Long Võ Minh Chủ bỏ tập sách xuống, chậm rãi nói với Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Trần Triệu Đường Chủ, bản tòa biết Đường Chủ trực tính, nhưng hành sự nên phân trước sau, lớn nhỏ. Đúng hay sai, Phi Mã Đường Chủ cũng là bậc tiền bối, kể cả đối với bản tòa. Xem trong tập sách, bản tòa cũng chỉ thấy đệ tử các phái ngoại trừ Tản Viên và Giao Long Bang. Tản Viên thì dễ hiểu là vì phái Tản Viên có nhiệm vụ bảo vệ Minh Chủ Thành. Long Võ Đường thì bảo vệ Long Đình Lâu nên cũng không kể. Chính bản tòa cũng tự thấy khó tin thuộc hạ Giao Long Bang không một ai phạm nội quy.
Trần Triệu Quốc Nguyệt đáp:
‒ Sỡ dĩ thuộc hạ Giao Long Bang được như vậy chính là do các phó đường chủ thay phiên nhau canh gác hằng đêm.
Nàng hướng Phi Mã Đường Chủ Mai Nhật Sinh cung tay:
‒ Tôi cũng tự thấy mình quá lời đối với Đường Chủ và biết đó là điều không đúng. Mong Đường Chủ rộng dung.
Mai Nhật Sinh hừ một tiếng, ngồi tránh qua một bên nói mát:
‒ Thuộc hạ Phi Mã Đường chểnh mảng trong trách nhiệm, bị phạt hai mươi côn là đáng. Còn thuộc hạ Tế Tác Đường bắt tay với địch, hành vi bạo ngược thì tính làm sao đây ta?
Trần Triệu Quốc Nguyệt quắc mắt:
‒ Phi Mã Đường Chủ nói năng xin được cẩn thận một chút.
‒ Ấy ấy cho lão phu xin lỗi Đường Chủ vậy. Lúc đó lão phu không có mặt, chỉ nghe thuộc hạ các nơi báo tin thuộc hạ Tế Tác Đường phóng hỏa Y Dược Đường, rước voi về dầy mả tổ. Tất nhiên Tế Tác Đường không làm chuyện đó, do thuộc hạ những nơi kia mắt mờ dạ xấu. Lão phu xin phép Tế Tác Đường Chủ vài mươi côn để phạt những kẻ nói bậy, vu oan người tốt.
Trần Triệu Quốc Nguyệt biết Mai Nhật Sinh nói kháy mình, nàng cũng không chịu kém:
‒ Nếu thuộc hạ Phi Mã Đường không mở cổng, voi chúng tôi rước chỉ có thể dầy xéo bên ngoài, làm sao vô được?
Mai Nhật Sinh trợn mắt:
‒ Mi… mi… mi không được quá hỗn xược như vậy.
‒ Đang đêm hai bến đò Khánh An và Khánh Thịnh cũng bị tập kích. Long Võ Trang, Minh Chủ Thành mà chúng còn vô được nữa là An, Thịnh. Chúng tôi bị cướp vật dụng, địch dùng để giả mạo chúng tôi để mà quấy phá.
‒ Mi… nói sao mà không được. Mi có bí mật bắt tay thì trời mà biết.
Trần Triệu Quốc Nguyệt định lên tiếng tiếp tục tranh luận thì Huệ Giác đại sư và sư bà Mẫn Diệu cùng niệm hồng danh đức Phật. Huệ Giác đại sư can ngăn:
‒ Xin hai vị bớt nóng giận để đừng làm mất hòa khí trước mặt Minh Chủ. Theo ý riêng thì thuộc hạ các nơi không nên bị phạt quá nặng. Tất cả chúng ta đều biết Tế Tác Đường vô tội, Mai Đường Chủ không nên làm cho sự việc đi quá đà.
Huệ Giác đại sư đạo cao đức trọng, khắp Long Võ Trang không ai không kính cẩn, nể vì. Mai Nhật Sinh đành nén lửa giận:
‒ Lão phu xin nghe theo lời của đại sư.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng nói:
‒ Dạ thưa đại sư tôi xin vâng lời.
Nàng hướng Minh Chủ:
‒ Mục đích của tập sách đó không phải dùng để chỉ trích các môn phái hay tự đề cao bản thân. Mục đích của nó là báo cho Minh Chủ biết nội quy của Trang không được tuân theo một cách nghiêm ngặt.
Long Võ Minh Chủ trả lời:
‒ Vậy theo ý Trần Triệu Đường Chủ bản tòa phải làm như thế nào?
‒ Dạ thưa Minh Chủ, như tôi đã nói, nguồn gốc chính nghĩa của võ lâm là ở Long Võ Trang. Ngay như trong tầm mắt của Minh Chủ mà kẻ dưới còn không tuân theo kỷ cương thì nói chi ngồi trong trướng mà quyết thắng ngoài vạn dặm, đương đầu với ma giáo. Tôi cho rằng những người có trong danh sách đều bị phạt từ mười đến hai mươi côn. Riêng Pháp Hình Đường là nơi chấp pháp của Long Võ Trang mà cũng vi phạm, tội nặng gấp đôi.
Mẫn Diệu sư bà nghe đến đó chỉ biết nhắm mắt lại miệng lâm râm đọc kinh. Hầu hết các vị đường chủ khác đều tỏ ý bất mãn nhưng không ai nói ra. Long Võ Minh Chủ lại hỏi:
‒ Hai mươi côn cho mỗi người. Riêng đệ tử phái Mê Linh phải đến bốn mươi côn. Như vậy có nặng quá chăng?
Trần Triệu Quốc Nguyệt bênh vực chủ kiến của mình:
‒ Bẩm Minh Chủ, không thể có cách nào khác. Ngày xưa Tôn Vũ vì muốn quân lệnh được nghiêm minh mà còn chém đầu người thiếp yêu của Ngô Vương Hạp Lư. Đức Thái Tông bản triều phạt nặng những vị quan đại thần nào vắng mặt trong những lúc thề ở đền thần Đồng Cổ để giữ vững giềng mối Đại Việt. Nay Minh Chủ muốn thắng ma giáo mà lại không chấp hành nội quy, sửa trị những người vi phạm thì làm sao có thể thống lĩnh quần hùng. Nếu lệnh không nghiêm thì quân không mạnh, luật không nghiêm thì quân không nghe, tướng không nghiêm thì quân không thắng, chủ soái không nghiêm thì quân sẽ loạn. Ma giáo đạt được bốn yếu tố trên nên họ ít người, phải viễn chinh mà lại chiến thắng. Còn ta đông hơn gấp bội, ở đất nhà mà bị thất bại. Nếu ta muốn đạt thắng lợi thì phải nghiêm minh.
Giảng Văn Đường Chủ Trần Hải Chí khẽ than thầm trong lòng:
‒ Giao Long Bang phái một người như vầy thay mặt đến đây, không biết đó là phúc hay là họa cho Giao Long Bang.
Long Võ Minh Chủ khẽ thở dài:
‒ Luật lệ nghiêm minh thì đạt được sức mạnh thật đấy. Nhưng quá nghiêm minh thì sức mạnh ấy chỉ là tạm thời vì nó sẽ làm mất lòng người. Tế Tác Đường Chủ tuổi còn trẻ nên phải biết phân nặng nhẹ. Nếu nói như Đường Chủ, thân làm Minh Chủ bản tòa phải làm gương cho kẻ dưới. Trận chiến vừa rồi bản tòa là người đứng lược trận, thế nhưng bản tòa đã không quyết định thỏa đáng để cho sự việc xảy ra, trách nhiệm không thể tránh khỏi. Con dại thì cái phải mang. Do đó bản tòa tự phạt mình hai mươi côn và đích thân Trần Triệu Đường Chủ chấp hành thay vì Pháp Hình Đường Chủ.
Nghe Long Võ Minh Chủ quyết định, tất cả những người hiện diện đều tái mặt. Nhưng không ai trong lòng bị dao động bằng Trần Triệu Quốc Nguyệt. Nàng vội quỳ xuống chấp hai bàn tay lên trước trán thốt:
‒ Minh Chủ… sao Minh Chủ có thể làm như vậy được? Tôi… tôi không thể nào làm như vậy được.
Lúc bình thường ngôn ngữ nàng rất sắc bén, nhưng giờ đây muốn tìm lời để nói cho suông nhưng thấy khó khăn vô cùng. Long Võ Minh Chủ điềm nhiên:
‒ Không phải Trần Triệu Đường Chủ là người đề ra quy luật nhất nhất phải nghiêm minh hay sao? Sao Đường Chủ lại bảo là không thể?
‒ Nếu tôi chấp hành phạt Minh Chủ thì Giao Long Bang uy sẽ lớn hơn Long Võ Trang nhưng lực lại không bằng. Một rừng không thể có hai mãnh hổ. Giao Long Bang tất bị Long Võ Trang diệt. Nguyên khí chính phái bị tổn thương thì ma giáo sẽ lộng hành. Tôi là kẻ dưới mà xử phạt người trên, cương thường đảo lộn, lớn nhỏ bất phân. Như vậy giềng mối võ lâm, cội rễ của trời Nam còn ra cái gì nữa? Tôi trăm lần xin, vạn lần xin Minh Chủ rút lại lời nói.
Long Võ Minh Chủ mỉm cười gật đầu. Ông rời khỏi ghế đến trước mặt Trần Triệu Quốc Nguyệt đưa hai tay nâng nàng đứng lên và nói:
‒ Đó là lý do tại sao bản tòa nói nếu luật pháp quá nghiêm minh thì sẽ làm mất lòng người. Lòng người mà mất thì sức mạnh còn đâu. Trần Triệu Đường Chủ còn trẻ, hành sự phải suy nghĩ trước sau. Những lời lẽ chính khí của Đường Chủ đưa ra tuy rất đúng, nhưng Đường Chủ phải nghĩ đến lời nói của mình có tác dụng gì đến những người khác. Tạ Tổng Đường cao niên, đáng bậc làm cha của Đường Chủ; Phi Mã Đường Chủ tuổi đáng bậc làm ông, thế nhưng Đường Chủ có khi nào để họ trong mắt hay không? Bản tòa muốn Đường Chủ phải suy nghĩ đến những gì bản tòa mới nói.
Trần Triệu Quốc Nguyệt ngỡ ngàng. Long Võ Minh Chủ ngày thường điềm đạm, đối xử với ai cũng hòa nhã nên được mọi người kính mến và tuân phục. Ông không gắt gỏng hay nóng giận, dễ dãi với mọi người nhưng không vì vậy mà thiếu vẻ uy nghi của một vị minh chủ võ lâm. Long Võ Minh Chủ nhìn cử tọa một lượt:
‒ Những gì Tế Tác Đường Chủ đưa ra không phải hoàn toàn vô lý, bản tòa chỉ thấy hình phạt hơi nặng. Do đó bản tòa tòng quyền giảm hình phạt một nửa. Riêng đệ tử thuộc Pháp Hình Đường chỉ phải chịu thọ hình như những nơi khác mà không cần phải gấp đôi. Các vị Đường Chủ có cao kiến gì không?
Các vị đường chủ cùng đứng lên thưa:
‒ Đa tạ Minh Chủ khai ân.
Riêng Trần Triệu Quốc Nguyệt thì nói:
‒ Nếu đệ tử các phái đều bị phạt mà Giao Long Bang được tha, tôi nghĩ đó không phải là điều hay. Nhưng nếu thuộc hạ mình không phạm tội mà lại bắt phạt, đó là điều bạo. Bản thân mình là bang chủ, làm quấy mà lại để cho thuộc hạ gánh, đó là điều nghịch. Bạo hay nghịch đều không phải cái làm của kẻ trí. Do đó tôi tự phạt tôi mười côn, trước xin tạ tội với Minh Chủ, sau xin các vị Đường Chủ, các vị trưởng bối, dung thứ cho Trần Triệu Quốc Nguyệt này trẻ người non dạ.
Nghe Trần Triệu Quốc Nguyệt đích thân phạt mình tạ tội, các vị đường chủ đều hả dạ trong lòng, đổi giận làm vui. Riêng Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo thì trố mắt nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt. Không biết trong lòng bà đang nghĩ cái gì. Duy có sư bà Mẫn Diệu và hòa thượng Huệ Giác là tâm không được an lạc. Sư bà nói với Long Võ Minh Chủ:
‒ Trần Triệu Bang Chủ trẻ người khó tránh được lầm lỗi. Xét lại nội quy bản Trang thì tội cũng không có gì, mười côn thì hơi nặng đấy, thiết nghĩ Minh Chủ rộng dung thì hơn.
Long Võ Minh Chủ chưa kịp trả lời thì Trần Triệu Quốc Nguyệt đã lên tiếng:
‒ Xin đa tạ lòng từ bi bao dung của sư bà. Con có tội mà không gánh chịu, cũng như cái nghiệp đến mà không trả, thì biết đến chừng nào mới thoát?
Sư bà lẳng lặng không nói gì. Long Võ Minh Chủ gật đầu:
‒ Trần Triệu Đường Chủ biết suy nghĩ chu đáo như vậy, bản tòa rất vui mừng.
Như sực nhớ ra điều gì Long Võ Minh Chủ nói tiếp:
‒ À này, nói đến ma giáo chúng ta đã bỏ sót qua một chi tiết rất quan trọng. Đó là hai thanh bảo kiếm trong tay giáo chủ ma giáo. Hai thanh bảo kiếm kia cộng với pho kiếm pháp phi thường sẽ gây cho chúng ta rất nhiều trở ngại. Trong bọn giáo chúng do Hồ Nguyên Hoa huấn luyện chắc cũng thành tựu ít nhiều.
Pháp Hình Đường Chủ Mẫn Diệu sư bà nói:
‒ Thật khó thể tin thanh kiếm Đào giáo chủ dùng để giao đấu với chúng ta sắc bén không kém thanh Thiên Hương. Thật là đáng lo ngại.
Bảo Trang Đường Chủ Phạm Hoàng Sơn cũng nói:
‒ Những thanh kiếm chúng ta dùng trong lúc phát huy kiếm trận đều là kiếm tốt. Chỉ tiếc là uy của chúng không đủ nên lúc đầu còn miễn cưỡng sau bị lấn át và cuối cùng là bị chém hư hết, bây giờ không khác gì phế vật. Một thanh đối đầu còn không xong nữa là hai thanh. Chúng ta chỉ có hai thanh Uy Long và Long Võ là chịu được.
Luyện Võ Đường Chủ Hồng Sơn Nam thắc mắc:
‒ Mà lạ nhỉ, năm xưa chúng ta không thấy thị dùng thanh kiếm kia, không biết thị dấu ở đâu.
Tạ Đức Uy suy diễn:
‒ Thanh kiếm Thiên Hương trước do chúng ta giữ, thanh thứ hai là do Hồ Nguyên Hoa đem đến. Có lẽ năm xưa bà ta giao cho Hồ Nguyên Hoa thanh kiếm đó cất giữ nên ta mới không thấy.
Đột nhiên Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo nói:
‒ Hai thanh kiếm của giáo chủ ma giáo có ghê gớm đến đâu, trong nhất thời chúng ta không cần phải ngại.
Lê Kính Văn, đô tổng quản của Long Võ Trang và cũng là đường chủ Long Võ Đường ngạc nhiên hỏi:
‒ Không biết Y Dược Đường Chủ nói vậy là nghĩa gì? Từ nãy đến giờ Đường Chủ có nhắc đến việc này đôi lần nhưng tại hạ trí còn kém nên không hiểu rõ những ẩn ý bên trong.
Ngô Diệp Thảo nói xa xôi:
‒ Tiếc là chúng ta đã bỏ qua cơ hội ngàn vàng tiêu trừ ma giáo.
Mọi người nghe càng sửng sốt hơn. Long Võ Minh Chủ hỏi:
‒ Ý của Ngô Đường Chủ là… là giáo chủ ma giáo gặp chuyện gì chăng?
Ngô Diệp Thảo cung tay:
‒ Minh Chủ luận rất đúng. Nếu chúng ta suy ngẫm một chút tất tìm ra lý do.
Lê Kính Văn bỗng à lên một tiếng:
‒ Từ lúc giao chiến với Trung Châu Tứ Nghĩa cho đến phá trận pháp cuối cùng của chúng ta, nội công của giáo chủ ma giáo mạnh yếu thất thường. Bên trong chắc chắn là có nguyên nhân. Ngô Đường Chủ tinh thông y lý, chắc đã đoán ra.
Ngô Diệp Thảo gật đầu:
‒ Một người dù nội công có cao thâm đến đâu, nhưng lâu ngày không dùng đến sẽ mai một. Giáo chủ ma giáo phải dùng đến chân lực để đối phó với chúng ta, nhẹ thì bị tẩu hỏa nhập ma, nặng rất có thể khó giữ được tính mạng.
Tạ Đức Uy hỏi Ngô Diệp Thảo:
‒ Không biết Đại Phu căn cứ vào đâu mà nói như vậy?
Ngô Diệp Thảo vận nội công truyền âm thanh của mình ra ngoài:
‒ Đem vào đây.
Bên ngoài đệ tử Y Dược Đường đem vào những mảnh sắt vụn, những bông hoa đào, những mũi tên bị chém và những thanh kiếm bị mẻ hoặc chặt gẫy để lên bàn của Ngô Diệp Thảo. Bà cầm những mảnh sắt vụn lên:
‒ Đây chính là những cái còng sắt của giáo chủ ma giáo. Ban đầu võ công bà ta còn mạnh nên vết cắt rất ngọt.
Bà cầm lên những thanh kiếm chém và những miếng sắt mẻ lên:
‒ Còng sắt bị chém đứt rất ngọt trong khi đó những thanh kiếm này bị hư hoại không giống nhau. Có thanh giống như bị bẻ hơn bị chém, có thanh bị đứt lìa, có thanh bị chém có một nửa trong khi tất cả chúng ta cùng bị bại dưới một chiêu. Võ công, nội công của mỗi người tuy không đồng nhưng kiếm trận chỉ một và chiêu thức cũng vậy. Thế mà có sự bất đồng ắt có nguyên do.
Tất cả mọi người đều gật đầu cho lời giải thích của Ngọc Thủ Đại Phu có lý. Trần Triệu Quốc Nguyệt cũng nêu nghi vấn:
‒ Trong lúc đánh nhau, hình như nội lực của bà ta không giữ ở mức nhất định mà khi cao khi thấp, dao động rất nhiều. Đại Phu có biết tại sao không?
‒ Ngay lúc Trung Châu Tứ Nghĩa bị bốn chưởng thì Thảo này đã nhận ra. Câu giải thích chỉ có một: lâu ngày không thể vận nội công nên khi vận được kinh mạch chạy không đều và huyệt đạo chưa được giải hết nên đưa đến sự không kềm chế được nội công lúc phát huy. Đó cũng là lý do tại sao trong lúc giao chiến ta thấy sắc mặt của bà ta thay đổi luôn luôn.
Ngô Diệp Thảo chỉ những thanh kiếm:
‒ Ta có thể đoán là kinh mạch đã bị tổn thương nghiêm trọng và tâm trí của bà ta bắt đầu rối loạn.
Lý Minh Thần ngạc nhiên hỏi:
‒ Nhưng khi nàng ta đối đáp với tệ muội, tiểu bối đâu thấy có khác gì.
‒ Có chứ, khác nhiều lắm. Nhưng khác ở chỗ không phải lời nói mà là võ công. Khi đánh bay kiếm của năm người, nội công của bà ta rất yếu mà lại kỳ hoặc vô cùng. Thật sự lúc đó bà ta chỉ là ngọn đèn sắp hết dầu, đáng lẽ đại, nhị công tử và hai vị phu nhân không bị làm mất kiếm. Tại vì lúc đó các vị quá rối loạn trong lòng nên để rơi kiếm. Nhất là nội thương của lệnh muội càng lạ lùng hơn.
‒ Ý của Ngô Đường Chủ là sao?
‒ Lệnh muội võ công rất thấp, bị nội thương không phải chuyện lạ. Nhưng nội công do giáo chủ ma giáo dồn qua, tuy không mạnh nhưng đến tám luồng chân khí hỗn tạp. Các mạch bị làm tổn thương nên lệnh muội ngất xỉu. Lúc đó tiếng nói của bà ta cũng yếu, chứng tỏ là không thể kềm chế nội lực trong người nên hành động tặng hoa mà khiến người bị thương nặng nhẹ khác nhau.
Ngô Diệp Thảo cầm những mũi tên bị chém thành khúc lên:
‒ Rất tiếc là khi Thảo này nhìn thấy những mũi tên này và các cung thủ bị gục dưới kiếm của bà ta thì đã quá muộn.
Long Võ Minh Chủ giật mình:
‒ Ý của Ngô Đường Chủ là những người đó đã chết?
‒ Dạ không có, ngược lại nữa là đằng khác. Họ chỉ bị thương nhẹ và bị xỉu thôi, vết thương rất nhẹ vì chỉ bị điểm những huyệt đạo. Lúc đó chúng ta vẫn còn sức chiến đấu. Nếu biết trước tình trạng như vậy thì giáo chủ ma giáo đã không thoát được rồi. Những khoảnh khắc cuối cùng của bà trước khi bước ra khỏi cổng đông, theo suy đoán, thì bà ta hoàn toàn không còn sức kháng cự.
‒ Còn nữa, các vị có để ý là bà ta cứ kéo lê thanh kiếm, khi cần lắm mới sử dụng? Có lẽ do vận sức nhiều quá mà cả cánh tay cũng mất khí lực, nên lúc miễn cưỡng ra chiêu mới có nhiều sự bất đồng. Ngay như vết kiếm kéo lê trên mặt đất, mặt sân cũng có lúc đậm lúc lợt.
Ngô Diệp Thảo thở dài:
‒ Đáng tiếc ta biết được quá muộn.
‒ Nếu vậy tình trạng của giáo chủ ma giáo hiện thời ra sao?
Ngô Diệp Thảo lắc đầu:
‒ Không thể biết được chính xác. Nếu giáo chủ ma giáo tinh thông y thuật thì tính mạng sẽ không lâm nguy. Nhưng nặng nhẹ ra sao thì phải xem mạch mới biết. Thảo này cho rằng nếu có khôi phục cũng không thể nào nhanh hơn sáu tháng. Chúng ta có nửa năm để củng cố lực lượng.
Trần Triệu Quốc Nguyệt đưa ra ý kiến:
‒ Tuy nói là nửa năm nhưng chúng ta nên nhắm từ ba đến bốn tháng phải chuẩn bị cho xong hết.
Nhìn quanh một lượt, nàng nói thêm:
‒ Từ lúc ma giáo an toàn rút lui khỏi Long Võ Trang thì Minh Chủ đã thông báo cho các môn phái đề cao cảnh giác. Tôi cũng cho người theo dõi ma giáo rất sát. Quỳnh Nhai hoàn toàn không có tin tức, tôi e ở đó có việc không lành. Những nơi khác cũng không có tin gì nhiều. Toàn võ lâm Nam Thiên im lặng.
Nàng ra lệnh cho một người thuộc hạ treo một cái trục lụa lên rồi nói:
‒ Ma giáo không ở tổng đàn cũ của họ gần tây thùy Đại Việt mà vượt biên sang Ai Lao, trú ẩn ở động Dã Năng. Đây đất cũ của Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo ngày trước (1). Toàn bộ thây thùy Đại Việt và đông thùy của Ai Lao dưới sự kiểm soát của họ. So về địa thế và chiến lược thì ba phái Tản Viên, Mê Linh và Tây Vu ở gần ma giáo nhất, tất sẽ chịu sự uy hiếp nặng nhất. Ngược lại ba nơi đó cũng là nơi cho chúng ta dùng làm bản doanh chống lại ma giáo.
Phi Mã Đường Chủ Trần Hải Chí hỏi Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Theo ý của Đường Chủ thì chúng ta nên làm làm gì trước?
‒ Ban nãy tôi có trình bày ý kiến là chúng ta trước hòa sau chiến. Lý do là bằng mọi cách giữ vững Tản Viên, Mê Linh và Tây Vu để tạo thành bức tường vừa ngăn chận vừa có thể tấn công. Long Võ Trang ở phía sau trực tiếp điều động ba nơi. Vừa giữ được cái gốc của mình vừa có thể uy hiếp ma giáo.
Long Võ Minh Chủ gật đầu tỏ ý tán thành và ra lệnh:
‒ Đại kế thì như vậy nhưng chi tiết chúng ta sẽ bàn sau. Trời đã trưa rồi nên bản tòa muốn các vị về nghỉ. Giờ Mão năm ngày sau chúng ta lại họp để nghị luận chi tiết.
Quay sang sư bà Mẫn Diệu, Long Võ Minh Chủ nói thêm:
‒ Bản tòa xin làm phiền phái Mê Linh đúc cho những thanh kiếm khác.
‒ Nam mô Phật, tệ chưởng môn sư tỷ sẽ không phụ lòng Minh Chủ.
Mọi người chuẩn bị ra về thì Trần Triệu Quốc Nguyệt đến trước mặt Minh Chủ cung tay:
‒ Tôi là người có tội, xin làm phiền Minh Chủ, Tổng Đường Chủ và Pháp Hình Đường Chủ cho tôi chịu thọ hình trước Uy Long Các.
Long Võ Minh Chủ chấp nhận:
‒ Bản tòa chìu ý Trần Triệu Đường Chủ, nhờ Pháp Hình Đường Chủ chuẩn bị và các vị Đường Chủ khác chứng kiến.
Trước Uy Long Các một con ngựa gỗ được bầy ra. Trần Triệu Quốc Nguyệt bỏ vũ khí trên người xuống và cởi áo ngoài đặt trên một cái bàn con gần đấy chung với tấm lệnh bài. Trên tấm lệnh bài một mặt có khắc hình chiếc thuyền, đầu thuyền là một con giao long, bên trên khắc chữ “Giao Long Tam Bang Chủ.” Mặt sau khắc hình một con cá đuối và bốn chữ “Trần Triệu Quốc Nguyệt.”
Long Võ Minh Chủ và nhu nhân thì ngồi ghế, đàng sau có con trai và dâu đứng hầu. Tạ Đức Uy và những người khác chia nhau đứng thành hàng dọc hai bên. Trần Triệu Quốc Nguyệt nằm sấp, hai bên có hai người thuộc Pháp Hình Đường cầm côn. Sư bà Mẫn Diệu ra lệnh:
‒ Vì Tế Tác Đường Chủ Trần Triệu Quốc Nguyệt can đảm đứng ra chịu mười côn, Pháp Hình Đường sẽ thay mặt Minh Chủ cho thi hành mười côn đó. Mong rằng từ nay về sau Trần Triệu Đường Chủ sẽ thận trọng hơn và không tái phạm.
Mười côn đều đặn đánh vào Quốc Nguyệt. Nàng chỉ nghiến răng chịu đau chứ không vận nội công chống trả. Những vị Đường Chủ đứng xung quanh, có người thở dài lắc đầu, có người nhìn đi nơi khác và cũng có người cảm thấy khoan khoái trong lòng. Riêng Tạ Đức Uy thì sắc mặt đăm chiêu còn Hồng Sơn Nam thì đôi môi khé hở nụ cười lạnh. Nùng Đức Nghĩa sắc mặt vẫn rầu rĩ như thuở nào.
Phía xa xa Triệu Hòa Vinh sau khi đi tuần một vòng Long Võ Trang thì đứng ngoài Uy Long Các chờ Trần Triệu Quốc Nguyệt. Hắn không biết chuyện gì đã xảy ra khiến cho nàng bị mười côn vào người nên chỉ biết đứng nuốt nước mắt cắn răng chịu nhục. Mười côn qua rồi, Trần Triệu Quốc Nguyệt gắng gượng đứng lên. Nàng hướng Long Võ Minh Chủ nói:
‒ Đa tạ Minh Chủ và các vị Đường Chủ nhẹ tay, tôi xin về trước.
Long Võ Minh Chủ đứng lên nói:
‒ Tế Tác Đường Chủ hãy nên tịnh dưỡng cho khoẻ. Bản tòa sẽ nhờ Y Dược Đường Chủ mang thuốc đến thôn Thượng Đông.
‒ Đa tạ Minh Chủ có lòng chăm sóc.
Nói rồi Quốc Nguyệt cầm lấy đồ đạc tùy thân quay người bước đi. Triệu Hòa Vinh ở xa chạy lại dìu nàng về Tế Tác Đường.
Ba ngày lặng lẽ trôi qua.
Rạng ngày hai mươi chín mặt trời chưa ló dạng thì Trần Triệu Quốc Nguyệt đã quần áo chỉnh tề đi ra ngoài. Nhờ thuốc thang của Y Dược Đường đưa đến ngày ba lần nên vết thương trên mông nàng lành lại rất nhanh. Nàng thong thả bước, hít thở không khí trong lành của buổi sáng. Nàng nhìn về phía thôn Đông Trên. Xa xa có khói đen bốc lên, nàng khẻ mỉm cười. Đây hẳn là kiệt tác hằng ngày trong Y Dược Đường.
Như thường lệ nàng đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong Long Võ Trang một vòng. Công việc xây dựng lại làng Xứ vẫn tiến hành đều đều. Trời gần đến trưa khi nàng đến thôn Hạ Tây thuộc Luyện Võ Đường của phái Hồng Lĩnh. Đang mãi miên man tư lự nàng nghe tiếng chào quen thuộc:
‒ Em xin tham kiến Bang Chủ. Hôm nay nhìn Bang Chủ thấy khỏe rất nhiều.
Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ mỉm cười:
‒ Chị cám ơn em, Giang Linh!
‒ Vâng. Em mới đi tuần xong, đang trên đường về thì gặp Bang Chủ.
Hồ Trường Giang Linh tuổi chưa đến hai mươi, dáng người xinh đẹp, nói chuyện nhỏ nhẹ, lễ phép. Nàng sinh sau Trần Triệu Quốc Nguyệt hơn hai năm nên gọi bang chủ và xưng em. Trước kia Hồ Trường Giang Linh ở dưới quyền Đinh Văn Tú. Vì thấy nàng có tài và nhằm lúc Giao Long Bang cần người nên nàng được Triệu Hòa Vinh cất nhắc lên làm phó đường chủ, trông coi bến đò Khánh Thịnh. Hồ Trường Giang Linh thường xuyên ra vào Long Võ Trang, giúp Trần Triệu Quốc Nguyệt rất nhiều việc. Trần Triệu Quốc Nguyệt đặt ra nội quy cho Tế Tác Đường là đường chủ hay phó cũng phải đích thân đi tuần trong Long Võ Trang và thường xuyên đốc thúc thuộc hạ răm rắp tuân theo mọi luật lệ. Thi hành kỷ luật khi cần thiết. Hồ Trường Giang Linh theo Trần Triệu Quốc Nguyệt ra ngoài cổng nam Long Võ Trang. Nhìn địa thế ngoài cổng Trần Triệu Quốc Nguyệt nói:
‒ Tìm ra được sơ hở của cổng nam để đột nhập vào, ma giáo nhất định phải cho người do thám trước tình hình và nhất là tính tình cùng với sở thích, nhược điểm của từng người giữ cổng. Những việc đó tốn thời gian không ít. Nhưng chị suy nghĩ mãi vẫn không biết họ làm việc đó từ lúc nào và mất bao lâu.
Hồ Trường Giang Linh cũng trầm ngâm, nói nhỏ chỉ đủ hai người nghe:
‒ Ý của Bang Chủ là trong chúng ta có con rắn độc?
‒ Không dám khẳng định nhưng chưa có lời giải thích nào khác. Chúng ta nên cẩn thận và để ý.
‒ Vâng. Bang Chủ đã tìm được manh mối gì về cái chết của hai thầy trò Thân Cảnh Thanh, Nùng Trí Lộc chưa?
‒ Chưa có. Cái chết của bảy người bọn họ ở giữa Khánh Thịnh và cổng bắc. Em ở Khánh Thịnh cũng không thấy gì à?
‒ Dạ không.
‒ Hung thủ võ công cao cường lại kỳ bí. Không rõ tại sao lại giết chết bảy người đó. Chị có điều tra qua gia cảnh cùng sự giao thiệp của bảy người, chưa tìm thấy chỗ nào đáng nghi.
‒ Đệ tử các phái được huấn luyện rất kỹ trước khi cho đến Long Võ Trang. Nếu hung thủ là người quen thì khó mà điều tra. Thông thường người ta làm phản một là vì sắc, hai là vì tài và ba là vì bất mãn. Nhưng nếu không có sắc tài thì có bất mãn cũng hiếm xảy ra.
‒ Đó là trường hợp nếu người chủ mưu là đàn ông. Nếu là phụ nữ thì sao?
‒ Rất có thể sẽ vì tình lụy.
‒ Nhưng xem ra không phải. Đám người canh cổng bị giết hết, nếu có gian nhân tất không phải trong số đó. Thế nhưng dụ được người canh cổng bỏ vị trí và trách nhiệm để ra ngoài rồi thừa cơ ám toán, đúng là ly kỳ thật đấy.
‒ Mình điều tra đệ tử các phái, cách sống và những thói quen thường ngày. Theo em thấy, đa số là khai gian vì có ai dám tự nhìn nhận mình tự ý rời bỏ cương vị bao giờ, nhất là lúc này sự việc quá lớn đã xảy ra.
‒ Chị cũng biết vậy nên bản tường trình của chúng ta đưa lên Minh Chủ bị chối hết. Nhưng căn cứ vào thói quen, tật xấu của từng người để lợi dụng thì không mấy khó khăn. Nhưng thành công được như ma giáo đã làm kể như hiếm có.
‒ Cũng có thể là vì chưa từng có chuyện như vầy xảy ra nên bọn họ có ý khinh thường. Chắc là đã vi phạm nhiều lần đều không có chuyện gì nên lần này mới xảy ra cớ sự.
Hồ Trường Giang Linh nhìn vị bang chủ của mình, dung nhan kém vui:
‒ Chúng ta cố gắng lắm, vừa điều tra vừa giúp dọn dẹp, chuyên chở, dựng nhà, vậy mà Bang Chủ lại còn bị đánh mười côn. Oan quá, ức quá.
Trần Triệu Quốc Nguyệt không trả lời. Hai người không nói nữa, cùng ngắm nhìn lũ trẻ trong trang dắt trâu đến gốc đa cột lại để ăn trưa. Đứng một hồi lâu, Trần Triệu Quốc Nguyệt nói:
‒ Thôi chúng ta về đi. Hôm nay là ngày cuối tháng, chị muốn thử nghiệm võ công với em.
Hai người cùng quay trở vào trong trang, Hồ Trường Giang Linh nói:
‒ Sức khoẻ chị chưa bình phục, để cho anh Hòa Vinh hay anh Văn Tú cũng được.
Trần Triệu Quốc Nguyệt gõ nhẹ lên đầu Giang Linh:
‒ Gớm, em tưởng chị không thắng được em à?
‒ Không không. Em không muốn Bang Chủ viện cớ lý do sau khi thua cho em.
‒ Chị có bao giờ. Đứa em này hư quá, dám nói bà chị thế đấy.
Hai người cùng cười xòa đi vào cổng nam. Nhìn đám đệ tử của Phi Mã Đường và Luyện Võ Đường đang đứng canh cổng mà Hồ Trường Giang Linh muốn nổi giận. Hầu hết những người đó đều lớn hơn nàng năm, bảy, mười tuổi, nhưng dù sao nàng cũng là phó đường chủ, thống lĩnh một đạo quân. Hơn nữa cạnh nàng còn có Trần Triệu Quốc Nguyệt. Thế nhưng lúc ra cũng như lúc vào đám người đó không hề chào hỏi một tiếng. Nàng định chất vấn bọn chúng thì Trần Triệu Quốc Nguyệt đưa tay ngăn cản và lắc đầu. Trần Triệu Quốc Nguyệt chỉ khẽ nhếch một nụ cười lạnh cố hữu nhìn bọn chúng rồi bỏ đi. Khi cách khá xa nàng nói:
‒ Chúng ta không cần sinh sự với những người đó làm gì. Mình vì lòng tốt, vì Long Võ Trang mà khuyên bảo, kết quả là một trận đòn. Họ cũng đã bị côn nhưng đâu lại vào đấy. Họ không có kỷ luật, đối với Giao Long Bang mình không phải là điều xấu.
‒ Dạ, em nghe lời Bang Chủ.
Cách hai người đang đi không xa có tiếng võng kẽo kẹt hiu hắt, có hát của người mẹ ru con ngủ trưa:
‒ À à ơi, à à ời… Buồn trông tơ nhện vấn vương Tình chàng, nghĩa thiếp ai hơn ai dầy À à ơi, à à ời Kể từ lá thắm đến nay Ân kia thêm trọng, tình này càng sâu À à ơi, à à ời Chim uyên gẫy cánh vì đâu Chàng ra thiên cổ thiếp sầu phòng ương À à ơi, à à ời Nào người gây cuộc tang thương Nào người gây cảnh đoạn trường là ai À à ơi, à à ời Mai sau thiếp xuống tuyền đài Xin chàng đừng trách thiếp sai lời nguyền À à ơi, à à ời Nguyền rằng cùng tử cùng sinh Đời đời kiếp kiếp đôi mình chẳng xa À à ơi, à à ời Nhưng vì cha mẹ tuổi già Theo chàng cất bước xót xa hỡi chàng À à ơi, à à ời Con ơi con ngủ cho ngoan Thân trai phải biết lo toan cửa nhà À à ơi, à à ời Cuộc đời bão tố phong ba Nếu không sấm động, cũng là trần ai À à ơi, à à ời Trông vào, vào một ngày mai Đứa con nở mặt vươn vai với đời À à ơi, à à ời Đợi khi nó lớn thành người Thiếp xin tiếp mối tình đôi với chàng À à ơi, à à ời…
Tiếng hát não nề ai oán làm người nghe phải nhỏ giọt lệ sầu và người hát càng thêm tức tưởi. Trần Triệu Quốc Nguyệt nhíu mày suy tư. Hai người tiếp tục đi. Hồ Trường Giang Linh như hiểu rõ phần nào tâm trạng, nàng cắt nghĩa:
‒ Nàng ta là Lệ thị, ngang tuổi với Bang Chủ. Nàng là vợ của Lê Vũ, một trong những người bị giết ngoài Long Võ Trang đêm rằm. Đứa con trai mới ba tuổi mà đã mất cha nghĩ cũng tội.
‒ Gia cảnh của họ ra sao?
‒ Lê Vũ không có anh em, cha mẹ tuổi đã cao, gia cảnh không mấy khá.
‒ Phái Việt Thành không lo cho họ à?
‒ Có lo chứ, nhưng tiền tử tuất đâu có thể nuôi một nhà bốn người suốt đời.
Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ cau mày:
‒ Nói vậy, không lẽ em đã giúp họ?
Hồ Trường Giang Linh ra chiều bẻn lẽn:
‒ Dạ em tự ý dùng tiền của em giúp họ một ít.
Trần Triệu Quốc Nguyệt khẽ gật đầu:
‒ Em có lòng tốt như vậy thật đáng khen. Như em đã nói, tiền đó không thể nuôi họ suốt đời. Cách giúp người tốt nhất không phải cho họ tiền sinh sống, mà giúp cho họ tự tìm cách sinh sống. Thứ nữa, nếu giúp người thì giúp với bổn phận của kẻ may mắn hơn chứ đừng giúp người vì lòng thương hại. Tại vì trên đời này ta có thể thương hại hết nhưng không thể giúp được hết. Muốn giúp hết thì phải ở vào vị trí có thể thay đổi cả thiên hạ, em biết chứ? Ngoài ra, chuyện nhà của môn phái khác, tốt nhất chúng ta đừng nhúng tay vào.
Hồ Trường Giang Linh lấm la lấm lét nhìn Trần Triệu Quốc Nguyệt:
‒ Gớm, cái gì mà nói chuyện như mẹ người ta không bằng.
Trần Triệu Quốc Nguyệt bật cười:
‒ Người ta thường nói quyền huynh thế phụ, thì quyền chị thay mẹ cũng được chứ gì.
Hồ Trường Giang Linh tặc lưỡi:
‒ Lại nữa rồi… ối… sao mà hôm nay em đói bụng quá.
Nàng ngửa mặt nhìn trời:
‒ Sắp đến giờ Mùi rồi cũng nên. Không biết hôm nay anh Tú Văn nấu món gì đây.
Trần Triệu Quốc Nguyệt lại gõ nhẹ lên đầu nàng:
‒ Con gái gì mà hư quá, từng ấy tuổi đầu rồi mà cứ để người khác nấu cho mình.
Hồ Trường Giang Linh nhăn mặt:
‒ Không lẽ Bang Chủ muốn em nấu ăn?
Trần Triệu Quốc Nguyệt ngẩn người ra:
‒ Ừ nhỉ. Em mà nấu ăn, không những Tế Tác Đường, mà cả Long Võ Trang cũng thành bãi đất hoang ngay.
Hồ Trường Giang Linh làm bộ giận:
‒ Bang Chủ nói người ta cái gì mà tệ vậy. Tài của em đâu đến nỗi nào.
‒ Ừ ừ, chị xin lỗi. Em mà nấu ăn thì tất cả người cả lộ Trường Yên này đều bỏ chạy hết.
Hồ Trường Giang Linh phá ra cười:
‒ Như vậy thì mới tả đúng chân tài thực học của em được một chút. Mà phải nhìn nhận là anh Văn Tú nấu ăn quá giỏi và ngon. Phó đường chủ đích thân vào bếp chỉ Giao Long Bang mình mới có.
Hai người còn cách cổng chính Tế Tác Đường không bao xao mà đã thấy người của Y Dược Đường đứng chờ. Người kia liền bước đến cung tay chào:
‒ Tiểu nhân thuộc Y Dược Đường xin kính chào Đường Chủ và Phó Đường Chủ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt gật đầu:
‒ Không biết Ngô Đại Phu muốn nhắn với tôi điều gì?
Người kia kinh ngạc trố mắt:
‒ Tiểu nhân chưa nói mà Đường Chủ đã đoán ra được năm phần. Tệ Đường Chủ muốn hẹn với Trần Triệu Đường Chủ tối nay đến thôn Đông Trên để thăm hỏi sức khỏe của Đường Chủ.
Hai mắt Trần Triệu Quốc Nguyệt sáng lên, nàng khẻ nở nụ cười mỉm đầy bí ẩn:
‒ Đa tạ sự săn sóc của Ngô Đường Chủ. Tối nay sau giờ Dậu tôi sẽ đến làm phiền, nhờ ngươi chuyển lời lại.
‒ Dạ Đường Chủ, tiểu nhân xin cáo từ.
Hắn chào hai người rồi trở về thôn Đông Trên. Hồ Trường Giang Linh nhìn theo nói:
‒ Người lễ nghĩa tất không làm điều gì thiếu lễ nghĩa. So với hai phái Hồng Lĩnh và Việt Thành thì phái Sài Sơn hơn nhiều.
Trần Triệu Quốc Nguyệt vẫn mỉm cười nhìn theo bóng người đưa tin, Hồ Trường Giang Linh thấy vậy hỏi:
‒ Không biết Bang Chủ mỉm cười gì thế?
‒ Cười vì cái hẹn lạ lùng tối nay với Y Dược Đường Chủ.
‒ Bang Chủ nói lạ là lạ ở chỗ nào?
‒ Thông thường xem bệnh, người đại phu phải theo dõi từ đầu đến cuối. Đàng này, nội thương của chị không có gì, ngoại thương cũng đã lành. Mười mấy ngày nay không thấy Ngô Đại Phu nói đến việc chẩn mạch đoán bịnh cho đến bây giờ. Đó không phải là điều kỳ lạ hay sao?
Hồ Trường Giang Linh vỡ lẽ:
‒ Vâng. Vậy tối nay Bang Chủ định ăn tối rồi mới đi hay là để bụng trống? Bang Chủ có đoán ra dụng ý của Ngô Đại Phu hay không?
‒ Tất nhiên ăn rồi mới đi. Người ta mời mình đi khám bệnh chứ đâu phải đi ăn cỗ. Vì vậy chị mới hẹn sau giờ Dậu thay vì cuối giờ Thân.
Tuy nói là sau giờ Dậu nàng mới đến thôn Đông Trên nhưng Trần Triệu Quốc Nguyệt đi sớm hơn hai khắc. Nàng không ghé Y Dược Đường ngay mà lại đến đình làng Long Võ ở thôn Đông Trên. Thần thành hoàng của làng Long Võ là Nàng Tía. Nàng Tía được vua Trưng phong làm Tử Vân Công Chúa, lĩnh ấn đô đốc Giao Chỉ lúc bấy giờ. Vì Nàng Tía còn là một trong những thánh tổ của Giao Long Bang nên mỗi lần có dịp đi ngang qua thôn Đông Trên Quốc Nguyệt đều vào cúng đình.
Quá giờ Dậu Trần Triệu Quốc Nguyệt mới đến trước cổng Y Dược Đường. Nàng không cảm thấy ngạc nhiên khi Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo đã đứng đợi nàng tự bao giờ. Ngô Diệp Thảo vui vẻ:
‒ Lâu lâu mới có dịp mời được Tế Tác Đường Chủ đến tệ đường. Xin mời xin mời.
Nàng không khách sáo mà nói ngay chính đề:
‒ Không biết Ngô Đại Phu cho mời tôi đến đây có việc gì không?
Ngô Diệp Thảo nheo mắt:
‒ Có chứ, có chứ. Nhưng Tế Tác Đường Chủ của tôi ơi, cô đừng có lúc nào cũng lãnh đạm cao ngạo như vậy có được không? Thảo này cho mời Đường Chủ là muốn hàn huyên tâm sự.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cung tay:
‒ Nếu là chuyện công thì tôi sẵn lòng hầu tiếp Đại Phu, nhưng nếu là chuyện riêng thì hôm nay tôi hơi bận, xin hôm khác đến làm phiền Đại Phu vậy.
Nói rồi nàng định bỏ đi thì Ngô Diệp Thảo nghiêm sắc mặt lại:
‒ Nếu đó là an nguy của Tế Tác Đường và cả Giao Long Bang thì Trần Triệu Đường Chủ cho đó là chuyện công hay riêng?
Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe nói sửng sốt, mắt sáng long lanh nhìn Ngô Đại Phu với hàn quang lạnh lẽo:
‒ Không biết Đại Phu nói như vậy có dụng ý gì?
Ngô Diệp Thảo lại nheo mắt:
‒ Đường Chủ có chuyện riêng thì thôi vậy. Còn không thì xin mời Đường Chủ vào dùng bữa cơm thanh đạm của phái Sài Sơn.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cảm thấy có điều gì bí ẩn bên trong, muốn tìm hiểu rõ ràng hơn nên chấp nhận:
‒ Vậy xin làm phiền Đại Phu dẫn đường.
‒ Được mà, được mà.
Ngô Diệp Thảo dẫn nàng vô một căn phòng nhỏ bài trí thanh lịch. Giữa phòng một mâm cơm thịnh soạn khói lên nghi ngút với chén bát cho hai người ăn đã được bầy ra tự bao giờ. Ngô Diệp Thảo hỏi:
‒ Bụng đã đói meo. Có thực mới vực được đạo. Chắc là Tế Tác Đường Chủ chưa ăn tối chứ?
Hỏi xong Ngô Đại Phu lại nheo mắt nhìn nàng, miệng cười cười. Trần Triệu Quốc Nguyệt vô cùng kinh ngạc. Nàng hoàn toàn không ngờ Ngô Diệp Thảo cố ý đợi dù nàng hẹn trễ. Nàng đã ăn no, nhưng khước từ lại không tiện, đành phải nói:
‒ Tôi đã ăn no trước khi đến đây nhưng cũng xin bồi tiếp Đại Phu một bát.
Vì nói một bát nên nàng ráng ăn hết một bát. Trong khi đó Ngô Diệp Thảo cứ gắp luôn tay, miệng nói huyên thuyên trên trời dưới đất. Nhìn thấy điệu bộ của Trần Triệu Quốc Nguyệt, Ngô Diệp Thảo cười hỏi:
‒ Nghe thời gian hẹn của Đường Chủ, Thảo này chín phần biết trước Đường Chủ sẽ hành động ra sao. Đường Chủ có tin rằng Thảo này cố ý chờ Đường Chủ không?
Trong ánh mắt và nụ cười của Ngô Diệp Thảo hàm chứa rất nhiều ẩn ý mà Trần Triệu Quốc Nguyệt không thể nào đoán ra. Vì không đoán ra nàng cảm thấy khó chịu vô cùng. Ngồi cùng bàn ăn mà đôi khi nàng có cảm tưởng như mình ngồi trên bàn chông. Ngô Diệp Thảo nói tiếp:
‒ Thật ra sự tính toán và sắp đặt của Đường Chủ rất cao minh. Đoán biết Thảo này mời đến không phải là khám bệnh. Không khám bệnh tất là chuyện khác, quan trọng hơn. Thảo này không nói rõ thời gian, chỉ dặn đệ tử nói là “tối nay” nên Đường Chủ không biết rõ lúc nào. Thảo này muốn để cho Đường Chủ lựa chọn.
Trần Triệu Quốc Nguyệt đồng ý với lời kiến giải của Ngô Diệp Thảo:
‒ Đại Phu nói đúng.
‒ Vì để cho Đường Chủ quyết định nên Đường Chủ tin rằng mọi sự mình nắm chắc trong tay và quyết định ngay lúc đó sẽ đến Y Dược Đường bằng bụng đói hay no. Nếu đường đột để bụng đói đến mà người ta không mời thì mình bị hớ. Mình bụng no đến mà người ta mời thì mình cũng bị hớ. Do đó Đường Chủ mới hẹn sau giờ Dậu vì hầu hết tất cả chúng ta đều ăn tối vào giờ đó. Đường Chủ hẹn đầu giờ Tuất là để tránh tình trạng như bây giờ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt mỉm cười:
‒ Nhưng vẫn bị Đại Phu đi trước một bước.
‒ Cho nên mới nói những người, nhất là những người trẻ tuổi, quá tự tin vào lý trí và tài xét đoán của mình thường hay đi quá đà nên rất dễ làm mất lòng người.
Trần Triệu Quốc Nguyệt hai mắt sáng long lanh, thầm nghĩ: “A, bây giờ Ngô Đại Phu mới bắt đầu vô chính đề đây.” Ngô Diệp Thảo nói tiếp:
‒ Thảo này đoán trước Trần Triệu Đường Chủ không có ý dùng cơm tại Y Dược Đường nhưng Thảo vẫn có cách mời Đường Chủ ăn. Đường Chủ không nên quá dựa vào lý trí mà phải nên xem tùy thuộc hoàn cảnh, tùy thuộc người đối diện.
Ngô Diệp Thảo có phần không vui:
‒ Không lẽ Trần Triệu Đường Chủ cho Thảo này là người nhỏ mọn, không có ý mời lại càng không có ý đãi cơm nên Đường Chủ tính nước cờ kế tiếp? Thảo này cho Đường Chủ chọn thời gian là cố tình muốn dễ dàng cho Đường Chủ. Đường Chủ làm Thảo này khá thất vọng!
Trần Triệu Quốc Nguyệt lúc bấy giờ mới vỡ lẽ: “Thì ra Ngô Đường Chủ muốn thử tài và muốn chứng tỏ ít điều nên bầy kế cho mình thua một cách triệt để.” Nàng vội đứng lên cung tay tạ lỗi:
‒ Đại Phu là người thầy thuốc, được võ lâm tặng mỹ hiệu Ngọc Thủ Đại Phu nổi tiếng bao nhiêu năm nay, lẽ nào lại là người nhỏ mọn. Tôi xin Đại Phu bỏ qua cho.
Ngô Diệp Thảo mỉm cười:
‒ Ngụ ý của Thảo này Đường Chủ hiểu chứ?
‒ Dạ hiểu.
Ngô Diệp Thảo gật đầu:
‒ Hiểu là một việc, nhưng làm được hay không lại là một việc.
‒ Dạ Đại Phu.
Trần Triệu Quốc Nguyệt miệng thì nói vậy nhưng trong lòng có phần bất phục: “Ngô Đại Phu có lòng bầy mưu trong khi đó ta tuyệt nhiên không hề đề phòng, có thua cũng đành chịu. Thế mới biết lòng người sâu sắc khó dò, mưu thần chước thánh khó đo khó lường. Âu cũng là một kinh nghiệm, giang hồ sau này mỗi khi mình hành sự càng phải nên cẩn trọng hơn, kẻo bị chết mà không biết tại sao.”
Ngô Đại Phu nói tiếp:
‒ Nhưng việc đó là việc nhỏ. Việc trọng đại hơn là Đường Chủ muốn gây loạn trong võ lâm và đưa Giao Long Bang bị tuyệt diệt hay sao?
Trần Triệu Quốc Nguyệt sửng sốt:
‒ Ngô Đại Phu nói giỡn đấy à? Tôi là bang chủ của Giao Long Bang, lẽ nào làm vậy?
Nhưng nhìn nét mặt nghiêm trọng của Ngô Diệp Thảo, nàng mới biết bà không hề có ý đùa giỡn khi nói câu đó. Trần Triệu Quốc Nguyệt còn đang phân vân thì Ngô Đại Phu nói thêm:
‒ Nếu không phải, sao Đường Chủ lại làm đình làm đám về việc Giao Long Bang huy động nhân lực và tài lực đến Long Võ Trang?
Trần Triệu Quốc Nguyệt tỉnh ngộ ra và bắt đầu hiểu cuộc họp tối nay giữa hai người sẽ đi theo chiều hướng nào. Nàng cũng ngưng đọng thần sắc:
‒ Ngô Đại Phu nói gì tôi thật không hiểu. Tôi chỉ làm tròn phận sự của mình và Giao Long Bang chỉ làm theo quy ước mà thôi.
Ngô Diệp Thảo khẽ thở dài:
‒ Tế Tác Đường Chủ thật sự không hiểu hay là làm bộ không muốn hiểu thì tùy. Nhưng nếu Đường Chủ không cẩn thận thì đại họa sẽ giáng xuống Giao Long Bang.
Trần Triệu Quốc Nguyệt phần nào phật lòng, tự ái nổi dậy:
‒ Tôi kính trọng Đại Phu là một người suốt đời tắm trong y đạo. Nhưng việc của Giao Long Bang chúng tôi, tôi biết nhiều hơn Đại Phu. Giao Long Bang tuy không đông mạnh như Bát Đại Môn Phái nhưng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
‒ Và đó cũng chính là yếu điểm đưa Giao Long Bang đến con đường diệt vong, chẳng lẽ Đường Chủ nhìn không ra?
‒ Giao Long Bang trên dưới một lòng, anh em hòa thuận, tương lai lẽ nào lại đen tối như lời Đại Phu vừa nói?
Ngô Diệp Thảo lắc đầu, nỗi thất vọng không hề dấu trên nét mặt. Bà nhìn xa xa nói:
‒ Đó chính là ngạo khí mà những người tuổi trẻ vừa có tài lại có chí như Đường Chủ thường mắc phải. Quá suy tính đến sự việc, sự vật mà bỏ đi yếu tố quan trọng nhất: đó là lòng người. Nhân tâm ở đây Thảo này muốn nói không phải là thuộc hạ của Giao Long Bang mà là lòng người của toàn thể võ lâm Nam Thiên.
Trần Triệu Quốc Nguyệt cảm thấy bất an. Trong lời nói của Ngô Diệp Thảo chứa rất nhiều ẩn ý mà nhất thời nàng chưa thể nghĩ ra. Nhìn sắc mặt trầm tư của Quốc Nguyệt, Ngô Diệp Thảo nói rõ chủ ý:
‒ Nếu Đường Chủ muốn nghe mụ nhà quê này, thì Thảo sẽ vì Đường Chủ và Giao Long Bang mà phân tích cái nguy trước mắt. Còn không thì Đường Chủ có thể đứng lên đi về, Thảo này sẽ không tiễn.
Trần Triệu Quốc Nguyệt tính thầm trong bụng: “Mình cứ ngồi nghe xem bà ta nói gì. Thuận tai thì nghe còn không thì thôi, mình đâu bị thiệt thòi.” Nàng trả lời:
‒ Tôi xin nghe lời vàng ngọc của Đại Phu.
Ngô Diệp Thảo có phần hòa hoãn lại:
‒ Tôi muốn hỏi Đường Chủ một câu: Bang chủ đời trước của Giao Long Bang là người như thế nào?
Trần Triệu Quốc Nguyệt cảm thấy rất lạ lùng về câu hỏi của Ngô Diệp Thảo nhưng vẫn trả lời:
‒ Cố Bang Chủ của Giao Long Bang là nghĩa phụ của tôi, Trần Triệu Quốc Nam, xem thuộc hạ như người trong nhà, thương yêu, quý mến mấy người con rất mực.
‒ Giao Long Bang dưới sự lãnh đạo của Hà Hổ Ngư (2) Trần Triệu Quốc Nam ra sao?
‒ Chỉ là một bang phái tương đối nhỏ mặc dù Bố tôi là một người tài, chí, khí và tâm đều có đủ.
‒ Tài, chí, khí và tâm đó dùng để phát triển Giao Long Bang?
‒ Đúng vậy. Tiếc là Bố tôi qua đời mười hai năm trước, giao quyền lại cho chị em chúng tôi.
‒ Từ lúc gánh trọng quyền, Trần Triệu Quốc Hoa, Trần Triệu Quốc Dung và cả Đường Chủ nữa phát triển Giao Long Bang với một tốc độ không thể ngờ. Ba năm trước Giao Long Bang hội đủ những điều kiện của Long Võ Trang để trở thành phân đường thứ mười. Trong ba mươi năm nay chỉ có Giao Long Bang là bang phái đầu tiên và duy nhất.
Trần Triệu Quốc Nguyệt không khỏi cảm thấy tự hào:
‒ Chị em chúng tôi không có lý gì không phát triển Giao Long Bang.
‒ Và đó cũng là nguồn cội của sóng gió.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nhíu mày:
‒ Xin Đại Phu nói rõ hơn.
‒ Tám phái kia năm xưa đều có công đánh dẹp Thiên Ma Giáo, họ có chân trong Long Võ Trang không có gì lạ. Nay Giao Long Bang không có chiến công mà cũng đứng ngang hàng, nếu Đường Chủ ở vào địa vị họ Đường Chủ có ghen tức không?
Câu hỏi của Ngô Diệp Thảo Quốc Nguyệt không có cách nào trả lời. Đưa Giao Long Bang ngang hàng với một trong tám phái lớn chị em nàng đã khổ công nhiều năm. Tất nhiên nàng không muốn có kẻ khác vượt trội lên ngang với mình.
‒ Vì lẽ đó mà những Đường Chủ khác lạnh nhạt với Trần Triệu Đường Chủ và Tạ Tổng Đường thì khinh ra mặt vì ông ta dù sao cũng phải nể nang những người kia. Tuy cũng nhìn ra vấn đề nhưng cách giải quyết của Đường Chủ là tỏ ra mình là người có tài. Càng tỏ ra bao nhiêu thì người ta càng sợ, càng xa lánh và càng ghen ghét bấy nhiêu.
Trần Triệu Quốc Nguyệt ngồi lặng thinh, không phản bác. Ngô Diệp Thảo đã nói đúng.
‒ Trận chiến đêm rằm vừa qua, Giao Long bang đem một số tiền khổng lồ đến Long Võ Trang. Nhưng điều đó không ai sợ bằng việc Giao Long Bang có thể đem bao nhiêu xác chết đi trong một thời gian rất ngắn. Tài lực, vật lực và nhân lực của Giao Long Bang dồi dào sẽ trở thành mối nguy cho các phái kia.
Ngô Diệp Thảo ngừng lại một chút để quan sát sắc mặt của nàng:
‒ Thảo này xin nói một vấn đề thực tế hơn. Giao Long Bang dùng một số tiền rất lớn lại còn đem nhiều vật dụng đến, đối với các phái chưa chắc đã mua được nhân tâm vì bên trong còn có phần đố kỵ. Ngược lại Giao Long Bang tốn kém không ít mà những thứ đó, Thảo đoán, Giao Long Bang không dễ dàng gì kiếm được. Nếu dùng những thứ đó vào việc phát triển Giao Long Bang không phải tốt hơn sao?
Trần Triệu Quốc Nguyệt chống chế:
‒ Nhưng các bang phái kia tiền bạc đóng góp vào đâu có ít. Với lại Giao Long Bang có cách dùng tiền của Giao Long Bang.
‒ Đành rằng vậy nhưng không có ai, hoặc nếu có thì cũng không ai ra mặt chứng tỏ tài năng. Đường Chủ là người còn trẻ, cương cường, quả cảm, hiếu thắng nên cách xử sự không được vẹn toàn. Sự mất còn của Giao Long Bang từ đây mà ra.
Nàng phản bác Ngô Diệp Thảo:
‒ Tôi không đồng ý với luận giải của Đại Phu. Giao Long Bang thuộc chính phái, xưa nay không hiềm khích với những phái lớn, lẽ nào lại đối đầu với sự mất còn? Còn Minh Chủ thì sao? Không lẽ Minh Chủ lại để cho các bang phái xâu xé lẫn nhau? Sức mạnh của Long Võ Trang là từ các bang phái mà có. Bang phái xâu xé thì Long Võ Trang cũng không còn, ngược lại các phái cũng không có chỗ dựa. Giao Long Bang vì cái nhìn của chung, vì sức mạnh của chung mà đóng góp.
Ngô Diệp Thảo lắc đầu:
‒ Không phải Thảo muốn ngăn cản việc Giao Long Bang đóng góp tài sức. Thảo muốn nói là đừng làm quá, chạm đến người khác. Kiến thiết Long Võ Trang tốn kém ở một mức nhất định. Giao Long Bang làm quá thì những phái kia rút bớt lại, thua thiệt là ở Giao Long Bang mà thôi. Một Giao Long Bang mà chịu gần bốn phần tổng chi phí và vật dụng, Bang Chủ không cho là hơi quá à?
Trần Triệu Quốc Nguyệt ngẩn người.
‒ Do đó nhiều lần Thảo này nói Đường Chủ suy luận không hề tính đền yếu tố lòng người. Con người ta xưa nay mưu bá đồ vương có mấy khi bắt nguồn từ hiềm khích riêng tư? Hầu hết đều bắt nguồn từ danh và lợi. Thảo này đặt một giả thuyết cho Đường Chủ: Giao Long Bang và các phái có một cái hố không những khó lấp được mà còn to lớn hơn nữa. Giao Long Bang càng lớn thì mối đe dọa càng cao. Bát phái chỉ cần Giao Long Bang có hành động nào khác biệt thì sẽ liên kết tiêu diệt ngay.
‒ Đại Phu cứ nói Giao Long Bang là mối đe dọa nhưng không nói đe dọa ở đâu, làm sao. Quanh đi quẩn lại chỉ có mình tôi là đối đầu với họ từ trước đến nay, nhưng đều là nằm trên cương vị chức phận trong Trang. Hơn nữa, Đại Phu đang dùng bát phái đe dọa Giao Long Bang?
‒ Này nhé, ngoài phái Đông A có biết về sông nước ra, Giao Long Bang là thế lực mạnh nhất về thủy lực. Nếu Giao Long Bang cứ đà phát triển, các hoạt động sông biển đều nắm hết quyền, Đường Chủ nói xem đó không phải là mối đe dọa à? Ai dám bảo đảm Giao Long Bang sẽ không phát triển trên cạn? Chúng ta nên nhớ rằng Long Võ Trang và Bát Đại Phái là thế lực lớn nhất, nắm quyền toàn cõi võ lâm Nam Thiên. Nhưng lớn nhất chứ không phải duy nhất. Ngoài Bát Đại Phái ra còn bao nhiêu môn, phái, bang, hội, gia tông nhỏ khác. Giao Long Bang mà trở thành thế lực lớn thì các phái nhỏ kia lại càng bị chia năm xẻ bảy. Còn một điều nữa là Giao Long Bang và Thiên Ma Giáo vốn không có oán thù năm xưa. Vạn nhất Thiên Ma Giáo muốn liên minh với Giao Long Bang thì sao?
Trần Triệu Quốc Nguyệt như ở trong chốn u tối tìm ra được ánh sáng. Nàng đã hiểu toàn bộ ý nghĩa của cuộc họp đêm nay:
‒ Chính tà không đi đôi, Giao Long Bang sẽ không bao giờ bắt tay với ma giáo. Giao Long Bang về với Long Võ Trang tất nhiên sẽ đóng góp cho chính phái giữ gìn giềng mối. Những bang phái khác, trong đó có cả phái Sài Sơn của Đại Phu, luôn thu đồ đệ phát triển không ngừng. Ngược lại những gì Đại Phu nói, Giao Long Bang không phát triển để tự cường biết đâu một ngày nào đó thành mồi cá cho bát phái xâu xé.
‒ Thảo không nói Đường Chủ ngưng phát triển Giao Long Bang. Thảo này khuyên Tam Bang Chủ đừng quá lộ liễu. Ban đầu thành lập bãi sửa thuyền Khánh Thịnh, bây giờ có thêm bãi đóng thuyền Khánh An. Không lộ liễu quá là gì?
‒ Từ Khánh Thịnh trên sông Vạc đi ra sông Đáy phải đi chênh chếch về hướng đông nam đến Kim Đài. Mở đường bộ từ Khánh Thịnh lên Khánh An quãng đường rút ngắn. Từ đó về Trường Yên hoặc Thăng Long cũng dễ. Tôi cho phát triển, đối với Long Võ Trang hoàn toàn hợp tình hợp lý. Bát phái vì đó nghi ngờ Giao Long Bang, không lẽ nhỏ mọn vậy? Lại còn nghi ngờ Giao Long Bang cấu kết ma giáo. Hừ, thật là tức cười.
‒ Đường Chủ đừng quá chủ quan. Chết đấy. Thiên Ma Giáo đang đêm đột nhập và giải thoát giáo chủ của họ. Sức mạnh đó không ai nói ra nhưng không ai không hiểu. Có hiểu tức có lo. Nếu Giao Long Bang luôn luôn sát nách mà trở thành một mối họa thì Long Võ Trang và Bát Đại Phái sẽ gặp nguy. Cá nhân Thảo không có hiềm khích với Giao Long Bang. Những người khác nghĩ thế nào Thảo biết được ít nhiều. Nếu Giao Long Bang có sơ xuất, kẻ thiệt hại là Giao Long Bang, là Bang Chủ.
Y Dược Đường Chủ Ngô Diệp Thảo thở dài:
‒ Vì quá háo thắng mà Đường Chủ trở thành mối lo của những người khác.
‒ Ý của Đại Phu là sao?
‒ Như việc hôm trước Đường Chủ dùng nội quy bản Trang mà xử phạt đệ tử các phái. Không phải vì đệ tử phái Sài Sơn cũng chịu thọ hình mà Thảo nói những lời này: Trên mặt luật lệ thì đúng, nhưng Đường Chủ đã đi quá đà. Vốn không cần phải dùng roi gậy để phạt, nhờ Minh Chủ đứng ra cảnh cáo cũng đủ rồi, lại còn hiệu nghiệm là khác. Còn tội của Đường Chủ vốn không có gì, việc chi phải chịu mười côn?
Trần Triệu Quốc Nguyệt thẳng thắn:
‒ Tại vì tôi không thể phạt thuộc hạ của mình nên phải gánh lấy. Làm kẻ trên phải biết thương yêu người dưới. Không có thuộc hạ thì cũng không có cái ghế bang chủ để mà ngồi. Trong một nước, dân là quý. Trong một bang, thuộc hạ là quý.
Ngô Diệp Thảo gật đầu:
‒ Đường Chủ nói rất đúng. Nhưng mà Đường Chủ ơi, Đường Chủ biết quý thuộc hạ vậy những người kia không biết thương yêu đệ tử? Minh Chủ không biết quý thuộc hạ các bang phái hay sao?
Nàng không nói gì.
‒ Chỉ cần Đường Chủ nhún nhường, nói vài lời với các vị Đường Chủ và Minh Chủ là không phải chịu mười côn và những người kia cũng vui vẻ bỏ qua. Nhưng Đường Chủ ngang nhiên chịu mười côn. Cùng là đường chủ như nhau, Bang Chủ chịu mười côn như vậy khác nào bỉ mặt những người kia và trong tương lại, nếu ai phạm tội thì phải chịu hình phạt như Bang Chủ. Đã có tiền lệ, biết đâu sau này đích thân Thảo phải chịu hai mươi, ba mươi côn. Bang Chủ làm khó cho Minh Chủ nên tuy phạt Bang Chủ nhưng trong lòng Minh Chủ không được vui.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nhìn Ngô Diệp Thảo dò ý:
‒ Không biết Ngô Đại Phu nói với tôi những việc này là để làm gì?
Ngô Diệp Thảo không trả lời mà hỏi lại:
‒ Nếu trả lời rằng vì Thảo này là một thầy thuốc, Trần Triệu Đường Chủ có tin chăng?
Trần Triệu Quốc Nguyệt mỉm cười:
‒ Tất nhiên là tôi tin!
Ngô Diệp Thảo cũng mỉm cười:
‒ Đường Chủ có tin hay không cũng vậy thôi. Thảo này không muốn nhìn cảnh người nhà chém giết lẫn nhau nên muốn nhắc nhở với Đường Chủ đôi điều. Không muốn Giao Long Bang bị diệt vong.
Trầm ngân chốc lát Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi:
‒ Đại Phu là người thâm cơ viễn lự, đã nhìn ra cuộc thế của võ lâm tất nhìn ra cách giải quyết và con đường để đi. Vậy tôi xin Đại Phu đừng tiếc lời chỉ bảo.
Ngô Diệp Thảo ánh mắt xa vời:
‒ Thảo này từ nhỏ là người của phái Sài Sơn, tất nhiên không biết nội tình và nhân lực của Giao Long Bang. Ngoài Đường Chủ ra, những vị bang chủ kia Thảo này chỉ nghe tiếng chứ không biết mặt. Nhưng dù có biết thì cũng không làm sao giúp được. Cuộc thế của võ lâm trước mắt đại khái thì như vậy, nhưng cuộc đời vô thường, con tạo cứ mãi xoay vần. Thảo này chỉ có thể đưa ra ý kiến thô thiển của mình, còn mọi quyết định và hành động thì tùy thuộc vào tâm tư cùng tài trí của Giao Long Bang. Giao Long Bang có ý muốn biển Đông một cõi ai cũng nhìn ra. Bang Chủ đi quá đà, sự thiệt hại là về Bang Chủ.
Trần Triệu Quốc Nguyệt lại trầm tư suy nghĩ. Nàng không nói gì, Ngô Diệp Thảo cũng không nói nữa. Hai người ngồi lặng im theo đuổi riêng ý nghĩ của mình. Sự im lặng ngột ngạt bao trùm cả căn phòng. Để phá tan bầu không khí nặng nề, Ngô Diệp Thảo quả quyết:
‒ Những gì Thảo này nói với Trần Triệu Đường Chủ từ lúc đầu đến giờ chỉ là một nửa cái nguy của Giao Long Bang mà thôi.
Một nửa cái nguy? Trần Triệu Quốc Nguyệt lại một phen nội tâm bị chấn động. Từng ấy sự việc đã làm nàng cảm thấy khó nghĩ, nhưng nếu nó mới có một nửa, nàng không dám nghĩ tiếp. Nàng hỏi lại như không dám tin vào tai của mình:
‒ Đại Phu nói gì? Một nửa mối nguy là sao? Vậy chẳng lẽ lại còn một nửa nữa à?
‒ Tiếc là một nửa sau này không phải là sở trường nên Thảo này không biết nhiều bằng Trần Triệu Đường Chủ.
Quốc Nguyệt ngạc nhiên với câu trả lời của Ngô Diệp Thảo:
‒ Xin Đại Phu nói rõ hơn.
‒ Cũng được. Từ đây nhìn về hướng đông là biển Nam Hải. Nhìn nữa thì đến đảo Quỳnh Châu (3) của Tống. Giữa đảo Quỳnh Châu và Đại Việt có một hòn đảo rất lớn tên là Bạch Long Vĩ. Trên đảo Bạch Long Vĩ có một người chắc là Đường Chủ biết tên?
Hai mắt Trần Triệu Quốc Nguyệt đột nhiên sáng ngời ngời, sắc mặt cũng lãnh đạm trở lại. Ngô Diệp Thảo rất đỗi ngạc nhiên về sự thay đổi của nàng. Trần Triệu Quốc Nguyệt hỏi:
‒ Ý của Đại Phu có phải nói về Nam Hải Long Vương hay không?
‒ Đúng vậy, một nửa sau chính là cái thế chân trong chân ngoài, chân trên cạn chân dưới nước của Giao Long Bang.
Ngay lúc đó thì có tiếng gõ cửa:
‒ Kính thưa Sư Phụ, con là Quế Chi có chuyện cần phải bẩm báo với Tế Tác Đường Chủ.
‒ Được rồi vào đi.
Một cô gái tuổi mười sáu khuôn mặt như trăng rằm, mái tóc cài một đóa hoa quế bước vào cung kính:
‒ Thưa Sư Phụ, thưa Tế Tác Đường Chủ. Tế Tác Phó Đường Chủ là Đinh Văn Tú nói là có chuyện quan trọng cần gặp mặt Đường Chủ ngay.
Trần Triệu Quốc Nguyệt nghe vậy liền đứng lên hướng Ngô Diệp Thảo cung tay:
‒ Tôi có chuyện gấp trong mình cần phải giải quyết nên xin bỏ dở mà về, xin Đại Phu lượng thứ.
Ngô Diệp Thảo mỉm cười:
‒ Đường Chủ có chuyện riêng, Thảo này không tiện giữ chân. Những gì muốn nói chúng ta đã nói xong. Thảo này cũng xin lỗi là vì cũng có chuyện riêng trong người nên không thể tiễn chân Đường Chủ được.
Nàng không nói gì, vái một vái rồi đi ra ngoài. Chờ cho Quốc Nguyệt đi khá xa, Ngô Diệp Thảo hỏi đệ tử mình:
‒ Quế Chi, thuốc đó đã làm xong chưa?
Quế Chi kính cẩn:
‒ Dạ, chúng con đã thử thêm năm lần nữa nhưng không lần nào làm được. Vì mùi không giống thì vị cũng không giống và tính thuốc cũng sẽ không giống.
Ngô Diệp Thảo hơi nhíu mày:
‒ Vậy à? Xem ra người sư phụ này cũng có lúc phải cần đến nó rồi.
Nói rồi hai thầy trò cùng bật cười.
Trần Triệu Quốc Nguyệt vừa suy nghĩ vừa đi ra khỏi Y Dược Đường, sắc mặt lạnh lùng, không giống như lúc đang nói chuyện với Ngô Diệp Thảo. Nàng quay lại nhìn và nói thầm: “Cám ơn Đại Phu chỉ đường cho Nguyệt này. Nhưng Giao Long Bang có cách làm việc riêng của Giao Long Bang. Mối nguy thứ hai mà Đại Phu nói chúng tôi đã biết và nhớ nằm lòng. Còn mối nguy thứ nhất, nó vốn không phải như lời Đại Phu suy luận. Chị em chúng tôi không dễ bị hà hiếp như Đại Phu nghĩ.”
Nàng cương quyết hơn: “Cái sóng gió mà Đại Phu nói, nó khác, tôi đã biết từ lâu. Nếu sợ thì tôi đã không đến Long Võ Trang. Người làm việc lớn mà sợ sóng gió chi bằng nằm một xó cho được an thân. Đó là cái giá phải trả và Giao Long Bang ở vào cái thế không thể không trả. Tôi biết thúc đẩy việc thi hành kỷ luật nghiêm minh, các vị không bằng lòng vì cho rằng thông lệ bao năm nay nó như vậy, bình yên vô sự thì bây giờ cũng đâu cần phải đổi để cho loạn lên. Nhưng Đại Phu ơi, Đại Phu là thầy thuốc, không muốn ai bị đau đớn ở xác thân. Đại Phu nhìn xa nhưng không ra ngoài cái quan điểm của riêng mình. Minh Chủ không thể đứng ra xử phạt vì nể trọng các phái, không muốn làm buồn lòng. Bắt buộc tôi phải làm người xấu, Tế Tác Đường phải làm kẻ ác để răn trị và sửa đổi những kẻ làm sai. Thuốc đắng rã tật, sự thật mích lòng. Cũng như các vị, tôi không muốn chết, không muốn Giao Long Bang bị diệt vong nên phải làm kẻ xấu. Luật lệ lỏng lẻo thì không thể đương đầu với ma giáo với đội quân thiện chiến, nghiêm minh. Bát phái mà bị diệt thì Giao Long Bang sẽ chết theo. Trong cuộc chiến vừa rồi, tất cả chúng ta bị ma giáo đánh úp, riêng Giao Long Bang bị ép đến ba mặt mà sự tổn thất lại ít hơn so với nhiều môn phái khác khiến tôi phải lo nghĩ. Tình trạng trước mắt mà nói, ngang nhiên đánh nhau thì bát phái không phải là đối thủ của ma giáo. Giao Long Bang vì muốn tự giữ mình mà phải cố sức cống hiến. Tiền tài đó, vật dụng đó chúng tôi khó khăn lắm mới có được. Nhưng giữa hai lựa chọn, tiền tài và sinh mạng bang chúng, tôi luôn luôn chọn bang chúng, Đại Phu ạ. Cũng như Đại Phu sẽ luôn luôn chọn đệ tử và môn phái của mình. Chúng tôi trả giá bằng tiền và mồ hôi bây giờ để sau này khỏi phải trả bằng sinh mạng và nước mắt của thuộc hạ. Các vị ghen ghét cũng đành chịu. Tôi mong sự ghen ghét đó sẽ thức tỉnh và thúc đẩy các vị để được tốt hơn. Tôi không sợ bát phái xúm lại tiêu diệt Giao Long Bang, ít ra trong lúc này vì hành động đó khác gì tự tử khi ma giáo còn gươm đao kề cổ. Chuyện sau này để sau này tính. Cám ơn lòng tốt của Đại Phu, nhưng Giao Long Bang có con đường riêng của Giao Long Bang phải chèo chống. Chúng tôi không vì nước cả mà ngã tay chèo. Sóng gió biển Đông sẽ do tôi dẹp yên, Đại Phu khỏi phải lo.”
Ngoài cổng Y Dược Đường Đinh Văn Tú đứng ngồi không yên. Khi thấy Trần Triệu Quốc Nguyệt đi ra hắn vội chạy đến nói nhỏ vào tai nàng:
‒ Có chuyện không hay. Giang Linh đang giao đấu kịch liệt với người nhà họ Mai ở cổng nam Long Võ Trang. Triệu đại ca đã đến đó dàn xếp nhưng chưa biết thế nào.
Trần Triệu Quốc Nguyệt không nói gì, chỉ điểm nhẹ một cái thân hình nàng đã vụt đi về hướng nam nhanh như tên bắn. Đinh Văn Tú cũng dùng khinh công bám theo sau.
Mai Trung Tín, cùng em là Mai Trung Thành, đều là cháu gọi Mai Nhật Sinh vừa bằng bác vừa bằng sư phụ. Mai Nhật Sinh không vợ không con nên nhường chức chưởng môn cho em mình là Mai Trung Chính. Còn Mai Nhật Sinh thì thay mặt em mình cầm đầu toán đệ tử Việt Thành tại Long Võ Trang.
Hai anh em Mai Trung Tín, Mai Trung Thành tuổi trên ba mươi nhưng chưa vợ chưa con nên ngày thường hay rượu trà đình đám với các sư đệ. Hai anh em không phải là người xấu nhưng vì được nuông chiều từ nhỏ, thân phận lại là phó đường chủ, nên mang tính hách dịch của con nhà quyền quý. Mai Trung Tín sử dụng trường đao, em sử dụng thiết côn, đều là loại vũ khí dài và nặng. Vì xuất thân danh gia nên anh em họ thành danh rất sớm, được người võ lâm tặng cho mỹ tự “Mai Gia Song Hổ.” Mà họ giống như hổ thật, thân thể to lớn, lực lưỡng, thô lậu, không có tác phong nho nhã như cha ông.
~oOo~
Nói về Hồ Trường Giang Linh. Những lúc nàng có mặt ở Long Võ Trang sáng, trưa, chiều ngày ba lượt nàng đi tuần khắp Long Võ Trang. Trước kia còn cảnh thái bình nên công việc khá nhàn nhã. Nhưng từ lúc xảy ra chuyện ma giáo đột nhập đến giờ, Long Võ Trang ra sức phòng thủ để chuẩn bị đương đầu với ma giáo nên công việc bề bộn, người mới người cũ phức tạp nên nàng phải dõi mắt để ý từng hành động.
Kể từ hôm Trần Triệu Quốc Nguyệt tự phạt mình mười côn trước Uy Long Các tính đến hôm nay nữa là bốn ngày. Trong bốn ngày qua, khắp nơi trong Long Võ Trang người người đều nói đến việc Trần Triệu Quốc Nguyệt chịu đòn. Người thì khen nàng phải trái phân minh, hành động lỗi lạc đáng làm bang chủ một bang lớn. Người thì chê nàng cậy mình có tài, ngang ngạnh nên bị đòn là đáng, cho chừa tính xấu. Nó là một đề tài sôi nổi cho nhiều người bàn tán vì xưa nay người ở địa vị đường chủ mà bị xử phạt thì Trần Triệu Quốc Nguyệt là người đầu tiên. Vì lẽ đó mà thuộc hạ Giao Long Bang bị đàm tiếu không ít.
Những lời dị nghị, khen chê Hồ Trường Giang Linh đều không để lọt tai mặc dù nàng luôn cho rằng đó là một mối nhục mà Giao Long Bang cần phải trả. Còn trả cho ai, trả bằng cách nào thì nàng chưa nghĩ ra.
Mỗi khi đi tuần vào buổi sáng và trưa thì nàng đi có một mình. Nhưng vào buổi tối thì nàng dẫn theo một vài thuộc hạ thân tín. Lần này sau khi Trần Triệu Quốc Nguyệt đi gặp Ngô Diệp Thảo thì nàng dẫn hai anh em Quách Lăng, Quách Uyên Linh và Đinh Bạch Yến. Quách Lăng thì lớn hơn nàng ba tuổi còn Uyển Linh và Bạch Yến thì ngang tuổi với nàng. Đinh Bạch Yến là em của Đinh Tú Văn, cách đây hơn một năm được gả cho Quách Lãng. Bốn người chơi thân với nhau từ nhỏ nên hầu như làm việc gì cũng có nhau. Đi tuần vào buổi tối mỗi ngày cũng vậy.
Khi bốn người đến cổng nam Long Võ Trang thì quang cảnh bày ra trước mắt làm cả bốn người bừng bừng lửa giận. Chẳng còn một cái gì có thể gọi là trật tự. Đệ tử Luyện Võ Đường thì giữ kỷ luật còn đệ tử Phi Mã Đường rất đáng bị trừng phạt. Hơn ba mươi người tụ họp với nhau gầy sòng đổ bác, đánh chén say sưa. Chỉ thiếu phần la hét inh ỏi nữa là đủ mười phần vô kỷ luật. Mai Gia Song Hổ là tâm của cuộc vui vô cùng nguy hiểm ấy. Thấy bốn người của Tế Tác Đường đến họ vẫn dửng dưng như không.
Hồ Trường Giang Linh rất căm giận. Nàng càng nghĩ càng thấy ức cho Tam Bang Chủ bị mười côn hết sức oan uổng. Nàng bước đến hai anh em họ Mai, mắt trừng trừng nhìn họ. Hai anh em họ Mai nào không biết tâm trạng của Hồ Trường Giang Linh lúc bấy giờ. Họ càng khoái trá hơn, Mai Trung Tín nói với những người xung quanh:
‒ Này này các sư đệ, tiểu huynh có chuyện muốn nói.
Bọn chúng nhao nhao lên:
‒ Đại sư huynh muốn nói gì thế?
‒ Chắc là đại sư huynh có cao kiến chi đây.
‒ Nếu là chuyện vui đừng chừa chúng tiểu đệ ra.
‒ Này này các vị huynh đệ, hãy im lặng nghe đại sư huynh giải thích.
Nhị Hổ Mai Trung Thành rót đầy một chén rượu đưa cho Mai Trung Tín:
‒ Đại ca uống xong chén này rồi hãy nói.
Mai Trung Tín uống cạn chén rồi “khà” một cái, nói:
‒ Tiểu huynh nghe đồn có những con chó được nuôi trong Tế Tác Đường ngày thường ăn sung mặc sướng nên mập lù lù. Chúng không có chuyện gì làm nên hay đi sủa bậy, cắn bậy người đời. Gần đây tiểu huynh nghe nói có một vị đại hiệp danh mãn võ lâm dùng phép đánh chó đét cho bọn chúng một trận đầy đủ.
Cả bọn phá ra cười. Cười như chưa được cười lần nào trong đời; cười đến quằn người, cười đến ôm bụng, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Mai Trung Thành tiếp lời anh:
‒ Nghe nói đến những con chó đó mà người nhị sư huynh này thèm nhỏ giãi. Bữa thịt cầy này không có chúng thật là một điều thiếu sót.
Bọn chúng lại một phen cười thỏa chí. Nói xong Mai Trung Thành gục gặc cái đầu, rót ra một chén rượu, uống một hơi cạn rồi nói tiếp:
‒ Đành rằng ông bà ta có nói nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm là bốn giống chó ăn ngon nhất. Nhưng theo riêng bản ý thì chó mực mới là hàng tuyệt phẩm. Nghe đồn trong Tế Tác Đường có con chó mực thon thon, nhìn thấy ngon ngon, mình don don, nếu đem ra thịt thì… không mát cũng dòn.
Hắn nhắm mắt lắc đầu, hít hà rồi nói:
‒ Sướng như…
Mai Trung Tín ngắt lời em:
‒ Tiếc là gần đây cái mông chó mực tròn lẳn lẳn kia được tẩm quất đầy đủ nên bầy hầy như cái giẻ rách.
Cả bọn lại phá ra cười. Mai Trung Thành tiếp lời:
‒ Lo gì đại ca. Trăng tròn bị khuyết thì đợi đến lúc trăng khuyết lại tròn đại ca tha hồ thưởng trăng. Ha ha ha.
Hắn vừa nói hết câu đã cảm thấy có hai luồng hơi lạnh nhắm vào cổ mình đánh tới. Vốn đã chuẩn bị từ trước, hắn bật ngửa người ra phía sau, tay phải cầm thanh thiết côn lên gạt. Nhưng hai luồng hàn khí kia đánh được hơn nửa đường thì chia ra làm hai, một đuổi theo cổ hắn, một chống lại với cây thiết côn. Mai Trung Thành không xem hai luồng hàn khí đó ra gì, hắn vận kình lực vào tay phải thêm một thành và đánh vào hai luồng hàn khí đó.
Keng!
Mai Trung Thành thuận theo đà bật ngửa, tay trái chống xuống đất hất tung hai chân lên trời lộn ngược về sau một vòng đứng lên. Tay phải chống côn trong tư thế vừa ngạo mạn vừa hùng dũng. Trước mặt hắn là một cô gái tuổi đôi mươi, mình mặc áo nâu dệt bằng vải thô sơ, trên đầu chít một vuông khăn đen. Cô gái xinh đẹp, duyên dáng. Hai tay cô cầm hai thanh nhuyễn kiếm, đứng trên bàn ăn của Mai Trung Thành. Đôi mắt cô trừng trừng nhìn thẳng vào mặt hắn, Mai Trung Thành ngạo nghễ cười:
‒ Tưởng là ai, hóa ra nhãi ranh Hồ Trường Giang Linh, cái Linh đây mà.
Hắn không cười nữa mà nghiêm sắc mặt, giọng gay gắt:
‒ Cái Linh! Mi ỷ vào đâu mà dám đến đây gây rối trong lúc các đại gia ta đang vui vầy thưởng không khí trong lành, thưởng trăng thanh gió mát đây hả?
Cuối tháng làm gì có trăng. Chẳng qua anh em họ Mai cố tình chọc tức. Trăng tức là nguyệt. Tam Bang Chủ của Giao Long Bang Trần Triệu Quốc Nguyệt lúc nào cũng mặc quần áo màu đen hoặc màu đậm. Anh em họ Mai nhiều lần chửi xỏ xiên, miệt thị trắng trợn, Hồ Trường Giang Linh quyết cho chúng một bài học:
‒ Các ngươi dám vi phạm nội quy một cách nghiêm trọng. Ta phải cho các ngươi gẫy răng thì mới chừa thói hư tật xấu. Thân làm phó đường chủ như Trung Tín, Trung Thành mà không biết làm gương. Ta không thể làm ngơ cho các ngươi lộng hành.
Nói rồi chén đĩa trên bàn nàng đá hết vào những người xung quanh. Bọn đệ tử phái Việt Thành bị đồ ăn thức uống bắn tung vào người lập tức la ó lên và rút vũ khí ra. Vì chưa được lệnh nên bọn chúng không dám tấn công. Hồ Trường Giang Linh thuận chân đá một bình rượu trên bàn vào người Mai Trung Thành đồng thời nàng cũng phi thân lên cao, múa tít hai thanh kiếm tấn công hắn.
Mai Trung Thành tuổi 31, võ công cùng kinh nghiệm dồi dào nên chẳng coi một đứa con gái tuổi mới đôi mươi vào đâu. Tay phải hắm đâm ra một côn vào bình rượu. Vì sức của bình rượu bay đến, sức của ngọn côn đâm ra quá nhanh nên hắm đâm xuyên qua bình rượu. Mảnh bình rượu trên đầu ngọn côn do ngọn côn tạo thành bay ngược lại hướng vào huyệt Trung Đình giữa lồng ngực của Giang Linh lúc nàng đang lướt tới. Vẫn chưa hết thế công, tay phải Mai Trung Thành khẽ xoay nửa vòng, bình rượu lập tức bị tách ra làm hai. Hắn rút cây côn lại rồi phóng ra hai mũi nữa điểm vào hai mảnh bình rượu. Hai mảnh này cũng đổi chiều bay ngược lại hướng vào người Giang Linh, một nhắm vào huyệt Liêm Tuyền giữa cổ, một nhắm vào huyệt Hạ Uyển ở bụng.
Dùng đầu côn biến bình rượu thành ám khí để đánh ngược lại đối phương một cách thần tốc, Mai Trung Thành tính toán rất chính xác, nội lực sung mãn, chiêu thức khá đẹp mắt. Bọn đệ tử phái Việt Thành và cả Hồng Lĩnh đều khen không ngớt. Lúc đó Hồ Trường Giang Linh đã ở trên không, bị đánh vào ba nơi yếu huyệt, có muốn tránh né cũng không tránh được. Bọn họ ai cũng nghĩ vậy.
Hồ Trường Giang Linh vẫn dán mắt vào Mai Trung Thành, khí sắc trầm ổn. Bình rượu ba mảnh nhắm vào người nàng, nàng không đưa mắt nhìn. Hai tay nàng khẽ rung lên, hai thanh nhuyễn kiếm phát ra nhiều tiếng ngân dài. Hai tay thay phiên nhau đánh ra bốn kiếm. Ba kiếm đầu đánh vào ba mảnh bình rượu, kiếm thứ tư nàng nhắm vào huyệt Nhân Trung ở môi trên và Thừa Tương ở môi dưới của Mai Trung Thành. Nàng đã quyết ý bẻ răng hắn thật.
Thấy Hồ Trường Giang Linh đánh ra bốn kiếm lập tức Mai Trung Thành nổi cơn phẫn nộ. Ba mảnh bình rượu bay vào người Giang Linh Mai Trung Thành cho rằng với kỳ chiêu của hắn nàng sẽ bị thương nặng. Nào ngờ Giang Linh mỗi mảnh chém ra làm hai, khi chém nàng khẽ xoay cổ tay nên sáu mảnh bình rượu đều bay lướt qua người nàng cách vạt áo không đến nửa đốt ngón tay. Sáu mảnh bình rượu ấy bay ra đàng sau và trúng sáu người đệ tử của phái Việt Thành. Hồ Trường Giang Linh lấy thủ làm công, một chiêu bốn kiếm vừa tấn công Mai Trung Thành vừa đả thương sáu người sư đệ của hắn.
Mai Trung Thành không nổi giận làm sao được. Hắn cho rằng vì hắn quá khinh địch nên khiến sáu người sư đệ bị thương. Hắn vẫn xử dụng cây thiết côn một tay, xoay ngang thiết côn gạt mũi kiếm rồi vòng tay nửa vòng quất đầu kia phản công.
Nhưng hắn quên một điều, thanh nhuyễn kiếm không giống như kiếm thường. Khi cây thiết côn đánh gần trúng mũi kiếm thì Hồ Trường Giang Linh khẽ rung nhẹ cổ tay xoay ngang lưỡi kiếm và đập vào cây côn. Lưỡi kiếm cong lại nhưng không mất đà tiến tới, vẫn chỉ vào hai huyệt Nhân Trung, Thừa Tương làm cho Mai Trung Thành kinh hoàng. Thế côn phản công của hắn mới đi được nửa đường vội rút ngược lại vì hắn phải nhanh chân nhảy phía sau hơn bảy bước mới tránh được thế đâm. Mới đón một chiêu mà hắn đã rơi vào thế kém còn hai chiêu công của hắn không hề bức được đối phương. Hắn toát mồ hôi lạnh.
Mai Trung Thành cảm thấy gần huyệt Thừa Tương bị rát, biết là kiếm đâm trúng. Nếu không nhờ khinh công cao siêu, phản ứng nhanh nhẹn có lẽ hai cái răng cửa ở hàm dưới đã bị chém gẫy. Hắn tuyệt đối không ngờ một cô gái tuổi mới đôi mươi mà kiếm pháp nhanh nhẹn, uyển chuyển đến như vậy. Bấy lâu nay hắn vốn khinh mạn bang chúng Giao Long Bang, không xem họ là bậc ngang hàng với phái Việt Thành. Đêm hôm trước hắn thấy Triệu Hòa Vinh qua lại mấy chiêu với Mai Trung Thành. Triệu Hòa Vinh không thèm để ý đến hai anh em hắn nên hắn bị chạm tự ái và lấy đó làm mối hiềm khích. Mới gần đây vì Trần Triệu Quốc Nguyệt mà hắn bị phạt chịu côn nên càng ghét cay ghét đắng Giao Long Bang. Hai anh em hắn bầy việc ăn uống linh đình để tỏ thái độ khinh thường Tế Tác Đường. Khi thấy Hồ Trường Giang Linh bốn người đi đến liền lập tức tìm cách nói xỏ xiên để chọc tức, chủ ý là sẽ dạy cho thuộc hạ Tế Tác Đường một bài học. Anh em hắn đã thành công trong việc trêu chọc.
Mai Trung Thành cho rằng ban nãy mình khinh địch, vận có bảy phần công lực nên mới phải bị ép rút lui và làm cho mấy người sư đệ bị đánh trúng. Hắn vận kình lực đến tột độ múa tít cây thiết côn bằng hai tay lên, tiếng gió nghe vù vù. Côn thuộc vũ khí dài, giao đấu ở khoảng cách xa có lợi hơn là cho đối phương đến gần. Mai Trung Thành quyết ý không để cho Hồ Trường Giang Linh đến gần vừa tầm hai thanh nhuyễn kiếm nữa. Hắn quyết tâm đánh bại thuộc hạ Giao Long Bang.
Hồ Trường Giang Linh đánh hụt một chiêu trong lòng không khỏi thầm khen Mai Trung Thành thân thủ nhanh nhẹn. Nàng cũng cảm thấy tiếc rẻ: “Dùng bốn phần công lực nên không thể một chiêu đánh gãy bốn chiếc răng cửa của hắn. Tiếc thật. Sẵn đây mình tìm hiểu xem võ công của phái Việt Thành như thế nào.”
Chân nàng vừa chấm đất, nàng hít một hơi chân khí rồi điểm nhẹ đuổi theo Mai Trung Thành. Hai thanh nhuyễn kiếm vung lên cao và chém xéo xuống theo chiều xéo từ hai bên màng tang xuống đến khoé miệng của Mai Trung Thành. Chiêu kiếm đó mà trúng đích thì Mai Trung Thành có bao nhiêu răng đều bị chém gẫy hết. Nàng thầm nghĩ: “Ngươi thích nói thì ta cho miệng ngươi rộng đến mang tai.”
Mai Trung Thành thấy chiêu kiếm trong lòng càng nổi giận hơn. Hồ Trường Giang Linh vung hai tay lên, để trống lồng ngực liền múa côn trên cao giáng xuống. Đây chỉ là hư chiêu của hắn nên chỉ có cái nhìn bên ngoài mà bên trong kình lực không đến năm phần. Hắn cốt ý dụ xem Giang Linh sẽ né tránh bằng cách nào rồi mới vận toàn lực chuyển đầu côn đâm vào ngực nàng.
Nhưng Mai Trung Thành khéo quá thành vụng. Hắn không có cơ hội dùng thực chiêu.
Đường côn trên cao giáng xuống, Hồ Trường Giang Linh không né tránh mà nàng dùng tay trái hất ngược thanh nhuyễn kiếm lên và đập vào đầu cây côn làm cho lưỡi kiếm cong lại và quấn vào. Nàng thuận tay kéo ngọn côn qua bên trái và người nàng hơi xịch qua phải, đà lướt tới vẫn không đổi, thanh kiếm bên tay phải vẫn giữ đúng chiêu.
Dở cho Mai Trung Thành là hắn chưa dùng đến năm thành công lực nên cây côn bị kéo qua bên phải một cách dễ dàng. Nhưng cũng hay cho hắn là hắn chưa dùng đến năm thành công lực. Ngộ biến tùng quyền, hắn vận nội công giữ chắc cây thiết côn và quất ngang cây côn từ phải sang trái. Hắn muốn đánh vào ngang hông Hồ Trường Giang Linh để bắt nàng phải rút lui.
Hắn biến chiêu nhanh nhưng Hồ Trường Giang Linh cũng không kém.
Khi mũi côn hết đà bay qua trái, chuẩn bị bay ngược lại để đánh nàng thì đó cũng là lúc lực trên đầu cây côn yếu nhất. Không bỏ qua cơ hội, Hồ Trường Giang Linh đưa tay trái lên nắm vào cây côn sắt. Chuôi thanh kiếm trên tay trái nằm giữa lòng bàn tay của nàng và cây côn, nàng vận sức kéo ngược về phía sau cho đà lướt tới được nhanh hơn rồi nàng buông lỏng đầu côn ra. Tay trái nàng lướt tới theo cây côn, chuôi kiếm vẫn trong lòng bàn tay. Mũi kiếm đó sẽ uy hiếm hai bàn tay của Mai Trung Thành trong khi đó thanh kiếm bên phải uy hiếp cả đầu hắn.
Mai Trung Thành kinh hoàng, rút mạnh cây côn lại. Nhưng hắn làm như vậy thì tốc độ lướt đến của Hồ Trường Giang Linh càng nhanh hơn. Bây giờ không những hàm răng của hắn mà đến hai bàn tay lẫn tính mạng cũng lâm nguy. Nhưng thay vì nao núng thì đột nhiên trên môi Mai Trung Thành nhếch lên một nụ cười vô cùng độc ác. Hai mắt hắn cũng lộ ra sát chiêu. Sắc mặt Mai Trung Thành biến đổi, mặt Hồ Trường Giang Linh cũng biến đổi theo. Hai mắt nàng vẫn trừng trừng nhìn hắn và miệng nàng cũng nở ra một nụ cười lạnh.
‒ DỪNG TAY!
Tiếng hét làm cho hai người giật mình một lúc và cùng ngưng tay. Một mũi kiếm cách bàn tay phải của Mai Trung Thành gần nửa gang, một mũi cách màng tang của hắn hơn một gang. Bàn tay trái của hắn đã rời cây côn tự bao giờ. Có tiếng người nói:
‒ Xin Phó Đường Chủ dừng tay.
Giọng nói như cầu khẩn của Quách Lăng làm nàng chợt nao lòng. Nàng vội điểm chân phóng mình đến gần bên hắn. Quách Lăng nói tiếp:
‒ Phó đường chủ mà giao tranh với nhau, tội này không nhỏ, mong Giang Linh nghĩ lại.
Mỗi khi nói chuyện thân mật thì Quách Lăng bao giờ cũng dùng tên của nàng mà gọi. Nàng khẽ liếc nhìn hắn rồi nhìn bạn nàng là Đinh Bạch Yến lúc đó nhìn nàng khẽ lắc đầu. Quách Uyên Linh lúc đó không có mặt. Nàng đoán là Uyên Linh đã trở về Tế Tác Đường báo sự việc cho Triệu Hòa Vinh. Nàng trừng mắt nhìn Mai Trung Thành lúc đó cũng đứng im bất động:
‒ Mai Trung Thành! Nếu ngươi không rút lại những gì ngươi nói, ta sẽ tuyệt đối không tha.
Mai Trung Thành trâng tráo:
‒ Nói cái gì? Mi bảo mỗ nói cái gì? Mỗ thuộc danh gia chính phái, nói chuyện cẩn trọng, kính trên nhường dưới, có nói cái gì đâu?
Hồ Trường Giang Linh tỏ ý khinh thường:
‒ Thứ đàn ông hèn. Ban nãy ngươi lúc nãy nói cái gì mà bây giờ không dám nhận?
Mai Trung Tín bênh vực em:
‒ Cái Linh đừng có vu khống cho người tốt. Mi đến đây sinh sự, đá nát cái bàn ăn của anh em mỗ, bây giờ lại toan gắp lửa bỏ bàn tay, muốn vu khống anh em mỗ cái gì thế?
Cả bọn đệ tử phái Việt Thành nhao nhao lên:
‒ Đúng rồi, đừng có vu oan người tốt.
‒ Đừng nói chuyện hồ đồ.
‒ Rõ ràng Cái Linh là người gây ra chuyện bây giờ còn dám chối.
Mai Trung Thành lại tiếp:
‒ Hồi nãy mỗ nói gì mỗ đã quên. Bây giờ mi có thể lập lại giùm mỗ, may ra mỗ sẽ nhớ chữ được chữ không.
Mai Trung Thành nói xong cả bọn lập tức cười ầm lên. Hồ Trường Giang Linh ấp úng mãi không nói được. Nàng nào dám lập lại những gì hai tên trâng tráo kia nói lúc nãy. Nhưng không lập lại thì mặc nhiên công nhận chúng vô tội. Thấy tình thế không tốt Quách Lăng đấu dịu:
‒ Mai huynh…
Mai Trung Thành gạt phắt:
‒ Ai làm huynh đệ với hạng người như ngươi? Tế Tác Đường không có người lớn dạy bọn ngươi lễ nghĩa hay sao mà chực mõm vào chỗ phó đường chủ đang nói chuyện?
Quách Lăng tuổi lớn nhất trong ba người của Tế Tác Đường hiện có mặt. Tuy chức phận thấp hơn Hồ Trường Giang Linh nhưng nàng rất kính nể hắn. Quách Lăng vẫn ôn tồn mặc dầu trong lòng đầy lửa giận:
‒ Mai các hạ. Các hạ ăn nói lật lọng, tráo trở chỉ làm ô danh cho phái Việt Thành. Chúng tôi không muốn gây chuyện, các vị đừng ép chúng tôi.
Mai Trung Thành cười lớn:
‒ Ô danh? Ô danh? Ha ha ha… ngươi đừng quên rằng trong Tế Tác Đường ai thích mặc đồ đen. Ô danh xứng với ô y. Huynh đệ mỗ đang ăn uống vui vẻ ở đây, Cái Linh nhảy sổng như bị lên cơn đến đá đổ hết đồ ăn lại còn đả thương người. Chứng cớ sờ sờ ra đó mà bọn ngươi dám mồm năm miệng mười đổ hết tội sang bên này, thế nghĩa là sao?
Chữ “cái” dùng để chỉ đàn bà con gái thời đó rất thông dụng, nhất là đối với người dân quê. Ngày xưa Phùng Hưng được dân chúng nhớ ơn gọi là “Bố Cái Đại Vương” cùng một ý nghĩa. Nhưng cung cách Mai Trung Thành gọi Hồ Trường Giang Linh là Cái Linh thì trở thành một điều khinh nhờn, sỉ vả. Quách Lăng gay gắt hơn:
‒ Các vị bầy biện thế này, rõ là phạm nội quy. Chúng tôi chỉ muốn khuyên can, không muốn gây chuyện. Không có lửa sao có khói, các vị không mắng xỏ mắng xiên thì chúng tôi…
Quách Lăng hai mắt đỏ ngầu vì tức giận. Mình bị chửi vào mặt không những không cãi được mà còn bị trách móc là người sinh sự. Chàng rút gươm ra, tuy giận lắm nhưng không dám tấn công. Đinh Bạch Yến trong lòng lo lắng không yên. Đánh nhau nàng không sợ nhưng sợ là dù thắng hay thua sự việc càng tồi tệ hơn, khó lòng cứu vãn. Nàng ngóng đợi Triệu Hòa Vinh hay anh nàng Đinh Văn Tú mà sao hai người chưa thấy ai đến.
Hai lưỡi kiếm trên tay Hồ Trường Giang Linh vẫn chỉ vào anh em họ Mai. Nàng nhìn Mai Trung Tín giọng nói như nhắn nhủ:
‒ Nội quy trong Trang ra sao mà các ngươi dám bầy tiệc đình đám thế này? Tội đó cũng đủ…
Mai Trung Tín gạt ngang:
‒ Làm việc gì mặc kệ huynh đệ mỗ, các ngươi không cần xía vào.
Đinh Bạch Yến lo sợ. Nhìn xung quanh thấy Trình Dũng của phái Hồng Lĩnh đang đứng gần đấy nàng lên tiếng:
‒ Luyện Võ Đường, Tả Đạo Phó Đường Chủ, tiểu muội xin Phó Đường chủ nói một lời công đạo.
Trình Dũng thư thái nhàn nhạ đứng nhìn trời. Lúc bấy giờ trời đã tối, đuốc đốt sáng một vùng, bầu trời ngoài sao và mây ra chẳng có gì đáng nhìn. Nghe hỏi Trình Dũng chậm rãi trả lời:
‒ Sự việc giữa Tế Tác Đường và Giảng Văn Đường các vị nên tự giải quyết với nhau. Luyện Võ Đường chúng tôi là người ngoài cuộc, không tiện nhúng tay vào. Mà còn nữa, chúng tôi không thấy, không nghe, không biết gì cả.
Trình Dũng tuổi trên ba mươi lăm, đại đệ tử của phái Hồng Sơn. Hắn được phái đến Long Võ Trang để giúp việc của môn phái ở bên ngoài gần năm năm qua. Tài trí cũng như võ công của hắn đều thuộc hạng ưu tú của phái Hồng Lĩnh nên ai ai cũng cho rằng sau này chức chưởng môn sẽ do hắn kế nhiệm. Trình Dũng trả lời câu đó chứng tỏ cái khôn khéo của hắn. Hắn đứng ngoài cuộc thì sự việc có tiến triển đến đâu cũng không làm liên lụy đến hắn. Ngược lại hắn càng được bề trên chú ý đến nhiều hơn.
Đinh Bạch Yến hoàn toàn tuyệt vọng. Khi nàng thấy đám đệ tử phái Việt Thành vội vàng dọn dẹp cho ngăn nắp lại, trong đầu nàng loé lên một tia sáng: “Bọn này đáng chết thật. Chúng đã cài sẵn một cái bẫy và chúng ta vô ý mắc vào. Các ngươi muốn chạy tội lẽ nào cho ngươi được như ý.” Nàng rút ngọn trung bình tiên đeo trên người xuống và chỉ tay vào mặt Mai Trung Tín:
‒ Các ngươi bầy biện ăn uống rồi bây giờ cho người dẹp lại để phi tang chứng cớ?
Mai Trung Tín dửng dưng:
‒ Cái Yến nói nhăng nói càn gì thế?
Đinh Bạch Yến giận dữ mắng:
‒ Phái Việt Thành sản sinh cái thứ đàn ông quái thai không biết đẻ như vầy thật là xấu hổ cho phái Việt Thành, xấu hổ cho giòng giống Mai Hắc Đế (4). Xấu hổ! Xấu hổ! Xấu hổ! Xấu hổ! Cọp gì mà giống mèo thiến.
Quách Lăng đang tức giận mà nghe vợ mình chửi anh em họ Mai mà cũng phải bật cười. Hắn nói tiếp lời vợ:
Anh em họ Mai tức lộn ruột. Mai Gia Song Hổ mà trở thành mèo thiến, không giận sao được. Mai Trung Tín ra lệnh:
‒ Tam sư đệ hãy thay thế Trần Triệu Quốc Nam răn dạy Cái Yến.
Một người đàn ông tuổi trên ba mươi tên Tô Hiếu rút đao khỏi vỏ tấn công Đinh Bạch Yến. Hồ Trường Giang Linh vẫn còn nhớ mối hận đối với Mai Trung Thành nên thấy Đinh Bạch Yến giao đấu với tam sư đệ của phái Việt Thành thì song kiếm của nàng cũng được huy động tấn công hắn. Nhưng ban nãy Mai Trung Tín đứng lược trận, biết em mình không phải đối thủ của Hồ Trường Giang Linh nên hắn múa trường đao ra nghinh chiến.
Quách Lăng than thầm trong bụng. Người thượng cấp, mà cũng vừa là người bạn từ nhỏ, cùng với vợ đã động thủ. Mình thân nam nhi, tuổi cũng lớn hơn lẽ nào lại đứng nhìn. Chàng đành liều, hít một hơi chân khí múa gươm tấn công Mai Trung Thành.
Tại cổng nam Long Võ Trang ba cặp song đấu diễn ra. Ánh kiếm, đường gươm, mũi côn, ngọn tiên bay rợp một góc trời. Trình Dũng đứng lặng im xem sáu người đấu với nhau, trong đầu thầm suy tính: “Phái Việt Thành được thành lập từ cuối thời Nam Bắc Triều (5) bên Trung Hoa. Mặc dù tổng đàn ở Quảng Đông Nam Lộ, trên dãy núi Việt Thành Lĩnh thuộc Ngũ Lĩnh nhưng hầu hết là người Việt. Họ còn giữ được tiếng nói nhưng phong tục theo Hán coi như hoàn toàn. Được liệt trong Bát Đại Phái tất nhiên nhân tài của phái Việt Thành không phải ít. Còn Giao Long Bang mặc dù có lâu hơn nữa nhưng nhiều đời trước không có nhân tài. Mãi đến những năm gần đây Giao Long Bang mới nổi lên. Cứ xem trận này là trận giữa Giao Long Bang và phái Việt Thành. Nếu Giao Long Bang thua thì không có gì đáng lo. Nhược bằng họ thắng thì càng rắc rối.”
————————
Ghi chú:
(1) Lý Thiên Bảo (499-555) là anh trai của Lý Nam Đế Lý Bôn. Ông lập ra nước Dã Năng, xưng làm Đào Lang Vương và ở ngôi được 6 năm.
Tài liệu lịch sử chép rất mơ hồ về vị trí của Động Dã Năng nên tôi không biết ngày nay nó thuộc vùng nào ở nước Lào. Tôi dùng vùng đất phía tây tỉnh Sơn La, ráp gianh với Lào ngày nay, có lẽ là không phải đất Dã Năng xưa.
(2) Hà hổ ngư là cá bống.
(3) Quỳnh Châu là tên cũ của đảo Hải Nam ngày nay.
(4) Mai Hắc Đế là hiệu của Mai Thúc Loan, ở ngôi năm 713 – 722.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]