Đào Trạch Ba trả lời rất đơn giản, nhưng cũng đủ khiến lòng Du Vũ dậy sóng.
"Nhưng huấn luyện --" Du Vũ lắp bắp hỏi, "Anh thật sự... tận hưởng quá trình đó sao?" Lời mới ra khỏi miệng, Du Vũ liền cảm thấy vấn đề này quả thực vô cùng gay go, cũng may Diêm Chính không ở bên cạnh. Bằng không lão Diêm mà nghe thấy, sẽ là người đầu tiên kí đầu cậu.
Đào Trạch Ba chỉ cười, tiếp tục vùi đầu vào ăn: "Chỉ trả lời một vấn đề."
Du Vũ: "..."
Bữa cơm ngắn ngủi rơi vào im lặng.
Chẳng mấy chốc, khay thức ăn của Đào Trạch Ba đã trống trơn, anh ta uống nốt ngụm canh cuối cùng, thu dọn bát đũa đứng dậy: "Đi trước."
Lúc này Du Vũ mới bừng tỉnh, ngay cả đang nhai gì cũng không biết: "A, cảm ơn tiền bối."
Đào Trạch Ba xoa đầu cậu: "Cố lên."
Từ khi huấn luyện đến nay, cậu như một thứ động cơ chạy hết công suất, một mực lao về phía trước. Nhưng bây giờ đột nhiên dừng lại, cậu mới nhận ra rằng --
Bơi lội không còn giống như trong kí ức của cậu nữa.
Từ nhỏ đến lớn, phàm là có người hỏi cậu thích nhất điều gì, Du Vũ sẽ chẳng hề suy nghĩ mà thốt lên: "Bơi lội!"
Rốt cuộc là từ lúc nào, bơi không khiến cậu vui vẻ nữa?
Cậu bắt đầu quen dần với mùi HCLO, quen với việc khi mở mắt ra, gạch trần trắng như tuyết và vạch bơi chữ "T" màu đen chiếm lấy tầm nhìn của cậu. Cậu bị giam trong một đường bơi rộng 2, 3m, dài 50m, hết lần này đến lần khác hoàn thành mục tiêu huấn luyện do huấn luyện viên đề ra. Mỗi sải tay, hơi thở, nhịp tim của cậu đều trở thành một dữ liệu trên thiết bị đo lường. Sự tiến bộ làm cậu phấn khích, dậm chân tại chỗ khiến cậu nản lòng, và cả con số hiển thị trên đồng hồ bấm giờ đôi lúc cũng khiến cậu sung sướng.
Du Vũ thậm chí không thể nhớ được lần cuối mình bơi lội mà không có áp lực -- không phải suy nghĩ động tác của mình, không tính toán tần suất quạt nước, không quan tâm thành tích -- chỉ có vui vẻ và tự do, là chuyện từ khi nào.
Cậu hưởng thụ quá trình huấn luyện không?
Không. Dù chỉ là một chút. Suy cho cùng, huấn luyện giống như một loại đau đớn phải trải qua "để đạt được mục tiêu". Cho nên, một khi không đến đích, Du Vũ sẽ chỉ cảm thấy khổ sở gấp đôi.
Rõ ràng trước đây không phải như thế...
Có lẽ là vì đã lâu rồi cậu không đi biển chăng?
Nghĩ đến đây, Du Vũ lập tức chạy đi tìm Diêm Chính: "Huấn luyện viên, khi nào chúng ta mới bắt đầu huấn luyện nước mở?"
"Em lại phát điên gì vậy?" Diêm Chính chỉ ra ngoài cửa sổ, "Bây giờ mới cuối tháng hai, nhiệt độ không quá 10 độ, trời này mà bơi cự li dài thầy đảm bảo sau 12 tiếng em sẽ đi viện trong tình trạng hạ thân nhiệt."
Du Vũ: "..."
"Đội mũi nhọn còn phải sang phía nam tập huấn ngoài trời," Diêm Chính lắc đâu, "Ninh Cảng sớm nhất cũng phải đợi đến tháng tư, đợi đến tháng tư thời tiết tốt, thầy sẽ dẫn tụi nhóc mấy em đi biển."
Nhưng ý định đi biển sinh trưởng mạnh mẽ như cỏ dại.
Trước đây ở Hoa Khê, dù là mùa đông Du Vũ vẫn đi vọc biển. Đương nhiên ở Hoa Khê ấm hơn Ninh Cảng rất nhiều, nhưng nhiệt độ nước khi ấy cũng chỉ khoảng 13 14 độ, cậu mặc bộ đồ lặn dày 3mm của ba, dường như không cảm thấy lạnh. Đối với cậu mà nói, tắm biển vào mùa đông không phải là việc khó gì.
Sau tháng mười năm ngoái, cậu vẫn chưa trở lại biển. Ngay lúc này, cậu rất muốn đến đấy.
Một ước muốn tha thiết chưa từng có.
Chỉ là cậu không thể đi một mình. Ông nội từng nhắc đi nhắc lại vô số lần, không thể ỷ vào kỹ năng bơi tốt mà bỏ qua quy tắc của biển cả, chẳng hạn như, không bao giờ được đi bơi một mình.
Du Vũ hỏi thăm một vòng đội tuyển tỉnh -- thứ tư tuần sau, trời trong nắng ấm, nhiệt độ ngoài trời đến 6 độ, nhiệt độ của nước có thể lên đến 10 độ, có ai muốn đi bơi ở vịnh Lưỡi Liềm không?
Đào Trạch Ba chỉ mắt cá chân, tỏ ý vết thương vẫn chưa lành, không thể nhiễm lạnh.
Trình Triết Phàm vừa trở về từ khóa huấn luyện mùa đông, lời ít nghĩa nhiều phun ra hai chữ: "Đồ khùng."
Còn có người tỏ ra vô cùng lo lắng: "Vũ Vũ, đầu óc của em nhất định là do Diêm Chính huấn luyện hỏng rồi đúng không? Em không sao chứ?"
Lại có người đưa ra lí do rất thực tế: "Tôi không muốn đi. Hồi nhỏ mẹ tôi kể tôi nằng nặc đòi xuống nước vào mùa đông, cuối cùng cảm lạnh. Cuộc sống của vận động viên chúng ta đã rất vất vả rồi. Cậu không thể đối xử tốt hơn với bản thân sao?"
Du Vũ: "..."
Hỏi đi hỏi lại không có kết quả, Du Vũ chỉ có thể tội nghiệp vòng về tìm Tô Liệu.
Tô Liệu trả lời ba dấu chấm lặng thinh, sau đó gửi một loạt chấm hỏi.
Cá voi sát thủ: Vốn cũng không muốn làm phiền cậu đâu, nhưng trong đội tuyển không có ai muốn đi với tôi.
Nhà sưu tập bút ngốc: Người nào nhận lời cậu giữa thời tiết này mới kì đó?
Cá voi sát thủ: Đi một mình nguy hiểm lắm.
Nhà sưu tập bút ngốc: Cũng biết là nguy hiểm hả?
Cá voi sát thủ: [ cá voi sát thủ QAQ act cute. jpg]
Nhà sưu tập bút ngốc: Act cute cũng vô dụng.
Cá voi sát thủ: [ cá voi sát thủ anh anh làm nũng. jpg]
Nhà sưu tập bút ngốc: Làm nũng vô ích.
Nhà sưu tập bút ngốc: Đừng có chơi chiêu.
Nhà sưu tập bút ngốc: Xin hãy dùng lý do hợp lý mà thuyết phục tôi, cảm ơn.
Cá voi sát thủ:...
Cá voi sát thủ: Rất muốn đi.
Bên phía Tô Liệu im lặng rất lâu, lúc sau mới hỏi một câu: Từ thang điểm 1 đến 10, cậu muốn đến mức nào?
Du Vũ tiện tay trả lời "11", không ngờ Tô Liệu lại đồng ý ngay.
*
Cuối kì nghỉ đông, hai người chọn một ngày thời tiết tốt nhất, ngồi tàu điện ngầm đi thẳng đến công viên ven biển Ninh Cảng. Vịnh Lưỡi Liềm thường tổ chức các cuộc thi bơi ngoài trời nên luôn có sẵn thiết bị hỗ trợ. Hơn nữa câu lạc bộ bơi mùa đông Ninh Cảng cũng ở đây, ngày nào cũng có một nhóm chú bác đã về hưu "luyện công" dưới nước.
Tô Liệu đã thay xong đồ bơi, đến khi dò chân ra thử nhiệt đồ nước, lập tức mặt không đổi sắc rụt lại: "... Tôi đổi ý."
Du Vũ nhấc tay chỉ hướng cách đó không xa: "Cậu xem bọn họ kìa, chắc cũng phải 60 hết rồi."
Tô Liệu bình tĩnh khoác áo, thở dài: "Tôi mới 16 tuổi thôi."
Du Vũ: "..."
Tô Liệu đứng trên cầu gỗ ngang mặt biển, chỉ xuống nước: "Tôi đứng đây, cậu bơi đến cái phao báo hiệu màu đỏ rồi quay lại, yên tâm, nếu lỡ đuối nước -- "
Tô Liệu vốn định nói tôi nhảy xuống cứu cậu, chợt gió biển quét qua người, anh vô tình đá vào đống phao cam dưới giá đỡ: "Tôi quăng cái này cho cậu."
Du Vũ: "..."
Cậu xuống biển, nước quá lạnh, Du Vũ cần phải mau chóng làm nóng người trước, nhanh nhẹn bơi đến phao báo hiệu. Cậu bơi tới bơi lui ba vòng quanh phao, gạt nước trên mặt rồi hét vào bờ: "Xuống đi! Đã lắm, thật đấy, không nhảy về hối hận!"
Hai má Tô Liệu giật giật. Nước lạnh như vậy có bệnh mới kêu "đã". Anh cảm thấy mình mà nhảy xuống mới hối hận ấy.
Anh thấy đầu Du Vũ nhấp nhô theo sóng nước, nước nhỏ giọt từ ngọn tóc và trượt xuống lông mày. Du Vũ ngẩng đầu, khóe mắt giương lên rõ vui mừng. Hàng mi ướt át của cậu lộ rõ, ánh nắng len vào đôi mắt cậu, màu nâu nhạt long lanh như biển hồ trong vắt.
"Tôi đếm đến 3, cậu không xuống là tôi đi đấy nhé!" Du Vũ hô, "3!"
"2!"
Tô Liệu nín thở.
Anh chưa bao giờ nhìn thấy biểu cảm như vậy trên khuôn mặt của Du Vũ --
Lộ liễu, tùy tiện, phóng khoáng.
Cậu ấy thật sự rất vui vẻ.
Tô Liệu không biết mình nghĩ gì nữa.
Bằng cả lí trí, anh nhắc mình nhảy xuống là ngu ngốc.
Cuối cùng vẫn bị nụ cười kia hạ độc, cởi áo khoác.
Du Vũ hô tiếng cuối cùng: "1!"
"Rào" một tiếng.
Du Vũ cười lớn.
Tô Liệu không biết phải diễn tả cảm giác lúc xuống nước như thế nào, giống như bị điện giật, đáng lẽ phải cảm thấy lạnh, nhưng da thịt khắp người lại như thiêu như đốt, đầu óc trống rỗng.
"Cử động đi, đừng ngây người như thế," Du Vũ vẫy tay với anh, "Bơi đến đây sẽ hết lạnh!"
Ký ức cơ bắp được rèn dũa đã nhiều năm, Tô Liệu rất nhanh đã phản ứng lại, sau khi bơi được hai mươi mấy mét, tay chân cuối cùng cũng sinh ra luồng nhiệt yếu ớt, chống lại cái lạnh khắp cơ thể.
Du Vũ dẫn dắt chuyến tham quan, còn anh thì bơi theo phía sau.
Trời hôm nay nắng đẹp, nhưng gió không nhỏ, sóng ở Vịnh Lưỡi Liềm lớn hơn bình thường một chút -- từng gợn sóng màu lam cuộn vào từ đàng xa, là một loại sức mạnh ổn định, Du Vũ cảm thấy thân thể của mình bị đẩy cao, nước biển lạnh giá phả vào mặt. Cậu nhấc cánh tay lên, lao vào trong nước, bỏ lại con sóng phía sau... Cậu thích cảm giác xuyên qua những con sóng, linh hồn ngủ say trong lòng như sống lại.
Ngẩng mặt là bầu trời mênh mông, cúi đầu là biển hồ vô bờ, cậu đáp lên sóng nước, thỉnh thoảng lại có vài sinh vật biển lướt qua. Mặc cho nước lạnh cóng, mặc cho từng tấc da thịt của cậu kêu gào phản kháng, cậu vẫn hưng phấn như thế.
Cậu hiểu ra một điều -- cậu rất khác với những vận động viên trong tuyển tỉnh -- vô số tuyển thủ đã cống hiến hết mình cho cự li dài vì đủ loại lý do. Số ít như Trình Triết Phàm từng nói, họ không thể đạt được thành tích 1500m xuất sắc trong hồ bơi, nên đành ngậm ngùi chọn cự li dài, dùng quá trình luyện tập khó khăn chỉ để đổi lấy một vị trí ít người tham gia, thêm một cơ hội. Số khác lại giống Đào Trạch Ba, luôn mang theo danh dự quốc gia trên vai, mong mỏi lấp đầy chỗ trống huy chương quốc tế trong nội dung này.
Cậu không giống.
Cậu yêu thích cảm giác cắt từng con sóng trong làn nước biển!
Trước khi học bơi cự li dài, cậu học bơi ở biển. Khi còn nhỏ, cậu đuổi theo cá heo và học cách đánh chân mà không cần giáo viên.
Vì biển rộng là nhà của cậu.
Cậu ở trong vương quốc của mình, đánh đâu thắng đó không gì cản nổi.
*
Mùa đông bơi quá lâu dễ gây ra sốc và hạ thân nhiệt. Du Vũ có kinh nghiệm hơn, khoảng tầm mười mấy phút thì ngoắc Tô Liệu lên bờ. Hai người nhào vào tắm nước ấm, thay quần áo.
Du Vũ chưa đã thèm, dùng vai huých Tô Liệu: "Đã không?"
Tô Liệu thấp giọng mắng một câu thô tục.
Du Vũ không nhịn được bật cười, an ủi: "Lúc sau sẽ thoải mái thật đấy. Mỗi lần tôi đi bơi vào mùa đông xong, luôn cảm thấy rất khỏe khoắn, cảm giác cứ như tập kị khí vậy."
Tô Liệu nửa tin nửa ngờ nhìn cậu: "Thiệt hay giả."
"Xíu nữa cậu sẽ biết."
Nhưng sau khi từ dưới biển lên, Tô Liệu rất ít nói chuyện. Trong phút chốc, Du Vũ tự hỏi liệu đứa nhỏ này có phải bị lạnh choáng đầu rồi không. Hệ thống sưởi trên tàu điện ngầm rất tốt, Tô Liệu bọc mình trong một chiếc áo khoác bông, sắc mặt vẫn không tốt lên.
Du Vũ nhìn đôi môi hơi tím tái của anh, đưa tay sờ, không nhịn được nhíu mày: "Sao vẫn lạnh ngắt thế? Lên bờ cũng lâu rồi."
Tô Liệu tức giận đẩy tay cậu ra, nào ngờ Du Vũ không chịu buông, lồng bàn tay của anh vào tay mình: "Cậu nắm đi, tôi ấm lắm."
Không thể không thừa nhận, bạn học Du Vũ cưỡi sóng từ nhỏ rất có thiên phú dị bẩm, lên bờ cũng không cần mặc nhiều quần áo, một cái áo len giặt sạch sẽ và áo khoác ngoài đủ khiến cơ thể cậu ấm áp như máy sưởi nhỏ.
Tô Liệu cũng không biết tại sao, nhiệt độ từ lòng bàn tay Du Vũ không cách nào truyền lên người anh. Cái lạnh dường như từ trong xương tủy, chiếc áo bông dày cộm, máy sưởi trên tàu điện ngầm, kể cả nước nóng anh vừa uống...không gì có thể làm anh ấm lên. Cái "đã" trong lời Du Vũ anh vẫn chưa cảm nhận được, trái lại cơ bắp hơi ẩn ẩn đau, đầu choáng váng. Chuyện gì xảy ra thế? Anh sẽ không ngất xỉu trên tàu đấy chứ?
Tô Liêu ngẩng đầu nhìn danh sách trạm ga, đội mũ áo khoác lên, ngả người ra sau: "Còn tám trạm nữa, tôi ngủ một chút."
Tại sao anh lại theo người khác xuống nước?
Tô Liệu cảm thấy mình nhất định đã điên rồi.
Hồi nhỏ -- khi anh bắt đầu có ký ức, mỗi khi thời tiết ẩm ướt và lạnh giá, lồng ngực anh luôn cảm thấy tức tối và đau đớn -- sau này về nước, để tăng cường sức khỏe, ba anh mới sắp xếp để anh học bơi với Diêm Chính, đã rất lâu không phải trải qua loại này đau đớn âm ỉ này. Tô Liệu theo bản năng đè lên ngực, nghĩ thầm, do nước biển quá lạnh sao?
Không lâu sau, Du Vũ liền phát hiện lòng bàn tay Tô Liêu lạnh lẽo, nhưng đầu dựa trên bả vai cậu lại rất nóng, trong lòng "lộp độp". Anh đỡ Tô Liệu dậy, áp trán lên trán, chắc chắn Tô Liệu đang phát sốt.
Không phải sốt nhẹ, nhiệt độ cao đến mức không cần dùng đến nhiệt kế cũng biết.
Du Vũ hơi ngẩn người: "Không phải chứ, sao thân thể cậu yếu vậy?"
Tô Liệu nở nụ cười yếu ớt: "... Không nên tùy tiện nói thân thể đàn ông yếu đâu."
Du Vũ đưa người về nhà, chuyện đầu tiên là ép Tô Liệu đo nhiệt độ, vừa nhìn thấy 40°C, Du Vũ cuống đến mức suýt nữa làm vỡ nhiệt kế thủy ngân.
"Tôi -- đưa cậu đi bệnh viện nhé?" Du Vũ duỗi tay định lấy điện thoại của anh, "Báo với người nhà cậu đã, dì nhỏ cậu tên gì? Có cần đưa về nhà không? Có ai chăm sóc cậu không?"
Tô Liệu đè tay cậu: "Đừng gọi."
"Đừng gọi?" Du Vũ quơ nhiệt kế trước mắt Tô Liệu, "Đệt, cậu sốt đến 40 độ rồi, đây là trò đùa hay sao? Nóng đến váng đầu à!"
"Tôi uống thêm nước ấm." Tô Liệu không để ý tới cậu, mở ngăn kéo trong phòng khách lấy ra một lọ vitamin C, uống một viên, còn đưa cho Du Vũ một, "Ngủ một giấc là tốt rồi. Không có chuyện gì đâu, lớp thi đua của tôi ai cũng ho khù khụ, chắc là lây ở trong lớp. Bình thường miễn dịch tốt, nay nhiễm lạnh nên miễn dịch giảm xuống mới bị cảm."
Anh lại nhấn mạnh: "Đừng nói cho ai. Diêm Chính cũng không được."
Du Vũ: "..." Thật không hiểu nổi người này.
"Nằm xuống, cậu nghỉ ngơi một chút đi." Du Vũ đẩy Tô Liệu vào phòng ngủ, "Tôi nấu cho cậu bát canh gừng."
Đầu óc Tô Liệu dường như chậm đi nửa nhịp, anh mờ mịt nhìn đối phương: "Tôi không có gừng."
"Chờ."
Du Vũ nhặt chìa khóa và điện thoại, chạy như bay xuống lầu mua gừng.
Lúc trước ở Hoa Khê, mỗi lần cậu bơi đến đảo Vọng Tiên vào mùa đông, ông nội đều sẽ nấu một bát canh gừng đặc cho cậu. Vị cay nồng tiến vào cổ họng, toàn thân ấm lên, nhiều năm như vậy, cậu chưa bao giờ bị cảm lạnh hay ngã bệnh.
Tô Liệu ngoan ngoãn bò lên giường, sờ trán mình, thầm thở dài. Kỳ thật khi còn bé anh rất "ốm yếu nhiều bệnh", nhưng sau khi bắt đầu tập bơi từ năm sáu, bảy tuổi, sức khỏe của anh cũng dần tốt lên. Thành thật mà nói, anh cũng không nhớ lần trước mình bị sốt là lúc mấy tuổi.
Anh lo lắng chạm vào ngực mình, may thay nó không còn ngột ngạt như trước.
Tô Liệu vẫn không dám nói cho người nhà biết, một khi dì của anh biết chuyện này, nhất định sẽ đổ lỗi cho bơi lội, thậm chí có thể sẽ cáo trạng với ba anh, lúc ấy giải thích rất rách việc. Mấy năm nay sức khỏe của anh duy trì rất tốt, có lẽ sẽ hết mau, biết đâu ngày mai là đã hạ sốt rồi?
Tô Liệu nằm trên giường một lúc, mơ mơ màng màng như vừa chợp mắt đã bị ai đó đánh thức.
Tô Liệu mở mắt ra, trong phòng tràn ngập mùi gừng, Du Vũ ngồi ở trên giường, bưng một bát canh gừng nóng hổi. Du Vũ múc một muỗng, đặt ở bên môi thổi thổi, sau khi thấy đã nguội bớt, mới đưa tới bên môi Tô Liêu: "Nào, uống đi."
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]