“Chị muốn chuyển nhượng lại tiệm vải sao?” Tay còn đang cầm bộ đồng phục vừa cởi ra, Cát Niên lộ rõ vẻ ngạc nhiên.
Phương Đăng nói: “Chính xác mà nói, tôi muốn nhượng lại tiệm này cho em.”
“Tôi?” Cát Niên biết vẻ mặt của mình khi lặp lại câu nói của bà chủ chắc chắn là rất ngớ ngẩn, cô cười một cách lúng túng, “Sao lại có thể.”
“Sao lại không thể? Tôi không về đây nữa đâu, ngoại trừ em ra, tôi không biết còn ai thích hợp hơn để làm bà chủ tiếp theo của nơi này.”
Cát Niên không nói gì. Cô làm việc trong tiệm vải này đã 8 năm rồi, từ một nhân viên bình thường cho đến trưởng tiệm, từ lâu cô đã xem chỗ này là một phần cuộc sống của mình. Cô làm việc siêng năng cẩn thận, mọi chuyện lớn nhỏ trong tiệm cô thậm chí còn biết rõ hơn cả bà chủ Phương Đăng, song cô chưa bao giờ có ý nghĩ không an phận. Cô chỉ biết mình cần mức thu nhập này, lúc trước, thân mang tiền án đi tìm việc khắp nơi không có kết quả, là Phương Đăng đã cho cô cơ hội, còn cho cô lòng tin, có thế mới giúp cô được sống yên ổn an lành trong những năm qua.
Giờ đây Phương Đăng phải đi rồi, Cát Niên không dám nhiều chuyện hỏi người ta đi đâu. Người đứng ở trước mặt là chủ và cũng là ân nhân của cô, nhưng chuyện của đối phương, cô biết rất ít, đương nhiên, không phải là cô chưa từng nghe qua những lời đồn qua lại về bà chủ của mình từ những nhân viên khác, nhưng những điều này đều không liên quan đến cô. Lần trò chuyện dài nhất giữa cô và Phương Đăng là ngày cô đến xin việc, lúc ấy, cô nhân viên trẻ đến khiến Cát Niên bất ngờ ấy cũng đã giống như bây giờ, mời cô vào phòng nghỉ ở trong tiệm, hỏi cô học được kỹ thuật may vá từ đâu. Cát Niên thành thật khai báo học ở trong ngục, đối phương lại không hề lộ ra nét kinh ngạc và nghi ngờ, mà chỉ cười một cái, rồi nói tay nghề của mình là học từ viện cô nhi.
Cát Niên chưa từng nghĩ Phương Đăng lại nỡ bỏ lại tiệm vải này, bởi vì cô ấy từng nói, ký ức của cô về gia đình đã mơ hồ từ rất lâu, cái duy nhất còn rõ ràng chỉ là khung cửa sổ với màn vải màu đỏ đậm, đã vô số lần cô muốn đến gần cánh cửa sổ ấy trong giấc mơ, vén tấm màn đó lên để nhìn kỹ nơi mà cô quyến luyến, nhưng rồi mỗi khi ngón tay chạm đến tấm vải ấy, cô đều tỉnh giấc. Khung cửa sổ với màn vải màu đỏ đậm kia là nơi duy nhất gửi gắm quá khứ của cô, tiếc rằng dẫu cho là trong hiện thực, cô có cố chọn thế nào, cố ghép ra sao, cũng không thể tìm lại mảnh vải hoàn toàn ăn khớp với ký ức. Phương Đăng đùa rằng đấy chính là lý do khiến cô cố chấp muốn mở một tiệm vải.
Chẳng lẽ cô ấy đã tìm được cánh cửa sổ ấy của mình rồi?
Cát Niên không nói ra câu hỏi này, song đôi mắt gian manh như mèo của Phương Đăng lại dường như đã nhìn thấy suy nghĩ trong lòng cô.
“Có lẽ đã đến lúc thay đổi rồi.” Phương Đăng cười rất mập mờ, ngữ khí như có ý gì đó, “Chúng ta đều như nhau.”
Cát Niên không biết cái “chúng ta” mà Phương Đăng cố ý nhấn mạnh ấy là muốn ám chỉ điều gì, dạo trước Hàn Thuật lại bê mặt đến tiệm đón cô, lúc ấy cách giờ ra về còn đến mười mấy phút, anh nghênh ngang bước vào, còn trò chuyện vui vẻ với nhân viên làm cùng ca, làm cho hai cô gái cười mãi không ngớt, vừa đúng lúc bị Phương Đăng đến tuần tra đột ngột trông thấy, Hàn Thuật còn tưởng đó là khách, anh cười hì hì định giới thiệu sản phẩm cho đối phương, còn nói khoác rằng mình là trưởng tiệm. Lúc ấy Cát Niên hận đến mức chỉ muốn tìm cái lỗ nhét anh vào đó.
Nghĩ đến đây, da mặt của cô đỏ lên như chột dạ. Phương Đăng nhìn thấy cả, cô nói: “Em cũng là lúc dự tính cho tương lai rồi, em không thể làm trưởng tiệm suốt đời cho một tiệm vải.”
“Chỉ sợ tôi không có nhiều tiền như vậy.” Cát Niên thành thật. Cô đích thực có cảm tình với nơi này, nhưng nói thế nào cũng là lòng dư sức mọn.
Phương Đăng nói: “Giá tiền tôi đưa ra cho em không phải là con số thiên văn. Cát Niên, tôi cho em thời gian để suy nghĩ, nhưng phải nhanh, tôi không thể đợi quá lâu.”
Suốt chặng đường, Cát Niên đều lo suy nghĩ lời của Phương Đăng. Cát Niên là một người phục tùng theo thói quen, đối với cô, thay đổi không phải là một từ ngữ vui vẻ, nhưng nếu như Phương Đăng phải đi, vậy tiệm vải đổi chủ là việc không thể tránh khỏi, phương pháp lý tưởng nhất để duy trì hiện trạng không còn cách nào khác ngoài việc mua nó. Rất khó để ngăn chặn cô suy nghĩ, nếu như cô có một tiệm nhỏ thuộc về mình thì sẽ như thế nào, đặc biệt là một nơi mà cô đã bỏ hết tâm huyết vào nó trong 8 năm qua.
Giá tiền mà Phương Đăng đặt ra rẻ đến vượt ngoài tưởng tượng của Cát Niên, cô thầm nghĩ, nếu như những lời đồn đó là thật, vậy thì bà chủ của cô không hề thiếu tiền, cái được cho là tiền chuyển nhượng kia, nói kiểu nào cũng giống là một hình thức ký gửi hơn. Nhưng Cát Niên cũng thật sự là thẹn với túi tiền. Vì nuôi nấng Phi Minh, những năm nay cô không để dành được bao nhiêu, số tích lũy cuối cùng cũng đã dùng để lo xếp hậu sự của Bình Phượng. Tài sản duy nhất của cô chẳng còn gì khác ngoài căn nhà anh họ Tư Niên chuyển nhượng cho cô mấy năm trước - căn nhà Tiểu hòa thượng sinh ra và lớn lên, căn nhà cất giấu mọi nỗi nhớ của cô.
Cô đang phiền muộn, lại thêm vào thói quen cúi gằm đầu khi đi đường, do đó khi đi ngang tiệm tạp hóa trước cửa nhà, cô suýt bị giọng nói khiếp người của chú Tài làm vấp ngã.
“Ta nói Cát Niên à, cháu mà còn không về nữa là chú phải giữ Hàn Thuật nhà cháu ở lại ăn cơm rồi đấy.” Ngữ khí của chú Tài hàm chứa quở trách, phảng phất như đang nói cô là người vợ không gương mẫu.
Cát Niên ngước đầu lên, quả nhiên trông thấy Hàn Thuật chui ra từ quần người trong quán của chú Tài, khỏi phải hỏi, “Thần cổ phiếu” lại đang truyền đạt kinh nghiệm cho các ông chú bà dì “thôn thành” rồi. Lòng nhiệt tình mà họ dành cho anh thậm chí còn hơn cả Tạ Cát Niên - cô gái ít lời nhưng sinh sống tại đây đã nhiều năm. Bởi thế, Cát Niên cũng không buồn giải thích với chú Tài đang cầm quạt mo kia cái vấn đề Hàn Thuật có phải là của “nhà cô” hay là không, điều này chỉ khiến cho xóm làng càng thêm chọc ghẹo.
Hàn Thuật cùng cô đi về phía căn nhà cũ, cười nói: “Anh đói chết rồi!”
“Nhưng em đã ăn rồi.” Cát Niên không có gạt anh, cô đích thực không ngờ rằng anh lại đến. Sự thật là, mấy hôm trước họ có một cuộc tranh chấp, chính xác mà nói, là anh vừa nổi trận lôi đình, suýt nữa đã lại một lần đá hư cánh cổng sắt cũ kĩ, cái cơn giận đùng đùng ấy như là đã quyết tâm cả đời không thèm qua lại với cô nữa - chí ít cô không ngờ anh lại xuất hiện nhanh như vậy.
“Vậy em cũng phải làm gì đó cho anh ăn.” Hàn Thuật nói như rất có lý.
Giọng của Cát Niên càng ngày càng nhỏ: “Ờ... em đã ba ngày không đi chợ rồi.”
Khác với một người có yêu cầu cao với chất lượng cuộc sống như Hàn Thuật, Cát Niên sống theo kiểu đơn giản, trước kia khi Phi Minh còn ở đây, nấu cơm là việc không thể không làm, sau này Phi Minh đi rồi, Hàn Thuật lại ở lì chỗ của cô một thời gian dài, bản thân không làm thì thôi, lại còn kén ăn thích bới móc, suốt ngày bắt Cát Niên làm đủ món, sau đó vừa ăn vừa bình luận, làm cho Cát Niên sứt đầu mẻ trán, phiền đến không chịu được. Những ngày anh không ở đây, cô cũng được thong thả, sau giờ làm sẽ qua quán mì kế bên giải quyết bữa tối.
Sắc mặt của Hàn Thuật hơi thay đổi, Cát Niên cơ hồ đã tưởng rằng anh lại không vui rồi. Bất kể bề ngoài của anh có lịch lãm thế nào, bên trong cũng còn trẻ con như lúc trước, trước mặt những người càng thân quen thì anh càng dễ vui dễ giận, khiến người ta phải dỗ phải chiều, cơn giận tới nhanh rồi đi cũng nhanh. Nhưng không ngờ hôm nay lại không tái phát, trái lại anh chỉ ủ rũ đá viên gạch nhỏ cạnh chân, miệng bảo: “Ồ, hình như cũng không đói lắm.”
Nhớ lại cái ngày anh đá cửa bỏ đi, giận đến cả người run lên lần trước, rồi nhìn lại Hàn Thuật nhẫn nhịn bây giờ, Cát Niên bất giác mềm lòng.
“Hình như trong nhà còn mì ăn liền và hột gà, nếu anh muốn ăn...”
“Em suốt ngày ăn những thứ rác rưởi này!”
“Vậy thì thôi...”
“Gì mà thôi, mì phải nấu bằng nước chín, đổ nước đi rồi mới bỏ gia vị. Trứng phải chiên nha, nửa chín nửa sống. À phải, mì loại nào vậy?”
Lôi thôi một hồi, anh lại hứng khởi nói đến một quán ăn Việt Nam rất đặc biệt mà anh mới phát hiện gần đây, bảo rằng nhất định phải dắt cô đi ăn thử.
Cát Niên cười nghe anh nói, đứng tìm chìa khóa cổng. Nhìn cánh cổng lung lay như muốn sập xuống, Hàn Thuật xoa xoa mặt mình.
“Lát ăn xong anh qua bên chú Tài mượn đồ về sửa lại.”
Cát Niên đã có thể tưởng tượng ra nét mặt của chú Tài, thanh niên tinh lực quá thừa rồi, nếu không suốt ngày kiếm chuyện với cánh cổng sắt làm gì.
Vào đến nhà, Cát Niên đặt đồ xuống rồi đi vào bếp nấu mì cho Hàn Thuật. Trong quá trình chờ đợi, anh đi lòng vòng trong nhà như đã rời khỏi nơi này mười tám năm vậy.
“Chậc chậc, em xem này chỗ này bị dột nước rồi, chả trách chân tường lại mọc rêu.
“Em không cảm thấy xà ngang đã mốc rồi sao? Không chừng đang ngủ nóc nhà sập xuống chôn luôn đó.”
“Lá cây trước cửa em có thể quét một chút không, người ta không biết còn tưởng chỗ này ở đến năm hộ có bảo hiểm.”
Nói mệt rồi, anh tìm cái ghế ngồi xuống, không ngạc nhiên gì khi chiếc ghế tre cũ phát ra âm thanh “ót ét” quái lại, anh thấp giọng chửi rủa một câu, sau đó dùng giọng nói vừa đủ cho Cát Niên nghe thấy để mà “tự mình nói chuyện”: “Chỗ này quả thật là tốt quá đi, chẳng thua gì viện bảo tàng lịch sử, đâu đâu cũng là văn vật, chả trách có đánh chết em cũng không chịu rời khỏi, còn có người tự vác thân tới mua vé vào cổng tham quan.”
Cát Niên vẫn cứ im lặng, như không nghe thấy gì cả. Gần đây bất luận họ nói về chuyện gì đi nữa, cuối cùng cũng sẽ quay về đề tài này, đấy cũng là mồi lửa của cuộc cãi vã trước đó. Cô biết Hàn Thuật không thích chỗ này, và anh cứ mãi rời khỏi rồi lại trở về đây, là vì anh muốn dắt cô cùng rời khỏi.
Thật ra Hàn Thuật cũng đã sống ở đây một thời gian khá dài. Ba của anh, chánh án Hàn về hưu dưới phương thức không đẹp đẽ ấy không bao lâu thì đã qua đời do tim suy kiệt, giống như gốc cây to um tùm bị thương ở rễ, khô cằn trong một đêm. Điều đó đối với Hàn Thuật mà nói, chẳng khác nào một đòn chí mạng. Tuy mở miệng là anh nói hận ông già nhà mình, cũng xem khinh cách hành sự của đối phương, nhưng tất cả những bất mãn này đều cần phải có một Hàn chánh án còn sống để gánh chịu. Sự ra đi đột ngột của Hàn Thiết Văn làm sụp đổ toàn bộ những chính nghĩa của Hàn Thuật, bất kể khi còn sống ông ấy đã từng làm gì, là người như thế nào, thì khi tin dữ này truyền đến tai Hàn Thuật, người mà anh mất đi là ba của mình, là người cha từ nhỏ đã vô cùng nghiêm khắc nhưng lại chỉ có một mình anh là con trai. Anh thậm chí không dám rơi lệ trước di thể của ba mình, vì vài ngày trước khi ông phát bệnh, mẹ đã gọi điện bảo anh về nhà, anh biết rõ đó là ý của ba nhưng vẫn cố chấp không chịu về. Để đến cuối cùng, anh cũng không biết phải chăng chính hành động trình báo của mình đã trở thành cú đánh chí mạng cho ba.
Khoảng thời gian ấy, anh nấp trong nhà của Cát Niên, không chịu đi đâu. Cát Niên tuy biết rằng không nên cho anh ở lại, nhưng cũng không nhẫn tâm giậu đổ bìm leo, quan hệ của hai kẻ vốn đã không thể nói rõ càng trở nên hỗn loạn. Mãi đến khi Hàn Lâm về nước thu xếp hậu sự cho bố, mới tìm đến và đưa Hàn Thuật đi.
Cát Niên biết Hàn Thuật lâu nay rất thân thiết với chị hai, nhưng cô không biết Hàn Lâm đã dùng cách gì để khuyên giải Hàn Thuật, chỉ biết chắc chắn rằng anh đã khóc một trận đã đời. Hàn Lâm là một cô gái rất thông minh và sảng khoái, lúc ấy kiểu nào Hàn Thuật cũng kéo Cát Niên tới trước mặt Hàn Lâm, Hàn Lâm không nói gì, chỉ đối xử với Cát Niên như người nhà của mình vậy, song một ngày trước khi rời khỏi, cô đã có một cuộc trò chuyện riêng với Cát Niên.
Hàn Lâm nói, Hàn Thuật có lỗi với Cát Niên, điểm này không ai có thể phủ nhận, nhưng đứng trên lập trường của người thân, cô khẩn cầu Cát Niên hãy nể tình tấm lòng chân thành của Hàn Thuật, hoặc là yêu anh, nếu không làm được thì hãy nhẫn tâm với anh một lần, để anh triệt để dứt bỏ ý định, xem như là tha cho anh. Lúc ấy Cát Niên đỏ mặt tía tai, cô biết sự hàm hồ và do dự của mình đều đã lọt hết vào mắt của Hàn Lâm, nhưng Hàn Lâm là đúng. Hàn Thuật đã dùng hết sức cũng không đuổi theo được cơn mưa hoa đó, không ai có thể thay đổi quá khứ, nhưng họ vẫn cần phải có một đáp án.
Nhưng trước khi cô đưa ra được đáp án ấy, Hàn Thuật vừa tiễn chị hai đi thì đã vội vàng muốn đưa Cát Niên rời khỏi ngôi nhà này, với anh, nơi này không chỉ là không thích hợp cho sinh sống, quan trọng hơn nó là cái hồn chứa đựng mọi hồi ức của Vu Vũ, và những cái này lại chính là thứ mà anh mong muốn Cát Niên nhanh chóng buông bỏ, ngay cả mẹ anh cũng đã bằng lòng ngầm sự tồn tại của Cát Niên, anh không thể chờ thêm nữa và muốn được bắt đầu cuộc sống hoàn toàn mới với cô.
Nhưng Cát Niên lại chưa chuẩn bị đầy đủ tinh thần để đoạn tuyệt với ngôi nhà này. Cánh cổng sắt lung lay, nóc nhà dột nước, mảnh sân luôn rơi đầy lá tỳ bà, phảng phất nửa đời người của cô đều gắn với nơi này. Còn có Phi Minh, nó ra đi quá sớm, linh hồn nhỏ bé ấy phải chăng vẫn còn ghi nhớ căn nhà từng bảo bọc nó, và người cô đã chung sống 8 năm với nó.
Chính vì thế mà đã có cuộc tranh cãi kịch liệt đó. Cát Niên từ chối dọn khỏi nhà này, Hàn Thuật nghiến răng hỏi cô có phải vì đây là nơi Vu Vũ từng sinh sống, cô im lặng. “Vậy anh là gì? Anh là gì chứ?” Câu hỏi của Hàn Thuật như vẫn còn văng vẳng bên tai. Cô giống như cây tỳ bà ngoài sân vậy, không cần biết ngay từ đầu vì lý do gì mà nó được trồng ở đây, điều quan trọng là nó đã mọc rễ.
Những ngày Hàn Thuật biến mất, Cát Niên đã không chỉ một lần nghĩ đến lời khẩn cầu của Hàn Lâm. Yêu anh, hoặc tha cho anh. Việc trước cô không biết, còn việc sau, cô nghĩ cô làm được.
Như là bị sự im lặng của cô cảm nhiễm vậy, Hàn Thuật cũng không lên tiếng nữa, nghĩ chắc là vì không muốn khơi lại chuyện không vui lần trước, nút thắt này đã gỡ không được, vậy anh chỉ còn cách đi vòng qua nó.
Nhưng sự yên ắng này vẫn khiến anh cảm thấy bất an. Một lúc sau, Hàn Thuật lại tìm được một đề tài.
“Công trình di dời mộ liệt sĩ hôm sau sẽ bắt đầu, em có biết không?”
Trong tiếng xì xèo chiên trứng phát ra từ nhà bếp, hình như anh nghe thấy Cát Niên “ừm” một tiếng.
Sự im lặng của cô đối với việc này khiến cho Hàn Thuật có hơi bất ngờ, suy nghĩ lại, cũng không có gì lạ, thế là lại tự mình lầm bầm: “Cũng phải, nơi cậu ấy bị té có còn hay không cũng chẳng là gì, dù gì trong lòng em cậu ta vẫn luôn sống trong ngôi nhà này.”
Giọng nói của anh không lớn, cơ hồ bị tiếng nồi xẻng lấp mất, một lúc sau, Cát Niên tắt bếp.
“Anh lầm rồi. Hiện giờ anh ấy đã ở bên Phi Minh.” Cát Niên đưa mì cho Hàn Thuật với nét mặt nghiêm túc, trên trán lấm tấm mồ hôi. “Trứng chiên lỡ tay rồi, anh ăn đỡ đi.”
“Ở bên Phi Minh... em biết rồi?” Hàn Thuật cầm đũa lên rồi mới phản ứng ra lời nói của Cát Niên, anh ngơ ngác nhìn cô.
Phi Minh ra đi không bao lâu, Trần Khiết Khiết đã di dời mộ của Vu Vũ ra khỏi chốn hoang dã, và chôn cùng với con gái. Chuyện này Hàn Thuật đã biết từ lâu, nhưng anh luôn giữ kín miệng trước Cát Niên, còn căn dặn Trần Khiết Khiết đừng nhắc đến chuyện này trước mặt Cát Niên.
Cát Niên ngồi xuống bên cạnh anh, cũng là chiếc ghế “văn vật” nhưng nó lại vô cùng nghe lời.
“Sao lại không cho em biết?” Cô hỏi.
Hàn Thuật không trả lời.
Anh biết chuyện đó có thể đả thương Cát Niên, để cô biết rằng Vu Vũ cho dù có chết rồi thì cũng không phải là của cô. Thế nhưng ngay cả trong cuộc tranh cãi lôi đình ấy anh cũng không hề nói nó ra, bởi vì anh sợ Cát Niên đau lòng.
“Lễ Thanh Minh trước em có đến thăm anh ấy, nhưng mộ đã bị dời đi rồi. Em nghĩ sẽ không ai có hứng thú với một cô hồn, ngoại trừ người thân. Thật ra như vậy cũng tốt.” Cát Niên thấp giọng nói.
Hàn Thuật nuốt mì, anh đã bận rộn cả ngày trong công việc, buổi trưa cũng không ăn gì, thật sự là đói lắm rồi, cũng chẳng còn sức đâu bới móc tài nấu nướng của cô nữa. Anh thấy hơi kỳ lạ, lâu nay Cát Niên không có thói quen viếng mộ.
“Em cảm thấy như vậy cũng tốt thật ư?” Anh muốn xem xét thần sắc của cô thông qua màn khói của sợi mì.
Vẫn là nét mặt lạnh nhạt thường ngày, không thể nhìn ra được cảm xúc.
“Nếu anh ấy còn sống, thì cũng nên sống chung với họ.”
Hàn Thuật vốn định nói gì đó, ngờ đâu bị sợi mì làm cho sặc đến thở không kịp. Cát Niên vỗ lưng cho anh.
“Anh gấp gì chứ, không ai giành với anh đâu.”
Khó khăn lắm mới ngừng được cơn ho, Hàn Thuật tìm lại được giọng nói của mình, lại vội vàng mở miệng.
“Từ từ thôi.” Cát Niên nói.
“Không phải, anh muốn nói, em không muốn dọn khỏi đây cũng được, nhưng phải cho anh vào đây ở.” Anh dùng giọng nói ù ù quái dị nói với Cát Niên, sau đó lập tức né khỏi ánh mắt của cô, tiếp tục chúi đầu vào tô mì.
Cát Niên im lặng ngồi nhìn Hàn Thuật, thật kỳ lạ, bao năm qua, trong tất cả những ảo tưởng của cô đối với Tiểu hòa thượng, lại chưa từng có cảnh tượng như bây giờ: cô lặng lẽ, mỉm cười ngồi trước mặt anh, nhìn anh ngấu nghiến tô mì do chính tay mình làm. Bình thường đến thế, lại chân thật đến thế.
Hàn Lâm nói, có lúc chúng ta sẽ phát hiện ra toàn bộ niềm tin chúng ta dành cho một người đến cuối cùng lại là một sai lầm lố bịch.
Còn Phương Đăng nói, tôi đã không còn nhớ cánh cửa sổ đó như thế nào nữa, nói không chừng nó căn bản không mang màu sắc mà tôi tưởng. May thay hiện giờ tôi còn một cánh cửa.
“Không được.” Cát Niên trả lời Hàn Thuật.
“Tại... tại sao?” Anh đập mạnh đôi đũa xuống, mặt đỏ bừng, như hoàn toàn không thể chấp nhận đáp án này.
Cát Niên nói: “Vì em phải bán căn nhà này, để mua lại tiệm vải chỗ em đang làm.”
“Vậy em ở đâu?”
Hỏi xong, Hàn Thuật mới chợt cảm thấy mình khờ chết đi được, anh xoa xoa mặt mình, và rồi cứ thế, nhìn cô cười.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]