Lúc Hà Phương quay trở vào thì mọi người đã bày sẵn rượu thịt, Đình Việt ngồi mâm trên với mấy người đàn ông, còn cô được một chị gái kéo xuống ngồi mâm phụ nữ bên dưới.
Mấy người phụ nữ tủm tỉm nhìn cô rồi xì xào nói với nhau gì đó, Hà Phương không biết tiếng dân tộc Phù Lá nên nghe không hiểu, lát sau, bà nội của đứa bé mới bảo:
“Bọn họ đang khen cháu xinh đẹp đấy”. Bà ấy gắp một miếng thịt trâu thơm phức vào bát cô: “Cháu là bác sĩ mới đến làm ở trạm xá à?”.
“Không phải ạ, cháu lên đây chơi nên đi theo anh Việt thôi”.
“Thế hả?”. Bà cụ cười rộ lên, lộ ra những chiếc răng được nhuộm đen bóng: “Đây là lần đầu tiên thấy cậu ấy đi khám bệnh có dắt theo phụ nữ, nếu không phải là bác sĩ ở trạm xá thì chắc chắn là người yêu rồi”.
Người phụ nữ bên cạnh cũng nói theo: “Đúng đấy, bác sĩ Việt năm nay hơn 30 rồi, lẽ ra phải lấy vợ đi chứ. Ở làng tôi con trai 18 tuổi đã có vợ con rồi đấy”. Dứt lời lại quay sang nhìn cô: “Cháu với bác sĩ Việt lúc nào thì cưới?”
Hà Phương không theo kịp suy nghĩ của bọn họ, cảm thấy hơi buồn cười: “Bọn cháu không có quan hệ gì cả”.
“Thế à? Tiếc thật, cháu xinh xắn như thế mà”.
Dường như bàn tán ‘bác sĩ Việt’ luôn là chủ đề hot ở đây, bọn họ chỉ an ủi qua loa rồi nhanh chóng quên béng Hà Phương, tất cả xôn xao nói về anh. Có một người bảo:
“Tôi làm mối bác sĩ Việt cho con gái tôi mãi mà bác sĩ Việt cứ chê nó nhỏ, còn dặn cần phải học hành rồi thi đại học. Con gái học nhiều làm gì chứ? 16 tuổi là lấy chồng sinh con được rồi. Nếu lấy được người như bác sĩ Việt thì tốt quá”
“Con gái nhà tôi lớn hơn nhưng bác sĩ Việt cũng từ chối đấy thôi”. Một bà cô đội chiếc khăn len, đeo vòng bạc lủng liểng trên cổ tặc lưỡi: “Năm ngoái cậu ấy đến khám, ông A Sử nhà tôi nói nếu cậu ấy lấy con Nhơ Đăng thì sẽ cho cậu ấy mấy con trâu, nửa quả đồi, rẫy ở bên kia cũng cho hết, thế mà cậu ấy chỉ bảo ‘cháu chưa có ý định lập gia đình’ rồi đi luôn”.
“Cậu ấy tốt lắm, năm ngoái đến chữa bệnh cho tôi còn trèo lên sửa lại mái nhà cho tôi nữa đấy”.
“Lần trước cậu ấy còn cho tôi thuốc miễn phí nữa, tôi bảo trả cho cậu ấy đôi gà mà cậu ấy nhất định không chịu”.
“Bác sĩ Việt đúng là người tốt”
Hà Phương không tham gia nói chuyện, cô đói bụng nên cả buổi chỉ vùi đầu ăn cơm. Những người ở đây thì cứ bàn tán mãi về anh, nói về những chuyện tốt mà Đình Việt đã làm, nhắc đến việc muốn bắt anh về làm rể, tự nhiên cô lại cảm giác ở chỗ này anh có giá thật đấy. Chẳng trách ban nãy ở bờ suối, cô hỏi anh ‘có muốn làm với tôi không?’, Đình Việt đến nghĩ cũng không cần đã thốt ra hai từ ‘Không muốn’.
Hà Phương ăn hết hai bát cơm mới cảm thấy cơ thể dồi dào sinh khí trở lại, cô hài lòng xoa xoa cái bụng no căng, lúc ngẩng lên thì vô tình bắt gặp một ánh mắt đang nhìn về phía mình.
Đình Việt mặt mày đỏ bừng vì uống rượu, mấy người bên cạnh thì vẫn liên tục nâng chén chúc tụng anh. Hà Phương thấy anh nhìn mình thì bỗng dưng lại nổi hứng muốn trả thù chuyện cũ, dùng khẩu hình nói: “Không uống được thì đừng uống, lát nữa lại nôn ra phí rượu, gà cũng chẳng thèm ăn rượu”.
Không rõ Đình Việt có dịch được lời cô hay không, nhưng một giây sau anh lập tức lạnh mặt quay đi, tiếp tục cạn chén với người bên cạnh. Hà Phương cũng chẳng thèm để ý đến anh nữa, đứng dậy đi ra bờ suối ngắm mây ngắm trời.
Một lát sau, cô trông thấy Đình Việt xách hộp đồ nghề và một xâu lá chuối đi ra, mặt anh vẫn đỏ bừng: “Về thôi”.
“Anh xách theo gì thế?”. Cô tò mò hỏi.
“Bánh”.
“Có phải bánh lần trước tôi ăn không? Hôm đó trời tối không nhìn rõ, nhưng thấy hình dạng cũng na ná giống”.
“Ừ. Cái này gọi là bánh cooc mò, bánh đặc sản của người Phù Lá”. Chẳng rõ anh có say không, nhưng giọng nói vẫn rất trầm ổn dõng dạc. Ngữ điệu của Đình Việt rất có tiết tấu, không chậm không nhanh, là giọng Bắc rất dễ nghe.
Hà Phương phủi quần đứng dậy: “Bác sĩ Việt, anh đang tham ô tài sản của nhân dân đấy à? Lần nào đi chữa bệnh cũng lấy đồ của nhà người ta mang về. Lần trước là một cái, lần này là cả xâu”.
“Đúng đấy, tôi tham ô tài sản của nhân dân, cô quản được à?”.
“Quản, quản chứ”. Hà Phương đi về phía anh, nửa đùa nửa thật đáp: “Tôi sẽ viết vào sách, bác sĩ Việt của trạm xá bản A Tứ tham ô 6 chiếc bánh cooc mò của nhân dân Phù Lá, hơn nữa khám bệnh xong còn ở lại tham gia tiệc rượu, sa đọa quên chức trách nhiệm vụ”.
Đình Việt nheo mắt nhìn bộ dạng phùng mang trợn mắt dọa người này của cô, tự nhiên lại có cảm giác người phụ nữ ngông nghênh lỗ mãng này hình như còn đáng tin hơn mấy cô phóng viên viết báo láo kia nhiều.
Phóng viên lên đây không ai dám trèo đèo lội suối vào tận trong thôn, miệng luôn niềm nở nói khi trở về sẽ viết một bài báo như hoa như gấm về điểm trường vùng cao, kết quả là bị một đòn không thể ngờ được. Còn Hà Phương, cô dám đi rừng đêm đến những chỗ này, không những giúp anh đỡ đẻ, còn vui vẻ ăn uống trò chuyện cùng mấy người phụ nữ dân tộc. Có lẽ cô không xấu bụng như những gì nói ngoài miệng, cho nên nói viết sách xấu về anh, cũng chẳng có mấy phần trăm đáng tin.
“Cô sai rồi, tôi chỉ tham ô có 5 cái bánh cooc mò thôi”. Anh khoanh tay, hờ hững đáp: “Một cái do cô tham ô”.
Hà Phương bật cười: “Ai lại viết xấu về mình bao giờ, tôi phải đổ hết cho anh chứ. Nếu không thì tôi chỉ viết anh tham ô 4 cái thôi”.
Đình Việt nhanh chóng quay người đi, anh khẽ cong môi, nở một nụ cười nhàn nhạt mà cô không phát hiện: “Còn không mau đi về, tôi bỏ rơi cô đấy”.
“Cứng miệng”.
Hai người men theo con đường nhỏ quay lại trung tâm bản A Tứ, lần này không gấp gáp nên tốc độ đi rất bình thường, Hà Phương lẽo đẽo bước theo Đình Việt, tranh thủ ngắm phong cảnh xung quanh.
Đi hết gần nửa quả đồi, bọn họ không hề nói chuyện, mãi đến khi xuống đến chân dốc, một cơn gió mát từ phía tây thổi đến, Hà Phương mới cất tiếng: “Thầy hiệu trưởng nói anh hay vào thôn nên biết đường nào dễ đi nhất, bảo tôi muốn vào thôn tìm tư liệu viết sách thì bảo anh đưa đi”.
“Cô được đi rồi đấy”. Anh đáp.
“Không tệ, bắt đầu có cảm hứng rồi”.
Trong rừng dù có đường mòn nhưng cây cối vẫn um tùm quanh lối đi, Đình Việt đi trước, cơ thể anh cao lớn, dễ dàng dẹp mấy nhánh gai nhỏ ven đường. Hà Phương tưởng anh không đáp nữa, nhưng vài phút sau bỗng dưng lại nghe anh nói:
“Trước kia từng đi rừng Châu Phi?”.
“Ừ. Viết sách về động vật hoang dã”.
“Thường chỉ nhiếp ảnh gia mới ở vài ngày trong rừng để chờ bắt được khoảnh khắc quý giá”. Anh nói một câu lời ít ý nhiều.
Hà Phương hơi buồn cười: “Đúng là như thế, nhưng tôi xem ảnh chụp động vật thì không có cảm hứng viết, phải đích thân trải nghiệm, đến tận nơi nhìn cách chúng sinh hoạt, cách chúng săn mồi, cả việc giao p.hố.i và sinh con nữa”.
“Ừ”. Đình Việt không muốn tiếp tục chủ đề này nên chủ động dừng lại. Nhưng Hà Phương lại tiếp tục: “Cách giao ph.ố.i của động vật và người khá giống nhau, nhưng có một số loài động vật dũng mãnh và bạo lực hơn rất nhiều”.
Anh cười mỉa: “Thú vui và cảm hứng của cô kỳ lạ thật”.
“Đó là lòng kính nghiệp”. Hà Phương nhấn mạnh, ngữ điệu của cô vô cùng nghiêm túc, không nghe ra hàm ý trêu chọc: “Lúc xem động vật g.ia.o ph.ối, tôi chỉ nghĩ đến phải viết thế nào cho sống động. Cũng như anh, việc đỡ đẻ vốn là một chuyện rất nhạy cảm đối với đàn ông, nhưng lúc anh đỡ đẻ cho người phụ nữ đó, trong mắt anh chỉ có cảm xúc nghề nghiệp”.
Khi nghe câu này, Đình Việt hơi chấn động quay đầu lại nhìn cô, dưới ánh nắng ban trưa, gương mặt lấm tấm mồ hôi của Hà Phương như phát sáng, làn da mềm mại của cô hơi ửng đỏ, đôi mắt trong veo nhìn thẳng về phía anh, trong đó chỉ tồn tại vẻ nghiêm túc và chuyên chú chưa từng có.
Vài giây sau, anh lặng lẽ quay đi, không đáp mà chỉ thẳng lưng tiến về phía trước. Lúc đến bờ suối, Đình Việt mới nói: “Trèo lên”.
Hà Phương không nghĩ anh sẽ thế này nên hơi cau mày: “Anh không làm với tôi mà cõng tôi làm gì?”
Đình Việt hít sâu một hơi: “Tôi làm với cô hay không liên quan gì đến việc cõng cô?”
“Đều là tiếp xúc thân thể. Với lại đầu óc tôi không trong sáng, tôi trèo lên lưng anh sẽ tưởng tượng ra đang cưỡi anh”.
Có người nào đó lặng lẽ nghiến răng, thầm chửi tục một tiếng trong lòng. Anh nín nhịn thở hắt ra: “Nghe đây”. Giọng của anh đặc biệt lạnh lùng, rất có tính uy hiếp: “Chân cô bị thương, lội qua suối sẽ làm ướt gạc, dễ nhiễm trùng. Thuốc điều trị nhiễm trùng vừa dùng cho A Pá hết, trung tâm y tế huyện chưa cấp lô mới. Nếu cô có vấn đề gì ở chỗ này sẽ ảnh hưởng đến bọn tôi, hơn nữa thầy hiệu trưởng rất kỳ vọng sách của cô sẽ khiến người ta chú ý đến chỗ này. Cho nên trước tiên phiền cô vứt ngay mấy ý nghĩ bẩn thỉu trong đầu đi, lúc qua suối cứ nghĩ mình đã c.hế.t rồi là được”.
Hà Phương thấy anh giận đến mức như vậy thì không nhịn được bật cười, cô không trêu anh nữa, chỉ khẽ “Ừm” một tiếng, sau đó nhón chân nhảy lên lưng anh. Đình Việt không ga lăng đến mức giữ mông cô, một tay anh cầm xâu bánh cooc mò và hộp dụng cụ, tay kia nhàn rỗi buông thõng phía trước, trên lưng cõng theo Hà Phương bắt đầu lội suối.
Cô không có điểm tựa nên chỉ có thể ôm khư khư cổ anh, hai chân quặp chặt lấy hông của Đình Việt. Lúc này, hai thân thể kề sát mới có thể cảm nhận rõ ràng nhất từng múi cơ căng chặt của anh, tấm lưng Đình Việt rất rộng lớn, da thịt cứng rắn nhưng lại đàn hồi một cách kỳ lạ, hơn nữa, trên người anh có mùi dầu gội bồ kết thoang thoảng, rất sạch sẽ trong lành. Hà Phương ban đầu muốn tranh thủ sờ soạng trêu chọc anh một chút, nhưng ngửi mùi bồ kết kia xong lại không muốn nữa. Cô chỉ ngoảnh đầu nhìn làn nước mênh mông ở dưới chân, khẽ hỏi:
“Học sinh ở thôn kia hay đi học qua chỗ này à?”.
“Ừ”. Anh đáp: “Một lớp có 32 đứa, hơn 20 đứa phải lội suối đi học”.
“Mùa mưa nước to hơn thì thế nào?”.
“Ôm một cái can nhựa bơi qua”.
Hà Phương chợt nhớ lại, có lần cô xem thời sự có thấy một bài phóng sự quay một con suối trong mùa nước lũ, bọn trẻ muốn đi học thì phải đu dây qua, vô cùng nguy hiểm. Cứ nghĩ ở đó gian khổ nhất rồi, thế mà chỗ này ngay cả cái dây thừng mắc qua suối còn chẳng có, mấy đứa nhóc học tiểu học chỉ có thể ôm can nhựa bơi qua.
Thật khó có thể tưởng tượng nổi!
“Không thể làm cầu sao?”. Hà Phương buột miệng hỏi, nói xong mới nhớ ra phải sửa lại: “Cầu dựng bằng gỗ ấy, không an toàn lắm, nhưng dễ đi hơn lội nước nhiều”.
Đình Việt không đáp nữa, im lặng suốt từ đó đến hết quãng đường về!
Lúc về đến nơi, Nhã Lam cùng cô giáo Lương đang đứng trong sân, mọi người nhìn thấy bọn họ trở về thì nở nụ cười vui vẻ. Nhất là Nhã Lam, cô ta vội vã chạy về phía Đình Việt, đỡ xâu bánh và hộp dụng cụ trên tay anh: “Anh về rồi à? Có mệt không?”.
Đình Việt không đáp, chỉ bảo: “Em chia bánh cho mọi người đi”.
“Vâng, em biết rồi”. Lúc này, đi đường xa đổ mồ hôi nên sắc mặt anh đã không còn đỏ nửa, nhưng hình như Nhã Lam vẫn ngửi thấy mùi rượu: “Anh uống rượu đấy à?”.
“Bên đó mổ th.ịt trâu đãi khách, có uống mấy ly”.
“Anh vào trong nghỉ đi, để em nấu ít nước gừng cho anh uống giải rượu”.
“Không cần đâu, anh vào ngủ một giấc là tỉnh thôi. Đêm qua không được ngủ”
“Vâng”.
Hà Phương cũng buồn ngủ, cô nói chuyện với cô giáo Lương mấy câu rồi chui vào phòng, đánh một giấc đến tận giờ ăn tối mới tỉnh dậy. Lúc ra bên ngoài chỉ thấy cô giáo Lương và A Văn đang bày biện đồ ăn ở chiếc bàn ngoài sân, Nhã Lam thì loay hoay nấu cháo trong bếp, những người còn lại thì không thấy đâu.
“Chào buổi tối mọi người”. Hà Phương ngậm điếu thuốc, nghĩ ngợi xong lại cất vào bao.
A Văn tươi tỉnh đáp: “Chào chị Phương”.
“Nhanh nhanh ra ăn cơm thôi, chị đang định bảo A Văn vào gọi em đấy”. Cô giáo Lương nói.
“Còn thiếu thầy hiệu trưởng, Lam với bác sĩ Việt nữa mà”.
“Thầy hiệu trưởng ra bản Tam thăm họ hàng rồi, Việt thì ngủ chưa dậy, nhưng thôi không cần chờ đâu, Lam đang nấu cháo cho cậu ấy rồi. Mấy chị em mình cứ ăn trước đi, lát nữa ai đói thì ra ăn sau”. Cô giáo Lương đưa đũa cho cô: “Hôm qua đi cả đêm chắc mệt rồi đúng không? Ăn đi không đói”.
“Vâng”. Ăn một lúc, ngó vào trong bếp vẫn thấy Nhã Lam đang loay hoay bên bếp lửa, nghe nói cô ta nấu cháo hành lá tía tô để Đình Việt ăn giải rượu.
Hà Phương thầm tặc lưỡi một tiếng, đúng là một người phụ nữ dịu dàng chu đáo.
A Văn và cô giáo Lương hỏi chuyện ngày hôm qua một lúc, lại tấm tắc khen Hà Phương đi đường rừng giỏi, con suối ấy lần đầu đi, cô giáo Lương còn sợ đến nỗi không dám bước qua, đừng nói là đi vào ban đêm.
Hà Phương tủm tỉm cười, cô không nhắc đến chuyện ngón chân bị thương và được Đình Việt cõng vễ, chỉ bảo: “Em nhắm mắt lội bừa, may mà vẫn qua được đấy”.
“Con suối đó nhiều đá to lắm, còn sắc nữa, bọn nhỏ lội qua toàn bị toác chân. Mấy năm trước Việt có làm một cây cầu gỗ, nhưng mà…”. Cô giáo Lương nói đến đây dường như nhớ ra điều gì, ngần ngừ một lúc lại lảng sang chủ đề khác: “Mà thôi, em ăn đi, dạo này trông còn gầy hơn trước rồi đấy, chắc ăn uống ở đây kham khổ quá nên sút cân hả?”
“Đâu có, em vẫn thế mà”.
“Ngày kia có chợ phiên đấy, đợi ra chợ mua ít thịt về cải thiện bữa ăn”.
Hà Phương chờ mãi, cuối cùng cũng đến được ngày này, cô ngẩng lên hỏi: “Chợ phiên ở cách đây xa không hả chị?”
“Ở ngay ngoài bản Tam”.
A Văn đang nhồm nhoàm nhai thức ăn cũng nói với theo: “Bình thường em hoặc anh Việt sẽ đi xe máy ra đó mua đồ mang về, chị Phương thích thì đi cùng cho vui”.
“Đồng ý”. Cô cười tươi rói: “Chị Lương có đi không?”
“Hôm ấy chị có tiết, không đi được. Với cả ở đây chỉ có một cái xe máy thôi, em chưa được đi chợ phiên bao giờ thì đi thử một lần cho biết. Ở ngoài đó có nhiều đồ cũng hay ho lắm”.
“Vâng ạ”.
Lúc mọi người ăn cơm gần xong, Hà Phương mới thấy Nhã Lam đi ra, A Văn và cô giáo Lương gọi cô ta mau ra ăn cơm, Nhã Lam chỉ cười bảo mọi người cứ ăn đi, sau đó bưng tô cháo đi thẳng đến cửa phòng của Đình Việt.
Ngồi ở xa nên Hà Phương không nghe rõ cô ta nói gì, chỉ thấy lát sau cửa phòng mở ra, Nhã Lam đi vào rồi nhẹ nhàng đóng cửa, rất lâu sau đó cũng không trở ra.
Hà Phương ngồi ở chiếc ghế dài ngoài sân hút thuốc, ở trên cao mây đen từ từ che ánh trăng, chẳng mấy chốc lại có vài hạt mưa lộp bộp rơi xuống tán lá. Cô nhìn cả dãy nhà ký túc xá đã tắt điện tối om, chỉ có một tia sáng hắt ra từ kẽ cánh cửa cũ kỹ của phòng Đình Việt, cuối cùng khi nước mưa làm ướt tắt điếu thuốc, cô mới buồn bực dụi xuống chân rồi đứng dậy, nhếch môi cười mỉa một tiếng.
Bác sĩ Việt, đêm nay chăn ấm đệm êm rồi!
Ngày hôm sau, Hà Phương ngồi lì nguyên ngày trong phòng viết sách, đến bữa mới ra ăn qua loa nửa bát cơm, sau đó lại quay về vùi đầu vào máy tính.
Khi làm việc, cô gạt bỏ hết mọi chuyện xung quanh, mọi trọng tâm đều đặt hết lên từng câu chữ gõ ra, chuyên chú đến nỗi ngay cả thuốc cũng quên hút. Làm việc đến tận khi gà gáy mới phát hiện ra buổi sáng tiếp theo phải dậy ra chợ phiên, cuối cùng đành đặt lưng xuống chợp mắt một lúc.
6h sáng, có tiếng gõ cửa ở bên ngoài. Hà Phương xoay người một vòng, lại ôm chăn ngủ tiếp. Người kia chờ vài phút, lại tiếp tục gõ: “Nếu không dậy thì lát nữa tự cô đi bộ ra chợ phiên”.
Nghe đến chợ phiên, cô mới lồm cồm bật dậy: “Ai đó”.
“Cho cô 5 phút chuẩn bị”.
Hà Phương tốn hai phút để vò đầu bứt tóc, 3 phút phi ra giếng đánh răng rửa mặt, cũng chẳng buồn ăn mặc đẹp hay trang điểm, chỉ khoác một chiếc áo dài tay rồi đi ra.
Đình Việt ngồi ở chiếc ghế dài ngoài sân, bên cạnh anh có một chiếc xe máy. Hà Phương nhìn nhìn vài giây rồi cau mày: “Tại sao không quấn xích?”.
“Làm gì?”. Anh đứng dậy, ném chiếc mũ bảo hiểm về phía cô.
“Thầy hiệu trưởng nói đi xe máy ở đây phải quấn xích”.
Trong lòng Đình Việt cảm thấy hơi buồn cười: “Mấy hôm nay không mưa, đường không trơn thì không cần phải quấn xích. Cô nhanh lên đi, 8h đã kết thúc chợ phiên rồi”.
“Đến đây”.
Xe Win rất cao, Đình Việt chân dài nên chỉ bước một chân qua đã có thể ngồi lên, Hà Phương cũng cao nhưng không thể bằng anh, loay hoay một lúc mới ngồi lên được.
Cô còn chưa yên vị thì xe đã chạy đi, đường xá xóc nảy, Hà Phương sợ bị rơi xuống nên nắm chặt tay vào ghi đông phía sau, đến lúc đi quá tầm nhìn của lũ trẻ trong trường, cô không ngần ngừ, liền vươn cả hai tay ôm chặt lấy eo của Đình Việt.
Anh lạnh mặt: “Đừng có ôm chặt như thế”.
Hà Phương cười cười: “Ai bảo anh phóng nhanh, tôi sợ rơi xuống nên ôm chặt”.
“Ban nãy thì không sợ à?”. Ý anh nói lúc mới bắt đầu đi ra từ trường.
Hà Phương rõ ràng không muốn bọn trẻ trông thấy cảnh này nên mới chờ đến khi đi khuất hẳn mới ôm anh, nhưng vẫn cứng miệng nói: “Ban nãy đường chưa xóc nhiều, chưa sợ”.
Đình Việt khẽ cong môi, trong lòng thầm mắng cô: Cứng miệng.
Bên cạnh ký túc xá có một con đường mòn nhỏ, Đình Việt lái xe đưa cô đi hướng này. Đường rừng vừa dốc vừa xóc nảy, lại nhiều cây cối vươn ra chĩa vào người, Hà Phương nép sau lưng anh, không bị cây va vào nên vẫn có thời gian thảnh thơi nhìn xung quanh: “Hình như đây không phải đường hôm trước tôi đi vào”.
“Đây là đường mòn dẫn ra bản Tam, xa hơn khoảng 2 kilomet nên dễ đi hơn”.
“Sao hôm trước tôi hỏi đường vào thì anh không nói đường này?”. Cô nghĩ đến việc mình lang thang đi men theo dọc con suối, chân đã dính dầy bùn đất còn bị dẫm phải lá mục, ngã sấp mặt mấy lượt, thầm nghiến răng véo anh một cái.
Đình Việt bị véo đau nhưng không kêu, chỉ bảo: “Ai bảo cô không hỏi đường dễ đi nhất”.
“Anh với cô người tình của anh giỏi lắm”.
“Gì?”
“Cô giáo Lam”. Cô nói móc: “Tối qua tôi thấy cô ấy ở phòng anh cả đêm”.
Đình Việt định nói hôm qua anh ngủ say, Nhã Lam vào phòng và ở bao lâu anh cũng không biết, chỉ thấy khi mở mắt ra thì Nhã Lam đã ngồi đọc sách trong đó, nói là muốn xem sách thuốc nam, không muốn đánh thức anh.
Nhưng lời vừa đến môi anh đã nuốt lại, anh nghĩ mình không có nghĩa vụ phải giải thích cho Hà Phương, hơn nữa cứ để cô hiểu lầm, về sau đừng trêu chọc anh nữa. Cho nên Đình Việt chỉ nói: “Liên quan gì đến cô?”.
“Tại sao anh làm với cô giáo Lam mà không làm với tôi?”. Cô bĩu môi: “Tôi đẹp hơn cô ấy”.
Đình Việt xì một tiếng: “Tự ảo tưởng”.
Hà Phương cười cười, không nói nữa, tay cô vẫn ôm chặt anh, lúc này mới cảm nhận dưới đầu ngón tay là những múi cơ bụng rắn chắc: “Sao A Văn không đi chợ phiên mà anh lại đi?”
“Hôm nay cậu ấy lên nhà A Pá cõng nó đi học”.
A Pá là thằng bé bị dẫm phải gai cách đây mấy hôm, mấy người ở trạm xá không những chữa trị cho nó, còn cõng nó về, bây giờ còn sợ A Pá đau chân nghỉ học nên lại đến cõng nó đi.
Hà Phương cảm thấy trong lòng có một loại cảm giác bình yên không thể nói rõ được ở nơi này, trái tim cũng mềm xuống, cô vùi mặt vào lưng anh, giọng nói nhỏ đến mức bị gió bên đường át mất: “Tôi sẽ viết chi tiết này vào sách”.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]