Chương trước
Chương sau
Tôi vừa để vali hành lý xuống còn chưa kịp tháo áo khoát ra thì nghe tiếng gõ cửa bên ngoài, từ phòng khách nhìn ra ở trước cổng là cậu nhóc Minh Đình gần bên. Cậu nhóc còn mặc bộ đồ thể thao đen sọc đỏ, phần tóc phía trước bếch dính lại vào trán nhìn cái điệu bộ này chắc chắn là mới vác xác từ sân bóng về.

Trông thấy tôi từ trong nhà đi ra thì cái đôi mắt to đen lánh mang vẻ tò mò kia chuyển thành mừng rỡ, cao giọng nói:

- Chị Hy Nguyệt về nhà à, em thấy đèn trong nhà sáng mà cô chú đi Hà Nội từ bữa nên mới gõ cửa thử. Ui, chị về kịp lúc huyện mình tổ chức giải đá bóng, chị nhớ đi cổ vũ nhé, có mặt chị bọn em được nở mày nở mặt rồi.

Nhìn cậu nhóc đã mười bảy tuổi đang hí ha hí hửng nói một tràng dài nhìn thế nào cũng có chút "ngu", tôi mỉm cười đáp lời:

- Được rồi, nhỏ giọng lại không ăn dép bây giờ, cũng tối rồi mau về tắm đi ông thần. Mai qua nhà đón chị đi cùng là được.

Lần này cậu nhóc đã ý thức được trời đã tối muộn, còn nói với cái giọng thiếu điều đem loa tới rao cho cả xóm nghe được là ăn chửi ngay nên nhỏ giọng lại:

- Chắc nhé, mai tầm trước 7 giờ em qua, chị đừng có mà "nướng" đến tầm trưa đấy.

Tôi giả bộ cầm chiếc dép ở dưới thềm lên thì cậu nhóc đã nhanh chân chạy biến đi rồi.

Tính ra thì chúng tôi sinh ra vừa kịp lúc, giao thoa giữa cái cũ và cái mới; chúng tôi vẫn có tuổi thơ gắn với làng quê từ những chuyện nhỏ nhặt và khi lớn là tiếp xúc với nền văn hóa thông tin của thời đại không ngừng biến đổi.

Thật tốt!

Tôi thầm nghĩ, những ký ức thơ bé bây giờ tôi không còn khắc ghi rõ chỉ còn lại vụn vặt nhưng đủ để biết được chúng tôi đã may mắn hơn rất nhiều rồi. Như đứa cháu gái của tôi, một lần ngẫu hứng lên vì để tuổi thơ bé trọn vẹn mà tôi phải xách laptop ra mở Tây Du Ký cho con bé xem. Lần đầu xem bộ phim tuổi thơ gắn với bao thế hệ này, con bé tròn mắt cả ra, coi được một lúc là đặt ra muôn vàn câu hỏi chẳng khác nào vừa khám phá được thế giới mới vậy.

Tôi lúc đó thầm khóc trong lòng, con bé đã sắp bước vào lớp một rồi đấy, xem ra thời đại càng phát triển, cái gọi là năm tháng "tuổi thơ" ngày càng thu hẹp dần rồi.



* * *

Ngày nhỏ nhà tôi gần sát nhà ngoại, mẹ là bác sĩ chuyên khoa da liễu ở bệnh viện huyện nên ít khi về nhà, bố làm ở văn phòng công chứng nên luôn đi sớm về trễ. Tháng ngày còn nhỏ của anh em tôi chính là "cuốn gói đến nhà ngoại", anh hai Thắng cũng chung tình trạng này, từ khi A Thanh đến thì chiến đội này thêm thành viên mới. Bố mẹ A Thanh cũng là nhân viên công chức nhà nước ở huyện nên A Thanh cũng thường qua nhà ngoại chúng tôi, nhà ngoại gần, ông bà lại ở một mình nên càng đông càng thêm vui.

Mỗi buổi sáng như thường lệ khi các bậc phụ huynh đi làm là chúng tôi đến trường đi học, trưa lại một mạch về thẳng nhà ông bà. Con đường làng bằng đất gồ ghề trải dài theo những cánh đồng, trước khu ngõ dần vào nhà ngoại là bụi tre thẳng dài xanh thẳm mà buổi tối mỗi lần đi qua hơi rợn người. Tiếng gió rít gào xen khẽ qua những cây tre làm người ta thấy ớn lạnh, trời ngày này nắng lắm, những cơn gió nhẹ ngang qua vui đùa cùng lá cây phát ra những tiếng lao xao.

Cứ theo thường lệ sau khi ăn cơm xong là cả ba đứa vác "đồ nghề" ra ngoài cái ao sau nhà câu cá, cần câu là của bố mua tặng sinh nhật anh trai tôi năm nay còn cái còn lại là của cậu út để lại ở nhà ngoại. Tranh thủ lúc bà chưa nấu cơm xong, ông Nhật cùng A Thanh đã đi ra vườn sau nhà tìm mồi câu cá; băng qua những thửa ruộng đã thấy cái áo nhỏ, gần ao có một cây đa già lâu năm cành lá xum xuê. Nếu không nhờ cây đa này thì chưa chờ được cá cắn câu chúng tôi đã trở thành "người da đen" xinh xẻo rồi.

Thật ra chuyến hành trình này kết quả chưa bao giờ là khả quan vì tỷ lệ cá cắn câu có thể xem là bi thảm nhưng hành trình này chưa bao giờ là lỗi thời với chúng tôi.

- Nhóc con trưa nắng không ở nhà ngủ cho nhanh lớn mà cứ vác xác đi theo làm gì?

Quân Nhật ôm cái cần câu đi trước, một tay chỉnh lại cái mũ lính trên đầu vừa hỏi.

- Em đi bắt chuồn chuồn, mà em đi theo có liên quan gì đến anh.

Thật ra trước khi A Thanh chuyển đến nơi này thì Hy Nguyệt cùng thường theo anh trai đi, mặc dù cô bé chả có chút hứng thú nào với việc câu cá. Nhưng buổi trưa ở nhà yên phận ngủ là chuyện không thể, cô bé đi theo tiện thể buổi chiều đi cùng anh trai bắt cua ở những đám ruộng vừa gặt lúa xong. Nếu không thì ngồi một bên nhìn cả đám chơi đá banh, chia đội đánh cầu lông..

- Buổi chiều bác hai Hải bên kia có bơm nước cho ruộng hay chúng ta tổ chức thi đua thuyền đi.

A Thanh đột nhiên xen vào một câu.

- Thật à, thế chiều nay có chỗ tắm ké rồi, để lát về qua nhà Phàm với ông Nhất rủ đi cùng.

Hy Nguyệt khá thích bác hai Hải vì mỗi lần bác bơm nước ruộng là bọn nhóc này có chỗ để tắm ké, ruộng bác hai không ở ngay trước nhà nên làm một cái kênh bé để dẫn nước từ máy bơm vào ruộng. Mà đám trẻ cứ canh lúc bác Hải bơm nước là chạy ra kênh nhỏ đi tắm, những đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu chuyện chỉ cảm thấy tắm ngoài này mát hơn với vui hơn nhiều, đôi lúc còn bày ra trò "tắm bùn" để trắng da các thứ.



Còn cuộc thi đua thuyền mà A Thanh nói chính là tách bè chuối ra thành các đoạn nhỏ, bên trên cắm một cái lá cờ để ngay ở cạnh máy bơm, "chiếc thuyền" nương theo nước của kênh nhỏ mà chảy, thuyền ai vào ruộng nhà trước là thắng. Tất nhiên đám trẻ phải canh ở cuối kênh để vớt thuyền chứ để bác hai Hải biết được thì phải xách dép chạy là chuyện không thể nào tránh được.

Cái nắng chói chan trên đầu cũng không thể nào làm vơi đi nhiệt tình của đám trẻ, gần đến cái ao Quân Nhật gọi nhỏ em gái mình chỉ vào đám chuồn chuồn đang đậu ở lưới giăng chỗ đám ruộng.

Cái tuổi năm đó cứ nghĩ rằng để chuồn chuồn cắn rốn là có thể bơi được nhưng ngoài cảm nhận cái đau xót xót thì cũng bị người nhà "vớt" đem đến chỗ dạy bơi cả. Hy Nguyệt thích đi bắt chuồn chuồn sau đó đem chỉ cột vào đuôi nhìn chú chuồn chuồn bay như đang thả diều nhưng mà lần nào cột xong cũng cố tháo ra thả đám chuồn chuồn bay đi cả. Cái vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại không biết chán, đôi lần lại được cậu chút bày vài trò mới là chơi quên luôn cả trời đất.

* * *

Bây giờ nghĩ lại tôi cảm thấy khi còn nhỏ, tôi, anh Quân Nhật và A Thanh cũng được xem là cầm đầu của đám trẻ trong xóm đấy chứ nhỉ! Năm đó chúng tôi tạo ra bao trò tập hợp cả đám trẻ trong xóm cùng chơi, mà hiển nhiên mỗi lần về nhà muộn với cả bộ dạng lấm lem như mới vớt ra từ bùn đất là lại được nghe giảng sự đời từ người lớn trong nhà.

Tôi nhìn tấm ảnh gia đình treo trên tường mà bậc cười, mẹ tôi năm đó vì muốn anh em tôi ý thức dù có đi chơi cũng đừng nghịch bẩn mà quá mà đã hạ quyết tâm để anh em tôi học cách tự giặt quần áo của bản thân.

Lúc trước khi mẹ giặt quần áo lúc nào cũng là bài ca:

- Nhìn xem, quần áo của hai đứa luôn được đặt cách được giặt riêng. Ôi, tới xem này, hai đứa đã "lấy trộm" bao nhiêu đất từ ruộng nhà người ta mà đem về thế này.

Mà mẹ nói thô nhưng thật, quần áo của anh em tôi sau những "trận chiến" huy hoàng trở về, đến khi lớn mỗi lần mẹ nhắc lại tôi cũng chả dám nhìn thẳng.

Năm đó chúng tôi chưa từng nghĩ nhiều đến vậy, mà dù có thật sự để tâm được một lúc thì sau đó cũng bỏ cả sau đầu. Cũng như năm đó tôi cho rằng bản thân thích Hóa Thanh vì một lý do "khó nói nên lời", năm lên lớp một Hóa Thanh là người duy nhất đi xe đạp đến trường học. Bạn không thể tin được đúng không?

Bản thân tôi cũng bây giờ nghĩ lại cũng không tin được mà, nhưng sự thật là vậy trẻ con ngày đó là thế, thích từ những điều đơn giản đến tận cùng. Tôi thích cậu bé nhà bên cạnh sáng ngày đạp xe đến trường, mỗi khi trưa về chờ tôi ngay cổng trường mẫu giáo.

Thích cậu bé năm xưa cùng tôi đi về trên con đường làng hai bên là những cây phượng già che khuất đi cái nắng trời chói chang. Thích cậu bé năm nào lẽo đẽo theo tôi trên con đường đến trường và thích chàng trai luôn có mặt trong những năm tháng đẹp đẽ nhất cuộc đời tôi.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.