Tôi muốn bạn biết rằng, trên thế giới này luôn có một người đợi chờ bạn, bất kể lúc nào, bất kể nơi đâu, thì bạn vẫn biết, luôn có một người như thế.
(Trương Ái Linh ngữ lục)
Đúng vậy, chúng ta phải tin rằng, trên thế giới này, luôn có một người đang đợi mình. Người này, có lẽ đang ở bờ sông cỏ lau xanh rì, cũng có lẽ đang trong ngõ mưa hun hút của Giang Nam, hoặc có lẽ đang trên cây cầu vội vã xây mộng. Cho dù bao năm, đều phải tin rằng, anh ấy sẽ luôn đợi bạn ở ngả đường duyên phận mà bạn buộc phải đi qua. Có lẽ anh ấy sẽ không vì bạn mà chết, nhưng chắc chắn anh ấy sẽ vì bạn mà sống. Xin hãy nhớ, bạn không đến, anh ấy không đi.
Nếu nói ái tình là một số kiếp, vậy thì mỗi người đều phải trải qua hết kiếp số, mới có thể tái sinh. Cái năm Trương Ái Linh gặp phải tình kiếp đó, cô hai mươi bốn tuổi. Không được coi là sớm, nhưng cũng không hẳn là muộn. Người đàn ông này, khiến Trương Ái Linh cao ngạo cô độc nguyện thấp hèn như bụi trần, vì anh mà nở hoa. Người đàn ông này, khiến Trương Ái Linh nguyện đứng riêng một cõi giữa đất trời, quay người một cách diễm lệ, tự mình tàn úa. Người đàn ông này, khiến Trương Ái Linh quyết liệt vứt bỏ tất cả, rong ruổi chân trời, xa bầy lẻ bạn, cô độc đến già.
Anh là Hồ Lan Thành, một cái tên không quá sáng chói, nhưng cũng nổi danh trong thời loạn thế Dân Quốc. Một người thưởng hoa vô tình lại khiến muôn hoa đố kỵ, gió xuân thất sắc. Một hạt bụi trần nhỏ nhoi đến độ không hay tung tích, đi không biết về đâu. Một văn nhân cuồng ngạo tự phụ, một tên Hán gian ôm đĩ rong chơi. Chỉ như thế mà thôi.
Nếu như không phải thời loạn thế Dân Quốc, có lẽ Hồ Lan Thành đã có một cách sống khác. Có lẽ anh sẽ tuân theo quy củ, trở thành một người đàn ông bình thường, một lòng một dạ với người vợ hiền thục, sống một cuộc đời tĩnh lặng, một kiếp bình yên. Nhưng anh đã được định mệnh sắp đặt trở thành một người đàn ông, phải sống một cách phóng túng buông thả như thế trong thời loạn. Dù thế nào, là thành hay bại, là vua hay giặc, đều sống theo ý mình. Dẫu thân bại danh liệt, dẫu không có thứ gì, cũng không hề oán hận.
Hồ Lan Thành cũng được coi là một nhân vật. Nhân vật như thế, lại không hề dễ thấy trong dòng chảy của lịch sử. Tuy anh không chính trực, nhưng cũng không nhu nhược; tuy anh không chung thủy, nhưng cũng không thiếu tình nghĩa; tuy anh không từ bi, nhưng cũng không lạnh lùng. Một nhân vật như thế, thực sự không đủ hoàn mỹ, không đủ quang minh, không đủ đáng yêu. Đàn ông thời Dân Quốc nhiều như đốm lửa, tại sao chỉ có đốm lửa này chiếu sáng cho Trương Ái Linh. Mây trôi trên bầu trời Dân Quốc có vô số đám, tại sao chỉ có một đám này gặp gỡ được Trương Ái Linh?
Hẳn là tu luyện bao nhiêu năm, ngoái đầu nhìn lại bao nhiêu lần, bao nhiêu duyên phận, mới có được mối tình như thế. Dẫu vui mừng kinh ngạc vì cuộc gặp gỡ này, nhưng Hồ Lan Thành không phải sinh ra vì Trương Ái Linh. Dù cũng muốn cùng tài nữ Dân Quốc này ngắm hết sông dài suối nhỏ, nhưng anh không làm được. Cho nên, anh chỉ có thể phụ cô, bỏ lỡ hoa xuân, để phụ trăng thu. Phật nói, hồng nhan bạch cốt đều là hư vọng, trúc biếc xanh xanh đều là pháp thân, hoa vàng dợn dợn chẳng gì chẳng là Bát Nhã[1].
[1] Trích trong Đại Châu Huệ Hải Thiền sư ngữ lục, nguyên văn: “Thanh thanh thúy trúc tận thị chân như, uất uất hoàng hoa vô phi Bát Nhã”, ý chỉ chân ý của Thiền không ở đâu xa, mà ở trong từng cảnh vật như trúc biếc hoa vàng.
Có thể nói, so với Trương Ái Linh, thân thế của Hồ Lan Thành khác biệt một trời một vực. Anh sinh ra ở thôn Hồ, làng Hạ Bác, huyện Thặng, tỉnh Chiết Giang, tên hồi nhỏ là Nhị Sinh. Nghe nói ông nội của Hồ Lan Thành – Hồ Tái Nguyên – từng là một ông chủ quán trà, cũng được coi là phú ông của vùng đó, nhưng cha là Hồ Tú Minh kế thừa gia sản, lại vô duyên vô cớ ngày càng lụn bại, đến nỗi trở thành một nông dân bình thường. Hồ Lan Thành từ nhỏ đã thích đọc sách nhưng vì gia cảnh nghèo khó, mà để lỡ rất nhiều cơ duyên tốt.
Vốn dĩ anh có thể an phận thủ thường dạy học ở thôn quê, cùng người vợ bình thường của mình, sống cuộc sống trà thô cơm nhạt. Nhưng thân trong thời loạn, tài cao khí ngạo, không cam tâm ở chốn quê mùa, thế là anh bắt đầu bước đi trên con đường cầu học cảu cuộc đời. Năm hai mươi mốt tuổi, Hồ Lan Thành đến Bắc Bình, vì viết thư pháp khá đẹp, nên anh đã đảm nhận công việc sao chép văn thư ở phòng phó hiệu trưởng của trường Đại học Yên Kinh. Sau về Chiết Giang, anh lại đảm nhiệm dạy học tại vài trường chuyên, cuộc sống thanh bần, nhưng cũng tạm coi là yên ổn.
Nếu không phải người vợ kết tóc se tơ Ngọc Phượng đột ngột mắc bệnh qua đời, vì không có tiền an táng cho vợ, anh phải chạy vạy khắp nơi vay tiền, chịu đủ mọi sự lạnh nhạt và coi thường, thì có lẽ Hồ Lan Thành sẽ không thay đổi. Cũng có thể, đây chỉ là một cái cớ. Bản tính của anh vốn là như vậy, xông vào chính trị phức tạp, rơi xuống biển tình cuồn cuộn, là việc tất nhiên trong cuộc đời của anh.
Sau này, Hồ Lan Thành từng nói một câu vô cùng lạnh lùng: “Trước những tai nạn trời long đất lở, trước những việc cắt đứt ân tình, yêu đương trắc trở của nhân thế, nếu đời tôi rơi một giọt nước mắt, là điều không thể. Tôi khóc lớn thuở còn thơ đều là khóc trả cho mẹ, khóc to ở tuổi trưởng thành đều là khóc trả cho Ngọc Phượng, trái tim này đã trở lại trạng thái nhẫn tâm như trời đất!”.
Đoạn tuyệt dứt khoát như thế, giống như một thanh kiếm sắc lóe lên hàn quang, chưa cần rút ra, đã đâm thấu tim phổi. Không hiểu sao Trương Ái Linh lại yêu người đàn ông như vậy. Khi họ quen nhau, Hồ Lan Thành rõ ràng là một quân tử lịch thiệp phong lưu đa tình. Ai ngờ rằng, con người gặp được trong ngàn vạn người này, lại sẽ bạc tình phụ nghĩa đến thế. Không phải là lỗi của Trương Ái Linh, chỉ trách số mệnh cô đen đủi, tương phùng ngõ hẹp với Hồ Lan Thành, tất cả tình cảm đều bị anh ta cướp sạch sành sanh, không chừa cho đường lùi.
Sau khi người vợ đầu chết, Hồ Lan Thành buộc phải tìm việc ở khắp mọi nơi, lòng vòng qua mấy thành phố, bắt đầu lấy việc dạy học làm sinh kế. Nhưng Hồ Lan Thành của lúc đó tính tình nóng vội, không thể nào nhẫn nhịn chịu đựng cuộc sống nghèo khó. Anh không cam tâm chỉ là một anh giáo, sống tạm bợ qua ngày qua tháng. Trương Ái Linh từng nói một câu như thế này: “Dạy học rất khó – vừa phải diễn kịch, vừa phải làm người”. Anh vẫn luôn chờ thời cơ, chờ một ngày có thể mượn gió Đông, bay thẳng lên tần mây xanh. Thời gian này, anh lấy người vợ là Toàn Tuệ Văn.
Thời loạn biến động, quả nhiên đã mang đến cơ hội bất ngờ cho Hồ Lan Thành. Năm 1936, nhận lời mời của quân đoàn trưởng đoàn bảy Liệu Lỗi, Hồ Lan Thành kiêm nhiệm Hàng Châu nhật báo, tuyên truyền cho việc kháng chiến chống Nhật phải kết hợp với việc khởi binh trong nhân dân. Tháng năm, cuộc binh biến Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) nổ ra rồi mau chóng thất bại, anh bị bộ tổng tư lệnh của tập quân đoàn[2] số bốn giam giữ ba mươi ba ngày.
[2] Một cấp biên chế của quân đội, bao gồm một hoặc nhiều sư đoàn.
Một cơ hội lớn hơn đã đến với Hồ Lan Thành. Năm 1937, anh được Trung Hoa nhật báo mời làm chủ bút, lên đường đến Thượng Hải. Đầu năm sau, anh lại bị điều đến Hương Cảng nhậm chức chủ bút của tờ Nam Hoa nhật báo. Hồ Lan Thành bấy giờ đã trở thành một tướng văn có thực lực dưới trướng của Uông Tinh Vệ, nhưng chuyện cũ ảm đạm đó, đã sớm trở thành quá khứ mà anh không muốn nhắc lại.
Khi đến Hương Cảng, phu nhân của Uông Tĩnh Vệ là Trầm Bích Quân cảm thấy Hồ Lan Thành là một nhân tài, đã tự tặng thêm ba trăm sáu mươi Cảng tệ vào tiền lương của anh, ngoài ra còn bí mật tặng thêm hai nghìn đồng. Sau việc này, địa vị của Hồ Lan Thành từng bước được nâng cao. Anh rời Hương Cảng quay về Thượng Hải, nhậm chức tổng biên tập của tờ Trung Hoa nhật báo. Sau vài năm, vận đỏ của Hồ Lan Thành liên tiếp đến dồn dập, không gì cản nổi.
Hoạn lộ chìm nổi, họa phúc khó lường. Dần dần, Hồ Lan Thành tài cao khí ngạo bị Uông Tinh Vệ xa lánh. Đã quen với cuộc sống muôn sao chầu nguyệt, Hồ Lan Thành sao có thể chịu đựng được dù chỉ là một chút lạnh nhạt. Anh kết giao với quan viên của sứ quán Nhật Bản Ikeda Atsunori, sau đó bị Uông Tinh Vệ hạ lệnh bắt giam, phải đến khi người Nhật can thiệp mới được thả ra.
Sau khi ra tù, Hồ Lan Thành coi như đã vẫy tay cáo biệt với đời sống chính trị huy hoàng ấy. Nhìn lại quá khứ, mọi công lao phú quý sáng rỡ như pháo hoa, dầu cho tươi đẹp, nhưng tan biến quá chóng vánh. Đến nay tỉnh lại, giống như đã mơ một giấc mộng Nam Kha[3], trong mộng lên xe xuống ngựa, ngoài mộng chẳng có thứ gì. May là, ngày tháng còn dài, người còn sống là có thể làm lại từ đầu.
[1] Giấc mộng Nam Kha: Là một thành ngữ trong tiếng Hán, bắt nguồn từ tiểu thuyết Tiểu sử Nam Kha Thái thú của tác giả Lý Công Tá đời Đường Trung Quốc. Giấc mộng Nam Kha chỉ đời người như giấc mơ, phú quý quyền thế đều chỉ là hư ảo.
Thất bại nặng nề, Hồ Lan Thành cần thời gian để chữa lành vết thương, anh về lại căn nhà ở Nam Kinh để an dưỡng. Thế nhưng, chính là lần an dưỡng này, Hồ Lan Thành đã bắt gặp cái tên Trương Ái Linh. Về sau, Trương Ái Linh đã rơi vào lưới tình do người đàn ông này dệt, bị trói buộc trong suốt bao năm. Thực ra trước đó, khi Hồ Lan Thành bị bắt giam, Trương Ái Linh đã từng cùng Tô Thanh đi đến nhà Chu Phật Hải để cầu xin cho anh. Tô Thanh khi đó, rất hâm mộ Hồ Lan Thành. Có lẽ Trương Ái Linh cũng nghe nói về Hồ Lan Thành, và cũng biết sơ sơ về tài danh của anh, nếu không, một người lạnh lùng như cô, sao có thể cùng Tô Thanh đi làm một việc như vậy.
Đó là một buổi chiều có ánh nắng mùa đông nhàn nhạt, có gió nhẹ, nhưng không lạnh. Hồ Lan Thành nhàn nhã, hững hờ lật đọc tập nguyệt san Thiên địa do một người là Phùng Hòa Nghi gửi tới. Đọc lời nói đầu của tập san trước, hóa ra Phùng Hòa Nghi chính là Tô Thanh, văn phong của cô gái này phóng khoáng lanh lợi, khiến anh cực kỳ thích thú. Đọc đến Phong tỏa của tác giả Trương Ái Linh, chỉ vỏn vẹn mấy chương nhỏ, nhưng Hồ Lan Thành cảm thấy áng văn này thật phi phàm. Đọc thật kỹ hết cả bài, anh phải đập bàn mà khen hay tuyệt. Rồi lại đọc lại lượt nữa, vẫn thấy hứng thú bất tận.
Kể từ lúc đó, Hồ Lan Thành không thể bỏ qua người có tên là Trương Ái Linh. Trước đây, Hồ Lan Thành chỉ một lòng nghĩ đến sự nghiệp chính trị, mà không hề quan tâm đến những chuyện lặt vặt văn đàn. Cho nên, anh không hề hay biết gì đến tài nữ đã sớm làm mưa làm gió ở Bến Thượng Hải này. Nếu không phải lần ngẫu nhiên này, có lẽ, họ cứ thế mà đi lướt qua nhau. Nhưng có người từng nói rằng, những người mà duyên định ba kiếp, cho dù có trốn tránh thế nào, vòng vèo ra sao, thì rốt cùng vẫn sẽ ở bên nhau.
Hồ Lan Thành bắt đầu sưu tầm tạp chí, lưu ý tất cả tác phẩm liên quan đến Trương Ái Linh. Chỉ cần là của cô viết, đều hay cả. Thậm chí anh còn khó mà tin rằng, thế gian lại có người con gái độc nhất vô nhị, có thể viết những áng văn tuyệt diệu đến vậy, khiến người ta chìm đắm, khó mà thoát ra nổi như thế. Anh càng không biết rằng, văn chương của cô khiến anh đã hoàn toàn quên đi nỗi buồn trên con đường chính trị, mà chỉ còn cảm thấy mình đang chìm trong thế giới của cô.
Đúng thế, anh chìm đắm vì người con gái mang tên Trương Ái Linh này, dù cho chìm đắm cả đời cả kiếp cũng nguyện lòng. Có lẽ, chúng ta nên tin rằng, sự khao khát nhiệt thành của Hồ Lan Thành đối với Trương Ái Linh lúc bấy giờ hoàn toàn xuất phát tự đáy lòng. Sự say đắm của anh với cô, không phải vì văn chương, mà là những tâm tư tình cảm ẩn giấu đằng sau văn chương. Anh hiểu, người con gái có thể viết ra những áng văn như thế, chắc chắn phải có một tâm hồn cao ngạo mà cô độc. Anh hiểu cô, cho nên, anh phải đi tìm cô.
Tìm được cô, nói cho cô hay, anh chính là người mà cô đợi đã nhiều năm, nhưng mãi muộn màng mới chịu xuất hiện. Anh chính là người mà cô muốn gặp trong muôn vạn người. Anh chính là người nguyện ý nắm tay cô cùng chờ đợi, yên lặng ngắm trời sao buổi sớm kia.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]