“Đó là sự phản bội khủng khiếp,” người đàn ông đầu trọc nói, mắt nhìn xuống bản thảo. Đầu, cặp lông mày, hai cánh tay cuồn cuộn cơ bắp, ngay cả đôi bàn tay to bè đang nắm chặt bục đứng, tất cả đều nhẵn nhụi tinh tươm. Hắn cúi xuống micro.
“Kể từ năm 1945, kẻ thù của chủ nghĩa Quốc xã đã là những chúa đất; họ phát triển và đưa vào thực hành các nguyên tắc dân chủ và kinh tế của mình. Do vậy, không có một ngày nào mặt trời được lặn xuống trên một thế giới không có chiến tranh. Ngay cả ở châu Âu này, chúng ta cũng đã trải qua chiến tranh và tội diệt chủng. Ở các nước thế giới thứ ba, hàng triệu người chết đói - và châu Âu bị đe dọa bởi làn sóng nhập cư ồ ạt, với hậu quả tất yếu là hỗn loạn, đói nghèo và đấu tranh sinh tồn.”
Hắn dừng lại nhìn chằm chằm xung quanh. Trong phòng im lặng như hóa đá; chỉ có duy nhất một người trong đám cử tọa, ngồi trên mấy băng ghế dài sau lưng hắn, ngập ngừng vỗ tay. Khi hắn tiếp tục, giờ đã hăng máu lên, ánh đèn đỏ bên dưới chiếc micro sáng lên báo điềm gở, cho thấy tín hiệu ghi âm đã bị chỉnh.
“Chẳng có mấy thứ có thể ngăn chúng ta khỏi sự thịnh vượng phù du và cái ngày chúng ta buộc phải dựa vào chính mình và cộng đồng xung quanh. Một cuộc chiến tranh, một thảm họa kinh tế hay sinh thái, vậy là toàn bộ mạng lưới luật lệ từng quá nhanh chóng biến chúng ta thành những khách hàng thụ động trong xã hội bỗng chốc không còn ở đó nữa. Sự phản bội khủng khiếp trước kia đã diễn ra vào ngày 9 tháng Tư năm 1940, khi những kẻ gọi là lãnh đạo dân tộc của chúng ta chạy trốn phe địch để giữ mạng, mang theo các nguồn dự trữ vàng để chu cấp cho cuộc sống xa hoa của họ ở London. Bây giờ kẻ thù của chúng ta lại về đây. Và những kẻ lẽ ra phải bảo vệ quyền lợi của chúng ta lại một lần nữa làm chúng ta thất vọng. Họ để chúng xây dựng những nhà thờ Hồi giáo ngay giữa chúng ta, để chúng cướp bóc những đồng hương cũ của chúng ta và hòa trộn dòng máu của chúng với phụ nữ của chúng ta. Bổn phận của chúng ta với tư cách người dân Na Uy là phải bảo vệ giống nòi và trừ khử những kẻ đã khiến chúng ta thất vọng.
Hắn lật trang. Nhưng một tiếng đằng hắng từ bục ngồi trước mặt khiến hắn dừng lại và ngẩng lên.
“Xin cảm ơn, tôi nghĩ chúng tôi đã nghe đủ rồi,” thẩm phán nói, nhưng mắt nhìn qua cặp kính. “Công tố viên còn câu hỏi nào dành cho bị cáo không?.”
Ánh nắng chiếu ngang qua phòng xử án số 17 thuộc Tòa Đại hình Oslo, cho gã đầu trọc một quầng sáng ảo ảnh. Hắn mặc áo sơ mi trắng, cà vạt thanh mảnh, có lẽ là theo lời khuyên của tay luật sư bào chữa – Johan Krohn con – ngay lúc này đang ngả người ra ghế, nghịch nghịch cây bút giữa ngón trỏ và ngón giữa. Krohn ghét gần như mọi thứ trong tình huống này. Gã không thích chiều hướng các câu hỏi mà công tố viên đi theo, cái cách thân chủ của gã – Sverre Olsen, tuyên bố công khai cương lĩnh của mình, và việc trước mặt cả thẩm phán và các đồng nghiệp, Olson lại cho rằng việc xắn tay áo lên khoe mấy hình xăm mạng nhện trên cả hai khủy tay và dãy hình thập ngoặc trên cẳng tay trái là hợp lý. Trên cẳng tay phải có xăm một chuỗi biểu tượng Na Uy và Valkyria – một băng đảng Quốc xã mới, bằng chữ gothic đen.
Nhưng có một điều khác trong toàn bộ trình tự khiến gã nghĩ mãi. Chỉ là gã không chỉ ra được đó là gì.
Ủy viên công tố, một người đàn ông nhỏ nhắn tên là Herman Groth, đưa ngón tay nhỏ nhắn đeo chiếc nhẫn có biểu tượng của luật sư đoàn, đẩy chiếc micro ra xa.
“Chỉ vài câu hỏi nữa là xong, thưa quí tòa,” giọng nói nhẹ nhàng và khẽ. Đốm đèn dưới chiếc micro sáng lên màu xanh.
“Vậy vào lúc 9h ngày 3 tháng 1, khi bước vào nhà hàng pizza Dennis Kebab tại cổng Dronningens, có phải bị cáo đã có ý định rõ ràng là thực hiện bổn phận bảo vệ nòi giống của chúng ta mà bị cáo vừa nói đến hay không?”
Johan Krohn chồm tới chiếc micro.
“Thân chủ của tôi đã trả lời rằng một cuộc tranh cãi dữ dội đã nổ ra giữa ông ấy và chủ quán người Việt Nam.” Đèn đỏ. “Ông ấy bị khiêu khích!” Krohn nói. “Tuyệt không có lý do gì để nói rằng đó là một hành động có chủ tâm.”
“Nếu những gì luật sư bào chữa của bị cáo nói là chính xác, thưa ông Olsen, thì lúc đó bị cáo đang cầm cây gậy đánh bóng chày là chuyện hoàn toàn tình cờ sao?”
“Để tự vệ,” Krohn ngắt lời, tuyệt vọng vung hai cánh tay lên. “Thưa quý tòa, thân chủ của tôi đã trả lời những câu hỏi này rồi.”
Thẩm phán xoa xoa cằm khi quan sát tay luật sư bào chữa. Ai cũng biết rằng Johan Krohn con là ngôi sao bào chữa đang nổi - đặc biệt là ở chính cái tên Johan Krohn - và có lẽ điều này cuối cùng đã khiến thẩm phán tán thành kèm theo chút bực dọc. “Tôi đồng ý với luật sư bào chữa. Trừ phi công tố viên có bổ sung gì mới, nếu không tôi đề nghị ta đi tiếp, được chứ?”
Groth mở mắt ra để lộ một viền trắng mảnh phía trên và dưới tròng đen. Ông nghiêng đầu. Bằng cử chỉ mệt mỏi, ông giơ cao một tờ báo.
“Đây là tờ Dagbladet số ra ngày 25 tháng Một. Trong một bài phỏng vấn trên trang tám, một trong số những người đồng tư tưởng của bị cáo..
“Tôi phản đối…” Krohn cất tiếng.
Groth thở dài. “Cho phép tôi đổi câu đó thành một người bộc lộ những tư tưởng phân biệt chủng tộc!”
Thẩm phán gật đầu, nhưng cùng lúc ném sang Krohn cái nhìn cảnh cáo. Groth nói tiếp.
“Người này, khi nhận xét về vụ tấn công tại nhà hàng Dennis Kebab, nói rằng chúng ta cần thêm những kẻ phân biệt chủng tộc như Sverre Olsen để giành lại quyền kiểm soát Na Uy. Trong bài phỏng vấn, từ ‘kẻ phân biệt chủng tộc’ được sử dụng đầy tôn trọng. Bị cáo có tự cho mình là một ‘kẻ phân biệt chủng tộc’ không?”
“Đúng, tôi là kẻ phân biệt chủng tộc,” Olsen nói trước khi Krohn kịp can thiệp. “Trong nghĩa mà tôi dùng từ đó.”
“Vậy còn có thể là nghĩa nào nữa chứ?” Groth mỉm cười.
Krohn siết chặt hai tay thành nắm đấm dưới gầm bàn và nhìn lên bục, có hai đồng thẩm phán ngồi hai bên. Ba người này sẽ quyết định số phận thân chủ của gã trong vài năm tới, cả địa vị của anh ta ở đoàn luật sư Tostrupkjeller trong vài tháng tới. Hai công dân bình thường đại diện cho nhân dân, đại diện cho công lý theo lương tri. Họ thường tự xưng là “thẩm phán không chuyên,” nhưng có lẽ họ đã nhận ra là như thế nghe quá giống “thẩm phán ham chơi”. Ngồi bên phải là một thanh niên mặc bộ com lê loại bền chắc, rẻ tiền, hầu như chẳng dám ngước mắt lên. Người phụ nữ trẻ tuổi, hơi đẫy đà ngồi bên trái dường như đang giả vờ theo dõi phiên tòa, trong khi rướn cổ lên để từ dưới sàn không ai thấy được cái cằm bắt đầu có nọng. Những người Na Uy bình thường. Họ biết gì về những người như Sverre Olsen? Họ muốn biết điều gì?
Tám nhân chứng đã thấy Sverre Olsen bước vào quầy burger, nách kẹp cây gậy đánh bóng chày và, sau một chốc lời qua tiếng lại chửi rủa, đánh vào đầu chủ quán, Hồ Đại - một người Việt Nam bốn mươi tuổi - đến Na Uy cùng thuyền nhân vào năm 1978. Đánh mạnh đến nỗi Hồ Đại sẽ không bao giờ còn đi được nữa. Khi Olsen bắt đầu trình bày thì Johan Krohn con đã thảo sẵn trong đầu tờ đơn kháng cáo sẽ trình lên Tòa án Tối cao.
“Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc,” Olsen đọc sau khi tìm thấy phần định nghĩa trong đống giấy tờ của mình, “là một cuộc đấu tranh vĩnh cửu nhằm diệt trừ bệnh tật di truyền, sự thoái hóa và hủy diệt, đồng thời là một ước mơ, một khao khát có một xã hội lành mạnh hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Pha trộn chủng tộc là một kiểu diệt chủng song phương. Trong một thế giới đã có các dự án thành lập ngân hàng gen nhằm bảo tồn con bọ cánh cứng bé nhất, người ta nói chung đều công nhận rằng ta có thể hủy diệt các chủng tộc người phải mất hàng thiên niên kỷ để phát triển chỉ bằng cách pha trộn giống loài. Trong một bài viết trên tạp chí American Psychologist năm 1972, năm mươi nhà khoa học Mỹ và châu Âu đã cảnh báo những mối nguy hiểm khi dập tắt các tranh luận về lý thuyết di truyền.”
Olsen dừng, quét ánh mắt trừng trừng giận dữ một lượt khắp phòng xử án số 17 rồi giơ ngón trỏ tay phải lên. Hắn đã quay về phía công tố viên nên Krohn thấy được hình xăm hai chữ Sieg Heil(1) mờ mờ trên ngấn mỡ nhẵn nhụi giữa gáy và cổ hắn - một tiếng thét câm lặng và một bức tranh kệch cỡm lạ lùng tương phản với lối nói hoa mỹ điềm đạm của tòa án. Trong sự im lặng sau đó, Krohn còn nghe được từ tiếng lao xao trong hành lang là phòng xử án số 18 đã nghỉ để ăn trưa. Vài giây nữa trôi qua. Krohn nhớ một chuyện đã đọc về Adolf Hitler: tại các cuộc mít tinh quần chúng, hắn thường ngừng lại đến ba phút để tạo ấn tượng. Khi Olsen nói tiếp thì mấy ngón tay hắn gõ nhịp, như thể đánh nhịp từng từ, từng câu vào não người nghe.
“Những ai trong các người đang cố gắng giả vờ như không có một cuộc chiến chủng tộc đang diễn ra ở đây thì hoặc là bị mù hoặc là những kẻ phản bội.”
Hắn uống nước trong cốc mà nhân viên trực cửa tòa án đặt trước mặt.
Công tố viên xen vào: “Và trong cuộc chiến chủng tộc này, bị cáo và những người ủng hộ bị cáo, một số trong đó có mặt tại tòa hôm nay, có phải là những người duy nhất có quyền tấn công không?”
Tiếng la ó từ bọn đầu trọc trong khu vực dành cho công chúng.
“Chúng tôi không tấn công, chúng tôi tự vệ,” Olsen đáp. “Đó là quyền hạn và bổn phận của mỗi chủng tộc.”
Một tiếng la từ phía mấy băng ghế dài, Olsen đón nhận rồi tiếp tục bằng một nụ cười. “Thực ra, ngay cả trong dân chúng từ các chủng tộc khác cũng tồn tại chủ nghĩa Quốc xã có ý thức chủng tộc.”
Tiếng cười, tiếng vỗ tay lác đác từ khu vực dành cho công chúng. Thẩm phán đề nghị im lặng trước khi nhìn công tố viên đặt câu hỏi.
“Chúng tôi đã hỏi xong,” Groth nói.
“Luật sư bên bị còn câu hỏi nào nữa không?”
Krohn lắc đầu.
“Vậy thì tôi muốn gọi nhân chứng đầu tiên của bên nguyên vào đây.”
Công tố viên gật đầu với nhân viên gác cửa, anh ta mở cánh cửa sau phòng. Có tiếng ghế kéo ở bên ngoài, cánh cửa mở rộng và một người đàn ông cao lớn thong thả bước vào. Krohn để ý người này đang mặc áo vest quá chật, quần jean đen và giày cao cổ Dr Martens cỡ lớn. Đầu húi sát và thân hình gọn gàng, săn chắc cho thấy anh ta mới khoảng ba mốt, ba hai - cho dù đôi mắt đỏ ngầu, có bọng và nước da nhợt nhạt với đám mao mạch mỏng thỉnh thoảng vỡ thành những tam giác nhỏ màu đỏ cho thấy anh ta phải ngoài năm mươi rồi.
“Sĩ quan Harry Hole phải không?” thẩm phán hỏi khi người này đã ngồi vào ghế nhân chứng.
“Vâng.”
“Tôi thấy là anh không cung cấp địa chỉ nhà?”
“Giữ kín.” Hole trỏ ngón cái qua vai. “Bọn họ đã cố đột nhập vào nhà tôi.”
Thêm nhiều tiếng la ó.
“Anh đã từng đưa ra lời xác nhận chưa, sĩ quan Hole? Hay nói cách khác là tuyên thệ?”
“Rồi.”
Đầu Krohn lắc lư như mấy con chó đồ chơi gật gù mà một số tay mô tô hay để trên giá hành lý. Gã cuống quýt lật lật tài liệu.
“Anh điều tra các vụ án mạng cho Đội Hình sự đúng không?” Groth hỏi. “Vì sao anh được giao vụ này?”
“Bởi vì chúng tôi đã đánh giá sai vụ này.”
“Vậy sao?”
“Chúng tôi không nghĩ rằng Hồ Đại lại sống sót. Thông thường người ta sẽ không sống nổi khi sọ bị đập nát và nội tạng đã lòi hết ra ngoài.”
Krohn trông thấy hai đồng thẩm phán bất giác nhăn mặt. Nhưng bây giờ chuyện đó chẳng quan trọng. Gã đã tìm được tài liệu có tên của họ. Và nó đây rồi: một sai lầm.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]