Bệnh viện Rudoli II, Vienna. Ngày 7 tháng Sáu năm 1944.
Helena Lang bước thoăn thoắt, đẩy xe đến buồng bệnh số 4. Các cửa sổ đều mở. Cô hít vào đầy hai lá phổi và đầu mùi cỏ mới cắt tươi mát. Ngày hôm nay không có mùi chết chóc và tàn phá. Đã một năm kể từ khi Vienna bị đánh bom lần đầu tiên. Trong những tuần gần đây, khi thời tiết quang đãng, đêm nào họ cũng bị ném bom. Dù cho bệnh viện Rudoli II vốn nằm cách trung tâm thành phố vài cây số, vươn cao khỏi cuộc chiến trong cánh rừng Vienna xanh mướt, mùi khói nồng nặc từ các đám cháy trong thành phố vẫn bao trùm lên những mùi hương mùa hè.
Helena rẽ vào một góc hành lang và mỉm cười với bác sĩ Brockhard, anh ta như muốn dừng lại nói chuyện, nhưng rồi lại tất tả đi. Brockhard với đôi mắt nghiêm khắc, nhìn chằm chằm sau cặp kính, lúc nào cũng khiến cô căng thẳng và lúng túng khi họ mặt đối mặt. Đôi khi cô có cảm tưởng rằng những cuộc gặp gỡ trong hành lang này không phải tình cờ. Mẹ cô hẳn sẽ gặp rắc rối hô hấp ngay nếu thấy cách Helena lảng tránh một bác sĩ trẻ hứa hẹn như thế, nhất là vì Brockhard xuất thân từ một gia đình Vienna đặc biệt xuất chúng. Tuy nhiên, Helena không ưa cả Brockhard lẫn gia đình anh ta, không thích cách mẹ cô cố dùng cô như tấm vé để về lại tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Mẹ cô đổ lỗi cho chiến tranh về mọi chuyện xảy ra. Bà oán trách chiến tranh đã khiến bố của Helena, ông Henrik Lang, bị mất những người Do Thái cho vay tiền quá đột ngột, nên không có khả năng thanh toán cho các chủ nợ như đã hẹn. Hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến ông phải ứng biến bằng cách ép các chủ ngân hàng Do Thái chuyển nhượng các cổ phần trái phiếu của họ, vốn đã bị nhà nước Áo tịch thu, cho gia đình Lang. Và bây giờ Henrik Lang đang ngồi tù do đồng lõa với các kẻ thù Do Thái của nhà nước.
Không như mẹ, Helena nhớ bố nhiều hơn nhớ địa vị xã hội mà gia đình cô từng được hưởng. Chẳng hạn, cô không nhớ những bữa tiệc, những cuộc trò chuyện thuở mới lớn nông cạn và những nỗ lực liên tục gả cô cho một trong những thằng nhóc nhà giàu hư đốn.
Cô nhìn đồng hồ đeo tay và chạy hối hả. Một chú chim nhỏ rõ ràng đã bay vào qua một cửa sổ mở và giờ đang thản nhiên đậu trên một ngọn đèn hình cầu thòng xuống từ trần nhà cao mà hót líu lo. Có những ngày Helena không thể hiểu nổi rằng có một cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ngoài kia. Có lẽ đó là do cánh rừng, những hàng cây vân sam san sát, che hết đi những gì họ không muốn thấy. Nhưng nếu ta bước vào buồng bệnh, ta sẽ sớm biết rằng hòa bình chỉ là ảo tưởng. Những thương binh với cơ thể bị cưa cắt và linh hồn rách nát mang theo chiến tranh về nhà. Mới đầu, cô lắng nghe những câu chuyện của họ, gần như tin chắc rằng bằng sức mạnh ý chí và niềm tin của mình, cô có thể đưa họ ra khỏi nỗi đau. Thế nhưng tất cả bọn họ dường như chỉ kể cùng một câu chuyện ác mộng về con người có thể và phải chịu đựng nhiều đến thế nào trên đời, và về chuyện mất phẩm giá khi chỉ đơn giản là muốn sống. Chỉ có chết mới được nguyên vẹn. Thế nên Helena không lắng nghe nữa. Cô giả vờ lắng nghe khi thay băng, kiểm tra thân nhiệt, phát thuốc hoặc đồ ăn. Và khi họ đã ngủ say, cô cố gắng không nhìn họ, bởi ngay cả lúc đó khuôn mặt của họ vẫn tiếp tục kể những câu chuyện. Cô đọc thấy nỗi đau đớn trên những gương mặt còn trẻ măng, nhợt nhạt, sự tàn khốc trên những khuôn mặt chai sạn, nhắm nghiền, và một mong mỏi được chết nơi những vẻ mặt méo mó vì đớn đau của một người vừa biết rằng mình sẽ bị cắt bỏ bàn chân.
Tuy nhiên, hôm nay cô bước vào đây bằng những bước chân nhanh nhẹn, nhẹ nhàng. Có lẽ vì mùa hè. Có lẽ vì sáng nay một bác sĩ đã nói với cô rằng trông cô thật xinh đẹp biết bao. Hay có lẽ vì bệnh nhân người Na Uy trong buồng bệnh số 4 sắp nói Guten Morgen(18) bằng thứ tiếng Đức buồn cười.
Rồi anh sẽ ăn bữa sáng trong khi nấn ná nhìn cô khi cô đi hết giường này sang giường khác, chăm sóc những bệnh nhân khác, nói vài lời khích lệ với từng người. Cứ chăm sóc được năm sáu giường cô lại liếc mắt nhìn anh. Và nếu anh mỉm cười với cô, cô sẽ nhanh chóng mỉm cười lại rồi tiếp tục làm việc như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Chẳng có gì. Nhưng nó lại là tất cả.
Giờ đây chính những khoảnh khắc ngắn ngủi này giúp cô qua được tháng ngày; nó cho phép cô cười khi đại úy Hadler bị bỏng nặng nằm giường cạnh cửa ra vào hỏi đùa rằng liệu họ có sớm trả dương vật từ Mặt trận phía Đông về cho anh ta hay không.
Cô đẩy mở cánh cửa vào buồng bệnh số 4. Ánh nắng tràn vào phòng khiến mọi thứ có màu trắng sáng lên - những bức tường, trần nhà, ga giường. Khi ta lên thiên đường, chắc hẳn mọi thứ cũng như thế này, cô nghĩ.
“Guten Morgen, Helena.”
Cô mỉm cười với anh. Anh đang ngồi trên chiếc ghế cạnh giường, đọc một cuốn sách.
“Anh ngủ ngon không, Uriah?” cô vui vẻ hỏi anh.
“Như gấu ấy,” anh đáp.
“Gấu à?”
“Đúng. Trong… trong tiếng Đức ngủ suốt mùa đông gọi là gì ấy nhỉ?”
“À, ngủ đông.”
“Đúng rồi, ngủ đông.”
Cả hai cùng cười ồ. Helena biết rằng các bệnh nhân khác đang nhìn họ. Cô không được dành nhiều thời gian cho anh hơn người khác.
“Đầu anh sao rồi? Bây giờ mỗi ngày mỗi khá hơn một chút đúng không?”
“Vâng, thật sự là vậy, ngày càng khá hơn. Một ngày nào đó tôi sẽ lại đẹp trai như xưa kia, rồi em sẽ thấy!”
Cô nhớ lại khi họ mang anh vào đây. Dường như là trái với tự nhiên khi có ai sống sót nổi với lỗ thủng như trên trán anh. Ấm trà trên tay cô vướng vào chén trà của anh khiến nó suýt đổ.
“Ái chà!” anh phá lên cười. “Đêm qua em ra ngoài khiêu vũ đến tận mờ sáng đấy à?”
Cô ngước mắt lên. Anh nháy mắt với cô. “ừm,” cô đáp, thấy bối rối vì đang nói dối về một chuyện ngớ ngẩn như vậy.
“Ở Vienna này người ta khiêu vũ điệu gì?”
“Ý tôi là không. Tôi không khiêu vũ mà chỉ ngủ muộn thôi.’
“Có lẽ mọi người nhảy những điệu vanxơ, đúng không? Nhưng điệu vanxơ của Vienna và nhiều điệu khác.”
“Đúng, tôi nghĩ vậy!” cô nói, chăm chú vào nhiệt kế.
“Như thế này à,” anh nói và đứng lên. Rồi anh cất tiếng hát. Những người khác nằm bên giường nhìn lên. Bài hát bằng thứ tiếng không quen, nhưng anh có giọng hát thật ấm và hay. Những bệnh nhân khỏe mạnh nhất thì bật cười, reo hò khi anh xoay tròn với những bước vanxơ nhỏ và thận trọng, mấy dây áo ngủ không cột xoay cùng anh.
“Quay lại đây, Uriah, nếu không tôi trả anh về lại ngay Mặt trận phía Đông đấy!” cô nghiêm khắc quát.
Anh ngoan ngoãn quay lại và ngồi xuống. Tên của anh không phải là Uriah, nhưng anh cứ khăng khăng bắt họ dùng cái tên đó.
“Em có biết điệu Polka Rhineland không?” anh hỏi.
“Điệu Polka Rhineland?”
“Đó là một điệu nhảy chúng tôi mượn từ vùng Rhineland. Tôi nhảy cho xem nhé?”
“Anh cứ ngồi yên đó đi cho đến khi bình phục hẳn đã.”
“Rồi tôi sẽ đưa em ra ngoài Vienna này và dạy em điệu Polka Rhineland.”
Những giờ ngồi dưới ánh mặt trời mùa hè trên hàng hiên vài ngày qua đã cho anh một nước da khỏe mạnh. Lúc này hàm răng trắng của anh sáng lấp lánh trên gương mặt hạnh phúc.
“Tôi nghĩ anh đã đủ khỏe để quay lại mặt trận rồi đấy!” cô phản đối, nhưng không thể ngăn hai má đỏ ửng lên. Cô đang đứng sẵn sàng tiếp tục thăm bệnh thì cảm thấy bàn tay anh chạm tay mình.
“Nói đồng ý đi,” anh thì thầm.
Cô xua anh đi kèm một tiếng cười trong trẻo mà sang giường kế tiếp. Trong lồng ngực cô; trái tim đang hát vang như con chim nhỏ.
• • •
“Thế nào?” bác sĩ Brockhard nói, ngẩng lên từ xấp giấy tờ khi cô vào văn phòng anh ta, và như thường lệ cô không hề biết hai chữ “thế nào?” này là một câu hỏi, một lời dẫn nhập cho một câu hỏi dài hơn hay chỉ đơn giản là cách nói của anh ta. Nên cô chỉ đứng ở cửa ra vào.
“Anh muốn gặp tôiàbác sĩ?”
“Sao cô cứ khăng khăng giữ thái độ trang trọng với tôi thế nhỉ, Helena?” Brockhard thở dài và mỉm cười. “Trời ạ, chúng ta đã biết nhau từ khi còn là con nít mà, đúng không?”
“Anh cần tôi chuyện gì vậy?”
“Tôi đã quyết định báo cáo bệnh nhân Na Uy trong buồng bệnh số 4 đủ sức khỏe để làm nhiệm vụ rồi.”
“Tôi hiểu.”
Cô không nao núng. Tại sao cô phải thế? Bệnh nhân đến đây là để khỏe lại, rồi họ đi. Khả năng khác là cái chết. Đó là cuộc sống trong một bệnh viện.
“Tôi đã chuyển báo cáo lên Lực lượng Vệ quốc năm ngày trước. Và chúng ta đã nhận được quyết định nhiệm vụ mới của hắn ta.”
“Nhanh thật đấy.” Giọng cô chắc nịch và điềm tĩnh.
“Phải, họ đang rất cần thêm người mà. Chúng ta đang có chiến tranh, cô biết đấy.”
“Vâng,” cô đáp. Nhưng không nói ra điều cô đang nghĩ: Chúng ta đang có chiến tranh còn anh đang ngồi đây xa chiến trường hàng trăm cây số, hai mươi hai tuổi, đang làm công việc mà một lão già bảy mươi cũng làm được. Nhờ có ngài Brockhard cha.
“Tôi nghĩ sẽ nhờ cô trao lệnh cho hắn ta, vì dường như hai người đang rất hòa hợp.”
Cô cảm thấy được anh ta đang dò xét phản ứng của mình.
“Mà này, ở hắn ta có gì đặc biệt khiến cô thích vậy hả Helena? Điều gì khiến hắn ta khác biệt với bốn trăm người lính khác chúng ta phục vụ ở bệnh viện này?”
Cô định phản pháo, nhưng anh ta đã đón trước.
“Xin lỗi, Helena, dĩ nhiên đây không phải là chuyện của tôi. Chỉ vì tính tôi tò mò. Tôi..!” Anh ta nhón lấy cây bút trước mặt bằng hai đầu ngón trỏ, quay lưng lại và nhìn ra ngoài cửa sổ. “… chỉ thắc mắc cô thấy gì ở một gã nước ngoài hám lợi phản bội tổ quốc mình để van xin ân huệ từ kẻ thù đang chinh phục. Nếu cô hiểu tôi muốn nói gì. À mà mẹ cô thế nào rồi?”
Helena nuốt khan trước khi trả lời.
“Anh không cần phải lo lắng cho mẹ tôi, bác sĩ ạ. Nếu anh trao cho tôi các tờ lệnh, tôi sẽ chuyển đi.”
Brockhard quay người lại nhìn cô. Anh ta cầm lên một lá thư nằm trên bàn.
“Hắn ta sẽ được gửi đến Sư đoàn Thiết giáp số 3 ở Hungary. Tôi cho rằng cô hiểu thế nghĩa là gì?”
Cô nhíu mày. “Sư đoàn Thiết giáp số 3 sao? Anh ấy tình nguyện đăng lính vào Lực lượng Vũ trang SS cơ mà. Tại sao anh ấy lại được sung vào Lực lượng Vệ quốc chính quy?”
Brockhard nhún vai. “Vào những lúc thế này chúng ta phải hoàn thành những gì chúng ta có thể, và thực thi những nhiệm vụ chúng ta được bố trí làm. Hay cô không đồng ý, Helena?”
“Anh nói thế là có ý gì?”
“Hắn ta thuộc đơn vị bộ binh đúng không? Nói cách khác, hắn ta phải chạy sau đuôi các xe tăng chiến đấu, chứ không phải ngồi trong buồng lái. Một người bạn của tôi ở Ukraina cho tôi biết rằng từng ngày một, họ bắn quân Nga bằng súng máy cho đến khi súng nóng rực lên và thây chất chồng cao ngất, nhưng chúng cứ tràn đến như thể không bao giờ dứt.”
Helena phải cố lắm mới không giằng lá thư trong tay Brockhard ra xé tan.
“Có lẽ một phụ nữ trẻ như cô nên thực tế một chút, đừng nảy sinh tình cảm gắn bó quá mức với một người mà nhiều khả năng cô sẽ không gặp lại nữa. À mà này, cái khăn choàng ấy hợp với cô thật đấy, Helena. Có phải của gia bảo không?”
“Tôi ngạc nhiên và hạnh phúc khi nghe được những lời ý tứ của anh, bác sĩ ạ. Nhưng tôi có thể cam đoan rằng những điều anh nói là thừa. Tôi không hề có bất kỳ tình cảm đặc biệt nào với bệnh nhân này. Đã đến giờ phục vụ bữa ăn rồi, nếu anh cho phép, bác sĩ…”
“Helena, Helena…” Brockhard lắc đầu và mỉm cười. “Cô thật sự tin rằng tôi là thằng mù sao? Cô có nghĩ rằng tôi có thể bàng quan trước nỗi đau chuyện này sẽ gây ra cho cô sao? Tình bạn khăng khít giữa hai gia đình khiến tôi cảm thấy có những mối ràng buộc gắn bó chúng ta với nhau, Helena. Nếu không tôi đã chẳng nói chuyện riêng với cô thế này. Tha lỗi cho tôi nhưng hẳn cô đã nhận ra rằng tôi có những tình cảm yêu thương nồng nàn đối với cô, và…”
“Dừng lại đi!”
“Cái gì?”
Helena đã khép cửa lại sau lưng và giờ cô mới cao giọng.
“Tôi làm tình nguyện ở đây, Brockhard. Tôi không phải một trong những y tá của anh để anh mặc sức đùa cợt đâu. Trao lá thư đó cho tôi và chớ nói những gì anh phải nói. Bằng không, tôi sẽ đi ngay lập tức.”
“Helena thân mến ơi,” Brockhard ra vẻ quan tâm. “Cô không hiểu rằng chuyện này tùy thuộc vào cô à?”
“Tùy thuộc vào tôi?”
“Tờ giấy chứng nhận sức khỏe hoàn toàn là một thứ cực kỳ chủ quan. Đặc biệt liên quan đến chấn thương đầu theo kiểu đó.”
“Tôi hiểu.”
“Tôi có thể cung cấp cho hắn một giấy chứng nhận y khoa thêm ba tháng nữa, và ai mà biết được trong ba tháng nữa có còn Mặt trận phía Đông nào hay không?”
Cô nhìn Brockhard, bối rối.
“Cô là người đọc Kinh Thánh rất chăm chỉ, Helena. Cô biết câu chuyện về vua David đấy chứ? Ông ta thèm muốn Bathsheba dù cho nàng đã làm vợ một trong những tên lính của ông ta? Thế nên ông ta ra lệnh cho các tướng cử anh ta ra tiền tuyến để anh ta tử trận. Như thế đức vua có thể thoải mái ve vãn Bathsheba mà không bị cản trở.”
“Chuyện đó thì liên quan gì đến điều này?”
“Không có gì. Không có gì, Helena. Tôi chẳng dám mơ chuyện cử nỗi khao khát của lòng cô ra tiền tuyến nếu hắn chưa đủ sức khỏe đâu. Hoặc bất kỳ ai khác cũng vậy. Đó chính xác là điều tôi muốn nói. Và vì ít nhất cô cũng biết tình hình sức khỏe của bệnh nhân này rõ như tôi, tôi nghĩ mình nên hỏi ý kiến cô trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu cô cho rằng hắn chưa đủ khỏe, có lẽ tôi nên gửi thêm một giấy chứng nhận sức khỏe nữa cho Lực lượng Vệ quốc.”
Cô dần dần hiểu được bản chất tình hình.
“Hay thế nào hả Helena?”
Cô hầu như không tin nổi tai mình: anh ta muốn lợi dụng Uriah để tìm cách lên giường với cô. Anh ta đã mất bao lâu để bày ra kế hoạch này? Có phải anh ta đã đợi hàng tuần rồi cho đến đúng thời cơ? Và thực ra anh ta muốn cô như thế nào? Làm vợ hay nhân tình?
“Thế nào?” Brockhard hỏi.
Đầu cô nghĩ thật nhanh khi cố gắng tìm đường thoát ra khỏi mê cung. Nhưng tất cả các lối ra đã bị bịt kín. Tự nhiên thôi. Brockhard không phải một thằng ngu. Miễn là anh ta có một giấy chứng nhận cho Uriah, như một ân huệ cho cô, thì cô sẽ phải tuân thủ mọi ý muốn của anh ta. Lệnh nhận nhiệm vụ sẽ được hoãn lại, nhưng chỉ khi Uriah đi rồi thì Brockhard mới không còn quyền lực nào đối với cô. Quyền lực ư? Chúa lòng lành, cô hầu như chẳng biết gì về anh chàng Na Uy đó. Và cô còn chẳng biết anh ta cảm thấy như thế nào về cô.
“Tôi…” cô mở miệng.
“Vâng?”
Anh ta đã rướn người tới trước háo hức. Cô muốn nói tiếp, muốn nói những gì cô biết mình sẽ phải nói để được tự do, nhưng có điều gì đó ngăn cô lại. Phải mất giây lát cô mới hiểu đó là gì. Những điều đó là dối trá. Dối là cô muốn được tự do, dối là cô không biết Uriah cảm thấy như thế nào về cô, dối là ta luôn phải quy phục và biến chất chỉ để sống còn. Tất cả đó đều là dối trá. Cô cắn môi dưới vì cảm thấy nó bắt đầu run run.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]