Khi còn ở trường cấp ba, chúng ta vẫn thường mong ngóng đợi chờ cuộc đời đại học, đến thầy cô giáo cũng khuyến khích học sinh rằng: Chỉ cần cố gắng vượt qua năm cuối cấp thôi, đến lúc ngoi đầu lên được, thì đại học chẳng thiếu thứ hay ho mà kể. Thế nhưng Kỉ Đình lại cảm thấy quãng đời đại học của mình chẳng nhàn nhã hơn hồi cấp ba là mấy, một phần là do chuyên ngành cậu lựa chọn – sinh viên y học lâm sàng rất hiếm có thời gian rảnh rỗi, thứ nữa là do việc học hành chăm chỉ một cách vô thức đã trở thành thói quen của cậu, không cần phải quất roi giục giã mình phấn đấu làm gì. Cậu hiểu rất rõ, đại đa số học sinh giỏi không phải là những kẻ thông minh hơn người, họ chỉ là những kẻ dành nhiều thời gian vào việc học hành hơn người khác mà thôi.
Trong đám bạn học xung quanh cậu, không ít kẻ đã quấn quýt yêu đương, cả đời người có quãng thời gian nào giống như thời đại học này đâu, chỉ riêng lý do đó đã quá đủ để người ta kiếm tìm một người để yêu. Lưu Lý Lâm cũng bảo, “Thà yêu bừa đi còn hơn phải sống trong cô độc". Hơn nữa, cậu ta còn nhấn mạnh hết lần này đến lượt khác, rằng cậu ta thuộc dạng thứ nhất, còn Kỉ Đình hiển nhiên thuộc dạng thứ hai.
Kết quả thi tốt nghiệp cấp ba của Lưu Lý Lâm vô cùng thảm hại, cơ hồ còn lập hẳn kỷ lục điểm thi tốt nghiệp thấp nhất từ trước đến nay, không biết ông bố năng nổ chẳng có việc gì là không xoay xỏa nổi của cậu ta đã phải vận dụng đến bao nhiêu mối quen biết, dấm dúi biết bao chỗ thân tình, cuối cùng cũng lo liệu được một chỗ trong khoa Chính trị của Đại học G cho cậu ta. Nguyên cớ cho việc lựa chọn khoa này của cậu ta cũng chẳng có gì khác ngoài việc ở đây tạm thời vẫn có thể nhờ cậy này nọ được, nếu thực bí bách thì lúc làm bài luận hay thi cử kiểm tra cũng có thể khuếch khoác một chặp, giảng viên nhất thời lầm lẫn có khi lại ngỡ rằng những điều viết ra ấy thật hợp lý, suy cho cùng thì tỷ lệ bị trượt của ngành này thấp hơn ngành Tự nhiên rất nhiều, cũng không đòi hỏi người ta phải có khả năng văn vở như sinh viên khoa Văn. Lưu Lý Lâm có tính cách phóng khoáng rộng rãi, vài phần khôn vặt, điều kiện gia đình lại khá giả, cứ dăm ba bữa lại tụ tập đàn đúm một phen, ăn uống rầm rĩ, ba hoa phét lác một chặp ở mấy tiệm vỉa hè bên ngoài trường, cơm no rượu say rồi thì một mình cậu ta giành phần thanh toán, có khi lại ăn uống long trời lở đất ở ngay trong khu căng tin mà gia đình cậu ta bao thầu. Cứ thế nên cậu chàng rất có tiếng tăm trong đám bạn bè học cùng, đám quen biết cậu nửa kín nửa hở xưng tụng cậu ta là “Hoàng tử căng tin", cậu ta nghe thấy, cũng chỉ cười cười để đấy. Đối với cậu ta, cuộc đời đại học cái gì cũng thiếu thốn cả, ngoại trừ tiền bạc, thời gian và gái đẹp. Thế nên cậu ta bảo là mình vẫy vùng như cá gặp nước cũng không phải quá lời, đến mấy nữ sinh vốn là dạng hoa khôi hạng nhất trong trường, trước sau đều theo nhau gục ngã trước những đợt bắn phá bằng “đạn bọc đường" của cậu ta. Có điều, kinh nghiệm tình ái của cậu ta tuy nhiều, nhưng chẳng có gì sâu sắc, theo lời cậu ta thì, tình yêu bắt đầu từ tâm hồn, kết thúc ở xác thịt. Thế nhưng, cậu ta lại hết lòng tận hưởng cái thứ cuộc sống như vậy.
Kỉ Đình được coi là người bạn tương đối thân thiết trong tất thảy bạn bè của Lưu Lý Lâm, thế nhưng Lưu Lý Lâm lại cho rằng, quãng đời học hành vất vả như thầy tu khổ hạnh của Kỉ Đình chính là tình cảnh của một kẻ không bình thường. Mấy lần sau khi sang trường Y tìm cậu về, Lưu Lý Lâm cứ kêu than không ngớt là nhìn thấy các nữ sinh viên trường Y, suýt tưởng nhầm là loài khủng long quay lại thống trị loài người, giờ mới hiểu tại sao Kỉ Đình lại mải miết học hành đến nguội lạnh cả lòng như thế. Vậy nên cậu ta thường xuyên lôi kéo Kỉ Đình đi “trải nghiệm cuộc sống đại học theo cách bình thường", chẳng qua là hẹn hò đi chơi với một vài cô bạn xinh xẻo mà thôi.
Thực ra Kỉ Đình đâu có cố tình ép buộc mình phải sống kiểu thanh cao khổ hạnh làm vậy, chỉ là cậu cảm thấy một vài thứ có cũng được, không có cũng chẳng sao, không nhất định phải miễn cưỡng, dần dà, cuộc sống chỉ còn sót lại mỗi việc học. Có lúc cậu cảm thấy mình không nên sống mãi như thế, cần phải thay đổi một chút, vậy nên thi thoảng cậu cũng chịu đi chơi cùng với Lưu Lý Lâm, gặp gỡ mấy cô bạn xinh xắn kia. Lúc cả đám ngồi với nhau, mấy cô nàng thường tỏ ra rất hào hứng với anh chàng Kỉ Đình nhỏ nhẹ, nho nhã, cậu không phải nhân vật đình đám trong trường, thế nhưng thi thoảng cũng có những cô nữ sinh thỏ thẻ rằng ở trường Y đã từng gặp một anh chàng nam sinh cực kỳ có khí chất. Từ người cậu toát ra hơi hướm thư sinh nho nhã, chẳng làm gì cũng có thể thu hút những cô gái mới gặp lần đầu, lúc mấy người trò chuyện với nhau, cậu lại là một người biết lắng nghe. Ngoài miệng vẫn cười cười nói nói với tất cả mọi người, nhưng tâm tư của cậu lại cứ bay bổng đâu đâu. Bị Lưu Lý Lâm giục giã đốc thúc, cậu cũng có vài lần hẹn ăn uống rồi đi xem phim với vài cô gái mà cậu có ấn tượng tương đối tốt, thế nhưng phong thái lịch sự cùng nụ cười không chê vào đâu được của cậu hệt như một tấm lưới vô hình, cứ lạnh lẽo ơ hờ như thế mà ngăn cách với người đối diện đang tràn trề nhiệt tình ấy, cho đến lúc cuộc hẹn hò kết thúc, đưa cô bạn nữ sinh về ký túc xá rồi, quay đầu đi, cậu chẳng còn nhớ nổi khuôn mặt kia nữa.
Vài lần như thế, Lưu Lý Lâm gào toáng lên là cậu ta quả thực chịu không nổi, cậu ta luôn miệng bảo, Kỉ Đình mà cứ thế này mãi thì chỉ có cách đi làm hòa thượng, rõ ràng là Kỉ Đình chẳng bị tổn thương ghê gớm gì, vậy thì cớ sao lại không có chút ham hố theo đuổi nữ giới thế này? Kỉ Đình chỉ nói là vì chưa có ai hợp nên không muốn miễn cưỡng. Có lúc Lưu Lý Lâm cũng đùa đùa ôm chặt lấy ngực mình, bảo với Kỉ Đình, “Nói thật đi, không phải cậu chỉ thích đàn ông đấy chứ?". Kỉ Đình lúc nào cũng chỉ cười, “Khó nói lắm, có điều dung mạo kiểu như cậu đây thì khỏi cần tơ tưởng gì".
Không phải cậu không hề có cảm giác gì với con gái, tự cậu cũng biết thế. Có điều, cậu sợ rằng dù có nhiều tình cảm đến đâu cũng chỉ là ngộ nhận, vậy nên tốt nhất là cứ làm ngơ.
Trong đám con gái ,cậu cũng thân thiết với vài người,ví dụ như Chỉ Di. Chỉ Di đã lên lớp Mười hai, cô bé mười tám tuổi đã không còn ngượng nghịu bối rối trước mặt Kỉ Đình như hồi dở dở ương ương nữa. Tuy rằng họ không còn quấn quít sớm chiều như hồi bé, thế nhưng tình cảm có với nhau từ nhỏ thì không ai có thể thay thế được.
Cô bé Chỉ Di này, những thứ yêu thích từ tấm bé giờ đây vẫn chẳng thay đổi chút nào, ví như đám cá vàng của cô. Kĩ năng nuôi cá vàng của cô đã có chút tiêng tăm khắp vùng lân cận, rất nhiều loại cá vàng quý hiếm đỏng đảnh, khó sống dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ của cô bé đều có thể sinh trưởng rất tốt. Đôi khi cũng có cả những người chuộng nuôi cá khác cũng đến nhà để thỉnh giáo cô bé vài chiêu lợi hại, Uông Phàm vẫn hay cười Chỉ Di bảo lớn lên rồi thì lấy nghiệp nuôi cá làm nghiệp kiếm ăn, có như vậy chắc cô bé mới vui lòng mãn nguyện. Có điều, cô bé xưa nay vẫn kiên quyết chăm sóc đám cá vàng mà cô yêu quý hơn tất thảy mọi thứ, cô không bao giờ cho phép người khác động tay tùy tiện cho ăn, trừ Kỉ Đình ra. Năm cuối cấp học hành căng thẳng, bố mẹ chỉ lo thành tích con gái không đạt, đôi khi cũng nhờ kỉ đình kèm cặp thêm. Nhưng mỗi lần Kỉ Đình giảng bài cho Chỉ Di, cô bé chỉ một mình lôi kéo Kỉ Đình, kể lể cho cậu nghe về các bé cá vàng cưng của cô, đứa nào đứa nấy đều có tên riêng.
Kỉ Đình cảm thấy, có khi chuyện học hành cũng nên để cho tự nhiên, nào có ai qui định một người bắt buộc phải có thành tích cao vời vợi mới có được hạnh phúc, thậm chí nhiều người còn cho rằng kì thi đại học xem chừng to tát trọng đại là thế cũng không hẳn là lối duy nhất của một người học trò. Như Chỉ Di vậy, thành tích của cô bé từ trước đến giờ cũng chẳng lấy gì làm khá khẩm, tốt nghiệp rồi chưa chắc đã vào được trường tử tế thế nhưng việc này cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến niềm vui "không tranh giành thế sự" của cô bé. Kỉ Đình thích nhìn dáng vẻ của Chỉ Di lúc chăm chú ngắm nghía đàn cá vàng, nét yên ổn mà dịu dàng, rõ ràng là đảm nhận sứ mệnh đến kèm cặp cô bé làm bài tập, thế nhưng cậu chẳng bao giờ nhẫn tâm bắt cô bé phải căng đầu gò mình lắng nghe các bước giải bài khô khan nhạt nhẽo, mà vui lòng cùng cô bé chìm đắm vào thế giới vô thanh của đàn cá im lìm. Mấy mẩu thức ăn vãi xuống, nổi bập bềnh trên mặt nước, rồi chầm chậm loang dần ra trong lúc ấy sẽ có chú cá nào đấy xông lên, há miệng đớp chớp nhoáng, sau đó đủng đỉnh bơi lội, chỉ còn lại những gợn lăn tăn khe khẽ. Chỉ Di cúi mặt, mái tóc dài thướt tha rủ xuống, theo nhịp thở của cô bé mà nhè nhẹ rung rinh trong im lặng, trái tim Kỉ Đình cũng hệt như mặt nước bị cá vàng bơi qua, se sẽ lay động. Dưới vòm tối củ mớ tóc kia, khuôn mặt Chỉ Di cũng mang đường nét dịu hiền xinh đẹp, từ góc cậu nhìn sang, vốn đang ngược sáng, đôi lúc còn nhìn thấy những mạch máu mỏng manh sát dưới làn da trong vắt của cô bé, nếu cứ chăm chú ngắm nhìn thật lâu như thế, Kỉ Đình thầm nhủ, ai dám nói rằng “cô này" chẳng có gì giống với “cô kia"?
Từ sau lần chọc giận ông bố Cố Duy Trinh nổi trận lôi đình, ngoài đợt nghỉ hè ra, nếu không có việc gì ra, Chỉ An rất ít về nhà, hơn nữa việc học hành năm cuối cấp cũng khá căng thẳng, thường phải rất lâu cô bé mới thò mặt về nhà một lần.Theo trí nhớ của Kỉ Đình, lần lâu nhất là ba tháng mười một ngày cậu không hề gặp cô bé.
Thực ra cơn giận của Cố Duy Trinh đã tiêu tan ít nhiều. Hôm ấy cũng chỉ vì nhất thời tức tối vì thái độ đánh chết không chịu nhận sai của Chỉ An nên ông mới chỉ vào nặt cô mà bảo cô đừng về nhà nữa. Nói ra thì đúng là cơ duyên trùng hợp, Chỉ An với ông giảng viên già môn Mĩ thuật vừa mới xô xát không lâu, một bức vẽ nguệch ngoạc suýt bị ông thầy già toan ném vào sọt rác của cô đã lọt ngay vào mắt một vị nghiên cứu sinh trẻ tuổi vừa mới được tuyển vào. Anh ta cảm thấy rất thích thú, lại nghe nói tác giả của bức tranh hóa ra là thiên kim tiểu thư Chủ nhiệm Cố của khoa Thương mại thì càng thêm hào hứng, thế nên đã chủ động tìm đến nhà Cố Duy Trinh, đòi gặp bằng được cô bé.
Vị hướng dẫn sinh có con mắt tinh đời này là Tạ Tư Niên. Chính là nhân vật đi đầu của một phái mới nổi lên vài năm gần đây trong giới sơn dầu. Lần này Đại học G trân trọng thỉnh anh ta về từ trường Hạ Môn, chẳng ngoài mục đích phô trương thêm thanh thế cho khoa mỹ thuật của trường. Tạ Tư Niên mới ngoài ba mươi,tài năng đang độ nở rộ,mấy cụm giải thưởng đã nhiều lần nhận được giải thưởng chuyên nghành trong ngoài nước, được các anh em cùng nghề cực kì khen ngợi. Có điều, cũng giống mấy vị nghệ thuật gia giành được chút thành tựu, anh ta cũng khá phóng túng bừa bãi, Cố Duy Trinh đã nghe phong phanh về đủ loại thói hư tật xấu trong đời tư của anh ta, bởi vậy, vị chuyên gia này bày tỏ sự tán thưởng với Chỉ An, thế nhưng ông bố vẫn còn do dự trong lòng xem có nên giới thiệu cô con gái với Tạ Tư Niên hay không. Cuối cùng vẫn phải là Uông Phàm lên tiếng “con gái anh dù không học vẽ ở chỗ Tạ Tư Niên thì cũng chẳng ra đâu vào đâu, so với việc cứ thả rông nó ở trường muốn làm gì thì làm, chi bằng cứ xem ý nó ra sao, mà nếu người ta có chịu thu nạp có, với tính tình của nó cũng chưa chắc học hành tử tế được bao lâu đâu."
Vậy nên kì nghỉ hè năm lớp Mười một của Chỉ An, Cố Duy Trinh đã chính thức dẫn con gái đến trước mặt Tạ Tư Niên, ai ngờ Tạ Tư Niên với Chỉ An vừa nới gặp nhau đã bày tỏ sự nuối tiếc sao không gặp gỡ nhau sớm hơn, hai con người khùng điên như nhau thấy hợp tính hợp nết quá đỗi, càng nói càng ăn ý, từ lúc đó Chỉ An bắt đầu học vẽ cùng Tạ Tư Niên. Cố Duy Trinh cũng đã từng nghĩ đến việc trả học phí cho Tạ Tư Niên, ai dè lại bị một phen tẽn tò, Tạ Tư Niên nói rằng anh ta không cần đến chút tiền còm ấy, việc dạy dỗ Chỉ An chỉ đơn thuần xuất phát từ niềm yêu thích cá nhân thôi, anh ta với Chỉ An không xưng hô thầy trò, mà người nọ kêu thẳng tên người kia.
Chỉ An theo Tạ Tư Niên học được một năm, trình độ nâng cao rõ rệt, Tạ Tư Niên sủng ái cô học trò vô cùng, không những dạy dỗ hết lòng, mà trước sau đều nói rằng mấy hướng dẫn sinh anh ta đang hướng dẫn bây giờ đều khhông lanh lợi bằng Chỉ An,lại còn xưng tụng Chỉ An là nàng thơ của anh ta.
Ai nấy đều cho rằng, với nỗi niềm say mê đắm đuối mà Chỉ An dành cho hội họa , cô bé ắt hẳn sẽ lựa chọn nghành Mỹ thuật, chẳng ngờ cô bé không có ý định ấy , mà chỉ tham gia thi tốt nghiệp bình thường. Chỉ Di có lần hỏi Chỉ An, nếu cô thích vẽ như thế sao lại không coi đó là nghề nghiệp tương lai của mình, Chỉ An nửa đùa nửa thật trả lời, hầu hết các danh họa đều chết đi rồi, tác phẩm mới bán chạy được, cô không thể chịu nổi nỗi buồn chán lúc còn đang sống sờ sờ như thế.
Chạng vạng tối một ngày đầu tháng bảy, Kỉ Đình từ nhà Lưu Lý Lâm quay lại trường, bỗng nhớ ra lúc trước có nhận lời Chỉ Di, thi tốt nghiệp xong sẽ chỉ dẫn cho cô bé một chút về phương hướng điền nguyện vọng, vậy nên trước khi về nhà, cậu rẽ qua nhà họ Cố.
Bình thường thì giờ này Chỉ Di với bố mẹ vẫn ở nhà, thế nhưng Kỉ Đình gõ cửa hồi lâu, vẫn không thấy ai trả lời, đang rầu rĩ chuẩn bị quay về, bỗng nghe thấy tiếng động sau cửa. Cửa vừa mở ra, Chỉ An người ngợm lấm lem màu vẽ đứng ngay đó.
Cô bé tựa người vào cửa, hơi nghiêng người chăm chú nhìn Kỉ Đình.
“ Chỉ An?", Kỉ Đình hơi chút bất ngờ, “À, anh tìm Chỉ Di, chị em có nhà không?"
“Chị ấy ra ngoài rồi", Chỉ An đáp.
“Thế…"
Cô ngắt lời cậu, “ Anh hỏi bố mẹ em chứ gì, họ cũng đi ra ngoài với Chỉ Di rồi, vừa mới đi, không biết bao giờ mới về, anh không cần phải đợi đâu".
“Ơ ra là thế". Kỉ Đình gật đầu, phát hiện ra Chỉ An đang nhìn cậu với ánh mắt “còn cái gì thì nói ra cho mau đi", cậu bất giác hơi ngại ngùng.
Cậu vốn định nói với cô, "Thôi được rồi, mai anh lại sang vậy", thế nhưng khi nói ra miệng thì lại thành “Em vẽ đấy à, nếu không phiền thì cho anh xem một chút được không?" .
Tay Chỉ An đang tựa ở cửa buông thõng xuống, nhếch nhếch khóe miệng, “Đương nhiên là phiền rồi". Nhìn thấy vẻ khổ sở rõ mồn một của cậu đúng như ý nguyện, cô mới bật cười thành tiếng, “Vào đi nhưng chẳng có gì hay mà xem đâu".
Kỉ Đình theo Chỉ An vào thư phòng, trên giá vẽ là một bức tranh sơn dầu sắp hoàn thành, Chỉ An không ríu ran gì với cậu nữa, chỉ chăm chú vào nhuận sắc cho bức vẽ, Kỉ Đình ở ngay bên cạnh cô, im lìm ngắm nghía hồi lâu, sắc điệu trên bức họa ngả màu ảm đạm, mặt biển rộng mênh mông và một cánh chim lớn đang chao liệng lưng chừng tầng không, nước biển lặng yên không dậy sóng thế nhưng giữa không trung mây đen kĩu kịt, cơ hồ mang thứ cảm giác bức bối như thể một cơn bão sắp sửa ập xuống .
“Có phải chim hải âu không?" – Cậu hỏi.
Chỉ An ngoảnh đầu lại, liếc nhìn cậu lắc lắc đầu.
“Ngoài hải âu ra, có loài chim nào lại bay liệng trên mặt biển lúc giông tố sắp tràn tới thế này?" Cậu vẫn tiếp tục vặn hỏi.
Bàn tay của Chỉ An vẫn không dừng lại, “Anh đã nghe về một loài chim biết bay không biết đậu xuống đất bao giờ chưa?"
“À, có phải là loài chim mà Trương Quốc Vinh nói đến trong phim A Phi chính truyện không , có một loài chim không chân, cứ dang cánh bay lên là bay mải miết, tận đến lúc chết mới chạm xuống mặt đất, đúng không?" Cậu hỏi.
Động tác của Chỉ An ngưng lại một lát, “Cũng từa tựa như vậy, đây là loài chim bay đêm, chỉ sống trên biển, bắt cá kiếm ăn. Nó to hơn hải âu rất nhiều, bay cao hơn, cũng hung hãn hơn, bình thường chỉ xuất hiện vào đêm tối hay trước lúc mưa giông gió giật, tiếng kêu thảm thiết thê lương, nếu nó xuất hiện vào buổi hoàng hôn, có nghĩa là sắp có bão lớn, thế nên ngư dân miền duyên hải đều coi nó là điềm không may, thực ra, nó chọn thời điểm đó để lộ diện, chẳng qua chỉ để tóm được mấy con cá ngơ ngác kinh động cho dễ hơn thôi".
Kỉ Đình thắc mắc, "Loài chim này không có chân thật sao, cứ dừng lại là nó chết à?".
“Chim bay đêm thực ra cũng có chân, có điều phần lớn đều bay lượn trên không trung, thế nên hai chân về cơ bản đã bị thoái hóa dần, nếu chúng đậu xuống đất, mọi hành động đều khá chậm chạp, rất dễ bị dân chài lưới hoặc những loài động vật to lớn hơn xơi tái."
Kỉ Đình nhìn vào mắt con chim ấy, dường như trong đó thấy được vài phần cứng cỏi mà bi thương, cậu còn cảm thấy đôi mắt ấy phảng phất nét quen thuộc, cậu nói, “ Nếu có một hòn đảo đủ an toàn bình yên, em thử nói xem, lúc chim bay đêm đã mệt mỏi rã rời, liệu nó có muốn dừng chân nghỉ ngơi không?".
Lần này Chỉ An không đáp lời, cô dừng hẳn chiếc bút vẽ trong tay lại, quay người nhìn chăm chăm vào cậu, “Vĩnh viễn không có hòn đảo như vậy đâu".
“Nếu anh nói có thì sao?" Cậu chẳng mấy khi ương ngạnh đến thế.
“Cho dù là có đi chăng nữa, thì hôm nay nó là đảo, ngày mai không chừng đã chìm khuất chỉ còn lại mênh mông nước biển, làm gì còn chốn nào nghỉ ngơi cho lâu dài nữa?"
Kỉ Đình nhìn cô, lúc cô xoay lưng lại với cậu, cậu mới cất lời, "Lúc bốn bề chỉ là sóng biển, hòn đảo cũng cô độc một mình, nếu nó không có cách nào biết được liệu cánh chim ấy có ghé chân nghỉ ngơi, đợi chờ lại quá mòn mỏi, thì cũng chỉ biết chìm dần mà thôi".
“Đúng thế, đó là vì ngay từ đầu nó đã biết rằng, trong khi nó không còn cách nào khác để chờ đợi hơn được nữa, nó vẫn có thể dấu mình dưới làn nước biển, hòn đảo luôn có một đường lui, còn cánh chim này thì không hề".
Nói xong một chặp những lời này, cả hai người đều im lặng hồi lâu.
Cuối cùng lại chính là Chỉ An ném bộp chiếc bút chì vẽ trong tay về phía bảng pha màu, chấm dứt tình cảnh ngượng ngùng kì quặc ấy, cô lấy bức tranh đã sắp vẽ xong từ trên giá xuống, Kỉ Đình còn chưa hiểu chuyện gì, đã thấy cô đưa tay vào nhau, sau đó tờ giấy vẽ tan thành hai mảnh, tiếp đến là bốn mảnh.
“Em làm cái gì thế?" Cậu không nói gì thêm đã ra tay ngăn lại, ai ngờ vẫn không kịp, “Vẽ sắp xong rồi sao lại xé đi?".
Chỉ An nghiêng người né động tác ngáng trở của cậu, rồi ném hết tất thảy đấm giấy vẽ đã tan thành mấy mảnh vào thùng rác, cười bảo rằng,"Cái thứ em vẽ, thích xé thì xé thôi , anh quản làm sao được".
Cậu không thèm để ý đến cô bé, xót xa lục lọi trong thùng rác hết những mảnh vụn của bức vẽ, cô bé giật cậu một cái, “Đừng tìm nữa, để em xem trong tay anh lúc đầu cầm cái gì nào".
Vẻ mặt ôn hòa bấy nay của Kỉ Đình đã phủ một màn sương mờ, cậu nhét vào tay cô đống tạp chí với đĩa hình mà Lưu Lý Lâm vừa cố sống cố chết dúi cho cậu, không nói năng gì tiếp tục nhặt nhạnh hết các mảnh giấy.
“Cái đống lộn xộn gì thế này?" Chỉ An lật ra xem mấy cuốn tạp chí mà cậu vừa đưa cho, phì cười , sau đó tiếp tục mở mấy cái túi đựng đầy đĩa.
“Ha ha, trọn bộ Châu Tinh Trì, cái này hợp khẩu vị của em đây. Đừng nhặt nữa, đồ ngốc, bức tranh này từ đầu đã vẽ không ra gì rồi, đi nào, đi xem Đại thoại Tây du với em".
Lúc này Kỉ Đình cơ bản đã sắp xếp gọn gàng được hết các mảnh tranh rách rồi, cậu giằng lại một cuốn tạp chí từ tay Chỉ An, sau đó kẹp hết tất cả chỗ giấy vụn ấy vào trong ruột, rồi bị Chỉ An lôi tuột vào phòng khách.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]