Phần 4/5
13
Phó Kỳ Sơn ra khỏi viện, lên ngựa phi đi.
Ánh mắt nàng nhìn hắn rõ ràng là đã nhớ ra hắn nhưng trong lòng chỉ dâng lên phẫn nộ, hận thù và sợ hãi.
Nhớ kiếp trước, hắn tới Lý phủ tướng quân thăm hỏi lão thái quân lại bỗng chạm mặt nàng. Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời.*
(*Nguyên gốc: một thoáng kinh hồng, ý chỉ một cái nhìn thoáng qua nhưng lại khiến người ta ấn tượng mãi. Còn câu thơ trên trong bài Treo tình của nhà thơ Thục Linh)
Khi đó nàng đang uyển chuyển múa một khúc vũ y nghê thường giữa trăm hoa đua nở, đẹp đến không ai sánh bằng.
Hắn và tướng quân đột ngột xuất hiện sau cổng vòm lúc nàng đang xoay tròn, tay áo dài thướt tha phất qua mặt tướng quân rồi khẽ lướt qua môi hắn.
Không chỉ mình tướng quân kinh ngạc sững sờ trước vẻ đẹp diễm lệ này mà chính Phó Kỳ Sơn hắn cũng bị bắt mất hồn.
Về sau, hắn mượn tay đệ đệ ruột của phu nhân tướng quân mời tướng quân dẫn theo nàng đến dự tiệc phủ quốc công nhà mình.
Trên yến tiệc, hắn thẳng thừng yêu cầu nàng múa một điệu mua vui cho mọi người. Lý Quảng Phú đồng ý rất dứt khoát. Vẻ mặt nàng trông rất đau khổ, nàng đang nghĩ gì vậy?
Hắn nhân cơ hội mọi người tận hưởng cuộc vui, lặng lẽ quan sát. Hình như Lý Quảng Phú không coi trọng nàng cho lắm, đợi ít lâu nữa hắn sẽ lợi dụng mánh khóe đổi lấy nàng về tay.
Yến hội đã vãn, hắn bị Thiên Tử sai đi công chuyện. Đến lúc hắn xong việc quay lại thì hay tin nàng bị đâm trong phủ nhà mình.
Hắn âm thầm nghe ngóng bất chấp nguy cơ bại lộ đại sự, mới biết được sự thật thối nát phía sau.
Lý Quảng Phú siêng gửi nàng đi tham gia tiệc như thế cốt là để tích lũy quan hệ với các danh gia vọng tộc khác, dễ bề kéo bè kéo cánh. Nếu không phải bị biến thành trò tiêu khiển thì sao nàng có thể lọt vào bẫy của tên thứ tử nhà tể tướng được.
Lại nghĩ tới phủ tể tướng xưa nay cứ cản trở hắn đủ đường trong việc điều tra tham ô công quỹ, thù mới lại thêm hận cũ, nhất định hắn phải tính sổ hết một lần.
Không bao lâu sau hắn tra ra được Đại công tử phủ tể tướng háo nam sắc, Nhị công tử nhà bên đó trắng trợn cướp đoạt con gái nhà lành giữa đường xá. Hai kẻ này bị bắt giam rồi bị chơi chết trong ngục.
Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, Tể tướng cùng lúc mất hai đứa con trai, con nối dõi chỉ còn lại đúng thằng út đang bú sữa.
Nếu không phải Lý Quảng Phú cực lực can ngăn, e là Tể tướng đã cáo lão về quê.
Nhưng đến khi hắn muốn dùng vạn lượng vàng đổi lấy nàng thì mới biết nàng đã bị tra tấn đến phát điên từ lâu, nha hoàn thân cận của nàng, Đào Hồng cũng không còn nữa. Nàng bị vứt bỏ như một món đồ cũ, cả ngày điên điên khùng khùng.
Hắn từng đi biệt trang lén thăm nàng. Nàng cứ ngẩn người, thỉnh thoảng tỉnh táo thì khóc nước mắt nước mũi chảy dài, không còn yêu kiều xinh đẹp như xưa.
Trong lòng hắn bề bộn trăm mối tơ vò. Đây là cô nương từng khiến tim hắn loạn nhịp, cầu còn không được nhưng lại gặp thứ phụ tình như tướng quân, hắn nhìn mà xót thay.
Sau đó hắn gửi tin tới chỗ lão thái quân. Chính mắt thấy nàng được ma ma đón đi, hắn nghĩ trước đây là do sự si mê của bản thân hắn đã đẩy nàng lưu lạc làm vũ nương, hôm nay hắn giúp nàng coi như thanh toán sòng phẳng, từ giờ không ai nợ ai.
Tám năm sau đó, cuộc sống của hắn và nàng không còn giao thoa. Lần cuối cùng hắn nhớ tới nàng là khi Hoàng Đế sai hắn bí mật đột nhập thành trì ngoài biên cương, bắt được chứng cứ phạm tội của tướng quân.
Mấy năm nay danh tiếng của Lý Quảng Phú ở thành trì rất vang dội, đã đến nông nỗi bách tính chỉ biết Lý tướng quân mà không biết Thiên Tử, lời nói của tướng quân quan trọng hơn tất thảy.
Gần đây Lý Quảng Phú càng ngày càng ưa chinh chiến, dù đã đánh đến không có quân địch nào dám bén mảng đến dưới tường thành nhưng tướng quân vẫn lấy cớ chiến tranh kéo dài mà trái ý vời về kinh thành của Thiên Tử.
Hoàng Đế chỉ đành lấy phu nhân của Lý Quảng Phú ra cưỡng chế tướng quân về kinh, nhưng cũng vì vậy mà tình cảm quân - thần rạn nứt hoàn toàn. Nếu để tướng quân quay lại biên cương ắt sẽ thành mối hoạ của Đại Hạ.
Khổ nỗi Lý Quảng Phú làm việc kín đáo, chân tay thân tín có mặt đủ cả từ triều đình lẫn trong hậu cung, Phó Kỳ Sơn hắn ra sức tra xét thông tin mà không thu hoạch được gì, đang lo lắng thì đúng lúc có tin vui từ trên trời rơi xuống.
Đầu tiên là lão thái quân chết bệnh, vốn hắn định mượn cớ túc trực bên linh cữu để cầm chân Lý Quảng Phú ở lại kinh thành rồi nhân lúc phúng viếng lẻn vào thư phòng lục soát, không nghĩ tới lại thu hoạch được một bất ngờ.
Gã quản lý việc trong viện của lão thái quân lúc sinh thời cầm thư viết tay bí mật cầu kiến. Thư tố giác Lý Quảng Phú giết dân làm lương thực, mượn quyền công làm việc tư, cấu kết với giặc ngoại tộc, rõ ràng có thể tiêu diệt sạch quân địch nhưng lại cố ý thả chạy để bắt sống làm tù binh, chậm trễ việc nghe lệnh Thiên Tử, thậm chí âm mưu lật đổ quyền vua phép vua, không có chút tư tưởng trung thành nào.
Hắn nghĩ một chút cũng không khó đoán ra ai là người dâng số chứng cứ này lên.
Lăn lộn chốn quan trường, che giấu việc mình phụng mệnh Hoàng Đế mười năm, tự mình thấy không thể không bội phục sự kiên nhẫn nằm gai nếm mật của nàng.
14
Ngày Đại công tử phủ tướng quân làm lễ thành hôn, hắn dẫn binh lính đến bao vây và bắt toàn bộ người trong phủ vào đại lao chờ chết. Mũi tên xuyên qua thỏ vẫn còn có thể đâm chết hồ li, phủ tể tướng cũng đừng hòng thoát được xui lây.
Đáng lẽ hắn phải giữ lại cái mạng chó của Lý Quảng Phú nhưng không biết vì sao lại ra tay chém ngay tại chỗ.
Tuy nhiên bất kể hắn xới tung phủ tìm cách nào cũng không thấy nàng đâu.
Về sau, hắn nghe ngóng từ gã quản việc, giục ngựa không ngừng nghỉ phi đến huyện Liêu. Dẫu vậy, lúc đuổi đến nơi thì bệnh tình của nàng đã vào giai đoạn nguy kịch. Hắn núp dưới bóng cây đào cạnh sân, nàng ngủ hắn cũng vẫn nhìn không chớp mắt.
Liễu Quân Quân hình như đã nhận ra sự hiện diện của hắn nhưng không hề có ý định vạch trần. Hắn và nàng cách khoảng sân hẹp nhìn nhau không nói một lời.
Hắn thuê thám tử thường xuyên báo cáo với mình tình hình của nàng, ai biết chưa sang năm mới mà nàng đã nhắm mắt xuôi tay.
Sau đó hắn về triều làm quan, cưới một thê tử xinh đẹp, ở dinh cơ rộng lớn, nhưng mỗi lúc đêm khuya mộng tàn hắn lại nhớ tới nàng.
Tự hỏi lúc lâm chung, hồi tưởng cả một đời, tất cả mọi thứ trong cuộc sống của hắn đều rất viên mãn, chỉ trừ nàng. Hẳn là chưa từng có được mới không cam lòng.
Đến khi mở mắt, hắn phát hiện mình vậy mà quay trở về làm Đại công tử phủ quốc công, còn nàng vẫn chưa lưu lạc góc bể chân trời.
Hắn sai người đến huyện Liêu nghe ngóng tung tích của nàng, lại bắt gặp những thế lực khác cũng đang lùng sục ở đây.
Hắn cố ý tung hoả mù, vừa tỉ mỉ tra xét dấu vết nàng để lại vừa cẩn thận giúp nàng xoá tung tích.
Nhưng hắn ngàn tính vạn tính cũng không ngờ được tin tức của nàng lại truyền về từ tận Bắc Ngụy xa xôi.
Hắn vượt đường xá xa xôi cách trở, lòng hân hoan tìm đến tận cửa nhà nàng mà người trước mặt lại chỉ nhớ rõ hắn là cánh tay dìm nàng xuống sâu hơn trong Địa Ngục.
Búi tóc tang thương kiếp trước biến thành tóc mai xanh miết kiếp này.
Hắn nhìn miệng giếng bên sân, đôi ba con gà con vịt chạy cạnh bờ rào, vườn rau tươi non mơn mởn, áo quần của nam tử phơi nắng ở trước thềm, nhóc con đang vội vàng che chở nàng sau lưng.
Đột nhiên hắn nhẹ lòng hẳn. Cơn nghẹn trong lồng ngực trước khi chết ở kiếp trước bỗng dưng tiêu tan. Hắn nhắm mắt, ngừng hồi tưởng và lặng lẽ cười. Cầu mong kiếp này nàng sống bình yên tốt đẹp.
Tình chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, ngoảnh mặt đã thấy đậm sâu*.
(*Nguyên gốc: tình bất tri sở khởi, nhất vãng nhi thâm - trích từ vở kịch Mẫu Đơn Đình)
15
Sau khi Phó Kỳ Sơn rời đi, ta vịn vách tường chậm rãi ngồi xuống, mồ hôi lạnh thấm ướt áo.
Nhóc con thấy ta như thế thì vội vã bưng một chén nước nóng tới, sốt sắng nhìn ta chậm rãi hớp từng ngụm. Uống hết chén nước ta mới dần ấm người lại.
Ta như con cá vừa vượt thác ngàn, mỏi mệt vô cùng. Nhóc con đỡ ta loạng choạng vào giường nghỉ, ta kiệt sức đến mức chỉ có thể nằm im.
Thằng bé đứng cạnh giường, thậm chí không dám chạm vào ta.
Mãi đến chạng vạng tối, mọi người trong nhà lần lượt đi làm về.
Thằng nhỏ đã chơi mệt ngủ thiếp đi, ta mê mẩn nhìn bóng hình nhỏ bé đang nằm trên giường, sợ hãi đến phát run không nói nổi một lời.
Lúc trước ta cứ nghĩ trốn khỏi Đại Hạ thì sẽ có thể chạy ra được khỏi bánh xe vận mệnh, ai ngờ nơi đây chung quy là vẫn chưa đủ xa.
Mà năm nay cũng vừa đúng là năm Lý Quảng Phú đến đóng quân giữ biên cương.
Người trong nhà túm tụm lại cùng nhau mặt ủ mày chau.
Lý Tử Mặc đứng lên, siết chặt nắm đấm nói: "Chúng ta đi thôi, lại theo hướng bắc đi đến Tây Vực."
Cha ta vỗ Lý Tử Mặc ý bảo ngồi yên, ông ấy thở dài một tiếng rồi nói: "Họa là từ cha mà ra."
Mẹ ta tiến lên giữ chặt lấy tay ông ấy, nói:
"Nói ra thì khởi nguồn của mọi việc phải là từ ta mới đúng. Ngày còn trẻ ta bị lừa vào làm vũ nương trong phủ quốc công. Sau khi cập kê, ta nhờ một điệu vũ y nghê thường mà lọt vào mắt xanh của quý nhân ở hoàng cung, chẳng mấy mà vang danh khắp thiên hạ."
"Không ít kẻ tự xưng là con nhà quyền quý có thú tao nhã nghe danh tìm đến phủ quốc công, muốn mua một đêm xuân. Khi đó ta cao ngạo lắm, một mực chỉ bán tài nghệ không muốn bán thân, thà rằng tự nhảy chân trần trên đất lạnh giữa trời đông buốt giá đến kiệt sức ngã sõng soài trên mặt đất."
Mẹ nhìn cha, nói tiếp:
"Lúc ấy chỉ có mình cha con bước ra, cởi áo ngoài của mình phủ lên xiêm y mỏng manh của ta và đề nghị đỡ ta dậy. Ông ấy bị chúng bạn cười chê vì thế. Năm đó cha con chỉ là một gã thư sinh quèn phụ tá cho mưu sĩ của phủ quốc công, hai hôm sau đã bị quản gia tìm cớ quở trách rồi đuổi khỏi phủ."
"Ta hết cách, định quyên sinh để bảo vệ thanh danh, may sao được phu nhân của tướng quân giúp đỡ mới giữ được cái mạng."
"Phu nhân của tướng quân?..." Mọi người đều ngạc nhiên.
Mẹ ta nhìn cổ tay với ánh mắt xa xăm: "Tướng quân và phu nhân thích xem ca múa, liên tục mời ta vào phủ. Người ta nể uy của phủ tướng quân nên cũng biết điều phần nào, chỉ riêng Đại công tử phủ quốc công vẫn đeo bám không tha như cũ. Mà phu nhân của hắn thì có tiếng ghen tuông vô độ, bà ta định dùng tiền làm nhục ta. Phu nhân tướng quân phát giác, bỏ một số bạc lớn bảo ta rời đi trước. Ta và cha con hẹn nhau bỏ trốn giữa đêm đông, không dám dừng bước dọc đường, đến tận trấn kế bên mới dám nghỉ chân."
"Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Đại công tử phủ quốc công và phu nhân không hoà hợp được. Một ngày nọ hắn say rượu trượt chân ngã đập đầu vào bồn hoa, khi gã sai vặt phát hiện ra thì người đã từ trần. Ta biết phu nhân của hắn luôn ghen ghét ta, chỉ là không ngờ ngần ấy năm trôi qua rồi mà bà ta vẫn chưa từ bỏ ý định lùng bắt ta."
Mẹ lại đi đến trước mặt mẹ Lý, giờ là mẹ chồng ta, cúi mặt thở dài: "Là do nhà ta làm liên lụy đến nhà bên ấy. Giá mà ta có thể dứt khoát hơn thì sẽ không có kiếp nạn này..."
Mẹ Lý tức giận ngắt lời mẹ ta: "Bà thông gia hình như xem thường nhà họ Lý chúng tôi quá. Nó lấy vợ thì sống theo ý vợ có gì sai đâu. Việc chuyển nhà cũng là nó đồng ý trước, bà đừng nhắc lại nữa."
Trong lòng ta vừa mừng vừa xót.
Lão thái quân, phu nhân tướng quân năm đó, không chỉ cứu cha mẹ mà còn che chở cả ta. Kiếp trước ở phủ tướng quân, ta mang thai đầu lòng khó sinh, chính lão thái quân là người sốt sắng mời ngự y vào phủ. Về sau ta phát điên, cũng chính bà ấy sai ma ma đưa ta đến Nhã Viên dưỡng bệnh. Không có lão thái quân thì ta đã hóa thành một nắm đất vàng từ lâu rồi. Ta chưa báo đáp được chút nào công ơn của bà ấy. Mỗi khi nhớ tới vị quý nhân ngồi dưới lọng che ấy, lòng ta lại đau như cắt.
Lý Tử Mặc thấy ta hoảng sợ bất an thì đi đến cạnh giường ôm chặt ta. Cả nhà sầu não không thôi.
Lúc này ta đã bình tĩnh hơn, nắm tay Lý Tử Mặc, híp mắt nhớ đến chuyện ân oán kiếp trước của ta với phủ tể tướng và phủ quốc công. Rồi ta lại ra sức nén nỗi hận xuống đáy lòng.
Đối với những kẻ ở địa vị cao ấy thì ép chết thường dân như chúng ta dễ dàng không khác gì nghiền nát một con kiến.
Bọn họ không phải người mà lớp áo vải chúng ta có thể đối kháng, chúng ta tận lực sống tạm được cũng đã rất không tồi rồi.
Nhắc đến nữa ích gì? Có chăng lại thêm đau khổ mà thôi.
16
Hôm sau, cha ta và Lý Tử Mặc đi nghe ngóng tin tức. Lý Quảng Phú đã mang quân đến tiếp viện biên cương. Đại công tử phủ quốc công Phó Kỳ Sơn đi theo quân đội, phụ trách lương thực ở hậu phương.
Dù chưa chính thức giáp chiến nhưng các phần mộ đã chuẩn bị sẵn sàng cho những binh sĩ tử trận.
Thị trấn này nằm giữa biên giới, hoạt động mậu dịch phát triển vô cùng. Mọi người không phân biệt quốc gia, quý tộc hay dân thường đều tự do trao đổi hàng hóa nên quân địch vẫn ngang nhiên mua bán nơi đây.
Hơn mười năm qua, hôn nhân liên tộc rất phổ biến ở thị trấn này, dân số đã tăng gấp đôi. Văn hóa giao hòa, dân Bắc Ngụy quen thói hoang dã, người Hoa Hạ ưa lễ nghi. Bất kể là ai chỉ cần đến nơi đây, chăm chỉ làm việc thì sẽ được mọi người tôn trọng, trở thành một phần tử có tiếng nói của thị trấn.
Mấy năm gần đây càng ngày càng nhiều hộ gia đình định cư. Đầu tiên chỉ có một, hai nhà thử đến, tiếng lành một truyền mười, mười truyền trăm, dần phát triển thành một cộng đồng vững mạnh chia ngọt sẻ bùi hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Trải qua vài thế hệ vất vả khai hoang, thị trấn cũ nay đã sáp nhập với làng trên núi. Người dân huyện Liêu cùng nhau thành lập Tư Phương Đường, tổ chức lớn nhất toạ lạc ở toà nhà xa hoa nhất thị trấn.
Tư Phương Đường lưu giữ rất nhiều truyền thống của người Hán, ví dụ như nhà ngói và nghệ thuật thưởng trà. Bộ máy tổ chức rất chặt chẽ và liêm chính, mà cha ta là người đặt nền móng cho sự phát triển này.
Dù cha ta không phải học giả cũng không phải người truyền giáo nhưng đám học trò huyện Liêu đều tự coi cha ta là người dẫn đường chỉ lối và đối xử với ông ấy như cha đẻ.
Vốn cha ta có thể đồng ý giữ chức nguyên lão của tổ chức, nhưng cha ta thẳng thừng từ chối.
"Thành công không nằm trong tay ta, là tự mọi người nắm lấy. Ta không muốn thấy cảnh nam nhân chết trận sa trường, bỏ lại mẹ già con thơ, để thê tử phải buôn hương bán phấn nuôi gia đình. Người Hán chúng ta đi đến cùng trời cuối đất vẫn là một dân tộc, ta chỉ có thể dâng chút sức mọn dạy bọn nhỏ con chữ, mong chúng sau này chậm rãi ngẩng cao đầu kiêu hãnh nảy lộc đơm hoa thành đại thụ, bảo vệ gia đình."
"Đợi đến khi những mầm cây này vươn lên thật cao, cành lá sum suê, cảnh tượng ấy sẽ đẹp đến nhường nào."