Chương trước
Chương sau
Dân chúng Phong Lăng độ bị ngăn cản để cho thương đội Thiếu Sư phủ qua sông trước. Tướng sĩ biên quan phấn dũng huyết chiến, Trương Doãn Linh lại lén bán vũ khí cho đối phương. Nông dân cày ruộng cực khổ, lại bị hào môn bóc lột tận xương tủy. Nhiều năm sau dân chạy nạn Quan Trung nổi lên bốn phía, một người vung cánh tay hô lên, hàng ngàn hàng vạn người thi nhau hưởng ứng. Thát Lỗ hoành hành xâm lược biên quan, thương đội lại vận chuyển vật tư vũ khí ra vùng Tái Ngoại… Từng cảnh tượng này lướt qua trước mắt Tần Lâm, khiến cho hắn mím chặt môi, vẻ mặt trở nên vô cùng kiên nghị.

Hay lắm, vậy mới là phu quân của Trương Tử Huyên ta! Đôi mắt xinh đẹp của thiên kim tướng phủ lấp lánh sáng ngời, có chồng như vậy còn cầu gì?!

----------- 

- Tần Lâm hạ thiếp mời lão phu ư?

Vương Sùng Cổ nhướng đôi mày trắng như tuyết, nhìn thiếp mời trong tay, trong đôi mắt già nua bất chợt tinh quang bắn ra bốn phía, khóe miệng khẽ nhếch tỏ vẻ khinh thường.

Trương Doãn Linh chết oan chết uổng, Trương Tứ Giáo, Trương Tứ Đoan lại tự vận bỏ mình, Phượng Bàn tướng công Trương Tứ Duy ngày xưa nghe nói cũng đã vô cùng suy sụp. Những người này toàn là thân thích của Vương Sùng Cổ, không lẽ lão không có chút thành kiến nào với Tần Lâm…

Nhưng cũng không tới nỗi thù hận, Vương Sùng Cổ sớm biết Trương Doãn Linh hành sự có hơi quá mức, không chút kiêng kỵ, quá phô trương kiêu ngạo. Trương gia phạm quốc pháp phải chịu tội, không ai ngăn được, chỉ có thể nói là bọn họ tự chuốc diệt vong, không trách Tần Lâm.

Nhưng Tần Lâm chỉ gởi một tấm thiệp cũng muốn đòi Vương Sùng Cổ tới phủ hắn nghị sự, như vậy không khỏi có hơi kiêu ngạo. Vương Sùng Cổ là ai, con trai Sơn Tây Vương Dao, năm Gia Tĩnh hai mươi đỗ Tiến Sĩ, từng đảm nhiệm Hữu Đô Ngự Sử, Tổng Đốc Thiểm Duyên Ninh Cam, quân vụ Tuyên Phủ Đại Đồng, Binh bộ Thượng Thư, chân chính nguyên lão trọng thần, cũng có thể sánh ngang hàng với những danh tướng như Trương Cư Chính, Cao Củng. Hiện tại Tần Lâm chỉ gởi một tấm thiếp bắt lão chạy tới, chẳng phải là nực cười sao?!

Có bảy tám tên con cháu Vương gia đứng ở khách sảnh, tỏ ra căm phẫn nhao nhao nói:

- Họ Tần thật là tự cao tự đại, hạ thiếp gọi lão thái gia chúng ta đến phủ hắn nghị sự, buồn cười, buồn cười tới cực điểm. Hắn cho rằng mình là Trương Giang Lăng hay là Cao Các Lão?

- Tên Tần Lâm này cuồng vọng kiêu ngạo, cho là phá được Thiếu Sư phủ nên không coi Vương gia chúng ta ra gì, phải cho hắn một bài học mới được!

Vương Sùng Cổ chỉ cười mà không ngăn lại, lão cũng cảm thấy Tần Lâm có hơi quá đáng. Một hào môn quan thương như Vương gia này, cho dù là quan địa phương cai quản từ châu phủ đến Tuần Phủ Đô Ngự Sử, tới đây nhậm chức cũng phải chủ động tới phủ bái kiến. Hiện tại Tần Lâm chỉ gởi một tấm thiếp bắt lão Vương ta chạy tới, hừ hừ, chẳng lẽ họ Vương ta muốn mời là mời muốn đuổi là đuổi sao?! Hay Tần Lâm cho là mình phá được Thiếu Sư phủ, lão phu cũng phải sợ hắn vài phần?! 

Thành thật mà nói, Vương Sùng Cổ có thể nắm được tình hình, phái biểu ca cữu tử nào đó tới phủ Tần Lâm lấy lòng, nhưng chính lão tuyệt đối sẽ không khinh cử vọng động. Thân phận địa vị của lão thần ba triều, Đốc Soái chín trọng trấn rành rành ra đó, cho dù là thiên tử thỉnh thoảng cũng phải phái người tới vấn an, hà huống là Tần Lâm…

Trên mặt treo nụ cười nhàn nhạt, Vương Sùng Cổ ung dung không vội vã mở thư ra, đọc kỹ từng câu từng chữ.

Lúc này đám con cháu Vương gia vẫn đang bàn tán xôn xao trong khách sảnh, nhưng tiếng ồn ào huyên náo dần dần nhỏ xuống, cuối cùng tất cả mọi người đều trợn mắt há mồm nhìn lão thái gia đang ngồi trên Thái Sư ỷ: hai tay Vương Sùng Cổ cầm thư chợt run lên, hàm râu bạc cũng run run, thần sắc biến hóa liên hồi. E rằng dáng vẻ năm xưa lúc lão nghe thấy tin Bả Hán Na Cát quy phục, xúc tiến thành công phong cống Yêm Đáp Hãn, cũng không kích động tới mức này.

- Mau, chuẩn bị kiệu!

Vương Sùng Cổ vỗ mạnh vào tay vịn Thái Sư ỷ bằng gỗ hoa lê.

Đám con cháu ngơ ngác nhìn nhau, rốt cục là một đứa cháu trai được Vương Sùng Cổ thương nhất mở miệng hỏi: 

- Gia gia muốn đi đâu vậy?

- Phủ Tần Lâm! 

Vương Sùng Cổ đã hết sức không nhịn được.

Cháu trai sợ hết hồn, chần chờ nói:

- Nhưng quản gia nói, mời tối mai kia mà!

Cái gì? Vương Sùng Cổ mở thư ra xem kỹ một chút, quả nhiên ước hẹn tối mai, mặt già đỏ lên vuốt vuốt ngực:

- Gia gia già rồi, mắt cũng đã mờ yếu, mọi chuyện sau này cũng phải dựa vào các con chống đỡ… Bất quá, nhất định chuyện này gia gia phải tự mình quyết định!

Đám con cháu cười thầm, đâu phải là hoa mắt. Lão gia lăn lộn ngoài biên trấn từ trước tới nay đến bây giờ còn tinh thần quắc thước, mắt không mờ tai không điếc, nhất định mới vừa rồi là kích động vô cùng, cho nên chưa xem hết phong thư. 

Ủa, rốt cục họ Tần kia nói cái gì, lại có thể làm cho lão gia tử càng già càng trầm ổn kích động tới mức như vậy? Trong lòng đám con cháu Vương gia vô cùng nghi hoặc, thế nhưng nhìn dáng vẻ lão gia tử như vậy, nhất định sẽ không kể ra cho mình…

----------- 

Chiều hôm sau, dường như trong phủ Tần Lâm không có động tĩnh gì lớn, nhìn qua hết thảy như thường. Ngạch Triều Ni Mã ôm cái bụng to tướng dẫn dắt sư huynh đệ tuần tra bên ngoài, chúng huynh đệ quan giáo đứng ở nội viện phòng thủ thủ vệ, cũng không có gì khác thường.

Chỉ bất quá đến thời gian ước định, đại khái mặt trời vừa ngã về Tây, thình lình xuất hiện một đám kỵ sĩ tiền hô hậu ủng một cỗ kiệu từ cầu phao Bồ Tân Độ Hoàng Hà phía Tây thành tiến tới. Trên mông ngựa có đóng một chữ Mã, chính là tiêu ký của Đồng Châu Mã gia.

Cỗ kiệu được nhiều kỵ sĩ tiền hô hậu ủng như vậy, cũng đặc biệt hoa lệ phú quý. Chỉ cần là thương nhân am hiểu đôi chút cũng cơ hồ có thể đoán được, người ngồi trong kiệu chính là gia chủ đời này của Đồng Châu Mã gia, Mã Tự Lệ.

Nhà vị Mã Tự Lệ này giàu nứt đố đổ vách nổi tiếng Quan Trung, thương đội Bắc lên Tái Ngoại, Nam xuôi duyên hải. Của cải chất đống như núi trong nhà, ruộng tốt nhiều không đếm xuể, nghe nói cỡi khoái mã ba ngày ba đêm vẫn chưa chạy ra khỏi phạm vi ruộng đất nhà lão. Còn có vị ca ca Mã Tự Cường vô cùng ưu tú, từng đảm nhiệm nội các Đại Học Sĩ, mặc dù đã chết nhưng môn sinh cố lại vẫn trải rộng triều Đại Minh, thế lực ngầm lớn tới mức nào có thể tưởng tượng được.

Vì sao lão lại tới Bồ Châu, chẳng lẽ là thăm viếng Dương gia hoặc là Vương gia sao? Không ít quan thương sĩ tử tiến lên hành lễ, nịnh nọt lấy lòng.

Mã Tự Lệ tựa hồ có chuyện gì, cũng không xuống kiệu, vẫn ngồi yên đối đáp với mọi người bên ngoài. Chuyện này càng khiến cho người ta không hiểu vì sao, phải biết bình thời Mã viên ngoại rất bình dị dễ gần.

Cỗ kiệu không dừng ở Dương gia hoặc là Vương gia như mọi người suy đoán, ngược lại dừng ở cửa phủ trạch Tần Lâm ở phía Tây.

Đúng rồi, một tên sĩ tử cảm thấy mình biết được nguồn cơn bèn đoán:

- Các nhà hào môn Quan Trung Tam Tấn như chim liền cánh, bởi vì Tần trưởng quan phá Thiếu Sư phủ Trương gia cho nên Mã viên ngoại đặc biệt tới đây, hoặc là cầu tình cho Trương gia, hoặc là uy hiếp Tần trưởng quan.

Cỗ kiệu dừng lại, kiệu phu phía sau nghiêng kiệu chúi mũi ra phía trước, mấy tên người làm áo xanh nón nhỏ vô cùng cẩn thận vén màn kiệu lên, Mã Tự Lệ từ trong đi ra.

Vị lão gia này hơn năm mươi tuổi, dáng dấp không mập không gầy rất có phong độ. Bồ Châu và Đồng Châu rất gần nhau, không ít người đã thấy qua dáng vẻ bình thời của lão, cũng rất lễ phép nho nhã.

Nhưng hôm nay lại khác, sắc mặt Mã Tự Lệ không giấu được vẻ lo lắng, vừa xuống kiệu đã đi vào bên trong, mới vừa đi tới dưới thềm lại giơ tay chỉnh đốn y phục, sau đó quản gia mới xướng tên thông báo.

Mọi người bên ngoài thấy vậy mở rộng tầm mắt, từ trước tới nay không thấy dáng vẻ Mã lão gia như vậy, chẳng lẽ là Tần trưởng quan đại phá Thiếu Sư phủ, liên đới những hào môn Quan Trung này sợ đến vỡ mật rồi sao?! Còn có tên Tú Tài nghèo lẩm bẩm, nói nếu là Tần trưởng quan và Trương Đô Đường có thể khuất phục đám hào môn này, sẽ tiếp tục đẩy mạnh triều chính mới của Trương Cư Chính cải cách ruộng đất thu thuế chia đều, dân chúng Quan Trung Tam Tấn sẽ có hy vọng hơn…

Nhưng cũng có người lập tức phản bác, thế lực những vị Các Lão này thâm căn cố đế, Tần Lâm đối phó một nhà Thiếu Sư phủ đã vỡ đầu sứt trán hao hết tâm lực, còn có thể đối phó những nhà khác sao?!

Lời còn chưa dứt, lại một cỗ kiệu từ Vương gia Bắc thành chạy tới đây. Đám phu khiêng kiệu toàn là người làm đắc lực nhất bên cạnh lão thái gia Vương gia, mọi người lập tức thè lưỡi thật dài: nhất định bên trong cỗ kiệu này chính là Đốc Soái chín trọng trấn Vương Sùng Cổ từng nhậm chức Tổng Đốc Tuyên Đại, Hữu Đô Ngự Sử, Binh bộ Thượng Thư, lão thần ba triều!

Quả nhiên sau khi màn kiệu được vén lên, gương mặt sáng sủa đoan chính của Vương Sùng Cổ xuất hiện. Mặc dù lão không tới nỗi phải cẩn thận sửa sang áo mão lại như Mã Tự Lệ, nhưng cũng gọi quản gia xưng tên báo họ, sau đó đi vào.

Chủ nhân mời khách là Tần Lâm, chớ nói là xuống thềm nghênh đón, vào giờ phút này cũng chưa hề lộ mặt.

Người Bồ Châu còn đang kinh ngạc, con trai Binh bộ Thượng Thư Thái Tử Thái Sư Dương Bác Dương Tuấn Dân, gia chủ Trầm Hâm cự phú Trầm gia chân trước chân sau chạy tới Tần gia, hơn nữa dáng vẻ lo được lo mất cũng chẳng khác nào Mã Tự Lệ trước đó.

Cũng may có đại thần Vương Sùng Cổ này đứng mũi chịu sào, mọi người tới đây cũng không cảm thấy sợ hãi. Sau khi bốn vị đại lão vào phủ Tần Lâm, cánh đại môn đầy đinh đồng chậm rãi đóng lại, đám người vây xem náo nhiệt bên ngoài đồng loạt thè lưỡi: rốt cục Tần trưởng quan có bản lãnh gì có thể mới được đám đại lão khó động này tới phủ hắn như vậy?!

-----------

- Đả thông Tây Vực, mở lại con đường tơ lụa!

Trong khách sảnh, Tần Lâm giơ tay chỉ lên bản đồ khổng lồ trên tường, nói một câu vô cùng dõng dạc.

Mặc dù đã sớm biết được đại khái nội dung từ thiếp mời, nhưng Vương Sùng Cổ, Mã Tự Lệ, Dương Tuấn Dân, Trầm Hâm vẫn cảm thấy những lời này có hiệu quả chấn điếc tai, thanh âm vang vọng trong khách sảnh, màng nhĩ kêu lùng bùng.

Con đường tơ lụa là khởi thủy cho chính trị, kinh tế Trung Quốc cổ đại, là con đường mua bán bắt đầu từ trung tâm văn hóa cố đô Trường An (Tây An ngày nay) nối liền Á Châu, Phi Châu và Âu Châu cổ đại. Nó vượt qua sơn mạch Lũng Sơn, xuyên qua hành lang Hà Tây, vượt qua Ngọc Môn quan và Dương Quan đến Tân Cương, dọc theo Lục Châu và Mạt Mễ Nhĩ cao nguyên xuyên qua Trung Á, Tây Á và Bắc Phi, cuối cùng đến Phi Châu và Âu Châu.

Vào thời Hán Đường, con đường tơ lụa là một đại lộ trải đầy vàng ròng trên đó, làm tăng thêm sắc thái huy hoàng cho nền văn minh Hán Đường. Trường An thành có Hồ Cơ bán rượu, mà Hoàng đế La Mã cũng lấy làm tự hào khi mặc trường bào bằng tơ lụa Trung Quốc.

Đối với dọc đường, đặc biệt là thương nhân một dãy Quan Trung Sơn Tây, con đường này đồng nghĩa với của cải vô tận.

Nhưng từ thời Tống tới nay, trung tâm kinh tế Trung Quốc từ Quan Trung, Hà Lạc từ từ dời về hướng duyên hải Đông Nam. Đồng thời bởi vì Tây Hạ, Liêu, Kim dần dần quật khởi, khiến cho triều đình không thể giữ vững thông suốt con đường này, từ từ mai một đi, bị con đường thương mại trên biển từ Tuyền Châu Quảng Châu qua Nam Dương đến vịnh Ba Tư và dọc theo bờ Hồng Hải thay thế.

Vào triều Nguyên, con đường tơ lụa đã từng có giai đoạn phục hưng ngắn ngủi, bởi vì Mông Cổ đế quốc xưng hùng trên bộ, lúc cường thịnh nhất thống trị cả khối đại lục Á Âu ngoại trừ Tây Âu ra. Mà lực lượng hải quân của Mông Cổ đế quốc cũng chỉ bình thường, kém xa triều Tống huy hoàng, cho nên trung tâm buôn bán Đông Tây lại chuyển từ đại dương trở về, tối thiểu cũng có một phần chuyển trở về lục địa.

Đến triều Nguyên, bởi vì tranh chấp Hãn vị, tứ đại Hãn quốc dần dần không còn phục tùng Hoàng đế triều Nguyên, con đường tơ lụa lại lâm vào hỗn loạn mà suy sụp. Sau khi triều Minh thành lập lục tục thất thủ tại các nơi như Cáp Mật Vệ, lực lượng co rút lại trở về bên trong Gia Dục quan. Con đường tơ lụa lại càng không thông, buôn bán toàn là nhờ vào đường biển, đặc biệt là Trịnh Hòa hạ Tây Dương thành lập được hệ thống triều cống Nam Dương hoàn chỉnh, lực lượng xa nhất đạt tới bờ Hồng Hải.

Nhưng vật đổi sao dời, hiện tại Nam Dương đã trở thành thiên hạ của người Tây Dương, tạm thời triều đình không có lực lượng đối phó bọn họ, ít nhất ngoài biển xa là không được. Như vậy vì sao không lợi dụng con đường tơ lụa trên biển trở lại, dù là gánh vác chỉ một phần nhỏ việc buôn bán cũng còn đỡ hơn eo Malacca lọt vào tay người Tây Dương, toàn bộ thương mại viễn dương bị bọn họ chế ngự.

Huống chi lúc này Tần Lâm ném ra kế hoạch, trong đầu còn hàm chứa một thâm ý khác...

Bốn vị đại lão nhìn nhau, vẫn là Vương Sùng Cổ bối phận cao nhất mở miệng trước: 

- Ý tốt của Tần tướng quân, tất nhiên bọn ta cầu còn không được, chỉ không biết Tần tướng quân có thủ đoạn gì có thể mở lại con đường tơ lụa?

Vương Sùng Cổ lời vừa ra khỏi miệng, Mã Tự Lệ, Dương Tuấn Dân, Trầm Hâm đều nhìn chằm chằm Tần Lâm, tựa hồ muốn xem trên mặt hắn có nở hoa hay không.

Thương nhân Tam Tấn đầu tiên là đại thương nhân, tiếp theo mới là đại quan liêu, đại địa chủ.

Từ trung kỳ triều Minh trở đi thương mậu từ từ hưng thịnh, dùng cách nói hay dùng ở đời sau chính là ‘Xuất hiện manh nha chủ nghĩa tư bản’. Chủ điền vì thu hoạch thật nhiều lợi ích nên ra sức bóc lột vơ vét, nhưng có thể thu được mấy đồng trên thân thể nông dân chân lấm tay bùn, kém xa thương nghiệp mỗi ngày thu vào hàng đấu vàng. Phần lớn thu nhập của hào môn Tam Tấn có được là nhờ thương nghiệp, thuế đất bất quá chỉ là số lẻ.

Về phần làm quan, quang diệu môn đình, che chở gia tộc, ngoài ra ích lợi lớn nhất chính là bảo vệ che chở, khai thác cục diện cho hoạt động thương nghiệp của bọn họ. Tỷ như thương nhân Tam Tấn hy vọng mở biên giới buôn bán qua lại với các bộ tộc Mông Cổ, Vương Sùng Cổ bèn hết sức ủng hộ Trương Cư Chính thúc đẩy Yêm Đáp Hãn phong cống.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.