Tôi cứ ngỡ mình đã quen với cảnh đầu rơi máu chảy và những cuộc sinh ly tử biệt, hoá ra cái chết của người lính tên Chiến vẫn ám ảnh trong giấc ngủ nhiều đêm sau đó. Tôi không ngừng mơ thấy cụ Đảm, bác Thôi và những người đã ngã xuống trước mắt tôi. Bên tai tôi luôn ít nhiều văng vẳng tiếng thét xung trận của Nguyễn Nam, của Phú Lương hầu và trăm nghìn binh sĩ mà tôi chưa từng gặp mặt. Tôi còn trông thấy chị tôi, thấy anh Thân, thấy sư ông Phúc Đường... mọi người cứ đi mỗi lúc một xa, tôi gọi thế nào cũng không ngoái đầu nhìn.
Mỗi lần như thế, tôi đều không ngủ lại được. Co ro nằm sát mép giường, tôi rúc sâu trong chăn, cố hình dung hơi ấm của lão già ở cạnh bên để trấn tĩnh. Thế nhưng, nghĩ đến lão, tôi chỉ nhớ đến những câu chuyện Quang Khải đã kể tôi nghe, về lần lão bị thương nặng đến mức không dám về nhà năm ngoái, về việc lão liều mạng muốn ở lại đồng sinh cộng tử với Phú Lương hầu. Sau mỗi người lính đều có gia đình, có thầy mẹ, vợ con, đều có thứ khiến họ lưu luyến mà một lòng muốn sống. Lão già của tôi, phụ mẫu đều thác từ lâu, vợ chỉ là danh nghĩa, không con không cái, lão lại là người coi nhẹ việc sinh – tử, thế nên trước giờ tôi luôn không dám nghĩ xa hơn, chỉ mong lão nghĩ đến thân phận chủ tướng, dưới trướng còn bao nhiêu binh sĩ trông đợi mà thương tiếc sinh mạng mình.
Kể ra, tôi cũng giống như lão, không còn ai là máu mủ trên đời. Lão còn có Hưng Đạo vương, công chúa Thiều là anh em cùng cha, có họ Trần là thân thích dẫu không quá mặn mà, có địa vị tôn quý, có cả một sự nghiệp Phật học rực rỡ. Còn tôi, những mối quan hệ xung quanh tôi hiện tại đều nhờ lão mà có: chị gái tôi, những người bạn ở Dưỡng Chân trang, Quang Khải, Trần Cụ, những người lính quân Thánh Dực. Thế nhưng tôi lại thiết tha quá với cuộc đời này, mà lão không phải là lý do duy nhất.
Càng lớn, càng trải qua nhiều chuyện, tôi càng nhận ra thế giới của tôi và lão không chỉ có mỗi nhau. Lão hay tôi càng không thể chỉ sống vì đối phương. Song, trong hoàn cảnh thế này, tôi hy vọng biết bao ít nhất lão có thể nghĩ đến tôi mà dù thế nào cũng phải sống sót, phải bình an. Tôi biết lão thương tôi, xót tôi, có thể làm mọi thứ để bảo vệ tôi, nhưng tôi cũng biết mình chẳng thể làm gì để giữ chặt dẫu là đôi chân, hay là sinh mạng lão.
Sau đêm khao quân, lính canh báo lại rằng trông thấy khói hiệu từ phía đông Cổ Mai. Quan gia liền ban chiếu lệnh chuẩn bị tiến về chiếm lại Thăng Long nên không khí chiến đấu càng rộn ràng. Điều đặc biệt duy nhất gợi cho chúng tôi nhớ về việc năm mới sắp sang có lẽ là hương lá xông phảng phất khắp hành cung và hậu viên mà các cung nhân đã cất công chuẩn bị để xua đi mùi áo giáp, binh khí lạnh lẽo. Đi đến đâu cũng ngửi thấy mùi trầm, quế, vỏ bưởi mà ấm cả lòng. Công chúa Thiều còn dặn bọn tôi phải kiêng cữ, chỉ được nói lời hay ý đẹp. Thành thử trong mấy ngày sau đó, tai của bọn giặc được yên ổn hơn đôi chút vì mọi người chỉ nhắc đến năm mới, đến đoàn viên, đến những hy vọng tràn đầy.
Nhìn mọi người hăng hái, vui tươi như thế, khói hiệu từ quân Thánh Dực cho tôi biết lão già vẫn an toàn, lại thêm Nhật Duật thỉnh thoảng đến chơi cùng, tinh thần của tôi cũng được xốc lại phần nào dù đêm đến vẫn khó ngủ tròn giấc. Tôi chợt thấm thía cái ý nghĩa của năm mới mà lão già đã dạy, rằng người ta chỉ cần còn sống và còn một cột mốc trong tinh thần là đủ để bắt đầu lại, tin tưởng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Độc túc tráng sĩ của tôi cùng rất nhiều người lính đã không thể giữ được cả hai điều này. Chốc chốc nhớ đến lời hứa nấu nước lá thơm gội tóc cho cụ Đảm, tôi lại cố gạt đi để khỏi buồn não ruột.
Sau đó một hôm, thái tử đến đúng lúc tôi đang hầu chuyện công chúa Thiều. Ngài hỏi han, dặn dò hồi lâu với em gái của lão già. Đúng lúc tôi toan tìm cớ tránh đi để khỏi phiền họ thì ngài liền hỏi đến:
- Ta nghe Chiêu Minh khen ngợi cô là truyền nhân ưng ý nhất của Hưng Ninh vương. Có việc này tin là không ai thích hợp hơn cô. – Ngài nói.
- Xin thái tử cứ dạy việc, Nhã Phong dù chết cũng không từ. – Tôi khảng khái quỳ xuống đáp, trong lòng khấp khởi mừng thầm.
Hôm qua tôi có tâm sự với Quang Khải việc mình khó ngủ vì lo lắng mãi cho an nguy của lão già, van nài hắn giúp tôi chuyển lời đến Tĩnh Quốc vương rằng nếu ngài có theo quan gia xuất trận thì cho tôi một chân trong quân để có thể nhanh chóng đến gần lão. Tôi đoan chắc hắn sẽ mắng tôi ra trò vì thân lừa ưa nặng, chẳng ngờ hắn trầm ngâm giây lâu rồi nhận lời ngay. Ngạc nhiên hơn, thay vì ngỏ lời với Tĩnh Quốc vương, hắn đã tiến cử tôi cho người có quyền lực chỉ đứng thứ hai hiện giờ của đất nước này. Vai tôi khẽ run vì cố nhịn cười, thỉnh thoảng, tên bằng hữu này lại khiến tôi xúc động đến rơi nước mắt.
- Từ hôm nay đến lúc giặc Thát ra khỏi biên cương... - Thái tử thong thả, tim tôi cũng chậm rãi đập từng tiếng theo tốc độ nói của ngài. – Phiền cô đến ở điện thờ trông coi việc khói hương và tế bái liên tục để cầu cho quân ta chiến thắng.
Trong sự ngỡ ngàng, đầu tôi từ cúi rất thấp đã cắm thẳng xuống sàn đánh cộp một tiếng. Trần Cụ đến từ lúc nào, vội vã đến đỡ tôi đứng dậy, luôn mồm hỏi:
- Cô Nhã Phong có đau không?
Quang Khải cũng vừa bước vào, mặt nhơn nhơn tự đắc như thể vừa lập được đại công. Tôi mặc kệ hắn, nhìn quanh quất tìm thái tử để xin ngài giao nhiệm vụ khác.
- Đừng tìm nữa, thấy ngươi ngoan ngoãn dập đầu nhận mệnh nên anh ấy hài lòng lắm, đi rồi. – Tên Chiêu Minh vương đáng hận cười nửa miệng, trỏ trỏ tay ra cửa.
Tôi vùng ra khỏi tay Trần Cụ, lao đến bóp cổ Quang Khải không thương tiếc, mặc kệ xung quanh có bao nhiêu người, mặc kệ thân phận và lễ nghĩa. Hắn chống trả một cách yếu ớt vì còn mãi cười khùng khục.
- Cô Nhã Phong! Ngài ấy là hoàng tử đấy! – Trần Cụ và mấy người hầu có mặt thảng thốt kêu lên rồi lao đến kéo tôi ra.
- Nhã Phong, bình tĩnh lại! – Công chúa Thiều cũng lo lắng can ngăn.
Đến khi thấm mệt vì giằng co, tôi bước lùi về sau. Mọi người thận trọng buông tôi ra như thể sợ tôi sẽ lại lao vào giết Chiêu Minh vương của họ. Tôi hất hàm, ra lệnh cho Quang Khải giải thích nhanh nếu muốn toàn mạng. Hắn đưa ngón tay lên môi tỏ ý giữ im lặng, đoạn khoát khoát tay ra hiệu cho mọi người lui cả đi. Công chúa Thiều và bọn Trần Cụ ngần ngại mãi mới bước khỏi phòng, không quên vừa đi vừa lo lắng ngoái lại trông.
- Hung hăng phết. – Đợi mọi người đi hết, hắn mới xoa xoa chiếc cổ đã đỏ ửng. – Ngươi được thả ra có khi sẽ cắn chết giặc trong một sớm một chiều, sao bọn họ phải lao tâm khổ tứ làm gì.
- Bọn họ? – Tôi nhếch mép lạnh lùng. – Đừng nghĩ nói như thế thì có thể thoát cái tội ăn nói hai lời, ném đá giấu tay, tham sang phụ khó, được chim bẻ ná được cá quên nôm, gió chiều nào theo chiều ấy...
Tôi nói một hơi khiến Quang Khải bật cười. Hắn ung dung bước đến rót hai chén nước chè, đưa một chén đến trước mặt tôi. Bị tôi liếc trông bằng ánh mắt sắc lẻm, hắn vẫn cười cười, tôi hậm hực cầm lấy chén nước chè nhưng chẳng buồn xơi vì mãi đợi hắn giải thích xem có lọt tai không.
- Đúng là bản vương thấy ngươi kiếm thuật tầm thường, mưu kế tầm phào, không muốn ngươi tự đâm đầu vào chỗ chết. Song, bản vương thực sự đã đi tìm anh Tĩnh Quốc như lời hứa với ngươi.
- Tìm Tĩnh Quốc vương mà người đến đây là thái tử, lại còn "nghe Chiêu Minh nói"...? – Tôi nghiến răng ken két.
- Ta định bàn với anh ấy cách nào để ngăn cản ngươi, không ngờ anh ấy đã có sẵn kế sách rồi.
Quai hàm của tôi đang nghiến chặt chuyển sang đông cứng. Hành vi đó không thể nào là của người đàn ông sống thu mình, khiêm cung, nhẫn nhịn hơn hai mươi năm. Chỉ có thể là...
- Lúc mấy anh em gặp nhau, Hưng Ninh vương đã nhờ ngài ấy trông chừng nếu gặp ta có phải không? – Tôi lạnh lùng.
Quang Khải vỗ tay từng tiếng, trầm trồ:
- Hung hãn thế kia, đầu óc nhanh nhạy thế này, lão già của ngươi không cho ngươi ra trận quả là đáng tiếc!
Tôi nắm chặt chén nước chè trong tay đến phát run, mặc kệ tên bạn chí cốt vẫn lải nhải bên tai:
- Bản vương làm ơn mà mắc oán. Giờ ngươi đã thấy mình sai chưa, còn không mau quỳ xuống tạ tội với đức ông đây...
Cái chén bị đấm mạnh xuống bàn thành một tiếng "rầm" rất lớn. Lửa giận trong lòng tôi càng quạt càng cháy lớn, cuối cùng, tôi ngửa mặt lên trời, hét:
- Trần Tung, người giỏi lắm!
***
Phía tây hành cung, vùng đất cao nhất một mặt giáp núi có xây một Phật điện rất trang nghiêm. Thường ngày, nơi này được coi sóc bởi mấy vị tỳ kheo và những cung nhân mộ đạo. Tôi dẫn theo Trần Cụ đến bày biện lại đôi chút, soạn lễ cúng dường để cầu phúc cho dân và cho chiến thắng của quân ta theo lệnh thái tử. Hoàng tộc họ Trần nhiều người hướng Phật, song tôi vẫn được họ tín nhiệm, phần vì uy tín của lão già, phần vì tôi có thể đối đáp Phật lý trơn tru hàng canh giờ với bất kỳ ai trong số họ nhờ nhiều năm liền chép kinh chịu phạt.
- Biết ngay là ngươi lười nhác trốn việc, bỏ lại mọi thứ cho gã thương binh Trần Cụ. – Quang Khải ngồi xổm trước mặt tôi, giễu nhại.
- Chốn này linh thiêng, xin Chiêu Minh vương chớ có lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử mà đắc tội với Phật Trời. – Tôi đáp, không buồn ngẩng mặt lên.
- Ta vừa đến đã thấy tên sư đệ khốn khổ của ngươi một tay sửa sang hoa đèn, lại đứng một bên hầu, chừng khách đã khấn xong lại cung kính bước đến xin hương rồi tự tay cắm vào đỉnh. Nơi này đâu có thiếu người để một kẻ vết thương còn chưa kéo da non như hắn đi làm việc ấy? – Quang Khải có vẻ như rất tức giận, rất chính nghĩa. – Dẫu gì thì ngươi cũng do bản vương tiến cử, đừng làm mất mặt ta.
- Uổng cho ngươi đã bỏ thì giờ đàm đạo với sư đệ của ta bấy lâu nay.
- Nói thế là ý gì? – Quang Khải hỏi.
- Ngươi thấy Trần Cụ chật vật đi lại dâng hương, thế đã bước đến mà nhìn số hương cắm trong đỉnh chưa?
Tên bằng hữu của tôi chậm chạp lắc đầu. Tôi cười khẩy, vừa nói vừa vung tay phụ hoạ:
- Mỗi cây đều cắm thẳng đứng, cách đều tăm tắp, đến cả phần hương cháy tàn cũng cong đều như nhau không dài không ngắn. Ông đây tự thẹn không có bản lĩnh ấy, chen vào chỉ tổ khiến lễ cúng mất cả thành tâm. Ngươi có giỏi thì đi mà giúp một tay.
Trong lúc Quang Khải còn ngơ ngác, tôi nói tiếp:
- Hắn đã có cả pháp danh rồi, chỉ đợi ngày xuất gia thôi?
- Gọi là gì?
- Thích. Đối. Xứng.
Quang Khải như chợt tỉnh, phá lên cười. Tôi vẫn nhếch mép khinh khỉnh, tiếp tục việc đang làm dở. Một lúc sau, tôi chợt nhớ ra điều mình vẫn đợi hắn đến để báo cho mà biết:
- Trầm và hương dùng cho hoàng tộc là của nơi nào thế?
- Sao hôm nay ngươi quan tâm đến việc này?
- Ta ngờ rằng đó không phải là hàng tốt. – Tôi nhỏ giọng, đưa tay áo đến gần mũi hắn. – Ngươi ngửi thử xem, mùi hương hoàn toàn khác với hương trầm bám trên người lão già nhà ta. Mùi hương lão dùng dễ chịu và bình yên hơn nhiều.
Lần này đến lượt Quang Khải nhếch mép cười đầy vẻ xem thường. Tôi không hiểu lý do đằng sau nụ cười của hắn, song lại nghĩ biết đâu truy cùng đuổi tận sẽ vô tình gây hoạ cho những kẻ liên quan, đành tự nhủ mình phải từ bi mà nói sang việc khác.
- Ta nghe nói ngày mai sẽ xuất binh, Chiêu Minh vương rỗi việc lắm sao mà đến đây chọc phá ta?
- Quên mất, ta đến cùng thái tử, anh ấy tìm ngươi có việc. – Quang Khải chỉ chỉ tay về phía chính điện.
Tôi đứng phắt dậy, ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài, mồm vẫn không quên trách móc:
- Lần sau ngươi đợi mộ ta xanh cỏ rồi hãy báo.
Khi tôi ra đến sân trước, công chúa nhà tôi đã thay tôi hầu chuyện thái tử tự bao giờ. Tôi ngoảnh ra sau nhìn, Quang Khải nhún nhún vai rất vô tội như để giải thích cho thái độ cà kê ban nãy. Nhác thấy tôi, thái tử liền vẫy tay gọi đến.
- Quả nhiên việc này chỉ có thể giao cho cô. – Ngài mỉm cười hiền từ, khen ngợi.
- Bẩm, chẳng qua Nhã Phong đã quen việc lúc còn ở Dưỡng Chân trang, cũng nhờ tiên sinh nhà tôi dạy bảo đến nơi đến chốn. – Tôi cúi mặt, khiêm tốn đáp.
- Ta nghe kể lại lúc ở bộ đầu Triều Đông, Hưng Ninh vương đã dùng sự nhiệm màu của Phật pháp khiến cho bọn giặc thất kinh. – Thái tử nói, mắt hướng về ban thờ được Trần Cụ bày biện rất tươm tất với những đĩa hoa có sắc có hương vô cùng tao nhã. – Ta tin cô cũng hiểu lễ cúng hôm nay và ngày mai không đơn giản chỉ để nhờ thần linh phù hộ...
- Xin thái tử cứ dạy việc. – Tôi lễ phép thưa.
- Trước lúc ra quân, ta cũng muốn học theo cách của tiên sinh nhà cô, mượn sự linh thiêng làm nức lòng tướng sĩ. – Ngài cười. – Tin rằng việc này với cô dễ như trở bàn tay.
- Thái tử chê cười rồi, quá lời rồi! – Tôi vẫn cúi mặt nên không cần giấu nụ cười đắc chí. – Thỉnh ngài dời bước đến sau Phật điện sẽ thấy huyền cơ.
Tôi đi trước dẫn đường, ngang qua Quang Khải, không quên nháy mắt với hắn. Khi thái tử đến, sân sau đã đầy những đồng tiền có hai mặt giống hệt nhau, phản chiếu ráng chiều lấp lánh.
***
Buổi sáng ngày xuất quân, trời xanh trong biêng biếc, gió lồng lộng và nắng vàng như rót mật. Bên bến sông ngày thường trầm mặc, đoàn lâu thuyền sừng sững nối đuôi nhau về tận cuối trời, chim hót rộn ràng như nhạc khúc, quân kỳ đủ sắc màu bay phần phật tựa muốn góp lời ca.
Toàn thể hoàng tộc và các tướng lĩnh có chức vụ cao nhất lần lượt tề tựu trước tế đàn đặt ngoài trời, ngay trước điện thờ, xôn xao bàn tán. Trên vách đá cao, những đường nét mô tả hình dáng đấng Thế Tôn sừng sững hiện ra trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Mới tối hôm qua, vách đá này còn bị che khuất bởi một tàn cây. Tôi không rõ thái tử đã cho người âm thầm chuẩn bị việc này từ lúc đến hành cung, hay đây là tác phẩm của quan gia từ rất lâu về trước, ngay lúc bắt đầu xây dựng phật điện ở vị trí này. Chỉ biết, giữa đêm qua, tôi đã giật mình tỉnh giấc vì tiếng động khá lớn khi cả gốc cây bị nhổ bật lên.
- Đây là điềm lành! – Có người lên tiếng.
- Chúng ta chiến đấu vì chính nghĩa! Phật tổ cũng đứng về phía ta rồi! – Ai đó reo lên, rồi mọi người đồng loạt reo lên.
- Tất thắng! Tất thắng!
Đứng bên trong nhìn ra, quan gia và thái tử hài lòng nở nụ cười. Tôi, Quang Khải và Trần Cụ cũng mỉm cười thích thú. Bỗng có kẻ hầu đến tâu rất khẽ:
- Công chúa nhờ người chuyển đến cho quan gia và ngự sử trung tướng, chúc hai vị sớm khải hoàn ạ.
Ngự sử trung tướng đứng ngay cạnh hoàng đế, hai người lặng lẽ nhìn nhau rồi nhìn xuống hộp gỗ nhỏ đang mở trên tay: hai tua vải buộc chuôi gươm giống hệt nhau màu đỏ rực được kết rất công phu. Quan gia đưa một cái cho ngự sử trung tướng, ánh mắt thoáng xa xăm rồi ngay lập tức trở lại sáng rực, nhìn về phía ba quân vẫn đang sôi nổi vì điềm lành được thần linh bảo hộ.
- "Công chúa" nào ngươi có biết không? – Tôi khẽ hỏi Quang Khải.
- Công chúa tiền triều. – Hắn thấp giọng đáp. – Ta nghe kể thuở nhỏ, ba người họ từng rất thân thiết, hiểu ý nhau. Bà ấy cũng đang ở Hoàng giang.
Hắn đang nói đến công chúa Chiêu Thánh triều Lý, em gái của công chúa Thuận Thiên, người đã từng là nữ đế tiền triều rồi bị buộc phải nhường ngôi, mang triều đình đổi họ cho chồng, trở thành hoàng hậu rồi thành phế hậu. Những năm qua, nghe nói bà ấy đã đi tu ở một ngôi chùa gần kinh thành. Lẽ nào là Phật pháp nhiệm màu, xoá được những oán hận trong lòng bà ấy để hôm nay bà có thể đường hoàng đưa lễ vật cho người chồng đã vô tình hay cố ý ruồng bỏ mình, cướp lấy vương vị của mình, phá vỡ gia đình của chị mình?
Mãi nghĩ về những việc này, tôi không nhận ra công chúa Thiều nhà tôi đã kéo thái tử sang góc ít người trông thấy, thèn thẹn trao tín vật gì đấy. Nhìn một vòng quanh sân, ai nấy đều có người thân lưu luyến tiễn đưa hoặc nhiệt tình động viên, chỉ có Tĩnh Quốc vương lặng lẽ đứng một góc, theo sau là hai người tì thiếp cũng nhút nhát cúi đầu. Tôi thấy chạnh lòng rồi chợt nhớ ra, bảo Quang Khải:
- Ta về phòng lấy một vật, nếu thái tử có hỏi thì ngươi nói giúp là ta sẽ quay lại ngay.
Tôi sải bước về phòng mình, lục tìm chiếc khăn có thêu hình đoá mộc lan. Đoạn, nghĩ rằng tặng khăn sẽ khiến người khác hiểu lầm, tôi vớ ngay mấy chiếc bánh bày trên đĩa, dùng khăn gói lại, vội vội vàng vàng quay trở lại chỗ tế đàn.
Bước chậm vài nhịp để điều hoà hơi thở, tôi nhân lúc không ai để ý, tiến lại gần Tĩnh Quốc vương:
- Nhã Phong có làm ít bánh quê, ngài mang theo đi đường cho khỏi buồn miệng.
Tĩnh Quốc vương còn đang chưa hiểu chuyện gì, tôi đã nhanh chóng lật phần có hình đoá hoa lên cho vương thấy, nói liền:
- Mong ngài bình an, thắng trận trở về.
Cũng may, ngài ấy hiểu ý tôi muốn thay mẹ ngài động viên con nên chỉ thoáng xúc động rồi mỉm cười thật buồn:
- Cảm ơn cô.
Xung quanh, tướng sĩ bắt đầu khua giáo gươm reo hò inh ỏi, tôi nhanh chóng len vào đám người để đến gần tế đàn, trở lại chỗ đứng cạnh Quang Khải.
- Cứ tưởng ngươi lẻn đi đánh ngất một binh sĩ để cướp áo giáp của người ta rồi.
- Ông đây mà muốn thì cứ đường đường chính chính vào quân. – Tôi cười nhạt. – Nhưng ta nhận ra việc mình có thể làm hay ho hơn nhiều so với múa giáo vung gươm.
Chúng tôi không nói gì thêm vì bốn bề đã lặng yên, chỉ còn tiếng gió và tiếng chim rộn rã. Trên đài cao, quan gia, thái tử và thái sư đã đứng ở nơi trang trọng nhất.
[1] Trích bài thơ Chiếu thân của Tuệ Trung Thượng sĩ:
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]