Tôi gọi về nhà, nhưng không ai nghe máy. Tôi muốn đi gặp Chai hoặc Porm nhưng lại không muốn lên xe buýt. Cuối cùng, tôi quyết định đến nhà Eik ở Sarm Yarn. Nhà Eik ở trước chợ, một cửa hàng đứng lẻ loi một mình bán đồ tạp hóa. Hàng chồng xô và những thứ đồ nhựa khác chất đống ra cả vỉa hè. Eik mặc độc chiếc quần đùi đang bận bán hàng. “Gì thế này?” Nó ngạc nhiên khi thấy tôi. “Đợi chút! Để mình bán nốt cái này đã. Bố ơi, mình còn túi ni lông to không nhỉ?” Eik quay về phía trong nhà mà hét. “Hết rồi. Chỉ còn loại nhỡ thôi,” bố nó vừa ho vừa đáp. “Đạp xe ra Sampheing lấy một ít về đi, à, nhớ mua thêm cả bảng xổ số để bán cho bọn trẻ con nữa đấy.” Tôi lặng thinh ngồi lên một cái thùng các tông xem Eik bán hàng. “Có chuyện gì à?” Eik quay ra hỏi tôi, quyệt mồ hôi trên mặt. “Chẳng gì cả.” Tôi định nói thêm, nhưng rồi lại lắc đầu. “Thôi mình đi đây. Thứ Hai gặp nhé.” “Này, đợi đã!” Eik gọi với, nhưng tôi vờ không nghe thấy và nhanh chóng biến mất vào đám đông. Tôi lang thang một lúc lâu, cảm thấy cô độc và bơ vơ khôn tả. Tôi chỉ biết là tôi cần ai đó để nói chuyện. Đột nhiên, tôi nghĩ về Jom. Chị lúc nào cũng khiến tôi cảm thấy ấm áp và vui vẻ mỗi khi ở bên. Chúng tôi có thể nói với nhau về hầu hết mọi chuyện và hiểu nhau kể cả những lúc chẳng ai nói câu nào. Tôi lục ví tìm mẩu giấy ghi số điện thoại của Jom, ngần ngừ một lúc mới nhét đồng xu vào điện thoại công cộng. Người giúp việc trẻ tuổi nghe điện bảo tôi giữ máy, và mấy giây sau bên tai tôi vang lên giọng nói trong trẻo quen thuộc. “Jom à, là em, Béo đây,” tôi nói vào ống nghe, cảm thấy giọng mình có phần xa lạ với chính tai mình. “Chào, Béo!” Giọng nói từ đầu dây bên kia có vẻ phấn khởi. “Chị vừa mới nghĩ đến cậu xong. Chị vừa mới mua băng mới nhất của Jim Croce đấy.” “‘Chai thời gian’ à?” tôi thì thầm hỏi. “Ừ,” chị đáp, “và cả những bài khác nữa. Chị đảm bảo là bài nào cậu cũng sẽ mê. Cậu đang ở đâu đấy? Đến đây nghe nhạc đi? Cậu có biết đường đến nhà chị không?” “Cũng được.” Tôi bóp gáy cho đỡ cơn đau đầu vừa trỗi dậy. “Chỉ đường cho em đi.” “Không đơn giản vậy đâu. Cậu cứ đợi ở đấy đi.” Jom cười. “Chị kêu chú Maen đến đón cậu. Chị không muốn phải báo với cảnh sát là có trẻ lạc đâu.” Nhà Jom ở tận vùng Yarnnarwa và quả là khó tìm nếu không có ai giúp, bởi nó nằm trong cả một mê cung những con đường nhỏ. Nhưng ngay khi chiếc xe đi qua cổng, tôi thấy mình đang ở trong một công viên xanh mát dễ chịu. Một con đường sạch sẽ, rải sỏi trắng cắt ngang qua một bãi cỏ xanh rì tươi tốt, hai bên đường cơ man là những loài cây cảnh thẳng hàng ngay lối, dẫn tới một dinh thự lớn ở vị trí tuyệt đẹp, nơi mà những thoải bao quanh phủ đầy những bụi hồng muôn sắc thi nhau đua nở. Jom đang đợi tôi trước tòa nhà. Chị bận quần bò tím và áo sơ mi hồng nhạt mềm mại, một hình ảnh mới mẻ với tôi vì tôi quen nhìn chị mặc đồng phục. Ăn vận như thế này, trông chị giống một người con gái đã trưởng thành. “Ăn trưa chưa?” Jom hỏi ngay khi tôi bước xuống xe. “Kệ em.” Tôi đến bên chị. “Đừng lo chuyện đó.” “Nghe cậu ta xem!” Jom chống nạnh nhìn tôi ngờ vực. “Đừng có làm khó tôi với mấy câu trả lời nhạt như nước ốc ấy. Nào, đi ăn trưa thôi. Bố mẹ tôi đang đợi.” Không thèm nghe tôi nói, chị cứ đi, dẫn tôi vào nhà thẳng tiến tới phòng ăn. Bố mẹ chị đang đợi bên bàn. Tôi vẫn thường thấy ảnh bố của Jom trên báo nhưng bây giờ thấy ông bằng xương bằng thịt ngoài đời, tôi có cảm giác ông trẻ và gầy hơn trong ảnh. Mẹ Jom thì trông mỏng manh và tốt bụng. “Đây là Béo. Con đã kể với bố mẹ rồi đấy.” Jom giới thiệu tôi. “Cháu chào hai bác ạ.” Tôi lần lượt cúi chào từng người. “Cháu cứ tự nhiên nhé.” Bố Jom chào lại tôi và đẩy chiếc ghế bên cạnh ông về phía tôi. “Ngồi đây nào. Cùng ăn trưa với nhà bác.” “Jom hay kể về cháu lắm.” Mẹ Jom lên tiếng, giọng bà thật dịu dàng. “Trông cháu mập mạp hơn là bác tưởng.” “Béo ăn tốt lắm ạ.” Jom đặt thìa xuống và lại líu lo. “Vậy nên cậu ta mới béo quay thế này.” “Con nói thế làm sao cậu ấy còn ăn được nữa.” Mẹ Jom khẽ bật cười. “Không phải đâu ạ.” Jom nói. “Càng xấu hổ, Béo càng ăn nhiều. Để đỡ ngượng ấy ạ.” “Thôi nào.” Bố Jom xua tay. “Đàn ông mập mạp cũng tốt, nhưng nên tập tành một chút, nếu không khi về già sẽ xấu xí như bác đây.” “Bố mà xấu ấy hả?” Jom kêu lên. “Mẹ, mẹ có nghĩ là bố xấu không?” “Làm sao mẹ biết được? Lâu lắm rồi mẹ không có buồn nhìn bố con đâu,” mẹ Jom tủm tỉm đáp, ánh mắt họ gặp nhau. Tôi đọc thấy tình yêu và cả sự sùng kính trong mắt bà. “Muốn đọc sách không?” Jom chỉ tay vào cái giá sách đầy ắp sừng sững ở góc phòng khách. Tôi bước tới đó. “Nhiều truyện cổ tích thế.” Tôi rút ra một quyển. “Chị làm gì có em gái nhỉ?” “Của chị hết đấy!” Jom cười. “Chị thấy truyện cổ tích rất vui và ngây thơ kỳ lạ.” Tôi gật gù rồi đặt quyển sách lại chỗ cũ. “Cậu muốn xem ti vi hay nghe nhạc?” Jom ngồi bệt xuống thảm, nhìn tôi dò hỏi. “Không phải chị bảo em là muốn nghe ‘Chai thời gian’ sao?” tôi nhắc. “Ừ nhỉ.” Jom đứng dậy bước đến bên đài. “Lâu rồi chúng mình không cùng ra quán cóc, Béo nhỉ.” “Ồ, chị vẫn còn nhớ cơ đấy?” Tôi hờn dỗi. “Sao cậu lại nghĩ là chị có thể quên được nhỉ?” Jom đáp và ấn nút “Start”. Tôi lặng thinh đưa mắt qua ô kính cửa sổ nhìn ra những khóm hoa bên ngoài. “Một thời hai ta đã từng yêu Nhưng vì đâu vật đổi sao dời Giờ chỉ còn là những kẻ đơn côi Cố quên đi tên nhau mà thôi.” “Bài ‘Những giấc mơ này’,” Jom bảo tôi. Tôi gật đầu, nỗi cô độc dâng trong lòng. “Điều gì đã cách ngăn hai ta Anh và em còn quá trẻ để nhận ra Cảm giác ấy đôi khi còn nguyên trong lòng Thảng hoặc trong những đêm mơ mòng Anh vẫn hằng nghe tiếng em gọi tên Ư hư hư những giấc mơ này Giúp anh đi qua bao ngày nay Một thời hai ta đã từng yêu Nhưng tháng năm ấy đã xa xôi phương nào Một thời chúng ta cùng chung sống Giờ gặp nhau quên cả một câu chào.” “Buồn quá nhỉ?” Jom lẩm bẩm. “Chị không nghĩ là những người yêu nhau lại có thể đến kết cục ấy. Chị mà có người yêu, chị sẽ không bao giờ để chuyện ấy xảy ra.” “Nhiều người cũng nghĩ như thế.” Tôi nhìn chị. “Nhưng ai biết được chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai.” Tôi nghĩ về cuộc ẩu đả của bố mẹ tối hôm qua và niềm vui cùng tiếng cười thời thơ ấu khi tôi còn có cả bố và mẹ bên mình. “Nghe cậu kìa, cậu nói cứ như đã trải qua hết rồi vậy.” Jom chọc, mặt thoáng nét mỉa mai. “Thứ Ba, sau giờ học đàn, mình lại ra quán cóc nhé?” “Em không đi tập đàn nữa,” tôi đáp, giọng thoảng như hơi gió. “Hả?” chị kêu lên kinh ngạc. “Sao lại không?” “Chả biết.” Tôi cúi đầu tránh ánh mắt chị. “Do chán thôi.” “Có chuyện gì phải không?” Jom gặng hỏi. “Kể chị nghe đi?” “Chẳng có gì cả.” Tôi lắc đầu. Hình ảnh mẹ đập cây vĩ cầm vào tủ kính rồi quay lại quật phần còn lại của cây đàn vào mặt bố không sao biến khỏi tâm trí tôi. “Thôi được rồi.” Jom thở dài vặn nhỏ tiếng nhạc. “Thế thứ Hai đi vậy, nhé.” Tôi cố ép mình gật đầu và lại nhìn bâng quơ ra ngoài cửa sổ. Khi tôi về nhà tối hôm đó, Waeo vẫn chưa đi ngủ. “Cháu ăn tối chưa?” Cô bỏ cuốn sách đang đọc xuống, ra tủ lạnh lấy một chai nước đưa cho tôi. “Thức ăn ở trên bàn đấy cháu.” “Bố cháu đâu ạ?” tôi vừa hỏi vừa ngồi xuống rót nước. “Ông ấy ra ngoài rồi.” Waeo trở lại ngồi trên chiếc ghế dài ở góc phòng dưới ánh sáng của ngọn đèn bàn cũ. “Bạn của ông ấy tới chơi và hai người cùng ra ngoài từ chiều rồi.” Tôi gật đầu đứng dậy. “Cháu muốn đọc sách không?” Waeo hỏi, đoạn đưa tôi hai cuốn sách. Tôi nhận lấy xem lướt qua. Chúng đều là truyện dịch, một là của Chekov, cuốn kia, tôi nghĩ, của Mishima. “Thôi ạ.” Tôi trả lại cô hai cuốn sách. “Cháu buồn ngủ rồi.” “Vậy cháu đi nghỉ đi. Tắt giùm cô cái đèn nhé.” Tôi tắt đèn rồi bước về phòng mình, không nén lòng được bèn liếc nhìn Waeo. Cô ngồi khom lưng ở mép ghế, đầu cúi xuống, mắt chăm chú hướng vào cuốn sách đang cầm trên tay dưới chiếc đèn bàn mà ánh sáng yếu ớt bị vây bọc trong bóng tối và tĩnh mịch. Tôi uể oải đóng cửa khóa mình trong bóng tối của một căn phòng khác.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]