🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
GIÁ TRỊ CỦA BÍ MẬT phụ thuộc vào người mà nó được trao gửi để giữ kín. Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi tỉnh dậy là thổ lộ với bạn thân nhất của mình về Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Tom ás Aguilar là cậu bạn cùng lớp, dành trọn thời gian rảnh rỗi và tài năng của mình để phát minh những máy móc hết sức tinh xảo nhưng lại vô cùng quái gở, như phi tiêu khí cầu hay con quay phát điện. Tôi hình dung cả hai đứa, trang bị đèn pin và la bàn, cùng nhau khám phá những bí mật của các hầm mộ sách ấy. Còn ai tốt hơn Tomás để có thể chia sẻ bí mật đây? Nhưng rồi, lại nhớ về lời hứa của mình, tôi quyết định rằng trong tình huống này tôi phải học theo cách các tiểu thuyết trinh thám hay dùng là chuyển sang phương thức hoạt động khác. Tới chiều, tôi đến gặp cha để hỏi ông về cuốn sách và Juliáns Carax – cả hai ắt hẳn đều rất nổi tiếng, tôi đoán chừng vậy. Kế hoạch của tôi là tìm ra cho được toàn bộ những cuốn sách khác của Carax và đọc hết chúng từ giờ cho đến cuối tuần. Ngạc nhiên thay, tôi phát hiện cha mình, một thủ-thư-bẩm-sinh, cây từ điển sống về catalô của các nhà xuất bản và những trường hợp lạ kỳ, lại chưa từng nghe đến cái tên Bóng hình của gió cũng như Julián Carax. Thấy tò mò, ông bèn lật phần ghi chú của nhà xuất bản in trên mặt sau trang nhan đề để tìm manh mối.

“Ở đây nói rằng cuốn sách này là một trong hai ngàn năm trăm bản in do nhà xuất bản Cabestany Editores ấn hành tại Barcelona, vào tháng Sáu năm 1936.”

“Cha có biết nhà xuất bản đó không?”

“Nó sập tiệm nhiều năm rồi. Nhưng, khoan đã, cuốn này chỉ là tái bản. Lần xuất bản đầu tiên là vào tháng Mười một năm 1935, nhưng là in tại Paris... do nhà Galiano & Neuval xuất bản. Chẳng gợi lên được điều gì.”

“Vậy đây là bản dịch sao?”

“Ở đây không nói vậy. Theo như cha thấy thì bản thảo này ắt phải là nguyên gốc.”

“Một cuốn sách tiếng Tây Ban Nha, xuất bản lần đầu tiên tại Pháp?”

“Cũng không phải chuyện lạ, nhất là vào thời như thế này,” cha tôi nhận định. “Có thể Barceló giúp được chúng ta.”

Gustavo Barceló là đồng nghiệp cũ với cha tôi, ông ta sở hữu một cơ sở buôn bán vững mạnh trên phố Fernando và nắm vị trí chỉ huy trong ngành buôn bán sách cũ của thành phố. Cái tẩu thuốc tắt ngóm lúc nào cũng cố định trên miệng Barceló khiến cả người ông ta như thấm đẫm hương nồng của phiên chợ Ba Tư. Barceló thích mô tả bản thân như người cuối cùng theo đuổi chủ nghĩa lãng mạn, và cho dù là dân gốc ở Caldas de Montbuy nhưng ông ta một mực quả quyết một trong những nhánh xa các cụ kỵ của mình có liên quan trực tiếp tới nhà thơ vĩ đại Lord Byron của nước Anh. Như để chứng minh mối liên hệ đó, Barceló rập khuôn tủ quần áo của mình đúng kiểu một tay ăn diện sành điệu ở thế kỷ 19. Phục sức thông thường của ông ta bao gồm cà vạt, giày da sơn trắng, và chiếc kính một mắt không số mà, theo những lời đồn thổi đầy ác ý, cả lúc riêng tư nhất trong nhà vệ sinh ông ta cũng chẳng tháo ra. Dẹp những lời huyễn hoặc sang một bên, thì người thân đình đám nhất trong dòng dõi Barceló chính là cha ông ta, một nhà tư bản công nghiệp đã phất lên giàu sụ nhờ những mánh lới đáng ngờ vào cuối thế kỷ 19. Theo lời cha tôi, thì Gustavo Barceló, đơn thuần mà nói, giàu nứt đách, và cửa hàng sách nguy nga của ông ta lập ra vì đam mê nhiều hơn là để kinh doanh. Barceló yêu sách vô điều kiện, và mặc dù ông ta luôn thẳng thừng phủ nhận, nếu ai đó bước vào cửa hàng của Barceló và phải lòng một bộ sách nào đó nhưng không chi trả nổi, Barceló sẵn lòng hạ giá, thậm chí tặng luôn nếu thấy người mua là một độc giả nghiêm túc chứ không phải tay mơ nào đó tình cờ dạo bước qua. Barceló khoe rằng mình có trí nhớ tuyệt vời cùng với một tâm hồn sính chữ tương xứng với hành vi cử chỉ và độ âm vang trong giọng nói của ông ta. Nếu có ai hiểu biết về sách hiếm, đó chính là Barceló. Chiều hôm đó, sau khi đóng cửa tiệm sách, cha tôi gợi ý bố con tôi tản bộ tới Quatre Gats, một quán cà phê trên phố Montsitó, nơi Barceló và hội hiệp sĩ bàn tròn của ông ta – rặt những người đam mê sách vở - tụ tập để cùng bàn luận những cái hay cái đẹp của thi ca cổ, những ngôn ngữ nay chẳng còn ai sử dụng, những kiệt tác bị mối mọt ăn mòn và bị lãng quên.

***

QUATRE GATS chỉ cách nhà chúng tôi chừng năm phút đi bộ và là một trong những địa điểm ưa thích của tôi. Cha và mẹ gặp gỡ lần đầu tại đó vào năm 1932, và tôi giành được chiếc vé một chiều đến thế giới này một phần cũng là nhờ sự quyến rũ của quán cà phê ấy. Bên ngoài, những con rồng đá canh gác mặt tiền lấp lánh ánh đèn. Bên trong, những giọng nói tưởng chừng vọng lại cùng bóng hình của các thời xa khác. Kế toán viên, những tay mộng mơ và những kẻ tự nhận thiên tài cùng nhau chia sẻ chỗ ngồi với linh hồn những vĩ nhân như Pablo Picasso, Isaac Albéniz, Federico Garcai Lorca và Salvador Dalí. Tại đó, bất cứ kẻ tội đồ đáng thương nào cũng có thể được coi như nhân vật lịch sử chỉ với giá một cốc cà phê nhỏ.

“Ôi, anh bạn già Sempere,” Barceló thốt lên khi thấy cha tôi bước vào quán. “Vinh quang thay hỡi đứa con hoang toàng. Chúng tôi được vinh dự chào đón điều gì đây?”

“Anh cái vinh dự đó cho con trai tôi, Daniel, ngài Gustavo ạ. Thằng bé mới có một khám phá đáng nể.”

“Ồ, vậy hãy cầu nguyện và tới đây ngồi cùng chúng tôi, ta phải ăn mừng sự kiện phù du này mới được.” Barceló tuyên bố.

“Phù du?” tôi thì thầm vào tai cha mình.

“Barceló chỉ thể hiện được bản thân bằng những từ ngữ có cánh,” cha tôi khẽ đáp lại. “Con đừng nói gì, kẻo ông ta làm tới đấy.”

Các thành viên nhẹ ký của hội yêu văn thơ dịch sang bên cho chúng tôi vào ngồi cùng, và Barceló vốn khoái khoe khoang sự hào phóng của mình trước công chúng, một mực khăng khăng đòi thiết đãi hai cha con.

“Cậu chàng này bao nhiêu tuổi rồi?” Barceló hỏi thăm, đánh giá tôi qua khoé mắt.

“Cháu sắp mười một,” tôi dõng dạc.

Khuôn mặt Barceló thoáng một nụ cười.

“Nói cách khác, mới mười tuổi thôi. Đừng cộng thêm một năm làm gì, nhóc ranh ạ. Đời sẽ biết mà chẳng cần sự giúp đỡ của cậu.”

Vài người bạn cánh hẩu của ông ta lẩm bẩm tán thành. Barceló ra hiệu cho một người phục vụ nom già nua khác thường đến mức đáng ra nên được công nhận là di sản quốc gia.

“Một cô nhắc cho Sempere bạn tôi, rót từ chai xịn đấy nhé, và một sinh tố quế cho cậu nhỏ - cậu chàng này đang tuổi lớn đấy. Với cả cho chúng tôi một ít thịt xông khói, nhưng đừng có dai như cái mớ vừa nãy ông mang lên đấy nhé. Nếu thích nhai cao su, chúng tôi sẽ gọi lốp bánh xe hiệu Pirelli.”

Người phục vụ gật đầu rồi quay đi, lê lết đôi chân.

“Tôi chả thích nhắc đến vấn đề này,” Barceló nói, “nhưng làm sao có công ăn việc làm cơ chứ cái đất nước này chả ma nào chịu về hưu cả, thậm chí đến chết vẫn không ngừng nghỉ. Nhìn ngài Cid kia là đủ thấy rồi. Nói cho mọi người biết nhé, chúng ta vô vọng rồi.”

Nói rồi ông ta lại gặm mút cái tẩu lạnh ngắt, đôi mắt đã kịp lướt qua cuốn sách trên tay tôi. Bất chấp mã ngoài tự phụ và tính dông dài, Barceló có thể đánh hơi thấy con mồi ngon như sói ngửi được mùi máu.

“Để xem,” ông ta nói, giả đò hờ hững. “Ta có gì ở đây nào?”

Tôi liếc nhìn cha. Ông gật đầu. Không chần chừ thêm nữa, tôi bèn giao Barceló cuốn sách. Tay buôn sách chào đón nó bằng đôi tay nhà nghề. Những ngón tay như của nghệ sĩ dương cầm mau chóng khám phá lớp bìa vải, kết cấu giấy và tình trạng cuốn sách. Ông ta lật tìm ra trang ghi chú của nhà xuất bản và nhà in rồi nghiên cứu nó với khả năng dò tìm thiên bẩm như của Sherlock Holmes. Cả đám còn lại chúng tôi quan sát trong nín lặng, như đang chờ đợi một phép mầu, hay để được cho phép hô hấp chở lại.

“Carax à, thú vị đây,” Barceló thầm thì với giọng bí hiểm.

Tôi đưa tay ra chờ nhận lại cuốn sách. Barceló nhướn mày nhưng vẫn trả lại cuốn sách, kèm theo một nụ cười lạnh nhạt.

“Cậu tìm thấy nó ở đâu vậy, anh bạn trẻ?”

“Bí mật,” tôi đáp, lòng mẩm chắc cha tôi đang kín đáo mỉm cười. Barceló nhíu mày quay ra phía cha tôi. “Sempere, bạn thân thiết nhất đời, vì anh và vì lòng kính mến tôi dành cho anh, vì tình cảm dài lâu và sâu đậm làm chúng ta gắn bó như anh em, tôi có thể trả bốn mươi duro, thế là hết mức.”

“Anh phải bàn chuyện đó với con trai tôi,” cha tôi nói. “Cuốn sách là của thằng bé.”

Barceló bèn cấp cho tôi một nụ cười hau háu. “Cậu thấy sao, chàng trai trẻ? Bốn mươi duro, giao dịch lần đầu mà được như vậy là không tồi chút nào đâu. Sempere, con trai anh sẽ làm >nên tên tuổi trong ngành này đấy.”

Hội văn thơ tán đồng nhận định này của ông ta. Barceló nhìn tôi vẻ đắc thắng rồi lôi ví da ra. Vô cùng kiểu cách, ông ta đếm ra đủ hai trăm peseta, mà hồi đó là một khoản kha khá, đưa cho tôi. Nhưng tôi chỉ lắc đầu. Barceló gằn giọng.

“Cậu bé à, tham lam hiển nhiên là tính xấu, thậm chí nếu nói nặng hơn thì là tội ác. Hãy biết điều. Gọi tôi là dở hơi cũng được, nhưng tôi sẽ tăng giá lên sáu mươi duro, cậu có thể lập sổ tiết kiệm hưu trí ấy chứ. Ở tuổi này cũng phải bắt đầu nghĩ về tương lai đi.”

Tôi lắc đầu lần nữa. Qua chiếc kính một mắt, Barceló ném một tia nhìn hiểm độc về phía cha tôi.

“Đừng nhìn tôi,” cha tôi nói. “Tôi chỉ đến đây với tư cách hộ tống.”

Barceló thở dài rồi săm soi nhìn tôi.

“Nào, anh chàng. Thực sự thì cậu muốn cái gì ?”

“Cháu muốn biết Julián Carax là ai và ở đâu có thể tìm được những cuốn khác của ông ấy.”

Barceló cười khùng khục, cất ví vào túi áo, đánh giá lại đối phương trước mặt.

“Trời ạ, một học giả. Sempere, anh nuôi thằng bé này bằng gì vậy?”

Tay buôn sách vươn người về phía tôi, ra vẻ có điều riêng tư muốn nói, trong một giây tôi thoáng nghĩ ông ta vừa để lộ ánh nhìn đầy nể trọng vừa mới đây không hề có.

“Chúng ta hãy trao đổi nhé,” Barceló nói. “Ngày mai, Chủ nhật, vào buổi chiều, hãy ghé qua thư viện Ateneo hỏi gặp tôi. Mang theo cả cái khám phá quý báu kia của cậu đi, để tôi có thể xem thật tỉ mỉ, rồi tôi sẽ kể cho cậu những điều tôi biết về Julián Carax. Quid pro quo.

“Quid pro gì?”

“Tiếng La linh, chàng trai trẻ ạ. Chẳng có gì gọi là tử ngữ, chỉ có những ký ức ngủ đông. Diễn giải ra, câu đó có nghĩa ta chẳng thể lấy không bất cứ thứ gì, nhưng vì tôi thích cậu, tôi sẽ ban cho cậu một đặc ân.”

Những lời hùng hồn của Barceló giết được cả ruồi đang bay trên không, nhưng tôi ngờ rằng nếu muốn tìm hiểu bất cứ điều gì về Julián Carax thì tôi nên giữ quan hệ tốt với ông ta. Tôi chìa ra nụ cười thân thiện nhất, tỏ ra đầy thích thú trước cảm xúc La tinh dâng trào của ông ta.

“Nhớ đấy, ngày mai, ở thư viện Ateneo,” tay bán sách nhắc lại. “Nhưng phải mang theo cuốn sách đấy, nếu không sẽ chẳng có trao đổi gì hết.”

“Được.”

Cuộc đối thoại của chúng tôi dần hoà vào những tiếng lầm rầm của các thành viên khác cũng ngồi trong quán. Buổi tranh luận chuyển hướng sang những tài liệu được tìm thấy trong tầng hầm El Escorial, gợi ý rằng rất có khả năng Miguel de Cervantes, tác giả Don Quixote, thực ra chỉ là bút danh của một nữ kiệt viết văn sống tại Toledo, nghe đâu bà ta cao to và có nhiều lông tóc. Barceló trông lơ đãng, chẳng mấy hứng thú với việc giữ lấy một chân trong cuộc tranh luận. Ông ta chỉ yên lặng, quan sát tôi từ sau cái kính một mắt chỉ để trang trí kèm theo một nụ cười nguỵ tạo. Hoặc cũng có thể ông ta chỉ chăm chăm vào cuốn sách tôi đang cầm trên tay.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.