Chương trước
Chương sau
H: GIỜ BỆ HẠ HÃY TIẾP TỤC hé mở những bí mật của bảy nguyên tắc mà qua đó, con người có thể bắt cuộc sống mang lại cho họ tự do cả về vật chất, tinh thần và trí tuệ đi.

Trong phần còn lại của cuốn sách, Napoleon Hill đã thảo luận về bảy nguyên tắc để đạt được tự do về vật chất, tinh thần và trí tuệ này:

1. Mục tiêu xác định

2. Làm chủ bản thân

3. Học từ nghịch cảnh

4. Kiểm soát tác động của môi trường xung quanh (công ty/đoàn thể)

5. Thời gian (khiến các thói quen suy nghĩ trở nên tích cực - thay vì tiêu cực - một cách lâu bền và tăng cường sự hiểu biết)

6. Sự hòa hợp (hành động với mục tiêu xác định để trở thành người có ảnh hưởng vượt trội trong các điều kiện vật chất, tinh thần và trí tuệ của mình)

7. Thận trọng (xem xét thật kỹ kế hoạch của mình trước khi hành động)

Đừng miêu tả sơ sài về những nguyên tắc này. Ta muốn ngươi đưa ra minh họa hoàn chỉnh về cách nguyên tắc này có thể được áp dụng bởi bất cứ người nào lựa chọn sử dụng chúng như thế nào. Hãy nói cho chúng ta tất cả những gì ngươi biết về nguyên tắc mục tiêu xác định đi.

Ở đây, người thẩm vấn đang được đà xông lên và tấn công vào nhược điểm của đối thủ. Liệu chúng ta có lòng dũng cảm vào những thời điểm quyết định để thừa thắng xông lên với mục tiêu xác định hay không?

Đ: Nếu ngươi định thực hiện đến cùng ý tưởng điên rồ là sẽ xuất bản lời thú tội của ta, ngươi sẽ sẽ mở được cánh cổng của địa ngục và thả tất cả những linh hồn quý báu mà ta đã thu thập được suốt bao nhiêu năm ra. Ngươi sẽ lấy mất của ta cả những linh hồn chưa chào đời nữa. Ngươi sẽ giải phóng cho hàng triệu nô lệ đang còn sống của ta. Ta xin ngươi đấy, hãy dừng lại đi.

H: Chúng ta hãy cùng mở cánh cửa đó ra. Giờ ta sẽ nghe xem ngươi nói gì về nguyên tắc mục tiêu xác định.

Đ: Ngươi đang tưới nước lên những ngọn lửa của địa ngục đấy, nhưng người phải chịu trách nhiệm là ngươi chứ không phải là ta. Ta cũng có thể nói với ngươi rằng bất kỳ người nào có những mục tiêu và kế hoạch xác định đều có thể khiến cuộc sống phải trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn.

H: Thật là một lời khẳng định rõ ràng, thưa Bệ hạ. Ngươi có muốn hạ thấp giọng xuống một chút không?

Đ: Hạ thấp giọng xuống ư? Không hề, ta còn muốn lên giọng cao hơn nữa cơ. Khi ngươi nghe những gì ta sẽ nói bây giờ, ngươi sẽ hiểu vì sao nguyên tắc mục tiêu xác định lại quan trọng đến vậy. Kẻ thù của ta thường dùng một thủ thuật nhỏ nhưng rất thông minh để bịp ta khi ta kiểm soát con người. Kẻ thù của ta biết rằng mục tiêu xác định có thể giúp một người đóng chặt cánh cửa tâm trí của họ trước ta đến mức ta không thể phá vỡ được nó, trừ khi ta có thể lôi kéo họ hình thành thói quen buông thả.

H: Tại sao kẻ thù của ngươi không tiết lộ bí mật của ngươi cho tất cả mọi người bằng cách nói với họ hãy tránh xa ngươi bằng mục tiêu xác định? Ngươi đã thú nhận rằng 2% trên tổng số 100% con người thuộc về kẻ thù của ngươi mà.

Đ: Vì ta thông minh hơn hắn. Ta kéo con người ra khỏi mục tiêu xác định bằng những lời hứa hẹn. Ngươi thấy đấy, ta kiểm soát được nhiều người hơn kẻ thù của ta vì ta biết kinh doanh và biết quảng cáo tốt hơn. Ta thu hút mọi người bằng cách cho họ thỏa thích “ăn” những thói quen suy nghĩ mà họ muốn được thỏa mãn.

H: Mục tiêu xác định là thứ con người sinh ra đã có sẵn hay phải cố gắng để đạt được?

Đ: Như ta đã nói với ngươi từ trước, mọi người khi sinh ra đều có đặc quyền về sự xác định, nhưng 98% con người đã đánh mất quyền lợi đó vì họ đã gác vấn đề đó lại. Đặc quyền về sự xác định chỉ có thể được duy trì bằng cách sử dụng nó như một phương cách mà một người sẽ thực hiện theo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

H: À, ta hiểu rồi! Một người sử dụng phương pháp mục tiêu xác định cũng giống như một người có thể có được một cơ thể khỏe mạnh bằng cách sử dụng nó liên tục và có hệ thống. Có phải là như vậy không?

Đ: Ngươi đã nói rất rõ ràng và chính xác đấy.

H: Giờ thì ta nghĩ chúng ta cũng đã đi được một chặng đường rồi đấy, tâu Bệ hạ. Rốt cuộc chúng ta đã tìm thấy khởi điểm mà tất cả những người tự chủ trong cuộc sống phải cất cánh.

Từ lời thú tội kinh hoàng của ngươi, chúng ta đã khám phá ra rằng tài sản lớn nhất của ngươi chính là sự thiếu thận trọng của con người, chính điều đó đã giúp ngươi dẫn họ đến mớ hỗn độn của những thứ không xác định qua các vật hối lộ đơn giản.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã học được rằng bất cứ ai sử dụng mục tiêu xác định như một phương cách để giải quyết vấn đề và sử dụng nó trong tất cả các hoạt động thường nhật không thể bị xui khiến để hình thành nên thói quen buông thả được. Nếu không có sự trợ giúp của thói quen buông thả, ngươi không thể có khả năng thu hút mọi người qua những lời hứa hẹn được. Điều đó có đúng không?

Đ: Chính bản thân ta cũng không thể nói về sự thật đó rõ ràng hơn được nữa.

H: Giờ thì hãy tiếp tục và miêu tả xem mọi người đã bỏ mặc đặc quyền tự do và tự quyết của mình thông qua sự không dứt khoát và buông thả như thế nào.

Đ: Ta đã có giới thiệu ngắn gọn về nguyên tắc này nhưng giờ ta sẽ đi sâu vào các chi tiết cụ thể về cách thức hoạt động của nó.

Ta sẽ phải bắt đầu từ khi con người mới chào đời. Khi một đứa trẻ ra đời, nó chẳng mang theo mình bất cứ thứ gì ngoài một cơ thể tượng trưng cho kết quả của sự tiến hóa của tổ tiên mình qua hàng triệu năm.

Tâm trí của nó hoàn toàn trống rỗng. Khi đến tuổi nhận thức và bắt đầu nhận ra các vật thể xung quanh, nó cũng bắt đầu biết bắt chước những người khác.

Sự bắt chước trở thành một thói quen cố định. Trước hết, một cách tự nhiên, đứa trẻ sẽ bắt chước cha mẹ nó. Sau đó nó sẽ bắt đầu bắt chước họ hàng và những người nó gặp hàng ngày, trong đó có những người giảng dạy về tôn giáo và các thầy cô giáo.

Sự bắt chước không chỉ ảnh hưởng đến những biểu hiện của cơ thể mà còn ảnh hưởng đến cả ý nghĩ nữa. Nếu bố mẹ của đứa trẻ sợ ta và thể hiện nỗi sợ hãi đó trong tầm nghe của đứa trẻ, nó sẽ đón nhận nỗi sợ hãi đó qua thói quen bắt chước và lưu giữ nó như một phần của kho tiềm thức của các niềm tin.

Nếu những người giảng dạy về tôn giáo thể hiện nỗi sợ hãi về ta dưới bất kỳ dạng thức nào (và tất cả họ đều như vậy, chỉ có điều là dưới dạng thức này hay dạng thức khác mà thôi),nỗi sợ hãi đó được thêm vào nỗi sợ hãi giống như thế được chuyển sang cho đứa trẻ từ cha mẹ chúng và hai dạng giới hạn tiêu cực này đã được lưu giữ trong tiềm thức để ta có thể lấy ra và sử dụng về sau.

Cũng theo cách tương tự, thông qua việc bắt chước, đứa trẻ sẽ tự giới hạn quyền năng của suy nghĩ bằng cách lấp đầy tâm trí mình bằng sự ghen tức, ghét bỏ, tham lam, thói dâm ô, lòng thù hận và tất cả những suy nghĩ bốc đồng tiêu cực có thể hủy hoại mọi cơ hội của sự xác định khác.

Trong khi đó, ta sẽ bước vào và lôi kéo đứa trẻ trở nên buông thả cho đến khi ta trói chặt tâm trí nó bằng nhịp điệu lôi cuốn.

H: Có nghĩa là từ những gì ngươi nói, ta nên hiểu rằng người phải kiểm soát được con người từ khi họ còn rất trẻ, nếu không ngươi sẽ hoàn toàn đánh mất cơ hội để kiểm soát họ?

Đ: Ta muốn chiếm được họ trước khi họ làm chủ được tâm trí của chính mình. Một khi biết được về sức mạnh của suy nghĩ của chính bản thân mình, con người sẽ trở nên tích cực và rất khó để đánh bại. Có một sự thật hiển nhiên là ta không thể kiểm soát bất cứ người nào khám phá ra và biết cách sử dụng nguyên tắc mục tiêu xác định.

H: Có phải thói quen xác định là sự bảo vệ vĩnh viễn khỏi sự kiểm soát của ngươi?

Đ: Không, điều đó không đúng chút nào cả. Sự xác định chỉ khép cánh cửa tâm trí của một người với ta khi người đó thực hiện nguyên tắc đó như một phương thức hành động. Ngay khi người đó do dự, chần chừ hay không xác định về bất cứ điều gì, anh ta sẽ ngay lập tức rơi vào sự kiểm soát của ta.

Con Quỷ nói rằng: “Ngay khi người đó do dự, chần chừ hay không xác định về bất cứ điều gì, anh ta sẽ ngay lập tức rơi vào sự kiểm soát của ta.”

***

Khía cạnh trừu tượng và liên quan đến tinh thần trong triết lý của tác giả đã được thể hiện trong những phản ứng của Con Quỷ. Thứ nó gọi là “sự xác định” ngày nay thường được biết đến bằng tên gọi “mục đích” hay “hướng đến mục tiêu” và “hướng đến mục đích”.

H: Sự xác định có thể làm được gì trong một trường hợp cụ thể của một cá nhân? Ta muốn biết liệu một người có thể có được sức mạnh thông qua mục tiêu xác định mà không bị hủy hoại bởi quy luật bù trừ hay không.

Đ: Câu hỏi của ngươi khiến những minh họa của ta bị giới hạn bởi có rất ít người trên thế giới này hiểu được nó và cũng chỉ có rất ít người trong quá khứ hiểu được cách sử dụng mục tiêu xác định mà không thu hút những ứng dụng tiêu cực của quy luật bù trừ về phía mình.

Giờ đây ngươi lại ép ta phơi bày một trong những mưu kế có giá trị bậc nhất của ta. Chắc chắn là ta sẽ nói với ngươi rằng cuối cùng ta sẽ giành lại cho sự nghiệp của mình tất cả những người đã tạm thời thoát khỏi ta nhờ mục tiêu xác định. Ta sẽ giành lại được họ bằng cách lấp đầy tâm trí họ lòng tham quyền lực và biểu hiện quá yêu cái tôi của mình cho đến khi người đó rơi vào thói quen xâm phạm quyền lợi của những người khác. Sau đó ta sẽ bước vào cùng với quy luật bù trừ và giành lại được nạn nhân của mình.

H: Từ những gì ngươi thú nhận, ta nhận thấy rằng mối đe dọa từ mục tiêu xác định cũng nguy hiểm tương đương như sức mạnh của nó vậy. Điều đó có đúng không?

Đ: Đúng vậy. Và điều quan trọng hơn là mọi nguyên tắc tốt đẹp đều mang trong nó một hạt mầm hiểm họa tương đương.

H: Điều đó thật khó tin. Ví dụ như, thói quen yêu thích sự thật thì có thể có mối nguy hiểm gì cơ chứ?

Đ: Mối hiểm họa nằm trong từ “thói quen”. Mọi thói quen, trừ thói quen yêu thích mục tiêu xác định, đều có thể dẫn đến thói quen buông thả. Lòng yêu thích sự thật, trừ phi nó cân xứng với việc tiếp tục theo đuổi sự thật, có thể trở nên giống với mọi mục đích tốt khác. Tất nhiên là, ngươi biết những gì ta làm với các mục đích tốt đẹp rồi đấy.

“Mọi thói quen, trừ thói quen yêu thích mục tiêu xác định, đều có thể dẫn đến thói quen buông thả.”

H: Thế tình yêu một người dành cho người thân của mình có nguy hiểm không?

Đ: Tình yêu dành cho bất cứ thứ gì hay bất cứ ai, trừ tình yêu dành cho mục tiêu xác định đều có thể trở nên nguy hiểm. Tình yêu là một trạng thái của tâm trí che mờ đi lý trí, làm suy yếu sức mạnh của ý chí và khiến một người mù quáng trước sự thật.

Tất cả những ai có được khả năng tự quyết và đạt được sự tự do về tinh thần để tự suy nghĩ đều phải xem xét thật cẩn thận mọi cảm xúc có liên quan - dù rất xa - đến tình yêu.

Có thể ngươi sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng tình yêu chính là một trong những cái bẫy hiệu quả nhất của ta. Cùng với nó, ta có thể dẫn những người ta không thể thu hút họ bằng bất cứ thứ gì khác đến với thói quen buông thả.

Đó là lý do tại sao ta đặt nó ở vị trí đầu tiên trong danh sách những vật ta hay dùng để hối lộ. Hãy nói cho ta biết một người yêu thích điều gì nhất và ta sẽ có cách xử lý thích hợp để lôi kéo được người đó trở nên buông thả cho đến khi ta trói chặt được họ bằng nhịp điệu thôi miên.

Khi được kết hợp với nhau, tình yêu và nỗi sợ hãi cho ta những vũ khí hiệu quả nhất mà nhờ chúng, ta có thể khiến con người buông thả. Cả hai đều hữu ích cho ta như nhau. Cả hai đều có tác động khiến con người lơ đễnh việc sử dụng tâm trí của chính mình. Hãy để ta kiểm soát nỗi sợ hãi của một người và cho ta biết người đó yêu thích điều gì nhất, khi ấy ngươi có thể coi như người đó đã trở thành nô lệ của ta rồi. Cả tình yêu và nỗi sợ hãi đều là những năng lượng cảm xúc lạ lùng và hùng mạnh, chúng có thể tiêu diệt hoàn toàn sức mạnh của ý chí và lý trí. Mà nếu không còn ý chí và lý trí thí sẽ chẳng còn gì hỗ trợ cho mục tiêu xác định nữa.

H: Nhưng tâu Bệ hạ, cuộc sống sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa nếu con người không cảm nhận được những xúc cảm về tình yêu.

Đ: À, lập luận của ngươi cũng đúng, nhưng ngươi lại quên không bổ sung rằng cần phải đặt tình yêu trong sự kiểm soát trong mọi thời điểm.

Tất nhiên, tình yêu là một trạng thái tinh thần đáng mơ ước nhưng nó cũng là một biện pháp tạm thời được dùng để giới hạn hay hủy hoại sức mạnh của ý chí và lý trí mà đối với những người muốn có tự do và khả năng tự quyết thì cả hai thứ này đều quan trọng hơn tình yêu.

H: Từ những gì ngươi nói, ta hiểu rằng những người có được sức mạnh phải cứng rắn với những cảm xúc của mình hơn, phải làm chủ được nỗi sợ hãi và kìm nén tình yêu lại. Có đúng như vậy không?

Đ: Những người có và duy trì được sức mạnh của mình phải có những suy nghĩ và hành động rõ ràng. Nếu ngươi gọi những thứ đó là cứng rắn thì đúng, họ phải trở nên cứng rắn.

H: Chúng ta hãy cùng nhìn vào các nguồn lợi của sự rõ ràng trong các công việc thường nhật của cuộc sống. Cái gì có khả năng thành công hơn - một kế hoạch kém nhưng rõ ràng hay một kế hoạch khả thi nhưng lại không rõ ràng?

Đ: Các kế hoạch kém sẽ trở nên tốt nếu chúng rõ ràng.

H: Ý ngươi là bất cứ kế hoạch rõ ràng nào được thực hiện liên tục và theo đuổi một mục tiêu xác định đều có thể thành công dù nó không phải là kế hoạch tốt nhất?

Đ: Đúng, ta có ý nói như vậy đấy. Mục tiêu xác định cộng với kế hoạch xác định thường sẽ đạt được thành công, dù kế hoạch có kém đến đâu đi chăng nữa. Khác biệt cơ bản giữa một kế hoạch có cơ sở và không có cơ sở là nếu được áp dụng một cách rõ ràng thì kế hoạch có cơ sở sẽ được thực hiện nhanh hơn kế hoạch không có cơ sở mà thôi.

H: Nói cách khác, nếu không thể luôn đúng thì có thể và nên luôn rõ ràng? Đó có phải là điều ngươi muốn nói với ta không?

Đ: Chính là ý đó. Những người có cả kế hoạch lẫn mục tiêu xác định sẽ không bao giờ chấp nhận thất bại tạm thời là bất cứ thứ gì ngoài động lực khiến họ nỗ lực nhiều hơn nữa. Chính bản thân ngươi cũng thấy rằng cách hành động như thế chắc chắn sẽ giành được thắng lợi nếu nó được sự xác định hậu thuẫn.

H: Liệu một người có cả kế hoạch lẫn mục tiêu xác định có chắc chắn sẽ thành công không?

Đ: Không. Những kế hoạch tốt nhất đôi khi cũng không xuôi chèo mát mái, nhưng người hành động với sự xác định luôn nhận thấy sự khác nhau giữa thất bại tạm thời và thất bại. Khi kế hoạch này không thành, anh ta sẽ thay thế bằng kế hoạch khác nhưng anh ta sẽ không thay đổi mục đích của mình. Anh ta sẽ kiên trì. Và cuối cùng anh ta sẽ tìm ra được một kế hoạch giúp anh ta đến với thành công.

“Người hành động với sự xác định luôn nhận thấy sự khác nhau giữa thất bại tạm thời và thất bại. Khi kế hoạch này không thành, anh ta sẽ thay thế bằng kế hoạch khác nhưng anh ta sẽ không thay đổi mục đích của mình. Anh ta sẽ kiên trì.”

H: Liệu một kế hoạch dựa trên những thứ phi đạo đức hay mục tiêu bất công có thành công nhanh như một kế hoạch dựa trên sự công bằng và đạo đức hay không?

Đ: Thông qua quy luật bù trừ, ai gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Những kế hoạch bất công và phi đạo đức có thể mang đến những thành công tạm thời, nhưng thành công bền vững phải lưu tâm đến chiều thứ tư nữa, đó là thời gian.

Thời gian là kẻ thù của bất công và phi đạo đức. Nó là bạn của công bằng và đạo đức. Việc không nhận thấy sự thật này chính là nguyên nhân của nạn tội phạm ngày một gia tăng trong những người trẻ tuổi trên thế giới này.

Những tâm trí trẻ trung và thiếu kinh nghiệm dễ lầm tưởng rằng những thành công tạm thời là lâu bền. Tuổi trẻ thường phạm sai lầm ham muốn đạt được mọi thứ thật nhanh qua những kế hoạch bất công và phi đạo đức nhưng lại không chịu nhìn xa hơn và quan sát những hình phạt rõ ràng sẽ đến cùng như quy luật hết ngày sẽ đến đêm vậy.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.