Càng lớn thế giới tâm hồn của Cát Niên càng rộng lớn hơn, cửa thì càng ngày càng nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa đủ cho một người đi qua, thế nhưng chưa từng có ai đi qua cả, trên cánh cửa đã có nhiều lớp bụi bám, chỉ có mặt trong cửa là sạch trắng như bong.
.
Lúc học lớp Sáu, Cát Niên trông đã như một thiếu nữ dịu dàng. Sự hoạt bát sôi nổi, lanh lợi và khát vọng thể hiện mình của cô dần dần bị mai một, bây giờ cái mà mọi người hay thấy ở cô nhất chính là suốt ngày vùi đầu vào sách vở, gấp sách lại thì ngồi ngây ra một mình, ai có gọi thì cô chỉ mỉm cười e lệ mà thôi.
Đến lúc này, vợ chồng Tạ Mậu Hoa đã bớt mắng mỏ Cát Niên hơn trước, ngoài việc cô dành quá nhiều thời gian cho đủ các loại sách tham khảo khác nhau khiến bố mẹ cô rất không hài lòng ra thì có thể nói Cát Niên đã tạm đạt đến yêu cầu của bố mẹ: yên tĩnh, trầm lặng, ngoan ngoãn, không khiến cho bố mẹ phải lo lắng. Thực ra bố mẹ cô không còn mắng mỏ cô nhiều như trước nữa phần lớn là bởi vì bây giờ tâm trí của bố mẹ đều dồn cả vào việc “cố gắng” sinh con trai. Bố mẹ cô lúc sinh cô ra là đã làm ngược lại lời kêu gọi sinh con muộn của nhà nước, bây giờ tuổi cũng không còn trẻ nữa, bao nhiêu lần hy vọng rồi lại bao nhiêu lần thất vọng, nhưng khát vọng có được cậu con trai cứ cháy bỏng không nguôi, khó khăn cũng không nản y như khi Einstein phát minh ra ánh đèn vậy.
Công tác kế hoạch hóa gia đình rất nghiêm ngặt, vợ chồng Tạ Mậu Hoa âm thầm phấn đấu mấy năm liền, chuyện này chỉ có Cát Niên là biết rõ nhất. Khối lượng kiến thức đồ sộ mà cô đọc được cộng với thời gian dài dằng dặc tự chơi một mình khiến cô thông minh hơn các bạn cùng lứa. Bạn bè đồng nghiệp của bố mẹ cô và cả những người thân trong gia đình khi gặp cô đều phải thốt lên: “Con bé này duyên dáng lại xinh xắn, ngoan ngoãn quá.” Những lúc như thế này, vợ chồng Tạ Mậu Hoa mới liếc nhìn cô con gái với ánh mắt tự hào, nhưng Cát Niên chẳng bao giờ nói gì nhiều thậm chí đến khi cười cũng chỉ hơi hé môi mà thôi.
Thật ra, không biết từ lúc nào, Cát Niên không còn cảm thấy tủi thân và cô đơn khi bố mẹ không quan tâm đến mình nữa, cô cũng chẳng thấy mình có gì buồn tẻ cả. Chính vì không muốn trở thành một “đứa trẻ lưu lạc” mà cô đành phải thể hiện cho bố mẹ thấy mình là một cô bé trầm lặng yên tĩnh, thế nhưng trong tâm hồn cô chứa đựng cả một thế giới với muôn vàn màu sắc, thế giới ấy vô cùng rộng lớn, thế giới ấy vô cùng đặc biệt, trong thế giới ấy chỉ có một mình cô vui đùa thỏa thích.
Lúc người ta khen cô duyên dáng ngoan ngoãn có lẽ là lúc cô đang ngắm nghía đôi giày dưới chân họ. Từ hình dạng của chiếc giày có thể phán đoán rất nhiều điều về người đi giày, người đi chân chữ bát thì đế giày có những vết mòn rất đặc biệt, người có dáng đi không đồng nhất thi mũi giày hỏng rất nhanh, cô này ngày nào cũng đi giày cao gót, lúc nào cô ấy cũng thấy mình không đủ cao, mũi giày của chú kia có vết ướt, thế nhưng thành phố đã bao nhiêu lâu nay không có mưa rồi... Đương nhiên, sự tò mò của cô không chỉ dừng lại ở giày dép, đôi tay của họ, vết nhăn trên quần áo hay nét mặt của họ khi nói chuyện đều rất thú vị, quan sát những chi tiết như thế khiến Cát Niên cảm thấy vô cùng thích thú.
Sức tưởng tượng của Cát Niên cũng phong phú hơn các bạn đồng lứa, trò chơi hằng ngày cô thích nhất chính là ngồi tưởng tượng hết chuyện này đến chuyện khác. Nhìn thấy hai con kiến một con bò trước một con bò sau trên tường phía sau ghế sofa, cô có thể tưởng tượng ra rằng hai con kiến này vừa mới cãi nhau xong, một con bò phía trước, một con ngại ngùng lững thững đuổi theo đằng sau. Cục tẩy càng ngày càng nhỏ lại, cô coi nó như là một chị nữ béo, tối nào sau khi mọi người ngủ rồi, chị tẩy cũng phải tập thể dục để giảm béo, và cuối cùng chị đã được gầy như ý muốn.
Lúc cô ngây ra là lúc trong đầu cô toàn những thứ kỳ quặc như vậy, ấy vậy mà khi người khác gọi cô, cô lại lập tức trở lại thành một cô bé ngoan ngoãn dịu dàng như bình thường, cô vâng lời, dễ bảo và còn có chút rụt rè nữa. Cánh cửa thế giới tâm hồn này của cô đóng chặt, bố mẹ cô cũng chưa từng được bước vào, tuy rằng Cát Niên đã từng nghĩ rằng nếu như bố mẹ thích, cô sẽ rất sẵn sàng mở cửa cho họ. Thế nhưng, bố mẹ cô chưa từng phát hiện ra cánh cửa này, họ chỉ biết rằng cô con gái ngoan ngoãn này thỉnh thoảng có những hành động hơi kỳ quặc khác người, ví dụ như là táo thì cô thích cắt ngang, ăn mì thì thích quấn mì vào đũa thành những hình thù kỳ quặc rồi tự cười thầm một mình.
Càng lớn, thế giới tâm hồn của Cát Niên càng rộng lớn hơn, cửa thì càng ngày càng nhỏ, nhỏ đến mức chỉ vừa đủ cho một người đi qua, thế nhưng chưa từng có ai đi qua cả, trên cánh cửa đã có nhiều lớp bụi bám, chỉ có mặt trong cửa là sạch trắng như bong.
Cát Niên ngày càng ít nói, thế nhưng cô lại rất vui vẻ trong thế giới tâm hồn của mình, không hề thấy cuộc sống này có gì tẻ nhạt.
Nếu người khác không đem lại cho cô niềm vui thì cô sẽ tự tìm niềm vui cho mình.
Mỗi lần nhìn trộm thấy mẹ trong nhà vệ sinh tay cầm que giấy gì đó là Cát Niên biết, em trai cô lại một lần nữa mất tích rồi. Điều này khiến cô cảm thấy thích thú, thậm chí còn thấy may mắn, bởi vì ngày nào em trai cô chưa xuất hiện thì ngày ấy cuộc sống hiện tại của cô vẫn có thể được duy trì lâu hơn nữa. Tuy rằng ý nghĩ này có vẻ hơi ích kỷ, cô giáo có nói, đứa trẻ nào ích kỷ thì không phải là đứa trẻ ngoan. Ha ha, tha thứ cho cô bé hiền lành này nhé.
Vào khoảng học kỳ hai của năm lớp Hai, Tạ Mậu Hoa bắt đầu làm lái xe riêng cho Viện phó Viện Kiểm sát. Cát Niên cho rằng, chắc là ông Viện phó mới nhậm chức này phải làm việc cần mẫn lắm đây, bởi vì ông ấy suốt ngày đi công tác, bố cô cũng phải đi theo ông ấy khắp nơi, hai ba ngày mới về nhà một lần.
Trẻ con từ đâu ra nhỉ? Cho đến lúc này Cát Niên vẫn chưa tìm thấy câu trả lời từ sách vở, mặc dù tất cả những loại sách mà cô tìm được, tất cả những chữ mà cô đọc được cô đều thích xem, báo truyền hình báo phát thanh cô đều say sưa xem nhưng cô không hề tìm thấy chỗ nào giải thích em trai cô ra đời như thế nào, hoặc có lẽ có giải thích thì cô vẫn chưa hiểu hết. Tuy vậy, ít nhất có một điều Cát Niên rất rõ chắc chắn phải cần hai người mới có thể sản xuất ra em bé (giống như hai người cùng nhau làm bánh mì vậy, người nhào bột, người lên men),nếu một người không có thời gian thì thể nào cũng không thể cho ra sản phẩm được. Do vậy Cát Niên tạm yên tâm được một thời gian.
Nói ra thì con của Viện phó Viện Kiểm sát Thành phố cũng cùng tuổi với cô, hồi học lớp vỡ lòng còn học với cô nửa năm. Ấn tượng của Cát Niên về cậu bé này chỉ là cậu ta bị cô túm lấy tay bắt quay không biết bao nhiêu vòng, đến khi dừng lại thì phần vì bị chóng mặt phần vì sợ quá, há hốc cả miệng.
Nhớ lại thời gian đó, tuy những đứa trẻ đi học tại trường mẫu giáo của Viện Kiểm sát đều là con em cán bộ trong Viện, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng như đứa trẻ nào, có những đứa trẻ là con lái xe, nhân viên nhà ăn như Cát Niên hoặc là con công nhân làm điện nước, bảo vệ, những đứa trẻ còn lại khác đương nhiên là con của kiểm sát viên và lãnh đạo.
Những đứa trẻ tuổi như Cát Niên hồi đó không hiểu mấy về sự khác biệt giai cấp, cũng không biết làm thế nào để phân biệt những thứ này, thế nhưng bố mẹ chúng thì hiểu rất rõ. Giống như con trai của Phó chánh án Viện, lớp vỡ lòng học được một tháng rồi cậu mới chuyển đến, lúc đó trông cậu vừa bé vừa thấp, lại còn bị cận thị bẩm sinh nữa, trên mũi đeo một đôi kính, đối với những đứa trẻ mà nói thì chẳng đẹp đẽ tí nào, vì cậu lớn lên ở ngoại tỉnh nơi bố cậu công tác nên khi chuyển đến đây, cậu chẳng hiểu tí nào tiếng địa phương, chỉ toàn nói tiếng phố thông, thứ tiếng mà nói lưỡi cứ xoắn hết vào nhau. Thời gian đầu, bọn trẻ con toàn cười giễu sau lưng cậu, không thích chơi với cậu, cô giáo cũng chẳng ngó ngàng gì đến cậu, nếu như không phải là một trong bảy chú lùn đã định tự nhiên bị ốm thì chắc chắn cậu không bao giờ có cơ hội được lên sân khấu. Cả một năm vỡ lòng, chẳng ai có ấn tượng gì với cậu bé này, sau khi tốt nghiệp mẫu giáo, cậu cũng không được như các cô cậu con nhà lãnh đạo khác đi học đúng tuyến ngay tại trường Tiểu học Thúy Hồ, mà bố mẹ cậu phải đưa cậu đi học tận trường Tiểu học thuộc trường Trung học số 7, nếu như không thỉnh thoảng nhìn thấy cậu đi học về thì chắc mọi người đã quên mất sự tồn tại của cậu bé này rồi.
Ấy vậy mà, chỉ trong vòng vẻn vẹn có hai năm, bố của cậu bé này từ chức vụ lãnh đạo một phòng ban tiến thẳng lên chức Viện phó, kể từ sau đó, mọi việc thay đổi hoàn toàn. Những cô cậu tìm đến nhà cậu chơi sau khi tan học không hiểu sao đông hơn trước nhiều, bọn họ nói nhà cậu có rất nhiều đồ chơi mới thú vị. Viện phó có lái xe riêng đưa đón, nhân tiện đưa đón con đi học luôn, Tạ Mậu Hoa chính là lái xe của Viện phó. Không nhớ là lần nói chuyện sau bữa cơm nào, rõ ràng Cát Niên nghe thấy bố nói với mẹ là thằng con trai nhà họ Hàn này trông chẳng ra sao cả. Thế mà bây giờ bố lại cứ hay xuýt xoa là cậu công tử nhà Viện phó hay ngồi sau tay lái ông thông minh - đương nhiên, Cát Niên không thế nào so sánh với cậu ta rồi.
Cát Niên không quan tâm đến mấy chuyện này, đến tận khi đi học cấp Một, cô vẫn cứ suốt ngày nhớ nhầm tên cậu bé ấy.
Có lẽ cậu bé vẫn còn nhớ lần biểu diễn tồi tệ khi bị người khác lôi nhầm hồi học lớp vỡ lòng nên tuy rằng bố mẹ của Cát Niên và bố mẹ cậu thường xuyên tiếp xúc với nhau qua công việc thế nhưng mỗi lần gặp nhau trong sân khu tập thể, cậu bao giờ cũng ngoảnh mặt quay đi.
Vào một buổi chiều cuối tuần, được bố mẹ cho phép, Cát Niên ăn cơm tối xong xuống chơi ở sân khu tập thể, lẩm nhẩm hát mấy bài hát nhi đồng mà chỉ có mình cô hiểu, chân đá sỏi dưới bóng mát trên con đường phủ đầy cây xanh trong khu tập thể, bỗng nhiên nghe thấy có tiếng người gọi từ xa phía sau lưng “Tạ Cát Niên”, cô ngơ ngác quay đầu lại, trên con đường xanh mát dài dằng dặc ấy không thấy ai khác ngoài cậu con trai nhà ông Viện phó, trong tay cậu vẫn còn đang cầm chiếc vợt cầu lông.
“Cậu gọi tớ đấy à?” Cát Niên ngây thơ ngập ngừng hỏi lại. Mẹ Cát Niên đã từng nói, khi người khác gọi mình mà mình không đáp lại chứng tỏ là con nhà thiếu giáo dục.
Thế nhưng cậu bé ấy chẳng đáp lại câu nào, ngay lúc đó, một đứa trẻ khác sống trong khu nhà cán bộ tình cờ đi qua, cậu ta chào cậu con trai nhà ông Viện phó, cậu con trai nhà Viện phó giả như không hề nghe thấy câu hỏi của Cát Niên chạy mất hút đi thật xa, để đến nỗi sự việc xảy ra một thời gian sau Cát Niên vẫn còn nghi hoặc thị giác của mình có vấn đề.
Kể từ sau lần đó, Cát Niên không còn gặp lại cậu con trai nhà Viện phó nữa, cô cũng tìm được cho mình một thú vui mới. Những chữ cô biết mỗi ngày một nhiều hơn, có một lần ngẫu nhiên cô tìm được quyển tiểu thuyết võ hiệp đã có phần tơi tả ở dưới gầm giường của bố, cô lập tức bị lôi cuốn và đắm chìm trong thế giới võ hiệp, có lẽ thế giới tâm hồn của cô đã được trang hoàng bởi thế giới giang hồ lãng mạn này. Từ đó, nỗi đam mê tiểu thuyết võ hiệp của Cát Niên cứ ngày một mãnh liệt hơn. Từ hồi tiểu học cô đã bắt đầu gặm nhấm những quyển tiểu thuyết dày cồm cộm, gặp phải chữ nào không hiểu cô lại phải tra “Tân Hoa tự điển”. Mặc dù tình tiết trong tiểu thuyết cô chỉ hiểu lơ mơ, nhưng điều này không hề ảnh hưởng đến hứng thú của cô.
Sau này, tuy Cát Niên đã xem hàng trăm nghìn bộ tiểu thuyết võ hiệp, thế nhưng truyện mà cô thích nhất vẫn là cuốn sách tả tơi rách nát đến thê thảm mà cô phát hiện ra dưới gầm giường của bố, mà mãi sau khi lên lớp Ba cô mới biết đó là một cuốn trong bộ tiểu thuyết Thần châu kỳ hiệp của tác giả Ôn Thụy An. Cát Niên gửi gắm tất cả những kỳ vọng của cô về bạn đời vào nhân vật nam chính tên Tiêu Thu Thủy trong tiểu thuyết này.
“Gió đà thổi mát chốn chân trời, không biết sao rồi ý nghĩ ai? Hồng nhạn xa vời, tin tức vắng; sông hồ tràn ngập, nước thu đầy.” (1)
(1). Bản dịch Trần Trọng San. Nguyên văn âm Hán: “Lương phong khởi thiên mạt, Quân tử ý như hà? Hồng nhạn kỷ thời đáo, giang hồ thu thủy đa.”
Ôn Thụy An chỉ dùng có mấy câu đơn giản như vậy để giới thiệu về người đàn ông mà Cát Niên rất đỗi khâm phục và ngưỡng mộ. Anh phong độ phi phàm, trọng tình trọng nghĩa, hào hiệp trượng nghĩa, xứng danh là một đại anh hùng. Thế nhưng, cái thu hút Cát Niên nhất lại không phải là những câu chuyện về cái thiện chiến thắng cái ác, mà là câu chuyện tình say đắm giữa Tiêu Thu Thủy và Đường Phương.
Đường Phương là công chúa nhỏ của Đường Môn ở Tứ Xuyên, bà nội của Đường Phương là Đường Lão thái thái không thích Thu Thủy, thế nhưng thật trớ trêu, Đường Phương và Tiêu Thu Thủy tình cờ gặp nhau trên giang hồ, trong một trận giao đấu không quen biết họ vừa nhìn thấy nhau đã quyết định bên nhau trọn đời. Thực ra, trong suốt toàn bộ câu chuyện, Đường Phương và Tiêu Thu Thủy chỉ được ở bên nhau trong một thời gian rất ngắn, sau đó là cả một chuỗi thời gian dài xa cách, cả cuộc đời họ cứ đi tìm nhau, và để lỡ nhau hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, Tiêu Thu Thủy đơn phương độc mã xông vào Đường Môn, xả thân chiến đấu mở ra con đường máu chỉ là để gặp được Đường Phương.
Từ trước khi hiểu được tình yêu, Cát Niên đã sắp đặt trước cho mình hình mẫu về câu chuyện tình của bản thân, giống như cô tự sắp xếp kết cục mà cô mong muốn cho tình yêu của Tiêu Thu Thủy và Đường Phương vậy.
Trong gió thu và lá thu rơi đầy, Tiêu Thu Thủy dắt tay Đường Phương.
Đường Phương nói: “Anh hãy đưa em đi đi.”
Tiêu Thu Thủy khẽ gật đầu, rồi hai người nắm tay nhau bay đi mất, thoát khỏi Đường Môn, thoát khỏi thế giới giang hồ, thoát khỏi sự kìm kẹp áp bức, bay đến một thế giới chỉ có riêng hai người mà thôi.
Không thể nào quên nổi, không bao giờ quên nổi, cái nhìn đầu tiên là anh ấy (cô ấy),mãi mãi chỉ có anh ấy (cô ấy). Đây là Tiêu Thu Thủy trong tưởng tượng của Cát Niên, và cũng là người yêu của cô trong tưởng tượng. Còn những người khác, ngớ ngẩn cũng thế, thông minh cũng vậy, đối với cô tất cả đều chỉ là người xa lạ mà thôi.
Để được xem tiểu thuyết võ hiệp, Cát Niên học được cách tiết kiệm tiền từ tiền ăn sáng, mỗi sáng cô tiết kiệm một tệ mấy hào để ra cửa hàng cho thuê truyện gần trường thuê truyện, bạn học của cô cũng đến đó, nhưng những sách mà bọn họ đọc đều là truyện tranh, cô còn học được cách bọc bìa sách giáo khoa ra ngoài tiểu thuyết để qua mắt cô giáo, qua mắt cả bố mẹ.
Có lẽ do bị phân tán sức chú ý, thành tích tiểu học của Cát Niên không được tốt cho lắm. Các đề toán cô đều biết làm, các bước làm đều đúng cả chỉ có kết quả là không đúng thôi; Ngữ văn vốn là thế mạnh của cô, thế nhưng những bài tập làm văn cô viết lại chả ra làm sao. Cô đại khái giống như cái bình bụng to mà miệng nhỏ, trong bụng có rất nhiều thứ nhưng lại không dễ gì mà dốc ra được.
Các thầy cô giáo đều không thể nào “tiêu hóa” nổi những bài văn của Cát Niên, không phải là vì nó quá hoang đường mà là vì nó quá kỳ quặc. Ví dụ như là, cô giáo yêu cầu viết một bài với tiêu đề “Điều tôi thích nhất”, Cát Niên thật thà viết thế này: Điều mà tôi thích nhất đó là ngồi một mình bên cạnh song cửa số hóng gió, cứ ngồi mãi như vậy, ngồi mãi như vậy, rất thích thú, rất thích thú...
Cho dù cô có dùng bao nhiêu dấu ba chấm, nhắc đi nhắc lại sự thích thú của cô bao nhiêu lần đi chăng nữa, đều không thể nào góp cho đủ số chữ mà cô giáo yêu cầu. Hơn nữa, cô giáo có vẻ như chẳng thấy việc ngồi bên cửa sổ có gì đáng thích thú cả, cô bắt Cát Niên miêu tả cụ thể hơn nữa, càng cụ thể hơn nữa.
Thích thú là thích thú, làm sao mà miêu tả bằng ngôn ngữ được chứ? Cho dù phần điền từ vào chỗ trống cô đều làm đúng hết nhưng chỉ vì mỗi phần làm văn này mà cô chưa từng bao giờ giành được giải thưởng gì. Cho đến trước khi học cấp Ba, lớp cô có bốn mươi học sinh thì cô luôn luôn xếp ở vị trí thứ hai mươi, nếu như lớp cô có năm mươi học sinh thì cô sẽ xếp ở vị trí thứ hai mươi lăm. Cô không phải rất xuất sắc, nhưng cũng không phải là quá kém, cô chưa từng gây ra chuyện gì ở trường, không đi muộn, về sớm, trên lớp không hay nói chuyện riêng, ngoài việc cô thích ngồi ngây ra một mình thì trong học bạ của cô chẳng có khuyết điểm nào khác. Bố mẹ cũng không có lý do gì để trách mắng cô, họ chẳng có hy vọng gì ở cô cả - hy vọng của họ đều dồn vào cậu con trai hiếm muộn hết rồi.
Khi Cát Niên lên lớp Ba, đúng vào lúc cô tưởng cậu em trai của mình sẽ không xuất hiện nữa thì trên mặt bố mẹ cô lộ ra nụ cười rạng rỡ, từ thời gian đó, mẹ cô không làm ở nhà ăn Viện Kiểm sát nữa, suốt ngày mẹ cô ở trong nhà, và ngày một béo hơn.
Nỗi lo sợ của Cát Niên ngày càng lớn. Cô để ý thấy bố mẹ thường thầm thì sau lưng cô, và bắt đầu thường xuyên gọi điện cho bác của cô, cô biết, bố mẹ đang chuẩn bị đưa mình đi nơi khác, để dành chỗ cho em trai. Lúc đó, cô đã từng lóe lên một ý nghĩ vô cùng ác độc, đó là mong sao lúc mẹ cô rửa bát, lau nhà, xem ti vi hoặc trong lúc lẩm nhẩm hát, em trai cô bị tụt ra khỏi bụng mẹ, không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, vĩnh viễn không còn nữa, như vậy thì cô có thể tiếp tục được sống ở đây.
Chỉ tiếc rằng ý niệm của cô không thể chi phối được hiện thực. Khi bụng của mẹ to bằng ngọn đồi nho nhỏ, mẹ chuyển hẳn đến ở nhà bác ở ngoại thành, rất ít khi mẹ xuất hiện trong sân khu tập thể. Cát Niên tuần nào cũng mang đồ tiếp tế cho mẹ theo dặn dò của bố. Khi bụng mẹ to bằng ngọn núi, mẹ chuyển hẳn đến ở nhà một người họ hàng ở nông thôn.
Cuối cùng cũng có một ngày, Cát Niên vác trên mình một chiếc ba lô, vừa đi vào nhà bác vừa ngoái lại nhìn bố, bố cô đã quyết định để cô sống ở nhà bác.
Bác sắp xếp chỗ ở cho Cát Niên, trước khi bố về lần đầu tiên ông cúi xuống vuốt má Cát Niên. Ông hắng giọng mãi rồi mới nói: “Con cứ ở tạm đây rồi sau này bố mẹ đến đón con.”
Cát Niên siết chặt lấy chiếc ba lô bé nhỏ, giống như đây là tất cả của cô vậy.
Cô làm cho bố mẹ thất vọng rồi, lần này, cô không hề ngoan ngoãn gật đầu mà nhìn chằm chằm vào mắt bố, rồi hỏi: “Sau này là bao giờ? Có em trai rồi, bố mẹ còn đến đón con nữa không?”
Câu hỏi này khiến bố cô nghe xong không biết chui xuống đâu nữa, mặt ông biến sắc, rồi vội vã bỏ đi. Có lẽ chính vì câu nói này của Cát Niên mà rất ít khi bố đến thăm cô trừ những lúc đến đưa tiền sinh hoạt phí.
Bác dỗ dành Cát Niên: “Bố mẹ cháu không muốn xa cháu tí nào đâu, trong lòng bố mẹ cháu cũng thấy có lỗi với cháu lắm đấy.”
Thực ra là bác lo Cát Niên sẽ khóc nhè, nhưng Cát Niên lại hỏi lại bác: “Có lỗi là gì ạ?”
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]