Vào đầu giờ chiều, Sayuri và Gregor đến, theo sau là Connie, mới vừa hết ca. Bác sĩ Edwards không bao giờ làm việc vào Giáng sinh, còn Maddy và Beth đều đã xin nghỉ để dành thời gian cho gia đình. Khi thấy không còn ai đến nữa, Marianne Engel lôi túi quà ra khỏi góc phòng và chúng tôi bắt đầu trao quà cho nhau. Mấy cô y tá đã mua cho tôi vài cuốn sách về các chủ đề hiện đang cuốn hút tôi, ví dụ như kiến trúc nội thất của các tu viện Đức thời Trung cổ cùng những tác phẩm của Heinrich Seuse và Meister Eckhart. "Mua quà cho anh chẳng dễ chút nào. Tôi đã phải đi ba hiệu sách khác nhau đấy," Connie nói. Ngay khi nhận ra điều này có vẻ nghe giống một lời phàn nàn, cô vội thêm vào, "Không phải tôi khó chịu gì đâu, thật đấy!" Gregor tặng tôi một bộ dụng cụ văn phòng phẩm, vì tôi đã tiết lộ với ông ta mấy tuần gần đây mình đang viết lách, còn Sayuri tặng tôi mấy que kem vị oải hương mà tôi đã rất vui sướng đem ra chia cho tất cả mọi người. Marianne Engel có vẻ thích món quà này nhất và thấy rất buồn cười khi kem làm lưỡi cô tím ngắt. Tôi tặng mấy cô y tá những chiếc đĩa nhạc của các ca sĩ họ yêu thích. Món này có vẻ không cá tính cho lắm, nhưng tôi thật sự không biết cuộc sống ngoài bệnh viện của họ như thế nào. Về phần Sayuri, tôi trao cho cô món quà tôi đã nhờ Gregor chọn hộ: một đôi vé đi xem lễ hội phim của Akira Kurosawa sắp tới. "Tôi đã nảy ra ý tưởng này khi bác sĩ Hnatiuk kể tôi nghe. Ông ấy thích Kurosawa, cô biết đấy." Marianne Engel nhìn tôi, nhướng mày tỏ ý buộc tội vì tôi chẳng tinh tế gì cả. Tiếp theo là món quà của tôi cho Gregor, được Sayuri chọn: phiếu giảm giá bữa tối cho hai người tại một nhà hàng Nga với cái tên cực kỳ nhạt nhẽo là Rasputin. Tôi hỏi Sayuri rằng cô đã ăn thức ăn đúng kiểu Nga bao giờ chưa, và cô bảo là chưa. Tới lượt tôi nhướng mày nhìn về phía Gregor. Khi họ cám ơn tôi về những món quà, tôi càu nhàu rằng "Giáng sinh sẽ chẳng là Giáng sinh nếu thiếu đi những món quà ấy." Không ai có vẻ hiểu tôi đang nói về cái gì, chỉ để chứng minh rằng sẽ có thêm nhiều người cần đọc sách của Louisa May Alcott. Tiếp, đến lượt Marianne Engel tặng quà. Các cô y tá được tặng thẻ spa, Connie nhét ngay thẻ vào chỗ đĩa CD. Sayuri được tặng một ngôi chùa Phật bằng thủy tinh nâu tinh xảo trong khi Gregor được tặng một cặp chân nến làm bằng sắt uốn. Họ đều rất ấn tượng về chất lượng của những món đồ thủ công này, và Marianne Engel khoe rằng những món quà đó đều là tác phẩm của hai người bạn cô. Về phần Marianne Engel và tôi, chúng tôi đều quyết định sẽ trao quà cho nhau sau đó, một cách bí mật. Và có lẽ tôi là người duy nhất để ý thấy, nhưng có vẻ như Sayuri và Gregor cũng có một ước định tương tự. Một lát sau, Gregor nói, "Chúng ta đã sẵn sàng đi tiếp chưa nhỉ?" Tất cả mọi người nhìn Marianne Engel, cô gật đầu. Giáng sinh thực sự là mùa của những điều kỳ diệu, khi cán bộ y tế lại trông chờ vào sự hướng dẫn của một người tâm thần phân liệt. Sayuri đặt tôi ngồi vào xe lăn còn Gregor đẩy tôi đi dọc hành lang, và khi tôi hỏi rằng chúng tôi đang đi đâu, chẳng ai chịu trả lời thẳng cả. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng chúng tôi đang hướng tới quán cà phê. Có lẽ ở đó có vài dịch vụ Giáng sinh, một ông già Noel làm thuê hoặc vài người tình nguyện hát thánh ca, mặc dù việc chưa từng nghe gì về những thứ đó làm tôi thấy hơi kỳ quái. Sau hàng tháng trời ru rú trong bệnh viện, giờ tôi chú ý tới từng sự việc nhỏ nhất. Khi những cánh cửa của quán cà phê trượt ra, tôi choáng ngợp bởi mùi vị của tất cả những món ăn trên thế giới. Bên bức tường xa xa, một nhóm phục vụ tình nguyện đang bận dọn một dãy bàn ngồn ngộn thức ăn. Ba mươi hay bốn mươi người đang đi lại quanh phòng, dưới những dải biểu ngữ đỏ treo lơ lửng trên trần, và vài người trong số họ ra hiệu về phía chúng tôi. Lúc đầu, tôi tưởng họ đều đang chỉ về tôi nhưng khi những tình nguyện viên vẫy tay với Marianne Engel, tôi nhận ra rằng cô mới là trung tâm chú ý, chứ không phải tôi. Các bệnh nhân bắt đầu thong thả đi về phía chúng tôi; một người đàn ông ho sù sụ, một phụ nữ tóc xoăn với hai cánh tay băng bó, một cậu bé dễ thương có một chân tập tễnh. Phía cuối phái đoàn là một cô nhóc đầu trọc, tay cầm chùm bóng bay, thêm cả một đoàn người nhà theo sau cổ vũ. Tất cả mọi người đều cám ơn Marianne Engel vì những gì cô đã làm; lúc này thì tôi vẫn chưa biết đó là việc gì. Sau khi Gregor đẩy tôi ra phía mấy bàn thực phẩm và giúp tôi ra khỏi xe lăn, ông ta giải thích rằng cô đã chủ trì kiêm chủ chi cả bữa tiệc. Việc này, xét theo sự thiếu thận trọng thường ngày của cô, không phải nhiệm vụ nhỏ nhặt gì. Thậm chí cả khi đã thấy những bữa ăn ngoại cỡ mà cô mang vào phòng tôi, tôi cũng hầu như không thể đoán được sẽ còn những gì nữa. Gà tây, thịt lợn hun khói, ngỗng nướng, gà, bánh bao nhân thịt, cà ri dê, lợn rừng, thịt hươu, thịt băm, cá chép (cá chép á? ai ăn cá chép?),cá tuyết đại dương, cá ê fin, cá tuyết hầm, sò, thịt nguội, một tá đủ loại xúc xích, trứng rán, xúp đuôi bò, cháo thịt, cháo hành, nhiều pho mát hơn cả chỗ sữa bạn vắt được từ vú bò, đậu phộng, đậu đỏ, hành, dưa chuột muối, củ cải Thụy Điển, cà rốt, khoai tây, khoai lang, khoai lang ngọt hơn, khoai lang ngọt nhất, bắp cải, cà rốt, củ cải vàng, bí, bí đỏ, cơm gạo basmati, cơm gạo trắng, cơm gạo lứt, cơm gạo hoang, cơm gạo trồng, món khai vị kiểu Ý, thịt nhồi, bánh mì trộn, bánh vòng, bánh sữa, bánh pho mát, salad xanh, salad Caesar, salad đậu, salad trộn mì ống, salad trộn thạch, salad rắc kem và táo, mì spaghetti, mì fettuccini, mì macaroni, mì rigatoni, mì cannelloni, mì tortellini, mì guglielmo marconi (chỉ để kiểm tra xem bạn có đang đọc không ấy mà(23)),chuối, táo, cam, dứa, dâu, việt quất, hạt trộn, bánh thịt băm, bánh pudding Giáng sinh, bánh mì Giáng sinh, bánh quy sữa dừa, bánh hồ đào, sô cô la, sô cô la khúc cây, sô cô la hình con ếch, đậu đa vị Betty Bott, kẹo mềm, đường, gia vị, tất cả mọi thứ ngon miệng, bánh lễ Hiển linh, bánh hoa quả, bánh gừng hình người, bánh Giáng sinh kiểu Ý Torte Vigilia di Natale, những món ngon lành cành đào, rượu nam việt quất, rượu trứng, sữa, nước nho, nước táo, nước cam, đồ uống không cồn, cà phê, trà, bạn-nói-nước-cá-chùa tôi-nói-nước-cà-chua, nước khoáng đóng chai. Tất cả mọi người trong bệnh viện hẳn đã chất đầy đĩa của họ một, hai, ba lần rồi, và Marianne Engel quyến rũ mỗi vị khách bằng vẻ duyên dáng và lập dị của mình. Chẳng hại gì khi cô khoác lên người bộ đồ yêu tinh và trông cực kỳ dễ thương. Nhạc nổi lên, mọi người vui vẻ nói chuyện với nhau, tất cả đắm chìm trong không khí lễ hội. Những bệnh nhân bình thường chẳng bao giờ thèm gặp nhau giờ đang bù khú chuyện trò, có lẽ là đang so đo bệnh tật. Tiếng ho bị nhòa đi bởi tiếng cười, và những tiếng reo thích thú của lũ trẻ, mỗi em đều được nhận một món quà dưới gốc cây thông Noel bằng nhựa. Hiển nhiên Marianne Engel không được phép mang cây thông thật vào nhưng một cây thông giả đã quá đủ rồi. Nếu hoa có thể giết người, cứ tưởng tượng xem một cây họ tùng bách có thể làm gì. Trong buổi chiều ấy, tôi đã trở thành ngôi sao của bệnh viện khi người ta xì xào bàn tán rằng bạn tôi là người tổ chức tất cả mọi thứ. Một người đàn ông đi đến nói chuyện với tôi, nở nụ cười rạng rỡ đến nỗi tôi bị sốc khi nghe ông nói rằng người vợ suốt sáu mươi năm chung sống của mình vừa mới qua đời. Khi tôi nói rất tiếc khi biết chuyện đó, ông lắc đầu và đập mạnh tay lên vai tôi. "Đừng uổng công thương cảm tôi, cậu nhóc. Tôi cũng khá ổn rồi, tôi nói cậu nghe điều này nhé. Cậu vớ được một người phụ nữ như thế thì đừng hỏi xem mình đã làm gì để xứng đáng với điều đó. Hãy chỉ hy vọng rằng cô ấy sẽ không tự nhiên tỉnh trí lại mà thay đổi ý định thôi." Trong suốt bữa tiệc, một cảm giác thanh thản lạ lùng trào dâng trong tôi. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên, Marianne Engel đã thể hiện một thứ tình cảm cuồng nhiệt mê muội với tôi đến nỗi tôi nghĩ rằng nó sẽ biến mất đột ngột như khi đến vậy. Mọi mối quan hệ cuối cùng rồi cũng đổ vỡ, lẽ tự nhiên là thế. Chúng ta chẳng thấy gương tày liếp hàng ngàn lần rồi còn gì, thậm chí cả với những cặp chắc chắn "sẽ cùng nhau vượt qua tất cả." Tôi từng biết một người phụ nữ cứ thích tưởng tượng ra Tình yêu trong lốt một con chó to khỏe, một con chó sẽ luôn chạy theo bắt cái que mỗi khi nó được ném đi rồi trở về vẫy tai đầy sung sướng. Trung thành tuyệt đối, hoàn toàn vô điều kiện. Và tôi đã cười vào mặt cô, thậm chí cả tôi cũng biết tình yêu không phải như thế. Tình yêu là một thứ gì đó rất mỏng manh luôn cần được nâng niu bảo vệ. Tình yêu không mạnh mẽ và tình yêu cũng không cứng cỏi. Tình yêu có thể vỡ nát chỉ bởi vài từ ngữ nặng nề, hoặc bị ném đi không thương tiếc bởi những hành động bất cẩn. Tình yêu không giống một con chó trung thành chút nào; tình yêu giống một con vượn cáo chuột hơn. Phải, đó chính xác là tình yêu: một loại động vật có vú nhỏ bé, dễ bị kích động với đôi mắt luôn mở to sợ hãi. Đối với những người không hình dung nổi một con vượn cáo chuột, hãy thử tưởng tượng ra hình ảnh thu nhỏ của danh hài Don Knotts hoặc Steve Buscemi đang mặc áo lông thú. Tưởng tượng ra một con vật dễ thương hết mức sau khi bị bóp mạnh đến nỗi tất cả ruột gan đều dồn lên trên cái đầu ngoại cỡ và mắt thì lòi hết cả ra. Con vượn cáo trông yếu ớt đến nỗi bạn không thể không lo ngại rằng một con dã thú có thể bất thình lình xông tới vồ nó đi mất. Tình yêu của Marianne Engel dành cho tôi dường như được xây dựng dựa trên một nền tảng mong manh đến nỗi tôi nghĩ nó sẽ sụp đổ ngay giây phút chúng tôi bước qua cánh cửa bệnh viện. Làm sao tình yêu dựa trên một quá khứ giả tưởng có thể tồn tại trong tương lai thực chứ? Không thể nào. Thứ tình yêu đó đáng bị vồ lấy và nghiền nát trong bộ hàm của cuộc sống thực tại. Đó là nỗi sợ của tôi, nhưng ngày Giáng sinh đã chỉ ra cho tôi thấy rằng tình yêu của Marianne Engle không hề yếu đuối. Nó mạnh mẽ, vững chãi và vĩ đại. Tôi tưởng nó chỉ có thể lấp đầy căn phòng trong khoa điều trị bỏng của tôi, nhưng nó đã bao trùm cả bệnh viện. Quan trọng hơn, tình yêu của cô không chỉ dành riêng cho tôi; nó được hào phóng chia sẻ với cả người lạ - những người cô không nghĩ là bạn từ thế kỷ mười bốn của mình. Cả cuộc đời tôi đã phải nghe biết bao câu chuyện dớ dẩn về tình yêu: rằng anh càng cho nhiều, anh càng nhận được lắm. Điều này đối với tôi không hơn một sự vi phạm các nguyên tắc toán học cơ bản. Nhưng nhìn Marianne Engel phóng khoáng chia sẻ tình yêu của cô đã làm thức tỉnh trong tôi những cảm xúc lãng mạn kỳ cục nhất: sự đối lập của ghen tuông. Tôi thấy ấm lòng khi nhận ra tình yêu là bản chất tự nhiên của tâm hồn cô chứ không phải một phút lầm lạc do ảo tưởng. Tình yêu của cô không phải con vượn cáo chuột, một loài động vật được đặt tên như thế vì những nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khi đến Madagascar đã thấy những đôi mắt to sáng lấp lánh ló ra từ rừng rậm khi họ đang ngồi quanh đống lửa trại. Tin rằng những đôi mắt đó thuộc về linh hồn những người đồng hành đã khuất, họ đặt cho loài động vật cái tên Latin "lemur," nghĩa là "linh hồn của người chết." Khi cái đùi gà tây cuối cùng đã yên vị trong dạ dày thực khách, Marianne Engel cảm ơn và trao cho những người phục vụ những chiếc phong bì có ghi "chỉ là chút tiền công cho việc làm thêm ngày lễ." Vừa đẩy tôi về phòng, cô vừa nói rằng đây là lễ Giáng sinh tuyệt vời nhất của cô. Tôi bảo cô đó đúng là một lời tuyên bố ra trò, nếu cho là cô đã trải qua tới bảy trăm lễ Giáng sinh thật. Sau khi giúp tôi lên giường, Marianne Engel ngồi phịch xuống đầy thỏa mãn. Tôi nói rằng bữa tiệc đã tốn của cô một khoản kha khá; cô phẩy tay phản đối và lôi chiếc va li bạc từ dưới gầm giường của tôi lên. "Mở ra đi." Chiếc va li chật cứng những cọc tiền năm mươi và một trăm đô la. Trong quãng đời đóng phim khiêu dâm và nghiện ngập, tôi thỉnh thoảng cũng thấy những túi đầy tiền, nhưng chẳng cái nào giống thế này cả. Tôi nhẩm tính trong đầu, cố gắng ước lượng. Rất khó khăn trong việc tính toán - tôi vẫn còn đang quá sửng sốt vì sự tồn tại của chỗ tiền đó - thế là Marianne Engel liền giải vây giùm tôi. "Hai trăm nghìn đô la." Hai trăm nghìn đô la. Cô để cái va li cả ngày dưới gầm giường. Bất cứ ai cũng có thể xách đi. Tôi bảo cô là đồ ngốc; cô cười đáp rằng thậm chí cả thánh cũng có lúc sai lầm. Và thực sự thì, cô hỏi, ai có thể lục tìm một va li tiền dưới gầm giường trong ngày lễ Giáng sinh chứ? "Anh nghĩ tôi không cưu mang nổi anh," cô nói cứ như thể cô chẳng thể sai về điều đó được. Cô không sai thật. Khi tôi gật đầu, cô liền thêm, "Tôi sẵn sàng nhận quà của mình rồi đây." Trong suốt mấy tuần qua tôi đã cố nặn ra hàng tá phiên bản khác nhau cho cùng một bài phát biểu ngắn ngủn, như một cậu học sinh trung học đang bàn mưu tính kế mời cô bạn gái của mình tới buổi vũ hội, nhưng khi phút giây trọng đại đến, tôi chỉ cảm thấy bất an. Rụt rè. Xấu hổ. Tôi muốn tỏ ra thật khéo léo, nhưng y như cậu học sinh trung học đó, tôi cứ câm như hến. Quá muộn để trốn chạy, và tôi biết rằng món quà của mình - có ba thứ - là quá riêng tư. Quá ngu ngốc. Hàng giờ lao động của tôi đã thành vô ích: ảo tưởng kiêu hãnh nào đã thuyết phục tôi chuẩn bị những món quà ấy chứ? Cô sẽ nghĩ chúng thật trẻ con; cô sẽ nghĩ tôi quá sấn sổ, hoặc còn e dè. Tôi mong sét sẽ đánh xuống phòng tôi, xuyên qua chiếc tủ đầu giường nơi những món quà nhỏ ngốc nghếch của tôi được giấu trong ngăn kéo. Tôi đã viết ba bài thơ cho cô. Con rắn ký sinh trong xương sống cười chế nhạo những nỗ lực quá ngạo mạn của tôi. Cả cuộc đời, tôi đã từng làm thơ, nhưng tôi chưa bao giờ cho ai xem. Tôi giấu những gì mình viết, và giấu cả bản thân trong những trang viết mà tôi đã giấu - chỉ một con người không đủ sức đối diện với thế giới thực mới tạo ra một thế giới ảo để trốn tránh. Thỉnh thoảng khi tôi nhận ra mình không thể thôi viết lách dù rất muốn, cơn rùng mình chạy dọc sống lưng tôi, như thể có một người đàn ông khác đang đứng quá gần mình ở nhà vệ sinh công cộng vậy. Thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy có gì đó cực kỳ thiếu nam tính trong việc viết lách, và thơ ca là thứ tồi tệ nhất. Khi bị chìm đắm trong những ảo giác do cocaine tạo ra, tôi luôn đốt hết những tập thơ của mình và nhìn những trang giấy cháy rụi hết tập này đến tập khác, nhìn ngọn lửa khạc tàn tro xám xịt vào không trung. Khi những con chữ đã thành tro than của tôi cuộn lên Thiên đường, tôi cảm thấy rất hài lòng vì biết rằng nội tâm mình lại được an toàn: đội ngũ các nhà khoa học pháp y giỏi nhất của FBI cũng không thể ráp nối những cảm xúc của tôi lại nữa. Vẻ đẹp của việc giữ cảm xúc thật nhất của mình trong những trang viết nằm ở chỗ tôi có thể đốt nó đi ngay lúc nào mình muốn. Tán tỉnh để đưa một phụ nữ lên giường là một chuyện an toàn, vì những lời nói của tôi sẽ biến mất cùng lúc với hơi thở thoát ra; viết một bài thơ tặng một người phụ nữ là chế cho cô ấy thứ vũ khí mà sau này cô sẽ dùng để tấn công mình. Đem tặng những bài viết của mình có nghĩa là nó sẽ được phơi bày mãi mãi trước cả vũ trụ, sẵn sàng quay lại trả thù mình bất cứ lúc nào. Vì thế tôi đã gạt nó ra khỏi đầu. Hôm nay là Giáng sinh, tôi đang bị kẹt trong chiếc giường xương, tôi nợ Marianne Engel một món quà, và tôi không có món quà thay thế nào cả. Tôi chỉ có những nét nguệch ngoạc trẻ con làm bẩn cả sự trong sáng của tờ giấy trắng mà thôi. Từ ngữ của tôi là những chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại trước khi người ta phát hiện ra hòn đá Rosetta, từ ngữ của tôi là những anh lính bị thương tập tễnh trở về nhà, không còn chút đạn dược, từ một trận chiến thất bại; từ ngữ của tôi là những con cá hấp hối, quẫy đạp điên cuồng khi cái lưới được đổ ra và cá chất trên boong tàu như một ngọn núi trơn nhẫy cố vươn thành thảo nguyên. Từ ngữ của tôi trước đây, và bây giờ, không xứng đáng được đem tặng cho Marianne Engel. Nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác, thế là tôi với tay ra chỗ ngăn kéo và - ĐỒ THUA CUỘC - dồn hết lòng can đảm giả tạo yếu ớt của mình. Tôi lôi ba tờ giấy ra, nhắm tịt mắt lại, và chìa mấy bài thơ về phía Marianne Engel, mong chúng đừng mủn ra trên tay tôi. "Đọc cho tôi nghe đi," cô nói. Tôi bảo rằng mình không thể. Đây là những bài thơ, và giọng tôi là sản phẩm của một cuộc thương lượng thất bại thảm hại nơi ngã tư đường(24). Một con chó Địa ngục dữ tợn đã xé toác cổ họng tôi và để lại phía sau một chiếc ghi ta vỡ vụn với những dây đàn hoen gỉ. Giọng của tôi đã - đang - cực kỳ không phù hợp cho thơ với ca rồi. "Đọc cho tôi nghe đi,". Giờ đã rất nhiều năm trôi qua. Bạn đang cầm cuốn sách này trong tay, vì thế hiển nhiên tôi đã vượt qua được nỗi sợ không dám cho người khác đọc những gì mình viết ra. Nhưng ba bài thơ tôi viết cho Marianne Engel vào ngày Giáng sinh đó sẽ không được ghi lại trong câu chuyện này. Bạn đã có đủ bằng chứng buộc tội tôi rồi. Khi tôi đọc xong, cô trườn lên giường. "Thật là tuyệt vời. Rất cám ơn anh. Giờ tôi sẽ kể anh nghe chúng ta đã gặp nhau như thế nào nhé." Chú thích (23) Guglielmo Marconi là tên một nhà vật lý nổi tiếng người Ý. (24)Truyền thuyết Hy Lạp kể rằng vào đêm trăng sáng, nếu bạn mang đàn ghi ta ra ngã tư đường, vừa đánh vừa cầu mong ác quỷ đến thì ác quỷ sẽ xuất hiện thật và cho bạn khả năng chơi được bất cứ loại nhạc cụ nào, làm được bất cứ việc gì trên thế giới này. Nhưng để đổi lại, bạn phải trao linh hồn vĩnh hằng của mình cho nó.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]