“Yeah.” Hoàng Sơn nhảy đựng lên. “Yeah, yeah.” Anh Đức ngồi bên cạnh thắc mắc. “Sao mấy bữa này bạn Hùng lại bắn yếu vậy ta. Cố tình thả mọi người đúng không?” Quốc Hùng chỉ nhếch môi cười mà không nói. Từ nhỏ đến giờ, từ cái trò “điện tử cần” như “hô xê”, “samurai mù”, đến “PS1” như đá PES, đua xe thú, võ đài thú, hay giờ là các game vi tính như “half life” hoặc đế chế, anh như là trùm trong mọi trò. Thậm chí bắn half life, mình anh chấp cả hai thằng Hoàng Sơn và Anh Đức, nhưng anh vẫn giành chiến thắng, vậy mà hôm nay anh lại để hai tụi nó bắn vỡ sọ nhiều lần. Số mạng anh giết còn ít hơn số điểm văn anh làm. Không phải là thả tụi nó, mà là vì anh không thể tập trung nổi vào trò chơi. Đầu anh cứ nghĩ và nhung nhớ mãi về Mỹ Hạnh. Mọi bữa còn đi học, anh có thể nhìn lén cô nàng, giờ nghỉ hè rồi, anh có còn được gặp cô nàng nữa đâu. Thà như Mỹ Hạnh không quen Duy Thanh, anh còn có cớ để đạp xe qua chơi. Giờ biết họ đang quen nhau, lẽ nào anh lại vô duyên sang nhà, hay là bảo Duy Thanh rủ Mỹ Hạnh cùng đi chơi với mình. Từ lúc nhìn thấy Mỹ Hạnh lần đầu tiên là trong người anh đã dấy lên nhiều cung bậc cảm xúc không ổn. Tương tư là biểu hiện đầu tiên, so sánh với Bảo Hân là điều kế tiếp, cố gắng lợi dụng và ép mình đi chơi với Bảo Hân là điều thứ ba, nhận ra mình chưa bao giờ yêu Bảo Hân là điều thứ tư và đơn phương Mỹ Hạnh hằng đêm là điều cuối cùng. Biết thích người yêu của bạn là một điều sai trái, nhưng ai có thể bảo trái tim mình ngừng lại. Tình yêu mà, nó chớm nở và rạo rực bằng một cách nào đó mà ta không thể hiểu nổi và kiểm soát được. Nếu có thể điều khiển được tình yêu, thì giờ anh đâu có tương tư về cô như vậy. “Ai chọc giận quý tử của mẹ vậy?” Bà Thúy Nga đang ngồi ở phòng khách, thấy con mình đi về tiu nghỉu nên liều trêu chọc. Quốc Hùng đáp nhanh. “Mẹ á.” Bà khẽ cười. “Mẹ vợ con sao? Mà quên, con làm gì đã có vợ.” “Mẹ về hồi nào vậy?” Anh nằm dài trên ghế sofa đối diện với mẹ mình. Bà nhướng mày. “Từ lúc thằng quý tử của mẹ đi chơi bị người ta chọc.” Anh bĩu môi. “Mệt mẹ quá.” Bà sực nhớ. “À lúc nãy thằng Thanh có qua tìm anh.” “Thật hả mẹ?” Quốc Hùng ngồi dậy. Bà lại trêu chọc. “Không, mẹ nói láo đó.” “Mẹ này.” Anh bỗng muốn đi tìm Duy Thanh. Bà nhìn theo con mình. “Vừa về, giờ lại đi nữa hả?” “Chút nữa con về.” Anh nói vọng vào. Bà nói lớn. “Tối nhớ về sớm ăn cơm đó.” “Dạ.” Anh vút xe đạp đi. Từ hồi nghỉ hè đến giờ, Duy Thanh với Văn Vũ cứ bận mãi. Ngay cả đến việc hội họp với nhóm cũng ít khi đi. Lâu lâu, hai anh chàng này mới qua nhà anh chơi, hoặc rủ anh đi đâu đó. Văn Vũ thì bận phụ mẹ, Duy Thanh thì bận trông em, hết em này rồi đến em khác, vừa rồi lại phải lên viện chăm sóc cho cu Minh Dũng. Quốc Hùng nghĩ chắc cu Dũng ra viện rồi nên Duy Thanh mới qua nhà anh. Y như Quốc Hùng dự đoán, vừa đạp xe vào sân cô nhi viện là anh đã thấy Duy Thanh đang ngồi chơi với Minh Dũng. “A, chào Dũng.” “Em chào anh.” Minh Dũng mỉm cười đáp lại. Anh đi tới. “Em khỏe chưa?” “Dạ em khỏe rồi.” Minh Dũng đáp. “Mới mua hình hả mày?” Anh nói khi thấy Duy Thanh đang cắm cúi cắt tấm “hình” lớn ra những tờ “hình” nhỏ. Một trò chơi rất phổ biến của làng anh. Duy Thanh khẽ cười. “Bữa nay đang là mùa hình nên tao mua về cho Minh Dũng với mấy em chơi.” Anh nhíu mày. “Sau mùa hình là mùa gì nhỉ?” Anh muốn biết để ít bữa đem qua cho cu Dũng. Chứ thật ra lớn bằng tuổi này nhưng đến bây giờ và cho mãi về sau, Quốc Hùng vẫn không hiểu được cái luật quy định của các “mùa” này. Lúc sau “mùa bi” thì đến “mùa hình”, lúc thì “mùa giấy”, có khi có cả “mùa dây xu” nữa. Từ mùa này chuyển sang màu khác, thời gian của mỗi mùa và cái mốc quy định nào để chuyển sang mùa mới. Nói thật là rất có nhiều điều khó hiểu và chắc cũng như anh, ở cái lứa của Minh Dũng, sự quy định “mùa gì” dựa vào số đông, hoặc là cái thằng to đầu nhất xóm. “Dạ là mùa bi.” Minh Dũng hớn hở đáp. “Ồ vậy à.” Quốc Hùng giả vờ khoe. “Ờ nhà anh có nhiều bi lắm. Để ít bữa anh đem qua cho em với cu Huân, cu Thành chơi.” Duy Thanh biết rõ nhà thằng bạn mình làm gì còn bi. Chẳng qua là nói dối để đi mua bi cho em của anh mà thôi. “Nhà mày còn bi gì?” Quốc Hùng ầm ờ. “Thì bi một màu, bi hai màu, bi sữa, bi ngọc.” “Anh có bi bảy màu không?” Minh Dũng háo hức. Vì trong các loại bi thì bi này có giá trị nhất. “Có luôn.” Quốc Hùng trả lời đại. Duy Thanh khẽ cười. “Anh Hùng có bi láo nữa?” Ý anh nói khía việc “nói láo”. “Bi láo cái đầu mày á.” Quốc Hùng vỗ nhẹ đầu Duy Thanh. “Bi láo là bi gì vậy anh?” Minh Dũng vẫn ngây ngô không biết. Duy Thanh tỏ vẻ nghiêm trọng. “Bi đó chỉ có mình anh Hùng có thôi.” Trò chuyện thêm một lúc nữa thì Quốc Hùng đi về. Thời gian gần đây sức khỏe của ông Năm không được khỏe như xưa, nên ông ít khi dạy võ cho mọi người. Ở làng bây giờ, hoặc là con trai ông, hoặc là đệ tử ông đứng ra dạy. Cũng chính vì vậy nên thời gian gần đây, Duy Thanh hầu như chỉ tự tập là chính. Tuy ông Năm không còn dạy nhưng ngày ngày anh vẫn ôn lại những thế võ mà mình đã học. Văn ôn, võ luyện, nếu mà anh không chăm chỉ thì người sẽ trở nên “cứng” đi và khó thi triển thuần thục các chiêu thức. Nhiều ngày sau, qua những lần trì hoãn thì Duy Thanh và Văn Vũ cũng bắt tay vào công việc phụ giúp chùa sửa chữa. Quốc Hùng thấy vậy cũng xắn tay áo lên và lao vào phụ giúp anh em. Duy Thanh và Văn Vũ thì không nói, hai người này vốn dĩ đã có nước da ngăm đen trời cho, chỉ có Quốc Hùng là mới đáng lo. Vốn dĩ là một công tử bột, giờ phải đi “phụ hồ”, bà Thúy Nga đâu có chịu để yên. Tất nhiên là bà cấm cản không được, bà chỉ trang bị cho anh chàng nguyên một “set” đồ bảo hộ mà thôi. Hết chăm sóc em, giờ đến phụ giúp mọi người, chính vì vậy nên thời gian qua Duy Thanh cũng ít được gặp Mỹ Hạnh. Vì thế tranh thủ thời gian, anh đã hẹn nàng chiều hôm nay đi chơi. Chủ nhật, buổi chiều ở chùa có sinh hoạt “Phật tử” nên anh được nghỉ. Háo hức, nhìn đồng hồ thấy đúng 14h30, anh liền đạp xe ra khỏi nhà. Nói về Mỹ Hạnh, nghỉ hè, ngoài việc ăn, ngủ và đọc truyện, thì là đọc truyện, ngủ rồi ăn. Quá trình chỉ có như vậy, chỉ tuần hoàn với nhau mà thôi. Do “vòng đời” sinh hoạt quá khoa học nên chỉ trong một thời gian, cô nàng đã tăng cân đến không ngờ. Người càng ngày phì ra, phì đến nỗi mẹ của cô nàng phải than vãn và không ngừng khuyên bảo vận động, tập thể dục cho ốm lại. “Chị mà cứ phì ra như vậy, sau này có họa ế chồng.” Mẹ cô hù dọa. Tất nhiên là Mỹ Hạnh có sợ đâu, cô còn có Lu kia mà. Lu còn bảo ngày xưa cô mập, cô dễ thương lắm luôn. Vậy đó, giờ cô mập thì cũng dễ thương thôi. Lu mà bỏ cô, cô sẽ cắn nát Lu cho mà coi. Mà nói đến Lu thì cô mới nhớ, từ khi nghỉ hè đến giờ, cô chỉ gặp Lu được vài lần. Lu bận mãi nên chả thể đi chơi cùng với cô. Hôm nay Lu hẹn “ba giờ” sẽ đạp xe qua nhà rủ đi chơi. Mừng quá, nên từ trưa đến giờ cô cứ xốn xang mãi. “Hai giờ hơn” là cô lo bật dậy khỏi giường, vệ sinh mặt mũi và sửa soạn quần áo rồi. Có phải là lần đầu tiên đi chơi với trai đâu, nhưng không biết vì sao lòng cô cứ nôn nóng đến lạ thường. Hết chắp tay sau lưng đi ra, thì lại chắp tay sau lưng đi vào. Hết thở dài thì đến nhíu mày, hết nhíu mày rồi lại đến thở dài. Chưa bao giờ cô thấy thời gian lại trôi chậm như bây giờ. Em gái cô là Mỹ Dung, thấy điệu bộ cô như vậy cũng phải lắc đầu. “Chị cứ vào phòng nghỉ đi, khi nào anh Thanh tới thì em kêu cho.” Thấy bà chị của mình như vậy, cô nàng cũng phải cạn lời. Mỹ Hạnh giả vờ nói láo. “Chẳng qua chị muốn đi lại cho khuây khỏa thôi.” Đồng hồ điểm hơn ba giờ và Mỹ Hạnh vẫn không thấy bóng dáng của Duy Thanh. Ngầm đoán anh chàng lại quên hẹn, hoặc lại bận gì đó nên không qua, cô liền tức tối đi vào phòng. Mà hình như cô vận lực hơi mạnh nên tiếng chân của cô vang lên khiến Mỹ Dung phải giật mình. Rồi cũng hình như cô hơi không kiểm soát được “nội lực” của mình, nên khi ngồi xuống giường, tiếng động lại vang lên đánh động đến cả Mỹ Dung đang ngồi bên ngoài một lần nữa. Cô nằm trên giường và không ngừng xả giận vào cái gối ôm. “Này thì, này thì qua này.” Cô hết xoay trái, xoay phải, thì lại nhìn lên trần nhà trằn trọc. Bảo hẹn với cô ba giờ sẽ qua, giờ hơn ba giờ rưỡi rồi, vậy mà chả thấy tăm hơi đâu cả. Người gì đâu mà kỳ cục, đừng để cô gặp mặt. Cô mà gặp được, cô không cắn cho hả dạ thì thôi. Thứ đáng ghét, đáng ghét. “Chị ơi, anh Thanh tới.” Mỹ Dung nói lớn. Vừa nghe đến chữ “anh Thanh”, Mỹ Hạnh liền bắt dậy và phóng ra ngay khỏi phòng. Vì nôn nóng quá nên chăn mền trên giường văng cả xuống đất. Ai đó mặt mày từ tức giận, nhăn nhó, giờ trở nên tươi cười và hớn hở đến bất ngờ. Mỹ Dung thấy chị mình như vậy nên liền nói. “Mới vừa càm ràm này nọ, giờ thấy người ta đến thì.” Mỹ Dung nói khía. “Xem kìa.” Cô đáp nhanh. “Kệ tao.” Cô xỏ dép rồi lao ra khỏi nhà. “Kệ tao đồ.” Mỹ Dung nói vọng theo. “Sao giờ Lu mới tới?” Cô ngước mắt lên hỏi. Duy Thanh gãi đầu. “Xin lỗi Sún nha. Nãy Lu tới sớm rồi, nhưng giữa đường gặp một bác bị hư xe nên nhảy xuống phụ một tay.” Anh ngập ngừng. “Do vậy nên…” Cô nghe vậy thì liền thông cảm ngay. “Ủa vậy hả.” Chuyện cũng đã qua rồi nên cô khẽ cười. “Thôi mình đi chơi đi.” Anh ừm một tiếng. “Sún vào lấy xe đi.” “Thôi cần gì.” Cô trước giờ luôn muốn được thử cái cảm giác đi chung xe với Duy Thanh như thế nào. “Đi xe của Lu cũng được.” Giờ thì cơ hội đến rồi. Anh ngơ ngác. “Xe Lu sao đi được.” Anh nghĩ ít nhất thì phải đổi xe thì mới đi chung được chứ. Cô khẽ cười. “Sao lại đi không được.” Cô bảo Lu thả tay trái ra khỏi “ghi đông”, hạ thấp xe xuống một tý, rồi ngồi lên thanh sườn. “Đi thôi.” Anh bất ngờ. “Vậy luôn.” Rồi anh chợt nhận ra. “Nhưng Sún ngồi như thế sẽ đau mông lắm.” “Đi đi, nói nhiều quá.” Cô hù dọa. “Cắn cho một phát giờ.” Thế là Duy Thanh nhăn nhó rồi miễn cưỡng đạp xe đi. Trông anh chả khác gì đang chở Quốc Hùng đi học. Có điều vừa đi được một đoạn thì anh bỗng thích cái cảm giác này. Ngực anh áp sát một bên lưng của Sún, chưa bao giờ anh được gần Sún như thế này. Có một cái cảm giác nào đó cứ rạo rực và người anh nóng cả lên. Không khéo tối nay anh lại hóa thành lính phòng không thì chết bà. Đạp ra khỏi xóm nàng, Duy Thanh men theo đường làng để hướng ra bờ sông. Nơi một bên là dòng nước yên ả, một bên là cánh đồng ruộng trải dài, men theo con đường nhỏ ở giữa, anh và nàng có thể chìm đắm trong khung cảnh thơ mộng của làng quê. Mỹ Hạnh cảm thấy người mình nằm trọn trong lòng Duy Thanh thì cảm thấy thích thích, thì ra cảm giác khi ngồi sát người yêu là như vậy. Duy Thanh đang tủm tỉm cười thì gió liên tục thoảng qua, mái tóc của Mỹ Hạnh cứ phả vào người và anh cảm thấy rất thích thú. Thế là anh cố tình đưa mũi sát tới. Chưa được bao lâu thì tới đoạn đường gập ghềnh, sợ Mỹ Hạnh bị đau nên anh bóp phanh lại. “Sao lại dừng xe?” Cô thắc mắc. Anh ầm ờ. “Đoạn đường này nó gồ ghề nên Lu sợ Sún ngồi ê mông.” Anh nói nhanh. “Sún xuống đi, mình dắt bộ qua rồi đi tiếp.” Cô bước xuống thì chợt nhớ lại có lúc Quốc Hùng từng đứng sau xe Duy Thanh. “Cần gì dắt bộ. Để Sún đứng phía sau cho.” “Được không?” Anh sợ nguy hiểm. “Mắc gì không được.” Cô đứng lên sau lưng và vịn hai tay lên vai anh. Lại một cảm giác khác và sau một đoạn đường, cô không kiềm chế được cảm xúc. “Thích thật.” Sau khi đi dạo bên bờ sông, hai người rẽ vào quán chè và cũng như mọi khi, ly chè của Duy Thanh bị ai đó bới tung cả lên. Chè chuối thì bị lấy hết chuối, chè xoa xoa thì chỉ còn nước và chè trái cây thì chỉ còn đá và hạt é mà thôi. Thật ra sau này Duy Thanh muốn tìm lại ký ức xưa, nên cũng một mình tới quán chè, nhưng khổ nỗi nó lại không còn vị như trước. Ly chè thật ra chả có gì đặc biệt, chẳng qua nó ngon vào đúng cái lúc anh thấy hạnh phúc nhất mà thôi. Ăn chè xong, Duy Thanh chở Mỹ Hạnh tới bờ hồ gần nhà mình để ngắm cảnh. “Mới đó mà trời tối rồi.” Mỹ Hạnh ngồi trên bờ đê và ném một hạt đá nhỏ xuống mặt hồ. Điều đó đồng nghĩa với việc cô sắp phải về nhà. Duy Thanh nhìn thấy Mỹ Hạnh như vậy nên liền nói. “Nếu Sún thích thì chiều nào Lu cũng qua chở Sún đi chơi.” “Xạo.” Cô quay qua bếu bụng anh. “Thật.” Anh lấy tay xoa xoa bụng mình. “Chẳng qua là Lu bận qua chùa phụ xây sửa lại thôi. Chứ không là ngày nào Lu cũng qua chở Sún đi chơi rồi.” Cô bỗng dưng thấy vui. “Thật không?” “Thật mà.” Anh giơ hai ngón tay lên trời. “Lu thề luôn.” “Tạm tin vậy.” Cô liếc mắt. “Nếu mà Lu nói láo, Sún sẽ cắn nát Lu cho mà coi.” Cô chồm qua cắn vào tay Duy Thanh như đang “thị phạm”. Mặc dù biết anh bận việc nhưng vài ngày sau, cô vẫn cứ cồn cào trong lòng thế nào ấy. Người cô như kiểu cứ thôi thúc muốn sang cô nhi viện cho bằng được. Đắn đo, phân vân mãi thì cô cũng quyết định đạp xe sang. Nếu nói động lực lớn nhất là vì Duy Thanh, thì cô hơi thấy thẹn, thôi thì cứ tạm chống chế vì hết truyện đọc đi. Tới nơi, cô dắt xe vào sân cô nhi viện, giờ thì cô đâu có còn ngại như lúc đầu nữa. Minh Dũng đang chơi với các anh chị em, thấy cô đi vào thì liền mừng quýnh lên. Cu Huân thấy cô cũng cười toe toét. Má Ba ở trong phòng nghe thấy nên cũng bước ra. Thế là cô ngồi trò chuyện cùng với má và các em. Tâm sự đủ điều thì chả biết thế nào, cô và má Ba lại nói về chuyện học hành. Lúc đầu là sự ngu dốt của Duy Thanh, sau là sự may mắn vì các em nhỏ sau này không bắt chước giống anh nó. Rồi đến việc học của Minh Dũng, cu cậu là người khả quan nhất trong số các anh chị em, thông minh, lanh lợi và ham học hỏi. Nhưng có điều, được điều này thì mất điều kia, bệnh tật liên miên khiến cu cậu từ số mười, cũng phải trở về số không. Thấy hè này mình cũng rãnh, chả có việc gì bận, nên Mỹ Hạnh xin má Ba cho phép mình qua kèm mấy em nhỏ học. Tất nhiên là má Ba mừng hết lớn, bà không những đồng ý ngay, mà còn liên tục cảm ơn không ngớt. Những anh chị lớn trong cô nhi viện, những người giỏi thì đều đã ra đời, không cưới vợ, gã chồng thì cũng có những mối bận tâm khác, lâu lâu mới ghé về thăm lại nhà xưa. Những người ở lại thì không đủ kiến thức để dạy các em, như Duy Thanh chẳng hạn, do vậy khi nghe Mỹ Hạnh nói, má Ba còn thấy điều gì mừng hơn nữa. Nói chuyện thêm một lúc thì má Ba phải đi nấu ăn cho mọi người, Mỹ Hạnh thấy vậy nên cũng xin phép chở Minh Dũng sang nơi Duy Thanh đang làm việc. Thế là hai chị em đạp xe sang chùa, nơi Duy Thanh đang đắm mình trong đất cát và sắt thép. “Anh Thanh.” Minh Dũng vừa bước xuống xe đã thấy anh mình đang trộn “hồ”. Duy Thanh quay mặt sang. “Ủa em.” Thấy Mỹ Hạnh ở bên, anh càng ngạc nhiên hơn. “Sao Sún ở đây?” Cô đi vào khẽ cười. “Ủa Sún qua đây chơi không được sao?” “Tất nhiên là không rồi.” Văn Vũ chem lời vào. Mỹ Hạnh thấy bản mặt đáng ghét đó thì liền không vui. “Im đi Vũ nhiều chuyện.” “Chắc ai đó ít chuyện hơn tôi.” Văn Vũ nhếch môi. Quốc Hùng là người ngỡ ngàng nhất. “Chào Hạnh.” Mỹ Hạnh đáp. “Chào Hùng.” Cô thấy ba người này thân phết, đi đâu cũng có nhau. “Ở đây bụi lắm, Hạnh tới đó ngồi đi.” Quốc Hùng khuyên bảo. Mỹ Hạnh khẽ cười. “Không sao đâu. Đứng chơi xíu rồi Hạnh về giờ.” “Người ta sợ vướng tay, vướng chân, chứ ai rãnh đâu đi lo cho cô nương.” Văn Vũ lại nói móc. Mỹ Hạnh lại tức điên. Mỗi lần gặp cha này chỉ có muốn cãi lộn. Duy Thanh nghe vậy chỉ biết đứng cười. “Làm đi mày, lo khiêng gạch đi kìa.” Quốc Hùng ra lệnh. Bất ngờ được gặp Mỹ Hạnh nên bỗng chốt Quốc Hùng không kiềm chế được cảm xúc của mình. Từ một thần thái điềm đạm mấy ngày nay, anh chàng bỗng nhiên hớn hở và thể hiện một cách khác thường. Liên tục mở miệng, liên tục thể hiện và liên tục nói đùa. Và tất nhiên điều đó khiến cho Văn Vũ đứng bên cạnh nhận ra nhiều vấn đề. “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”, đó là ba điều xưa nay mà người ta nhắn nhủ cánh đàn ông phải tránh. Tất nhiên trong trường hợp này, Mỹ Hạnh chưa phải là vợ của Duy Thanh, nhưng Văn Vũ vẫn muốn nghĩ sang một nghĩa khác của từ “vợ bạn”, đó chính là “người yêu”. Có thể giữa Duy Thanh và Mỹ Hạnh, hai người họ chưa công khai mối quan hệ của mình, dù trong thân tâm, họ đã tự hiểu và đồng ý với nhau, nhưng với một người ngoài như Văn Vũ hay Khánh Long, hoặc thậm chí là như Quốc Hùng, thì tự bản thân phải hiểu lấy điều đó, phải tự hiểu là họ đang yêu nhau và mình không nên xen vào phá vỡ hạnh phúc của họ. Mãi cho đến sau này, khi Văn Vũ nếm được tình yêu và đau khổ là gì, thì lúc đó anh mới nhận ra, hoàn cảnh của Quốc Hùng là một điều khó thể tránh khỏi. Khi con tim lên tiếng, lý trí chỉ có việc câm lặng và nghe theo. Và anh cũng thông cảm và thương Duy Thanh nhiều hơn, vì anh biết rằng, chả có đớn đau nào bằng việc yêu đơn phương và chứng kiến người mình yêu sánh đôi với người khác. Vì Mỹ Hạnh bất ngờ qua chơi nên mọi người nghỉ sớm và kéo nhau đi ăn “bánh tráng kẹp”. Đây là một món ăn mà Mỹ Hạnh và các cô nàng rất thích. Người ta cắt miếng bánh tráng dừa lớn ra những miếng tam giác nhỏ, sau đó quét “ruốc”, tương và cho một ít “bò khô” lên. Người ăn có thể chấm thêm ruốc hoặc tương theo tùy ý. Ngoài kiểu bánh đó ra, còn có thêm loại bánh tráng nướng và bánh cuốn nữa. Bánh tráng nướng thì để nguyên miếng bánh tráng dừa đem đi nướng rồi sau đó chấm với tương. Bánh cuốn thì người ta đem đi nhúng qua nước để làm mềm đi, sau đó quét tương hoặc ruốc lên, cho thêm ít bò khô nếu muốn và cuộn tròn lại. Không như hai bánh kẹp và bánh tráng nướng, bánh cuốn chỉ cần “hơ” trên lửa than củi một chút rồi dùng ngay. Hai loại bánh kia phải cần nướng chín đều các mặt. Sau này thì người ta biến tấu thêm nhiều thứ khác nữa. Như bánh tránh khô ướt, cũng giống như bánh kẹp, nhưng thay vì úp lên miếng bánh tráng khô, thì người ta úp lên một miếng tráng đã nhúng nước. Kiểu “khô ướt” sau này rất được người ăn ưa chuộng, vì nó dễ ăn và không có “khô” như kiểu bánh kẹp thông thường. Về nước tương thì sau này, ngoài tương ớt, tương ruốc, thì còn có thêm tương dẻo, tương xì dầu, rồi tương bò khô. Nhân bánh thì ngày xưa chỉ có bò khô, sau này còn có thêm trứng, “pa tê” và nhiều thứ khác. Sau khi quất một chồng dĩa, dọn hết quán của người ta thì mọi người mới chịu đứng lên ra về. Quốc Hùng ga lăng đứng ra trả tiền hết tất cả. Tối đó về nhà, Minh Dũng và Duy Thanh chỉ cầm đũa nhìn mọi người mà không ăn. Về phần Quốc Hùng thì tắm rửa xong, anh chàng cứ nằm trên giường, gác tay lên trán và tương tư về Mỹ Hạnh. Ngày hôm sau, Quốc Hùng cứ thấp thỏm trông ngóng vì anh chàng không biết Mỹ Hạnh có qua chơi nữa không. Đến cuối ngày, khi biết Mỹ Hạnh không qua, thì anh lại hy vọng ngày mai cô nàng sẽ tới. Về phần Duy Thanh, xong việc thì anh liền đạp xe về nhà, vừa vào sân thì đã thấy Mỹ Hạnh ngồi chơi với các em. “Sún qua đây hồi nào?” Anh ngạc nhiên. Má Ba đứng chống nạnh. “Người ta qua đây dạy kèm các em anh học. Chứ có phải qua vì anh đâu mà hỏi hỏi.” Anh xầm mặt xuống. “Con có nói gì đâu.” Mỹ Hạnh đứng lên. “Dạ thôi, thưa cô con về.” Bà khẽ cười. “Ừm, cảm ơn con nha.” “Dạ có gì đâu.” Cô nhìn các học trò đầu tiên của mình. “Mai chị lại qua nha.” “Dạ.” Các em đồng thanh đáp. Duy Thanh gãi đầu. “Ủa Sún về hả?” Cô khẽ cười. “Chứ chẳng lẽ Sún ở lại.” Má Ba thấy vậy nên đi vào trong phòng lấy ít tiền, sau đó đi ra đưa cho Duy Thanh. “Con đi với Hạnh đi.” Duy Thanh không hiểu. “Dạ đi gì má?” Bà nhíu mày. “Chạy theo rủ bạn gái đi ăn chứ làm gì. Cái thằng này.” Bà đưa tay lên như dọa đánh. Duy Thanh lúc này mới hiểu. “Dạ.” Anh chạy một vài bước thì quay lại. “Con cảm ơn má.” “Đi nhanh đi kìa.” Bà liếc mắt mỉm cười. Duy Thanh đạp nhanh đi và chưa đầy một phút, anh đã bắt kịp Mỹ Hạnh. “Sún.” Mỹ Hạnh quay qua. “Ủa, Lu đi đâu vậy?” “Má cho tiền bảo Lu rủ Sún đi ăn.” Anh khẽ cười. “Giờ Sún thích ăn gì?” Cô mừng rỡ. “Gì cũng được.” “Vậy đi ăn chè nha.” Anh nghĩ hôm qua mới ăn bánh tráng xong, nên giờ phải đổi món. Thế là ngày qua ngày, chiều nào Mỹ Hạnh cũng sang cô nhi viện để dạy học và chiều nào Duy Thanh cũng rủ Mỹ Hạnh đi ăn. Hết chè thì đến bánh tráng kẹp, bánh canh, rồi qua nước mía, nước dừa. Vì chiều nào cũng “ăn hàng” nên tối về, Mỹ Hạnh lại lơ cơm. Mẹ của Mỹ Hạnh thì không biết, cứ nghĩ con gái mình nhịn ăn để cho ốm lại. Thế là bà bắt cô nàng phải ăn cho bằng được. Nhiều hôm, để cho vừa lòng mẹ mình, cô giả vờ ăn qua loa rồi đứng dậy. Vài tiếng sau tự dưng cô lại thấy đói bụng, thế là sinh ra tật ăn đêm. Ăn đêm, ăn nhiều, ăn liên tục, nên mùa hè qua đi và Mỹ Hạnh phát tướng đến không ngờ.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]