Ông Kim xuống xe. Mọi người chưa kịp ra đón thì ông đã xách cái điếu cày xồng xộc đi vào. - Chờ tớ sốt ruột lắm phải không? - Ông Kim hỏi rồi kéo ghế ngồi. - Các vị ở dưới xã cũng vừa mới lên xong – Bằng đáp rồi giới thiệu - Đồng chí Kỳ và đồng chí An ở Hồng Vân thì bí thư quen quá đi rồi. Còn đây là đồng chí Soạn, bí thư đảng ủy Phương Trúc và đồng chí Vinh là chủ nhiệm Hợp tác xã. Soạn tươi cười: - Em gặp bí thư hai lần rồi chắc bí thư không nhớ. - Nhớ được một lần. Đó là hôm Đại hội đảng bộ Vĩnh Hòa. Hôm đó cậu phê bình tay Mích có tác phong quan liêu, quân phiệt có đúng không nào? Soạn khen: - Bí thư nhớ lâu thật. Ông Kim chỉ vào bà Thường: - Mấy tay lãnh đạo ở Phương Trúc chắc chưa biết chị Thường phải không? Chị Thường là trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy. Các cậu biết để sau này tớ có chèn ép các cậu, các cậu muốn khiếu nại, tố cáo gì về tớ thì lên gặp chị ấy. Mọi người cười vui vẻ sau câu nói của ông Kim. Bằng mở lời: - Thành phần triệu tập họp đã có mặt đầy đủ cả rồi đấy ạ. Xin mời bí thư và chị Thường đi qua hội trường. Ông Kim đứng dậy nhìn quanh rồi hỏi: - Hình như hôm qua tớ gọi điện xuống có bảo các cậu mời cụ Rau ở thôn Hạ Hòa dự họp phải không? Sao không thấy cụ ở đây? - Em đã trực tiếp đến mời cụ ấy nhưng cụ ấy bị mệt mấy hôm nay rồi ạ - Bằng trả lời. - Cụ Rau mệt thế nào? - Cụ ấy chỉ cảm sơ sơ thôi ạ. - Thế thì lát nữa làm việc xong, tớ phải đi thăm cụ ấy mới được. Mọi người đã ngồi vào chỗ. Ông Kim hỏi: - Các cậu ở Hồng Vân và Phương Trúc đã biết được nội dung cuộc họp hôm nay chưa? Soạn, bí thư đảng ủy Phương Trúc đáp: - Đồng chí Bằng đã nói cho chúng em biết rồi ạ. - Ai điều khiển cuộc họp hôm nay đấy. Cậu Bằng hay là cậu Mích? Mích nói đùa: - Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, triệt để nên bí thư huyện ủy là người chủ trì cuộc họp hôm nay đấy ạ. - Lãnh đạo chứ không làm thay chính quyền đâu đấy nhé. Cậu đừng lấy cớ để đùn đẩy nhiệm vụ cho người khác. Cậu Bằng cho bắt đầu đi. Đang trong thời chiến nói ngắn gọn thôi. Không phải kính thưa, kính gửi, kính biếu, rồi kính mời nâng chén đâu. Bằng cười: - Không kính thưa nhỡ bí thư phê bình chúng em hỗn thì sao. - Họp chứ có phải mít tinh đâu mà làm cho đầy đủ thủ tục. Nói đi. - Vâng. Vừa qua lãnh đạo Phương Trúc có đề nghị với huyện ủy cho Hợp tác xã hóa giá một số công cụ sản xuất bán cho xã viên. Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến chủ trương đường lối của Đảng. Vì thế huyện ủy không dám giải quyết và đã báo cáo lên với đồng chí bí thư tỉnh ủy. Chiều hôm qua đồng chí bí thư tỉnh ủy đã gọi điện thoại xuống yêu cầu cho mời lãnh đạo xã và Hợp tác xã của Hồng Vân và Phương Trúc họp để bàn về việc này. Nội dung cuộc họp là bàn cụ thể về việc cho hóa giá một số công cụ sản xuất để bán lại cho xã viên theo đề nghị của đảng ủy và Ban quản trị Phương Trúc. Xin đề nghị đồng chí bí thư tỉnh ủy cho ý kiến. Ông Kim cười: - Các cậu khôn thật. Đùn cho tớ để nếu cấp trên có phê bình thì bảo đây là ý kiến của bí thư tỉnh ủy, các cậu chỉ là người thi hành thôi, có đúng không? Bằng nói: - Không phải như thế đâu ạ. Thú thật là chúng em chưa biết giải quyết vấn đề này như thế nào thật ạ. - Tớ nói đùa cho vui thôi chứ đúng đây là vấn đề rất mới. Những cán bộ, đảng viên của Hợp tác xã Hồng Vân, Phương Trúc của huyện Vĩnh Hòa, Đằng Xá, Cao Sơn của huyện Linh Sơn, An Lưu của huyện Yên Lộc và một số xã và Hợp tác xã nữa dám đổi cách làm bao cấp bằng một kiểu khoán khác là một việc làm hết sức dũng cảm và có trách nhiệm trước đời sống của dân. Những việc làm đó tỉnh ủy hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng về quan điểm của mình. Bây giờ tớ nói đến đề nghị của lãnh đạo Phương Trúc hóa giá công cụ sản xuất để bán lại cho xã viên. Trước khi nói đến chuyện này tớ muốn biết đề nghị này là của đảng ủy xã hay của Ban quản trị Hợp tác xã? Soạn trả lời: - Báo cáo bí thư. Đề nghị này là Ban quản trị Hợp tác xã chứ không phải của đảng ủy đâu ạ. - Thế đảng ủy có ủng hộ đề nghị này của Ban quản trị không? - Nếu không ủng hộ thì chúng tôi đã không đề nghị việc này với huyện ủy và chắc cũng không có cuộc họp hôm nay. Ông Kim nói tiếp: - Đây là điều đáng mừng bởi không ai gần gũi dân bằng cán bộ cơ sở. Họ là cái cầu nối giữa dân và lãnh đạo cấp trên. Ông Chủ nhiệm Phương Trúc cho tớ hỏi, có phải đề nghị hóa giá công cụ là đề nghị của xã viên không hay do Ban quản trị nghĩ ra? Vinh đáp: - Thưa bí thư, đó là đề nghị của bà con đấy ạ. - Các ông thấy chưa. Dân mới là người quyết định nên làm cách nào cho nồi cơm của mình được đầy ngày ba bữa, đỏ lửa ba lần. Dân mà không thả cá trộm trong ao nhà mình thì Hợp tác xã Hồng Vân làm sao nghĩ đến việc khoán cho dân nuôi cá tại ao của hộ xã viên. Cán bộ, đảng viên phải nhạy bén nắm bắt nguyện vọng và những sáng kiến của dân, chọn lọc cái gì đúng thì nên tìm cách mà làm, cái gì hay nhưng chưa hoàn chỉnh thì chịu khó suy nghĩ làm cho nó hoàn chỉnh, những ý kiến cực đoan thì tìm cách giải thích cho dân hiểu vì sao không làm được. Không theo đuôi quần chúng nhưng cũng đừng lo sợ rồi vùi dập những nguyện vọng chính đáng của dân. Tớ lại nói lạc đề cuộc họp hôm nay rồi phải không? Bây giờ các cậu ở Hồng Vân và Phương Trúc cho tớ biết công cụ sản xuất mà các cậu định hóa giá gồm những gì nào. Hỏi xong ông Kim vớ lấy cái điếu cày cho thuốc vào hút. An, chủ nhiệm Hồng Vân đứng lên: - Thưa bí thư, hiện nay trong kho chúng em có 26 cái xe cải tiến, 4 cào cỏ cải tiến 64A, 7 bình bơm thuốc trừ sâu, 31 chiếc cày tay và 4 máy tuốt lúa bằng tay. Còn lại là liềm hái, quang gánh và cào cỏ một lưỡi. Ông Kim hỏi: - Phương Trúc có những gì? Vinh nói: - Dạ, Hợp tác xã của em có 27 xe cải tiến, trong đó có 5 chiếc vừa mới sắm, 8 bình thuốc trừ sâu, 6 cào cỏ cải tiến 64A, 32 cày tay, 3 chiếc máy tuốt lúa và 137 cái liềm. Còn quang gánh chúng em chưa kiểm kê được. Ông Kim hỏi: - Cậu là người đề nghị hóa giá công cụ sản xuất, vậy nói cho tớ nghe hóa giá bằng cách nào? - Thưa bí thư, Ban quản trị chúng em đã bàn và đã xin ý kiến của đảng ủy. Đảng ủy cũng nhất trí cách làm của chúng em như sau. Thành lập một ban gồm cán bộ Ban quản trị, bí thư chi bộ, bí thư đoàn thanh niên và một số đại biểu do dân cử. Ban này có nhiệm vụ đánh giá chất lượng công cụ, xác định giá cả của từng cái. Sau đó thông báo cho những ai muốn mua thì tập trung lại để đấu giá công khai. Ai trả giá cao, người ấy được. - Các cậu làm dân chủ, công khai như vậy là tốt. Nhưng theo tớ chỉ đấu giá những công cụ có giá trị như xe cải tiến, bình bơm thuốc trừ sâu và cào cỏ cải tiến 64A và máy tuốt lúa thôi. Còn cày tay, liềm hái, quang gánh ai muốn mua thì bán cho người ta chứ có gì mà phải định giá, đấu giá cho mất thì giờ. Mích tán thành: - Bí thư tỉnh ủy nói phải đấy. Cày tay, liềm hái, quang gánh không có của tập thể thì người ta cũng tự sắm lấy được, chẳng cần phải đấu giá đâu. - Còn chỗ này tớ muốn hỏi các cậu. Tình hình tất cả các Hợp tác xã của chúng ta hiện nay có một thực tế là có hộ nhiều lao động, có hộ ít lao động và có hộ thực sự neo đơn. Từ chỗ sức lao động của các hộ khác nhau đó đã nảy sinh ra có hộ đủ ăn, có hộ thiếu ăn, có hộ đang rơi vào cảnh nghèo túng. Nếu đem ra đấu giá các công cụ sản xuất, nhất định các hộ khá giả sẽ mua được là chắc chắn. Như vậy hộ có sức lao động sẽ có xe cải tiến để kéo, còn hộ thiếu sức lao động, trong đó có hộ có chồng con ra mặt trận sẽ trở về với đôi quang gánh trên vai. Như vậy khẩu hiệu giải phóng đôi vai chỉ dành cho những hộ có sức lao động mà thôi. Các cậu đã tính tới việc này chưa? Câu hỏi quá bất ngờ khiến mọi người đưa mắt nhìn nhau. - Thú thật với bí thư là chúng tôi chưa nghĩ đến những điều bí thư vừa nói – Soạn thú nhận. Ông Kim hỏi: - Lãnh đạo Hồng Vân định giải quyết việc này thế nào? An đáp: - Chỉ có cách những nhà không có xe cải tiến lúc nào cần thì nhờ những hộ có xe cải tiến tương trợ rồi trả tiền hao mòn cho người ta thôi. Ông Kim lại hỏi: - Chẳng may gặp cái anh tham lam nó lấy giá cắt cổ tiền hao mòn thì sao? An cười xòa: - Thế thì em chịu. - Tớ đề nghị giải quyết việc này như thế này các cậu xem có được không nhé. Xe cải tiến chỉ nên hóa giá hai phần ba thôi, còn lại một phần ba do Hợp tác xã quản để cho những người không mua được xe khi cần thì thuê của Hợp tác. Bình thuốc trừ sâu cũng vậy. Hợp tác nào cũng chỉ có bảy, tám cái. Vì thế không nên hóa giá mà Hợp tác quản để phục vụ chung. Để tránh tình trạng cha chung không ai khóc, phải đề ra nguyên tắc như khi thuê xe cải tiến của Hợp tác hư hỏng phải bồi thường chẳng hạn. Phải lấn dần từng bước thôi các cậu ạ. Làm ồ ạt quá rút cuộc thì xôi hỏng bỏng không đấy. Chị Thường thấy thế nào hả chị? Bà Thường: - Theo tôi bước đầu ta nên làm như thế cái đã. Đồng chí bí thư huyện ủy Vĩnh Hòa nói đúng. Làm gì thì làm chúng ta cần phải bảo đảm sự công bằng trong nội bộ Hợp tác xã, tránh tình trạng mất đoàn kết xảy ra sau khi hóa giá công cụ sản xuất. Trước khi tiến hành hóa giá cũng cần họp dân báo cáo chủ trương của lãnh đạo để cho dân biết và tham gia ý kiến rộng rãi. Có thể dân sẽ có những cách làm hay hơn kiểu chúng ta vừa bàn. Ông Kim hỏi: - Các cậu lãnh đạo ở Hồng Vân thấy thế nào. Làm thế đã được chưa hay có cách khác? An đáp: - Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất cách làm của bí thư tỉnh ủy. Ông Kim đập vào trán mình một cái thật mạnh rồi kêu lên: - Chết thật! Loay hoay thế nào hóa ra tớ là người điều khiển cuộc họp. Tớ mắc phải cái tật chưa chữa được là hễ có công việc là xắn tay áo lên làm, xắn mồm lên nói. Làm xong mới nghĩ ra mình mắc phải tác phong bao biện. Các cậu thông cảm cho cái tính của tớ nhé. Bây giờ tớ giao quyền điều khiển cuộc họp cho tay Bằng đấy. Bàn xem nên giao cho anh nào làm trước để rút kinh nghiệm. Vinh cười rồi nói to: - Hóa giá công cụ sản xuất là do sáng kiến của Phương Trúc, để cho Phương Trúc làm chứ cần gì phải bàn nữa ạ. An cãi luôn: - Ông nên nhớ ông và tôi cùng nghĩ ra việc này nhưng ông nhanh mồm báo cáo với huyện ủy trước chứ đừng có nhận vơ là sáng kiến của một mình Phương Trúc nhé. - Đồng ý là tôi và ông có bàn với nhau. Nhưng ông còn rụt rè không dám báo cáo. Còn tôi nghĩ xong là báo cáo ngay. Trong thi chạy đua, anh nào đến đích trước là anh ấy thắng, em nói thế có phải không bí thư. Ông Kim quay sang hỏi Bằng: - Ông Bằng xử việc này như thế nào đây? Bằng đáp: - Phương Trúc đề nghị trước nên để cho Phương Trúc thực hiện. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo để Phương Trúc làm tốt việc này. Vinh vỗ tay: - Huyện ủy sáng suốt quá - Biết mình nhỡ mồm, Vinh nói chữa - Ấy chết! Em xin lỗi bí thư tỉnh ủy và bác Thường. Ông Kim cười: - Cậu nhỡ mồm nên tớ phạt bằng cách để cho Hồng Vân cùng hóa giá công cụ. Như vậy đã công bằng chưa? Vinh cười hô hố: - Bí thư tỉnh ủy rất sáng suốt. - Bây giờ thì tỉnh ủy sáng suốt hơn huyện ủy rồi phải không? Đáp lại câu nói đùa của ông Kim là những chuỗi cười sảng khoái.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]