Chương trước
Chương sau
Người ta đồn rằng trong phòng trọ số 14, ở nhà số 79, đường Trần Khánh Dư có một chiếc gương bị ma ám. Chiếc gương đó không phản chiếu hình ảnh của người và những đồ vật soi chiếu vào nó. Thậm chí, ngay cả ánh sáng cũng không bị phản xạ lại. Vào những đêm trăng tròn, trong gương hiện lên hình ảnh của một căn phòng bụi bặm không người ở với một góc tường cùng một phần của chiếc rèm cửa cũ kĩ. Thỉnh thoảng có tiếng kẹt cửa, tiếng người nói phát ra từ chiếc gương nhưng những người ở trong gương lại không đáp lại khi nghe thấy âm thanh của thế giới bên này.
Những sinh viên từng sống trong phòng số 14 vì sợ mà tìm cách bán hoặc phá hủy tấm gương nhưng không thành công. Không ai dám mua chiếc gương lạ vì sợ tai ương. Và cũng không có bất kì tác động ngoại lực nào có thể phá hủy được vật thể ma quỷ đó.
Dần dần, vì không có ai thuê, phòng trọ số 14 bị hạ giá thê thảm so với những căn phòng khác trong khu trọ. Nhân cơ hội đó, tôi thuê lại căn phòng với ý định sống ở đó suốt bốn năm Đại học.
Ngày đầu tiên đặt chân vào căn phòng, ấn tượng đầu tiên của tôi về nơi này là một căn phòng nằm cuối dãy trọ, hơi ẩm thấp, lạnh và khá tối tăm. Dù phía trên có một chỗ thông hơi khá lớn để dẫn khí cho ba căn phòng cuối dãy và lấy thêm ánh sáng nhưng trái ngang là cái ô vuông đó được bố trí ở khu vực ánh sáng khó chạm tới được. Trong một năm, căn phòng này chỉ đón được nắng của ba tháng cuối cùng trong ba tiếng buổi trưa. Khoảng thời gian còn lại đều phải dùng đến ánh điện trong phòng.
Về tấm gương bị ma ám nhiều người nhắc đến, nó chỉ là một tấm gương tròn, sáng được đặt trên giá đỡ chữ V giống đôi cánh chim bằng gỗ tối màu đầy những đường vân nâu đen quằn quại nằm trên đế hình vuông xếp tầng. Bậc thang nhỏ nhất, nằm ở vị trí cao nhất, gắn liền với đôi cánh gỗ cố định cái gương. Bậc tiếp theo, to hơn một chút, nối liền bậc thang nhỏ nhất và bậc thang to nhất cũng là phần đế của tấm gương. Tất cả những góc cạnh đều được đẽo gọt mềm mại và mài nhẵn. Một sản phẩm điêu khắc mỹ gỗ khá đẹp.
Những âm thanh phát ra từ chiếc gương vào những đêm rằm đích thị là tiếng người nhưng họ dùng một ngôn ngữ khác hơi khó hiểu một chút. Đối với đứa con gái sống một mình trong căn phòng rộng không người, những âm thanh đó cũng như tiếng radio, chỉ đủ để xua đi sự tĩnh mịch chứ không có gì đáng sợ.
Những kẻ nhát gan thường thích đồn thổi, thêu dệt chuyện ma quỷ để hù mình dọa người. Còn những sinh viên từng nằm trong nhóm mười sinh viên có điểm những môn Tư tưởng, Lí luận chính trị cao nhất khoa thì chuyện về những thế lực vô hình không thuộc thế giới quan duy vật chỉ là trò mua vui. Khi đã học xong những môn học như vậy, tôi chính thức trở thành một người theo chủ nghĩa vô thần. Tôi thường tự hào vì mình là một sinh viên giỏi của những môn Tư tưởng và Lí luận chính trị dù bản thân không phải sinh viên chuyên ngành trong khoa.
Nhưng những thành tích thuộc về tôi đã trở thành quá khứ. Hiện tại, tôi đã nghỉ học và mang trên người hơn mười triệu đồng sau một thời gian nằm viện vì vay vốn của bọn tín dụng đen để chữa bệnh cho chính mình. Tôi giấu nhẹm chuyện này với gia đình vì không muốn cha mẹ thêm lo. Hơn nữa, dù họ có biết thì cũng chẳng giúp được. Trong một thời gian ngắn, với thu nhập bèo bọt của cha và mẹ thì mười mấy triệu là số tiền rất lớn. Họ đã lo lắng cho tôi quá nhiều, giờ là lúc tôi phải tự lo cho chính mình.
Trong thời điểm khó khăn nhất, tôi không thể dựa vào ai ngoài chính mình. Không thể vay nợ để trả nợ, càng không biết nên làm gì để kiếm ra một số tiền lớn như vậy trong một thời gian ngắn. Thế nên, tôi quyết định cho phép mình suy nghĩ và hành động ích kỉ. Để chấm dứt tất cả một cách nhanh nhất thì tự sát là quyết định không tồi.
Sau khi vét sạch chút tiền còn sót lại trong túi, tôi đến tiệm thuốc tây gần trường. Vì không có đơn thuốc kê sẵn nên tôi chỉ mua được một lọ thuốc an thần liều nhẹ nhất. Trên đường trở về phòng trọ, một cụ bà tóc bạc trắng, da mặt nhăn nheo đầy những nốt đồi mồi và có một bên mắt đã mờ đục. Nhãn cầu ẩn sau lớp thủy tinh thể lão hóa nằm bất động. Bên mắt còn lại đã nhắm chặt. Bà cụ mặc áo khoác đen dày cũ có mũ trùm đầu ngồi trước cửa của một căn nhà hoang bằng gỗ ven đường gọi tôi vào, ngỏ ý muốn xem bói cho tôi.
Bà ấy nói vì thấy tôi có duyên với bà nên cho tôi một quẻ tiên đoán miễn phí. Đối với một đứa sắp chết thì thông tin tương lai không còn quan trọng nữa. Dù vậy, tôi vẫn ghé vào, ngồi xuống cho bà xem chỉ tay và nói những chuyện dưới đất trên trời. Bà nói rằng những điều dang dở ở thế giới này sẽ được tiếp tục ở một thế giới khác. Những người như tôi luôn có hai cơ hội. Nhưng chính tôi phải biết thời cơ để nắm bắt và thay đổi. Chuyến đi cuối cùng sẽ là một chặng đường khó khăn nhưng nhiều hạnh phúc.
Tôi mỉm cười, ậm ừ, gật gù cho bà vui lòng và viện cớ phải đi học để chấm dứt bài thuyết giảng khó hiểu của bà. Bà đồng ý và nhét vào tay tôi một túi gấm trắng với những đường hoa văn thêu tay hình một đóa hoa màu đỏ với nhiều cánh mảnh xếp sát nhau, tỏa ra như mặt trời. Giữa túi là dòng chữ “Thượng lộ bình an” bằng tiếng Nhật cùng một vài dòng chữ tượng hình cổ xưa khó đọc. Bà bảo tôi hãy mang theo nó dù trong bất kì hoàn cảnh nào.
Tôi cảm ơn bà về lời tiên tri và món quà lạ rồi lên đường trở về phòng trọ. Đến nơi, tôi đóng chặt cửa, khóa trái ở trong rồi mở lọ, uống thuốc. Được tầm mười viên thì cổ họng đơ ra, mất cảm giác. Tôi nắm chặt món quà từ bà cụ và gục đầu lên bàn học. Không lâu sau, tôi không cảm nhận được điều gì nữa.
Rồi tôi bị đánh thức bởi một tia sáng trắng cùng tiếng thét ngắn của một người phụ nữ. Không gian xung quanh tôi ngập tràn màu trắng và mùi thuốc khử trùng của bệnh viện. Cổ tay phải được nối liền với túi truyền dịch dinh dưỡng ở đầu giường bằng một chiếc kim ẩn dưới những lớp bông gạc y tế. Bên trái là túi máu tươi đang nhỏ xuống ống dẫn từng giọt, từng giọt. Đầu tôi đau nhức và không nhớ được gì ngoài việc mình nhập viện vì suy nhược.
Thấy y tá đi vào, tôi vội hỏi chị ấy tôi đã nằm ở đây bao lâu. Y tá nói rằng tôi đã mê man hơn hai ngày. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, thì hôm nay phía bệnh viện sẽ liên lạc với người nhà để chuẩn bị hậu sự. Tôi cười nhạt. Có liên lạc thì họ cũng không đến kịp. Mười hai tiếng đi xe khách từ nhà tôi lên đến nơi lạnh lẽo này không dài nhưng khoảng thời gian đó đủ để họ nhận về một cái xác lạnh. Trái ngang thế nào cái xác đó chưa mất hồn nên phải nằm lì ở bệnh viện, và chuẩn bị nghe mắng chửi nếu người nhà xuất hiện ở đây. Y tá nhắc tôi nhớ thanh toán viện phí trước khi ra viện. Tổng số tiền suốt mấy ngày nằm viện, truyền máu và truyền dịch gần mười triệu đồng. Thật choáng váng!
Chiều tối, nhân lúc không ai chú ý, tôi lén trốn ra ngoài để trốn nợ nhưng chợt nhớ ra họ nắm giữ khá nhiều thông tin về trường học lẫn gia đình của mình nên đành đổi ý. Bản thân không ra gì thì cũng không nên để gia đình nhận thêm nhục. Tôi quyết định liên lạc với số điện thoại của dịch vụ cho vay được dán trên cây cột điện gần đó. Không mất quá lâu đã có người bắt máy. Tôi trao đổi với người ở đầu dây bên kia một vài chuyện về thủ tục vay lẫn lãi suất và số tiền. Ông ta nói đây là dịch vụ cho sinh viên vay vốn vượt khó nên lãi suất rất thấp, thủ tục đơn giản. Chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân và thẻ sinh viên, sau đó kí vào hợp đồng vay nợ là được.
Khi đã thống nhất được địa điểm gặp để kí hợp đồng và nhận tiền cho vay, tôi vội trở về bệnh viện. Y tá không nhắc đến viện phí nhưng tôi vẫn thấy áp lực. Mỗi ngày trôi qua là lại tốn một số tiền. Thế giới này không có gì là miễn phí. Tôi chỉ mong cho ngày mau qua để hôm sau nhận tiền trả viện phí và rời khỏi nơi này.
Đêm tàn và ngày lại đến. Tôi rời bệnh viện một lần nữa, kí vào giấy vay nợ và nhận được mười triệu năm trăm nghìn sau khi đã đóng tiền thuế cam kết. Người đàn ông cho vay cầm giấy ghi nợ rời đi. Tôi mang tiền đi đóng viện phí và làm thủ tục xuất viện.
Ngày hôm sau, bọn thu lãi suất đến tận cửa khu trọ, đòi tiền. Tôi cắn răng nộp cho chúng năm trăm nghìn theo đúng chỉ định trong một mảnh giấy ghi nợ xa lạ nào đó có chữ kí của mình. Đợi chúng đi rồi, tôi lại quay về phòng, nằm suy nghĩ.
Tôi lấy điện thoại, lên mạng xã hội xem những nơi có việc làm trái giờ lương cao. Hầu hết những công việc tôi cần tìm đều ở rất xa còn tôi thì không có phương tiện di chuyển. Chỉ có bar Thư Kỳ gần trường và nhà hàng Đan Nguyên là hai nơi cuối cùng có mức lương đúng với mong muốn, thời gian đi làm lại không vướng lịch học. Tôi quyết định đầu quân cho quán bar này.
Để có thể đạt chuẩn yêu cầu của bar, tôi trang điểm kĩ và đậm để che đi gương mặt xanh xao của mình. Quản lí Thư Kỳ nhìn tôi, ngần ngại một lúc rồi cũng gật đầu và nhận hồ sơ.
Đêm đầu tiên đi làm, tôi cùng một nhóm các nữ PG khác cầm khay có vài chiếc li cùng một chai rượu ngoại đi chào mời các nhóm khách ngồi trong phòng VIP của bar. Một người khách nam lạ mặt ngồi cùng một nhóm khác ở bàn gần quầy pha chế đưa tay ra hiệu gọi tôi.
Khi tôi vừa đến, loay hoay mở chai rót rượu mời họ thì ai đó giở trò đụng chạm, luồn tay vào váy của tôi. Vì có nhân viên pha chế và quản lí đứng gần đó, tôi im lặng, cắn răng chịu đựng. Trò sàm sỡ qua đi. Kẻ biến thái ghì tôi ngồi trên đùi anh ta, ôm ấp, vuốt ve và nhét vào áo lót của tôi một xấp tiền màu xanh mỏng. Họ giữ tôi lại suốt đêm. Hết chai rượu này đến chai rượu khác được mang đến. Tôi uống rượu và trò chuyện cùng họ, thậm chí say sưa và điên loạn trong những trò đùa thân xác nhơ nhớp với phần thưởng là những khoản tiền hậu hĩnh. Đến tận hai giờ sáng, hết giờ làm, tôi lảo đảo rời bar, trở về phòng trọ rồi ngủ đến tận trưa.
Một giờ chiều, tôi ăn uống qua loa rồi đến nhà hàng Đan Nguyên làm phục vụ. Khi bàn ghế vừa được lau dọn sạch sẽ, một người đàn ông trung niên mặc vest đen, đi giày da bóng lộn sang trọng bước vào. Tôi mang menu đến. Ông ta lật ra xem rồi gọi một tô mì hải sản, bánh ngọt kiểu Pháp cùng một li cà phê đen có đá. Tôi mang danh sách thức ăn do khách gọi vào đưa cho nhân viên trong bếp.
Một lúc sau, thức ăn được mang ra. Ông ta bắt đầu cằn nhằn chuyện nhà hàng không phục vụ nước lọc. Tôi vội giải thích nước lọc chỉ dành cho những thực khách đã đặt bàn từ trước. Ông ta hầm hầm nhìn tôi rồi cầm phần bánh ngọt ném vào áo đồng phục của tôi, hét lên: “Cô cho khách ăn thứ dở tệ này hả? Thái độ gì đây?”
“Xin lỗi quý khách…” Tôi cố tìm lời giải thích. “Phần bánh đó…”
Ông ta hắt nước trong li cà phê đen đá vào mặt tôi rồi vứt luôn cái li thủy tinh xuống sàn. Mảnh vỡ văng lên tung tóe, nằm vương vãi khắp nơi. Những lời mắng nhiếc, xúc phạm bắt đầu tuôn ra: “Không hiểu tại sao quản lí lại chọn một con điếm làm phục vụ! Quần áo lôi thôi như ăn mày xó chợ! Mặt mũi như đào hát đưa tang! Thứ rác rưởi dơ bẩn!”
Tôi im lặng, cắn răng chịu đựng và ngồi xuống, nhặt những mảnh vỡ bén ngót nằm ngổn ngang ở lối đi. Chị quản lí đứng gần đó điềm nhiên khoanh tay trước ngực, không lên tiếng can ngăn. Những nhân viên phục vụ còn lại ái ngại nhìn về phía tôi và xì xầm vài câu. Họ dù muốn giúp cũng không dám bước tới.
Người đàn ông đó đổ ụp đĩa mì lên đầu tôi, dùng tay ấn mạnh như muốn ép tôi ngã xuống, nằm trên đống thủy tinh vỡ. Tôi nhắm mắt lại để nước mì không chảy vào mắt. Đầu cổ, quần áo đồng phục đều ướt sũng và đầy những mùi tạp nham. Đợi nước mì chảy xuống hết, tôi tiếp tục thu dọn rồi mang đống rác rưởi kia vào phòng vệ sinh.
Thật sự, tôi không hiểu tại sao gã đàn ông đó lại nổi giận, càng không hiểu tại sao chị quản lí lại im lặng. Hay do tôi đã quá ngây thơ khi tin vào mẩu tuyển dụng trên mạng xã hội rằng chị ấy luôn thân thiện và rất bênh vực nhân viên phục vụ? Chỉ đến khi loáng thoáng nghe chị ấy dặn dò những nhân viên phục vụ kia là nay về sau tuyệt đối phải làm lơ trước cảnh vừa xảy ra, tôi mới hiểu và tự cười mình. Chị quản lí tốt với tất cả nhân viên phục vụ toàn thời gian, còn đối với bọn phục vụ bán thời gian như tôi thì chị ấy không có nghĩa vụ giúp đỡ.
Muốn tích cóp đủ tiền đóng lãi suất và trả nợ, tôi phải nhẫn nhịn.
Ngày hôm sau, tôi vẫn đi làm ở Đan Nguyên. Người đàn ông quạu quọ vẫn đến như thường lệ. Ông ta gọi một latte art cùng lẩu Thái. Tôi vẫn là người được chỉ định phục vụ cho vị thực khách khó tính này.
Đồ ăn thức uống vừa được dọn lên bàn, ông ta chỉ vào vào mặt tôi, mắng nhiếc: “Con người chậm chạp hơn con rùa! Mặt dày trơ lì không biết nhục! Cha mẹ thất học đẻ ra đứa con mất dạy!”
“Ông nói gì hả?” Tôi không nhịn được nữa nên gắt lên.
Ngay lập tức, tôi bị người đàn ông đó hắt nồi nước lẩu đang sôi hắt vào người. Cả nồi lẩu bị vứt xuống sàn. Tôi lại là người ngồi thu dọn thứ rác rưởi không mong muốn. Gã đàn ông đó cầm li latte ném lên đầu tôi. Không dừng lại ở đó, thừa lúc tôi không chú ý, ông ta xoay người ra ngoài, dùng mũi giày nghiến tay tôi như đang dụi tắt một điếu thuốc.
“Quá đáng lắm rồi!” Giọng điệu bất bình của cậu bạn cùng khoa vang lên ở rất gần. Đan Nguyên của AVK39E chạy đến, giải thoát tôi khỏi màn tra tấn của ông ta. Cậu bạn của K39E đỡ tôi đứng dậy, rồi nhìn người đang ngồi, tức giận. “Nghỉ học đi làm là chuyện của con! Tại sao cha cứ lôi bạn ra chửi mắng?”
Ông ta chỉ tay vào mặt tôi, lớn tiếng nhục mạ: “Con nghỉ học là tại con điếm này! Bọn gái nhảy có gì hay, có gì đáng để con bỏ tương lai vì nó?”
Tôi nhìn sang Đan Nguyên. Dù là bạn thân học cùng khoa nhưng tôi chưa từng nói với Đan Nguyên việc tôi nghỉ học đi làm. Tại sao cậu ấy biết được và đưa ra quyết định như vậy?
“Tương lai của bạn cũng là tương lai của con! Việc con làm, con không hối hận! Cha đừng làm khó bạn nữa!” Đan Nguyên gắt.
Người đàn ông đưa giơ tay định tát Đan Nguyên nhưng lại hạ tay, mặt hầm hầm, bực dọc.
Tôi cố nén một cái thở dài và nói với Đan Nguyên: “Mình nghỉ học vì cần tiền về nhà. Mình về nhà luôn. Nguyên đừng trẻ con như vậy.”
“Nhưng mà…”
“Mình biết tình cảm Nguyên dành cho mình, nhưng…” Tôi dừng một lúc vì không thể tìm thêm một lí do nào khi nhìn thấy hai mắt Đan Nguyên đỏ lên như sắp khóc. Tôi cười buồn, kết thúc vai diễn vụng về của mình. “Xin lỗi Đan Nguyên. Cảm ơn Đan Nguyên đã giúp đỡ mình.”
Rồi tôi mang cái khay đầy những thức ăn bẩn cùng li sứ trắng đựng latte vào trong phòng tạp vụ. Chị nhân viên tạp vụ ái ngại nhìn tôi. Không cần biết chị ấy nghĩ gì, tôi trút đồ bẩn vào sọt rác và để cái khay cùng chiếc li còn nguyên lên bàn gần đó và đi về phía phòng đồng phục.
Thay quần áo xong, tôi vứt bộ đồng phục dơ vào giỏ đựng đồ dơ và lấy túi tư trang, đi nhanh ra ngoài rồi rời khỏi nhà hàng.
Sáu giờ tối, Thư Kỳ mở cửa. Tiếng nhạc sàn xập xình và ánh đèn laze đủ màu nhảy nhót. Nhóm khách cũ gọi tôi đến. Như đêm trước, vẫn là những trò vuốt ve, quấy rối và những món tiền hời được nhét vào áo ngực.
Người khách chủ từng động thực hiện những trò sờ mó kéo tôi ngồi cạnh anh ta, hỏi trong hơi rượu: “Nghe đồn lão chủ nhà hàng Đan Nguyên bắt nạt em? Làm ở đó không xong thì qua bar bên anh. Chịu không?”
“Lương lậu thế nào? Đủ nuôi em không?” Tôi hỏi đùa.
“Tiền lương cao, tiền thưởng hậu hĩnh. Dư sức cho em mua son phấn, quần áo đắt tiền.” Anh ta dừng một chút, nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò. “Sao? Đầu quân cho anh không?”
“Không!” Tôi giả vờ bướng bỉnh quay mặt sang phía khác. Ánh mắt của anh ta khiến tôi khó chịu. Nếu còn nhìn, chắc chắn tôi sẽ đẩy anh ta ra. Bởi tôi không chịu được cảm giác bị người khác giới nhìn xoáy vào mắt như muốn ăn tươi nuốt sống.
Bọn đàn ông trẻ ngồi xung quanh cười ầm lên. Một tên ngồi gần đó vỗ vai kẻ vừa chiêu gọi tôi, cười đểu rồi nói điều gì đó nhưng tiếng nhạc bất chợt nổi to lấn át hết tất cả. Khi âm thanh trong phòng VIP trở về âm lượng bình thường, anh ta tùy tiện hôn mặt tôi, mạnh miệng tuyên bố: “Bar bên anh luôn mở cửa đón em! Bên đây trả lương thế nào, bên anh trả gấp ba thế đó.”
“Không tin!” Tôi vẫn giả vờ cứng đầu, đỏng đảnh. “Anh thấy em mới đi làm, còn khờ nên dụ em!”
“Bướng bỉnh!” Anh ta thì thầm và phả hơi thở đầy mùi rượu vào cổ tôi. Anh ta vẫn giữ chặt tôi trong tay và ra hiệu cho phục vụ mang thêm rượu.
“Cô em. Thằng bạn anh ít khi chân thành. Em chiều nó một lần đi.” Tên cười đểu ban nãy khuyên nhủ.
“Em thấy chưa đủ chân thành.” Tôi lấy ngữ khí trẻ con đáp lại. “Khi nào nhận đủ chân thành, em sẽ xách đồ qua bar của ảnh.”
“Rồi… Rồi…” Giọng anh ta lẫn những người ngồi cùng bàn lè nhè nối tiếp nhau. Họ rút tiền nhét vào áo lót của tôi rồi nói. “Mỗi người chia sẻ chút chân thành để chiêu gọi em. Như thế đã đủ chưa?”
“Để em suy nghĩ đã.” Tôi cười giả lả. Thật không thể tin vào những điều mắt thấy tai nghe từ bọn đàn ông trong bar. Trước mắt, họ vẫn cho tôi chút lợi nên không thể quay lưng.
Những đêm sau, nhóm khách cũ vẫn đến, vẫn dành sự ưu tiên đặc biệt cho tôi. Tổng số tiền họ cho riêng tôi đã lên tới hàng triệu nhưng vẫn chưa đủ để tôi trả nợ. Nếu bọn người này dư tiền thì tôi sẽ giúp họ tiêu tiền.
Người từng chủ động mời tôi qua bar của anh ta ngày càng có nhiều hành động táo bạo. Có đêm, anh ta cắn lên cổ, đêm khác lại hôn lên môi, ép tôi uống thứ rượu kinh tởm anh ta đang ngậm trong miệng. Trước mặt họ, tôi cố uống và làm điệu bộ lả lơi. Sau đó, tôi viện cớ cần đánh lại phấn son rồi chạy vào nhà vệ sinh, nôn thốc tháo.
Mức độ táo bạo lẫn kinh tởm trong những trò mua vui thể xác tăng lên theo tỷ lệ thuận với số tiền anh ta cho riêng tôi. Đỉnh điểm là tôi bị anh ta đè xuống ghế, hôn hít và xé váy trong sự cổ vũ của những người quanh đó. Quản lí trong bar nhìn thấy nhưng không có bất cứ phản ứng nào. Khách VIP luôn đáng quý hơn bọn PG bia rượu kiêm gái điếm như tôi.
Tính chất công việc không cho tôi đủ sức khỏe trụ vững trong trường học. Ép mình dậy sớm vào buổi sáng trở thành một cực hình. Dư âm của những cơn say làm đầu tôi đau như búa bổ, tay chân mỏi mệt đến nỗi không thể nhấc lên. Để có thể tiếp tục đi làm kiếm tiền trả nợ, tôi quyết định làm thủ tục xin nghỉ học tạm thời. Tôi luôn nghĩ đơn giản là chỉ cần qua được giai đoạn khó khăn này, tôi sẽ trở lại giảng đường và học với các em khóa sau.
Sáng đầu tuần, tôi đến văn phòng Khoa Ngoại ngữ, tìm gặp giảng viên giữ chức vụ trưởng khoa.
Hôm đó, các giảng viên trực trong văn phòng khoa đều đi vắng. Chỉ còn một mình cô Yến ngồi trước màn hình vi tính, đăm chiêu, thỉnh thoảng lại lấy xấp hồ sơ đặt bên cạnh ra xem, gõ gõ lên bàn phím rồi lại đặt hồ sơ về vị trí cũ. Thấy tôi lấp ló ngoài cửa, cô gọi tôi vào hỏi chuyện. Tôi im lặng một lúc lâu rồi thành thật thú nhận, tôi đến để xin làm giấy bảo lưu kết quả học tập.
“Cho cô lí do?” Cô hờ hững hỏi.
“Em… muốn nghỉ học để học thi các kĩ năng IELTS…” Tôi vẫn luôn dở tệ trong việc viện lí do.
Bất chợt, cô Yến nổi giận: “Trong trường cũng dạy em các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, tại sao còn phải ra ngoài học?”
“Em sợ không thi đậu… IELTS sáu chấm năm quá khó đối với em…” Tôi ngập ngừng, cố gắng nặn ra một lí do thuyết phục giáo viên trưởng khoa khó tính đang trò chuyện với mình.
“Em cứ học đi. Biết đâu đến năm cuối, những chỉ tiêu đó thay đổi?” Cô hạ giọng khuyên tôi.
“Em muốn nghỉ học…” Tôi cố nén một cái thở dài. Nếu còn ở đây, chắc chắn tôi sẽ bị thuyết phục và từ bỏ ý định ban đầu.
Cô Yến rê chuột vi tính, bấm bấm. Máy in trên bàn đưa ra một tờ giấy khổ A4 in sẵn một bảng có hai cột và bốn khung. Cột thứ nhất là danh sách các phòng cần phải đến xin quyết định nếu muốn tiếp tục thủ tục bảo lưu. Cột còn lại là nơi để các cán bộ trực ở phòng đó kí tên đóng dấu. Cô rút tờ giấy ra, đưa cho tôi, nói: “Cô cho em một tuần để suy nghĩ. Sau một tuần, nếu vẫn muốn nghỉ thì đến đây gặp cô.”
Tôi nhận lấy tờ giấy, mang ra ngoài.
Tôi không trở về phòng trọ mà đến khu nhà A19, leo lên ban công tầng cao nhất, nhìn các bạn trong khoa hối hả qua lại. Những suy nghĩ đối lập bắt đầu nảy sinh. Nếu nghỉ học một năm, những kiến thức đã học sẽ mất hết, lúc đó, tôi sẽ rất vất vả trong việc lấy lại kiến thức và bắt kịp trình độ của nhóm sinh viên khóa kế tiếp. Nhưng bù lại, tôi sẽ có dư tiền trả nợ mà không phiền lụy đến người nhà. Còn nếu tiếp tục đi học, chuyện nợ nần sẽ trở thành gánh nặng ám ảnh đầu óc.
Tiếp tục hay chấm dứt?
Nghĩ đến chuyện học, đến học phí, tiền ăn ở mỗi tháng cùng số nợ đang tăng lên từng ngày theo cấp số cộng, tôi khẽ rùng mình.
Bây giờ, nên làm cá thể độc lập hay làm sinh vật ăn bám cha mẹ? Nếu tiếp tục học, tôi có thể tốt nghiệp hay không hay chỉ là ném tiền qua cửa sổ? Hằng năm, hàng nghìn sinh viên ra trường và thất nghiệp. Họ không phải là sinh viên có học lực trung bình như tôi. Họ cầm bằng xuất sắc, bằng giỏi, bằng khá đốt đi hoặc xếp xó. Như vậy, học suốt bốn năm để làm gì?
Giấy xin quyết định của các cán bộ có liên quan đến việc nghỉ học tạm thời vẫn ở trong tay tôi. Chỉ cần có chữ kí và dấu mộc của người đại diện ở phòng Công tác sinh viên, văn phòng khoa Ngoại ngữ, phòng Lưu trữ thông tin, bộ phận Học phí-học bổng và Văn phòng Hành chính là được. Bảy ngày sau đó, tôi sẽ nhận được quyết định chính thức từ phía Hiệu trưởng.
Các anh chị đi trước từng viết như vậy trong nhóm dành cho cựu sinh viên của trường. Họ cũng từng khuyên tôi nếu có thể, hãy tiếp tục học. Bước ra khỏi giảng đường là một cuộc sống khó khăn gấp trăm lần so với khoảng thời gian vật lộn với bài tập, thuyết trình và những hạn chót của các dự án nhóm.
Nhưng ngay từ đầu, tôi đã biết mình thật sự cần và muốn điều gì vào thời điểm khó khăn này…
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.