Dĩ Thành từng mua qua một loại bảo hiểm, khi đó, anh còn đang trẻ khỏe, hầu như chẳng biết bệnh tật là gì, chỉ bởi có người tới tận cửa tiếp thị bảo hiểm nên mới tiện tay mua vậy thôi. Lúc ấy nào nghĩ tới sẽ có ngày lâm vào cảnh ngộ như hôm nay? Số tiền bồi thường của khoản bảo hiểm ấy, lúc anh được đẩy ra khỏi phòng cấp cứu thì đã gần như hết nhẵn rồi. Chi phí mỗi ngày của phòng chăm sóc đặc biệt lên đến ba chữ số, ấy là còn chưa tính đến phí trị liệu hằng ngày của anh, các thứ thuốc men, rồi còn đủ kiểu phẫu thuật từ lớn tới nhỏ nữa. Cứ cách ba, bốn ngày, y tá sẽ lại hối thúc đóng viện phí. Chẳng mấy chốc, người nhà Dĩ Thành đã cạn sạch tiền, Thiên Việt bèn dùng đến món tiền tiết kiệm của mình. Chừng đó đủ để duy trì thêm hai tháng nữa. Thiên Việt nhìn theo con số trong tài khoản của mình ngày một nhỏ dần, nhỏ dần. Cậu trả lại căn nhà đang thuê. May mà đồ đạc không nhiều, trên thực tế phần lớn thời gian Thiên Việt đều ở trong phòng bệnh của Dĩ Thành, thế nhưng Ninh Khả vẫn tốt bụng ngăn ra một gian trong công ty của Dĩ Thành cho cậu, dọn một chiếc giường nhỏ, rồi chăn gối này nọ, đầy đủ tiện nghi. Thiên Việt khước từ, không cần bày vẽ thế đâu. Ninh Khả bảo, nửa gian phòng chung quy cũng có thể xem như là nhà mà. Hằng ngày cứ từ hai đến sáu giờ chiều, Dĩ Thành đều sẽ ngủ li bì, thế là Thiên Việt tranh thủ tìm một công việc để làm thêm trong khoảng thời gian này, đó là chơi đàn dương cầm ở quán cà phê ở đại sảnh của một khách sạn bốn sao, làm nhạc nền cho quán, tuy rằng thù lao không cao, nhưng cũng đủ để xoay sở. Chẳng bao lâu sau, giám đốc nhà hàng liền đưa ra lời mời, mong cậu có thể đến làm cả vào buổi tối, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, chỉ là phải về hơi muộn một tí, nhưng Thiên Việt đã từ chối đề nghị ấy. Mà nói cũng lạ, phải dãi nắng dầm sương là thế, vậy mà Thiên Việt lại cảm thấy tinh thần phấn chấn, thể lực sung sức hơn bao giờ hết, chẳng thấy vất vả tí nào. Một ngày nọ, Dĩ Thành vừa thiu thiu ngủ, Thiên Việt đang định đến nhà hàng, thì chị hai ghé thăm. Chị đứng ngoài cửa, ngần ngừ mãi vẫn không chịu vào. Thiên Việt nói ngay: “Em đi ngay đây.” Bất thình lình chị gọi giật cậu. Thiên Việt dừng bước, chị lại chẳng nói gì. Một lúc lâu sau, chị mới nói: “Tiểu Thẩm, cậu lại đây chút nào.” Chị dẫn Thiên Việt ra hành lang, cả hai cùng ngồi xuống, rồi chị cứ mân mê cái quai túi xách trong tay, mắt nhìn đăm đăm vào bức tường trắng toát trước mặt, đoạn, chị cúi đầu lấy từ trong túi ra một thứ gì đó, đưa cho Thiên Việt. “Tiểu Thẩm,” – Chị nói – “Đây là tiền dành dụm riêng của tôi. Bây giờ tôi, giao nó cho cậu. Đặng chi trả tiền thuốc men cho Dĩ Thành. Cậu…đừng để ai biết nhé.” Thiên Việt nhận lấy, đó là một cuốn sổ tiết kiệm. Cậu biết, đây là toàn bộ những gì mà chị có. Chị cũng không có vẻ gì là định đứng lên đi về, chỉ nhìn đăm đăm vào bức tường kia, chị từ tốn kể lại: “Dĩ Thành nhà chúng tôi, từ nhỏ đã rất ngoan ngoãn, dễ bảo. Lại còn có lòng thương người. Từ lúc chưa lên mười, nó đã biết đỡ đần việc nhà cho bố mẹ rồi. Hồi còn bé, có lần được đến thăm lăng Tôn Trung Sơn [*], thời đó, xe rất khó ngồi, làm tôi trẹo cả giò, thế là Dĩ Thành kiên quyết cõng tôi một mạch đến tận cổng lăng… Mệt đến mức môi tím tái… Hồi nào giờ… tôi vẫn thương nó nhất… thương hơn cả con trai mình…Mai này con cái không còn là của mình nữa, nhưng nó, cả đời đều là em trai tôi. Tôi vẫn luôn… mong nó được sống tốt.” [*] Là khu lăng mộ của Tôn Trung Sơn, người khai sinh ra nước Trung Quốc mới, được xây dựng tại chân ngọn núi thứ hai của Tử Kim Sơn, ngoại vi thành phố Nam Kinh Chị sụt sùi tâm sự: “Lắm lúc, tôi cũng nghĩ, giá như, lần đó, tôi đừng lắm mồm như vậy, đừng nói cho người trong nhà biết, thì phải chăng, mọi chuyện sẽ không như ngày hôm nay? Tiểu Thẩm, tôi cứ ngỡ, tôi làm vậy mới là tốt cho nó…” Chị đi về rồi. Thiên Việt mở sổ tiết kiệm trong tay ra, nhìn nhìn con số được ghi trên đó. Trong một tích tắc, cậu chỉ muốn níu chị lại, mang sổ tiết kiệm trả cho chị. Chị vốn đang thất nghiệp, hiện chỉ mở một hiệu may nho nhỏ để kiếm sống. Thiên Việt nghĩ, chị phải may bao nhiêu tấm áo, mới có thể len lén để dành được một khoản tiền như vậy? Thế nhưng, Dĩ Thành vẫn đang nằm trong phòng bệnh, cậu đâu thể bắt anh cứ như thế mà dừng trị liệu, ngưng thuốc thang được. Cậu chẳng qua là hơi ích kỷ, cũng chỉ ích kỷ có lần này thôi. Đợi cho Dĩ Thành khỏe lại rồi, sẽ từ từ trả lại tiền cho chị. Ấy là nếu như Dĩ Thành khỏe lại được. Thiên Việt rút ra một nửa số tiền, rồi dùng bì thư niêm phong sổ tiết kiệm lại, sang hôm sau thì gửi trở về tiệm của chị, nhờ nhân viên ở tiệm giao tận tay chị. Bác sĩ Trần báo với Thiên Việt, theo tình trạng Dĩ Thành hiện nay, nguy cơ lớn nhất chính là, gặp phải biến chứng, càng không thể để các bắp thịt bị teo lại, cái nữa là, tuyệt đối không thể để bị hoại tử. Thiên Việt hỏi: “Bác sĩ Trần, tôi có đọc được tài liệu giới thiệu rằng, có một loại giường khí động lực, cứ cách một khoảng thời gian sẽ được bơm căng lên, giúp cơ thể được vận động đều đặn. Xin hỏi trong nước có bán loại giường đó không ạ?” Trần Hướng Đông nói: “Loại đó giá khá cao đấy.” Thiên Việt lại hỏi: “Khoảng bao nhiêu tiền ạ?” Trần Hướng Đông nêu ra một con số, rồi còn nói thêm: “Hơn nữa, hiện nay trong nước chỉ mới có bệnh viện Hiệp Hòa ở Bắc Kinh và bệnh viện Long Hoa ở Thượng Hải mới nhập loại giường này thôi.” Thiên Việt đăm chiêu một hồi, mới nói: “Thế thì, mát xa bằng tay chắc cũng có tác dụng đúng không ạ.” Trần Hướng Đông gật gù đáp: “Đúng thế. Được thì được, nhưng mà cực lắm đấy.” Thiên Việt cười cười nói: “Vậy có thể phiền bác sĩ Trần dạy tôi cách làm được không ạ?” Ngày nào cũng thế, Thiên Việt đều giúp Dĩ Thành xoa bóp người suốt hai tiếng đồng hồ. So với khi trước thì giờ đây số lượng ống dẫn cắm trên người Dĩ Thành đã bớt nhiều rồi, Dĩ Thành cũng gầy rộc hẳn đi, da dẻ ở tay chân đều lộ ra sắc trắng bợt bạt của người bệnh, nhưng cũng không đến nỗi nhão ra hay teo tóp lại một cách quá đáng. Mát xa đúng thật là một công việc nhọc nhằn, có vài bận, khi cậu đang mát xa, thì Dĩ Cương ghé đến. Anh chẳng nói chẳng rằng, chỉ đứng một bên quan sát, sau đó sẽ thay Thiên Việt làm nốt. Đến khi Dĩ Thành say ngủ rồi, chỉ còn Dĩ Cương với Thiên Việt bốn mắt nhìn nhau, bầu không khí bỗng chốc trở nên có phần gượng gạo. Lại có một hôm nọ, Dĩ Cương chợt mở lời: “Viện phí của tuần sau, tôi đã đóng rồi.” Thiên Việt ngớ người ra, không nghĩ tới anh ta sẽ bắt chuyện với mình. Dĩ Cương nói tiếp: “Có lẽ cậu sẽ thấy tôi rất tàn nhẫn, nhưng tôi vẫn cho rằng, chẳng thà, cứ để Dĩ Thành chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt đi. Sẽ bớt được phần nào… gánh nặng đó.” Thiên Việt đáp: “Chỉ cần còn có thể cầm cự được, thì em sẽ cầm cự cho đến cùng.” Dĩ Cương không nói gì thêm. Trước khi đi, anh đột nhiên quay lại cười với Thiên Việt một cái: “Nhìn cậu mà xem,” – Anh nói – “Chỉ với vẻ ngoài của cậu, cộng thêm tấm chân tình này, phải mà người cậu thương là nữ, thì cô gái ấy có phúc biết bao.” Thiên Việt cũng cười, “Quá khen rồi.”, cậu đáp. Chiều nào cũng vậy, khi Thiên Việt trở về từ nhà hàng mà cậu chơi đàn, đều trông thấy Dĩ Thành đã tỉnh dậy, khi đó Thiên Việt sẽ bê một chậu nước đến lau mình cho anh. Trước giờ Thiên Việt chỉ dùng duy nhất một loại xà phòng có mùi quýt, đó là mùi hương mà khi trước Dĩ Thành rất thích. Thiên Việt mua một chiếc khăn tắm thật lớn, mỗi lần lau người xong, đều giúp anh tỉ mẩn lau lại một lần nữa cho sạch. Sau đó nhờ hộ lý và y tá đến hỗ trợ thay khăn trải giường mới cho anh. Ngay đến mấy chị y tá còn phải khen, trước giờ chưa từng thấy qua bệnh nhân liệt nửa người nào sạch sẽ, thơm tho như vậy. Thiên Việt nói, anh, em giúp anh cạo râu nhé. Tóc của Dĩ Thành đã bị cạo trọc trong lúc mổ rồi. Hiện tại chỉ mới mọc lại loe hoe mấy cọng tóc ngắn ngủn thôi. Bởi Thiên Việt thường hay giúp anh cạo râu, nên mặc dù gương mặt anh đã tiều tụy đi nhiều, nhưng da mặt vẫn còn láng mịn lắm. Thiên Việt thoa kem cạo râu lên mặt anh, cầm dao cạo râu, cạo một cách tỉ mẩn. Dĩ Thành ưa xài dao cạo bằng tay hơn loại chạy bằng điện, anh cứ luôn mồm bảo râu mình mọc nhanh quá, dao điện lại cạo không sạch. Sau khi cạo xong, Thiên Việt lấy khăn lông đã ủ ấm đắp lên mặt anh. Dĩ Thành giương mắt nhìn Thiên Việt. Thiên Việt bị nhìn một hồi cũng nhịn không được mà bật cười, thò tay tới nựng nịu má Dĩ Thành, nói: “Mới đổi đấy, mùi gỗ thông, có thích không nào?” Dĩ Thành vươn cánh tay duy nhất còn cử động được của mình ra, vuốt ve cần cổ mảnh khảnh của Thiên Việt đầy trìu mến, cũng bởi cậu sút cân nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, nên mỗi khi xoay đầu, trên đó sẽ hiện lên một sợi gân xanh. Nơi ngón tay anh chạm đến, là mạch đập ấm nóng của Thiên Việt. Thiên Việt cũng nhìn vào mắt anh. Bọn họ xưa nay vẫn rất thân thiết với nhau, chẳng qua, lại thật sự hiếm khi nào gần gũi đến mức này, thân cận đến mức này, nhìn nhau bằng cả con tim thế này, chẳng chút nghĩ suy, chỉ nhìn nhau thế thôi. Chồm tới thật gần để nhìn anh, đôi mắt nâu sẫm của Dĩ Thành vẫn trong veo, sáng ngời như trước, phản chiếu trong đó là một Thiên Việt bé xíu. Đứa nhỏ này vốn dĩ chẳng có tí kiên cường nào, ấy thế mà giờ đây lại không thể không trở nên kiên cường được. Thiên Việt nói: “Mệt chết đi được, em nằm ngủ với anh một lát nhé, ừ đi nào?” Dĩ Thành dùng tay phải vỗ vỗ lên giường. Thiên Việt thận trọng tránh đụng vào những ống dẫn ghim trên người anh, rồi chậm rãi nằm xuống cạnh anh. Dĩ Thành nắm chặt lấy tay cậu, bởi vì ngâm nước quá lâu, nên da ngón tay Thiên Việt hơi nhăn nheo. Mặc cho việc phải nằm nép mình trên một khoảng giường chật hẹp, Thiên Việt vẫn có thể ngủ ngon lành được, đã nhiều ngày rồi cậu chưa có được một giấc ngủ sâu như vậy. Lúc Trần Hướng Đông bước vào phòng bệnh, đập vào mắt anh chính là cảnh tượng này. Cậu trai trẻ nọ, cùng với chàng thanh niên phải nằm bất động trên giường bệnh kia chụm đầu vào nhau, cả hai đều đang thiêm thiếp giấc nồng. Cậu trai Thẩm Thiên Việt kia, lúc say ngủ trông như một đứa trẻ ấy, mái tóc đã dài hơn hồi anh mới gặp rồi, phủ lên vầng trán, hình như nó làm cậu thấy nhột, nên mới đưa tay lên gãi. Trần Hướng Đông từng sống ở nước ngoài nhiều năm, mối quan hệ dạng này, anh đã thấy nhiều rồi, nhưng cũng không có cảm giác gì đặc biệt, anh vẫn cho rằng đấy là chuyện riêng của người ta, thế nhưng cặp đôi này, lại khiến anh khá lưu tâm. Tối đó sau khi đi thăm khám các bệnh nhân xong, Trần Hướng Đông ra ngoài dạo cho thư thái. Mùa hè của Nam Kinh, dài lê thê đến mức tuyệt vọng, đã sắp bước vào tháng mười rồi, mà tiết trời vẫn giữ nguyên ở mức ba mươi hai độ, buổi đêm cũng chẳng có lấy một ngọn gió. Trên một băng ghế ở góc khuất trong vườn hoa của bệnh viện, có một người đang ngồi. Lưng tựa vào thành ghế, dáng vẻ mệt nhoài, bóng lưng hao gầy, mong manh như làn khói thuốc. Trần Hướng Đông bước lại gần, chợt nhận ra là Thiên Việt, anh bèn đến ngồi cạnh cậu: “Sao lại ra đây ngồi nuôi muỗi thế?” Thiên Việt chẳng đáp lời, lâu thật lâu sau, cậu mới chợt lên tiếng: “Hôm nay tôi mới đến chùa Kê Minh một chuyến. Bác sĩ Trần, anh có biết chùa Kê Minh không?” [*] [*] Là một trong những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng và cổ nhất ở Nam Kinh (Kê minh nghĩa là tiếng gà gáy) Trần Hướng Đông trả lời: “Biết chứ sao không. Trông vậy thôi chứ tôi là người Nam Kinh chính gốc đó.” Anh dường như nghe thấy tiếng Thiên Việt cười khúc khích: “Thật vậy ư?”, cậu nói, “Vậy mà tôi còn tưởng anh là dân miền Bắc nữa kìa. Giọng anh chẳng mang tí khẩu âm Nam Kinh nào cả. Anh biết không? Hồi còn bé, nhà tôi với Dĩ Thành ở gần chùa, nên thường chạy ra đó chơi, khi ấy, ngôi chùa vừa mới được trùng tu xong, vào mùa hè, gian chính điện mát rượi hà, khắp nơi sực nức mùi sơn mới. Tôi còn bảo, thì ra Bồ Tát đều được tạc nên từ gỗ, sau đó mới quết sơn lên. Lời nói khi đó có phải là rất bất kính không? Hôm nay tôi đi cúng bái Bồ Tát, đúng là bình thường thì chẳng thắp hương, đến khi cùng đường mới ôm chân Phật, thế này chẳng biết có ích gì không?” Thiên Việt ngẫm lại, quả thật đã nhiều năm nay rồi cậu không ghé thăm chùa miếu gì cả. Cậu còn nhớ vào năm mười một, mười hai tuổi gì đấy, cậu là chúa tò mò luôn, có bữa lẻn tới trước cửa am ni cô, lú đầu vào nhìn trộm, bị Dĩ Thành tóm gọn rồi tha đi mất. Ngần ấy năm trôi qua, màu sơn của tượng phật vẫn còn như mới, song mùi hương trong ký ức đã sớm nhạt phai, chỉ còn sót lại mùi khói nhang nghi ngút. Chẳng qua đài sen thì vẫn sạch tinh tươm như trước, đức Phật vẫn một vẻ hiền từ ung dung ấy, ngài ngồi ngay ngắn trên đài, nhìn bao quát hết chúng sinh. Liệu ngài có nhìn thấu được muôn ngàn tâm tư nguyện vọng của phàm nhân? Liệu ngài có phổ độ được vô vàn khổ ải của phàm nhân? Thiên Việt khi đứng trước mặt đức Phật đã dập đầu vái lạy hết sức hết sức hết sức thành kính. Cậu khấn nguyện với ngài rằng: Cầu xin ngài, nếu ngài có linh thiêng, nếu ngài thật sự có thể bang trợ loài người vượt qua tai ách, thì xin ngài hãy trả Thị Dĩ Thành lại cho con. Cho dù anh ấy có phải ngồi xe lăn cả đời cũng được, chỉ cầu cho anh ấy vẫn còn có thể, cho dù là phải ngồi một chỗ, cho dù không thể đi lại được, chỉ cầu cho anh ấy có thể gượng dậy được, sống vui vẻ đến hết đời. Trần Hướng Đông an ủi: “Tôi hành nghề y, nên chẳng tin vào thần phật đâu, thế nhưng, tôi vẫn tin rồi kì tích sẽ xảy ra. Bản thân mỗi một sinh mệnh đã chính là kỳ tích rồi.” Thiên Việt quay đầu sang, mặt mày rạng rỡ như hoa, cậu nói: “Tôi cũng tin nữa.” Một buổi chiều nọ, lúc Thiên Việt đang hối hả chạy về bệnh viện, thì trông thấy có bóng người vụt qua trên hành lang. Dáng hình hết sức thân thuộc. Thiên Việt nghĩ, không thể nào là ông ấy đâu, chắc chắn là mình hoa mắt rồi. Về đến phòng bệnh rồi, mà trống ngực vẫn đánh giòn giã. Cậu viết vào trong lòng bàn tay Dĩ Thành: Em vừa trông thấy một người. Dĩ Thành chậm chạp viết vào lòng bàn tay cậu: Ai thế?
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]