🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Sau mười lăm phút ngồi trong phòng thẩm vấn vắng vẻ chẳng có thứ gì ngoài một chiếc bàn và cái ghế, tôi nghe tiếng cửa mở ở phòng kế bên, sau đó là tiếng đóng lại. Rồi đến tiếng kéo ghế và giọng của bố, như mọi khi, lớn hơn tất cả. Tôi đến gần tường áp tai vào.
"Ông đi với ai?".
"Gracie".
"Ông có chắc vậy không, ông Conway?".
"Chắc chắn! Đó là con gái tôi mà. Ông hỏi cô ấy đi!".
"Hộ chiếu của cô ta ghi tên là Joyce. Cô ta nói dối chúng tôi à, ông Conway?
Hay ông nói dối?".
"Tôi không nói dối. Ô, tôi muốn nói là Joyce".
"Ông thay đổi lời khai?".
"Lời khai gì? Tôi nói tên sai vậy thôi. Vợ tôi là Gracie, tôi hay bị lẫn lộn".
"Vợ ông đâu?".
"Bà ta không còn ở với chúng tôi nữa. Bà ta trong túi của tôi. Ý tôi nói là hình của bà ta trong túi của tôi. Ít nhất là ở trong túi của tôi cho đến khi anh chàng đằng kia bỏ nó trong cái khay. Tôi có thể lấy lại đồ bấm móng tay không?
Tôi mua nó mất ít tiền ...".
"Ông Conway, ông đã được thông báo về những vật nhọn và chất dễ cháy không được phép mang lên máy bay".
"Tôi biết như vậy, nhưng con gái tôi, Gracie, ý tôi là Joyce phát điên với tôi hôm qua khi nó tìm được bao thuốc lá giấu trong hộp đường thẻ và tôi không muốn lấy hộp quẹt ra khỏi túi vì sợ nó cáu lên lần nữa. Tôi xin lỗi vì điều đó.
Tôi chẳng bao giờ có ý định cho nổ máy bay hay bất cứ thứ gì khác".
"Ông Conway, vui lòng kiềm chế lời nói của mình. Tại sao ông từ chối cởi giày?".
"Vớ tôi bị rách một lỗ!".
Im lặng.
"Tôi đã bảy mươi tuổi. Tại sao anh lại muốn tôi cởi giày? Anh nghĩ rằng tôi sẽ cho nổ tung máy bay bằng đôi giày cao su à? Hay anh lo lắng về đế giày. Có thể anh đúng, anh không thể nào đoán được sự thiệt hại gây ra từ đế giày tốt ...".
"Ông Conway, vui lòng không sử dụng từ ngữ như vậy và tự kiềm chế bản thân nếu không ông sẽ không được phép lên máy bay. Tại sao ông không chịu tháo dây nịt?".
"Quần tôi sẽ tụt xuống! Tôi không giống như những đứa trẻ thời nay. Tôi không mang dây nịt theo kiểu thời trang. Tôi mang nó vì nó giữ được cái quần.
Ông có thể bắt giữ tôi nếu tôi nói sai, tin tôi đi".
"Chúng tôi không bắt ông, ông Conway. Chúng tôi chỉ cần hỏi ông vài câu.
Những hành vi giống như ông bị cấm ở sân bay này, vì thế chúng tôi cần chắc chắn rằng liệu ông có phải là mối đe dọa cho sự an toàn của hành khách chúng tôi không thôi".
"Ý anh là sao, đe dọa?".
Nhân viên an ninh tằng hắng. "Nó có nghĩa là liệu ông có phải thành viên của băng nhóm nào hay tổ chức khủng bố nào không ... Chúng tôi cần tìm ra điều ấy trước khi quyết định có cho ông đi máy bay hay không".
Tôi nghe bố lầm bầm và có tiếng cười.
"Ông phải hiểu rằng máy bay có không gian rất hạn chế và chúng tôi không thể cho bất kỳ ai lên máy bay mà không bảo đảm an toàn. Chúng tôi có quyền cho phép và không cho phép hành khách lên máy bay".
"Tổ chức khủng bố? Tôi chẳng dính dáng gì. Câu lạc bộ thứ Hai là tổ chức duy nhất tôi là thành viên. Chúng tôi gặp nhau mỗi thứ Hai trừ ngày hội ngân hàng thì chúng tôi gặp vào thứ Ba. Đàn ông và phụ nữ giống như tôi tụ tập uống vài lít bia và ca hát với nhau. Tất cả chỉ là vậy. Nếu anh muốn tìm dung dịch gì đó thì gia đình Donal là nơi thích hợp, họ có thời gian dài tham gia quân đội cộng hòa Ai- len".
Tôi nghe nhân viên thẩm vấn ông tằng hắng giọng.
"Donal?".
"Donal McCarthy. Ô, hãy để ông ấy yên, ông ấy đã chín mươi bảy tuổi rồi, bố ông ấy cũng tham gia chiến đấu. Việc nổi loạn duy nhất mà ông có thể làm là dùng cây gậy gõ vào bàn cờ. Đó là điều duy nhất vì ông không còn đủ kiên nhẫn để chơi. Ông bị viêm khớp cả hai tay. Chỉ còn cái miệng là hoạt động. Liên tục quấy rầy Peter nhưng họ đã cắt đứt mối quan hệ kể từ khi ông thưa kiện con gái, làm đổ vỡ tình cảm của cô ta. Cô ấy bảy mươi hai. Anh có nghe chuyện nào buồn cười hơn thế chưa? Cô ta đòi bồi thường, nhưng chắc chắn không được gì đâu. Tôi không trách ông ta về những điều đó, mặc dù tuần nào ông cũng thích chiếm ưu thế trong cuộc nói chuyện. Tôi không chịu nổi việc ông ta chẳng bao giờ nghe tôi để sửa đổi".
Bố cười và thở dài. "Tôi có thể có một tách trà không?".
"Chúng ta không nói chuyện lâu đâu, ông Conway. Ông đi London để làm gì?".
"Tôi đi bởi vì con gái tôi kéo tôi đến đây một cách bất ngờ. Nó gác điện thoại xuống hồi sáng hôm qua và nhìn tôi với gương mặt trắng bệch. Nó bảo con phải đến Lonđon. Cái gì nó cũng đòi phải làm ngay tức khắc. À, có thể đó là điều mà các bạn trẻ như các anh hay làm, còn tôi thì không phải như vậy. Tôi không bao giờ quen với những việc như vậy. Anh biết đó, trước đây tôi chưa bao giờ đi máy bay vì thế con gái tôi nói là có nhiều điều thú vị nếu chúng tôi đi cùng nhau. Và như thường lệ tôi không đồng ý tôi có nhiều việc phải làm trong vườn nhà tôi. Phải chăm sóc mấy cây hoa lili, tulip, thủy tiên, lan dạ hương để kịp nở vào mùa xuân, nhưng nó nói hãy hưởng thụ một chút. Tôi thấy ngạc nhiên bởi vì tôi hưởng thụ nhiều hơn nó ấy chứ. Nhưng bởi vì có những việc phiền phức gần đây nên tôi quyết định đi với nó!".
"Phiền phức gần đây là gì, ông Conway?".
"A, Gracie của tôi ...".
"Joyce".
"Vâng, cám ơn. Joyce của tôi, con bé đang trải qua giai đoạn khó khăn. Nó bị hư thai cách đây mấy tuần. Sau nhiều năm cố gắng có thai với cái tay chơi tennis chuyên mặc quần soóc trắng. Mọi việc có vẻ suôn sẻ nhưng cuối cùng nó bị tai nạn, té, và đã bị hư thai, mất đứa con nhỏ, và mất luôn chút gì đó về bản thân mình. Nói thật với anh, nó cũng vừa mất chồng hồi tuần rồi, ly hôn đấy.
Anh có thấy nó tội nghiệp không. Nó mất một vài thứ, nhưng anh nên nhớ, nó có vài thứ nho nhỏ mà nó chưa từng có trước đây. Tôi không thể nói chính xác đó là thứ gì, nhưng tôi không nghĩ đó là những điều xấu. Chắc chắn nếu nhìn tổng quan thì mọi thứ đều không tốt cho con gái tôi, bố nào mà có thể để con gái đi một mình trong tình trạng như thế? Nó không có công việc, không có con, không có chồng, không có mẹ, và sắp tới là không có nhà, nếu nó muốn đi London để nghỉ ngơi, dù đó là quyết định bất ngờ, mà không ai đi cùng thì quả là địa ngục thật sự".
"Đây, hãy lấy cái mũ chết tiệt này của tôi. Con gái tôi muốn đi London và anh nên để nó đi. Nó là cô gái tốt, chưa bao giờ làm việc gì sai trong đời. Hiện tại, theo chỗ tôi biết, nó chẳng còn gì ngoại trừ tôi và chuyến đi này. Đây này, lấy đi. Nếu tôi phải đi mà không có mũ, giày, dây nịt và áo khoác thì cũng được thôi, nhưng Joyce sẽ đi London với tôi".
"Ông Conway, ông có biết là ông sẽ được lấy lại trang phục sau khi đi qua máy dò kim loại?".
"Cái gì?". Bố la lên. "Tại sao chẳng ai nói cho tôi biết trước điều này? Thật chẳng ra làm sao. Thật tình, con gái tôi đôi khi cũng muốn phiền phức xảy ra.
Vâng, anh bạn, anh có thể lấy mấy thứ này của tôi. Chúng tôi sẽ được bay chứ".
Những giọt nước mắt chảy ra nhanh chóng khô đi.
Cuối cùng thì cánh cửa phòng tôi cũng mở và, với cái gật đầu, tôi đã được tự do.
"Doris, em không thể di chuyển bếp lò. Al, nói với cô ấy đi!".
"Tại sao không?".
"Em yêu, trước hết là vì nó nặng, sau cùng vì nó liên quan tới gas. Em không có đủ điều kiện để dịch chuyển đồ nhà bếp", Al giải thích và đưa cái bánh rán lên miệng chuẩn bị cắn.
Doris giật phăng ngay miếng bánh ra khỏi tay anh chồng. Điều duy nhất Al còn có thể làm là nuối tiếc liếm mấy giọt mứt dính ở ngón tay.
"Hai em có vẻ như không hiểu bếp mà để ngay cửa thì theo phong thủy là rất xấu. Người làm bếp theo bản năng tự nhiên có thể liếc nhìn phía sau cánh cửa, phập phồng trong cảm giác lo lắng, điều này có thể dẫn đến tai nạn".
"Nhưng di chuyển nguyên dàn bếp đi chỗ khác sẽ làm cho anh an toàn hơn".
"Em phải cho anh nghỉ một chút", Justin thở dài, ngồi xuống cái ghế và bàn ăn mới. "Chỗ này chỉ cần ít đồ đạc và ít sơn chứ không cần sắp xếp lại toàn bộ".
Doris gắt gỏng:
"Donald Trump cũng tin phong thủy, anh biết không?".
"Ồ, tốt thôi!", Al và Justin đồng thanh.
"Vâng, tốt thôi. Có thể nếu anh làm theo ông ấy, anh sẽ thăng tiến tốt hơn!".
Cô ngắt lời Al. "Không phải bởi vì anh bán vỏ xe, mà anh phải chạy vỏ xe đó".
Miệng của Bea trề xuống và Justin cố nhịn cười. "Đi nào con, ra khỏi đây trước khi có chiến tranh".
"Hai bố con anh đi đâu đấy? Em đi theo được không?", Al hỏi.
"Anh đến nha sĩ còn Bea đến chỗ tập cho buổi trình diễn tối nay".
"Chúc cháu may mắn", Al vò tóc cô cháu gái. "Tất cả mọi người sẽ ủng hộ cháu".
"Cám ơn chú!", cô bé hít hơi sâu và sửa lại mái tóc của mình. "Ồ, con còn nhớ một điều nữa về người phụ nữ điện thoại Joyce?".
Cái gì? Cái gì? Cái gì?
"Cô ta sao?".
"Cô ấy biết tóc con màu hoe vàng ánh bạch kim".
"Làm thế nào mà cô ta biết được?", Doris ngạc nhiên hỏi.
"Cô ấy nói cô ấy chỉ đoán thế thôi. Nhưng không chỉ vậy. Trước khi gác máy, cô nói chúc cháu may mắn trong buổi trình diễn ba lê".
"Vậy thì sao? Chú cũng chúc cháu may mắn mà!", Al nhún vai.
Bea phớt lờ, tiếp tục giải thích với bố. "Sau đó, con nghĩ kỹ về cuộc nói chuyện. Rõ ràng là con nhớ con chẳng nói bất kỳ cái gì liên quan đến ba lê".
Justin lập tức nhìn qua Al. "Em nghĩ sao?".
Anh đứng lên đi thẳng vào bếp mà trống ngực đánh thình thịch.
"Cái này để làm gì, Gracie?".
"Túi nôn đó bố".
"Cái kia để làm gì?".
"Để treo áo khoác bố lên".
"Tại sao lại có cái gì ở đây lạ thế này?".
"Đó là cái bàn ăn".
"Làm sao cho nó nằm xuống?".
"Bố đẩy cái chốt ở trên đầu ấy".
"Xin ông vui lòng xếp bàn lại cho tới sau khi máy bay cất cánh".
Im lặng.
"Họ đang làm gì phía bên ngoài?".
"Họ chất hành lý lên máy bay".
"Cái đó là cái gì?".
"Cái ghế đó có thể bật ra cho những người hỏi ba triệu câu hỏi".
"Thật vậy sao? A, nó ngửa ra này!".
"Xin ông vui lòng dựng ghế thẳng đứng cho đến sau khi máy bay cất cánh".
Im lặng.
"Cái đó để làm gì?".
"Máy điều hòa".
"Còn cái này?".
"Đèn bố ạ".
"Cái đó?".
"Vâng, tôi có thể giúp gì cho ông?".
"Ơ, không, cám ơn!".
"Ông vừa nhấn nút gọi giúp đỡ đấy thưa ông!".
"Ô, hình người phụ nữ nhỏ trên cái nút là để gọi giúp đỡ sao? Tôi không biết. Có thể cho tôi ly nước?".
"Chúng tôi không thể phục vụ nước uống khi máy bay chưa cất cánh, thưa ông".
"Vâng, hồi nãy cô trình diễn hay quá. Cô giống như một người bạn Edna của tôi khi cô mang mặt nạ thở oxy. Cô ấy từng hút sáu mươi điếu thuốc mỗi ngày".
Cô tiếp viên hàng không há hốc miệng.
"Bây giờ tôi cảm thấy rất an toàn, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta rơi xuống đất".
Ông lên giọng và hành khách xung quanh quay qua nhìn chúng tôi. "Chắc chắn áo cứu sinh thì chẳng giúp ích được gì nếu chúng ta không huýt sáo trong khi rơi xuống, hi vọng có ai đó sẽ nghe thấy và cứu chúng ta. Chúng ta không có dù phải không?".
"Không cần phải lo lắng thưa ông. Chúng ta sẽ không rớt xuống đất đâu!".
"Vâng, cô nói vậy tôi yên tâm rồi. Nhưng nếu rớt, hãy nói với anh phi công nhắm đến đống rơm hay cái gì mềm mềm nhé".
Tôi hít một hơi dài và giả vờ không biết bố. Tôi tiếp tục đọc cuốn sách Kỹ Nguyên Vàng của Hội Họa Hà Lan:
Vermeer, Metsu và Terborch, tự nhủ với lòng mình những điều bố làm cũng đâu có gì quá tệ.
"Nhà vệ sinh ở đâu?".
"Ở phía trên bên trái nhưng ông không thể đi cho đến sau khi máy bay cất cánh".
Mắt bố mở to:
"Vậy khi nào máy bay mới cất cánh?".
"Chỉ vài phút nữa thưa ông".
"Chỉ vài phút nữa". Ông lấy túi nôn ra từ lưng ghế phía trước ra. "Cái này sẽ không được sử dụng đúng chức năng của nó".
"Tôi bảo đảm với ông là chúng ta sẽ cất cánh chỉ trong vài phút nữa". Cô tiếp viên vội vàng bước đi trước khi bố kịp hỏi những câu khác.
Tôi thở dài.
"Con sẽ không thở dài cho đến sau khi máy bay cất cánh chứ", bố nói, và người đàn ông ngồi kế bên tôi phì cười, rồi giả vờ chuyển sang ho.
Bố nhìn ra ngoài cửa sổ, cho tôi được hưởng một tích tắc im lặng.
"Ố ố ô", ông bắt đầu hát, "Chúng ta bắt đầu di chuyển rồi, Gracie".
Ngay khi rời mặt đất, những bánh xe máy bay lập tức xếp vào. Một khoảng không. Bố im lặng. Ông quay về phía cửa sổ, đầu tì sát vào cửa nhìn những đám mây lơ thơ đầu tiên mà chúng tôi chạm tới. Chiếc máy bay hơi rung rung khi bay ngang qua mây. Bố sốt ruột khi chúng tôi bị bao bọc bởi toàn màu trắng xung quanh. Bố nhướn cổ nhìn tất cả các cửa sổ, và thình lình, trời chuyển sang trong xanh, êm đềm. Bố cầu chúa. Ông lại áp sát mặt vào cửa sổ, nơi được mặt trời chiếu rọi vào, và tôi đã chộp ngay hình ảnh đó vào trong ký ức của mình.
Đèn báo thắt dây an toàn tắt đi với một tiếng "bing" nhỏ xíu. Tổ lái thông báo chúng tôi có thể sử dụng các thiết bị điện tử. Thực phẩm sẽ được phục vụ trong giây lát. Bố hạ cái bàn xuống và đưa tay vào túi lấy tấm hình của mẹ ra.
Ông để mẹ trên bàn, nhìn ra ngoài cửa sổ. Ông ngồi dựa vào ghế và cả hai. Nhìn những dải mây dài bất tận đang biến mất phía sau chúng tôi. Từ đó, ông chẳng nói thêm một lời nào trong suốt chuyến bay.
"Ồ, tôi phải nói đây đúng là một điều kỳ diệu. Thật kỳ diệu!".
Bố nắm bàn tay người phi công lắc lên lắc xuống một cách nhiệt tình. Chúng tôi đứng ngay sau cánh cửa máy bay vừa mở, phía sau là hàng dài hàng trăm hành khách đang nổi cáu. Họ giống như những chú chó săn thỏ, mồm đã mở sẵn. Con thỏ phía trước đang kích thích họ, đang cản đường họ. Đó là bố. Ông luôn như cục đá giữa dòng.
"Và thức ăn", bố tiếp tục với tổ lái, "Quá ngon, quá ngon!".
Ông đã ăn một miếng giăm bông và uống một tách trà.
"Tôi không thể tưởng tượng là tôi có thể ăn ở trên trời", ông cười. "Tuyệt vời. Kỳ diệu. Chúa ơi!". Ông bắt tay người phi công lần nữa, như thể là ông đang gặp một vĩ nhân.
"Được rồi, bố ơi, chúng ta phải đi thôi. Bố đang cản đường mọi người ở phía sau đấy!".
"Ồ vâng. Cám ơn mọi người một lần nữa nhé. Tạm biệt. Hẹn gặp lại ở chuyến bay về!", ông nhoài người về phía sau, hét lên với tổ lái khi tôi kéo ông đi.
Chúng tôi đi trong đường ống nối máy bay với nhà ga và bố vẫy tay chào tất cả mọi người đi ngang qua.
"Bố không phải chào tất cả mọi người đâu!".
"Thật vui khi được làm người quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là được vui. Đặc biệt khi ở một đất nước khác, cư xử dễ thương một chút có gì đâu con!".
Tôi mỉm cười. Bố - người đã mười năm nay chưa ra khỏi tỉnh Leinster nói như vậy.
"Nhưng bố đừng nói lớn như thế!".
"Bố không thể. Bố nghe lỗ tai ngồ ngộ!".
"Chứng ù tai thôi bố. Bố làm động tác ngáp đi, hoặc bóp mũi thổi. Động tác đó sẽ giúp tai bố trở lại bình thường".
Ông đứng gần dây chuyền hành lý, mặt tím tái, với hai má phùng ra, hai ngón tay bóp mũi. Ông hít thật sâu vào và thổi mạnh ra. Tai trở lại bình thường.
Dây chuyền hành lý bắt đầu chuyển động. Có người thình lình che trước mặt, che tầm nhìn chúng tôi, như thể cuộc sống của họ phụ thuộc từng giây vào việc lấy mấy cái túi đó.
"Túi của bố kìa". Tôi bước tới.
"Bố sẽ lấy".
"Không, để con. Nó sẽ làm bố đau lưng".
"Lùi lại đi con. Bố lấy được". Ông đi qua vạch vàng và nắm lấy túi xách. Rồi nhận thấy sức mạnh ngày xưa không còn, ông đi theo chiều quay của băng chuyền, tay cố giật túi xách ra khỏi đó. Bình thường, tôi sẽ chạy đến giúp ông nhưng lúc này tôi buồn cười quá. Tôi nghe bố nói "xin lỗi, xin lỗi!" với những người đang đứng ngay vạch vàng trong khi vừa đi theo vừa cố gắng lấy túi ra khỏi băng chuyền. Ông đi đúng một vòng và lúc đến chỗ tôi đứng (vẫn còn đang cười),một người nào đó đã lịch sự giúp bố - ông già đang hết hơi.
Ông kéo túi đến chỗ tôi, mặt ông đỏ hồng, hơi thở nặng nhọc.
"Con đi lấy túi của con đi", ông nói, kéo mũ xuống mắt che đi vẻ bối rối.
Tôi chờ hành lý của mình trong khi bố đi loanh quanh ngắm nghía "làm quen với London". Sau trục trặc ở sân bay Dublin, giọng nói trong đầu tôi tiếp tục bảo tôi quay về ngay tức khắc nhưng ở một chỗ khác, một phần khác trong cơ thể tôi thì bảo chuyến đi này là quyết định đúng đắn. Bây giờ, tôi đang xem thử cái đúng đắn này là cái gì. Khi đi lấy túi xách từ băng chuyền, tôi nhận ra chẳng có mục đích nào rõ ràng cho chuyến đi này. Tất cả chỉ như đi săn vịt trời, vậy thôi. Bản năng, bắt nguồn từ việc nói chuyện điện thoại với cô gái tên Bea, làm tôi quyết định bay đến đây với người cha già trên bảy mươi tuổi, trước đây chưa bao giờ rời khỏi Ai- len.
Điều đó có phi lý không? Mọi thứ chứa đựng ý nghĩa gì khi hầu như đêm nào tôi cũng mơ về một người mà tôi chưa từng gặp và chưa từng có cơ hội nói chuyện qua điện thoại. Tôi gọi số điện thoại khẩn của bố, cô bé trả lời rằng đó là số điện thoại khẩn của bố cô bé với cô bé. Điều đó có nghĩa gì? Nó muốn nói gì với tôi? Hay đây chỉ là việc xảy ra ngẫu nhiên mà người có đầu óc bình thường sẽ bỏ qua? Hay là tôi đúng khi nghĩ còn điều gì đó bí ẩn nằm phía sau? Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ cho tôi câu trả lời. Tôi hoảng sợ khi nhìn bố đọc tờ áp phích tuốt đầu kia căn phòng. Tôi không biết làm gì với ông.
Thình lình, bố đưa tay ôm đầu, kéo xuống mặt, rồi ngực. Và ông lao về phía tôi với cặp mắt bất thường. Tôi chợp lấy hộp thuốc cho ông.
"Gracie", ông thở hổn hển.
"Đây, bố cầm lấy nhanh lên". Tay tôi run run khi đưa thuốc và chai nước.
"Con làm gì thế?".
"Trông bố ...".
"Trông bố sao?".
"Giống như bố bị lên cơn đau tim!".
"Bố sẽ bị nếu như chúng ta không đi ra khỏi đây nhanh lên", ông nắm lấy tay tôi và kéo tôi đi.
"Chuyện gì vậy bố? Chúng ta đi đâu?".
"Chúng ta đi Westminster".
"Cái gì? Tại sao? Không, bố. Chúng ta phải đi về khách sạn để hành lý!".
Ông dừng hẳn và quay lại, đưa mặt ông sát vào mặt tôi. Giọng ông run run.
"Có Chợ Đồ Cổ hôm nay từ chín giờ ba mươi đến bốn giờ ba mươi chiều ở tòa nhà Banqueting. Nếu chúng ta đi bây giờ sẽ kịp. Bố sẽ không để lỡ cơ hội được nhìn thấy tận mắt chương trình này đâu. Chắc chắn, chúng ta sẽ đi xem Michael Aspel, Michael Aspel, Gracie. Chúa ơi, đi ngay đi!".
Hai đồng tử ông giãn ra, vui vẻ hoạt bát. Ông đi nhanh qua cửa trượt, múa tay múa chân.
Tôi đứng trong ga đến. Chung quanh, những người đàn ông nhào tới phát các tờ quảng cáo từ mọi phía. Tôi thở và chờ. Bố xuất hiện, bập bênh đi ra với tốc độ nhanh nhất của ông, kéo phía sau là chiếc túi xách.
"Con nói với bố không phải đường này mà", ông nói, vượt qua tôi và đi thẳng hướng đối diện. Bố đi qua quảng trường Trafalgar, kéo theo sau cái túi xách, làm mấy con bồ câu vội vã bay túa lên trời. Ông không quan tâm đến việc làm quen với London nữa; ông chỉ có Michael Aspel và một người phụ nữ bên trong đầu lúc này. Cuối cùng, sau khi rẽ sai vài lần thì tòa nhà Banqueting cũng hiện ra trước mặt, cung điện hoàng gia của thế kỷ mười bảy, và mặc dù tôi chưa từng đến đây, nhưng thật kỳ lạ vì tôi trông nó quen quen.
Xếp trong hàng dài, tôi nhìn cái hộc gỗ trong tay một ông già đang đứng trước chúng tôi. Phía sau là người phụ nữ đang mở giấy gói, lấy một tách trà cho những người trong hàng xem. Tất cả mọi người đều trông có vẻ thích thú và lịch sự. Mặt trời chiếu sáng khi chúng tôi chờ phía ngoài để vào khu vực tiếp tân của tòa nhà Banqueting. Có xe của đài truyền hình, người quay phim, thu âm đi ra đi vào. Máy quay chĩa vào hàng dài người xếp hàng trong khi đó một người phụ nữ cầm chiếc micro phỏng vấn vài người trong hàng. Nhiều người mang theo ghế, túi bánh nướng và thức ăn nhanh, bi đông trà, cà phê. Và khi bố nhìn xung quanh với cái bao tử trống không, tôi cảm thấy như một người mẹ có lỗi không chăm sóc chu đáo cho đứa con của mình.
"Bố, con không muốn làm bố lo nhưng con nghĩ chúng ta phải mang theo cái gì đó ...".
"Ý con là sao?".
"Một vật gì đó. Ai cũng mang theo cái gì đó để ước đoán giá trị trong chương trình".
Bố nhìn xung quanh và nhận ra vấn đề. Mặt ông xụ xuống.
"Có thể, họ sẽ cho chúng ta một ngoại lệ", tôi nói thêm vào nhưng nghi ngờ chính điều mình vừa nói.
"Cái túi này thì sao?". Ông nhìn xuống túi xách của chúng tôi. Tôi cố nhịn cười. "Con mua nó ở cửa hàng. Con không nghĩ họ quan tâm đến việc đánh giá giá trị của nó đâu bố!".
Bố cười. "Có thể bố sẽ đưa họ quần áo cũ của bố. Gracie, con nghĩ sao? Nó chứa ít nhiều lịch sử đấy chứ".
Tôi làm mặt ngạc nhiên, còn ông thì xua tay liên hồi.
Chúng tôi lê từng bước chậm rãi theo hàng và bố có thời gian trò chuyện với những người xung quanh về cuộc đời của ông, về chuyến đi này với đứa con gái. Sau khi xếp hàng khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi được mời vào hai nơi dùng trà buổi chiều. Bố nghe lấy nghe để những hướng dẫn của người đàn ông phía sau về cách làm cho cây bạc hà không xâm lấn cây hương thảo. Ngày trước chúng tôi, hai ông bà già phải quay ra vì chẳng mang theo vật gì trong tay. Bố cũng thấy điều đó và nhìn tôi lo lắng. Đến lượt chúng tôi.
"Ừm ...", tôi nhìn quanh tìm cái gì đó.
Cả hai cánh cửa đều mở rộng để đón đám đông. Phía sau cánh cửa ra vào có cái giỏ rác bằng gỗ, đựng mấy cây dù rách. Nhân lúc không ai để ý; tôi trút thùng rác xuống, một vài cục giấy cuộn tròn và mấy cây dù rách rơi ra. Tôi đá nó ra phía sau cửa, vừa kịp nghe tiếng:
"Người kế tiếp!".
Tôi mang cái giỏ rác gỗ vào bàn tiếp tân và bố nhìn tôi ngớ người ra.
"Xin chào mừng đã đến tòa nhà Banqueting", người phụ nữ trẻ tiếp chúng tôi.
"Cảm ơn", tôi cười với vẻ ngây thơ ... vô số tội.
"Hôm nay ông và cô mang theo bao nhiêu thứ?", người phụ nữ hỏi.
"Ồ, chỉ có một". Tôi nâng chiếc thùng rác để lên bàn.
"Ồ, tuyệt!", cô vuốt cái thùng rác gỗ bằng mấy ngón tay và bố nhìn tôi, trong giây lát, rồi chúng tôi nhanh chóng tĩnh lại ngay. "Cô có đến ngày đánh giá giá trị sản phẩm trước đây chưa?".
"Chưa". Bố lắc đầu lia lịa. "Nhưng tôi luôn theo dõi trên tivi. Tôi hâm mộ chương trình này. Ngay khi Hugh Scully còn làm người dẫn chương trình".
"Tuyệt vời", cô cười. "Khi ông và cô vào phía trong, cô sẽ thấy có nhiều hàng người, xin hãy đứng hàng thích hợp với món đồ của mình".
"Hàng nào thì thích hợp cho món đồ này?", Bố nhìn cái sọt rác một cách khó chịu như thể nó đang bốc mùi.
"Hàng nào?", cô tiếp tân cười.
Bố nhìn tôi lo lắng.
"Chúng tôi hy vọng cô sẽ chỉ dẫn chúng tôi". Tôi nói lịch sự.
"Nó thuộc loại đồ linh tinh và đó là bàn đông nhất, chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp để cô gặp bốn chuyên gia. Khi nào cô gặp chuyên gia, cô chỉ cần đưa món đồ của cô ra và anh ta hoặc cô ta sẽ nói với cô tất cả về món đồ".
"Bàn nào có Michael Aspel?".
"Không may, thật ra Michael Aspel không phải là chuyên gia, ông ta là người dẫn chương trình, vì thế ông ấy không có bàn riêng, nhưng chúng tôi có đến hai mươi chuyên gia để trả lời những câu hỏi của cô".
Bố có vẻ thất vọng.
"Cô có cơ hội để món đồ của mình được chọn chiếu lên tivi", nữ tiếp tân nhanh chóng thêm vào khi cảm thấy nỗi thất vọng của bố. "Chuyên gia sẽ giới thiệu món đồ cho nhóm truyền hình và sau đó họ quyết định có chọn quay hay không, tùy thuộc vào sự quý hiếm, chất lượng, những lời bình của chuyên gia và, dĩ nhiên, giá trị của nó. Nếu món đồ của cô được chọn, cô sẽ qua phòng chờ và trang điểm trước khi nói chuyện với chuyên gia trước ống kính máy quay khoảng năm phút. Cô sẽ gặp Michael Aspel trong trường hợp như thế. Chúng tôi truyền hình trực tiếp buổi đánh giá ...".
Bố mở to hai mắt.
"Hãy nhớ rằng chúng tôi phải xem đồ của hai ngàn người trước khi vào buổi đánh giá trực tiếp", cô gái giải thích tiếp với chúng tôi.
"Chúng tôi hiểu. Chúng tôi đến đây chỉ để xem là chính, phải không bố?".
Ông chẳng nghe tôi nói, mải nhìn quanh tìm Michael Aspel.
"Chúc một ngày tốt lành", cô gái nói và gọi người kế tiếp.
Ngay khi chúng tôi vào đại sảnh đông người, tôi nhìn ngay lên trần. Chín bức tranh sơn dầu do Charles đệ nhất đặt làm để lấp đầy pa nô trần.
"Bố!". Tôi đưa sọt rác cho ông. "Con sẽ đi loanh quanh ngắm tòa nhà tuyệt đẹp này. Trong lúc đó, bố coi chừng cái sọt chết tiệt kẻo người ta bỏ rác vào nhé".
"Không phải cái sọt chết tiệt đâu, Gracie. Bố đã xem buổi định giá bộ sưu tập gậy của một người lên đến sáu mươi ngàn bảng Anh".
"Ồ, vậy bố hãy đưa cho họ xem đôi giày của bố".
Ông cố nhịn cười.
"Con đi xem quanh đi và gặp lại con ở chỗ này nhé". Ông bắt đầu đi trước khi nói hết câu. Cố thoát khỏi tôi.
"Chúc bố vui vẻ", tôi nháy mắt.
Ông ngoác miệng cười thật lớn và nhìn xung quanh sảnh với niềm hân hoan tột độ. Tôi lại chụp khoảnh khắc đó vào trong tâm trí của mình.
Khi tôi đi vòng quanh các phòng, tôi có cảm giác như tôi đã đến đây rồi. Tôi tìm ra một góc yên tĩnh và gọi điện thoại.
"Quản lý, phó trưởng bộ phận giải pháp tài chính và đầu tư, Frankie nghe?".
"Chúa ơi, cậu không nói dối. Mấy chức danh này buồn cười quá".
"Joyce!", giọng cô bạn chìm đi giữa những tiếng được tiếng mất của những người mua bán chứng khoán tại văn phòng Trung Tâm Dịch Vụ Tài Chính Ailen.
"Cậu nói chuyện với tớ được không?".
"Được chút xíu. Cậu khỏe không thế?".
"Tớ khỏe, rất ổn, đang ở London với bố".
"Cái gì? Với bố cậu á? Joyce. Tớ đã nói với cậu rằng thật không tốt khi trói tay bịt miệng, bắt ông cụ ở nhà suốt ngày. Cậu làm gì ở đó?".
"Tớ quyết định đi rất bất ngờ". Vì cái gì tôi cũng chẳng biết. "Bố và tớ đang ở chỗ Chương trình Mua Bán Đồ Cổ. Đừng hỏi ...".
Tôi rời căn phòng yên tĩnh vào lại phòng trưng bày ở sảnh chính. Tôi thấy bố đi trong đám đông, tay mang sọt rác.
Tôi cười với ông.
"Nói tớ nghe xem, trước đây, chúng ta có lần nào cùng đi với nhau tới tòa nhà Banqueting không nhỉ?".
"Để nhớ lại xem, nó ở đâu, nó là cái gì và nó ra làm sao?".
"Nó ở quảng trường Trafalgar. Nó là cung điện hoàng gia vào thế kỷ mười bảy, thiết kế bởi Inigo năm 1619. Charles đệ nhất bị hành hình trước tòa nhà. Tớ đang ở trong phòng có chín bức tranh sơn dầu lắp trên các pa nô trần nhà". Nó trông làm sao? Tôi nhắm mắt mình lại. "Trong ký ức của tớ, mái vòm có chấn song bao lơn. Mặt ngoài đường có hai dãy tầng cột kiểu Corinthian và đầu cột kiểu Ionic, đặt trên nền vữa nhám, hòa hợp bám chặt vào nhau thành một khối".
"Joyce?".
"Cái gì?", tôi giật mình.
"Cậu đọc sách hướng dẫn du lịch hả?".
"Không".
"Chuyến đi London cuối cùng, tụi mình có đi bảo tàng sáp Madame Tussaud's, một đêm ở G- A- Y, và buổi tiệc ở Gloriás. Đó là những điều cậu sẽ kể?".
"Vâng", tôi ngồi xuống cái ghế ở góc phòng, nhưng cảm thấy bị cấn bởi sợi dây thừng ở phía dưới và đứng bật lên ngay. Tôi nhanh chóng rời khỏi cái ghế cổ, nhìn xung quanh tìm camera bảo vệ.
"Chuyến đi London của cậu có liên quan gì đến chuyện người đàn ông Mỹ không?".
"Có", tôi nói nhẹ nhàng.
"Ồ, Joyce ...".
"Không, Frankie, nghe này. Nghe đi rồi cậu sẽ hiểu. Tớ hy vọng thế. Hôm qua, tớ đang giận bố tớ một chuyện và liền gọi cho bác sĩ của bố. Tớ nhớ chính xác số điện thoại này, nhưng không ngờ lại gọi nhầm số".
"Rồi sao?".
"Nhầm số. Thay vì gọi bác sĩ, tớ gọi cho một số điện thoại ở Anh và một cô gái tên Bea trả lời điện thoại. Cô bé thấy số ở Ai- len và nghĩ rằng bố gọi. Từ cuộc gọi mà mình biết được bố của cô bé là người Mỹ nhưng ở Dublin và bay sang London tối qua để xem cô bé biểu diễn hôm nay. Và cô bé có tóc bạch kim. Tớ nghĩ Bea là cô bé mà tớ hay mơ chơi đánh đu và chơi trên cát vào từng độ tuổi khác nhau".
Frankie im lặng.
"Nói chuyện này có vẻ khùng khùng, Frankie, nhưng đó là những chuyện đã xảy ra và tớ không thể giải thích được".
"Tớ biết, tớ biết!", đứa bạn nói nhanh. "Tớ biết cậu luôn là người bạn tốt, không đặt chuyện, nhưng cả khi tớ tin cậu, cậu cũng nên nhớ một điều là cậu đang bị sang chấn tâm lý và tất cả những chuyện xảy ra với cậu có thể chỉ vì bị stress ở mức độ cao".
"Tớ đã nghĩ đến điều đó". Tôi lầm bầm và ôm lấy đầu. "Tớ cần giúp đỡ".
"Chúng ta chỉ cân nhắc đến chuyện điên khùng này như là phương sách cuối cùng. Để tớ nghĩ xem ...". Cô nói như thể đang viết xuống.
"Về cơ bản, là cậu đã gặp cô gái này, Bea ...".
"Có thể là Bea".
"Vâng, vâng. Hãy xem đó là Bea. Cậu thấy cô bé lớn lên?".
"Vâng".
"Đến tuổi nào?".
"Từ lúc mới sinh cho tới ... mình không biết ...".
"Mười mấy, hai mươi mấy, ba mươi mấy?".
"Mười mấy".
"Vâng, còn ai trong cảnh đó với Bea?".
"Một người phụ nữ. Với máy quay phim ...".
"Nhưng không phải là anh chàng người Mỹ?".
"Không, anh ta chẳng liên quan gì đến chuyện này!".
"Để không bỏ sót ... Khi cậu thấy Bea và người phụ nữ với chiếc máy quay phim, cậu là một phần trong cảnh đó hay cậu nhìn như người bên ngoài?".
Tôi nhắm mắt và cố suy nghĩ, thấy hai tay tôi đẩy cái xích đu, nắm tay và chụp hình với cô bé và mẹ cô bé trong công viên. Tôi cảm thấy những tia nước vòi sen và cả động tác cù vào da thịt tôi ... "Tớ là một phần trong đó. Họ có thể thấy tớ!".
"Vâng". Cô im lặng.
"Cái gì, Frankie, cái gì?".
"Mình sẽ tìm ra nó. Chờ chút. Vâng. Vậy là cậu thấy đứa trẻ người mẹ và cả hai thấy cậu?".
"Vâng".
"Cậu có nói là trong giấc mơ cậu thấy cô bé này lớn lên, như lớn lên trong đôi mắt của người bố?".
Cảm giác bí ẩn chạy khắp người tôi.
"Ồ, chúa ơi!", tôi thì thào. Người đàn ông Mỹ?
"Đúng rồi, vâng!", Frankie nói. "Vâng, chúng ta đi đến một điều. Tớ không biết là cái gì, nhưng điều gì đó rất kỳ lạ và tớ không thể tin rằng mình suy đoán ra những chuyện này. Nhưng chuyện quỷ quái gì thế, tớ có hàng đống việc để làm. Cậu còn mơ thấy gì nữa không?".
"Tất cả diễn ra rất nhanh, chỉ lóe lên!".
"Cố gắng nhớ xem".
"Vòi sen trong vườn. Bé trai mũm mĩm. Một người phụ nữ khác có mái tóc đỏ dài. Rồi tớ nghe tiếng chuông. Thấy những tòa nhà cổ, phía trước là những cửa hàng. Nhà thờ. Bãi biển. Tớ dự đám tang. Kế đó là trường học. Người phụ nữ và cô gái trẻ. Thỉnh thoảng, cô cười và nắm lấy tay tớ, đôi khi cô hét lớn và đóng sầm cửa".
"Ừ, chắc cô ấy là ... vợ của cậu!".
Tôi ôm đầu. "Frankie, điều này nghe có vẻ buồn cười quá!".
"Chẳng sao. Cuộc sống vốn vậy mà. Tiếp đi!".
"Tớ không biết, hình ảnh khá là tương phản. Tớ không hiểu ý nghĩa của nó".
"Việc cậu nên làm là mỗi lần cậu nhớ ra điều gì đó, hoặc thình lình biết một điều gì mà trước đây không biết thì hãy viết xuống và hệ thống mọi thứ lại cho tớ. Tớ sẽ giúp cậu tìm ra câu trả lời".
"Cảm ơn cậu".
"Ngoài cái nơi mà cậu đang ở, còn cái gì mà cậu biết một cách thình lình?".
"À ... các tòa nhà". Tôi nhìn xung quanh và nhìn lên trần. "Và nghệ thuật. Tớ nói tiếng Ý với người đàn ông Ý ở sân bay. Và tớ nói cả tiếng Latin với Conor vào ngày kia".
"Ồ, Chúa ơi".
"Tớ nghĩ anh ta muốn tớ ra đi ...".
"Nhưng chúng ta sẽ không để anh ta làm điều đó. Vâng, các tòa nhà, nghệ thuật, ngôn ngữ. Joyce, trông như cậu vừa trải qua toàn khóa học mà cậu chưa bao giờ tham dự. Cô gái ngốc nghếch mà tớ biết và yêu đâu rồi?".
Tôi cười. "Cô ấy vẫn ở đây này".
"Vâng, còn một điều nữa. Sếp của tớ gọi tớ họp chiều nay. Chuyện gì?".
"Frankie, tớ đâu có phép màụ ....".
Cửa phòng trưng bày mở ra và một cô gái trẻ trông rất bận rộn, đầu còn mang bộ ống nghe điện đài bay vào. Cô tiếp cận mọi người phụ nữ mà cô gặp, hỏi tên tôi.
"Joyce Conway?", cô hỏi trong hơi thở dốc.
"Vâng, tôi đây". Tim tôi đập liên hồi. Cầu cho bố không có vấn đề gì.
"Bố cô là Henry?".
"Vâng".
"Ông ấy muốn cô đi cùng ông ấy ở phòng đằng kia".
"Ông ấy cái gì? Bị cái gì?".
"Ông ấy trong phòng xanh đằng kia. Ông ấy sẽ được truyền hình trực tiếp với Michael Aspel trong vài phút nữa với món đồ của ông ấy và ông ấy muốn cô tham gia cùng bởi vì ông ấy nói cô biết về nó nhiều hơn. Chúng tôi sắp bấm máy, chỉ còn một ít thời gian và chúng tôi cần phải trang điểm cho cô".
"Lên sóng trực tiếp với Michael Aspel ...", tôi bị kéo đi. Tôi còn nhớ tay vẫn cầm điện thoại. "Frankie", tôi nói, sửng sốt, "Mở đài BBC, nhanh lên. Cậu sẽ chứng kiến tớ gặp vấn đề trên đó".
Tôi nửa đi nửa chạy theo sau cô gái có bộ tai nghe trên đầu để đến căn phòng màu xanh. Cuối cùng cũng tới nơi với hơi thở hổn hển và thấy bố đang ngồi trên ghế trang điểm, mặt nhìn vào gương, bóng đèn sáng choang, khăn giấy được xếp dưới cổ áo, một cái tách và đĩa nhỏ trên tay, mũi của ông được phủ phấn để chiếu cận cảnh.
"Con đây rồi", bố nói với một phong thái đàng hoàng đâu ra đấy. "Mọi người, xin giới thiệu đây là con gái tôi. Cô ấy sẽ là người chia sẻ với các bạn về món đồ cổ thân yêu của tôi, món đồ đã lọt vào cặp mắt Michael Aspel". Đáp lại ông là nhiều tiếng cười bị nén lại. Ông điềm nhiên nhấm nháp tí trà "Có bánh Jaffa ở đằng kia, nếu ông muốn".
Tôi nhìn xung quanh phòng với niềm thích thú, gật gật đầu, cố nở nụ cười.
Justin ngọ nguậy một cách không thoải mái trên ghế trong phòng chờ của nha sĩ, hai má căng phồng. Anh ngồi giữa hai phụ nữ lớn tuổi, đang nói chuyện về một người tên là Rebecca, nói rằng cô này nên bỏ anh chàng tên Timo- thy.
Im đi, im đi, im đi!
Chiếc tivi đời những năm 70 ở góc phòng, nó được phủ bởi lớp vải ren và hoa giả, cho biết Chương Trình Bán Đồ Cổ sắp bắt đầu.
Justin lầm bầm. "Có ai phiền không nếu tôi đổi kênh?".
"Cháu đang xem nó", cậu bé chừng bảy tuổi lên tiếng.
"Đáng yêu quá nhỉ", Justin cười với cậu bé dù mắt ánh lên tia hậm hực. Anh nhìn mẹ của cậu bé mong tìm đồng minh.
Người mẹ nhún vai. "Nó đang xem mà".
Thất bại lần nữa.
"Xin lỗi", Justin cuối cùng nói chen vào hai người phụ nữ bên tay phải và tay trái của anh. "Một trong hai bà có thể đổi chỗ với tôi, để nói chuyện được dễ dàng, riêng tư hơn?".
"Không sao, đừng quá lo, chẳng có chuyện gì phải giấu diếm. Cậu có thể nghe nếu muốn".
Cái mùi từ hơi thở của người phụ nữ lớn tuổi nhẹ nhàng bay vào mũi anh lần nữa, cùng với bụi của khăn lau làm anh muốn hắt hơi. Theo cùng là những tiếng cười rúc rích chết tiệt.
"Tôi không nghe lén ai. Mọi người nói chuyện cứ như nhét chữ vào tai tôi.
Và tôi không chắc Charlie hay Gra- ham hay Rebecca mong muốn điều đó!".
Anh quay mặt đi chỗ khác.
"Ô, Ethel!", một người bật cười, "Cậu ấy nghĩ mình nói về những người thật!.
Mình mới ngốc làm sao.
Justin quay sang chú ý vào cái tivi ở góc phòng, nơi đang có sáu người khác dán mắt vào.
"Xin chào mừng quý vị đến với Chương Trình Bán Đổ Cổ đặc biệt đầu tiên ...".
Justin thở dài lần nữa.
Cậu bé nháy mắt với anh và với tay chộp lấy cái điều khiển từ xa, mở lớn lên.
" Trước mắt quý vị là tòa nhà Banqueting, London".
Ồ, tôi đã đến đó. Một ví dụ sống động về kiểu kiến trúc phối hợp Corinthian và Ionic, tạo thành tổng thể hòa hợp.
"Chúng tôi có hơn hai ngàn người tham gia, đến đây từ chín giờ ba mươi sáng, và trong ít phút nữa chúng tôi sẽ đóng cửa, để giới thiệu đến quý vị những món đó tuyệt nhất. Vị khách đầu tiên của chúng tôi đến từ ...".
Ethel chồm người qua Justin và tì cùi chỏ lên đùi anh.
"Vậy đó, Margaret ...".
Anh vươn người tập trung vào chiếc tivi để không phải đối đầu cùng hai người phụ nữ lớn tuổi này.
"Thế hôm nay chúng ta có gì?", Michael Aspel hỏi. "Trông giống như cái sọt rác được thiết kế đặc biệt", ông nói trong khi máy quay cận cảnh cái sọt đang để trên bàn.
Tim Justin bắt đầu đập nhanh.
"Chú có muốn cháu đổi kênh không?", cậu bé tốt bụng bất thình lình, bấm chuyển lần lượt các kênh thật nhanh.
"Không!". Anh la lên, giọng át luôn cuộc nói chuyện của Margaret và Ethel.
Tay thì vung vào khoảng không như thế có thể ngăn được các tần sóng đổi kênh. Anh quì gối trên thảm, trước cái tivi. Margaretvà Ethel chồm lên rồi im lặng.
"Trở lại, trở lại, trở lại!". Anh nói lớn với cậu bé.
Môi dưới của cậu bé bắt đầu rưng lên và hốt hoảng nhìn mẹ.
"Anh không cần hét toáng như vậy với nó đâu", người mẹ ôm cậu bé vào lòng.
Anh chộp cái điều khiển từ tay cậu bé và nhanh chóng bấm chuyển kênh trở lại. Anh dừng lại khi thấy Joyce cận cảnh, hai mắt ngập ngừng nhìn qua phải qua trái như thể cô mới vừa rớt vào chuồng cọp Bengal ngay giờ ăn.
Tại Trung Tâm Dịch Vụ Tài Chính Ai- len, Frankie cũng đang chạy đi tìm một chiếc tivi. Cô tìm thấy một cái, xung quanh là hàng tá người đang nghiên cứu các con số chạy đua trên màn hình.
"Xin lỗi! Cho tôi qua!", cô la lên, vạch đám đông, bay tới bên chiếc tivi và bắt đầu bấm nút điều khiển. Xung quanh vang lên nhiều tiếng bực mình.
"Tôi chỉ xin một phút, thị trường sẽ không sụp đổ chỉ trong vòng vài phút đâu". Cô bấm tiếp và tìm được bố con Joyce đang trực tiếp trên BBC.
Cô thở hổn hển, đưa hai tay lên miệng. Cô cười và ném nắm đấm về phía màn hình. "Có thế chứ, Joyce!".
Nhóm người xung quanh cô nhanh chóng tản đi tìm cái màn hình khác, trừ một người đàn ông có vẻ thích thú với kênh này nên quyết định ở lại xem.
"Ô, món đồ đẹp quá!", ông bình luận, dựa người lên cái bàn và khoanh tay lại.
"Ừm ...", Joyce đang nói, "Chúng tôi tìm ra nó ... ý tôi là chúng tôi đặt nó, đặt món đồ đẹp lạ thường ... à, sọt ... gỗ, bên ngoài nhà chúng tôi. Ồ, không phải bên ngoài", cô nhanh chóng rút lời khi thấy phản ứng của người đánh giá.
"Bên trong. Chúng tôi đặt nó bên trong hiên để tránh mưa gió, ông thấy không. Để dù vào thế này ...".
"Vâng, nó cũng có thể sử dụng để đựng dù", giám định viên nói.
"Ở đâu mà cô có nó?".
Miệng của Joyce mở ra đóng lại khoảng vài giây. Người bố nhảy vào. Ông đứng thẳng với hai ngón tay móc vào thắt lưng. Cằm nhô ra, mắt sáng. Ông phớt lờ chuyên gia và lấy giọng trang trọng trả lời trực tiếp Michale Aspel.
"Ơ, Michael, tôi có cái này từ ông cố Joseph Conway, làm nông ở Tipperary.
Ông cố cho ông nội Shay, cũng làm nông. Ông nội tôi cho bố tôi Pađy- Joe, làm nông ở Cavan và khi bố tôi mất, tôi giữ nó".
"Tôi hiểu rồi. Ông có biết ông cố ông có nó từ đâu không?".
"Có thể ông ấy ăn cắp nó từ Anh", người bố đùa và là người duy nhất cười.
Joyce thúc cùi chỏ vào bố, Frankie khịt khịt mũi, và trên sàn nhà, trước cái tivi trong phòng chờ nha sĩ ở London, Justin ngửa đầu ra sau cười lớn.
"Lý do tôi hỏi bởi vì đó là câu chuyện khó tin về món đố này. Nó là món đồ hiếm thời Nữ hoàng Victoria".
"Tôi thích làm vườn, Michael". Người bố ngắt lời chuyên gia, "ông thích không?".
Michael cười với ông một cách lịch sự và chuyên gia tiếp tục, "Tấm bảng hiệu được điêu khắc thủ công bằng gỗ đen thời Victoria, được gắn cả bốn bên".
"Kiểu vùng quê Anh hay Pháp, cô nghĩ sao?". Người đàn ông đang xem cùng Frankie hỏi cô.
Cô lờ đi tập trung vào Joyce.
"Bên trong trông giống như lớp thiếc, trong điều kiện hoàn hảo, trang trí điêu khắc công phu trên gỗ cứng. Chúng ta có thế thấy ở đây, hai phía có chủ đề cây cỏ và hai phía còn lại có hình dáng động vật, một cái đầu sư tử, và hình sư tử đầu chim. Rất ấn tượng và chắc chắn là món đồ tuyệt vời để đặt trước hiên nhà".
"Đáng giá một vài đồng bảng Anh, phải không?". Người bố bông lơn, mất đi vẻ trang trọng ban đầu.
"Chúng ta sẽ đi đến phần định giá sau", chuyên gia nói. "Nó vẫn còn rất tốt, đáy bằng gỗ, không bị nứt hay hư hỏng gì phía bên trong, có lớp thiếc bao bên trong, tay cầm không bị sứt mẻ gì. Ông nghĩ nên đánh giá bao nhiêu?".
"Frankie!".
Frankie nghe tiếng sếp gọi từ phòng khác. "Chuyện gì lộn xộn về cái màn hình vậy?". Cô đứng dậy, quay lưng lại, cố che cái tivi trong khi cố gắng bấm trở về kênh cũ.
"A", người đồng nghiệp tặc lưỡi. "Họ sắp công bố giá".
"Bước ra", sếp chau mày.
Frankie chuyển sang kênh dữ liệu thị trường chứng khoán. Cô cười rạng rỡ, khoe cả hàm răng và sau đó đi về bàn của mình.
Trong phòng chờ nha sĩ, Justin dán mắt vào tivi, dán mắt vào gương mặt của Joyce.
"Cô ta là bạn của cậu à?". Ethel hỏi.
Justin nhìn kỹ gương mặt Joyce và cười:
"Vâng, cô ta là bạn tôi. Tên cô ta là Joyce".
Hai người phụ nữ ô, a lên ầm ĩ.
Trên màn hình, ông bố - Justin cho là như vậy - quay sang Joyce nhún vai.
"Nói sao con? Bao nhiêu?".
Joyce cười mỉm. "Con không biết!".
"Khoảng một ngàn năm trăm đến một ngàn bảy trăm bảng Anh?", chuyên gia hỏi.
"Bảng Anh?", ông già hỏi sửng sốt.
Justin cười.
Máy quay cận cảnh Joyce và gương mặt bố cô. Cả hai đều kinh ngạc, sững sờ, không nói nên lời nào.
"Bây giờ có phản hồi đáng chú ý", Michael cười. "Tin tốt lành cho bàn này, nào hãy đến bàn đồ sứ để xem người sưu tập nào có được may mắn".
"Justin Hitchcock", tiếp tân thông báo.
Phòng im lặng. Mọi người quay sang nhìn nhau.
"Justin", cô lặp lại, nâng cao giọng.
"Chắc cậu này rồi", người phụ nữ nói. Bà sẵn chân đá nhẹ vào anh. "Cậu là Justin?".
"Ai đó đang yêu, ố ô ...". Một phụ nữ hát trong khi người kia chun mũi làm động tác đang hôn.
"Louise", người phụ nữ nói với người tiếp tân, "Tại sao tôi không vào được chứ, cậu này phải chạy đến tòa nhà Banqueting để gặp cô gái kia rồi". Bà duỗi chân trái ra thư giãn.
Justin đứng dậy, phủi bụi tấm thảm dính trên quần.
"Tôi không biết tại sao cả hai bà đều lớn tuổi mà lại chờ như thế. Bà nên để răng lại, và quay lại sau khi nha sĩ làm xong".
Anh hài hước đùa trước khi định rời phòng nha sĩ ...
"Tôi không quan tâm chuyện gì xảy ra với anh, nhưng anh không thể trốn thêm lần nữa. Đến lượt anh rồi. Bác sĩ Montgomery sẽ không vui nếu anh không giữ hẹn ...", cô y tá của phòng nha khoa mỉm cười.
"Khoan đã nào. Răng tôi tốt rồi ...", anh nhún vai như chẳng có chuyện gì quan trọng. "Hết rồi. Đã hết đau rồi!", anh chứng minh bằng cách cắn hai hàm răng vào nhau. "Hoàn toàn hết thật mà. Tôi ở đây làm chi nữa?".
"Anh đau đến chảy nước mắt kia kìa".
"Tôi xúc động thôi ...!".
"Xúc động vì chương trình tivi à? Thôi đừng tự kỷ ám thị nữa. Đi nào!". Cô nhoẻn một nụ cười đầy cương quyết, dẫn anh đi dọc theo hành lang.
Bác sĩ Montgomery chào anh, tay khoanh trước ngực. "Cảm ơn, Clarisse", ông vừa nói vừa cười. "Chỉ đùa thôi. Cố chạy trốn tôi lần nữa hả Justin?".
"Không, ơ ... vâng. Không, chính xác là không phải chạy trốn, mà là tôi cần đến một nơi ...".
Mặc cho những lời giải thích của anh, bàn tay rắn rỏi của bác Montgomery và người trợ lý đã đưa anh vào trên chiếc ghế. Anh lúng búng giải thích xong thì cũng phát hiện ra mình đã được mặc chiếc áo choàng trắng cho bệnh nhân và đầu đã tựa vào ghế.
"Ôi trời, sao anh đau răng mà nói quá chừng vậy nhỉ?", bác sĩ Montgomery hài hước.
Anh thở dài.
"Hôm nay anh không định đánh tôi như lần trước nữa chứ?", bác sĩ mang găng y tế vào.
"Tôi không chắc đâu. Nếu bác sĩ lại làm gì đấy ...".
Bác sĩ Montgomery bật cười trong khi Justin miễn cưỡng há miệng ra.
Đèn đỏ báo hiệu của máy quay vừa tắt đi, tôi chộp ngay tay bố.
"Bố, chúng ta phải đi thôi". Tôi nói gấp.
"Không phải bây giờ". Bố trả lời. "Michael Aspel hãy còn đằng kia. Anh chàng đứng đằng sau bàn trưng bày đồ sứ, cao to, đẹp trai hơn bố nghĩ. Để bố bắt chuyện xem nào".
"Michael Aspel rất bận rộn, đây là dẫn chương trình truyền hình trực tiếp mà bố". Tôi bấm móng tay vào tay ông.
Bố có vẻ hơi đau, nhưng không phải vì bấm tay của tôi. Ông nghếch cằm lên. "Kinh nghiệm" nhiều năm cho tôi biết, hành động này thể hiện niềm kiêu hãnh trong ông.
Ông chuẩn bị đến gặp Michael Aspel, người đang đứng một mình cạnh bàn đồ sứ với ngón tay để trên lỗ tai.
"Phải sử dụng máy trợ thính giống bố à?", bố thì thào. "Cậu ấy nên dùng cái máy loại con mua cho bố. Nào, con đến nói cho cậu ấy đi".
"Đó là tai nghe, bố. ông ấy đang nghe phòng điều khiển".
"Không, bố nghĩ đó là máy trợ thính. Hãy đến với anh chàng và con nhớ nói lớn, rõ ràng từng chữ nhé. Bố có kinh nghiệm về điều này".
Tôi cản đường ông, lườm một cái rõ to. Nhưng bố đã kịp bước chân trái lên, ngay tức khắc nâng người cao ngang tầm mắt tôi.
"Bố, nếu chúng ta không đi khỏi chỗ này ngay, thì chúng ta sẽ bị nhốt vô phòng. Lần nữa!".
Bố cười, "Ô, đừng cương điệu quá, Gracie".
"Con là Joyce", tôi rít lên.
"Vâng. Joyce, không cần nổi cơn như vậy".
"Con không nghĩ bố hiểu một cách nghiêm túc về tình trạng của chúng ta.
Chúng ta vừa mới ăn cắp cái sọt rác thời nữ hoàng Victoria trị giá đến một ngàn bảy trăm bảng Anh, ngay trong cung điện hoàng gia cổ kính này và còn được truyền hình trực tiếp trên tivi nữa".
Bố nhìn tôi, hai hàng chân mày rậm rạp của ông nhướn lên nhướn xuống.
Lần đầu tiên trong khoảng thời gian dài tôi mới thấy mắt ông như vậy.
Chưa kịp định thần, tôi đã thấy cô gái phòng sản xuất chạy băng băng đến chỗ bố. Tim tôi đập loạn xạ. Tôi nhanh chóng nhìn xung quanh. Mọi người đều quay đầu nhìn về phía chúng tôi. Họ đã biết!
"Vâng, chúng ta phải đi thôi. Con nghĩ họ đã biết".
"Chẳng có chuyện gì nghiêm trọng cả. Thì chúng ta cứ để cái sọt rác lại chỗ cũ thôi". Ông nói như thể không có gì quan trọng. "Chúng ta chưa mang nó ra ngoài ... Như vậy là không có tội".
"Vâng, bây giờ hoặc không bao giờ. Bố lấy nó đi, nhanh lên, chúng ta sẽ để lại chỗ cũ và rời khỏi đây".
Tôi dò xét đám đông để bảo đảm không có ai to cao, lực lưỡng đang tiến đến. Không có ai như thế cả! Chỉ có cô gái trẻ đeo tai nghe, và tôi tin là tôi có thể "xử lý" cô ta, với sự giúp sức của bố.
Bố chộp lấy cái sọt rác trên bàn và giấu ngay vào trong áo khoác. Song cái áo chỉ che được một phần ba chiếc sọt. Tôi nhìn ông lạ lẫm. Chúng tôi đi xuyên qua đám đông, phớt lờ những lời chúc mừng từ những người có vẻ như nghĩ rằng chúng tôi vừa mới trúng số. Tôi thấy cô gái trẻ mang tai nghe cũng đang băng người qua đám đông ấy.
"Nhanh lên, bố! Nhanh nữa nào!".
"Bố sẽ đi nhanh nhất có thể".
Chúng tôi ra đến cửa tiền sảnh, bỏ lại đám đông phía sau lưng, và thẳng tiến theo hướng cổng chính. Tôi nhìn phía sau mình cẩn thận, thấy cô gái có tai nghe đang nói vào chiếc micro nhỏ xíu một cách khẩn cấp. Cô bắt đầu chạy nhưng bị choáng đường bởi hai người đàn ông trong bộ trang phục màu nâu đang khiêng tủ quần áo. Tôi chụp lấy cái sọt rác từ tay bố và chúng tôi tăng tốc. Chúng tôi lấy túi xách ở phòng giữ vật dụng cá nhân và đi theo hành lang được lót cẩm thạch.
Ngay khi bố vừa chạm tay tới cánh cửa chính màu vàng to đùng, chúng tôi nghe có tiếng kêu toáng lên:
"Dừng lại! Chờ đã!".
Bất ngờ. Sợ hãi. Tôi hét to với bố:
"Chạy!". Ông thở dài, trợn tròn mắt và bước chân phải tới, chân trái uốn cong, nhắc nhở tôi rằng ông đang cố bước đi, không chạy nữa.
"Hai người đi đâu mà vội thế?", một người đàn ông hỏi, đi về phía chúng tôi.
Chúng tôi quay lại một cách chậm rãi, trong tư thế ứng phó để bảo vệ danh dự của mình.
"Chính cô ta!", bố chỉ tay về phía tôi.
Tôi há hốc mồm.
"Tôi cho rằng cả hai người", người đàn ông cười. "Này, hai người không biết mình còn đang mang theo cái micro và bộ phát sóng à? Những cái này đáng giá lắm đấy!". Anh luồn tay tháo bộ phát sóng ở thắt lưng bố. "Chúng tôi có bị làm sao không, nếu mang những cái này đi?", bố cười.
Trông bố tỉnh queo như không có chuyện gì cho đến khi nghe tôi bối rối hỏi, "Những cái này vẫn được mở nãy giờ à?".
"Ừm ...!", người đàn ông ngắm nghía bộ điều khiển và bấm nút tắt. "Đây này".
"Trời đất, thế khán giả xem truyền hình có nghe chúng tôi nói gì không?".
"Đừng lo. Nãy giờ họ chuyển sang giới thiệu món đồ cổ khác. Tiếng nói của hai người không bị truyền lên đài đâu".
Tôi thở phào nhẹ nhõm.
"Nhưng nội bộ bên trong, nhóm làm chương trình thì ai mang tai nghe trên đầu đều có thể nghe", anh vừa giải thích vừa tháo cái micro nhỏ xíu ra khỏi bố.
"Ô, và phòng điều khiển nữa", anh ta thêm vào.
Sau đó, người đàn ông quay sang tôi và tôi bối rối đến độ khi anh vừa lấy bộ phát sóng ở thắt lưng của tôi thì vô tình giật mạnh luôn cả sợi thắt lưng.
"Aaaaaaaa ...", tôi hét toáng lên, tạo ra một âm thanh vang vọng suốt dọc hành làng.
"Xin lỗi cô". Anh ta đỏ mặt quay đi chờ tôi chỉnh sửa lại quần áo của mình.
"Tai nạn nghề nghiệp!".
"Không sao anh bạn trẻ", bố cười.
Sau khi anh ta quay trở lại chỗ đấu giá, chúng tôi rón rén để lại cái sọt vào đúng nơi nó đã nằm trước đó, nhặt mấy chiếc dù hỏng xếp vào và rời khỏi "hiện trường phạm tội".
"Justin, có tin gì mới không?", bác sĩ Montgomery hỏi. Justin đang nằm trên ghế, các dụng cụ làm răng đầy trong họng nên không biết trả lời bằng cách nào.
Anh đành chớp mắt một lần khi đồng ý điều gì đó và chớp mắt hai lần khi không tán đồng.
Bác sĩ Montgomery vờ như chẳng hiểu ý anh. "Sao rồi, không nói được nữa à?".
Justin trợn tròn mắt.
"Nói gì đi xem nào. Sao anh lại không nói gì nhỉ?". Ông cười và chồm qua người Justin ngay khi anh mở miệng, để nhìn rõ hơn những chiếc răng.
"Aaaaaaaaa ...".
Ông lưỡng lự đôi chút, không cười nữa khi tìm được chỗ đau.
"Tôi không muốn nhưng phải thông báo với anh điều này", bác sĩ Montgomery tiếp tục. "Chỗ anh không chịu cho tôi xem kỳ trước nay đã bị nhiễm trùng, các mô tế bào bị viêm đỏ tấy".
Ông gõ nhẹ vào mấy cái kế bên.
"Aaaaaaaa ...".
Justin phát ra vài tiếng ùng ục trong cổ họng.
"Tôi nên viết một cuốn sách về ngôn ngữ nha khoa. Tôi phát hiện ai cũng có kiểu âm thanh nào đó mà chỉ mình tôi hiểu. Tôi hiểu được ngay cả khi họ chỉ aa, uu, ee ... Cô nghĩ sao, Rita?".
Justin tạo thêm vài tiếng ùng ục.
"Bây giờ, bây giờ ...", bác sĩ Montgomery tắt dần nụ cười. "Này, anh lại đang định lầm bầm rủa tôi đấy hả?".
Giật mình, Justin tập trung vào cái tivi treo ở góc phòng. Tin mới nhất của Sky News chạy lướt dưới chân màn hình. Mặc dù chiếc tivi bị tắt tiếng và đặt tuốt đằng xa đến mức khó đọc chữ, nhưng nó cũng phần nào giúp bệnh nhân xao nhãng khỏi những căng thẳng khi đang ngồi trên ghế, đặc biệt giúp kiềm chế những người "lạ thường" như anh khỏi nhảy qua cửa sổ, đón chiếc taxi đầu tiên thẳng tiến đến tòa nhà Banqueting.
Phát thanh viên xuất hiện trên màn hình. Nhưng vì Justin không nghe gì cả nên anh không biết chuyện gì đang xảy ra. Anh chăm chú theo dõi gương mặt anh chàng phát thanh viên và cố đoán khẩu âm của người này trong khi bác sĩ Montgomery đến bên anh với cái gì đó giống như ... cây kim. Hai mắt anh mở to nhìn chằm chằm vào tivi. Đồng tử giãn ra, đen hết hai con mắt.
Bác sĩ Montgomery cười khi ông cầm ống tiêm đến trước mặt Justin.
"Đừng lo, Justin. Tôi biết anh rất ghét kim tiêm nhưng nó cần thiết để làm tê.
Tôi cần giúp anh vài thứ trước khi cái răng bị áp xe. Chẳng đau gì cả, chỉ có cảm giác lạ lạ chút thôi".
Mắt Justin mở to hơn. Anh vẫn dán vào chiếc tivi và cố ngồi ngay ngắn lại.
Lần đầu tiên, Justin không quan tâm đến kim tiêm! Anh phải cố gắng nói điều anh muốn ... Nhưng làm cách nào bây giờ ...? Không thể cử động hay đóng miệng, tất cả những gì anh làm được là tạo ra thứ âm thanh gì đó không thành tiếng.
"Vâng, đừng sợ. Chỉ một phút nữa thôi. Tôi ở ngay đây".
Bác sĩ chắn ngang tầm nhìn của Justin với chiếc tivi. Không diễn tả được điều mình muốn, Justin oằn người vặn vẹo trên ghế, cố ngước lên xem cho bằng được tivi.
"Chúa ơi, Justin, đừng làm vậy. Cây kim tiêm không giết anh được nhưng chắc là tôi sẽ giết đấy nếu anh không thôi oằn người như thế!".
Ông cười thầm, cười thầm.
"Bác sĩ, tôi nghĩ khoan đã ...", trợ lý của ông nói và Justin nhìn cô ta với cặp mắt biết ơn.
Tiếp tục trợn tròn mắt. Tiếp tục lúng búng những thanh âm không rõ ràng trong cổ họng.
"Tivi? Anh nói gì?", bác sĩ Montgomery nhìn lên tin Sky News và cuối cùng rút tay ra khỏi miệng Justin.
Cả ba tập trung vào màn hình. Hai người tập trung vào tin tức chạy dưới chân. Còn Justin nhìn phía trên, khung cảnh bố con Joyce đi ngang ống kính. Có vẻ họ đang nói chuyện gì đó căng thẳng, hai tay huơ vô vọng trong không khí.
"Nhìn hai người kia làm gì kìa!". Bác sĩ Montgomery chú ý theo, bật cười.
Bất thình lình, bố đẩy túi xách của ông sang tôi và đi nhanh về hướng khác, bỏ tôi một mình với hai chiếc túi to vật vã.
"Này bố ơi ...!" Tôi la lớn phía sau. Ông vẫn nhanh chóng bỏ đi, bỏ cả túi xách của ông cho tôi. Ông sẽ lạc đường. Lần nữa. Kể từ khi chúng tôi rời khỏi tòa nhà Banqueting, ông không chịu đi taxi vì tiết kiệm tiền. Tôi vẫn còn thấy ông đằng xa. Nhưng không thể đuổi theo với những hành lý cồng kềnh, tôi đành ngồi xuống, chờ ông nhận ra mình lạc đường và quay trở lại. Giờ, trời đã chiều tôi chỉ muốn đi về khách sạn tắm. Điện thoại của tôi reo lên.
"Chào Kate".
Tiếng cười bên kia giòn tan, nắc nẻ.
"Chuyện gì xảy ra với cậu thế?". Tôi cười. "Thật vui khi thấy cậu vui vẻ thế".
"Ô, Joyce", cô bạn nói hổn hển, đến mức tôi tưởng tượng Kate đang phải lau cặp mắt đầy nước vì cười quá mức. "Cậu đúng là liều thuốc tốt nhất, thật sự tốt nhất ...".
"Ý cậu muốn nói gì?", tôi nghe tiếng trẻ con cười bên kia đầu dây.
"Làm ơn đưa tay phải của cậu lên đi".
"Tại sao?".
"Làm đi. Đó là trò chơi bọn nhỏ chỉ cho tớ". Cô cười rúc rích.
"Được thôi", tôi thở dài và đưa tay phải lên.
Lại nghe tiếng mấy đứa trẻ la hét, cười ngặt nghẽo bên kia đầu dây.
"Nói cô ấy lắc lư chân phải", Jayda la lên từ xa.
"Ừ, tôi cười. Điều này đã làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi lắc lư chân phải và bọn trẻ cười to hơn. Tôi cũng có thể nghe thấy cả tiếng chồng Kate hét toáng lên ở đầu dây bên kia. Một cảm giác khiến tôi khó chịu. "Kate, chính xác là chuyện gì vậy?".
Kate không thể trả lời vì đang cười quá mức.
"Bảo cô ấy nhảy lò cò!". Eric la lên.
"Không". Tôi bực mình.
"Cô ấy đã làm theo yêu cầu của Jayda", thằng bé bắt đầu khóc rấm rứt và điều đó khiến tôi áy náy.
Tôi nhanh chóng nhảy lò cò.
Họ la ó lên lần nữa.
"Nhân tiện", Kate nói hổn hển trong tiếng cười, "Có ai ở xung quanh cậu không?".
"Cậu nói gì thế?", tôi chau mày, nhìn quanh. Và khi tôi quay lại đằng sau, tôi lập tức hiểu chuyện gì. Một nhóm quay phim đứng cách tôi không xa. Họ làm gì đó. Với máy quay. Và tôi thì nhảy lò cò!
"Người phụ nữ này làm chuyện quái gì thế?", bác sĩ Montgomery đi đến gần tivi. "Cô ta đang nhảy à?".
"Ô ... han ee ha?". Justin lúng búng, miệng tê tê.
"Có gì đâu, tôi có thể hiểu điệu nhảy đó mà ...", anh trả lời. Tôi nghĩ cô ấy chơi một trò chơi của trẻ con. Thấy không? Bạn để chân trái vào trong ...", anh bắt đầu hát. "Để chân trái ngoài, trong, ngoài, trong, ngoài. Lắc lư, lắc lư. Anh nhảy vòng vòng mặc kệ cô y tá trợn tròn hai mắt.
Justin cảm thấy thư giãn hơn. Anh quay trở lại ghế, nhấp nhổm mất kiên nhẫn.
Nhanh lên! Tôi cần phải đi gặp cô ta!
Bác sĩ Montgomery liếc nhìn một cách tò mò, đẩy anh nằm xuống, đưa dụng cụ vào miệng anh lần nữa.
Justin ùng ục tạo tiếng động trong cổ họng.
"Giờ thì không nên giải thích với tôi, Justin, anh không được đi đâu hết cho đến khi tôi trám lại chỗ răng hỏng này.Anh phải uống kháng sinh để tránh áp xe". Ông cười, suy nghĩ một lát rồi thêm vào. "Và cho dù cô Joyce đó là ai, anh cũng phải cảm ơn cô ta vì đã làm cho anh không còn sợ kim tiêm. Anh còn không hay biết lúc tôi chích kim tiêm vào".
"Aah ...haa ooo aaa aa ee a".
"Ô, vâng, tốt cho anh, anh bạn. Trước đây, tôi cũng cho máu. Ổn cả, phải không?".
"Aa Ooo aaa iii uuuu".
Bác sĩ Montgomery quay lại nhìn và cười. "Đừng ngốc thế, họ chẳng bao giờ nói với anh rằng máu của anh được cho ai đâu. Hơn nữa, nó được phân tách ra thành nhiều phần khác nhau, tiểu huyết cầu, hồng cầu ...".
Justin lúng búng trong miệng lần nữa.
Lần này thì bác sĩ cười thành tiếng.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.