Chương trước
Chương sau
Dòng chữ này viết trên cửa kính một cửa hiệu nhỏ, nhưng người ta chỉ có thể đọc được như bình thường khi đứng trong căn phòng sáng nhập nhoạng nhìn ra ngoài đường, qua lớp kính.
Hôm ấy vào một buổi sáng tháng Mười một u ám và lạnh lẽo, trời mưa như trút. Nước mưa chảy ròng ròng trên những chữ cái loằng ngoằng. Tất cả những gì người ta có thể thấy được qua cửa kính là một bức tường loang lổ ướt bên kia đường.
Thình lình cánh cửa bị giật mạnh đến nỗi chùm chuông[1] nhỏ bằng đồng thau treo trên cửa bật rung inh ỏi, mãi một lúc mới dứt.
[1] Ở Âu Mỹ, treo chuông nơi cửa ra vào là một trong những cách để người bán hàng trong các cửa hiệu nhỏ biết mỗi khi có khách vào. (Mọi chú thích trong sách là của người dịch - Lê Chu Cầu)
Kẻ gây ra tiếng chuông om sòm này là một thằng nhỏ mập ú độ mười hay mười một tuổi. Mái tóc nâu thẫm bết nước lòa xòa trên mặt nó, nước nhỏ giọt từ chiếc áo măng-tô ướt nhẹp, nó khoác một cái cặp trên vai. Mặt nó hơi tái và nó thở hổn hển, nhưng ngược hẳn với vẻ hối hả vừa mới rồi, nó đứng như trời trồng nơi cánh cửa đang mở ngỏ.
Trước mặt nó là một căn phòng hẹp, dài hun hút ra tuốt phía sau trong ánh sáng mờ mờ. Trên tường gắn kệ tới tận sát trần nhà, chất đầy sách to nhỏ đủ loại. Dưới sàn nhà chất hàng chồng sách khổ to, trên mấy cái bàn là hàng núi sách nhỏ hơn, gáy da, nhìn nghiêng thấy lấp lánh như dát vàng. Sau một bức tường sách cao bằng đầu người sừng sững ở cuối căn phòng có ánh đèn sáng. Trong cái vầng sáng đó thỉnh thoảng lại bay lên một vòng khói, nó tỏa lớn ra rồi tan vào bóng tối trên cao. Trông cứ như những tín hiệu người da đỏ vẫn dùng để truyền tin từ núi này qua núi khác. Hẳn là có người ngồi ở đó và quả vậy, thằng bé nghe một giọng nói khá cộc lốc từ phía sau bức tường sách:
- Xin vào trong này hoặc đứng ngoài kia mà trầm trồ, nhưng hãy khép cửa lại, kẻo gió lùa.
Thằng bé nghe lời, khẽ khép cửa lại. Rồi nó lại gần bức tường sách, thận trọng ngó quanh "góc tường". Ở đó có một ông mập lùn ngồi trên cái ghế bành bằng da cao tới tai đã sờn. Ông mặc bộ đồ đen nhăn nhúm, trông có vẻ sờn cũ và bám bụi. Bụng ông bó trong một cái áo chẽn hoa. Đầu ông hói bóng, trên mỗi bên tai chỉ còn một dúm tóc bạc trắng dựng ngược. Mặt ông đỏ gay khiến người ta liên tưởng tới mặt một con chó dữ. Một cặp kính gọng vàng ngự trên cái mũi trông như củ khoai. Ngoài ra ông còn hút một cái tẩu cong vòng, ngậm bên khóe miệng khiến méo cả mồm. Ông giữ trên đầu gối một quyển sách rõ ràng là đang đọc, vì khi gập sách lại ông để nguyên ngón trỏ to bè của bàn tay trái giữa những trang sách như để làm dấu.
Rồi ông đưa tay phải gỡ kính, chăm chú nhìn thằng bé mập đang đứng trước mặt, áo quần nhểu nước; mắt ông nheo lại khiến càng thêm vẻ dữ tợn nhưng ông chỉ lầm bẩm: "Trời đất ơi!" rồi lại mở sách ra đọc tiếp.
Thằng bé không biết phải làm gì nên đành đứng ì trố mắt nhìn ông ta. Cuối cùng ông ta gập sách lại - vẫn để ngón tay giữa các trang sách như hồi nãy - rồi làu bàu:
- Nghe này nhỏ, tao không ưa con nít. Thời buổi này thiên hạ đua đòi theo mốt làm chuyện này chuyện kia với tụi bay, nhưng tao thì không! Tao hoàn toàn không phải là bạn của lũ trẻ con. Với tao thì con nít chẳng là gì khác hơn một lũ hay nhè, một lũ chuyên làm tình làm tội ngu xuẩn cái gì cũng phá, bôi đầy mứt lên sách và xé sách, một lũ chẳng thèm đếm xỉa xem người lớn có chuyện âu lo gì không. Sở dĩ tao nói thế là để mày biết ngay mà đừng mơ tưởng hão. Hơn nữa tao không có sách cho con nít, còn những sách loại khác thì tao không bán cho mày đâu. Thế, tao hy vọng rằng mình hiểu nhau rồi!
Ông ta nói bấy nhiêu đó mà không nhả tẩu thuốc ra khỏi miệng. Rồi ông lại mở sách tiếp tục đọc.
Thằng bé lặng lẽ gật đầu rồi quay đi, nhưng xem ra nó không chịu chấp nhận những lời này mà không cãi lại, nên nó quay lại khẽ nói:
- Không phải hết thảy đều thế cả đâu.
Ông ta từ từ nhìn lên và gỡ kính ra.
- Mày vẫn còn đứng đó ư? Phải làm gì để tống khứ một đứa như mày, làm ơn chỉ giúp tao với? Mày vừa nói điều gì cực kì quan trọng thế?
- Chẳng có gì quan trọng cả, thằng bé đáp khẽ hơn nữa. Cháu chỉ muốn… không phải mọi đứa trẻ đều như ông nói đâu.
- Ra thế! Ông ta nhướng mày lên ra vẻ sửng sốt. Vậy hẳn mày là ngoại lệ lớn lao chứ gì?
Thằng bé mập không biết trả lời sao. Nó chỉ khẽ nhún vai rồi quay người định đi.
- Tư cách nữa, nó nghe tiếng càu nhàu sau lưng, tư cách mày không đáng năm xu, nếu không thì ít ra mày cũng biết tự giới thiệu rồi.
- Cháu tên là Bastian, thằng bé nói, Bastian Balthasar Bux.
- Tên gì mà kỳ cục, ông ta làu bàu, những ba chữ B. Ấy, nhưng không phải lỗi tại mày, mày có tự đặt tên đâu. Tao tên là Karl Konard Koreander.
- Ba chữ K, thằng bé nghiêm trang nói.
- Hừm, ông lão lầm bầm, đúng thế!
Ông nhả một bụm khói.
- Này, tao với mày tên gì thì cũng thế thôi, vì mình đâu gặp lại nhau nữa. Bây giờ tao chỉ muốn biết một điều nữa thôi, đó là tại sao hồi nãy mày ào vào cửa hiệu của tao như thế. Tao nghĩ là mày chạy trốn. Đúng không?
Bastian gật. Khuôn mặt tròn của nó chợt tái hơn trước đây một chút và mắt nó lớn hơn.
- Chắc là mày giựt tiền của một cửa hàng nào, ông Koreander đoán, hay đánh ngã một bà lão nào hoặc làm chuyện gì mà lũ chúng bay thời nay vẫn làm rồi. Cảnh sát đuổi theo mày chứ gì, nhóc con?
Bastian lắc đầu.
- Khai ra đi, ông Koreander nói, mày chạy trốn ai?
- Trốn những đứa khác.
- Những đứa nào?
- Những đứa ở lớp cháu.
- Tại sao?
- Chúng nó… chúng nó không khi nào để cháu yên.
- Chúng làm gì?
- Chúng rình rập cháu trước cổng trường.
- Rồi sao nữa?
- Rồi chúng la ông ổng những chuyện vớ vẩn. Chúng xô đẩy và cười nhạo cháu.
- Còn mày chịu lép một bề à?
Ông Koreander nhìn thằng bé một lúc với vẻ không đồng tình rồi hỏi:
- Sao mày không cho mũi chúng nó ăn đấm?
Bastian tròn mắt nhìn ông.
- Không… cháu không thích. Với lại… cháu đánh bốc kém lắm.
- Thế còn vật thì sao? ông Koreander muốn biết. Chạy, bơi, đá bóng, thể dục? Mày không biết gì cả sao?
Thằng bé lắc đầu.
- Nói khác đi, ông Koreander nói, mày là thằng hèn yếu, chứ gì?
Bastian nhún vai.
- Nhưng mày vẫn mở mồm mở miệng được chứ, ông Koreander nói. Sao mày không trả miếng khi chúng nhạo báng mày.
- Cháu đã có lần làm rồi…
- Rồi sao?
- Chúng quẳng cháu vào trong một thùng rác rồi ràng nắp lại. Cháu phải kêu cả hai tiếng đồng hồ mới có người nghe thấy.
- Hừm, ông Koreander làu bàu, rồi bây giờ mày hết dám luôn.
Bastian gật.
- Té ra mày còn nhát như cáy nữa, ông Koreander kết luận.
Bastian cúi gằm mặt.
- Chắc mày là thứ háo danh chứ gì? Giỏi nhất lớp với toàn điểm một[2], học trò cưng của mọi thầy cô, phải không?
[2] Ở Đức điểm 0,7 là xuất sắc, điểm 1 là giỏi, rồi điểm 2…, cho tới điểm 5 (kém). Tệ hơn nữa là điểm… 6.
- Không, Bastian đáp trong lúc vẫn cúi mặt, năm ngoái cháu phải ở lại lớp.
- Trời ạ! Ông Koreander kêu, té ra mày đoảng mọi chuyện.
Bastian không nói gì. Nó chỉ đứng ì ra đó. Hai tay buông thõng, áo măng-tô nhỏ giọt.
- Chúng nó kêu la những gì khi trêu chọc mày? Ông Koreander muốn biết.
- Đủ thứ.
- Thí dụ?
- Thùng tô nô! Thùng tô nô ngồi trên cái bồ! Nắp bồ sập, thùng tô nô kêu: tại tôi quá mập.
- Chẳng hay ho gì lắm, ông Koreander nói, gì nữa?
Bastian ngập ngừng rồi kể:
- Đồ dở hơi, đồ đần, đồ khoác lác, đồ bịp…
- Dở hơi à? Sao thế?
- Tại cháu thỉnh thoảng nói một mình.
- Thí dụ mày nói gì nào?
- Cháu tưởng tượng ra chuyện này chuyện nọ, cháu nghĩ ra những tên và những từ chưa hề có, vân vân.
- Rồi mày tự kể mày nghe à? Tại sao?
- Chẳng qua vì nếu không thì chẳng có ai muốn nghe cả.
Ông Koreander trầm ngâm một lúc.
- Bố mẹ mày nghĩ thế nào?
Bastian không trả lời ngày. Mãi một lúc nó mới lẩm bẩm:
- Bố cháu không nói gì hết. Bố cháu chẳng bao giờ nói. Bố cháu chẳng quan tâm chuyện gì hết thảy.
- Thế còn mẹ mày?
- Mẹ cháu… không còn ở đây nữa.
- Bố mẹ mày ly dị à?
- Không, Bastian nói, mẹ cháu mất rồi.
Vừa lúc ấy có tiếng chuông điện thoại. Ông Koreander khó nhọc rời khỏi ghế bành, lệt bệt bước vào một cái phòng nhỏ ở sau cửa hiệu. Ông nhấc máy và Bastian nghe loáng thoáng ông xưng tên. Rồi cửa phòng con này khép lại, không còn nghe thấy gì nữa ngoài tiếng lầm bầm không rõ.
Bastian đứng đó mà không hiểu chuyện xảy đến với nó như thế nào và tại sao nó lại kể lể và thú nhận hết mọi chuyện. Nó không ưa bị vặn hỏi. Chợt nó thấy hết sức nóng ruột vì sẽ đến trường quá muộn, nhất định nó phải gấp gáp lên, phải chạy… nhưng nó vẫn đứng ì tại chỗ, không nhất quyết. Có gì níu nó lại mà nó không biết đó là gì.
Từ căn phòng nhỏ vẫn tiếp tục vẳng ra tiếng rì rầm. Thật là một cuộc nói chuyện qua điện thoại dài.
Bastian biết rõ rằng từ nãy tới giờ nó cứ nhìn đăm đăm vào quyển sách hồi nãy ông Koreander cầm trên tay và bây giờ nằm trên cái ghế da. Mắt nó không tài nào dứt ra được. Nó thấy như bị một thứ lực nam châm toát ra từ quyển sách hút lấy, không cưỡng lại được.
Nó xích lại gần ghế bành, từ từ đưa tay đụng vào quyển sách… ngay chính lúc ấy bên trong người nó như có một tiếng “cách!” chẳng khác một cái bẫy vừa sập. Bastian mơ hồ cảm thấy rằng qua sự đụng chạm này có điều gì đó đã bắt đầu, không níu kéo lại được và không có gì cản được nữa.
Nó nâng quyển sách lên, ngắm nghía từ mọi phía. Bìa sách bằng lụa màu đồng, lóng lánh khi nó xoay quyển sách. Lật nhanh nhanh nó thấy chữ in hai màu khác nhau. Hình như không có hình, nhưng có những chữ cái to thật đẹp[3].
[3] Nguyên bản tiếng Đức in hai màu: những đoạn về Bastian ngoài “đời thường” in đỏ, những đoạn thuộc Chuyện dài bất tận in xanh. Trừ phần đầu, Chuyện dài bất tận có cả thảy 26 chương. Chương I bắt đầu bằng một từ với chữ cái A, Chương II bắt đầu bằng một từ với chữ cái B… cứ thế đến Chương XXVI bắt đầu bằng một từ với chữ cái Z; những chữ cái này được minh họa to nguyên trang giấy, rất đẹp, phù hợp với nội dung chương đó (theo ấn bản đầu tiên năm 1979; ấn bản mới nhất năm 2004 không còn những hình vẽ này nữa). Chúng tôi đã rất cố gắng để giữ nguyên được hình thức trình bày độc đáo này.
Nhìn bìa lần nữa kỹ hơn nó phát hiện ra trên đó có hình hai con rắn, một trắng một đen, ngậm đuôi nhau thành hình bầu dục. Trong hình bầu dục này những chữ cái xoắn vào nhau một cách lạ thường thành tên quyển sách:
CHUYỆN DÀI BẤT TẬN
Nỗi đam mê của con người là một vấn nạn. Với trẻ con không khác gì với người lớn. Những kẻ đam mê không giải thích được, còn những ai chưa từng trải nghiệm thì không thể hiểu nổi. Có những người mạo hiểm bất kể tính mạng để leo cho kỳ được một đỉnh núi. Không ai, kể cả chính những người này, có thể giải thích thật sự vì sao. Có những người khác tự hủy hoại để chinh phục trái tim một người nào đấy không hề ngó ngàng gì đến họ. Lại có những người khác tự hủy hoại vì không cưỡng được thèm ăn, hay những người không cưỡng được thèm uống. Có người bỏ hết gia sản hòng được cờ được bạc hay hy sinh tất cả cho một định kiến không bao giờ có thể thực hiện được. Có người lại nghĩ rằng chỉ có thể hạnh phúc ở nơi nào khác nơi họ đang sống, nên cả đời cứ lòng vòng khắp trái đất này. Lại có đôi người không yên được khi chưa quyền cao chức trọng. Nói gọn là có bao nhiêu con người khác nhau thì có bấy nhiêu đam mê khác nhau.
Với Bastian Balthasar Bux thì sách là nỗi đam mê.
Ai chưa từng ngồi suốt buổi chiều bên một quyển sách, mê mải đọc đến nóng cả tai, bù cả tóc, quên hết thế gian, không còn biết mình đói hay khát...
Ai chưa từng lén lút trùm chăn kín đầu đọc sách dưới ánh đèn pin, bởi ông bố hay bà mẹ hoặc một người bảo dưỡng nào đó - do hảo ý - tắt đèn bắt đi ngủ vì sáng mai phải dậy sớm...
Ai chưa từng thường đau đớn khóc thầm vì một câu chuyện tuyệt vời chấm dứt và phải chia tay với những nhân vật mình đã cùng trải qua bao cuộc phiêu lưu, những nhân vật mình thương, phục, mình lo lắng và hy vọng cho họ và không có họ bầu bạn thì đời mình trở nên trống trải và vô nghĩa...
Ai không tự biết gì hết những điều này bằng chính kinh nghiệm của mình thì chắc người ấy không hiểu nổi điều Bastian làm lúc này đây.
Nó nhìn đăm đăm tên quyển sách và thấy chợt nóng chợt lanh. Đó, chính đó là điều nó vẫn hằng mơ và - từ khi có đam mê này - mong ước: một câu chuyện không bao giờ hết! Đây chính là quyển "Kinh thánh" của nó!
Nó phải có được quyển này, bằng bất cứ giá nào!
Bằng bất cứ giá nào ư? Nói thì dễ lắm! Ngay cả khi nó có thể trả nhiều hơn ba Mark năm mươi Pfennig[4] tiền túi nó hiện có... cái ông Koreander bẳn tính này đã nói quá rõ rằng sẽ không bán cho nó một quyển sách nào mà. Nói chi tới chuyện ông tặng. Việc này thật vô vọng.
[4] Mark và Pfennig là đơn vị tiền Đức cũ, trước khi lưu hành đồng Euro từ năm 2002.
Mà Bastian biết chắc rằng nó không thể bỏ đi mà không có quyển sách. Bây giờ thì nó thấy rõ rằng nó đến đây chỉ vì quyển sách này thôi, bằng một cách đầy bí ẩn quyển sách đã gọi nó đến, vì quyển sách muốn theo nó, vì đúng ra quyển sách vốn là của nó từ xửa từ xưa rồi!
Bastian lắng nghe tiếng nói rì rầm vẫn vọng ra từ căn phòng nhỏ nọ.
Để khỏi bỏ quên, nó nhanh như chớp nhét quyển sách dưới áo măng-tô, giữ bằng cả hai tay. Nó đi lùi ra cửa không gây một tiếng động nhỏ nào trong lúc mắt lấm lét nhìn cái cửa dẫn vào căn phòng nhỏ. Nó thận trọng ấn nắm đấm cửa. Nó muốn chùm chuông đồng thau không gây tiếng động nên chỉ mở cửa kính vừa đủ để lách ra ngoài. Nó thận trọng khẽ khàng đóng cửa lại từ bên ngoài.
Rồi nó mới phóng đi.
Những quyển vở, những sách học và hộp đựng bút trong cặp nẩy lên kêu lọc cọc theo nhịp chân của nó. Nó đau ở cạnh sườn nhưng vẫn chạy tiếp.
Mưa ướt hết mặt mũi nó, rơi cả vào cổ áo. Lạnh và ướt thấm qua áo măng-tô nhưng Bastian không cảm thấy. Nó nóng bừng, song không chỉ vì chạy.
Lương tâm của nó lúc nãy trong hiệu sách không phản đối giờ đây bỗng dưng trỗi dậy. Nó thấy mọi lý do trước đây nghe rất thuyết phục bỗng nhiên hoàn toàn không đáng tin cậy, chúng tan biến như các hình nhân bằng tuyết tan trước làn lửa phì ra từ họng con rồng.
Nó đã lấy trộm. Nó là thằng ăn cắp!
Điều nó vừa làm thậm chí còn tệ hại hơn là ăn cắp bình thường. Quyển sách này nhất định là duy nhất, không bù được. Chắc chắn nó là bảo vật quý nhất của ông Koreander. Lấy mất của người nghệ sĩ violon chiếc đàn violon độc nhất vô nhị hay lấy của ông vua chiếc vương miện có gì đó khác với ăn cắp tiền từ két.
Và trong khi chạy như thế nó ép chặt quyển sách dưới áo măng-tô vào người. Nó không muốn bị mất, dù có bị xử phạt nặng tới đâu đi nữa. Đó là tất cả những gì nó còn trên thế gian này.
Vì dĩ nhiên bây giờ nó không thể về nhà được nữa.
Nó thử hình dung ra bố đang ngồi làm việc trong căn phòng rộng được sắp xếp làm phòng thí nghiệm. Quanh bố là hàng tá những khuôn thạch cao hàm răng người, vì bố là kỹ thuật viên nha khoa. Bastian chưa hề thắc mắc rằng bố có thích làm thứ công việc ấy không. Đây là lần đầu tiên nó nghĩ tới điều này, nhưng nó không thể nào hỏi bố được nữa rồi.
Nếu bây giờ nó về nhà chắc là bố sẽ từ phòng thí nghiệm bước ra trong áo choàng trắng, có thể tay cầm một hàm răng bằng thạch cao, bố hỏi nó: "Đã về rồi à?" - "Vâng," Bastian sẽ đáp. - "Hôm nay nghỉ học à?" - Nó như thấy khuôn mặt âm thầm buồn bã của bố ngay trước mắt và nó biết sẽ không thể nào nói dối bố được. Nhưng lại càng không thể nói thật. Không, cách duy nhất nó có thể làm được là đi bất cứ đâu, thật xa. Bố không bao giờ nên biết rằng con trai bố đã thành một tên ăn trộm. Và biết đâu bố chẳng hề nhận ra rằng Bastian không còn ở nhà nữa. Nghĩ thế nó còn thấy được an ủi phần nào nữa cơ.
Bastian thôi không chạy nữa. Bây giờ nó đi chầm chậm, mắt nhìn ngôi trường nằm cuối đường. Hóa ra nó đã chạy trên con đường hằng ngày đến trường mà không hay. Nó thấy con đường hầu như vắng hoe, tuy đây đó vẫn có người qua kẻ lại. Nhưng với một kẻ đến trường quá muộn thì luôn luôn thế giới quanh ngôi trường như đã chết. Bastian cảm thấy nỗi sợ tăng lên theo từng bước đi. Đàng nào thì nó cũng sợ ngôi trường, nơi ngày ngày nó phải hứng chịu thất bại, sợ các thầy giáo là những người thân ái thuyết phục nó thay đổi hoặc trút bực bội lên đầu nó, sợ lũ trẻ vẫn chế nhạo nó và không từ một cơ hội nào chứng tỏ cho nó thấy rằng nó vụng về và bất lực. Với nó thì nhà trường luôn là một sự ở tù lâu vô hạn, kéo dài tới khi nó lớn khôn và nó chỉ còn biết âm thầm chịu đựng ngồi cho đến mãn hạn.
Nhưng bây giờ khi nó đi trong cái hành lang vang vọng tiếng bước chân, nồng mùi sáp lau nhà và mùi măng-tô ẩm ướt, khi sự tĩnh lặng rình rập trong ngôi trường chợt nút chặt tai nó như nút bông gòn và cuối cùng khi nó đứng trước cửa lớp sơn màu rau mồng tơi héo như màu các bức tường quanh phòng thì lúc ấy nó thấy rõ rằng từ nay nó cũng chẳng còn gì để mà tìm ở đây nữa. Đàng nào thì nó cũng phải bỏ đi. Vậy thì đi ngay bây giờ luôn.
Nhưng đi đâu?
Bastian đọc trong sách chuyện về những đứa trẻ chịu giúp việc trên tàu thủy rồi đi ra ngoài thế giới xa tìm may mắn. Có đứa trở thành cướp biển hay anh hùng, đứa khác trở về quê hương sau nhiều năm như những kẻ giàu có mà không ai đoán được xưa kia chúng là ai.
Nhưng Bastian không dám bắt chước. Nó cũng không nghĩ rằng người ta lại chịu nhận nó làm trẻ giúp việc trên tàu. Hơn nữa nó chẳng biết làm cách nào đến một bến cảng có những chiếc tàu thích hợp cho những chuyến phiêu lưu táo bạo như thế.
Vậy đi đâu đây?
Nó chợt nghĩ ra cái nơi thích hợp, cái chốn duy nhất người ta - ít ra tạm thời - sẽ không tìm và không bắt gặp nó.
Cái kho chứa đồ cũ rộng và tối mù mù. Có mùi bụi và băng phiến. Không có tiếng gì khác ngoài tiếng mưa gõ nhẹ trên miếng tôn bằng đồng của cái mái khổng lồ. Những cái rầm to tướng lâu năm có màu đen đúa nhô đều cách quãng từ sàn gác lên, gặp những tấm xà khác bên trên nữa rồi biến vào đâu đó trong bóng tối. Màng nhện giăng đó đây, lớn như cái võng, khẽ đung đưa trong làn gió lùa nom có vẻ ma quái. Từ trên mái cao, nơi có chiếc cửa sổ tò vò, chiếu xuống một luồng sáng như sữa..
Sinh vật duy nhất trong môi trường này, nơi thời gian như ngừng trôi, là một chú chuột con chạy nhảy trên sàn gác, để lại dấu chân nhỏ xíu trên lớp bụi. Nơi nào nó kéo lê cái đuôi thì ở đó có một vạch nhỏ giữa những dấu chân. Bất chợt nó thẳng người lên nghe ngóng rồi biến nhanh vào một cái lỗ giữa những tấm gỗ lát sàn.
Có tiếng chìa khóa thọc vào cái ổ khóa to. Cửa kho từ từ cọt kẹt mở ra. Một luồng sáng dài thoáng rọi vào phòng. Bastian lách vào trong rồi cái cửa cọt kẹt đóng trở lại. Từ bên trong nó tra một cái chìa to tướng vào ổ khóa rồi vặn lại. Đoạn nó còn gài cả chốt rồi thở ra một hơi dài nhẹ nhõm. Bây giờ thì quả thật người ta không thể tìm thấy nó được. Sẽ chẳng ai tìm nó ở chốn này. Họa hoằn lắm mới có người đến đây - điều này nó biết khá chắc chắn - và ngay cả nếu tình cờ xui khiến mà nhè hôm nay hay ngày mai có ai muốn vào đây thì người đó sẽ thấy cửa khóa. Mà chìa khóa thì không còn ở chỗ vẫn treo. Trong trường hợp họ vẫn muốn mở của thì Bastian vẫn còn đủ thì giờ để trốn trong đám đồ vật cũ.
Mắt nó quen dần với bóng tối. Nó biết chỗ này mà. Nửa năm trước bác gác trường đã sai nó phụ khuân một giỏ giặt đồ to đựng đầy những mẫu đơn cũ và giấy má phải đưa lên kho. Hồi ấy nó đã thấy chìa khóa kho để ở chỗ nào: trong một cái tủ con sát tường treo cạnh cái chiếu nghỉ trên cùng. Từ đó nó chẳng hề nghĩ tới nữa. Nhưng bây giờ thì nó nhớ lại.
Bastian bắt đầu thấy lạnh run vì áo măng-tô của nó ướt sũng mà trên này lại rất lạnh. Trước hết nó phải tìm một chỗ cho thoải mái đôi chút. Bề gì thì nó sẽ phải ở đây lâu dài. Bao lâu... trước mắt nó chưa vội bận tâm, kể cả việc nó sắp đói khát đến nơi.
Nó đi lòng vòng một lát.
Đủ thứ đồ cũ nằm lăn lóc khắp nơi, những cái kệ đầy kẹp đựng giấy tờ và những hồ sơ đã lâu không dùng tới, khắp nơi chất đống những bàn học với những mặt bàn lem luốc mực, một cái giá treo một tá bản đồ cũ, nhiều tấm bảng đã tróc màu đen, những lò sưởi bằng sắt han gỉ, những dụng cụ thể dục không dùng được nữa, như một chiếc ngựa gỗ với lớp da bọc đã rạn nứt khiến lớp đệm lòi cả ra, những quả bóng thể dục xẹp lép, một chồng nệm dùng tập thể dục cũ mèm vấy bẩn, ngoài ra dăm ba con thú nhồi bị mối gặm nát, trong đó có một con cú lớn, một con đại bàng núi và một con cáo, đủ thứ ống nghiệm và bình thủy tinh đã nứt, một cái máy tạo điện thế cao, một bộ xương người treo lủng lẳng ở một cái như giá quần áo và nhiều hòm, hộp đầy những tập vở và sách học cũ. Cuối cùng Bastian quyết định gọi đống nệm cũ kia là nơi trú ngụ của nó. Nằm duỗi dài trên đó có cảm giác gần như nằm trên đi văng. Nó kéo đống nệm lại phía dưới cửa tò vò là nơi sáng hơn cả. Gần đấy có vài tấm chăn nhà binh màu xám xếp thành lớp, dĩ nhiên rất bụi và rách rồi nhưng dùng được chán. Bastian lấy luôn đống chăn. Nó cởi áo măng-tô ướt treo lên mắc quần áo cạnh bộ xương. Bộ xương người lắc qua lắc lại nhưng Bastian không sợ. Có lẽ vì nó đã quen với những thứ giống như thế ở nhà rồi. Nó cũng tuột luôn cả đôi giày ống ướt mẹp. Rồi, chân mang vớ, nó ngồi xếp bằng trên lớp nệm, khoác những tấm chăn xám lên hai vai như một người da đỏ. Cạnh nó là cái cặp và quyển sách màu đồng.
Nó nghĩ đến chuyện rằng ngay lúc này đây những đứa nhỏ khác trong lớp đang có tiết học tiếng Đức. Có thể lũ chúng nó đang phải làm bài luận về một đề tài chán ngắt.
Bastian nhìn quyển sách.
"Mình muốn biết, nó nói bâng quơ, chuyện gì xảy ra trong quyển sách trong lúc mình còn chưa mở nó ra. Dĩ nhiên trong ấy chỉ toàn là chữ cái in trên giấy thôi, tuy vậy... phải có chuyện gì chứ, vì khi mình mở sách ra thì đột nhiên có cả một câu chuyện. Trong đó có những người mình chưa biết này, có đủ thứ chuyện phiêu lưu mạo hiểm này, có những kỳ công và những trận đánh này... thỉnh thoảng có bão tố trên biển cả nữa, hay là người ta tới những xứ sở và những thành phố lạ. Tất cả những cái ấy nằm trong quyển sách bằng cách nào đấy. Phải đọc để được nếm mùi những chuyện ấy, nhất định rồi. Nhưng những chuyện ấy có trong sách từ trước rồi cơ. Bằng cách nào, đó là điều mình muốn biết?"
Và nó chợt cảm thấy trang trọng.
Nó bèn ngồi ngay ngắn, với lấy quyển sách, mở trang thứ nhất và bắt đầu đọc.
I. Vương quốc tưởng tượng lâm nguy
Ào... ào... ào.
Lúc ấy đang nửa đêm, dông bão thổi đùng đùng trên các tán cây cổ thụ khổng lồ. Những thân cây to tựa tòa tháp kêu cót két và thở hổn hển.
Lũ vật trong cánh rừng Haulewald đều co rúm lại trong hang ổ của chúng.
Chợt một vầng sáng yếu ớt vút qua cánh rừng theo hình chữ chi, thỉnh thoảng nó run rẩy dừng lại, rồi vọt lên cao, đáp xuống một cành cây rồi lại hối hả chạy tiếp. Đó là một quả cầu tỏa sáng to cỡ quả bóng của trẻ con; nó nhảy những bước thật xa, thỉnh thoảng chạm đất rồi lại bay lên cao. Nhưng đó không phải là quả bóng.
Đó là một gã Ma trơi[1]. Nó đang lạc đường. Hóa ra đó là một Ma trơi lạc đường, mà điều này thì ngay cả trong vương quốc Tưởng Tượng cũng là chuyện hiếm có. Bình thường thì chính lũ Ma trơi khiến cho người khác bị lạc đường.
[1] Xin các bạn đọc nhỏ lưu ý: “Ma trơi” không phải là “Ma”.
Bên trong cái vầng sáng tròn kia có một hình thù nhỏ thó, rất mực nhanh nhẹn, đang ra sức chạy nhảy. Nó không phải trai cũng chẳng phải gái, vì Ma trơi không có sự khác biệt như thế. Tay phải nó cầm một lá cờ trắng bé tí bay lất phất ra phía sau. Hóa ra đó là một gã đưa tin hay một kẻ đi thương thuyết.
Không có nguy cơ nó va phải cây khi vừa bay bổng vừa nhảy xa, vì Ma trơi khéo léo và nhanh nhẹn không tưởng tượng nổi, chúng có thể đổi hướng ngay giữa bước nhảy. Vì thế mà nó chạy hình chữ chi. Nhưng nói chung thì nó di chuyển theo một hướng nhất định.
Cho tới lúc gặp phải một mũi đá nhô ra thì nó hốt hoảng chạy ngược lại. Rồi nó ngồi trong một hốc cây thè lưỡi thở như chó con, ngẫm nghĩ một lúc mới dám ló đầu ra thận trọng chăm chú ngó quanh mũi đá nọ.
Phía trước nó là một cái trảng, ở đó có ba hình thù hết sức khác nhau về chủng loại và tầm vóc đang ngồi bên một đống củi cháy đỏ. Một gã khổng lồ trông như toàn bằng đá hoa cương xám nằm sấp, duỗi dài; gã cao dễ gần mười bộ[2]. Gã tì nửa người trên hai khuỷu tay, nhìn vào đống lửa. Trên khuôn mặt đá bị xói mòn bởi nắng gió và nhỏ một cách kỳ lạ trên hai vai đồ sộ chìa ra hàm răng trông như một dãy đục bằng sắt. Ma trơi nhận ra gã thuộc chủng loại Ăn đá. Đó là những sinh vật sống trong một rặng núi cách xa khu rừng Haulewald không tưởng tượng nổi, nhưng họ không chỉ sống trong rặng núi mà còn sống nhờ vào nó nữa, vì họ cứ ăn núi dần dần. Họ sống bằng đá núi mà. May thay họ không đòi hỏi nhiều, chỉ cần một mẩu duy nhất cái món ăn mà với họ là hết sức bổ dưỡng ấy cũng đủ cho cả tuần hay cả tháng. Thứ dân Ăn đá này không đông mà rặng núi kia lại rất lớn. Nhưng vì những sinh linh này đã sống rất lâu đời ở đó, lâu hơn phần đông những sinh linh khác trong vương quốc Tưởng Tượng, nên rặng núi kia, theo thời gian, đã có một hình dáng khá kỳ dị. Nó giống như một tảng pho mát Emmentaler[3] khổng lồ đầy những hang hốc. Vì thế mà nó có tên Núi-đường-hào.
[2] Bộ: đơn vị đo chiều dài ngày xưa; tùy vùng mà thay đổi từ 25 đến 40cm.
[3] Tên một loại pho mát khó nổi tiếng trên thế giới của Thụy Sĩ.
Nhưng dân Ăn đá không chỉ sống bằng đá mà họ còn làm từ đá ra mọi thứ: bàn ghế, mũ, giày, dụng cụ, thậm chí cả đồng hồ "chim tu hú”[4]. Thành ra không có gì đáng ngạc nhiên khi gã Ăn đá này dựng sau lưng một thứ như xe đạp toàn bằng thứ vật liệu đã nói, với hai bánh xe như hai cối xay khổng lồ. Nói chung nó giống một cái xe ủi có bàn đạp hơn.
[4] Kuckucksuhr: loại đồng hồ nổi tiếng của vùng “Hắc Lâm” (Tây Nam Đức) để trang trí trong nhà. Mỗi giờ con chim tu hú trong đồng hồ lại phóng ra kêu “cúc cúc”.
Hình thù thứ hai ngồi bên tay phải đống lửa là một gã Quỷ đêm[5] nhỏ thó. Gã chỉ lớn gấp đôi Ma trơi là cùng, trông gã giống một con sâu bướm đen như hắc ín, đầy lông lá ngồi thẳng. Gã vừa nói vừa không ngớt làm điệu bộ với đôi bàn tay hồng hồng nhỏ xíu và ở nơi có lẽ là khuôn mặt, phía dưới mái tóc đen bờm xờm, sáng rực hai con mắt lớn tròn như mặt trăng.
[5] Theo thần thoại phương Tây thì “Quỷ đêm” là một thứ sinh vật lẫn lộn giữa người, thần và người lùn.
Trên vương quốc Tưởng Tượng có đủ loại Quỷ đêm lớn nhỏ nên tạm thời Ma trơi không đoán được gã này từ xa hay gần đến đây. Tuy nhiên gã có vẻ cũng đang trên đường đi, vì một con dơi lớn - thứ Quỷ đêm thường hay cưỡi - đang treo ngược đầu trên một cành cây sau lưng gã, cánh quấn lại không khác một cái dù gập.
Hình thù thứ ba bên trái đống lửa thì mãi một lúc Ma trơi mới nhìn ra, vì gã nhỏ đến nỗi khó nhận thấy ở khoảng cách thế này. Gã thuộc chủng loại Tí hon, một gã vô cùng thon thả với bộ đồ sặc sỡ và cái mũ hình trụ đỏ.
Về chủng loại Tí hon thì Ma trơi hầu như chẳng biết gì hết. Nó chỉ nghe nói một lần rằng thứ dân này xây những thành phố trên cành cây, nhà cửa nối với nhau bằng cầu thang, thang dây và ván trượt. Nhưng họ sống ở một vùng khác của vương quốc Tưởng Tượng mênh mông, còn xa đây hơn người Ăn đá rất nhiều. Thành ra càng đáng ngạc nhiên hơn khi con vật gã Tí hon này dùng để cưỡi lại là một con ốc sên, ngồi ngay sau lưng gã. Một cái yên nhỏ bằng bạc óng ánh trên vỏ hồng hồng của nó, cả hàm thiếc lẫn dây cương buộc vào râu nó cũng ánh lên như những sợi bạc.
Ma trơi lấy làm lạ khi thấy ba sinh linh khác nhau đến thế lại cùng ngồi hòa hợp nơi đây, vì bình thường thì ở vương quốc Tưởng Tượng hoàn toàn không có chuyện các chủng loại sống hòa bình và hòa hợp với nhau. Đánh nhau, chiến tranh là chuyện cơm bữa, ngoài ra còn có cả những mối hận thù kéo dài hàng trăm năm giữa một số chủng loại nhất định, hơn nữa vương quốc Tưởng Tượng không chỉ có những sinh linh tốt và thành thật mà còn có cả thứ ăn cướp, ác độc và tàn bạo nữa. Chính Ma trơi cũng thuộc về một dòng họ mà người ta có thể chê trách đôi điều về tính đáng tin cậy của chúng.
Quan sát cảnh bên ánh lửa mãi một lúc Ma trơi mới nhận ra rằng mỗi gã trong ba hình thù kia hoặc cầm một lá cờ trắng tí tẹo hoặc quấn một dải băng trắng chéo qua ngực. Hóa ra chúng cũng là những kẻ đưa tin hoặc đi thương thuyết, và điều này dĩ nhiên cắt nghĩa được lý do khiến chúng cư xử hòa bình với nhau.
Biết đâu thậm chí có thể chúng đang trên đường đi với cùng một công chuyện như chính Ma trơi?
Chúng nói gì với nhau thì ngồi xa thế này khó biết được vì gió rào rào lồng lộn trên những ngọn cây. Song vì chúng tôn trọng nhau là kẻ đưa tin nên chắc cũng sẽ nhìn nhận Ma trơi trong tư cách ấy mà không làm khó dễ gì nó. Với lại đàng nào nó cũng phải hỏi thăm đường đi. Giữa rừng và đêm khuya tăm tối thế này thì hẳn là không có được một thời cơ thuận lợi hơn. Cho nên nó thu hết can đảm ra khỏi chỗ núp, phất lá cờ trắng, đứng run rẩy trong không khí.
Ăn đá đang nằm quay mặt về hướng nó nhận ra nó trước tiên.
- Tối nay ở đây tấp nập quá thể, gã nói với giọng ken két. Lại có một tay nữa đến kìa.
- Ô ô, một gã Ma trơi! Quỷ đêm thì thào và đôi mắt tròn như mặt trăng của nó sáng rực lên. Hân hạnh, hân hạnh!
Tí hon đứng dậy, đi vài bước về phía kẻ mới tới, kêu lanh lảnh:
- Nếu tôi không nhầm thì anh cũng tới đây với tư cách người đưa tin?
- Vâng, Ma trơi đáp.
Tí hon ngả chiếc mũ hình trụ đỏ, hơi nghiêng người nói líu lo:
- Ồ, thế thì mời anh lại gần hơn nữa, xin mời. Chúng tôi cũng là người đưa tin. Mời anh ngồi với đám chúng tôi.
Rồi gã đưa mũ chỉ vào chỗ trống bên đống lửa.
- Cám ơn, Ma trơi nói rồi rụt rè bước lại gần, tôi mạn phép. Xin được tự giới thiệu: tôi là Blubb.
- Rất hân hạnh, Tí hon đáp. Tôi là Uckuck.
Quỷ đêm cúi chào trong lúc vẫn ngồi.
- Tôi tên là Wuschwusul.
- Hân hạnh! Gã Ăn đá kêu ken két. Tôi là Pjornrachzack[6].
[6] Tất cả những tên này không có nghĩa gì hết.
Cả ba gã cùng nhìn Ma trơi khiến nó quay mặt đi vì ngượng. Giống Ma trơi rất không thích bị nhìn chòng chọc.
- Anh không thích ngồi à, anh Blubb thân mến? Tí hon hỏi.
- Thật ra, Ma trơi đáp, tôi đang rất vội, chỉ muốn hỏi các anh có thể chỉ giúp cho lối đi đến Tháp Ngà không.
- Ô ô! Quỷ đêm nói. Anh định đến chỗ Nữ-thiếu-hoàng[7] ư?
[7] Nguyên văn “kindliche Kaiserin”: bà hoàng (như) trẻ con.
- Đúng thế, Ma trơi nói, tôi phải cấp báo với bà một tin quan trọng.
- Tin gì thế? Gã Ăn đá kêu kèn kẹt.
- Ấy..., Ma trơi đứng đổi chân liên tục, … đó là một tin bí mật.
- Ba chúng tôi cũng cùng một mục đích như anh... Ô ô! Quỷ đêm Wuschwusul đáp. Ta là đồng nghiệp.
- Chưa biết chừng chúng ta mang cùng một tin đấy, Tí hon Uckuck nói.
- Anh ngồi xuống rồi nói rõ xem sao! Pjornrachzack kêu kèn kẹt.
Ma trơi ngồi xuống chỗ trống.
- Đất nước tôi, nó nói sau một lúc ngẫm nghĩ, ở cách đây khá xa... tôi không rõ có vị nào ngồi đây biết nước tôi chăng. Nước tôi tên là Đầm-lầy-mục-nát.
- Huuu! Quỷ đêm thích thú thở ra. Một vùng đất tuyệt vời!
Ma trơi cười gượng.
- Dạ, có đúng thế không ạ?
- Chỉ có bấy nhiêu thôi à? Pjornrachzack ken két. Anh đi vì chuyện gì mới được chứ, Blubb?
- Ở nước Đầm-lầy-mục-nát của chúng tôi, Ma trơi ấp úng nói tiếp, đã có chuyện xảy ra... chuyện thật khó hiểu... nghĩa là nói cho đúng thì vẫn còn đang tiếp tục xảy ra... thật khó diễn tả... bắt đầu bằng... chả là vì ở phía Đông nước tôi có một cái hồ... hay nói đúng hơn là trước kia có một cái hồ... tên là hồ Nước-canh-nóng. Chuyện khởi đầu qua vụ một ngày nọ cái hồ Nước-canh-nóng biến mất... tự dưng biến mất, các anh hiểu chứ?
- Anh muốn nói rằng, Uckuck hỏi, nó khô cạn à?
- Không, Ma trơi trả lời dứt khoát, nếu thế thì bây giờ ở đó là một cái hồ khô cạn. Nhưng không phải. Nơi trước đây là cái hồ bây giờ chẳng có gì cả... đơn giản là không có gì hết, các anh hiểu chứ?
- Một cái hố chăng? Gã Ăn đá lúng ba lúng búng.
- Không, hố cũng không, Ma trơi tỏ ra bối rối, một cái hố thì vẫn là một cái gì đó trông thấy được. Đàng này ở đó không có gì cả.
Ba gã đưa tin nhìn nhau.
- Trông nó như thế nào, ô ô, cái "không" ấy? Quỷ đêm hỏi.
- ́y thế mới khó nói, Ma trơi đau khổ cả quyết. Thật ra thì nó chẳng trông ra gì cả. Nó như... nó như... chao ơi, không có từ để diễn tả!
- Có phải, Tí hon xen vào, nếu nhìn vào chỗ đó thì như bị quáng, đúng không?
Ma trơi há hốc miệng nhìn Tí hon.
- Quá đúng! Nó kêu lên. Nhưng do đâu... tôi muốn nói là tại sao... hay là các anh cũng biết vụ này...?
- Khoan đã! Gã Ăn đá ken két xen vào. Anh hãy cho biết rằng chỉ một chỗ đó thôi sao?
- Mới đầu thì như thế, Ma trơi giải thích, nghĩa là chỗ đấy cứ lớn dần ra. Vùng chung quanh đấy cứ mất dần mất mòn sao đó. Cụ cóc bà Umpf vẫn sống với con cháu trong hồ Nước-canh-nóng bỗng dưng cũng biến mất luôn. Những người khác cũng đã rục rịch bỏ đi. Nhưng những vùng khác trong xứ Đầm-lầy-mục-nát cũng đã lần lượt bắt đầu bị như thế rồi. Đôi khi thoạt tiên mới là một Hư Không rất nhỏ thôi, chỉ to bằng quả trứng gà xứ đầm lầy chúng tôi. Nhưng chúng nhanh chóng phát triển. Ai mà sơ ý bước chân vào thì bàn chân biến mất tiêu, hay bàn tay, hoặc giả bộ phận nào khác lọt vào đấy. ́y thế mà không đau đớn gì, chỉ có điều kẻ đó bỗng dưng mất đi một miếng. Có những kẻ đến gần sát cõi Hư Không để cố ý bị rơi vào đấy. Hư Không phát ra một sức hút không cưỡng nổi, chỗ đó càng lớn thì sức hút càng mạnh. Không ai trong chúng tôi có thể giải thích điều khủng khiếp này là gì, từ đâu tới và chống lại như thế nào. Và bởi vì nó không tự biến đi mà cứ phát triển mãi nên cuối cùng chúng tôi quyết định phái người đưa tin tới Nữ-thiếu-hoàng, xin bà giúp và chỉ cho cách giải quyết. Kẻ đưa tin này chính là tôi.
Ba gã kia lặng lẽ nhìn mông lung.
- Ô ô! Một lát sau nghe có tiếng than của Quỷ đêm. Chỗ tôi cũng y như vậy. Và tôi cũng đi với cùng một mục đích... Ô ô!
Tí hon quay nhìn Ma trơi.
- Mỗi chúng tôi đây, tiếng nó lanh lảnh, đến từ một đất nước khác nhau của vương quốc Tưởng Tượng. Chúng tôi tình cờ gặp nhau ở đây. Nhưng mỗi người đều mang cùng cái tin ấy tới Nữ-thiếu-hoàng.
- Có nghĩa là, tiếng gã Ăn đá kêu ken két, cả vương quốc Tưởng Tượng đang lâm nguy.
Ma trơi hốt hoảng nhìn hết gã này qua gã khác.
- Vậy thì, nó vừa kêu vừa bật dậy, chúng ta không được trễ nải thêm một khoảnh khắc nào nữa!
- Thì bọn này cũng định lên đường ngay đây. Tí hon nói. Bọn này chỉ ngừng lại nghỉ vì trong rừng Haulewald này tối om om. Nhưng Blubb, bây giờ có anh là Ma trơi soi đường cho bọn này rồi.
- Không được đâu! Ma trơi kêu to. Tôi không thể nào chờ một kẻ cưỡi ốc sên được, rất tiếc!
- Nhưng đây là một con ốc đua mà! Tí hon phật ý đáp.
- Hơn nữa... ô ô! Quỷ đêm nói khẽ. Nếu không chịu thì tụi này không chỉ đúng hướng đi cho anh đâu!
- Mấy anh đang nói với ai mới được chứ? Gã Ăn đá càu nhàu.
Thì ra Ma trơi không nghe hết hai gã đưa tin kia nói đã vội nhảy những bước dài qua cánh rừng.
- Đành vậy, gã Tí hon Uckuck vừa nói vừa kéo cái mũ đỏ hình trụ xuống gáy, đàng nào thì có lẽ một gã Ma trơi cũng không phải là thứ thích hợp để làm đèn soi đường.
Rồi gã nhảy tót lên yên con ốc đua.
- Tôi thấy tốt hơn cả, Quỷ đêm nói rồi khẽ "ô ô" gọi con dơi của nó, mỗi người chúng ta nên tự đi theo cách của mình. Tôi bay đây!
Rồi gã vèo đi.
Gã Ăn đá dập tắt đống lửa bằng cách lấy bàn tay phẳng lỳ đập vài ba lần.
- Tôi cũng thích như thế hơn, tiếng gã ken két trong đêm tối, đỡ phải coi chừng xem lỡ có cán phải thứ gì bé tí tẹo không.
Rồi nghe có tiếng gã cứ nhắm rừng cây mà đạp rầm rầm chiếc xe đạp đá khổng lồ. Thỉnh thoảng gã lại đụng phải một thân cây cổ thụ rồi có tiếng gã càu nhàu. Những tiếng rầm rầm kia cứ xa dần trong bóng tối.
Một mình gã Tí hon Uckuck còn ở lại. Gã nắm dây cương làm bằng những sợi bạc rất mảnh nói:
- Để xem ai đến trước. Họ[8], bạn già, họ!
[8] Người dịch tạm mượn cách nông phu nước ta điều khiển trâu cày!
Và gã tặc lưỡi.
Rồi không còn nghe thấy gì nữa ngoài tiếng gió bão thổi ào ào trên những ngọn cây của rừng Haulewald.
Chiếc đồng hồ trên ngọn tháp gần đó điểm chín tiếng.
Đầu óc Bastian miễn cưỡng quay về với thực tại. Nó mừng khi thấy Chuyện dài bất tận chẳng liên quan tí nào đến thực tại cả.
Nó không thích loại sách đọc thấy khó chịu, kể lể những chuyện thường ngày trong cuộc sống thường ngày của bất kỳ những con người rất bình thường nào đó. Những thứ ấy thì nó biết thừa trong thực tại rồi, cần gì phải đọc nữa? Nó cũng ghét đọc nếu thấy rằng người ta cứ muốn nó học hỏi được điều gì trong sách. Mà trong những loại sách này thì người ta luôn luôn phải ít nhiều học được điều gì đó.
Bastian mê loại sách hồi hộp, vui nhộn hoặc là gây mơ mộng, loại sách mà các nhân vật trong đấy trải qua những cuộc phiêu lưu tuyệt vời và người đọc tha hồ mà tưởng tượng.
Gì chứ tưởng tượng thì nó rất giỏi - có thể đó là điều duy nhất mà nó làm được: tưởng tượng rõ đến mức gần như nó nhìn và nghe được. Khi nó tự kể chuyện cho mình nghe thì thỉnh thoảng nó quên hết mọi thứ chung quanh, chỉ khi chuyện chấm dứt nó mới tỉnh thức như qua một giấc mơ. Mà quyển sách này đây sao giống như những câu chuyện của chính nó đến thế! Bastian không chỉ nghe thấy tiếng những cây to kêu kẽo kẹt và tiếng gió ào ào trên các ngọn cây mà còn nghe cả những giọng nói khác nhau của bốn gã đưa tin kỳ quặc nữa, phải, thậm chí nó còn cho rằng đã ngửi được cả mùi rêu và đất rừng.
Lớp học dưới kia sắp có tiết Vạn vật học, chủ yếu là liệt kê các cụm hoa và túi phấn. Bastian khoái chí vì được ngồi đọc truyện trên này. Quả thật đó là quyển sách hợp với nó, nó nghĩ, hoàn toàn thích hợp!
Một tuần sau gã Quỷ đêm nhỏ thó Wuschwusul đến đích trước tiên. Hay nói đúng hơn gã chắc mẩm mình là kẻ đầu tiên, vì gã chạy trên không mà.
Khi gã nhận ra rằng con dơi của mình đang bay lượn trên Mê cung thì cũng là lúc mặt trời đang lặn, mây chiều lóng lánh như vàng lỏng. Mê cung là tên gọi của một đồng bằng bát ngát, trải dài từ chân trời này đến chân trời khác, một vườn hoa mênh mông duy nhất ngát những hương thơm mê mẩn và màu sắc tuyệt vời. Giữa các lùm cây, những đồng cỏ và những luống kỳ hoa dị thảo là chằng chịt những con đường thênh thang, những lối đi được bố trí cực kỳ hoa mỹ, khiến cả vườn hoa trở thành một mê cung rộng không tưởng tượng nổi. Dĩ nhiên Mê cung này được xây dựng chỉ để chơi và giải trí chứ không nhằm khiến cho ai đó bị nguy hiểm thật sự hay để chống lại những kẻ tấn công[9]. Nó không làm nổi việc này, còn Nữ-thiếu-hoàng hoàn toàn không cần một sự bảo vệ như thế. Bà không cần tự vệ trước một ai trong toàn vương quốc Tưởng Tượng mênh mông. Điều này có một lý do mà chúng ta sẽ biết ngay thôi.
[9] Các bạn đọc trẻ nên hiểu: “Mê cung” nghĩa là một nơi được bố trí khiến người ta mất phương hướng (mê).
Trong lúc ngồi trên lưng con dơi bay không một tiếng động trên Mê cung này thì gã Quỷ đêm bé nhỏ được dịp quan sát đủ loài động vật ở đây. Gã thấy một lũ kỳ lân non đang chơi đùa trên một khu đất trống ở giữa đám cây tử đinh hương, và kim tước dưới ánh hoàng hôn, gã còn tin rằng vừa thoáng thấy cả con chim phượng hoàng nổi tiếng đang nằm trong ổ của nó dưới cây hoa chuông khổng lồ màu xanh da trời, nhưng gã không chắc chắn lắm, mà quay lại để kiểm tra thì gã không muốn để khỏi mất thì giờ, vì ngay trước mắt gã, chính giữa Mê cung, đã hiện ra Tháp Ngà lấp lánh trắng huyền ảo, trái tim của vương quốc Tưởng Tượng, nơi Nữ-thiếu-hoàng ngự.
Cái từ "tháp" có thể khiến một kẻ chưa từng thấy chốn này hiểu lầm như tháp các nhà thờ hay lâu đài thành quách. Không! Tháp Ngà này to bằng cả một thành phố, trông xa giống một trái núi hình nón nhọn và cao, xoắn vỏ ốc mà đỉnh tận trên mây. Chỉ khi tới gần mới thấy rằng cái tảng đường phèn hình nón khổng lồ này gồm cơ man nào là tháp lớn tháp nhỏ, “chái”[10], mái vòm, mái thường, sân thượng, cổng vòng cung, cầu thang và bao lơn... lồng ngang lồng dọc vào nhau. Chúng làm bằng thứ ngà voi trắng nhất của vương quốc Tưởng Tượng, mọi chi tiết đều được chạm trổ công phu đến nỗi người ta có thể nghĩ rằng đó là một hàng chấn song với những chóp nhọn tuyệt hảo.
[10] “Chái”: nguyên văn Erker, một loại “phòng” rất nhỏ (nên khó có thể gọi là “phòng”) xây nhô khỏi tường trên các tầng cao, ba mặt có cửa sổ thường bằng kính, dùng làm nơi bố phòng ở các lâu đài cổ, còn nhà thường để có thêm nắng. Loại kiến trúc này hiện nay hiếm thấy.
Hết thảy triều thần quanh Nữ-thiếu-hoàng, các quan quản lý kho tàng, tì nữ, những nữ trí giả, các nhà chiêm tinh, nhà ảo thuật và những chú hề, những kẻ đưa tin, các đầu bếp và diễn viên xiếc, những cô nàng nhảy múa trên dây, những người kể chuyện, các viên quan phụ trách huy hiệu, những người làm vườn, canh gác, thợ may, thợ giày và nhà giả kim ở trong những tòa nhà kia. Còn Nữ-thiếu-hoàng ở tận trên cùng, nơi đỉnh nhọn cao nhất của ngôi tháp khổng lồ, trong cái đình tạ có hình một nụ hoa mộc lan trắng. Thỉnh thoảng, vào những đêm trăng tròn tuyệt diệu trên bầu trời đầy sao, những chiếc lá bằng ngà xòe to, nụ hoa nở thành một đóa hoa tuyệt đẹp với Nữ-thiếu-hoàng ngự chính giữa.
Gã Quỷ đêm cho con dơi đáp xuống một trong những sân ở phía dưới, nơi có chuồng cho lũ vật dùng để cưỡi. Hẳn có người báo tin trước nên đã sẵn năm chuyên gia chăm giữ thú vật của hoàng gia cúi chào đón gã, giúp gã xuống yên rồi lặng lẽ đưa mời gã nước uống theo đúng nghi thức. Wuschwusul chỉ nhấp một chút từ cái ly ngà cho đúng lễ nghi rồi đưa trả lại. Mỗi tay giữ thú vật cũng đều uống một hớp rồi lại cúi chào, đoạn dắt con dơi vào chuồng. Hết thảy những việc này đều diễn ra trong lặng lẽ.
Khi được dẫn tới chỗ dành riêng, con dơi không ăn cũng chẳng uống mà cuộn ngay thân lại, bám liền vào móc treo lộn đầu xuống, ngủ li bì vì mệt mỏi. Gã Quỷ đêm đã bắt nó bay hơi nhiều. Đám giữ thú vật rón rén đi ra, để nó được yên.
Trong chuồng này còn nhiều loài thú để cưỡi khác: một con voi hồng, một con voi xanh, một con chim khổng lồ nửa trên như đại bàng nửa dưới giống sư tử, một con ngựa trắng có cánh mà xưa kia tên gọi của nó vượt ra khỏi cương vực vương quốc Tưởng Tượng, nay đã bị lãng quên, vài con dơi quạ[11], dăm ba con dơi khác, thậm chí cả chuồn chuồn và bướm cho những người cưỡi tí hon. Trong những chuồng khác có loài thú để cưỡi khác, chúng không bay mà chạy, bò, nhảy hay bơi. Mỗi con đều có người chăm nuôi đặc biệt.
[11] Dơi quạ (tiếng Đức: Flughund - “chó bay”): loài dơi lớn, đầu giống đầu chó ngủ trên cây, khác loài dơi thường ngủ trong hang.
Đúng ra thì bình thường người ta phải nghe thấy ở đây một sự hỗn độn tiếng nói đáng kể: tiếng la, tiếng rít, tiếng hót, tiếng thì thào, tiếng ộp oạp, tiếng quang quác. Thế nhưng lại hoàn toàn yên ắng.
Gã Quỷ đêm vẫn đứng nguyên tại chỗ sau khi đám chăm giữ thú vật bỏ đi. Gã chợt cảm thấy nản chí và chán ngán mà không rõ tại sao. Chính gã cũng kiệt sức sau chuyến đi diệu vợi. Thành ra gã chẳng phấn khởi gì được là kẻ đến đầu tiên.
- Chào anh, gã chợt nghe có tiếng thì thào, chẳng phải anh bạn Wuschwusul đấy ư? Anh cũng đến rồi thì hay quá.
Quỷ đêm nhìn quanh, đôi mắt tròn như mặt trăng của gã sáng lên sửng sốt khi thấy gã Tí hon Uckuck đang đứng thờ ơ trên một bao lơn, tựa vào một chậu hoa bằng ngà, vẫy vẫy cái mũ đỏ hình trụ.
- Ô ô! Quỷ đêm chưng hửng nói, rồi lại "ô ô!" lần nữa. Gã không nghĩ ra được gì khôn ngoan hơn.
- Hai anh kia, Tí hon nói, đến giờ vẫn chưa tới. Tôi đến đây từ sáng hôm qua rồi.
- Nhưng... Ô ô!... Anh làm cách nào? Quỷ đêm hỏi.
- ́y, Tí hon mỉm cười pha chút kiêu ngạo, thì tôi đã nói với anh rồi, rằng tôi có con ốc đua mà.
Quỷ đêm đưa bàn tay hồng hồng nhỏ xíu gãi gãi chùm lông đen trên đầu.
- Tôi phải đến gặp Nữ-thiếu-hoàng ngay, gã nghẹn ngào nói.
Tí hon trầm ngâm nhìn gã.
- Hừm, Tí hon nói, tôi đã đăng ký từ hôm qua rồi.
- Đăng ký à? Quỷ đêm hỏi. Không gặp bà ngay được sao?
- Không đâu, Tí hon thì thào, tôi e phải chờ lâu lắm. Vì - biết nói thế nào nhỉ - có cả một đám rõ đông người đưa tin chen chúc ở đây.
- Ô ô..., Quỷ đêm rên rỉ, sao thế?
- Tốt nhất, Tí hon nói lảnh lảnh, anh hãy tự đến mà xem. Nào, mời anh Wuschwusul!
Rồi hai gã sóng vai đi với nhau.
Trên con đường chính hình xoắn ốc quanh Tháp Ngà lên trên cao, càng lên cao vòng xoắn càng hẹp lại, chen chúc một đám sinh linh hình thù kỳ dị. Những thần sa mạc[12] khổng lồ quấn khăn như khăn xếp, những thần lùn giữ nhà nhỏ xíu, những con tinh[13] ba đầu, những chú lùn râu ria rậm rạp, những nàng tiên tỏa ánh sáng, những con công có chân dê, những nữ dã nhân có bộ lông xoắn bằng vàng, những thần tuyết sáng long lanh và biết bao sinh linh khác đang đi lên đi xuống, hoặc tụm lại thành nhóm đứng cạnh nhau chuyện trò khe khẽ hay lặng lẽ ngồi dưới đất buồn bã nhìn đâu đâu.
[12] Dschinn: thần trong truyền thuyết của người Ả Rập.
[13] Troll: những yêu ma có thể biến hóa thành khổng lồ hay nhỏ xíu (theo truyền thuyết các dân tộc Bắc u)
Thấy đám đông này Wuschwusul liền khựng lại.
- Ô ô! Gã nói. Ở đây có chuyện gì thế? Họ đến cả đây làm gì?
Tất cả bọn họ là những người đưa tin, Uckuck khẽ giải thích, người đưa tin từ mọi vùng của vương quốc Tưởng Tượng. Và họ đều mang cái tin y hệt như của chúng ta. Tôi đã trò chuyện với nhiều người trong bọn họ. Có vẻ như khắp nơi đều xảy ra chuyện nguy khốn này.
Quỷ đêm thở thật to một hơi dài ảo não.
- Thế người ta có biết đó là chuyện gì và do đâu không? Gã hỏi.
- Tôi sợ rằng không. Không ai có thể giải thích được.
- Thế còn Nữ-thiếu-hoàng thì sao?
- Nữ-thiếu-hoàng..., gã Tí hon khẽ nói, đang lâm bệnh rất nặng. Có thể đó là nguyên do khiến cái tai ương không hiểu nổi kia đã giáng xuống vương quốc Tưởng Tượng. Song đến nay chưa một ai trong biết bao thầy thuốc hiện đang tụ tập trên Mộc lan đình tìm ra được Nữ-thiếu-hoàng bị bệnh gì và chữa trị cách nào. Không ai biết thuốc chữa.
- Ô ô! Thật là một tai họa, Quỷ đêm trầm giọng nói.
- Phải, Tí hon đáp, chính thế.
Trong hoàn cảnh như thế này thì Wuschwusul tạm thời không đăng ký xin yết kiến Nữ-thiếu-hoàng.
Hai ngày sau gã Ma trơi Blubb cũng tới nơi. Vì nhầm hướng nên gã đã phải chạy vòng rất xa.
Cuối cùng, ba ngày sau nữa, gã Ăn đá Pjornrachzack cũng lò dò tới. Gã cuốc bộ, vì trong một cơn đói bất chợt thắt ruột gan gã đã ăn sạch cái xe đạp đá - như lương thực để ăn dọc đường.
Trong thời gian dài chờ đợi, bốn gã đưa tin khác hẳn nhau này đã kết mối thâm tình và mãi sau này vẫn tiếp tục gắn bó.
Nhưng đó là một chuyện khác sẽ được kể vào một dịp sau.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.