôm trước. Bàn tay hắn bỗng đưa tới, chạm vào cằm, rồi ngón cái đặt nhẹ lên môi tôi. Cái chạm khẽ khàng kia làm tôi chợt nhận ra một điều gì đó. Tôi nhìn sâu vào mắt hắn, đoạn khẽ hé bờ môi...

Rồi cắn phập vào ngón tay làm hắn phải thét lên một tiếng.

Tôi tức giận trỏ vào mặt hắn:

- Ta hiểu rồi, thì ra tối qua là ngươi đã cưỡng hiếp ta!

Tên lang băm kia vội vã lao đến đưa tay bịt miệng tôi:

- Em bớt dở người đi! Muốn cả trang viện đến đây chắc?

Tôi ú ớ không thành tiếng, lắc lắc đầu. Hắn nhìn tôi chốc nữa mới buông ra, thở dài đầy vẻ bất lực:

- Cái điều em hỏi, nghĩa là dùng vũ lực ép buộc người kia ân ái với mình, làm những chuyện chồng vợ nên làm, để sinh con đẻ cái. – Hắn nhắm mắt, đỏ mặt, nói liền một mạch.

***

Tôi nghe nói mùa đông ở phương Bắc xa xôi kia có tuyết rơi, những viên bông trắng trắng, tròn tròn, xốp xốp như mây bay đầy trời vô cùng đẹp mắt. Mùa đông của Đại Việt chỉ có giá rét thấu xương và nỗi nhớ nhà không gì khỏa lấp được. Tôi đang ở Dưỡng Chân Trang, ở làng Vạn Niên, ở Yên Bang, ở nơi tôi đã sống gần mười năm qua mà vẫn thấy chông chênh.

Tôi ngồi trước bậu cửa thư phòng, nhìn ra khoảng sân rợp bóng trúc xanh, mặc những cơn gió lùa qua làm tấm áo khoác trên vai hơi trượt xuống. Tôi không thấy lạnh, chẳng thấy nóng, không rõ buồn vui, trong đầu trở nên trống rỗng, mọi thứ cứ vụt qua.

Thầy qua đời từ khi tôi còn trong bụng mẹ, tôi lớn lên chỉ có một người thân nữa là dì. Dì làm cung nữ ở kinh thành, gửi tiền về cho mẹ nuôi tôi, vài năm lại ghé thăm nhà, dạy tôi tết tóc, nấu cơm, quét tước, cứ sợ mẹ chiều tôi mãi đâm hư. Trong ký ức của tôi, dì là một người phụ nữ dịu dàng hơn cả mẹ, cử chỉ khoan thai, từ tốn, giống người quyền quý hơn là một nữ tì. Tôi ngưỡng mộ dì đến mức sau này tôi yêu quý chị Thiên Hương và có thiện cảm với công chúa Phụng Dương phần lớn là vì họ mang vẻ đoan trang nhã nhặn giống dì Lý Cát của tôi. Tôi nhớ thuở bé mình rất thích ôm một con rối vải vào lòng ngủ, đó là món quà dì tặng năm tôi lên bốn. Sau này khi mẹ mất rồi, tôi mải miết đi tìm tung tích của dì, đến giờ mới có chút thông tin.

Những năm tháng ấu thơ ở làng Giá, ba người chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống. Đến giờ tôi vẫn chưa quên mùi món canh cá nấu chua của mẹ, chưa quên mùi thơm dìu dịu mỗi khi tôi nũng nịu trong lòng dì. Nhưng, "nhà" mà tôi nhớ lại không phải là khung cảnh đầm ấm ấy.

Thoáng trong đầu hiện ra bản mặt nham nhở của tên công tử ve vãn Nguyệt Nhi, tôi tự vẽ vào chút râu, chút nếp nhăn, thấy hắn lao đến dồn dì tôi vào một góc nhà, mặc cho dì giãy giụa khóc la. Tôi nhớ bức thư cuối cùng gửi cho tôi, dì bảo chỉ cần đợi ít lâu dì có thể trở về quê, có thể nên duyên với anh đồ trẻ làng bên – người bạn thanh mai trúc mã từ thuở bé của dì. Tôi thấy trong lòng bừng bừng lửa giận, cây sáo ngọc trong tay bỗng hóa thanh kiếm sắc lẻm của Trần Cụ tặng cho, toan lao đến chém kẻ nọ để cứu dì. Tên khốn ấy quay lại nhìn tôi, gương mặt bỗng dưng biến đổi, vẫn có râu, tóc vẫn hoa râm nhưng khóe mắt làn môi lại trở nên vô cùng quen thuộc. Tôi vỗ vỗ trán, lắc mạnh đầu, những ý nghĩ ấy vẫn không tan, chợt nhìn thấy cái giếng phía bên kia sân, tôi lao đến múc một gàu dội thẳng lên đỉnh đầu. Lạnh buốt!

- Nhã Phong! Em có biết bây giờ là giữa đông không? Nhỡ đổ ra ốm thì biết thế nào? – Nguyễn Nam từ đâu vừa đến, vội vã kéo áo choàng lên che kín cổ tôi, gỡ áo hắn trùm lên tóc tôi vò loạn đến khi ráo nước.

- Ngươi đến đây làm gì. – Tôi đẩy nhẹ tay hắn ra, hỏi bâng quơ.

- Tôi đi hái thuốc về, nghe mọi người nói em cứ ngồi ở đây từ sáng, chẳng chịu ăn uống, thiền sư Tiêu Dao và phu nhân đều có việc ra ngoài cả, không ai bảo được em.

Tôi nhếch mép cười nhẹ, lại đến ngồi bên bậu cửa, mặc kệ hắn ngồi xuống cạnh bên.

- Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Nhã Phong, hôm nay em lạ lắm...

Tôi vẫn không đáp, tên thầy thuốc nhìn tôi hồi lâu rồi lại đưa mắt về phía mái đình, giọng nhẹ như gió thoảng:

- Tôi xin lỗi. Tôi không biết bị tôi hôn khiến em khó chịu đến mức này...

Tôi phì cười, chẳng buồn giải thích, đột nhiên lại nghĩ ra:

- Ta chỉ bị hôn mà đã khó chịu, người đó bị người kia... có phải rất khổ sở không?

- Ai? – Nguyễn Nam sửng sốt.

- Thiên hạ. – Tôi nhận ra mình lỡ lời nên vội gạt đi.

Gã thầy thuốc lại thở dài đánh thượt, mãi lâu sau, hắn cố pha trò:

- Hưng Ninh vương mà biết tôi giành mất nụ hôn đầu đáng ra là của ông ta, chắc sẽ cho người truy sát.

- Tiên sinh là trưởng bối của ta, ngươi đừng nghĩ chuyện không đâu nữa.

Tôi nói thế rồi đứng lên, đi về phía Phật đường.

***

Nếu tôi bảo với ai đó rằng lão già của tôi chưa bao giờ tin có Thần Phật trên đời, hẳn họ sẽ cho rằng tôi bất kính hoặc rất điên rồ. Kỳ thực, thiền sư Tuệ Trung chính là người luôn cho rằng vị thái tử tên Tất Đạt Đa kia cho đến ngày thành Phật vẫn luôn là một người phàm. Những điều Phật dạy chúng sinh được đúc kết từ mắt thấy, tai nghe và một trí tuệ mẫn tiệp hơn người, ghi lại thành kinh kệ để truyền bá điều hay lẽ phải. Vì thế, dù lão bắt tôi chép bao nhiêu quyển kinh, thuộc bao nhiêu bài tụng niệm, cũng chưa bao giờ buộc tôi vào Phật điện quỳ một ngày nào. Lão nói tâm tịnh thì trí ắt sẽ thông, Phật là bản tâm của mình, Chân – Thiện – Mỹ phải tự tìm ở nơi mình để thấu triệt chứ không đốt bao nhiêu nén hương, tụng bao nhiêu thời kinh mà ngộ được.

- Vậy vì sao người vẫn cho xây dựng Dưỡng Chân Trang, còn thu nhận vô số Phật tử ngày ngày đến cúng dường? – Có lần tôi hỏi.

- Khi chưa tin được vào bản thân mình, người ta cần một niềm tin vào những thứ nhiệm màu. Ta cho họ lòng tin rằng họ được che chở, được thứ tha, được sám hối, bị trừng phạt khi nghĩ đến thứ xấu xa, được thiện quả mỗi lần gieo nhân tốt đẹp. Thế vẫn tốt hơn để mặc họ tin vào quỷ thần, vào những điều vô lý mà những tên sư hổ mang rao giảng ngoài kia.

Từ lúc hiểu ra điều ấy, tôi luôn nhìn những người bước vào Phật đường bằng đôi mắt cảm thông của đấng bề trên thấu hiểu cho chúng sinh mê muội. Không ngờ cũng có ngày tôi mê muội không kém chúng sinh.

Tôi cung kính thắp hương, mang bồ đoàn ra giữa điện, mang cả mõ cùng tràng hạt, sẵn sàng trì niệm hai mươi mốt biến Chú Đại Bi. Đến lúc đã ngồi xuống hẳn hoi, toan gõ mõ, thấy thanh gỗ nhỏ trên tay mình nặng trĩu lại thôi. Những phiền muộn trong đầu tôi chỉ tổ khiến chốn này bớt linh thiêng. Tôi xuống bếp pha một ấm chè mang đến thư phòng, đóng kín cửa, bày thư án mài mực chép kinh.

"Nhà" trong tâm trí tôi lại là những năm tháng ở chốn này, bên cạnh một người.

Người dạy tôi biết mọi thứ trên đời, luôn nghiêm khắc, rất bao dung, cực kỳ hiểu chuyện nhưng lại không kiêng nể một ai, khiến tôi có cảm giác như mình có trong tay cả giang sơn gấm vóc.

Người đã dẫn tôi lên núi hái thuốc, chỉ cho tôi từng loại kỳ hoa dị thảo, đưa tôi đến những chỗ có thể nhìn được núi non hùng vĩ rồi cõng tôi về khi tôi đã mệt lử thiếp đi.

Người đã cứu tôi khỏi khói lửa mịt mù, khỏi manh vuốt mãnh hổ giữa rừng thiêng, khỏi những lần nghịch ngợm mang họa vào thân, khỏi những cơn ác mộng chập chờn.

Người ôm siết tôi vào lòng ngày tôi thành thiếu nữ, thấy nước quỳ thì hoảng lên sợ mình sắp chết, kiên nhẫn dỗ dành rồi mới nhờ chị đến giúp tôi.

Người chỉ nói được một câu ngọt ngào duy nhất: "Từ nay ta sẽ bảo vệ em", rồi những năm tháng về sau chỉ lặng lẽ thực hiện lời hứa ấy.

Tôi biết lẽ ra những lúc như thế này tôi nên thấy hụt hẫng, thấy suy sụp vì thân phụ của người lại là kẻ đã gây ra đau khổ cho người thân thích máu mủ với tôi. Đáng ra tôi phải truy vấn đến cùng, tìm cho ra sự thật, tìm cho được tung tích của dì. Tôi nên hoang mang tự hỏi xem người vì cớ gì lại dùng những tháng năm đẹp nhất của đời mình dắt theo một đứa trẻ đi khắp nơi, chẳng còn gì lạc thú. Tôi nghĩ tôi phải buồn bã, vì thứ tình cảm tôi thấy khốn nạn nhất trên đời là chữ "nợ". Vì thấy nợ mà ở cạnh, vì thấy tội lỗi mà ép lòng yêu thương... chẳng phải càng gây thêm ngang trái, éo le sao?

Vậy mà, thời khắc ông Đảm nói ra cái tên Lý Cát, tôi chỉ bảo ông say rồi dìu ông về phòng nghỉ, một câu một chữ cũng không muốn nghe thêm nữa. Sau khi biết rõ những việc Yên Sinh vương đã làm với dì rồi, cả sự phẫn uất và thương tiếc cho dì tôi cũng vội vã gạt đi. Cái gì gọi là "máu chảy ruột mềm"? Một giọt nước mắt cũng không rơi, một lần phẫn nộ cũng không có. Chính việc không cảm nhận được những thứ cảm xúc "dĩ nhiên" này khiến tôi thấy bất lực hơn tất thảy.

Tôi sợ.

Giống như cách mà bao nhiêu năm qua tôi đã sợ mỗi lần nghĩ về cái chết của mẹ tôi.

Giống như cách tôi đã không bao giờ tìm hiểu xem chị tôi có thân phận gì, hay tôi có thân phận gì mà người phải nhọc công che giấu.

Giống như cách tôi luôn tự nói với mình chỉ cần người vui vẻ ở cạnh tôi, những gì đã qua cứ để nó ngủ yên. Tôi sống bên mẹ và dì hơn sáu năm, nhưng tôi đã sống cạnh người gần mười năm. Mười năm, đủ làm một số việc nhạt nhòa và làm một số thứ khác khắc sâu vào xương tủy.

Đến nỗi, lần này có một sự thật rành rành ra đó, hứa hẹn còn bao nhiêu sự thật khác bị vùi chôn, tôi vẫn tìm mọi cách bao biện, rằng Yên Sinh vương là Yên Sinh vương, dù người ta bảo dáng hình họ có nét tương đồng thì cớ gì đời cha ăn mặn lại bắt đời con khát nước, rằng người chẳng hay biết gì đâu, vì nếu biết đã chẳng đợi đến nhiều năm sau mới tìm thấy tôi mà bù đắp, rằng tôi không cần tìm hiểu nữa, sự thật chẳng thể sánh bằng an ổn trong tâm.

Tôi sợ tôi biết rồi lại phải hận người.

Đớn hèn như vậy.

Tôi có tư cách gì tự xưng là truyền nhân được người dạy bảo, có tư cách gì mở miệng bàn về Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín, có tư cách gì khoác lên bộ áo lam đứng trước đấng Thế Tôn, có tư cách gì đối mặt với người?

Trong phút chốc, tôi thấy mình như một kẻ chẳng ra gì, dửng dưng trước tai họa của người thân, bất chấp đúng sai, khư khư bảo vệ thứ hạnh phúc cỏn con của riêng mình. Tôi từng tự hào mình tuổi trẻ tài cao, giờ xem ra không chỉ tuổi nhỏ mà tâm tính tôi cũng mọn.

Ngoài kia vẳng lại tiếng chuông chiều, phủ trùm lấy không gian rồi tan đi trong hơi lạnh.

Tôi nhớ người từng dạy, muốn vượt qua những suy nghĩ tiêu cực trong đầu mình, trước hết cần thản nhiên thừa nhận chúng. "Tâm ma" một khi được gọi đúng tên, được chấp nhận sẽ thôi vùng vẫy, thôi phản kháng, nhiều lúc còn ngoan ngoãn lùi đi. Tôi chợt thấy buồn cười, giờ đến cả việc làm sao giải trừ phiền não liên quan đến một người, tôi cũng dùng cách do người đó dạy.

Thỏi mực bị tôi mài đến nóng cả tay. Tôi tự cười khổ, lắc nhẹ đầu, đưa bút viết liền một mạch:

"Tiểu nhân bám gót đại nhân

Mặc tình thiên hạ nói gần nói xa

Đôi người khuyết một chữ "gia"

Quạt nồng ấp lạnh chữ "nhà" cũng xuôi."

Tôi dứt khoát đặt bút xuống nghiên, đọc lại những câu thơ mình viết trong vô thức. Mũi hơi sụt sịt, tôi đoan chắc nếu người có ở đây sẽ mắng tôi lúc nãy nghịch ngu, có khi còn bắt phạt cho chừa.

Bỗng đâu thấy khói hương từ Phật đường tràn cả vào thư phòng làm mắt nhòe đi. Nhìn lên bức tranh mộc lan treo trên vách, tôi cười nhạt, lẩm bẩm một mình:

- Lão già ạ, xem ra em đã thương người hơn cả ruột thịt mất rồi!

Ca dao ca ngợi hai làng nghề: gốm Thổ Hà và rượu Vạn Vân.

Tương truyền, vào cuối (1009 - 1225) ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ (960 - 1127). Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm. Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng.

Quỳ thủy: chỉ kinh nguyệt phụ nữ.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.