🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
CHÚNG TÔI VÀO PHÒNG CHA FERNANDO, ở đó vị thầy tu truy hồi lại ký ức, dùng giọng điệu một bài giảng đạo. Ông đẽo gọt câu từ gọn ghẽ, đong đếm chúng theo một ngữ điệu dường như hứa hẹn một lời răn đạo đức mà mãi không thấy tới. Nhiều năm thuyết giảng đã khiến ông có được giọng điệu khỏe khoắn và mô phạm của một người quen được người khác lắng nghe, nhưng không chắc người nghe có chú tâm không.

“Nếu ta nhớ không nhầm, Julián Carax bắt đầu vào học ở San Gabriel năm 1914. Ta kết bạn với anh ta ngay từ buổi đầu, bởi cả hai chúng ta đều thuộc nhóm thiểu số những người xuất thân từ gia đình giàu có. Người ta gọi bọn ta là ‘Lũ Khố Rách Áo Ôm’ và mỗi người bọn ta đều có một hoàn cảnh riêng. Ta được học bổng là nhờ cha ta, ông làm việc trong bếp ăn của trường đã hai lăm năm. Julián được vào học là nhờ sự can thiệp của ngài Aldaya, một khách hàng của hiệu mũ Fortuny do cha Julián làm chủ. Đấy là một thời đại khác, tất nhiên, thời ấy

quyền lực vẫn tập trung trong một số gia đình và hoàng thân quốc thích. Thế giới đó đã tan biến – tàn dư ít ỏi còn sót lại cũng đã bị quét đi cùng với sự sụp đổ của nền Cộng hòa, vì điều tốt đẹp hơn, ta nghĩ vậy. Tất cả những gì còn lại chỉ là những cái tên trên đầu thư của các công ty, ngân hàng và tập đoàn vô diện. Giống như mọi thành phố cổ, Barcelona là tập hợp của những lụi tàn. Những vinh quang mà nhiều người lấy làm tự hào – những cung điện, nhà máy, công trình tưởng niệm, những biểu tượng tạo nên bản sắc của chúng ta – giờ chẳng còn gì hơn ngoài tàn tích của một nền văn minh đã tuyệt diệt.”

Đến đây, Cha Fernando dừng lại một lát trọng thể như đang chờ đợi giáo đoàn trả lời bằng một câu tiếng La tinh rỗng tuếch hoặc một câu phụ họa trong kinh sách.

“Amen, đức Cha Tôn kính. Vậy sự thật lớn lao nào đằng sau những lời thông thái ấy,” Fermín nói để che lấp sự yên lặng khó xử.

“Cha đang kể về năm đầu tiên của cha con ở trường,” tôi nhẹ nhàng nói thê

Cha Fernando gật đầu. “Hồi đó người ta đã gọi cậu ấy là Carax, mặc dù mang họ Fortuny. Lúc đầu một vài bạn học trêu chọc cậu ấy vì cái tên đó, và tất nhiên còn vì là một người trong nhóm Khố rách áo ôm nữa. Cũng như bọn trẻ từng cười nhạo ta vì ta là con trai ông đầu bếp. Các anh biết trẻ con thì thế nào rồi đấy. Trong sâu thẳm, Chúa đã ban sẵn cho chúng thiện tính, nhưng chúng cứ nhắc lại những điều được nghe ở nhà.”

“Những thiên thần bé bỏng,” Fermín nhấn mạnh.

“Cha còn nhớ gì về cha con?”

“À, chuyện đó đã lâu lắm rồi... Bạn thân nhất của cha con lúc ấy không phải Jorge Aldaya mà là một cậu bé tên Miquel Moliner. Gia đình Miquel cũng giàu có như nhà Aldaya, và ta dám chắc cậu ấy là học sinh ngông cuồng nhất từng học ở ngôi trường này. Ngài hiệu trưởng nghĩ cậu ấy bị quỷ ám bởi cậu đã trích lời Marx bằng tiếng Đức trong lễ mixa.”

“Dấu hiệu rõ ràng bị ám,” Fermín đồng tình.

“Miquel và Julián rất hợp nhau. Đôi khi ba người bọn ta đi với nhau trong giờ nghỉ ăn trưa và nghe Julián kể chuyện. Lúc khác cậu ấy kể về gia đình và về nhà Aldaya...”

Vị linh mục dường như ngần ngại.

“Sau khi tốt nghiệp, Miquel và ta vẫn giữ liên lạc. Lúc này Julián đã sang Paris. Ta biết Miquel rất nhớ cậu ấy. Miquel thường nói về cậu ấy, nhớ những bí mật Julián đã chia sẻ. Sau này, khi ta vào trường dòng, Miquel bảo rằng ta đã bước sang phe quân thù. Đấy chỉ là một câu nói đùa, nhưng sự thực là chúng ta đã xa rời nhau.”

“Cha có nghe nói Miquel kết hôn với một người tên Nuria Monfort?”

“Miquel kết hôn ư?”

“Cha thấy lạ lắm sao?”

“Lẽ ra không nên vậy, nhưng... ta không biết nữa. Sự thực là ta không biết tin tức gì của Miquel đã nhiều năm rồi. Từ trước thời chiến tranh.

“Ông ấy có bao giờ nhắc đến cái tên Nuria Monfort?”

“Không, không bao giờ. Cậu ấy cũng không bao giờ nói đang tính việc kết hôn hay là có vị hôn thê... Ta không dám chắc có nên kể cho các con nghe chuyện này không. Đây là chuyện đời tư của Julián mà Miquel đã kể cho ta, và ta hiểu rằng điều này cần được giữ kín.”

“Lẽ nào Cha định khước từ cái cơ hội duy nhất của một đứa con trai được biết về quá khứ cha ruột mình sao?” Fermín hỏi.

Cha Fernando bị giằng xé giữa ngờ vực và cái dường như là ước muốn nhớ lại, khôi phục lại những ngày đã mất ấy. “Ta cho rằng sau nhiều năm trôi qua, điều đó chẳng quan trọng nữa. Ta vẫn nhớ cái ngày Julián kể cậu ấy đã biết gia đình Aldaya thế nào và làm thế nào cuộc sống của cậu ấy thay đổi mãi mãi...”

***

... Một buổi chiều tháng Mười năm 1914, một cỗ máy mà nhiều người cho rằng là ngôi đền có bánh xe đã dừng lại trước cửa hiệu Fortuny trên Ronda de San Antonio. Từ xe bước ra là hình dáng của Don Ricardo Aldaya kiêu hãnh, oai nghiêm và ngạo mạn, lúc ấy đã là một trong những người giàu có nhất không chỉ ở Barcelona mà còn cả Tây Ban Nha. Đế chế vải sợi của ông ta đã chiếm những thành lũy công nghiệp và địa hạt thương mại dọc các dòng sông xứ Catalan. Tay phải ông ta nắm dây cương các ngân hàng và bất động sản của một nửa tỉnh này. Và tay trái ông, còn linh lợi hơn, giật dây hội đồng cấp tỉnh, tòa thị chính, các ban ngành, giáo phận và cơ quan hải quan.

Buổi chiều hôm ấy, người đàn ông có bộ râu rậm rạp, tóc mai như nhà vua, và cái đầu không mũ, con người mà ai cũng người e sợ, cần một chiếc mũ. Ông bước vào cửa hiệu của Don Antonio Fortuny, và, sau khi liếc nhìn thoáng qua cửa hiệu, ông ngờ vực nhìn ông làm mũ và người phụ việc, cậu bé Julián, rồi nói như sau: “Người ta bảo với tôi rằng, bất chấp cái vẻ bề ngoài, cửa hiệu này là nơi làm ra những chiếc mũ tốt nhất Barcelona. Mùa thu năm nay thật khó chịu, và ta sẽ cần sáu chiếc mũ chóp cao, một tá mũ quả dưa, mũ đi săn, và cái gì đó để đội tại Nghị viện ở Madrid. Các người nhớ chưa, hay cần ta phải nhắc lại?”

Đấy là điểm khởi đầu cho một quá trình gian khổ và bộn lời trong đó hai cha con hợp lực để hoàn thành đơn hàng cho Don Ricardo Aldaya. Nhờ đọc trên báo Julián biết rõ vị thế của Aldaya, ân vào thời điểm quan trọng và quyết định nhất trong công việc của cha mình, cậu tự nhủ không thể để ông thất bại được. Từ lúc nhà tư bản đặt chân vào cửa hàng, ông làm mũ ngất ngây vui sướng. Aldaya đã hứa nếu ông ta được hài lòng, ông ta sẽ giới thiệu cho tất cả bạn bè ông. Thế có nghĩa là cửa hàng mũ Fortuny, từ một cơ sở uy tín nhưng còn khiêm nhường, có thể với đến những giới cao nhất trong xã hội, làm ra những chiếc mũ lớn nhỏ cho các Nghị viên, Thị trưởng, đức Hồng y và giáo sĩ. Tuần hôm ấy dường như trôi qua trên một đám mây hạnh phúc. Julián nghỉ lớp và làm việc trong xưởng mũ mười tám đến hai mươi tiếng mỗi ngày. Cha cậu, lả đi vì vui sướng, thỉnh thoảng lại ôm cậu, và thậm chí không hề ngần ngại mà hôn cậu. Ông còn rộng lượng đến mức tặng cho vợ ông, bà Sophie, một chiếc váy và một đôi giày mới, lần đầu tiên trong mười bốn năm. Người ta không còn nhận ra ông bán mũ nữa. Một ngày Chủ nhật, ông quên đi nhà thờ, và chiều hôm đó, lòng đầy kiêu hãnh, ông ôm Julián mà nói, nước mắt rưng rưng, “Ông nội sẽ tự hào về chúng ta.”

Một trong những quá trình phức tạp nhất của nghề làm mũ, mà nay đã biến mất, cả về kỹ thuật lẫn sự khéo léo, là do kích thước. Don Ricardo Aldaya có cái hộp sọ mà theo Julián gần giống như hình quả dưa hấu và khá gồ ghề. Ngay khi ông nhìn thấy đầu của ông lớn kia là ông bán mũ đã hiểu được những khó khăn, và tối hôm đó, khi Julián nói rằng nó làm cậu nhớ tới đỉnh núi ở Montserrat, Fortuny không thể không đồng ý. “Bố ơi, con nói bằng tất cả lòng thành kính, bố biết rằng gì chứ đo đầu làm mũ thì con làm giỏi hơn bố, vì bố dễ bị hồi hộp lo lắng. Hãy để con làm cho.” Ông làm mũ đồng ý ngay, và ngày hôm sau, khi Aldaya đến trong chiếc Mercedes-Benz, Julián đón ông ta và dẫn vào cửa hàng. Khi Aldaya nhận ra rằng ông ta được một cậu nhóc mười bốn tuổi đo số mũ, ông ta nổi cáu. “Cái gì thế này? Một đứa trẻ con sao? Các người định cù chân ta đấy à?” Julián biết địa vị xã hội của khách hàng mình nhưng cậu không hề cảm thấy e sợ dù chỉ một chút, bèn trả lời, “Thưa ngài, cháu không biết gì về chân của ngài cả, nhưng chắc chắn không thể cù trên này được. Cái đỉnh đầu này giống như một trường đấu bò vậy, và nếu nhà cháu không nhanh chóng làm cho ngài một bộ mũ thì sớm muộn gì người ta cũng nhầm đầu ngài với sơ đồ đường phố Barcelona mất.” Khi nghe những lời ấy, Fortuny như muốn chui xuống đất. Aldaya không hề nao núng, cứ nhìn chằm chặp vào Julián. Rồi, trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông ta cười phá lên như thể nhiều năm rồi không được cười.

“Thằng nhóc nhà ông sẽ tiến xa đấy, Fortunato,” Aldaya tuyên bố, vì ông ta không biết họ của người bán mũ.

Vì câu chuyện đó mà người ta hiểu ra rằng Don Ricardo Aldaya ngán đến tận răng cái sự e sợ và khúm núm của người khác đối với ông. Ông ta khinh miệt những kẻ bợ đít, hèn nhát, và bất cứ ai tỏ ra yếu đuối, dù về thể chất hay tinh thần hay đạo đức. Khi gặp một cậu bé tầm thường, gần như là đứa học việc, dám cả gan cười nhạo mình, Aldaya quyết định rằng ông đã đến đúng hàng mũ lý tưởng và ngay lập tức tăng gấp đôi đơn hàng. Tuần sau đó, ông ta vui vẻ xuất hiện đúng hẹn hằng ngày, để Julián có thể lấy số và thử các mẫu khác nhau cho ông. Antoni Fortuny ngạc nhiên, không hiểu làm sao ông vua xứ Calatan lại cười rũ rượi trước lời bông đùa và những câu chuyện được kể từ miệng con trai ông, đứa trẻ mà với ông thật xa lạ, cậu bé ấy không bao giờ ông nói chuyện và là người đã nhiều năm không hề tỏ dấu hiệu có khiếu hài hước. Vào cuối tuần, Aldaya kéo ông hàng mũ đến một góc cửa hiệu để chuyện riêng với ông.

“Nghe này Fortunato, con trai ông là một đứa có tài đấy, còn ông lại nhốt nó ở đây, khiến nó buồn chán, quét mạng nhện trong cái cửa hàng nhỏ bé này.”

“Công việc này rất tốt, thứ Don Ricardo, và nó có chút năng khiếu, dù nó thiếu nghị lực.”

“Thật vớ vẩn. Cháu nó học trường gì?”

“À, nó học trường khu vực...”

“Chẳng khác gì một dây chuyền sản xuất nhân công. Khi còn trẻ, thì tài năng – hay thiên tài, nếu ông muốn – phải được nuôi dưỡng, nếu không nó sẽ rối loạn và tàn phá con người sở hữu nó. Cháu nó cần được định hướng. Hỗ trợ. Ông có hiểu không, Fortunato?”

“Ngài lầm về con trai tôi rồi. Nó chẳng phải thiên tài gì sất. Môn địa lý mà nó cũng còn trầy trật mới qua nổi nữa là. Ông giáo bảo nó là đứa đoảng và có thái độ hư đốn, giống như mẹ nó. Nhưng ít nhất ở đây nó luôn có một công việc lương thiện và...”

“Fortunato, tôi thật chán ông quá. Ngay hôm nay, không chần chừ gì nữa, tôi sẽ đến trường San Gabriel để gặp ban tiếp nhận, và tôi sẽ cho họ biết rằng họ phải nhận con trai ông vào học cùng với lớp của thằng cả Jorge nhà tôi. Nếu không làm được như vậy thì tôi đây là kẻ chẳng ra gì.”

Ông bán mũ trố hết cả mắt. Trường San Gabriel là vườn trẻ cho con em giới thượng lưu.

“Không ai bắt ông phải trả gì hết. Tôi sẽ lo việc học cho con ông. Còn ông, là cha đứa bé, chỉ việc đồng ý.”

“Nhưng tất nhiên, hẳn rồi, nhưng mà...”

“Quyết như vậy nhé. Miễn là Julián đồng ý, tất nhiên.”

“Nó sẽ làm điều gì được bảo, hẳn rồi.”

Khi người lớn đang bàn chuyện, Julián vẫn chúi đầu ở phòng sau với khuôn mũ trong tay.

“Don Ricardo, khi nào ngài sẵn sàng...”

“Julián này, chiều nay cháu định làm gì?” Aldaya hỏi.

Julián hết nhìn cha lại nhìn ông trùm tư bản.

“Dạ, cháu giúp việc cho bố, ở cửa hàng.”

“Ngoài việc đó ra.”

“Cháu nghĩ sẽ đến thư viện...”

“Cháu thích sách à?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Cháu đã đọc Conrad chưa? Đọc Tâm bóng tối chưa?”

“Ba lần rồi ạ.”

Ông bán mũ chau mày, hoàn toàn rối trí. “Thế cái gã Conrad này là ai vậy, ngài không phiều nếu tôi hỏi chứ?”

Aldaya khiến ông ta im lặng bằng cử chỉ như đang ở một cuộc họp cổ đông.

“Trong nhà ta có một thư viện với mười bốn ngàn cuốn sách, Julián. Khi còn trẻ, ta đọc sách rất nhiều, nhưng giờ ta không còn thời gian nữa. Nói ta mới nhớ, ta có ba cuốn do Conrad ký tặng cơ đấy. Con trai Jorge của ta thì lôi được nó vào thư viện còn khó. Trong nhà ta, đứa duy nhất biết suy nghĩ và đọc sách là con gái Penélope, nên tất cả những cuốn sách ấy đang bị bỏ phí. Cháu có muốn đi xem không?”

Julián gật đầu, không nói nên lời. Ông bán mũ quan sát cảnh tượng với một cảm giác khó chịu mà ông không thể diễn tả nổi. Những cái tên ấy xa lạ với ông. Tiểu thuyết, như mọi người đều biết, chỉ dành cho đàn bà và những kẻ vô công rồi nghề. Tâm bóng tối, với ông ta nghe như thể là một tội đáng chết.

“Fortunato, con trai ông sẽ đi với tôi. Tôi muốn nó làm quen với con trai tôi, Jorge. Đừng lo, chúng tôi sẽ trả nó về cho ông sau. Cậu bé hãy nói xem, cháu đã bao giờ ngồi trong một chiếc Mercedes-Benz chưa?”

Julián cho rằng đó là tên của cỗ máy to cồng kềnh và uy nghi mà nhà công nghiệp dùng để đi lại. Nó lắc đầu.

“Vậy thì đến lúc rồi. Giống như là lên thiên đường vậy, nhưng không cần chết.”

Antoni Fortuny nhìn họ đi trong chiếc xe xa hoa tột bậc kia, và khi ông tìm vào trong tim mình, ông chỉ thấy một nỗi buồn. Đêm hôm ấy, khi ăn tối với Sophie (bà đang mặc bộ váy mới, đi đôi giày mới và hầu như không có vết thâm hay sẹo nào),ông tự hỏi lần này ông đã mắc sai lầm ở đâu. Khi Chúa vừa trả lại cho ông đứa con trai, thì Aldaya lại mang nó đi.

“Cởi cái váy đó ra, con đàn bà kia, trông mụ như một con điếm. Và đừng để tôi thấy thứ rượu này trên bàn lần nữa. Cái thứ pha nước này cũng đủ rồi. Thói tham lam rốt cuộc sẽ hủy hoại tất cả chúng ta.”

Julián chưa bao giờ sang bên kia Đại lộ Diagonal. Những hàng cây kia, những dải đất trống, và những cung điện đang chờ đợi thành phố mở rộng là một ranh giới cấm. Bên kia ranh giới ấy là những làng nhỏ, những ngọn đồi, những chốn bí ẩn như huyền thoại của giới nhà giàu. Trong khi họ đi qua chúng, Aldaya nói với cậu bé về trường San Gabriel, về những người bạn mới Julián chưa bao giờ gặp, về tương lai mà cậu chưa bao giờ nghĩ là có thể.

“Cháu mong muốn điều gì, Julián? Ý ta là trong cuộc đời mình ấy.”>

“Cháu không biết. Đôi khi cháu nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn. Tiểu thuyết gia.”

“Giống Conrad ư? Cháu còn trẻ lắm, tất nhiên. Vậy cháu nói xem, ngân hàng không thu hút cháu sao?”

“Cháu không biết, thưa ngài. Sự thực là trong đầu cháu còn không nghĩ đến nó. Chưa bao giờ cháu nhìn thấy nhiều hơn ba đồng peseta cả. Tiền nhiều đối với cháu là một bí ẩn.”

Aldaya bật cười. “Không có bí ẩn nào đâu, Julián. Thủ thuật ở đây không phải là để ba đồng peseta vào một chỗ, mà là ba triệu. Không có gì khó hiểu cả, ta đảm bảo với cháu. Không có Chúa ba ngôi nào hết.”

Chiều hôm đó, khi đi qua Đại lộ Tibidabo, Julián nghĩ cậu đang đi vào cửa thiên đường. Các dinh thự trông như những nhà thờ san sát hai bên đường. Đang đi, tài xế rẽ ngang, rồi họ qua cổng một dinh thự. Bỗng nhiên một đoàn người hầu chạy ra nghênh đón ông chủ. Điều duy nhất Julián có thể thấy là một ngôi nhà uy nghiêm, to lớn có ba tầng. Chưa bao giờ cậu bé nghĩ rằng người trần lại có thể sống ở những nơi như vậy. Cậu cứ để người ta dẫn đi qua hành lang, rồi đến một sảnh vòm, ở đó có một cầu thang đá cẩm thạch mọc lên, có trải thảm nhung, và cuối cùng là vào một căn phòng lớn chất đầy những sách, từ sàn nhà lên đến trần.

“Cháu nghĩ sao?” Aldaya hỏi.

Julián hầu như không nghe thấy gì.

“Damián, bảo Jorge xuống thư viện ngay.”

Chỉ cần nghe một mệnh lệnh của ông chủ, những kẻ hầu vô diện và lặng câm bèn lẩn đi ngay, với sự hữu hiệu và phục tùng như một bầy côn trùng được huấn luyện kỹ càng.

“Cháu sẽ cần những bộ quần áo mới, Julián ạ. Ngoài kia có rất nhiểu kẻ đần độn chỉ biết mỗi cái vẻ bề ngoài... Ta sẽ bảo Jacinta lo việc đó; cháu không phải lo. Và tốt nhất là cháu đừng nói gì với cha cháu, lỡ đâu việc đó sẽ làm ông ấy khó chịu. À, Jorge đến rồi. Jorge, ta muốn con gặp một cậu bé tuyệt vời, người sẽ là bạn học của con. Julián Fortu...”>

“Julián Carax,” cậu sửa lời.

“Julián Carax,” Aldaya hài lòng nhắc lại. “Ta thích nghe như vậy. Đây là con trai ta, Jorge.”

Julián đưa tay ra, và Jorge Aldaya bắt lấy. Cái bắt tay thờ ơ, lạnh nhạt, và khuôn mặt cậu ta có vẻ tai tái, giả tạo như thể lớn lên trong thế giới búp bê. Với Julián, quần áo và đôi dép cậu ta trông như trong tiểu thuyết. Đôi mắt cậu ta có vẻ hiên ngang và ngạo mạn, khinh thị và lịch sự đầy giả tạo. Julián mỉm cười, nhận thấy sự bất ổn, lo sợ và trống rỗng dưới cái vẻ phù phiếm và thỏa mãn ấy.

“Có thật là cậu chưa đọc bất cứ cuốn sách nào ở đây không?”

“Sách thật nhàm chán.”

“Sách như tấm gương: cậu chỉ nhìn thấy trong chúng những gì cậu đã có sẵn trong bản thân mình,” Julián trả lời.

Don Ricardo Aldaya lại cười. “Thôi, ta để hai đứa ở lại làm quen với nhau. Julián, cháu sẽ thấy rằng mặc dù trông có vẻ hư hỏng và kiêu ngạo nhưng dưới cái mặt nạ đó, Jorge không ngốc nghếch như vẻ bề ngoài đâu. Nó thừa hưởng nét gì đó của cha nó đấy.”

Lời của ông Aldaya như những con dao rơi xuống cậu bé, mặc dù nụ cười trên mặt nó không nhạt đi chút nào. Julián tiếc về câu trả lời của mình và cảm thấy muốn xin lỗi cậu ta.

“Hẳn cậu là con trai ông bán mũ,” Jorge nói, không hề ác ý. “Cha tớ nói về cậu suốt dạo gần đây.”

“Thật lạ thường. Tớ hy vọng cậu không vì thế mà có ác cảm với tớ. Dưới cái mặt nạ của kẻ lăng xăng biết tuốt, tớ không phải là đứa ngốc nghếch như vẻ bề ngoài đâu.”

Jorge mỉm cười với Julián. Julián nghĩ cậu ta cười theo cách cười của người không có bạn bè, với sự hàm ơn.

“Nào, tớ sẽ chỉ cho cậu xem căn nhà.”

Chúng b lại thư viện sau lưng mà bước về phía cửa chính, ra vườn. Khi chúng đi qua hành lang nơi cầu thang, Julián ngước nhìn lên và thoáng thấy một bóng người đang lên bậc, một tay bám thành vịn. Cậu cảm giác như mình lạc vào ảo ảnh. Cô bé hẳn chừng mười hai mười ba tuổi, đi cùng là một phụ nữ lớn tuổi, một người nhỏ nhắn má ửng hồng, có vẻ như chị nuôi. Cô bé mặc váy xa tanh màu xanh dương. Mái tóc cô bé màu hạnh đào, làn da trên vai và trên chiếc cổ thon thả dường như trong mờ. Cô bé dừng trên đỉnh cầu thang và khẽ quay lại. Lúc hai cặp mắt chạm nhau, cô bé thoỏng cười. Rồi cô bảo mẫu đặt tay lên vai cô bé, dẫn vào hành lang và họ biến mất. Julián nhìn xuống và cậu lại nhìn chằm vào mắt Jorge.

“Đấy là Penélope, em gái tớ. Cậu sẽ gặp nó sau. Nó khá kỳ quặc đấy. Nó đọc sách suốt ngày. Thôi nào, tớ cho cậu xem nhà nguyện ở tầng hầm. Đầu bếp bảo nó bị ma ám đấy.”

Julián ngoan ngoãn đi theo Jorge, nhưng cậu hầu như chẳng quan tâm gì khác. Giờ cậu đã hiểu. Cậu đã mơ về cô bé hàng tỉ lần, cũng trên cầu thang ấy, cũng với chiếc váy xanh ấy và cũng một cử động của đôi mắt màu xám tro ấy, không biết cô bé là ai và tại sao cô lại cười với cậu. Khi vào trong vườn, cậu để Jorge dẫn mình ra nhà xe, và sân quần vợt. Lúc này cậu mới quay lại và thấy cô bé đứng bên cửa sổ trên tầng hai. Cậu chỉ có thể nhận ra hình dáng cô bé, nhưng cậu biết cô đang mỉm cười với mình và bằng cách nào đó cô bé cũng nhận ra cậu.

Cái nhìn thoảng qua của Penélope Aldaya ở đỉnh cầu thang vẫn đọng lại trong cậu suốt mấy tuần đầu tiên ở trường San Gabriel. Thế giới mới không hoàn toàn như cậu muốn: học sinh trường San Gabriel cư xử như những công tử kiêu căng, hống hách, còn thầy cô thì như những kẻ hầu ngoan ngoãn có học thức. Người bạn đầu tiên mà Julián làm quen, ngoài Jorge Aldaya, là một cậu bé tên Fernando Ramos, con trai của người đầu bếp trong trường, cậu bé ấy chưa bao giờ tưởng tượng mình mặc áo thầy tu và dạy trong chính những lớp học nơi cậu đã trưởng thành. Fernando, mà các học sinh khác đặt cho biệt danh “thằng dọn bếp” và xem cậu như người hầu, là người thông minh lanh lợi, nhưng gần như không bạn bè gì với những học sinh trong trường. Người bạn duy nhất của cậu là một cậu bé lập dị tên Miquel Moliner, người nhanh chóng sẽ trở thành bạn thân nhất của Julián ở trường, Miquel Moliner, một cậu bé quá thông minh nhưng thiếu lòng kiên nhẫn, thích chọc tức thầy cô bằng cách chất vấn những lời của họ, sử dụng những lập luận thông minh thể hiện được cả sự khéo léo lẫn thói châm biếm cay độc của cậu. Những học sinh khác e sợ miệng lưỡi sắc sảo của cậu bé và xem cậu như một giống loài khác. Theo cách nào đó, nhận định này không hoàn toàn sai, bởi tuy mang dòng máu Bôhêmiêng và chất giọng quê mùa, Miquel là con trai của một doanh nhân làm giàu bất chính qua việc sản xuất vũ khí.

“Carax phải không? Tớ nghe đồn bố cậu làm mũ,” cậu ta nói khi Fernando Ramos giới thiệu chúng.

“Bạn bè gọi tớ là Julián. Còn tớ nghe đồn bố cậu làm đại pháo.”

“Thực ra là bố tớ bán thôi. Thứ duy nhất ông ấy biết làm ra là tiền. Các bạn của tớ, trong số những người ấy tớ có thể tin tưởng mỗi Nietzsche và Fernando đây, đều gọi tớ là Miquel.”

Miquel Moliner là một cậu bé u buồn. Cậu bị ám ảnh một cách bệnh hoạn về cái chết và về những chuyện tang tóc, một lĩnh vực mà cậu đã dành quá nhiều thời gian và tài năng của mình để suy ngẫm. Mẹ cậu mất ba năm trước do một tai nạn kỳ lạ trong nhà, mà tay bác sĩ ngu ngốc nào đó dám kết luận là tự sát. Chính Miquel đã phát hiện ra cái xác lấp loáng trong nước dưới giếng, trong căn nhà nghỉ hè của gia đình họ ở Argentina. Khi người ta dùng dây thừng kéo bà lên, họ thấy trong túi áo bà nhét đầy những hòn đá. Có cả một bức thư viết bằng tiếng Đức, tiếng mẹ đẻ của bà, nhưng ông Moliner, người không bao giờ bận tâm đến việc học ngôn ngữ kia, đã đốt nó đi ngay buổi chiều hôm ấy mà không cho ai đọc. Miquel Moliner thấy cái chết ở khắp nơi trên những chiếc lá rụng, ở những con chim rơi khỏi tổ, ở những người già, và trong cơn mưa cuốn phăng đi mọi thứ. Cậu bé có tài năng đặc biệt về hội họa và thường mải miết hàng giờ với những bức họa than chì trong đó một phụ nữ, mà Julián nghĩ là mẹ của Miquel, luôn xuất hiện trên nền sương mờ và bãi biển hoang vắng.

“Lớn lên cậu muốn trở thành người thế nào Miquel?”

“Tớ sẽ không bao giờ lớn,” cậu bé trả lời bí ẩn.

Sở thích chính của cậu, ngoài ký họa và phủ nhận mọi linh hồn sống, là các tác phẩm của một bác sĩ bí ẩn người Áo, người trong những năm sau này sẽ trở thành nổi tiếng: Sigmund Freud. Nhờ người mẹ đã chết của mình, Miquel Moliner đọc và viết tiếng Đức thành thạo, và cậu có một số sách của vị bác sĩ thành Vienna kia. Lĩnh vực yêu thích của cậu là lý giải những giấc mơ. Cậu có thói quen hỏi mọi người xem họ đã mơ thấy gì, và sau đó cậu sẽ chẩn đoán. Cậu luôn nói cậu sẽ chết trẻ và cậu chả bận tâm. Julián tin rằng, vì suy nghĩ quá nhiều đến cái chết, cậu ta rốt cuộc sẽ thấy cái chết nhiều ý nghĩa hơn cuộc sống.

“ tớ chết, những gì của tớ sẽ thành của cậu, Julián ạ,” Moliner nói. “Trừ những giấc mơ của tớ.”

Ngoài Fernando Ramos, Moliner và Jorge Aldaya, Julián cũng làm bạn với một cậu bé nhút nhát và khó gần tên là Javier, đứa con một của ông bảo vệ trường San Gabriel sống trong một căn nhà xoàng xĩnh ngay sát cổng vào vườn trường. Javier, giống như Fernando, bị những cậu bé khác trong trường coi không gì hơn tên hầu khó chịu, hay đi thơ thẩn một mình trong vườn và sân trường. Vì quá hay lang thang quanh trường nên nó biết mọi ngóc ngách của tòa nhà, từ những đường dưới tầng hầm cho đến các lối đi lên tòa tháp, và những chỗ ẩn nấp không ai còn nhớ tới nữa. Chúng là thế giới và chỗ nương náu của Javier. Nó luôn mang theo một con dao nhíp lấy trong ngăn tủ của ông bố, và nó thích dùng dao khắc những hình gỗ, rồi đem bỏ trong chuồng chim bồ câu trong trường. Cha nó, ông Ramón, người bảo vệ, là một cựu binh trong Chiến tranh Cuba, nơi ông đã đánh mất một bàn tay và (theo tin đồn ác ý) hòn bi bên phải, do một phát súng của chính Theodore Roosevelt trong một trận càn quét tại Vịnh Cochinos. Vì sợ nhàn cư vi bất thiện, “Ramón Một Bi” (đám con trai trong trường gọi ông ta như vậy) giao cho đứa con trai nhiệm vụ đi nhặt lá khô trong rừng thông và ở khoảng sân quanh đài phun nước. Ramón là người tốt, hơi thô lỗ và không biết cách chọn bạn, mà đặc biệt là chọn vợ. Ramón Một Bi lấy phải một mụ vợ phốp pháp, đần độn mang ảo tưởng mình là người cao sang và có dáng vẻ một ả hầu bếp, mụ thường ăn mặc hớ hênh trước mặt con trai và những cậu bé khác, một thói quen gây ra sự nhạo báng và trêu chọc không ngớt. Tên thánh của mụ là María Craponcia, nhưng mụ tự gọi mình là Yvonne, vì mụ nghĩ cái tên ấy nghe tao nhã hơn. Yvonne thường hỏi han con trai mụ về khả năng thăng tiến xã hội nhờ có đám bạn của cậu bé, vì mụ tin rằng nó đang giao du với tầng lớp tinh hoa của Barcelona. Mụ hỏi về gia sản của đứa này hoặc đứa kia, mường tượng ra cảnh chính mụ được mặc những thứ lụa là tốt nhất và được mời đến tiệc trà của giới thượng lưu.

Javier cố gắng càng ít ở nhà càng tốt và thấy vui vì những công việc bố nó giao, cho dù vất vả thế nào. Bất cứ lý do gì cũng tốt miễn là được ở một mình, để trốn vào thế giới bí mật của nó và để khắc hình gỗ. Khi đám học sinh thấy nó từ xa, một số đứa cười ồ lên hoặc lấy đá ném nó. Một ngày, Julián cảm thấy tội nghiệp nó khi cậu chứng kiến nó bị ném đá làm sướt trán và ngã soài lên đống gạch vụn, cậu liền quyết định đến giúp đỡ nó và đề nghị làm bạn. Lúc đầu, Javier nghĩ Julián đến để hoàn tất cái trò ác kia, trong khi những đứa khác đang cười phá lên.

“Tớ là Julián,” cậu nói, đưa tay ra. “Bọn tớ định đi chơi cờ trong rừng thông, tớ không biết cậu có muốn đi cùng không.”>

“Tớ không biết chơi cờ.”

“Tớ cũng vậy, mãi cho đến cách đây hai tuần. Nhưng Miquel là một thầy giáo rất cừ.”

Thằng bé nhìn Julián đầy nghi ngờ, nghĩ sẽ có một trò chơi khăm, một đòn tấn công bí mật, bất cứ lúc nào.

“Tớ không biết các bạn cậu có muốn tớ đi cùng không...”

“Họ muốn thế mà. Ý cậu sao?”

Từ ngày hôm đó, Javier thỉnh thoảng lại đi cùng chúng sau khi làm xong những công việc bố nó giao. Thường nó không nói gì, chỉ lắng nghe và quan sát những đứa khác. Aldaya có vẻ hơi sợ nó. Fernando, vốn cũng chịu sự tẩy chay của những đứa khác vì xuất thân tầm thường của mình, đã phá lệ mà đối xử tốt với cậu bạn mới. Miquel Moliner, người dạy nó những quy tắc cơ bản của cờ vua và quan sát nó với ánh mắt thận trọng, là đứa nghi ngờ nhiều nhất.

“Thằng này đúng là bị điên. Nó bắt mèo và bồ câu rồi dùng dao tra tấn chúng hàng giờ liền. Rồi sau đó đem chôn chúng trong rừng thông. Thật kinh tởm.”

“Ai nói như vậy?”

“Chính nó kể cho tớ nghe hôm trước khi tớ giải thích cho nó cách đi của quân mã. Nó còn bảo thỉnh thoảng mẹ nó chui vào giường sờ soạng nó.”

“Chắc nó trêu tức cậu thôi.”

“Tớ không tin. Trong đầu nó hẳn là bất thường, Julián, có lẽ không phải do lỗi của nó.”

Julián cố lờ đi lời cảnh báo và dự đoán của Miquel, nhưng quả thật cậu thấy khó mà kết bạn được với con trai ông bảo vệ. Yvonne đặc biệt không bằng lòng về Julián và Fernando Ramos. Trong số tất cả những đứa trẻ, chỉ hai đứa này là không một cắc dính túi. Mụ ta nghe nói cha Julián là chủ cửa hàng tầm thường, còn mẹ cậu chỉ là giáo viên dạy nhạc mà thôi. “Hạng người đấy làm gì có tiền, đẳng cấp, hay sự tinh tế, con yêu,” mẹ nó chỉ bảo. “Con nên làm bạn với Aldaya. Nó xuất thân từ một g tốt.” “Vâng, thưa mẹ,” thằng bé trả lời. “Mẹ nói sao cũng được.”

Thời gian trôi đi, Javier dường như bắt đầu tin vào những đứa bạn mới của mình. Thi thoảng nó lại nói đôi lời, và nó đang khắc một bộ quân cờ cho Miquel Moliner, để cảm ơn vì đã dạy nó chơi cờ. Một ngày, khi không có ai ngờ tới hay nghĩ là có thể có chuyện này, chúng phát hiện ra Javier biết cười và nó có nụ cười ngây thơ như một đứa bé.

“Cậu thấy không? Cậu ta bình thường đấy chứ,” Julián lập luận.

Miquel Moliner vẫn không chịu tin, và cậu quan sát thằng bé kỳ quặc với sự chăm chú nghiêm ngặt như đang làm khoa học.

“Javier bị ám ảnh về cậu đấy, Julián,” một ngày cậu bé nói với Julián . “Mọi thứ nó làm đều chỉ mong được cậu chấp thuận.”

“Thật vô lý! Cậu ta có bố mẹ để làm việc đó; tớ chỉ là một người bạn thôi.”

“Cậu đúng là vô trách nhiệm. Cha nó là một kẻ khốn khổ tội nghiệp, phải vất vả tìm lỗ đít khi ông ta cần đi ị, còn cái bà Yvonne đúng là một con mụ thô lậu óc bọ chét lúc nào cũng giả vờ như tình cờ bị mọi người bắt gặp trong lúc mụ đang thay đồ lót, tin rằng mụ ta là hiện thân của thần Vệ nữ hay cái gì đó tệ hơn nhiều mà tớ không muốn nói đến. Thằng con, khá hiển nhiên, đi tìm một người cha thay thế, và cậu, thiên thần cứu vớt, từ thiên đường rơi xuống chìa tay ra cho nó. Thánh Julián nhà Fountain, thánh bảo hộ những kẻ khổ hạnh.”

“Cái ông bác sĩ Freud đang đầu độc cậu rồi, Miquel. Tất cả chúng ta đều cần có bạn. Thậm chí cả cậu.”

“Nhưng thằng này không cần bạn và sẽ không bao giờ như vậy. Nó mang trái tim của một con nhện. Và nếu cậu không tin tớ, thời gian sẽ trả lời. Tớ không biết nó mơ thấy gì...?”

Miquel Moliner không thể biết rằng giấc mơ của Francisco Javier giống với giấc mơ của Julián bạn cậu hơn cậu tưởng. Một lần, vài tháng trước khi Julián bắt đầu đi học ở ngôi trường này, con trai ông bảo vệ đang nhặt lá khô ở khu vực đài phun nước thì chiếc ô tô sang trọng của Don Ricardo Aldaya đến. Chiều hôm đó, bản có người đi cùng. Tháp tùng ông ta là một ảo ảnh, một thiên thần ánh sáng mặc vải lụa dường như sắp sửa bay lên. Thiên thần ấy, không ai khác chính là Penélope, bước ra khỏi chiếc Mercedes và chạy đến một đài phun nước, khuơ khuơ chiếc ô và dừng lại lấy tay khoát nước trong hồ. Như mọi khi, cô bảo mẫu Jacinta đi theo sát cô bé, quan sát mọi cử chỉ dù là nhỏ nhất của cô bé. Nhưng ngay cả khi nếu có một đoàn người hầu bảo vệ cho cô bé thì cũng chẳng sao: Javier chỉ nhìn vào cô thôi. Nó sợ rằng nếu chớp mắt, cái ảo ảnh kia sẽ tan biến. Nó vẫn đứng đó, bất động, nín thở dõi theo ảo ảnh ấy. Không lâu sau, như thể cảm thấy sự hiện diện của nó và cái nhìn lén lút kia, Penélope ngước mắt lên nhìn thẳng nó. Vẻ đẹp trên khuôn mặt dường như khiến nó đau nhói và không chống cự nổi. Nó nghĩ nó đã thấy nét thoáng cười trên đôi môi cô bé. Quá sợ hãi, Javier chạy trốn lên đỉnh tháp nước, cạnh chuồng chim bồ câu trên gác tòa nhà, chỗ trốn ưa thích của nó. Tay nó vẫn run khi gom nhặt đồ nghề chạm khắc và bắt đầu tạo một hình tạc mới là khuôn mặt nó vừa nhìn thấy. Hôm ấy nó về nhà muộn hơn vài tiếng so với bình thường, mẹ nó đang lõa lồ bán thân, giận dữ ngồi chờ nó. Thằng bé cúi mặt, sợ rằng nếu mẹ nhìn vào mắt, mụ ta sẽ thấy cô bé bên hồ nước và biết nó đang nghĩ gì.

“Mày đã ở đâu, thằng cứt?”

“Con xin lỗi mẹ. Con bị lạc.”

“Mày đã bị lạc ngay từ ngày mày sinh ra rồi.”

Nhiều năm sau, mỗi khi nhét khẩu súng vào miệng một tù nhân và bóp cò, Chánh thanh tra Francisco Javier Fumero sẽ nhớ lại cái ngày hắn thấy đầu mẹ hắn vỡ tung như một quả dưa chín gần một quán bar ngoài trời ở Las Planas và hắn không cảm thấy gì hết, chỉ là sự chán ngắt của những thứ chết chóc. Chủ quầy bar nghe tiếng súng liền báo tin cho cảnh sát, rồi họ tìm thấy một đứa trẻ đang ngồi trên một tảng đá, trong tay cầm khẩu súng ngắn đang bốc khói. Nó dửng dưng nhìn cái xác không đầu của Maria Craponcia, còn gọi là Yvonne, bị côn trùng bu kín. Khi thấy cảnh sát đến, nó chỉ nhún vai, mặt bê bết máu, như thể bị bệnh đậu mùa tàn phá. Lần theo tiếng khóc, cảnh sát tìm thấy Ramón Một Bi đang ngồi cạnh cây thánh giá, cách đó chừng ba mươi thước, trong một bụi cây. Ông ta đang run như một đứa trẻ không thể nói năng rõ ràng. Viên trung úy cảnh sát, sau nhiều cân nhắc, đã báo cáo rằng sự việc này là một tai nạn thương tâm, và đã ghi trong kết luận điều tra như vậy, mặc dù điều đó trái lương tâm anh ta. Khi người ta hỏi đứa bé liệu họ có thể làm gì giúp được nó, Francisco Javier hỏi nó có thể giữ khẩu súng không, vì nó muốn khi lớn lên sẽ trở thành một người lí

***

“Anh có sao không, Romero de Torres?”

Sự xuất hiện đột ngột của Fumero trong câu chuyện của Cha Fernando Ramos khiến tôi choáng váng, nhưng hệ quả đối với Fermín mới thật rùng rợn. Trông anh ta trắng như tờ giấy, hai tay run bần bật.

“Huyết áp tôi giảm đột ngột thôi,” Fermín ứng biến một giọng lí nhí. “Thời tiết xứ Catalan này đúng là địa ngục đối với dân miền Nam chúng tôi.”

“Anh có muốn một cốc nước không?” vị thầy tu giọng lo lắng.

“Nếu đức Cha Cao cả không phiền. Và có lẽ một chút sô cô la nữa, để bổ sung đường, cha biết đấy...”

Vị thầy tu rót cho anh ta một cốc nước, Fermín liền uống đầy thèm khát.

“Ta chỉ có kẹo the thôi. Liệu có ích gì không?”

“Chúa phù hộ cho Cha.”

Fermín nuốt một nắm kẹo và sau một lúc dường như da mới trở lại trạng thái tự nhiên.

“Đứa trẻ này, con trai ông bảo vệ, người đã anh dũng mất đi một hòn bi để bảo vệ xứ thuộc địa, Cha có chắc tên là Fumero, Francisco Javier Fumero không?”

“Đúng. Ta dám chắc. Con biết hắn ta ư?”

Cha Fernando nhíu mày. “Ta cũng chẳng ngạc nhiên lắm. Đáng tiếc Francisco Javier lại trở thành một nhân vật xấu.”

“Chúng con không chắc hiểu ý Cha...”

“Các con hiểu đấy. Francisco Javier Fumero là chánh thanh tra của Đội điều tra Tội phạm Barcelona và được biết đến rộng rãi. Danh tiếng của hắn ta đã vươn đến tận chúng tôi, những người chưa bao giờ rời khỏi ngôi trường này, và ta dám chắc rằng khi nghe tên hắn, các con đã rúm người lại đôi”

“Cha đã nói như vậy, thưa đức Cha Tôn kính, cái tên ấy cũng gợi chút gì đấy...”

Cha Fernando liếc nhìn chúng tôi. “Cậu bé này không phải con trai của Julián Carax. Có đúng không?”

“Là con tinh thần thôi, thưa đức Cha Thanh cao. Về mặt đạo đức, như thế đúng hơn.”

“Các con đang dính vào chuyện gì vậy? Ai cử các anh đến?”

Lúc này, tôi đoan chắc chúng tôi sắp bị đuổi ra khỏi văn phòng của vị thầy tu, tôi bèn quyết định cho Fermín im lặng, và lần này sẽ đánh bài ngửa.

“Cha nói đúng, thưa Cha. Julián Carax không phải cha đẻ của con. Nhưng không ai cử chúng con đến đây cả. Nhiều năm trước đây, con tình cờ tìm thấy cuốn sách của Carax, một cuốn sách được cho là đã biến mất, và từ lúc ấy, con đã cố tìm hiểu thêm về ông ấy và làm rõ hoàn cảnh cái chết của ông ấy. Romero de Torres đã giúp con...”

“Cuốn sách nào?”

“Bóng hình của gió. Cha đã đọc chưa?”

“Ta đã đọc tất cả tiểu thuyết của Julián.”

“Cha còn giữ chúng không?”

Vị tu sĩ lắc đầu.

“Con có thể hỏi Cha đã làm gì với chúng không?”

“Nhiều năm trước, có người đã lẻn vào phòng ta và đốt chúng rồi.”

“Cha có nghi cho ai không?”

"Tất nhiên. Ta nghi là Fumero. Đấy không phải là lý do con đến đây sao?”

Fermín và tôi nhìn nhau bối rối.

“Thanh tra Fumero ư? Tại sao ông lại muốn đốt những cuốn sách ấy?”

“Còn ai nữa? Trong những năm cuối học chung ở trường, Francisco Javier đã cố giết Julián bằng khẩu súng ngắn của cha hắn. Nếu Miquel không ngăn hắn lại...”

“Tại sao hắn muốn giết Julián? Julián là bạn thân nhất của hắn mà.”

“Francisco Javier bị ám ảnh về Penélope Aldaya. Không ai biết điều này. Ta nghĩ thậm chí Penélope còn không biết đến sự tồn tại của hắn. Hắn giữ bí mật này trong nhiều năm. Rõ ràng hắn thường bí mật dõi theo Julián. Ta nghĩ có ngày hắn thấy Julián hôn Penélope. Ta không biết. Điều ta biết là hắn cố giết Julián ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Miquel Moliner, người không bao giờ tin Fumero, đã lao mình vào Fumero cố ngăn hắn vào phút chót. Vết sâu do viên đạn gây ra vẫn nhìn thấy được ngay ở cổng vào. Mỗi lần đi qua đó, ta vẫn nhớ cái ngày ấy.”

“Chuyện gì đã xảy ra với Fumero?”

“Hắn và gia định bị tống cổ khỏi trường. Ta nghĩ Francisco Javier bị đưa vào trường nội trú một thời gian. Chúng ta không nghe tin gì về hắn nữa mãi cho đến vài năm sau đó, khi mẹ hắn ta bị chết trong một tai nạn đi săn. Không hề có một tai nạn như vậy. Francisco Javier Fumero là kẻ giết người.”

“Nếu con nói với Cha...” Fermín lí nhí.

“Cũng không tệ nếu các con nói với ta điều gì đó, nhưng lần này để đổi gió hãy nói điều gì có thật đi.”

“Chúng con có thể nói với Cha rằng Fumero không phải là người đốt sách của Cha.”

“Vậy thì là ai?”

“Nhiều khả năng đó là một người đàn ông có khuôn mặt bị lửa làm biến dạng, người tự xưng là Laín Coubert.”

“Có phải đó là...?”

Tôi gật đầu. “Tên một nhân vật của Carax. Tên ác quỷ.”

Cha Fernando dựa người vào thành ghế, cũng bối rối như chúng tôi.

“Điều dường như ngày càng rõ ràng là Penélope Aldaya là trung tâm của câu chuyện này, và cô ấy là người chúng ta biết ít nhất,” Fermín nhận xét.

“Ta e không thể giúp gì các con được. Ta ít khi nào thấy cô ấy, nếu có chăng thì cũng chỉ từ xa, hai ba lần gì đấy. Ta biết gì về cô ấy là qua Julián kể, cũng không nhiều nhặn gì. Một người khác có vài lần nhắc đến Penélope là Jacinta Coronado.”

“Jacinta Coronado ư?”

“Bảo mẫu của Penélope. Bà ấy đã nuôi dạy Jorge và Penélope. Bà ta yêu chúng điên dại, đặc biệt là Penélope. Đôi khi bà ấy đến trường đón Jorge, vì Don Ricardo Aldaya muốn con cái của ông ta bị giám sát mọi lúc bởi một người trong nhà ông. Jacinta là một thiên thần. Bà nghe nói cả Julián lẫn ta xuất thân từ những gia đình tầm thường, nghĩ rằng chúng ta đói lắm, nên chiều chiều bà ấy luôn mang cho chúng ta chút đồ ăn. Ta bảo bà ấy rằng cha ta làm đầu bếp nên bà không phải bận tâm, ta chưa bao giờ thiếu ăn. Nhưng bà cứ khăng khăng. Đôi khi ta chờ được nói chuyện với bà. Bà ấy là người tốt nhất ta từng gặp. Như ta biết, bà không có con cái hay bạn trai. Bà cô đơn trong thế giới này và dành hết cuộc đời cho những đứa con của Aldaya. Bà tôn sùng Penélope. Bà nói chuyện về cô ấy...”

“Cha vẫn liên lạc với Jacinta chứ?”

“Thỉnh thoảng ta đến thăm bà ấy ở nhà dưỡng lão Santa Lucía. Bà ấy không còn ai thân quen. Vì những lý do chúng ta không thể hiểu được, không phải lúc nào Chúa cũng tưởng thưởng cho chúng ta khi chúng ta còn sống. Jacinta giờ rất già và đơn độc như suốt đời bà vẫn vậy.”

Fermín và tôi nhìn nhau.

“Thế còn Penélope? Cô ấy có bao giờ đi thăm Jacinta không?”

Đôi mắt Cha Fernando tối sầm lại, không thể xuyên thấu. “Không ai biết đã có chuyện gì với Penélope. Cô gái đó là cả cuộc đời Jacinta. Khi nhà Aldaya bỏ đi châu Mỹ và bà mất cô ấy, bà ấy mất tất cả.”

“Tại sao họ không mang bà ấy theo?ó đi Argentina cùng gia đình Aldaya không?” tôi hỏi.

Vị cha đạo nhún vai. “Ta không biết. Không ai gặp lại Penélope hay nghe tin gì về cô ấy sau năm 1919.”

“Năm Carax sang Paris,” Fermín nhận xét.

“Các anh phải hứa với tôi là sẽ không đến làm phiền bà cụ tội nghiệp và bắt bà ấy đào bới những ký ức đau buồn.”

“Cha xem chúng con là hạng người nào?” Fermín hỏi, giọng tức tối.

Ngờ rằng ông chẳng moi thêm được gì từ chúng tôi, Cha Fernando bắt chúng tôi hứa phải báo ông ấy biết bất cứ điều gì tìm hiểu được. Để đảm bảo cho ông, Fermín nhất quyết thề trước cuốn Tân ước đang nằm trên bàn thờ vị cha đạo.

“Để Kinh sách yên đó. Lời của các anh là đủ rồi.”

“Đúng là không có gì qua mặt được Cha, đúng không thưa Cha? Cha sắc sảo kinh người ấy.”

“Thôi thôi, để tôi tiễn các anh ra cửa.”

Ông dẫn chúng tôi qua khu vườn cho đến khi chúng tôi đến cổng rồi ông dừng lại ở một khoảng cách hợp lý, nhìn ra con đường chạy dài xuống thế giới thực, như thể ông sợ sẽ bị bốc hơi mất nếu ông liều lĩnh bước ra xa hơn. Tôi tự hỏi lần cuối cùng Cha Fernando rời khỏi khuôn viên trường là bao giờ.

“Ta đã rất buồn khi biết tin Julián chết,” ông nói dịu dàng. “Bất kể những gì xảy ra sau đó và bất kể chúng ta đã rời xa nhau theo thời gian, chúng ta đã là bạn tốt: Miquel, Aldaya, Julián và bản thân ta. Thậm chí cả Fumero. Ta luôn nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ chia cách được, nhưng cuộc đời hẳn biết những điều mà chúng ta không biết. Ta không bao giờ có những người bạn như họ nữa, và ta không tưởng tượng sẽ còn có thể. Ta hy vọng con sẽ thấy những gì con đang tìm kiếm, Daniel.”
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.