"Em đang trong kỳ nghỉ mà, Justin. Sao anh cứ phải kéo em tập thể dục thế nhỉ?". Al bước ngắn bước dài, hổn hển bên cạnh Justin - người đang trong mọi nỗ lực giữ cho cậu em ngả nghiêng ngả ngửa của mình phải sải những bước dài theo sau. "Anh có cuộc hẹn với Sarah tuần tới", Justin bước từng bước mạnh mẽ khỏi ga xe điện ngầm, "Và anh cần phải lấy lại thân hình cũ". "Anh đâu có mất vóc dáng lắm đâu ...". Al tiếp tục thở hổn hển, vừa nói vừa quệt những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên trán. "Đám mây mờ của chuyện ly dị làm anh không còn muốn luyện tập ...". "Đám mây mờ của chuyện ly dị?". "Ừ, em chưa nghe người ta nói vậy bao giờ à?". Al vẫn mệt không tranh cãi nổi, chỉ lắc lắc đầu như một con gà tây. "Đám mây di chuyển chậm rãi, rồi nó vớ lấy vóc dáng, thân hình em, tự nó bao bọc em trong sự êm ái, khiến em không còn có thể chuyển động, không thể thở hay tập luyện. Ngay cả không thể hẹn hò hay ... có chuyện này kia với những người phụ nữ khác". "Đám mây chuyện ly dị của anh nghe y hệt như đám mây cuộc hôn nhân của em". "Đúng vậy. Đám mây đó bây giờ đã bay đi mất rồi ...". Justin nhìn lên bầu trời London xám xịt, nhắm mắt trong một khoảnh khắc và thở thật sâu. "Giờ, đã đến lúc anh quay trở lại với sự vận động". Anh mở mắt, kịp nhận ra mình tông sầm vào một cái cột đèn. "Chúa ơi, Al!". Anh đau đến mức gập cả người lại, hai tay ôm lấy đầu. "Cảm ơn anh cảnh báo!". Gương mặt to bè như củ cải đường của cậu em trai vẫn hổn hển từng hơi thở khó nhọc ngay sau anh. Những từ ngữ thốt ra đứt quãng như cả sự cố gắng mới nói được. "Này Al, nhìn lại em xem. Có nhớ bác sĩ dặn em phải giảm bao nhiêu ký không?". "Hai chục ký ...". Hổn hển. "Không chính xác lắm". Hổn hển. "Chắc hơn vậy nữa. Nhưng mà anh thôi bắt đầu điệp khúc đó đi. Hổn hển. "Mỗi mình Doris với những câu càu nhàu hàng ngày cũng quá đủ với em rồi!". Cậu em trai của Justin tiếp tục những hơi thở phì phò. Và ho. "Cô ấy luôn nói về ăn kiêng dù những gì cô ấy biết về ăn kiêng khác xa em. Người phụ nữ đó chẳng bao giờ ăn hay sao ấy. Cô ấy sẽ e ngại cả việc cắn móng tay nếu trong trường hợp móng tay chứa quá nhiều ca- lo". "Mấy cái móng tay của Doris là móng thật à?". "Chúng và cả mớ tóc của cô ấy nữa đều thật cả ...". Al nhìn chung quanh, vẫn chưa thôi cơn choáng vì mệt. "Nhiều thông tin nhỉ ...", Justin đầy vẻ khó hiểu, "Anh không tin được là mái tóc của Doris cũng là hàng thật!". "Thật cả đấy, trừ màu sắc của nó thôi. Tóc cô ấy nguyên gốc màu nâu ... Tất nhiên. Choáng quá đi mất!". "Vâng, đúng là cô vợ của em làm người ta hơi choáng thật. Nhất là khi nói chuyện kiếp trước để giải thích về người phụ nữ trong tiệm làm tóc ấy", Justin cười thành tiếng. Vậy anh giải thích bằng cách nào? "Không. Em nói là em bị choáng quá đi mất đây này". Al liếc anh và bước tới vịn tay vào một cái hàng rào gần đấy. "Ồ, anh biết mà. Anh đùa thôi. Chúng ta gần tới nơi rồi. Em có nghĩ là chúng ta đi tiếp thêm chừng một trăm mét nữa không nhỉ?". "Anh đừng đùa thế được không". Al vội vã cắt ngang. "Này, em và Doris dự tính đi nghỉ khoảng một vài tuần. Nhưng giờ áng chừng cũng được cả tháng rồi đấy!". "Tụi em muốn làm anh bất ngờ mà. Có người trông chừng giúp cửa hàng trong lúc tụi em đi nghỉ. Bác sĩ nói rằng em cần được nghỉ ngơi nhiều, Justin. Với tiền sử gia đình có người bệnh tim, em thật sự cần được nghỉ ngơi thư giãn". "Em nói với bác sĩ về tiền sử bệnh tim gia đình à?", Justin hỏi lại. "Vâng, thì em nói bố mất do một cơn đau tim. Em có thể nói thế nào khác được?". Justin im lặng. "Ngoài ra, anh cũng đừng lo lắng quá. Doris sẽ làm cho căn hộ của anh trở nên tuyệt đẹp, khiến anh hài lòng trong thời gian tụi em ở đây. Anh có biết là cô ấy đã tự mình tỉa tót lông luôn cho mấy con chó không?". Mắt Justin trợn tròn. "Em biết ...", Al thêm vào một cách tự hào. "Có bao nhiêu buổi hội thảo anh định tổ chức ở Dublin? Em và Doris có thể đi cùng anh đi đến đó đấy. Anh xem, tụi em sẽ đến thăm lại nơi bố từng sống". "Ý kiến cũng không tệ lắm!". Justin nghĩ đến lịch làm việc và thời khóa biểu của mình. "Anh có vài buổi hội thảo sắp tới. Nhưng em sẽ không thể ở đây lâu thế đâu nhé ...". Anh nhìn Al, dò xét những "âm mưu" của cậu em trai. "Và em cũng không thể đến đó vào tuần tới, vì anh định sẽ tranh thủ kết hợp luôn chuyến đi này và mấy cuộc hẹn cùng Sarah" . "Anh đắm đuối cô ấy thật đấy à?". Những ngôn từ thốt lên từ cậu em trai gần bốn mươi tuổi đầu của Justin chẳng bao giờ khiến anh thôi kinh ngạc. "Anh đắm đuối cô ấy?", anh lặp lại, vừa kinh ngạc vừa thoáng thấy rối bời. Câu hỏi hay đây chứ. Không hoàn toàn đắm đuối, nhưng cô ấy là một người hơn mức bạn bè. Đó có phải là câu trả lời khả dĩ chấp nhận được không? "Cô ấy không định lấy máu anh nữa đấy chứ?", Al đùa. "Hừm, có điều gì đấy thật kỳ bí", Justin nói. Sarah cứ như cô ma cà rồng lúc nào cũng nhắc đến máu. Nhưng mà ... bây giờ thì phải tập thể dục chừng một tiếng nữa đi thôi". Anh đổi đề tài. "Anh không nghĩ nghỉ ngơi thư giãn theo kiểu nằm một chỗ thì tốt cho em đâu. Anh sẽ đưa em đến phòng tập này ...". "Một tiếng đồng hồ á?", Al gần như phát hoảng. "Anh định làm cái gì trong cuộc hẹn hò với nàng Sarah đấy, chàng vận động viên leo núi?". "Chỉ ăn trưa thôi". Al tròn mắt. "Hả? Anh có cần phải đuổi bắt và tiêu diệt hết sạch những thức ăn anh ăn vào bằng các bài tập nặng thế này chỉ để ... hẹn ăn trưa thôi không? Em nói thật nhé, anh cứ tập nặng như thế trong ngày đầu tiên sau hơn cả năm trời bỏ tập đi, rồi sáng mai anh thức dậy, em đố anh nhấc được chân lên mà đi đấy ...". Tôi thức giấc vì những thanh âm va chạm vào nhau loảng xoảng của những chiếc bình và xoong chảo từ tầng dưới vọng lên. Tôi nhận ra mình đang ở trên chiếc giường ngủ ở nhà và phải mất một lúc để nhớ lại mọi thứ. Ngay sau đó, tôi nhớ mọi thứ, nhớ tất cả mọi thứ lần nữa. Việc buộc phải nhớ lại vào mỗi khoảnh khắc đầu ngày thế này giống như viên thuốc. Và viên thuốc tôi phải uống đó, như thường lệ, quá khó nuốt. Một ngày nào đấy, tôi thức dậy và tôi sẽ biết những gì đã xảy ra mà không cần nhớ. Cầu mong đó sẽ là một khoảnh khắc quên lãng đầy hạnh phúc. Đêm qua, tôi ngủ không ngon giấc vì những ý nghĩ hỗn độn trong đầu và vì những âm thanh của nước xả từ bồn chứa nước đều đặn mỗi giờ khi bố kéo cần xả trong nhà vệ sinh. Khi bố ngủ, tiếng ngáy của ông vang khắp những bức tường trong nhà. Mặc dù cứ bị ngắt quãng như thế, những giấc mơ trong suốt khoảnh khắc chợp mắt ngắn ngủi vẫn mờ mịt trong tâm trí tôi. Chúng gần như là thật, giống như nhũng ký ức dù đố ai biết được chúng thật đến mức nào, sau tất cả những biến chuyển thay đổi tâm hồn của chúng ta? Tôi nhớ mình đã ở trong một công viên, mặc dù tôi không nghĩ đấy là tôi. Tôi xoay vòng một đứa con gái nhỏ với mái tóc vàng ánh kim quanh cánh tay tôi trong khi một phụ nữ với mái tóc đỏ nhìn theo và mỉm cười, với máy quay hình trong tay cô ấy. Công viên rực rỡ đầy màu sắc với không biết bao nhiêu là khóm hoa, và chúng tôi đã có một buổi đi chơi ngoài trời. Tôi cố nhớ cái bài hát mà tôi đã nghe suốt đêm, nhưng không nhớ ra nổi. Thay vào đó, tôi nghe tiếng bố ở tầng dưới hát vang một bài hát cổ của người Ai- len, bài hát bố đã hát trong tất cả mọi buổi tiệc của tôi cũng như của bố. Ông đứng đó mắt nhắm nghiền, vại bia trong tay, một hình ảnh đầy hạnh phúc khi ông hát về lịch sử của người Ai- len. Tôi cà nhắc hai chân khỏi giường và khẽ rên lên vì đau. Đột nhiên cảm giác đau đớn ập đến với cả hai chân tôi, rồi hông, rồi phần bắp đùi, cả trên những cơ bắp ở bắp chân dưới. Tôi cố gắng dịch chuyển phần còn lại của cơ thể mình và cảm thấy nó cũng tê liệt với cảm giác đau. Vai của tôi, bắp tay dưới, bắp tay trên, cơ lưng, thân mình. Tôi xoa bóp nhè nhẹ những bắp thịt với sự hoang mang và tự "ghi chú" trong đầu rằng mình sẽ đến bác sĩ trong trường hợp có gì đó không ổn. Tôi chắc rằng đó là vì trái tim tôi, cứ như thể nó đang chứa đầy những đau đớn và nó cứ rỉ dần, rỉ dần sự đau đớn đó ra khắp cơ thể để nhẹ nhõm bớt. Mỗi cơn co thắt cơ là mỗi lúc cơn đau như lan rộng ra hơn bên trong, mặc dù chắc hẳn bác sĩ sẽ nói với tôi rằng đó là vì cái giường quá cũ kỹ, đến hơn ba mươi năm tuổi mà tôi nằm ngủ. Tôi ném chiếc váy cạnh mình và chậm rãi, thật vững vàng đứng lên, cố gắng để không gập chân lại. Có mùi khói thơm thơm trong không khí và tôi chợt để ý khi đi ngang qua chỗ bức ảnh của mẹ để trên bàn trong phòng, rằng bức ảnh không còn ở đó. Điều gì đó thôi thúc tôi hối hả mở ngay những ngăn tủ dưới bàn ra. Và ... bà ở đó, bức ảnh của bà, úp mặt xuống trong ngăn kéo. Những giọt nước mắt ứa ra trong mắt tôi, đầy giận dữ vì một thứ đầy quý giá với tôi lại bị giấu đi như thế. Bức ảnh ấy luôn luôn có ý nghĩa hơn bất kỳ tấm ảnh nào khác của tôi và mẹ, nó như thay thế cho sự hiện hữu của bà trong ngôi nhà, nằm trang trọng ngay vị trí có thể đón chào chúng tôi bất cứ khi nào chúng tôi vừa bước vào nhà hay từ tầng trên đi xuống. Tôi hít một hơi thật sâu và quyết định là sẽ không nói gì hết lúc này, tự nhủ rằng bố có lý đo của bố, mặc dù tôi vẫn không nghĩ rằng có thể chấp nhận được bất cứ lý do nào cho việc tự ý dẹp đi tấm hình của mẹ. Tôi nhẹ nhàng khép lại ngăn kéo bàn, để nguyên mẹ ở vị trí mà bố đã đặt bà vào đấy, cảm giác giống như tôi đang chôn cất bà lần nữa. Khi tôi cà nhắc đi vào bếp, những tiếng động ồn ào như chào đón tôi. Bình bát chén đĩa, xoong chảo ngổn ngang ở khắp nơi. Những chiếc khăn dùng uống trà, những mảnh vỏ trứng. Bố đang mang một chiếc tạp dề có in hình một phụ nữ chỉ mặc bộ nội y khá gợi cảm màu đỏ. Chiếc tạp dề phủ trùm cả áo sơ mi đẫm mồ hôi và chiếc quần dài của ông. Bố mang một đôi dép lê in hình những quả bóng to, hình ảnh của đội Manchester United. "Buổi sáng tốt lành, con gái". Ông nhìn tôi và bước lên trước bằng chân trái, đặt một nụ hôn lên trán tôi. Tôi nhận ra đây là lần đầu tiên trong từng ấy năm, có một ai đó làm bữa sáng cho tôi. Nhưng đó cũng là lần đầu tiên trong rất nhiều năm bố có ai đó để mà nấu bữa sáng cho. Đột nhiên những tiếng hát, những sự lộn xộn, những cái bình cái chảo lách cách lanh canh đều mang đầy tình cảm, ông rất phấn khích. "Bố làm bánh quế đấy!", ông nói bằng giọng Mỹ. "Ồ ... Tuyệt quá!". "Nó tên là cái gì mà giống như những con lừa, phải không nhỉ?". "Con lừa nào bố?". "Con lừa ...", bố ngừng khuấy cái gì đó trong chiếc chảo đang nóng và nhắm mắt suy nghĩ, "Một câu chuyện về người đàn ông màu xanh". "Truyện Hulk phi thường?". "Không". "Ừm, con chẳng biết bất kỳ người màu xanh nào khác cả". "Con biết mà, con biết một người ...". "Truyện Phù thủy độc ác miền Tây?". "Không phải. Không có con lừa nào trong truyện đó. Con thử nghĩ về những câu truyện mà có con lừa ấy". "Đó là một câu truyện trong Kinh Thánh hả bố?". "Có câu truyện nào kể về những con lừa trong Kinh Thánh hả, Gracie? Chẳng lẽ Chúa Jesus ăn bánh quế à, con nghĩ thế à? Chúa ơi, thế hóa ra chúng ta bị sai hết rồi, hóa ra là Chúa đã bẻ bánh quế chia cho những người khác đấy chứ không phải bánh mì ...". "Tên con là Joyce mà!". "Bố không nhớ rằng Chúa từng ăn bánh quế, nhưng ... chắc chắn, bố sẽ không hỏi đám đông ở Câu lạc bộ thứ Hai đâu nhỉ? Có lẽ bố đọc một cuốn Kinh Thánh sai trong suốt cả đời". Ông bật cười to tướng với câu nói đùa của chính mình. Tôi nhìn qua vai ông. "Bố ... không phải bố đang làm bánh quế à?". Bố thở dài với một vẻ cáu tiết hơn. "Bố là một con lừa à? Có phải con thấy bố giống như một con lừa không? Những con lừa làm bánh quế, còn bố làm những đĩa thức ăn rán rất ngon". Tôi nhìn ông gạt những cái xúc xích bên cạnh ra. "Bố cũng sẽ làm xúc xích". "Nhưng bố ăn chay mà ...". "Ăn chay? Bố đâu có ăn chay chút nào nữa!". Tôi thấy những ý nghĩ lẫn lộn trong mình. Rồi đột nhiên, tôi buột miệng, "Hình của mẹ không còn để trên cái bàn trong tiền sảnh". Bố lạnh người, phản ứng như có lỗi, và điều đó càng làm tôi giận dữ mặc dù trước đấy tôi đã tự thuyết phục mình rằng bí mật về tấm hình bị cất đi không nên lại đem ra làm khó làm dễ bố. "Tại sao ạ?". Đó là tất cả những gì tôi nói. Bố cố làm ra vẻ đang bận rộn tay chân, lách cách chạm tới chạm lui những chiếc đĩa. "Tại sao cái gì con? Bố thì bố muốn biết là tại sao con đi giống như vậy?". Mắt bố nhìn động tác bước đi của tôi một cách tò mò. "Con không biết", tôi trả lời, và lại cà nhắc vòng quanh phòng để kiếm một chỗ ngồi. "Có lẽ nó di truyền nên lan từ người này sang người khác trong gia đình". "Hơ hơ hơ ...". Bố cười chế giễu và nhìn lên trần nhà. "Chúa ơi, nghe con bé nói này!". Bố đã đưa tôi trở về và tôi không thể làm gì khác ngoại trừ mỉm cười. Cứ thế, tôi sắp xếp bàn ăn, bố làm bữa sáng và cả hai chúng tôi khập khiễng quanh nhà bếp, giả vờ rằng mọi thứ vẫn vẹn nguyên như thế và sẽ mãi mãi là như thế. Cuộc sống này chẳng bao giờ kết thúc. "Bố, bố có kế hoạch gì hôm nay không? Bố có bận gì không?". Cái muỗng đầy thịt, trứng, nấm, cà chua đang đưa lên miệng bố bất chợt dừng lại. Cặp mắt ông ánh lên những tia thích thú, dưới hàng chân mày dày cứng chăm chú nhìn tôi. "Kế hoạch? Ồ ... để xem Gracie, bố xem lại bảng kế hoạch trong ngày. Bố sẽ suy nghĩ về nó sau khi ăn xong món thịt rán khoảng mười lăm phút nữa, uống thêm một tách trà. Trong khi uống trà, bố có thể ngồi trên chiếc ghế cạnh cái bàn này hoặc là ngồi trên ghế con đang ngồi. Chỗ chính xác thì xác định sau, giống như trong kế hoạch vậy. Sau đó bố xem lại coi mấy câu trả lời cho các ô chữ hôm qua có đúng không. Cái nào đúng, cái nào sai. Và bố đi tìm câu trả lời cho những từ mà hôm qua bố giải sai. Tiếp đến, bố giải trò chơi sudoku, rồi trò chơi ô chữ. Chúng ta phải cố gắng tìm những từ trong lĩnh vực hàng hải hôm nay. Sự đi biển, tàu thuyền, du thuyền, vâng, bố có thể làm được. Bố đã tìm được từ "đi chơi bằng thuyền" ở hàng đầu tiên. Sau đó bố sẽ cắt coupon trên báo. Đó là tất cả công việc của bố cho sáng nay, Gracie. Rồi bố uống thêm một tách trà nữa. Nếu con muốn hẹn, hãy nói với Maggie nhé!". Ông nói một lèo, miệng vẫn ăn ngấu nghiến. Một miếng vụn trứng dính dưới cằm nhưng ông không biết để chùi đi. Tôi cười: "Maggie là ai, bố?". Ông nuốt muỗng thức ăn và cười đầy vẻ thích thú. "Bố không biết tại sao bố nói như vậy nữa". Thêm vài giây suy nghĩ, cuối cùng ông bật cười. "Có một ông mà bố biết hồi ở Cavan, cách đây sáu mươi năm. Ông ấy tên là Brendan Brady. Cứ mỗi khi có ai muốn hẹn với ông ta, ông ta nói ...", bố trầm giọng xuống, "Hãy nói với Maggie. Đúng thế đấy! Làm như ông là người quan trọng lắm. Cô đó là vợ hay thư ký của ông ta, bố cũng chẳng biết. Hãy nói với Maggie ...", bố lặp lại, "Maggie có thể là mẹ của ông ta không chừng". Ông cười lớn và tiếp tục ăn. "Vậy theo kế hoạch của bố, thì bố sẽ làm chính xác những điều đã làm hôm qua". "Ồ, không, không phải lúc nào cũng giống y chang!". Ông lật từng trang cuốn chương trình tivi và đè ngón tay lên tờ của ngày hôm nay. Rồi bố nhìn đồng hồ trên tay, kéo ngón trỏ xuống phía cuối trang. Ông lấy cây viết màu đánh dấu vào một chương trình. "Bệnh viện thú y thay vì chương trình Bày bán đồ cổ. Không phải chính xác là ngày nào cũng giống ngày nào đâu. Chương trình hôm nay sẽ là mấy con chó và mấy con thỏ chứ không phải ấm trà giả của bà Betty. Chúng ta có thể thấy bà ta đang bán chó nhà". Ông tiếp tục đánh dấu các chương trình ưa thích, lưỡi thỉnh thoảng lè ra liếm hai khóe miệng, chăm chú như thể đang thiết kế một bản thảo quan trọng. "Quyển sách của Kells", tôi thốt ra vu vơ, những điều đó không có gì là lạ mấy hôm nay. Bất chợt vu vơ một điều gì đó hình như đã trở thành qui tắc mới của tôi. "Con nói gì vậy?". Bố ngừng tô màu và ăn tiếp. "Mình vô thành phố hôm nay đi bố. Đi dạo vòng quanh các con đường, đến trường Cao đẳng Trinity và xem Quyển sách của Kells". Bố nhìn tôi chằm chằm. Tôi không biết bố đang nghĩ gì. Có thể bố cũng nghĩ giống tôi. "Con muốn đi đến trường cao đẳng Trinity? Con chưa từng bao giờ muốn bước chân đến gần các trường học với bố và mẹ, ngay cả đi thăm con cũng chưa bao giờ muốn, sao tự nhiên bất ngờ hôm nay con lại muốn đi. Ơ, từ 'sao tự nhiên' và 'bất ngờ' cùng nghĩa mà. Không nên cùng có mặt trong một câu!", ông tự nói rồi tự sửa. "Vâng, con muốn đi!". Tôi, sao tự nhiên, bất ngờ, rất muốn đi đến trường cao đẳng Trinity. "Nếu con không muốn xem chương trình Bệnh viện thú y, cứ cho là vậy, con cũng không phải vội vã vô thành phố đâu. Điều gì đó đã làm con thay đổi tính hả con gái ...". "Bố nói đúng. Gần đây sao con cứ làm vài thứ khác khác". "Vậy sao? Bố chẳng chú ý ... Đổ vỡ hôn nhân, con không còn ăn chay nữa, con chẳng nói gì về công việc của con, và việc con chuyển đến đây ... Có quá nhiều điều xảy ra gần đây. Bố có thể nói sao nhỉ, tính tình thay đổi hay một tính cách mới bắt đầu?". "Con cần phải làm điều gì đó mới", tôi giải thích. "Con có thời gian cho Frankie và Kate, nhưng với người khác thì không ... Lúc này con chưa muốn gặp ai. Chúng ta phải thay đổi kế hoạch thôi, bố. Con đang cầm cái remote điều khiển cuộc đời con và con sẵn sàng nhấn vài nút". Ông lại nhìn tôi chằm chằm và bỏ miếng xúc xích vào miệng. "Chúng ta sẽ đón taxi vô thành phố và đi xe buýt dạo quanh các con đường. Bố nghĩ sao? MAGGIE!". Tôi hét lớn làm bố giật nẩy mình. "MAGGIE, BỐ SẼ ĐI XUỐNG THÀNH PHỐ CHƠI VỚI TÔI. ĐƯỢC KHÔNG?". Tôi vểnh tai như chờ câu trả lời. Rồi giữ một vẻ mặt thật hạnh phúc như đã nhận được câu trả lời, tôi gật đầu đứng dậy. "Vâng, bố! Quyết định rồi. Maggie nói là bố có thể đi vô thành phố với con. Con sẽ đi tắm đây và chúng ta sẽ ra khỏi nhà khoảng một giờ nữa!". Tôi đi ra khỏi bếp, bỏ lại bố vẫn ngồi ngơ ngác với miếng trứng dính trên cằm. "Bố nghi ngờ việc Maggie đồng ý cho bố đi nhanh như vậy, Gracie!". Bố nói, cố gắng theo kịp tôi trên lối dành cho người đi bộ trên đường Grafton. "Con xin lỗi, bố!". Tôi hạ giọng, sực nhớ đến cái chân của ông. Ngay cả khi mang đúng đôi giày đặc biệt thiết kế cho đôi chân của mình, ông vẫn bị lắc lư khi đi và tôi sẽ lắc lư theo ông. Ừ, ngay cả khi hai chân ông bằng nhau, tôi cũng tưởng tượng ông sẽ lắc lư đó, là nét riêng biệt của. "Bố, sao bố chưa bao giờ gọi con là Joyce?". "Con nói gì thế? Ơ, đó chẳng phải là tên của con sao?". Tôi ngạc nhiên nhìn ông: "Bố không để ý bố luôn gọi con là Gracie à?". Ông có vẻ ngập ngừng nhưng chẳng bình luận gì và tiếp tục đi. Lên xuống, lên xuống. "Con sẽ đưa bố mỗi lần năm euro nếu từ giờ đến lúc về nhà bố gọi con là Joyce nhé!", tôi cười. "À được chứ, thỏa thuận rồi nhé, Joyce, Joyce, Joyce. Ôi, bố yêu con làm sao, Joyce!", ông cười lặng lẽ. "Vậy là được hai mươi euro rồi!", ông thúc tôi và nói nghiêm túc. "Bố chẳng để ý là bố gọi con như vậy, con yêu. Bố sẽ hết sức cố gắng!". "Cám ơn, bố!". "Con làm bố nhớ nhiều về mẹ, con biết không ...". "Thật vậy sao bố?". Tôi cảm động. Tôi cảm giác hai mắt cay cay. Ông chưa bao giờ nói như vậy. "Bằng cách nào ạ?". "Cả hai đều có lỗ mũi to to". Tôi trợn mắt. "Bố không biết tại sao chúng ta lại đi quá xa trường cao đẳng Trinity. Đó là nơi con muốn đến à?". "Vâng, nhưng tour xe buýt bắt đầu từ khu Stephen's Green. Chúng ta sẽ đi ngang qua nó. Con không muốn đi vào trường lúc này". "Tại sao?". "Đang giờ ăn trưa". "Và chương trình Quyển sách của Kells đóng cửa nghỉ một giờ, phải không?". Bố trợn mắt. "Bố chẳng hiểu sao con cứ đòi vào đó. Con nghĩ gì thế? Đòi vào rồi bây giờ lại không vào chỉ vì giờ ăn trưa? Bố nghe không có lý!". "Nhưng mà có lý với con!". Tôi không biết tại sao nó lại có lý với mình, nhưng tôi cứ có cảm giác rõ rệt là cần phải vào trong dù bây giờ thì chưa nên vào. Tận sâu trong lòng mách bảo như vậy. Justin lướt nhanh qua lối nhỏ phía trước trường Cao đẳng. Trinity và đi vội ra đường Grafton. Ăn trưa với Sarah. Anh giả lơ với tiếng cằn nhằn trong lòng mình rằng nên hủy cuộc hẹn với cô ta. Cho cô ta một cơ hội. Cho mình một cơ hội. Anh cần phải cố gắng. Anh cần tìm lại bản lĩnh của mình. Anh cần nhớ lại rằng không phải cuộc hẹn nào với phụ nữ cũng giống nhau. Như lần đầu tiên anh liếc mắt nhìn Jennifer. Trống ngực đánh thình thình làm toàn thân anh rung động, bụng cồn cào, cảm giác rộn ràng khi anh chạm nhẹ trên làn da cô. Anh suy nghĩ về cảm giác hẹn hò với Sarah. Chẳng có gì. Chẳng có gì ngoài việc cô ta thu hút anh và điều lý thú là anh đã quay lại với thế giới hẹn hò. Tràn đầy cảm xúc nhưng lại sao đó ... Hình như anh không làm gì cho cô ta. Hình như anh phản ứng mạnh mẽ và tràn đầy cảm xúc hơn với người phụ nữ mà anh đã gặp trong tiệm cắt tóc cách đây vài tuần. Điều đó có ý nghĩa gì nhỉ? Hãy cho cô ấy cơ hội. Hãy cho mình cơ hội. Đường Grafton kẹt cứng vào giờ trưa như thể sở thú Dublin mở cửa và tất cả mọi con vật tràn ra ngoài đường, hạnh phúc vì được thoát khỏi nơi giam cầm trong một giờ. Anh đã xong công việc ngày hôm nay, buổi lên lớp của anh hôm nay với sinh viên năm ba về chuyên đề Tranh khắc trên đồng 1575 - 1775 đã rất thành công, nhất là với những sinh viên đã chọn môn anh để học. Cảm giác sẽ trễ hẹn với Sarah khiến anh như muốn cố gắng chạy. Nhưng sự đau nhức vì tập thể dục quá sức đã ngăn anh lại. Những cảnh báo của Al hoàn toàn chính xác. Anh đi khập khiễng dọc con đường, hình như sau cả hai người đi chậm nhất trên đường Grafton. Anh muốn vượt qua họ nhưng không được bởi dòng người xuôi ngược trên đường đã ngăn anh lại. Vậy thì đánh bước thật chậm với vẻ mất kiên nhẫn chứ biết làm sao. Anh không muốn cố gắng bắt kịp để vượt qua hai người phía trước, nhất là người đàn ông đang hát líu lo như trẻ nít và lắc lư bước đi làm gì nữa. Say rượu vào giờ này sao?!! Bố thảnh thơi bước thong thả trên con đường Grafton như thể ông có tất cả thời gian trên thế giới này. Đôi khi ông dừng lại và chỉ trỏ một vài thứ, tham gia vào vòng tròn xem biểu diễn trên đường, rồi chúng tôi tiếp tục đi. Đôi khi ông bước ra khỏi dòng người, làm mọi thứ trở nên lộn xộn. Giống như hòn đá trong dòng suối, ông đứng lại mặc kệ mọi thứ trôi chảy quanh ông. Ông đã hơi lãng trí, vâng, có lúc ông hoàn toàn lãng trí. Ông hát trong khi chúng tôi bước những bước lắc lư lên xuống, xuống lên. "Con đường Grafton thật là đẹp, Sự kỳ diệu ẩn đâu đó trong khoảng không ... Lấp lánh ánh mắt phụ nữ và những hạt bụi vàng trên mái tóc họ. Và nếu bạn không tin tôi, Hãy đến gặp tôi ở đó, Ở Dublin vào một sáng mùa hè tràn đầy nắng ấm ...". Ông nhìn tôi, mỉm cười và hát lại một lần nữa, quên một vài từ thì ông ậm ừ cho qua. Lúc làm việc, những ngày bận rộn khiến tôi thấy hai mươi bốn giờ hình như không đủ. Tôi như muốn giơ hai tay mình lên trời, nắm lấy từng phút từng giây, bắt nó ngừng lại, giống như một bé gái cố chạy theo bắt quả bong bóng. Tôi không thể nào bắt thời gian ngừng lại được nhưng bố có vẻ thành công với việc này. Tôi luôn lấy làm ngạc nhiên, không biết ông lấp đầy thời gian của mình bằng cách nào. Việc tôi giới thiệu với khách về những ngôi nhà, những sản phẩm bất động sản, rồi chuyện ánh nắng, hướng gió, chuyện lò sưởi, tủ quần áo có giá trị hơn những việc thơ thẩn mỗi ngày của ông không? Sự thật là tất cả chúng ta ai cũng thơ thẩn với những việc không tên, cố lấp đầy thời gian chúng ta có và chỉ tạo cho mình cảm giác "vĩ đại" hơn bằng cách lên danh sách dài thượt những công việc ta cho là quan trọng. Vì thế, bạn nên làm điều này khi mọi thứ có vẻ chậm lại và một phút như dài hơn lúc bình thường. Hãy thoải mái sử dụng thời gian của bạn. Chậm rãi hít vào. Mở mắt to hơn và ngắm nhìn hết mọi thứ. Nhớ tất cả điều đó. Nhớ lại những câu chuyện cũ, nhớ mọi người, nhớ những khoảnh khắc, những sự kiện đã qua. Hãy để những gì bạn trông thấy nhắc nhở bạn về một điều gì đó. Hãy nói. Hãy dừng lại và sử dụng thời gian của mình chú ý đến mọi vật xung quanh, làm cho nó trở nên ý nghĩa. Tìm ra những câu trả lời cho ô chữ mà hôm qua bạn không biết. Chậm lại. Đừng cố gắng làm mọi thứ ngay bây giờ. Hãy giữ mọi người lại, cảm thấy họ như thúc vào lưng mình, nhưng hãy giữ khoảng cách. Và không để ai điều khiển tốc độ của bạn. Nếu bây giờ có ai đó thúc vào lưng tôi một lần nữa ... Trời nắng quá! Thật khó mà nhìn thẳng về phía trước. Mặt trời như ngay trên đầu. Cuối cùng, chúng tôi đi đến gần đầu đường Grafton và tránh một đám đông. Bố bất ngờ dừng lại, bị mê hoặc bởi sự biểu diễn của các nghệ sĩ kịch câm gần đó. Tôi đang nắm tay ông nên tôi cũng bị dừng lại đột ngột, làm một người đang đi phía sau sấn ngay vào lưng tôi rõ mạnh! "Này!", tôi quay lại, "Anh phải nhìn cẩn thận chứ!". Người khách đi đường càu nhàu bối rối và bước nhanh đi "Cô cần phải nhìn cẩn thận thì có!", một giọng Mỹ vọng lại. Suýt tí nữa thì tôi bực bội hét toáng lên lần nữa, nhưng chính giọng nói vang lên của anh ta đã làm tôi không thốt nên lời. "Nhìn kia", bố ngạc nhiên nhìn người biểu diễn bị mắc kẹt trong cái hộp vô hình. "Bố có nên đưa cho anh ta cái chìa khóa vô hình để thoát ra khỏi cái hộp không nhỉ?", ông cười. "Thấy vui không con gái?". "Không ạ.". Tôi đang cố nhớ lại giọng nói của người khách đi đường ban nãy. "Con có biết vụ Valera trốn khỏi nhà tù nhờ chiếc chìa khóa giấu trong ổ bánh sinh nhật không? Ai đó nên nói cho người đàn ông này câu chuyện ấy. Giờ chúng ta đi đâu đây?". Ông xoay người về phía tôi. Ông rời chỗ biểu diễn của các nghệ sĩ đường phố, nhập ngay vào một cuộc diễn hành khác. Người đàn ông mặc chiếc áo len màu cát hồi nãy va quẹt phải quay lại nhìn tôi chòng chọc, rồi đi nhanh có vẻ như đang bực tức. Tôi vẫn nhìn theo anh ta. Tôi không còn cảm thấy khó chịu nữa. Nụ cười đó. Quen quen. "Gracie, con mua vé ở đây này. Bố tìm ra rồi!", bố la lớn từ xa. "Khoan đã, bố!". Tôi vẫn nhìn theo bóng áo len màu cát. Quay lại một lần nữa đi, để tôi thấy mặt anh, làm ơn đi. "Vậy bố sẽ đi mua vé". "Vâng ạ!". Tôi tiếp tục nhìn theo bóng chiếc áo len màu cát đang đi xa dần. Tôi không ... à, mà đúng hơn là tôi không thể rời mắt khỏi anh ta. Bên trong tôi như có một sợi dây thừng được tay cao bồi quăng ra, mong muốn mãnh liệt kéo anh ta trở lại. Bóng người khách bộ hành trở nên nhỏ dần, nhỏ dần, và tốc độ cũng chậm hơn. Anh ta bất ngờ dừng lại. Ôi ... Làm ơn quay lại. Tôi kéo sợi dây thừng trong lòng mình. Anh quay lại, nhìn vào đám đông. Tìm tôi? "Anh là ai?", tôi thì thầm. "Là bố!". Bố ngay sau tôi, kịp nghe câu lẩm bẩm của tôi để nói chen vào. "Con đang đứng giữa đường đấy!". "Con biết mà", tôi ngắt lời. "Giờ mình đi mua vé thôi ...". Tôi lôi ra một ít tiền. Tôi tách khỏi đám đông diễu hành, mắt vẫn dõi theo chiếc áo len màu cát, hy vọng người khách đi đường kỳ lạ sẽ thấy mình. Những sợi len bạc màu thô cứng như sàng lên giữa những màu tối sẫm xung quanh anh ta. Tôi tằng hắng và vuốt mái tóc ngắn cũn của mình. Anh tiếp tục nhìn con đường và bắt gặp ánh mắt tôi. Một tia sáng lóe lên trong đầu, tôi đã nhớ ra anh. Chính anh! Người tôi đã gặp trong tiệm cắt tóc. Bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra? Có lẽ anh ta chẳng nhận ra tôi nữa. Có lẽ, anh vẫn còn giận vì tôi đã quát anh ban nãy. Tôi không biết mình sẽ làm gì. Tôi nên cười? Vẫy chào? Cả hai chúng tôi chẳng ai cử động gì cả. Anh giơ tay lên. Vẫy chào. Tôi nhìn ra phía sau mình để chắc rằng anh chào mình chứ không phải là ai khác. Mặc dù tôi chắc trong lòng là anh chào tôi, nhưng tôi sẽ không nói với bố. Đường Grafton bỗng trở nên vắng vẻ. Và yên lặng. Chỉ có tôi và anh ta. Làm sao mà chuyện đó có thể xảy ra được. Thật là buồn cười. Tôi vẫy tay chào lại. Anh nói điều gì đó với tôi. Chữ gì nhỉ? Tôi đoán qua cách phát âm miệng anh ta. Xi- lô? Không. Xin ...? Xin gì nhỉ? Không. À, xin lỗi! Anh xin lỗi! Tôi cố gắng nói điều gì đó đáp lại, nhưng chỉ cười. Chẳng nói được gì khi miệng đang cười. Điều đó cũng giống như không thể huýt sáo khi cười vậy. "Bố mua được vé rồi!", tiếng bố la lớn. "Hai mươi euro một vé. Đúng là bóc lột. Bố không hiểu sao họ lại tính tiền chúng ta đắt thế chỉ vì chúng ta sử dụng đôi mắt của mình nhìn ngắm thôi. Bố sẽ viết thư phản đối điều này. Lần sau mà con có hỏi tại sao bố chỉ ở nhà xem tivi thì bố sẽ trả lời con là tại vì nó miễn phí. Cuốn chương trình tivi có hai euro, thêm một trăm năm mươi euro nữa là có thể xem cả năm, vẫn tiết kiệm hơn nhiều so với một ngày đi ra ngoài với con", ông giận dỗi. "Tiền taxi xuống thành phố cũng quá đắt chỉ để xem những thứ mà bố đã từng sống ngay đó và đã xem nó miễn phí suốt sáu mươi năm". Thình lình tôi nghe tiếng xe cộ trở lại. Rồi tôi thấy mọi người tụ tập xung quanh, cảm giác mặt trời và những cơn gió thoảng trên mặt tôi, cảm giác trái tim tôi đang đập loạn nhịp bên trong lồng ngực, bơm những dòng máu rạo rực đi khắp cơ thể. Tôi cảm thấy bố giật mạnh tay mình. "Nó sắp chạy rồi. Nhanh lên, Gracie, nó sắp chạy. Còn đi một khoảng ngắn nữa, chúng ta phải đi thôi. Gần khách sạn Shelbourne. Con ổn không? Mặt con giống như là mới gặp ma. Đừng có nói với bố là con mới gặp ma nhé bởi vì hôm nay bố đã chịu đựng đủ rồi. Bốn mươi euro!", ông lẩm bẩm. Lối dành cho người đi bộ bị cắt ngang ở đầu đường Grafton, cản tầm nhìn của tôi vào người khách đi đường lúc nãy lại. Tôi cảm giác bố kéo tôi và tôi đi với ông vào đường Merrion Row, đi lùi lại, cố để nhìn anh ta. "Khỉ thật!". "Chuyện gì vậy con? Chút nữa là tới rồi. Con làm chuyện gì thế, đi lùi?". "Con không thấy anh ta đâu nữa". "Ai, con?". "Một anh chàng mà con nghĩ là con biết". Tôi không đi lùi nữa, chỉ đứng với bố, và nhìn ngoái lại. "Ồ, trừ khi con chắc chắn là con biết anh ta, nếu không bố sẽ không dừng lại để nói chuyện tàm phào giữa thành phố đâu". Bố nói: "Xe buýt này sao, Gracie? Trông nó lạ quá, bố không chắc lắm. Mấy năm rồi bố không vô thành phố!". Tôi tảng lờ câu nói của bố, cứ để ông dẫn đường đến chiếc xe buýt trong lúc mắt tôi còn bận nhìn vào hướng khác tìm kiếm một cách tò mò qua các khung cửa sổ bằng nhựa. Một đám đông đi tới, che mắt anh ta, tôi không còn thấy gì nữa. "Anh ấy đi rồi". "Vậy sao? Không thể nhận diện một cách rõ ràng bởi vì anh ta chỉ lướt qua hả con!". Tôi chuyển sự quan tâm của mình sang bố. "Bố, đó là điều kỳ lạ nhất mà con từng biết!". "Bố chẳng quan tâm điều con nói, chẳng có cái gì kỳ lạ hơn cái này?". Bố nhìn xung quanh một cách hoang mang. Cuối cùng, tôi cũng định thần nhìn xung quanh chiếc xe buýt. Mọi người ai cũng đội mũ bảo hiểm Viking, và ôm cái phao cứu sinh. "Xin chào mọi người", người hướng dẫn tour nói trong micro, "Cuối cùng tất cả mọi người đã lên xe. Hãy xem quý vị sẽ làm gì ở điểm dừng chân tới. Khi tôi nói một từ, tôi muốn tất cả mọi người gầm lên giống như những tên cướp biển đã làm! Xin lặp lại một lấn nữa!". Bố và tôi đi nhanh vào chỗ ngồi của mình. Tôi cảm thấy ông níu lấy tôi trong khi mọi người gầm vang theo hướng dẫn. "Xin chào mọi người, tôi là Olaf, xin chào mừng quý khách đã lên xe buýt Viking! Trong lịch sử xe buýt này được biết với tên là DUKWS hoặc Ducks, nghe trìu mến hơn. Chúng ta đang ngồi trên xe phiên bản lội nước của hang General Motors trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Chiếc xe này được thiết kế đề có thể chạy dưới nước, có thể tải hàng hóa và lính từ tàu vào bãi biển. Hiện tại thì người ta thường sử dụng nó như xe lội nước cứu hộ ở Mỹ, Anh và một số nước khác nữa". "Chúng ta có thể xuống xe được không?", tôi thì thầm vào tai bố. Ông đập mạnh tôi và lắng nghe như bị thôi miên. "Chiếc xe này nặng bảy tấn, dài hơn chín mét, rộng chừng hai mét rưỡi. Nó có sáu bánh, có thể lái bằng bánh sau hoặc toàn bộ các bánh. Như quý vị có thể thấy, nó đã được sửa chữa lại với ghế ngồi tiện lợi, mái, và hai thành xe để bảo vệ quý vị từ những yếu tố bên ngoài, bởi vì, như quý vị biết, sau khi chúng ta đi tham quan vòng quanh thành phố, chúng ta sẽ lội nước, một chuyến đi kỳ thú quanh khu vực kênh đào Docklands!". Mọi người hò reo cổ vũ và bố nhìn tôi, hai mắt mở to như một đứa trẻ. "Thật xứng hai mươi euro. Xe buýt có thể lội nước. Xe buýt? Sẽ lội xuống nước? Bố chưa từng thấy bao giờ. Bố sẽ kể lại chuyện này cho mấy ông bạn ở câu lạc bộ thứ Hai. Donal to mồm sẽ kinh ngạc vì chuyện này!". Ông quay sang chăm chú nghe người hướng dẫn, cũng giống như mọi người khác, đang đội nón Viking có cái sừng. Bố chọn hai cái, đội lên đầu một cái, còn một cái đưa cho tôi. "Olaf, gặp Heidi nào!". Tôi đội nón lên đầu và quay sang bố. Ông ra vẻ gầm gừ trước mặt tôi. "Bên đường là những địa danh nổi tiếng của thành phố chúng ta như nhà thờ chính tòa, nhà thờ Thánh Patrick và nhà thờ Chúa cứu thế, trường Cao đẳng Trinity, tòa nhà chính phủ, Georgian Dublin ...". "Ồ, con sẽ thích cái này", bố thúc khuỷu tay vào tôi. " ... và dĩ nhiên là Viking Dublin!". Mọi người lại gầm gừ lên, kể cả bố. Tôi không thể nhịn được. "Và chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta gặp cướp biển ngay trên đường?", người hướng dẫn du lịch hỏi. Đám đông ồn lên tiếng la ó phản đối lẫn tiếng gầm gừ. "Được rồi các bạn, chúng ta đi thôi!", Olaf nói đầy nhiệt tình. Justin hối hả rướn người khỏi nhóm đang diễu hành, để tìm cho được bóng người phụ nữ trong chiếc áo đỏ. Quanh anh, một biển những chiếc áo choàng rộng màu da cam. Họ cười vui vẻ với anh trong tiếng chuông, tiếng trống. Anh thì cứ đứng nguyên một chỗ, cố nhảy lên cao, cố nhìn về hướng đường Merrion Row. Phía trước anh bất ngờ xuất hiện một nghệ sĩ kịch câm trong bộ quần áo bó sát người màu đen, với một gương mặt hóa trang bằng phấn trắng, môi đỏ, cộng thêm cái nón sọc. Họ đứng đối diện nhau, cả hai đều đợi người kia phản ứng trước. Justin muốn người nghệ sĩ lách qua một bên. Nhưng anh ta chẳng nhúc nhích gì cả. Anh ta kênh ngang vai lên, dang hai chân ra, các ngón tay rung rung múa may quay cuồng. Justin hạ thấp giọng, cố lấy vẻ lịch sự: "Tôi không sẵn sàng để chơi trò này. Anh có thể vui lòng chơi với một người khác?". Ra vẻ đang tuyệt vọng, người nghệ sĩ bắt đầu làm động tác giả vờ chơi vi- ôlông. Justin nghe tiếng cười và nhận ra rằng anh ta đã có khán giả. Tốt. "Vâng, rất vui. Nhưng vậy đủ rồi.". Lờ đi trò hề, Justin lách ra xa khỏi đám khán giả ngày càng đông và tiếp tục nhìn về phía đường Merrion Row tìm chiếc áo đó. Người nghệ sĩ bỗng xuất hiện phía sau anh lần nữa, nắm tay anh đưa lên trán anh ta. Nhóm khán giả đi theo phía sau cười phá lên. Một cặp người Nhật còn đưa máy hình lên chụp. Justin nghiến răng và nói nhỏ chỉ đủ cho người nghệ sĩ nghe. "Đồ dở hơi, trông tôi buồn cười lắm à?". Một giọng đặc sệt âm địa phương Dublin trả lời: "Đồ dở hơi, tôi trông như đồ bỏ à?". "Anh muốn chơi kiểu đó à? Tốt thôi. Tôi không chắc anh muốn đóng vai anh hề Marcel Marceau hay Coco nhưng màn trình diễn kịch câm của anh đã làm ô nhục cả hai người đó. Đám đông có thể cười với việc anh bắt chước những động tác của Marceau, còn tôi thì không. Không giống tôi họ không nhận ra rằng anh đã thất bại trong việc bắt chước Marceau bởi vì Marceau sử dụng động tác để kể một câu chuyện, phát thảo ra một chủ đề, một nhân vật. Marceau không tự nhiên đứng ngoài đường, cố gắng thoát khỏi cái hộp mà chẳng ai thấy. Anh thiếu sáng tạo và thiếu cả kỹ thuật. Anh bôi nhọ tất cả những nghệ sĩ kịch câm trên thế giới". Người nghệ sĩ chớp mắt. Đột nhiên anh nghe trong đám đông như văng vẳng tiếng: "Tôi đây!". Cô ấy đây! Cô ấy đã nhận ra tôi! Justin bồn chồn nhón nhón hai chân, cố tìm lại bóng áo đỏ của người phụ nữ. Đám đông tản ra, để lộ .... Sarah, trông rất thích thú với màn kịch này. Người nghệ sĩ kịch câm liền bắt chước nỗi thất vọng hiện lên lồ lộ của Justin. Anh ta cong lưng đến nỗi hai cánh tay đu đưa thấp thật thấp như muốn chạm đất. "Ôoooooo ...". Đám đông la ó lên và Sarah xị mặt xuống. Justin nhận ra điều đó. Không phải người phụ nữ anh muốn tìm kiếm. Nhưng anh thừa nhạy cảm để hiểu mình đang thể hiện những gì. Anh lập tức thay thế gương mặt thất vọng của mình bằng một nụ cười. Anh lách người xuyên qua đám đông, nhanh chóng chìa hai tay đón Sarah và dẫn cô rời khỏi màn kịch này trong khi đám đông vỗ tay và thi nhau thả những đồng xu vào cái lon của người nghệ sĩ đặt gần đó. "Anh thấy trò đó hơi khiếm nhã à? Đáng lẽ anh nên cho anh ta vài đồng tiền lẻ ...", Sarah nói, quay ra sau nhìn người nghệ sĩ với vẻ hối tiếc. Người nghệ sĩ thì dùng cả hai tay che mặt, nhún vai lên xuống một cách dữ dội trong những dòng nước mắt giả. "Anh nghĩ người đàn ông trong bộ quần áo bó sát đó thật lố bịch". Justin hậm hực, vẫn điên cuồng nhìn quanh tìm chiếc áo đỏ suốt khoảng thời gian đi cùng nhau đến ăn trưa tại một nhà hàng. Chẳng hiểu sao, lúc này, anh lại có cảm giác anh muốn hủy cái hẹn và bữa ăn này đến thế. Hãy nói với cô ấy là mình thấy mệt trong người. À mà không được. Cô ấy là bác sĩ, cô ấy sẽ hỏi đủ thứ và nhận ra mình nói dối. Hay nói với cô ấy rằng mình sơ suất nhầm lẫn và mình có buổi lên lớp ngay bây giờ? Nói với cô ấy đi, nói với cô ấy đi. Nhưng anh không nói được. Anh vẫn thấy mình tiếp tục đi với Sarah, hai mắt giật giật như người nghiện đang cần một liều thuốc. Trong nhà hàng dưới tầng hầm, cả hai được đưa đến một bàn yên tĩnh nằm trong góc. Justin nhìn ra cửa. Hay là mình la ... "CHÁY" và chạy thôi! Sarah lúng túng cởi vội chiếc áo khoác, để lộ đôi vai trần. Cô kéo ghế ngồi xuống gần anh. Thật trùng hợp, vậy là anh lại gặp người phụ nữ ở tiệm cắt tóc lần nữa. Có lẽ, chẳng việc gì to lớn cả. Dublin là thành phố nhỏ. Từ khi ở đây, anh nhận ra rằng, không ít thì nhiều, mọi người đều biết nhau, hay mọi người đều có bà con họ hàng với nhau, hay đã từng quen nhau. Nhưng người phụ nữ này thì sao nhỉ? Mà anh không nên gọi cô ấy là "người phụ nữ này" nữa. Anh nên đặt cho cô ấy một cái tên, như ... Angelina chẳng hạn. "Anh đang nghĩ gì vậy?", Sarah nhìn anh chằm chằm, cắt ngang suy nghĩ của anh. Hay đặt tên là Lucille. "Cà phê. Anh đang nghĩ về cà phê. Cho anh ly cà phê đen!". Anh nói với cô phục vụ đang lau bàn cho họ. Anh nhìn bảng tên cô ta. Jessica. Không, người phụ nữ của anh chẳng phải là Jessica. "Anh không ăn sao?", Sarah hỏi, thất vọng và bối rối. "Không, anh không thể ở lâu như anh muốn. Anh phải trở về trường sớm hơn dự định!". Chân anh cựa quậy phía dưới bàn, đầu gối đụng vào mặt bàn bên dưới làm bộ dao nĩa khua lách cách. Cô phục vụ và Sarah nhìn anh một cách khác thường. "Ô, không sao!". Sarah cầm lấy thực đơn, "cho tôi món xà lách và một ly vang trắng", cô nói với người phục vụ rồi quay sang Justin, "Em phải ăn, nếu không em đói chết mất, em hy vọng anh không phiền!". "Không sao", anh cười. Ngay cả khi em kêu một đĩa xà lách to khổng lồ thì vẫn không sao mà. Cái tên Susan, thế nào nhỉ? Người phụ nữ của mình có giống Susan? Người phụ nữ của mình? Trời đất, chuyện gì xảy ra với mình thế nhỉ? "Bây giờ chúng ta qua đường Dawson, đặt theo tên của Joshua Dawson, ông cũng thiết kế đường Grafton, Anne và đường Henry. Phía bên tay phải của quý vị là nhà của thị trưởng Dublin". Tất cả các chiếc mũ sắt có sừng Viking đều xoay qua phải. Máy quay video, máy chụp hình kỹ thuật số và điện thoại chụp hình đưa lên hết trên những ô cửa sổ xe buýt đang mở. "Bố nghĩ những tên cướp biển làm như vậy à, bố? Quay phim những tòa nhà?", tôi thì thầm. "Ồ, im nào!", bố nói lớn, và người hướng dẫn du lịch lập tức ngừng nói, trân trối nhìn ông như bị sốc. "Không phải anh!", bố xua tay lia lịa trước mặt anh ta. "Tôi nói cô này!", ông chỉ và thế là toàn bộ người trên xe quay lại nhìn tôi. "Bên tay phải quý vị sẽ thấy là thờ Thánh Anne, do Isaac Wells thiết kế năm . Kiến trúc nội thất của thế kỷ mười bảy", Olaf tiếp tục thuyết với ba mươi thủy thủ hùng mạnh trên tàu Vikings. "Thật ra mặt bên ngoài mang dáng dấp cổ điển chỉ được thêm vào năm 1868 và chúng được thiết kế bởi Thomas Newenham Deane", tôi nói nhỏ vào tai bố. "Ô," bố thốt lên, mắt mở to. "Bố chưa bao giờ biết về điều đó. Tôi cũng ngạc nhiên với thông tin mình thốt ra vừa rồi. "Con cũng không biết!". Bố cười khẽ. "Chúng ta đang đi trên đường Nassau, sau đó chúng ta sẽ đi qua đường Grafton bên tay trải một chút. Bố bắt đầu hát: "Đường Grafton là nơi thần tiên". Lớn lên. Người phụ nữ ngồi phía trước chúng tôi quay lại, mặt rạng rỡ. "Ông biết bài hát này à? Bố tôi cũng thường hay hát bài này. Ông là người Ailen. Ô, thật là vui khi được nghe lại. Ông có thể hát cho chúng tôi nghe không?". Một dàn hợp xướng thành lập xung quanh chúng tôi, "Hát đi, hát đi ...". Bố chẳng lạ gì việc hát trước mặt nhiều người, ông vẫn làm như thế hàng tuần ở câu lạc bộ thứ Hai, vì vậy, ông bắt đầu hát. Toàn thể hành khách trên xe buýt tham gia vào, lắc người qua lại. Giọng hát của bố bay ra khỏi khung cửa sổ bằng nhựa, vào tai cả những người đi đường, và những người đang đi xe lướt qua. Tôi lấy máy ảnh, chộp một tấm hình mới, lưu lại khoảnh khắc bố đang ngồi cạnh tôi, hát vang với đôi mắt nhắm lại, chiếc mũ có hai cái sừng vươn cao trên đầu. Justin nhấp nhổm thiếu kiên nhẫn trong khi Sarah chầm chậm gắp từng miếng xà lách đưa lên miệng. Cái nĩa của cô nghịch ngợm xiên vào miếng thịt gà; miếng thịt gà ghim vào rồi rớt xuống. Cô xiên lại một lần nữa, rồi thì đưa lên. Cuối cùng, cô xắn miếng cà chua. Và trong khi cô đưa cái nĩa lên miệng, miếng thịt gà lại rơi xuống lần nữa. Đây là lần thứ ba. "Anh có chắc là anh không đói không? Trông anh có vẻ như sẵn sàng nghiên cứu cả đĩa xà lách đấy." Cô cười và quay tròn chiếc nĩa thức ăn, làm mấy miếng hành đỏ và pho mát rơi lại xuống đĩa. Giống như một bước tới, hai bước lùi vậy. "Vâng, anh có thể nhấm nhấp chút gì đó ...". Thật ra anh đã gọi món súp và ăn xong phần súp của mình trong khi Sarah còn mải mê xiên xiên mấy miếng thịt gà rồi. "Anh muốn em đút cho anh tí tẹo không?", cô nháy mắt thân thiện, đưa nĩa thức ăn đến trước miệng. "Anh muốn nhiều hơn nữa". Cô xiên thêm một vài miếng thức ăn. "Hơn nữa", anh nói, mắt vẫn nhìn đồng hồ. Càng ăn nhanh thì thời gian chán nản càng rút ngắn hơn. Anh biết người phụ nữ của anh, giờ đã đổi thành tên Veronica, có thể đã đi xa rồi. Và việc ngồi đây, nhìn Sarah đốt thêm một ít ca- lo năng lượng bằng cách đùa chơi với thức ăn thay vì nuốt vào bụng, thì chán phèo đi được. "Này một chiếc máy bay đang đến", Sarah hát khẽ. "Nhiều hơn nữa". Ít nhất phân nửa thức ăn bị rơi xuống khi Sarah cố ghim cho thật đầy và đưa nó lên. "Nữa? Làm sao mà anh có thể ghim nhiều hơn được? Anh chẳng quan tâm gì đến cái miệng của anh sao?". "Đây anh sẽ chỉ cho em". Justine lấy cái nĩa từ tay cô và xiên thật nhiều thức ăn. Gà, bắp, rau diếp, củ cải đường, hành, cà chua, pho mát; anh đâm được tất cả. "Bây giờ ...", Sarah cười khúc khích, "Em bảo đảm từng này không vừa với miệng anh". "Anh có cái miệng khá to". Cô cười, đưa chiếc nĩa vào vừa vặn miệng Justin. Khi anh nuốt tất cả, anh nhìn đồng hồ, rồi nhìn đĩa xà lách của cô. "Giờ tới lượt em". Mình đang chơi cái trò khỉ gì vậy, Justin. "Không đời nào", cô cười lớn. "Nhanh nào". Anh xiên thật nhiều thức ăn, có cả miếng thịt gà bị rớt lại bốn lần và khéo léo đưa cả phần thức ăn trên nĩa vào miệng Sarah. Cô cười trong khi cố gắng cho hết vào miệng. Vẫn còn thở được. Nhai, nuốt hay cười, cô cũng cố gắng tỏ ra xinh xắn. Hầu như cả phút, cô không thể nói vì phải cố gắng nhai chậm rãi như một người phụ nữ. Và khi cô nuốt xong nĩa thức ăn đầy, môi cô xuất hiện nhiều vết nhòe của son môi. "Thật là vui", Cô Cười. Helen. Cái tên của người phụ nữ ấy nên là Helen. Giống Helen của thành Troy, đẹp đến nỗi cô ta có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh. "Ông bà dùng xong chưa ạ? Tôi có thể dọn đĩa?", cô phục vụ duyên dáng hỏi. Sarah định trả lời chưa, nhưng câu trả lời chưa thốt ra trọn vẹn thì Justin đã cắt ngang. "Vâng, chúng tôi đã xong, cám ơn!". Anh tránh cái nhìn chằm chằm của Sarah. "Thật sự em chưa dùng xong!". Sarah nói lạnh lùng. Cái đĩa của cô đã được thay mới. Chân Justin bật lên dưới bàn, anh mất dần sự kiên nhẫn. Salma, Salma quyến rũ. Cái tên ấy thì sao nhỉ? Một sự yên lặng ngượng nghịu bao phủ giữa hai người. "Anh xin lỗi, Salma, anh không có ý định xử sự khiếm nhã ...". "Sarah". "Gì cơ?". "Em tên là Sarah". "Anh biết mà. Anh chỉ ...". "Anh gọi em là Salma". "Ồ, cái gì? Salma là ai? Chúa ơi. Xin lỗi. Thật tình anh cũng không biết sao lại gọi em là Salma!". Cô ăn nhanh hơn. Rõ ràng, bây giờ người muốn kết thúc bữa trưa và tránh khỏi anh là cô. Anh dịu giọng, "Chỉ vì anh chỉ muốn quay lại trường sớm hơn dự định", anh nói. Cô cười gượng và nhanh chóng xị mặt xuống nhìn lại đĩa thức ăn mới. Giờ thì cô ghim thức ăn với mục đích rõ ràng. Thời gian đùa vui qua rồi. Đến giờ ăn. Thức ăn trong miệng cô chứ không phải là những câu hài hước đùa cợt nữa. Justin thấy lòng mình như co rúm lại, anh nhận ra rằng cách xử sự của mình vừa rồi thật khiếm nhã, chẳng giống tính cách của mình. Giờ thì hãy nói những gì mình nghĩ. Anh chằm chằm nhìn cô: gương mặt đẹp, thân hình cân đối, vẻ thông minh duyên dáng. Lịch sự trong bộ vét nữ, chân dài, môi đầy đặn. Móng tay thanh lịch, gọn gàng theo kiểu Pháp, chiếc túi xách xinh xắn, hợp với đôi giày dưới chân. Chuyên nghiệp, tự tin. Hoàn toàn chẳng có vấn đề gì với một phụ nữ như vậy. Chỉ có sự xao lãng của Justin là có vấn đề, như thể một phần tâm hồn anh gửi tận đâu đâu. Thật ra, một phần cũng vì anh cảm thấy như có sự thôi thúc trong lòng, bị ép buộc phải ra ngoài bắt lấy cái gì đó. Bây giờ chạy đi có vẻ là một ý kiến hay. Nhưng vấn đề là anh ta chẳng biết chạy đi để bắt cái gì hay mong đợi việc bắt gặp lại người phụ nữ ban nãy. Và liệu có đáng không khi bỏ lại một người đẹp đang ngồi trong nhà hàng với anh để theo đuổi một ý tưởng ngớ ngẩn thế? Anh không nhịp chân lên xuống nữa và ổn định lại trên ghế của mình. Không còn ngồi ở mép ghế nữa và cũng không còn sẵn sàng lao ra cửa ngay khi Sarah bỏ dao nĩa xuống. "Sarah", anh thở dài, và nghiêm túc. "Anh xin lỗi". Cô ngừng đưa thức ăn lên miệng và ngước lên nhìn anh, nhai nhanh, dùng khăn ăn chậm nhẹ lên môi, rồi nuốt. "Không sao". Gương mặt cô giãn ra. Cô dọn sạch những mảnh vụn thức ăn xung quanh đĩa và nhún vai. "Em không có ý định tìm người yêu ở đây, Justin". "Anh biết, anh biết!". "Bữa trưa chỉ là bữa trưa thôi". "Anh biết mà". Cô nhìn tách cà phê đã cạn của anh, búng nhẹ tay trong không khí. Anh chồm người tới, nắm tay cô để ngăn vẻ bồn chồn lại. "Anh xin lỗi". "Không sao", cô lặp lại. Không khí trong lành. Sự căng thẳng đã bay đi, cái đĩa của cô cũng được dọn đi. "Em nghĩ chúng ta nên tính tiền". "Em lúc nào cũng muốn làm bác sĩ à?". "Hả?". Cô dừng lại trong khi đang mở bóp. "Chuyện đó có ảnh hưởng gì sâu đậm với anh, phải không?". Cô cười. "Anh xin lỗi". Justin lắc đầu. "Hãy uống thêm cà phê trước khi chúng ta đi. Hy vọng anh có thời gian xóa đi cuộc hẹn tệ nhất của em từ trước đến nay này". "Ồ, không!". Cô lắc đầu và cười. "Nó gần như vậy, những điều tồi tệ nhất, nhưng anh đã kéo nó lại bằng câu hỏi bác sĩ.". Justin cười. "Vậy là em luôn muốn mình làm bác sĩ?". Cô gật đầu. "Kể từ khi Jame Goldin cấp cứu cho em hồi còn bé. Lúc đó em năm tuổi và anh ta đã cứu sống em". "Năm tuổi? Còn quà bé mà phải cấp cứu? Chắc chuyện đó ảnh hưởng lớn đến em lắm!". "Rất lớn! Em đang ở ngoài sân chơi nhà trẻ trong giờ trưa. Em ngã khi đang chơi và đau khủng khiếp ở đầu gối. Các bạn của em đã dọa sẽ phải cắt cụt chân nhưng James Goldin chạy đến, anh ấy làm sơ cứu cho em. Chỉ vậy, hết đau. Đó là lúc em tỉnh lại!". "Vì điều đó mà em muốn làm bác sĩ như anh ấy?". "À không, thời điểm đó, điều em muốn làm là cưới James Goldin". Justin cười. "Và em cưới?". "Không, em trở thành bác sĩ!". "Em giỏi công việc đó mà". "Vâng, bởi vì anh đã cảm nhận được mũi tiêm khi hiến máu", cô cười. "Mọi thứ đều ổn chứ ạ?". "Cánh tay anh hơi bị ngứa nhưng nó đã ổn rồi". "Ngứa? Không thể ngứa được, để em xem!". Anh chuẩn bị xăn tay áo lên nhưng đột nhiên dừng lại. "Anh có thể hỏi em một vài điều?". Anh lúng túng nhấp nhổm trên chiếc ghế của mình. "Có cách nào để anh có thể biết máu mình hiến đã đi đâu? Ở đâu? Bệnh viện nào? Hoặc nếu được, em có biết ai đã nhận nó?". Cô lắc đầu "Nét đẹp của việc hiến máu là ở đó, hoàn toàn ẩn danh". "Nhưng phải có một người nào đó, ở đâu đó biết chuyện này phải không? Có thể là trong sổ sách trong bệnh viện hay sổ sách trong văn phòng của em?". "Dĩ nhiên rồi. Máu được giữ trong ngân hàng máu và luôn luôn có thể truy tìm nguồn gốc. Tất cả các quy trình đều được lưu trữ, quản lý cho đến tay người nhận nhưng ...". "Anh ghét từ nhưng đó lắm!". "Thật không may cho anh, anh không thể biết được người anh cho máu". "Nhưng em nói nó được lưu vô sổ sách mà". "Những thông tin đó không thể công khai. Tất cả các những chi tiết đều được lưu trữ trong dữ liệu máy tính, ở đó có cả chi tiết của người nhận máu. Tuy nhiên, theo điều luật bảo vệ dữ liệu, anh phải xin phép để truy cập vào". "Những dữ liệu đó có thể cho anh biết ai đã nhận máu của anh à?". "Không". "Vậy, anh cũng không muốn xem". "Justin, máu của anh không phải được bơm thẳng vào cơ thể của một người nào đó, mà nó được tách ra các thành phần như hồng cầu, bạch cầu, tiểu huyết cầu ...". "Anh biết, anh biết, anh biết tất cả điều đó!". "Em xin lỗi em không thể giúp gì được. Tại sao anh tha thiết muốn biết thế?". Anh suy nghĩ một chút trong lúc bỏ viên đường màu nâu vào tách cà phê khuấy vòng tròn. "Anh cảm thấy tò mò muốn biết người được anh giúp. Liệu máu của anh có ích cho họ thật sự không. Nếu có ích thì bây giờ họ ra sao. Em có thể cho là anh bất thường. Nhưng không sao!". "Đừng ngớ ngẩn", cô nói dịu dàng. "Mặc dù đúng là em đã nghĩ anh như vậy rồi". "Anh hy vọng đó không phải là ý kiến chuyên môn của em". "Nói em nghe lý do thật xem nào!". Đôi mắt xanh với tia nhìn sắc sảo chăm chăm dõi theo từng cử động của anh qua tách cà phê trong khi cô nhấp nháp. "Lúc đầu, nó như một cảm giác tò mò bản năng của người đàn ông vậy. Anh muốn biết anh đã cứu ai. Ai là người được anh hiến tặng những giọt máu quý giá của mình". Sarah cười. "Nhưng gần đây, đó không còn là cảm giác tò mò đơn thuần nữa. Không hiểu sao anh không thể vứt nó ra khỏi suy nghĩ của mình. Anh có cảm giác khác lạ. Khác lạ một cách chân thật, rõ ràng. Giống như anh đa cho đi một điều gì đó. Một điều gì đó rất quý giá ... gửi gắm đến ai đó khác ...". "Đúng là rất quý giá, Justin. Chúng ta lúc nào cũng cần có nhiều người hiến máu". "Anh biết, nhưng nó không ... không giống như vậy. Anh cảm giác như là một ai đó đang đi ngoài kia mà bên trong họ có những giọt máu anh cho và bây giờ anh có cảm giác như bỏ lỡ cái gì đó ...". "Là sao?". "Ý anh là anh cảm thấy giống như mình cho một phần thân thể để hoàn thiện một thân thể khác, một phần thân thể của anh và ... Chúa ơi. Điều này thật là điên rồ. Anh chỉ muốn biết người đó là ai. Anh cảm thấy như đã gửi một phần thân thể của mình đến người đó và chỉ muốn chạy ra khỏi đây để tìm nó lại". "Anh không thể lấy máu của anh lại, anh biết mà!", Sarah đùa một cách yếu ớt. Cả hai chìm sâu trong suy nghĩ; Sarah buồn buồn nhìn vào tách cà phê của cô, Justin cố sắp xếp lại ý tứ diễn đạt của mình. "Anh không nên cố gắng diễn giải điều gì đó không logic với một bác sĩ", anh nói. "Anh cũng giống như nhiều người em từng biết thôi, Justin. Nhưng anh là người đầu tiên trách móc về việc hiến máu". Im lặng. "Ô", Sarah với tay lấy cái áo khoác phía sau lưng ghế, "Anh đang vội, vì thế chúng ta nên đi thôi!". Họ đi xuống đường Grafton. Mọi thứ chìm trong một sự yên tĩnh dễ chịu, thỉnh thoảng chấm phá bằng vài câu đối đáp ngắn. Cả hai tự động dừng chân ở tượng Molly Malone, đối diện với trường Trinity. "Anh đã trễ giờ lên lớp". "Không, anh còn một ít thới gian, bởi vì trước đó anh ...", anh nhìn đồng hồ và nhớ lại lý do mình nói ban nãy. Anh cảm giác mặt đỏ lên. "Xin lỗi". "Không sao", cô lặp lại. "Anh có cảm giác như suốt buổi trưa anh nói xin lỗi còn em thì nói không sao". "Thật sự không sao mà". Cô cười. "Và anh thật sự ....". "Thôi!". Cô lấy tay che miệng anh. "Đủ rồi". "Anh thật sự có khoảng thời gian rất vui". Anh nói một cách ngượng nghịu. "Chúng ta nên ... em biết đó, anh thật sự cảm thấy không thoải mái khi bức tượng nhìn chúng ta như vậy. Họ nhìn sang phải và nhận ra bức tượng Molly đang nhìn chằm chằm họ. Sarah cười. "Anh biết đó, chúng ta có thể sắp xếp để ...". "Gầaaaaammmmmmmmmm!!!". Justin hốt hoảng, giật bắn mình vì những tiếng gầm cực lớn phát ra từ chiếc xe buýt đang đậu gần đèn giao thông ngay bên cạnh. Sarah gào lên theo, vung tay lia lịa. Bên cạnh họ là hơn một tá đàn ông, phụ nữ, trẻ con, tất cả đều đội nón sắt Viking, họ vẫy tay và giả vờ tạo nên tiếng gầm gừ của những gã cướp biển với những người khách bộ hành. Sarah và đám đông người xung quanh trên vệ đường bắt đầu cười lớn, một vài người gầm gừ lại như đã rất quen thuộc với cảnh tượng này. Lúc này, chỉ có Justin là im lặng. Anh thấy mình nghẹt thở, không thể rời mắt khỏi người phụ nữ đang cười ồn ào bên cạnh một ông già; cái nón sắt trên đầu cô ta, hai dây màu vàng hoe lòng thòng hai bên. "Chúng ta đã bắt được họ, Joyce!", ông già trên xe buýt cười, gầm gừ nhỏ nhỏ và vẫy tay. Lúc đầu trông cô đầy vẻ ngạc nhiên. Rồi cô đưa cho ông già tờ năm euro. Ông rất vui, và cả hai đều cười. Nhìn tôi đi. Justin muốn như thế. Cô nhìn ông già trong khi ông giơ tờ giấy bạc ra ánh sáng để kiểm tra. Justin nhìn đèn giao thông, vẫn còn đỏ. Anh vẫn còn thời gian để cô ta thấy anh. Quay lại! Hãy nhìn tôi dù chỉ một lần! Đèn dành cho người đi bộ chớp màu hổ phách. Anh không còn nhiều thời gian. Cô vẫn không quay lại, cô hoàn toàn chìm vào câu chuyện với ông già. Đèn chuyển sang màu xanh và chiếc xe buýt từ từ lăn bánh về đường Nassau. Anh bắt đầu bước vội theo bên hông xe, quyết tâm làm cho cô ta phải nhìn mình. "Justin!". Sarah gọi. "Anh làm gì vậy?". Anh vẫn đi theo chiếc xe, bước mỗi lúc một nhanh hơn, và cuối cùng là chạy lúp xúp. Anh nghe Sarah gọi phía sau, nhưng anh không thể dừng lại được. "Này!", anh gọi. Không đủ lớn. Người phụ nữ trên xe chẳng nghe thấy gì cả. Chiếc xe tăng tốc và Justin chạy thật sự. Kích thích tố tinh thần trỗi dậy khắp người anh. Chiếc xe buýt đã đánh bại anh. Tăng tốc. Và anh mất cô ấy. "Joyce!", anh buột miệng thốt ra. Một âm thanh kinh ngạc của chính anh đã khiến anh dừng lại trên đường. Anh đang làm chuyện gì thế nhỉ? Anh cúi xuống, hai tay chống đầu gối, thở dốc trong cơn gió lốc. Anh cảm giác như bị bắt gặp. Anh quay lại nhìn chiếc xe buýt lần cuối. Một cái nón sắt Viking xuất hiện ở cửa sổ, dây đeo màu vàng hoe đung đưa như con lắc. Anh không thể nhìn rõ mặt, chỉ thấy cái đầu một người thò đầu qua cửa sổ xe buýt quay lại nhìn anh. Anh biết đó là cô ấy. Cơn gió lốc dừng lại trong giây lát khi anh giơ tay lên chào. Một cánh tay xuất hiện ở cửa sổ xe và chiếc xe vòng qua đường Kildare, làm cho Justin, một lần nữa, mất dạng người phụ nữ. Tim anh đập hoang dại. Mặt đường như nghiêng ngả dưới chân. Anh chẳng có chút manh mối nào để biết chuyện gì sẽ xãy ra tiếp theo. Nhưng chỉ có một điều anh biết chắc. Joyce. Tên cô ta là Joyce! Anh nhìn khắp con đường vắng vẻ. Nhưng cô là ai, Joyce? "Tại sao con đưa đầu ra ngoài cửa sổ?". Bố kéo tôi vào, đầy lo lắng. "Chúng ta không có nhiều thời gian để sống, nhưng vì Chúa, vì bản thân mình chúng ta phải sống!". "Bố có nghe người nào đó gọi tên con không?", tôi hỏi nhỏ vào tai bố, tâm trí quay cuồng. "Ô, con nghe ai gọi?", ông càu nhàu. "Con nói con sẽ cho bố năm bảng Anh nếu bố gọi đúng tên con, nhớ không?". Ông ngắt lời tôi và quay sang chú ý vào Olaf. "Phía bên tay trái quý vị là tòa nhà Leinster, bây giờ là tòa nhà quốc hội của Ai- len". Lại lia lịa những chiếc máy ảnh, máy quay phim đưa lên cửa sổ. "Tòa nhà Leinster có nguồn gốc từ tòa nhà Kildare. Bá tước Kildare ra lệnh cho xây dựng tòa nhà này. Khi ông ta trở thành công tước của Leinster, nó đã được đặt tên lại. Trước đây, một phần của tòa nhà là trường Cao đẳng Y khoa Hoàng gia ...". "Khoa học", tôi nói lớn lên, mặc dù vẫn đang chìm trong suy nghĩ. "Xin lỗi?". Người hướng dẫn viên du lịch ngừng nói và đầu quay sang. "Tôi mới vừa nói là ...", tôi lặp lại, gương mặt đầy phấn khích, "Trường Cao đẳng Khoa học Hoàng gia". "Vâng, thì tôi cũng nói vậy mà". "Không, anh nói Y khoa", một phụ nữ người Mỹ ngồi phía trước nói. "Ô, người hướng dẫn viên bối rối. "Xin lỗi, tôi đã nhầm. Một phần của tòa nhà, trước đây là trường Cao đẳng Hoàng gia", anh nhìn tôi, "Khoa học, và trở thành nơi làm việc của chính phủ Ai- len từ năm 1922 ...". Tôi quay sang bố. "Bố có nhớ con nói về cái ông thiết kế bệnh viện Rotunda không?", tôi hỏi bố. "Nhớ, ông Dick gì đó ...". "Richard Cassells. Ông cũng là người thiết kế tòa nhà này. Mọi người cho rằng nó là mô hình để thiết kế Nhà Trắng". "Vậy ư?", bố nói. "Thật sao?", người phụ nữ xoay vòng ra phía sau nhìn tôi. Bà nói lớn. Rất lớn. Quá lớn. "Anh ơi, anh có nghe cô đó nói không? Cô gái này nói là người thiết kế ngôi nhà này, cũng là người thiết kế Nhà Trắng". "Không, tôi không có nói như vậy ...". Tôi chợt nhận ra rằng anh chàng hướng dẫn đã ngưng nói và đang nhìn tôi. Tất cả các đôi mắt, đôi tai, đôi sừng đều quay sang nhìn chúng tôi. "Tôi nói mọi người cho rằng nó là mô hình để thiết kế Nhà Trắng. Không phải là lời khẳng định", tôi nói nhẹ nhàng, không muốn nói thêm nữa chuyện này. "Bởi vì James Hoban người đã thắng dự án thiết kế Nhà Trắng vào năm là người Ai- len". Mọi người nhìn tôi một cách đầy ngưỡng mộ. "Ông ấy học kiến trúc ở Dublin và đã nghiên cứu kiến trúc của tòa nhà Leinster", tôi kết thúc nhanh. Mọi người xung quanh tôi ồ lên và bàn bạc rôm rả về thông tin lý thú vừa mới biết. "Chúng tôi không nghe được được cô nói!", vài người ở đầu xe la lớn. "Đứng dậy, Gracie!". Bố đẩy tôi đứng dậy. "Bố ...", tôi khoát tay bố ra. "Olaf, đưa micro cho cô ấy đi!", người phụ nữ nói lớn với anh chàng hướng dẫn viên. Anh ta miễn cưỡng đưa nó cho tôi và đứng khoanh tay. "E hèm ... xin chào!". Tôi dùng ngón tay gõ nhẹ và thổi vào cái micro. "Con phải nói là thử máy, một, hai, ba ..., Gracie!". "Ummm, thử máy một, hai, ...". "Chúng tôi nghe rồi", Olaf cắt ngang. "Vâng", tôi lặp lại những lời bình luận, và những người ở phía trên gật đầu thích thú. "Những tòa nhà phía bên đây cũng là của chính phủ à?", người phụ nữ vừa nói vừa chỉ. Tôi nhìn bố một cách ngập ngừng và ông gật đầu khuyến khích. "Không thưa bà. Tòa nhà phía bên trái là Thư viện quốc gia và Nhà bảo tàng quốc gia bên phải". Tôi định ngồi xuống, nhưng bố xuýt xoa bên tôi. Mọi người nhìn tôi nhiều hơn. Anh chàng hướng dẫn viên trông có vẻ ngượng ngùng. "Thông tin thú vị là Thư viện quốc gia và Nhà bảo tàng quốc gia có nguồn gốc từ Nhà bảo tàng khoa học và nghệ thuật Dubin, mở cửa hồi năm 1890. Cả hai đều do Thomas Newenham Deane và người con trai Thomas Manly Deane thiết kế, từ kết quả của một cuộc thi thiết kế được tổ chức vào năm 1885, và được xây dựng bởi nhà thầu Dublin J. & W. Beckett, những người giỏi nhất Ailen trong lĩnh vực xây dựng. Nhà bảo tàng là một điển hình còn sót lại của nghệ thuật trang trí trên đá, khắc trên gỗ, và ngói gốm của Ai- len. Thư viện quốc gia, nổi bật nhất là đại sảnh hình tròn. Bên trong không gian đại sảnh này dẫn đến cầu thang rất ấn tượng, để đi vào phòng đọc lộng lẫy có trần hình vòm to lớn. Như quý vị có thể thấy, phía bên ngoài là dãy cột và trụ đỡ tường được sắp xếp ngay ngắn theo cách thức Corin và sảnh lớn hình tròn với hành lang mở và cái góc nhô ra đã tạo nên bố cục cho tòa nhà. Trong ...". Tiếng vỗ tay lớn làm gián đoạn sự trình bày của tôi. Chỉ một tiếng vỗ tay đơn lẽ đến từ một người ... Đó là bố. Những người còn lại thì im lặng. Một đứa trẻ hỏi mẹ liệu nó có thể gầm gừ nữa không, tiếng của nó phá vỡ sự im lặng. "Tôi chưa nói xong", tôi nói nhỏ nhẹ. Bố vỗ tay mạnh hơn khiến một người đàn ông phía dưới cũng vỗ theo. "Và ... đó là tất cả những điều tôi biết", tôi nói nhanh rồi ngồi xuống. "Làm sao mà cô biết tất cả những điều đó?", người phụ nữ phía trên hỏi. "Con gái tôi làm môi giới bất động sản", bố nói đầy tự hào. Người phụ nữ nhíu mày, quay sang nhìn Olaf, trông rất hài lòng. Anh ta chụp cái micro trên tay tôi. "Giờ thì mọi người hãy gầm gừ đi nào ...!". Sự im lặng vỡ tan. Mọi người trở về với thực tế, trong khi từng thớ thịt trong tôi co rúm lại. Bố nghiêng qua bên tôi ép tôi vào cửa sổ, ông đưa đầu lại gần tôi để nói vào tai tôi. Hai cái mũ sắt đụng nhau lốp cốp. "Làm sao mà con biết được tất cả những điều đó?". Tôi như sắp dùng tất cả các từ ngữ tuôn tràn, miệng tôi mở ra khép lại, và chẳng thốt ra được lời nào. Làm sao mà tôi có thể biết được chứ?
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]