Đậu Hoàng sủa ầm ĩ trong sân, giật xích kêu loảng xoảng, ta vừa bước ra khỏi cửa liền mắng con chó ngốc kia: “Đậu Hoàng, con sủa trời sủa mây gì vậy hả?”
Lúc này, ngoài cửa có người lớn tiếng hỏi: “Cố nương tử có ở nhà không?”
Ta nói có, chậm rãi bước ra mở cửa.
Cửa vừa mở ra, ta giật nảy mình.
Người bên ngoài tầng tầng tầng lớp lớp, khua chiêng đánh trống, đốt pháo đì đùng, còn náo nhiệt hơn cả ngày thành thân của ta.
Ta chống nạnh hỏi: “Các người đang làm gì?”
Một sai dịch gạt đám người ra, nhìn ta cười rạng rỡ: “Chào nương tử, chúc mừng nương tử! Cố tướng công đề danh Kim Long bảng, đậu Thám Hoa. Đây là phúc khí của nương tử, cũng là phúc khí của Cẩm Thành chúng ta. Tri phủ lão gia phái ta đến báo tin vui cho nương tử đó!”
Y gõ chiêng kêu “Bang!” một tiếng. Tiếng vang đánh thẳng vào tim ta, ta ôm ngực hỏi: “Thám Hoa là cái gì?”
Sai dịch kia nói: “Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa là thứ hạng cao nhất của tài tử trong thiên hạ. Người ta nói “Tiến sĩ dễ đậu, Thám Hoa khó làm”. Muốn đậu Thám Hoa, học vấn phải cao, diện mạo phải đẹp, tuổi tác nhất định phải trong độ niên thiếu phong lưu. Không phải Cố tướng công thì còn ai vào đây nữa?!”
Ta không kìm được vui mừng. Ngoại hình đẹp, học vấn cao, trẻ tuổi phong lưu, thật đúng là phu quân của ta rồi.
Ta lại hỏi: “Vậy đậu Thám Hoa thì thế nào?”
Y nói: “Một mai chiếm được bảng vàng
Ấy là phú quý giàu sang quế hòe,
Bước đường tiến đến cống nghè
Vinh quy bái tổ, ngựa xe tưng bừng.
Cố tướng công sau này sẽ như diều gặp gió, một bước lên mây, làm quan lớn, làm Tể Tướng, nương tử sẽ là phu nhân nhà quan đó!”
Tim ta đập như trống bỏi. Chồng ta sắp làm quan lớn, làm Tể Tướng, ta sẽ là nương tử nhà quan.
Mẹ ơi, Bích Đào cũng có diễm phúc này, mẹ ở trên trời đã có thể an lòng nhắm mắt rồi.
Ta tươi cười rạng rỡ, không kìm được vui mừng, càng thêm nhung nhớ phu quân.
Nhớ hồi đó, ta vốn chỉ định mượn hắn sinh một đứa con, rồi ta nuôi con, sau này con lại nuôi ta, chưa từng nghĩ sẽ có được ngày hôm nay.
Năm ấy, mẹ bệnh nặng nằm trên giường. Mẹ hỏi ta: “Con không có cha, không có huynh đệ, mẹ chết rồi, con phải làm sao đây?”
Ta nói: “Mẹ chết thì con cũng chết.”
Mẹ ứa nước mắt cốc đầu ta, mắng ta không có tiền đồ: “Con gái lớn rồi phải lập gia đình. Con phải gả cho một người thật thà, thương con, yêu con, không bao giờ bắt nạt con.”
Ta hỏi mẹ: “Người thật thà là người như thế nào?”
Mẹ nói: “Vương Tam bán thịt heo là người thật thà.”
Ta không nói lời nào.
Mẹ nói tiếp: “Thôi Nhị bán dầu là người thật thà.”
Ta vẫn không nói lời nào.
Mẹ nổi giận, mắng ta óc heo, hỏi ta muốn cưới người thế nào.
Ta nói: “Hiểu biết chữ nghĩa, trắng trẻo tuấn tú.”
Mẹ không nói lời nào, nước mắt giàn giụa.
Một lúc lâu sao, mẹ nói: “Cưới ai cũng được, nhất định không được cưới người đọc sách.”
Ta hỏi: “Tại sao?”
Mẹ nói: “Kẻ sống hèn thường nói lời trượng nghĩa, người đọc sách đều thích phụ nghĩa bạc tình.”
Ta không phục, nói: “Bọn họ đọc sách thánh hiền, trong bụng toàn là nhân nghĩa, sao lại không phải người thật thà?”
Mẹ thở dài: “Người đọc sách có gì tốt, vai không thể khiêng, tay không thể xách; trong mắt chỉ có phong hoa tuyết nguyệt, nào biết dầu muối củi gạo; trong lòng chỉ chứa sách thánh hiền, làm gì còn chỗ cho con.”
Ta nói: “Không sao, hắn đọc sách, con thêu thùa; hắn lo phong hoa tuyết nguyệt, con quản dầu muối củi gạo.”
Mẹ bảo: “Con thêu đến phế hai bàn tay, mờ hai con mắt, đến lúc hắn thăng quan tiến chức sẽ không cần con nữa, con phải làm thế nào đây?”
Ta suy nghĩ một chút đáp: “Hắn không quan tâm con, con cũng không cần hắn. Con mượn hắn sinh một đứa con, con nuôi nó, nó lại nuôi con.”
Mẹ hỏi: “Rồi con mang thai thế nào, sinh dưỡng ra sao?”
Ta nói: “Con tìm cái am ni cô, cúng ít tiền nhang đèn. Các ni cô lòng dạ Bồ Tát, sẽ cho con một chỗ dung thân, cũng sẽ chăm con sinh nở.”
Ta bồi thêm một câu: “Mẹ chính là như vậy sinh con ra mà.”
Mẹ khóc đến hụt hơi, vươn tay tát nhẹ lên người ta: “Còn muốn học theo mẹ, con cũng xứng?!”
Mẹ khóc, ta cũng khóc.
Mẹ đã hấp hối, lấy một chiếc khăn từ dưới gối. Chiếc khăn tay quấn một cây trâm cài bằng bạc. Mẹ nói: “Lòng con cao hơn trời, số mạng lại mỏng hơn giấy, mẹ quản không nổi con. Mẹ cho con ba gian phòng, con đi tìm người đọc sách của con đi.”
Mẹ nắm lấy tay ta không chịu buông. Mẹ không yên lòng nhắm mắt cũng không thể nhẹ nhõm mà thở phào. Mẹ nói: “Nếu có ngày nào con chịu không nổi nữa, hãy đi tìm Trương Trung Đường.”
Trương Trung Đường là quan lớn ở Kinh Thành. Lúc ông ta đến Cẩm Thành tuần tra, ngồi kiệu tám người khiêng, theo sau là một hàng thị vệ cưỡi tuấn mã cao to.
Khi đó, ta chen chúc ở đầu ngõ nhìn cỗ kiệu của ông ta, mẹ vội kéo ta ra ngoài: “Nhìn cái gì mà nhìn?! Đi về!”
Quãng thời gian Trương Trung Đường ở tại Cẩm Thành, ta bị mẹ nhốt trong nhà, bức bối đến mức cơm ăn không vô.
Một hôm, có người đến gõ cửa, mẹ không thèm ngẩng lên, cứ tiếp tục thêu hoa.
Ta ra mở cửa, viên quan hùng hổ hỏi: “Ngươi tên gì? Quê quán ở đâu?”
Ta nói: “Nô tên Lý Bích Đào, sinh ra và lớn lên ở Cẩm Thành.”
Viên quan lại hỏi mẹ ta, hỏi bà quê ở đâu.
Ta trả lời mẹ tên là Trương Tú Nương, cũng là người Cẩm Thành.
Viên quan lại hỏi: “Trong nhà có đàn ông không? Làm nghề gì?”
Ta đáp: “Cha của nô chết sớm, hiện chôn dưới đất. Nô trên dưới không có huynh đệ, trong ngoài không có chồng con. Hai mẹ con nô thêu thùa kiếm sống.”
Viên quan cầm bức chân dung, cẩn thận nhìn ta đến từng chân tơ kẽ tóc, rồi lại cẩn thận nhìn mẹ đến từng chân tơ kẽ tóc. Cuối cùng, y vẫn chưa từ bỏ ý định, hỏi mẹ con ta có biết người tên Lý Thu Sương, nói giọng Mi Châu, dung mạo xinh đẹp, tính tình hào sảng, giỏi bơi lội, biết đánh cá, tuổi chừng 36, 37.
Ta bảo không biết người này.
Ta đóng cửa, vào nói với mẹ rằng: “Tên Thu Sương nghe êm tai hơn Tú Nương nhiều.”
Mẹ mắng: “Im mồm, con nhóc chết bầm này.”
Bà ba cô sáu hàng xóm đến chơi nhà. Bọn họ nói Trương Trung Đường kia là người có tình có nghĩa, đi từng ngõ gõ từng nhà, tìm một phụ nữ làng chài, là vợ kết tóc của ông ta.
Mẹ nói: “Ôi, tốt hơn lão chồng quỷ nhà ta nhiều.”
Trương Trung Đường tìm không được người phụ nữ đánh cá kia, ngồi kiệu trở về Kinh.
Sau đó, mẹ ngã bệnh.
Mẹ đưa cây trâm bạc cho ta, nằm trên gối thì thào lẩm bẩm: “… Xì, thứ vô tình bạc nghĩa… Ai còn biết đánh cá, ai còn dung mạo xinh đẹp…”
Mẹ nhắm nghiền hai mắt.
Từ đó, ta không còn mẹ nữa.
Mẹ mang thai ta, không thể đánh cá nữa mới bỏ nghề chài lưới, đi học thêu thùa.
Mẹ thêu hoa, thêu đến bạc đầu, nuôi lớn ta lại truyền nghề thêu thùa cho ta.
Ta không muốn đi tìm Trương Trung Đường. Ta trông coi ba gian phòng mẹ để lại, nuôi một con chó con đặt tên là Đậu Hoàng. Cả ngày, ta ngồi trong sân thêu hoa, thêu túi tiền, thêu đai lưng, thêu khăn tay, nuôi thân ta, nuôi Lý Đậu Hoàng.
Mỗi tháng, ta phải ra cửa ba lần, giao túi tiền đến phố Thư Viện, giao đai lưng đến cầu Thiên Tiên, giao khăn tay đến phường Thủy Tỉnh.
Hôm đó, ta xách rổ nhỏ đi ra cửa, đến đầu phố Thư Viện, vô duyên vô cớ bị người chặn lại.
Người kia mặt mày ghê tởm, cười lộ hàm răng vàng khè, lại ra vẻ nhã nhặn hỏi ta: “Tiểu nương tử đi đâu thế?”
Ta cố nén bực bội trả lời: “Ban ngày ban mặt, đường rộng thênh thang, ngươi quan tâm ta đi đâu mà làm gì?”
Gã cười híp mắt: “Ối chà, cáu kỉnh phết nhỉ.”
Ta đi vòng qua gã, nhưng gã túm lấy tay áo ta, ép ta lui đến bờ tường, nhìn ta từ trên xuống dưới, còn muốn sờ tay ta.
Tên khốn nạn này!
Ta nén giận, cắn răng, nhìn chằm chằm vào đũng quần gã. Mẹ dạy chỗ đó là điểm yếu nhất của đàn ông, gặp mấy tên khốn cứ dùng hết sức bình sinh mà đạp.
Ta đang định nhấc chân cho gã một đạp thì một người khác đã nhanh chân đá gã văng đi.
Gã khốn nạn kia nằm dài dưới đất gào rống: “Tên nào dám đá ông nội bây!”
Một giọng nói dễ nghe lười nhác đáp: “Là ông nội của ngươi.”
Ta ngẩng đầu lên nhìn ông nội của gã, thấy hắn mặc một thân áo xanh, chậm rãi phe phẩy quạt xếp, mặt mày tuấn tú với nụ cười lười biếng, từ trên xuống dưới không chỗ nào không đẹp.
Ta chỉ dám nhìn một cái rồi thôi.
Gã khốn nạn đứng dậy: “Cố Lân, ngươi giỏi lắm, cứ chờ đó cho ta!”
Hắn nói: “Chờ cái gì? Chờ ngươi đến bái lạy ông nội à?”
Gã khốn tức đến đỏ bừng cả mặt, lầm bầm chạy mất.
Bấy giờ hắn mới quay qua cười với ta, khiến tim ta đập loạn xạ. Hắn hỏi ta: “Cô nương có bị dọa sợ không?”
Ta cúi đầu, cố nhỏ nhẹ: “Có hơi sợ.”
Hắn nói: “Đừng sợ. Cô nương muốn đi đâu? Ta đưa cô nương một đoạn.”
Ta đáp: “Nô đi giao túi tiền cho cửa hàng thêu, phiền ân nhân đưa giúp một đoạn. Nô tên Lý Bích Đào, không biết Cố Lân tướng công tên họ là gì?”
Hắn bật cười thành tiếng, nói: “Cố Lân tướng công họ Cố tên Lân, còn có tên chữ là Hữu Lân.”
Ta mặc kệ hắn có tên chữ hay không, ngoài miệng ta gọi hắn Cố tướng công, trong lòng lại gọi là Cố lang quân.
Hắn đưa ta đến hàng thêu, ta xách rổ cúi đầu, bước chân vốn từ từ lại càng cố chậm rãi. Hắn chắp tay sau lưng đi bên cạnh, cùng ta chậm rãi đi hết đoạn đường.
Tháng ba trời vẫn còn xuân, trên trời chim én bay thành đôi, dưới mặt đất hai chiếc bóng liền kề một chỗ, một cái thì cúi đầu, một cái thì chắp tay sau lưng.
Ngực ta như có con thỏ không ngừng nhảy cẫng lên, sắp không giấu được nữa.
Trên đường có người quen hỏi: “Bích Đào, tìm đâu ra vị lang quân tuấn tú thế này?”
Ta đỏ mặt hồng tai đáp: “Đây là ân nhân của ta, không phải lang quân.”
Ta liếc trộm hắn, thấy mắt hắn nhìn đường, khóe miệng hắn cong cong.
Giao túi tiền xong xuôi, ta nên trở về nhà.
Ta đứng ở đầu phố nhìn đông ngó tây không tìm được đường, hắn bèn hỏi: “Nhà cô nương ở đâu?”
Lòng có chút vui mừng lại có chút xấu hổ, ta nói: “Phía tây cầu Vạn Lý có con đường trồng hoa đào hồng phấn dọc hai bên, cuối đường là ngõ Yến Tử, ta ở ngôi nhà thứ ba trong ngõ.”
Ta có chút chờ mong nhìn hắn, hắn gật đầu bảo: “Thật tình cờ, tại hạ cũng ở cầu Vạn Lý. Bờ sông phía đông có hàng liễu rũ, dưới liễu có con ngõ tên là Thanh Y. Nhà ta ở ngay đầu ngõ.”
Ta đọc thầm trong lòng một lần.
Hắn hỏi: “Cô nương nhớ kỹ chưa?”
Ta gật đầu: “Nhớ rồi.”
Hắn cười.
Bấy giờ ta mới phản ứng lại, thầm mắng mình vô liêm sỉ.
Hắn nói: “Nếu chúng ta đều ở cầu Vạn Lý, hay là cùng nhau đi hết chặng đường?”
Ta đỏ mặt gật đầu, chậm rãi bước theo hắn.
Còn chưa đi được bao lâu đã đến ngõ Thanh Y. Ta chào tạm biệt hắn nhưng chân lại không chịu rời đi.
Ta đứng trước ngõ nhà hắn, ruột gan rối bời, không biết phải làm sao.
Hắn nhìn ta, lại nhìn sang bên kia cầu, nói: “Bờ bên kia phong cảnh đẹp như vậy, qua cầu ngắm hoa đào cũng hay đấy chứ.”
Ta bình tĩnh lại, lần nữa cùng hắn chậm rãi dạo bước.
Cớ sao đường lại ngắn như vậy, chưa gì đã nghe thấy tiếng Đậu Hoàng sủa vang.
Chẳng hiểu sao ta cứ thấy buồn miên man, chỉ vào cửa nhà mà nói với hắn: “Nhà nô ở đây. Đang sủa ầm ĩ là chó của nô, tên là Lý Đậu Hoàng. Nhà nô chỉ có hai bọn ta.”
Hắn gật đầu cười khẽ, từ biệt rồi quay người rời đi, ta quýnh quáng gọi hắn lại.
Ta nói: “Đa tạ tướng công đưa tiễn. Nhận ơn phải đáp nghĩa, hay để nô đưa tướng công về nhà?”
Hắn sửng sốt, rồi nở nụ cười làm sáng cả mùa xuân, làm phai nhạt cả hoa đào.
Hắn hỏi: “Sau đó ta lại đưa cô nương về nhà sao?”