Chương trước
Chương sau
Lại nhắc về nhà của Ngoại, ta tổng cộng có đến năm ông cậu. Nhưng rồi dần mất đi vì bệnh tật và thương vong bởi chiến tranh. Cho đến hiện nay, chỉ còn lại một ông Cậu đầu sinh con đẻ cái và khỏe mạnh. Có lẽ bởi người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh mà mặt ngoại đầy tang thương. Bất kỳ người phụ nữ nào trên đời, khi dần dần sống qua từng ngày, nhìn con mình mỗi đứa đều ra đi không ngày quay lại, cũng dần chết lặng theo thời gian. Bởi thế, Mẹ ta nào cũng có khác gì, đời lấy đi của Mẹ nhiều thứ, người Ba yêu thương, các anh em mà Mẹ đã từng hi sinh cả tuổi thanh xuân để cho họ một tương lai tốt đẹp, và rồi cho đến ngày Mẹ lấy Ba, cuộc đời nghèo khó, nợ nần, rồi biến cố, tất cả đều khiến Mẹ mất dần cảm xúc, trở nên lạnh lùng hơn trong mắt người ngoài.

Càng nhìn nhận, ta lại càng tự trách mình đã có những suy nghĩ ấu trĩ trẻ con như thế. Mẹ có cái khổ của Mẹ, cảnh nhọc nhằn sớm hôm tảo tần chịu đựng để chăm sóc gia đình đã đủ khiến cho ta phải hối hận vì chỉ ích kỉ nghĩ cho cảm giác chính mình. Mười lăm tuổi, ta trưởng thành, mười lăm tuổi, Mẹ già thêm nhiều quá.

Dù bao nhiêu lần xảy ra biến cố, cuộc sống vẫn cứ thế tiếp tục. Trải qua ba năm cấp ba với nhiều buồn vui lẫn lộn tuổi học trò, rồi cũng đến ngày ta bước vào kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh, kỳ thi đại học. Lúc ấy, ta không hề cố định trong đầu mình là phải thi cái gì, phải làm cái gì. Hoang mang không xác định được mình cần đi đâu về đâu. Chọn đại một chuyên ngành mình thích từ nhỏ, sư phạm. Nhưng thi thì sao? Không có ai quyết định tùy hứng như ta, thi ở Đại học Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa, nơi mà người ta chỉ muốn xuống đồng bằng, còn ta thì tự dâng mình lên đó. Chính vì quyết định này đã làm thay đổi con người ta.

Lần đầu tiên chuẩn bị xa nhà sau 18 năm để tiến vào con đường thi cử quan trọng, ta đã hoang mang cực độ. Sợ nhất là không có kinh nghiệm, sợ nhì là thi cử không đậu thì phải làm sao. Suốt 12 năm đèn sách, mọi kì vọng của Ba Mẹ dành cho mình, ta có thể làm được hay không? Trong suốt một tháng ôn thi đó, mặc dù có lúc không biết định hướng của mình rồi sẽ đi về đâu nhưng chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Ta đã cố gắng từng ngày, từng giờ cho đến ngày bước lên chuyến xe đi thi. Điều làm ta sợ mình thất bại nhất là đồng hành cùng chuyến đi đầu tiên trong đời đó có Ba đi cùng. Trong mấy đứa con, ta luôn là người Ba đặt kỳ vọng nhất, cũng là người Ba lo sợ nhất. Cho nên, Ba đã phải sắp xếp công việc đi theo chăm sóc cho ta. Cũng như Mẹ, đưa ta đến trường, sau đó chưa từng rời khỏi cổng, vẫn tờ báo cũ, vẫn ánh mắt mong chờ đó khiến nước mắt ta cứ trào ra. Cảm giác ấy, nó chua xót lắm, có lẽ đi đến suốt cuộc đời, vẫn không thể quên.

Nhưng cuối cùng, ta cũng làm cả nhà thất vọng, ta rớt Đại học. Ta buồn, nhà ai cũng buồn, không ai nói ra, cũng không ai trách móc, nhưng trong thâm tâm ta, tự trách bản thân mình, rất nhiều.

Sau thời gian buồn bã và hối hận, ta quyết định đăng kí học Cao đẳng, xa nhà để sống tự lập hơn cho bản thân. Ngày bước chân ra khỏi ngôi nhà thân thuộc với mình 18 năm, ta không hề khóc. Ta thấy mình đang thoát khỏi cái lồng giam nhỏ bé để tiến bước tới một xã hội rộng lớn hơn, ta vui vẻ, ta đầy hi vọng, ta không hề biết, sau lưng Ba Mẹ đang gạt nước mắt nhìn con mình vung đôi cánh bay đi. Đến bây giờ nghĩ lại, sao lúc ấy bản thân mình vô tâm đến vậy.

Hành trình đi tìm những điều mới mẻ là khi ta chính thức bước chân vào giảng đường cao đẳng. Con người mới, bạn bè mới, nơi ở cũng mới khiến mọi thứ trở nên thật kì diệu. Những ngày đầu tiên mong chờ sự thay đổi này dần dần bị lấn át bởi nỗi nhớ nhà day dứt, nhiều vấn đề vấp phải trong cuộc sống và sự lo lắng về cảm nhận của những con người đang hiện diện xung quanh về mình.



Ta ở trọ cùng ba người đồng hương, trong đó có hai người cùng lớp cấp ba. Một trong số hai người này là bạn thân nhất của ta. Cô ấy được ta xem như một người thân, và tin tưởng như một người chị, bởi sự dịu dàng và quan tâm mà ta cảm nhận được suốt thời niên thiếu. Nhưng mà, có một sự việc xảy ra khiến ta và cô ấy không còn chút tình cảm ràng buộc nào nữa.

Chuyện là trước khi xa nhà đi học, Ba có dành dụm được một số tiền mua cho ta một chiếc điện thoại Samsung nắp bật, màu đỏ đen rất đẹp trị giá 1 triệu bảy trăm nghìn đồng. Nó được xem là một số tiền lớn đối với gia đình ta thời bấy giờ. Đó là tài sản to lớn duy nhất mà ta có, cũng là món quà mà ta trân quý nhất. Sau khi vào ở chung, có một ngày, ta cùng một cô bạn cùng phòng đi chợ mua thức ăn, trước khi đi hai đứa đã khóa cửa phòng thật kĩ, chiếc điện thoại của ta đã hết pin và đang cắm sạc để sát cửa ra vào. Lúc ấy, mọi người đều hay dặn dò là thời buổi trộm cắp nhiều, nhất là môi trường phòng trọ, phải cẩn thận gìn giữ tài sản và mọi thứ. Tuy nhiên, ta chủ quan nghĩ cửa phòng đều khóa, cửa sổ cũng không có lỗ thông gió, các phòng xung đều mở cửa và có người trong phòng, thì làm sao trộm được thứ gì.

Thế mà, khi ta và cô bạn quay về, chiếc điện thoại đã không cánh mà bay. Người bạn ta cho là thân nhất trong trong loay hoay trong phòng, nhưng khi hỏi thì cô ấy bảo không biết gì cả. Ta lặng người, trong lòng hoang mang, trong đầu chỉ duy nhất hai từ: Mất rồi. Đối với một người sinh viên nghèo như ta thì 1 triệu bảy đó nó lớn như một tài sản kếch xù, không làm sao có thể tìm lại được. Ta chỉ biết khóc, trong bụng thầm nhủ tại sao đời cứ phải bất công với chính mình như vậy. Càng trách bản thân, sao lại cứ phải bất cẩn đến như thế. Nếu mà mang theo điện thoại, nếu mà để về nhà có mình trông coi rồi sạc cũng có làm sao.. Tự dằn vặt, lại càng thấy uất ức. Bạn bè xung quanh đứa nào cũng khuyên can, an ủi mọi thứ, nhưng đứa nào cũng nghèo, làm gì có ai giúp đỡ được gì đâu.

Việc đầu tiên sau khi bình tĩnh lại là gọi về nhà báo mất. Ba Mẹ cũng không nói gì, vốn dĩ biết bản thân ta cũng không muốn xảy ra sự việc đó. Ngay ngày hôm sau, Ba Mẹ đã gửi vào một chiếc điện thoại Nokia nhỏ để ta tiện liên hệ, chiếc điện thoại chỉ có chức năng nghe gọi bình thường, không thể như chiếc Samsung kia. Nhưng ta biết, Ba Mẹ cũng đã vắt hết tiền trong nhà để bù đắp cho sự xui xẻo của con mình.

Lại sau đó gần một tuần, có vài người nói cho ta biết. Có lẽ chiếc điện thoại đó không phải do trộm, mà người ta tin tưởng nhất đã làm gì đó. Trước đó vài hôm cũng có vài người nói ra nói vào, nhưng ta bỏ ngoài tai, bởi vì cô ấy là người mà ta hi vọng nhiều nhất với hai từ tình cảm. Nếu như cô ấy phản bội lại sự tin tưởng ấy, thì còn ai đáng tin nhất nữa đây? Nhưng rồi, có quá nhiều thứ khiến ta không còn giữ được niềm tin ấy nữa. Đó là trước khi sự việc này xảy ra, cô ấy tham gia vào nhóm người bán hàng đa cấp. Tiền học phí để chuẩn bị cho năm học cô ấy đã mang đi mua hàng, ngay cả chiếc dây chuyền Mẹ cô ấy cho cũng bị bán đi để phục vụ cho việc ấy. Ta dần mơ hồ nhận ra, bằng chứng không có, nhưng có lẽ, cô ấy đã dần thay đổi bởi hào quang ảo mộng ấy rồi.

Tình bạn suốt gần năm năm đã dần thay đổi bởi những ảo ảnh đáng sợ. Trong suốt quãng đời sinh viên, ta nghe rất nhiều bạn bè cũ bảo, cô ấy dụ dỗ đa cấp cho rất nhiều người, ngay cả người thân trong gia đình cũng bị cô ấy lôi kéo. Cô ấy bỏ học, bất chấp lời khuyên của tất cả mọi người, lao mình vào con đường không lối thoát, đi khắp nơi và rồi, đến khi cô ấy nhận ra được mình sai lầm mà quay đầu, thì không còn gì cả. Bạn bè xa lánh, gia đình bỏ mặc, ngay cả người Mẹ mà cô ấy yêu thương cũng vì tuyệt vọng mà qua đời. Nghe đâu, bây giờ cô ấy đã làm Mẹ, nhưng là làm Mẹ đơn thân, và đứa con cũng bị tự kỉ. Cuộc đời cô ấy, vay ai kiếp nào mà kiếp này lại trả quá lớn lao?
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.