Chương trước
Chương sau
Người giàu quản lý tiền của họ rất giỏi.Người nghèo không biết quản lý tiền của họ.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình có tên Triệu Phú bên cạnh nhà, tác giả Thomas Stanley đã khảo sát các triệu phú ở khắp nơi thuộc khu vực Bắc Mỹ, sau đó công bố họ là ai và họ đã làm giàu như thế nào. Toàn bộ kết quả có thể được tóm tắt trong một câu ngắn gọn: “Người giàu quản lý tiền bạc của họ rất giỏi”.
Người giàu không có gì khôn ngoan hơn người nghèo. Chỉ những thói quen của họ đối với tiền bạc là khác biệt và có tác dụng hỗ trợ họ hơn mà thôi. Như chúng ta đã thảo luận trong Phần I cuốn sách, thói quen được hình thành chủ yếu dựa trên cách nghĩ đã hình thành trước đây. Vậy nên, nếu bạn không biết cách quản lý tiền bạc của mình, có lẽ bạn đã không được lập trình để quản lý tiền bạc. Ngoài ra, nhiều khả năng là bạn chưa biết cách quản lý tiền bạc của mình sao cho đơn giản và hiệu quả. Không biết bạn thế nào, chứ tôi không được học môn Quản lý Tiền tệ 101 trong trường phổ thông, mà thay vào đó chúng tôi tìm hiểu về Cuộc chiến tranh 1812.
Đây có thể không phải chủ đề thu hút nhất, nhưng nó dẫn đến kết luận sau: sự khác biệt lớn nhất giữa thành công và thất bại tài chính là cách thức bạn quản lý tiền bạc của mình. Đơn giản thôi. Để làm chủ đồng tiền, trước hết bạn phải quản lý được nó.
Người nghèo thường tỏ ra vụng về, lúng túng trong việc quản lý tiền bạc, thậm chí họ e ngại hoặc trốn tránh mọi vấn đề liên quan đến tiền bạc nói chung. Nhiều người thú nhận rằng họ không thích quản lý tiền bạc bởi vì, thứ nhất, họ cho rằng việc đó hạn chế tự do của họ, và thứ hai, họ nói họ không có nhiều tiền đến mức phải quản lý.
Trên thực tế, việc quản lý tiền không hề lấy đi phần tự do nào của bạn, mà ngược lại còn khiến bạn tự do hơn. Việc quản lý tiền cho phép bạn được tự do về mặt tài chính để bạn không bao giờ phải làm việc nữa. Tôi tin rằng đó chính là tự do thật sự.
Với những ai dùng lý lẽ “Tôi không có nhiều tiền đến mức cần phải quản lý” để biện minh, thì quả là họ đang có cái nhìn sai lệch về vấn đề này. Họ đang quan sát các vì sao từ đầu bên kia của kính viễn vọng. Thay vì “Khi nào có nhiều tiền, tôi sẽ bắt đầu quản lý chúng”, họ nên nói: “Khi tôi bắt đầu biết quản lý tiền, tôi sẽ có rất nhiều tiền”.
Câu: “Tôi sẽ bắt đầu quản lý tiền của mình ngay khi tôi giàu lên” không khác mấy so với cam kết của người thừa cân rằng: “Tôi sẽ bắt đầu luyện tập và ăn kiêng ngay khi tôi giảm được mười cân”. Nếu bạn buộc cỗ xe trước con ngựa, cỗ xe sẽ không thể di chuyển được, hoặc có khi
còn đi giật lùi! Vậy trước tiên bạn hãy quản lý tiền của bạn cho hiệu quả, rồi bạn sẽ có nhiều tiền hơn để quản lý.
Trong các khóa học Tư Duy Triệu Phú, tôi thường kể một câu chuyện khiến mọi người đều phải suy ngẫm. Hãy hình dung bạn đang đi bộ trên phố với đứa trẻ lên năm. Bạn dừng trước một tiệm bán kem và mua cho đứa trẻ cây kem ốc quế với một viên kem tròn. Chỉ vài phút sau, viên kem tan dần và chảy xuống bàn tay nhỏ nhắn của em bé, rồi bất chợt rơi xuống vỉa hè.
Đứa trẻ khóc lóc đòi bạn quay lại cửa tiệm để mua cây kem khác. Và ngay lúc đó, đứa trẻ nhìn thấy bức ảnh quảng cáo rực rỡ chụp cây kem ốc quế với ba viên kem trông thật hấp dẫn. Đứa trẻ chỉ vào bức tranh và sung sướng reo lên: “Con muốn cây kem đó cơ!”.
Đến đây có một câu hỏi. Là một người tốt bụng, yêu trẻ và hào phóng như bạn, liệu bạn có mua cho đứa trẻ cây kem có tới ba viên tròn ngọt lịm kia không? Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là “Chắc chắn rồi”. Tuy nhiên, khi nghĩ lại một chút, phần lớn những người tham dự các khóa học của chúng tôi đã trả lời là: “Không”. Bởi vì tại sao bạn lại muốn đưa đứa trẻ đến với một thất bại chắc chắn? Đứa trẻ đã không giữ nổi cây kem ốc quế một viên, thì làm sao nó có thể cầm chắc cây kem có tới ba viên?
Ví dụ này rất thích hợp để nói về vũ trụ và bạn. Chúng ta sống trong một vũ trụ tử tế và giàu tình thương, và
nguyên tắc bất di bất dịch của vũ trụ là: “Chỉ trừ khi bạn chứng tỏ mình có thể quản lý những gì đang có, bằng không bạn sẽ chẳng có thêm chút gì!”.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 31:
Chỉ trừ khi bạn chứng tỏ mình có thể quản lý những gì đang có, bằng không bạn sẽ chẳng có thêm chút gì!
Bạn phải tập thói quen và kỹ năng quản lý số tiền nhỏ trước khi bạn có thể nhận được số tiền lớn. Hãy nhớ, chúng ta là những sinh vật có thói quen, và vì thế thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 32:
Thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có.
Vậy bạn đang quản lý tiền của mình như thế nào? Trong các khóa đào tạo Tư Duy Triệu Phú, tôi đã hướng dẫn phương pháp quản lý tiền bạc mà nhiều người đánh giá là hiệu quả và đơn giản đến không ngờ. Ở đây, tôi sẽ trình bày với bạn một số quan điểm cơ bản để bạn có thể bắt đầu quản lý số tiền của mình.
Bạn hãy mở một tài khoản ngân hàng và đặt tên là tài khoản Tự do Tài chính và bỏ vào đó 10% của mỗi đô-la bạn nhận được (sau thuế). Số tiền này chỉ được sử dụng cho các vụ đầu tư, nghĩa là mua hay tạo ra các dòng tiền thu nhập thụ động. Tài khoản này có vai trò như một “con gà vàng đẻ trứng vàng” và sẽ cho ra đời những quả trứng lợi nhuận. Khi nào bạn có thể sử dụng số tiền này? Không bao giờ! Tài khoản này không bao giờ được dùng để chi tiêu, mà chỉ để đầu tư. Có thể đến lúc bạn về hưu, bạn mới bắt đầu có thể sử dụng thu nhập từ quỹ này, nhưng bạn cũng không bao giờ được dùng tới số vốn gốc. Làm như vậy, số vốn của bạn cứ tiếp tục tăng lên và bạn sẽ không bao giờ lo sẽ rơi vào cảnh túng thiếu cả.
Có lần một học viên của tôi, Emma, kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. Cách đây hai năm, Emma tưởng chừng sắp phải tuyên bố phá sản. Cô không muốn thế, nhưng số nợ của cô đã vượt quá khả năng chi trả và cô cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác. Rồi cô tham gia khóa học Tư Duy Triệu Phú và nghe nói về hệ thống quản lý tài chính. Emma thốt lên: “Đây rồi! Đây là trợ thủ giúp tôi thoát khỏi mớ bòng bong này!”.
Emma, như các học viên khác, đã được hướng dẫn cách phân chia số tiền đang có của mình thành nhiều tài khoản khác nhau. “Nghe hay thật,” - cô nghĩ thầm. - “Tôi làm gì có tiền mà phân chia!”. Nhưng vì muốn thử, Emma quyết định vẫn dành ra 1 đô-la mỗi tháng cho các tài khoản của cô. Đúng vậy, chỉ 1 đô-la mỗi tháng.
Theo hệ thống phân chia mà chúng tôi hướng dẫn, mỗi khi nhận được một đô-la, cô sẽ bỏ mười xu vào tài khoản Tự do Tài chính (FFA - Financial Freedom Account). Điều đầu tiên cô nghĩ thầm là: “Làm sao tôi có thể tự do về tài chính khi chỉ dựa vào mười xu mỗi tháng?”. Thế là cô quyết định nâng gấp đôi số tiền ấy mỗi tháng. Tháng thứ hai cô để ra 2 đô-la, tháng thứ ba là 4 đô-la, rồi 8 đô-la, 16 đô-la, 32 đô-la, 64 đô-la, và số tiền đó cứ thế tăng lên đến tháng thứ mười hai là 2.048 đô-la.
Thế rồi hai năm sau, cô bắt đầu thu hoạch những kết quả đáng ngạc nhiên từ sự nỗ lực của mình. Cô đã có thể bỏ 10.000 đô-la vào tài khoản Tự do tài chính của mình! Cô còn phát triển thói quen quản lý tiền tốt đến mức, khi một ngân phiếu thưởng trị giá 10.000 đô-la đến với cô thì cô không cần chi tiêu số tiền ấy cho bất cứ việc gì.
Giờ thì Emma đã thoát khỏi cảnh nợ nần và đang tiến dần đến sự tự do tài chính. Tất cả là nhờ cô đã áp dụng vào thực tế những điều đã học, cho dù chỉ với một đô-la mỗi tháng vào lúc ban đầu.
Dù lúc này đây bạn đang có một gia tài lớn hay hầu như không có gì, thì bạn vẫn nên bắt đầu tập quản lý những thứ mình có, và bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi thấy mình sẽ nhanh chóng có nhiều hơn thế.
Một học viên khác trong khóa Tư Duy Triệu Phú của tôi nói: “Làm sao tôi có thể quản lý tiền khi tôi đang phải vay tiền để sống như hiện giờ?”. Câu trả lời là: Hãy vay
thêm một đô-la nữa và quản lý đô-la ấy. Dù bạn đang vay mượn hay chỉ kiếm ra vài đô-la mỗi tháng, bạn vẫn phải quản lý số tiền ấy, bởi vì ở đây không chỉ có nguyên tắc của thế giới “vật chất”, mà còn có cả những nguyên tắc tinh thần. Điều kỳ diệu về tiền bạc sẽ đến một khi bạn chứng tỏ với vũ trụ rằng bạn có thể quản lý nguồn tài chính của mình một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc mở tài khoản Tự do Tài chính, bạn nên có một ống tiết kiệm trong nhà và hàng ngày bỏ tiền vào đó. Đó có thể là 10 đô-la, 5 đô-la, 1 đô-la, một xu, hay mấy đồng tiền tiêu vặt của bạn. Số tiền không quan trọng bằng thói quen của bạn. Bí quyết ở đây là bạn phải chú tâm hướng tới mục tiêu trở nên tự do về tài chính. Mỗi ngày, mỗi ngày. Mọi thứ sẽ thu hút những thứ giống nó. Tiền bạc sẽ hút tiền bạc. Hãy để cho ống tiết kiệm của bạn trở thành thỏi nam châm ngày càng hút nhiều tiền hơn và cả các cơ hội để giúp bạn được tự do về tài chính.
Tôi đoán đây không phải lần đầu bạn nghe lời khuyên để dành 10% số tiền mình có cho mục tiêu đầu tư lâu dài, nhưng có thể là lần đầu tiên bạn nghe nói rằng bạn phải có một tài khoản lớn tương đương như thế cho mục tiêu ngược lại, được dành riêng cho việc tiêu xài và vui chơi.
Một trong những bí quyết lớn nhất để quản lý đồng tiền là sự cân đối. Một mặt, bạn muốn để dành thật nhiều tiền để đầu tư và kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Mặt khác, bạn cần bỏ 10% khác từ thu nhập của bạn vào một “Tài
khoản Hưởng thụ”. Tại sao vậy? Bởi con người là một thể thống nhất. Bạn không thể chỉ tác động lên một phần cuộc sống mà không làm ảnh hưởng đến những phần khác. Một số người cứ mải miết để dành, để dành, để dành, và đến khi phần trách nhiệm và lý trí đã được toại nguyện thì phần nội tâm lại không thỏa mãn. Cuối cùng, nhu cầu tìm kiếm niềm vui sẽ lên tiếng: “Tôi chịu đựng thế đủ rồi. Tôi cũng muốn được chú ý”, và nó bắt đầu vùng vẫy, thậm chí hủy hoại các thành quả mà bạn đã tạo dựng trước đó.
Ngược lại, nếu bạn chỉ biết tiêu xài và tiêu xài, thì không những bạn không bao giờ giàu lên được, mà phần trách nhiệm trong con người bạn rốt cuộc cũng sẽ tạo ra các tình huống làm bạn thậm chí không thể tận hưởng những thứ mà bạn chi tiền để có được, và đôi lúc bạn sẽ còn mang nặng mặc cảm tội lỗi. Cảm giác ấy sẽ thôi thúc, khiến bạn tiêu xài quá độ một cách vô thức như một cách thể hiện cảm xúc của mình. Mặc dù trước mắt bạn có thể cảm thấy dễ chịu đôi chút, nhưng rồi bạn cũng sẽ quay về với cảm giác có lỗi và xấu hổ. Đây là một vòng luẩn quẩn, và cách duy nhất để thoát ra là bạn phải học cách quản lý tiền của mình một cách hiệu quả.
Tài khoản Hưởng thụ của bạn chủ yếu được sử dụng để nuông chiều chính bạn, để làm những việc mà bình thường bạn không hay làm, chẳng hạn như đi ăn uống tại nhà hàng và gọi một chai vang ngon nhất, hoặc thuê một chiếc du thuyền suốt cả ngày, hay thuê phòng khách sạn
hạng sang để tận hưởng một đêm đắm chìm trong niềm vui và sự xa hoa. Quy tắc của tài khoản này là nó phải được “giải ngân” mỗi tháng. Đúng thế! Mỗi tháng bạn phải tiêu một số tiền trong tài khoản đó theo cách sẽ khiến bạn cảm thấy mình giàu có!
Cách duy nhất mà đa số chúng ta tiếp tục làm là vui chơi để đền đáp lại những nỗ lực của chúng ta. Tài khoản này cũng được thiết kế để củng cố khả năng “đón nhận” của bạn, đồng thời khiến việc quản lý tiền trở nên thú vị và vui thích hơn.
Bên cạnh Tài khoản Hưởng thụ và Tài khoản Tự do Tài chính, tôi khuyên bạn tạo ra bốn tài khoản khác nữa, đó là:
10% cho các khoản Tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu
10% cho tài khoản Giáo dục, học hành
50% cho tài khoản Nhu yếu phẩm
10% cho tài khoản phụ
Người nghèo cho rằng tất cả phụ thuộc vào thu nhập, nghĩa là bạn phải kiếm được rất nhiều tiền mới có thể trở nên giàu có. Đó là cách nghĩ quá đơn giản! Trên thực tế, nếu bạn quản lý tiền của mình theo cách tôi hướng dẫn, bạn hoàn toàn có khả năng tự do về tài chính chỉ với khoản thu nhập tương đối thấp. Nếu bạn không biết quản lý tiền, bạn sẽ không bao giờ được tự do về tài chính, kể cả khi bạn có mức thu nhập cao ngất. Bạn thấy đấy, vẫn có nhiều
chuyên gia thu nhập cao như các bác sĩ, luật sư, vận động viên... lâm vào cảnh túng quẫn. Vậy thì mấu chốt vấn đề không nằm ở số tiền bạn có, mà ở phương thức bạn quản lý số tiền đó.
Một người tham dự khóa học của chúng tôi, John, thú thật rằng khi lần đầu nghe về hệ thống quản lý tiền này, anh đã nghĩ: “Đơn điệu quá! Thế mà không hiểu tại sao mọi người lại cứ phải mất thời gian để làm việc này cơ chứ?”. Chỉ đến khi gần kết thúc khóa học cuối cùng, anh mới nhận ra rằng nếu anh muốn sớm được tự do tài chính, anh sẽ phải quản lý tiền bạc của mình ngay từ lúc này, như những người giàu đang làm.
John đã phải học thói quen mới đó, bởi vì nó vốn không phải là thói quen tự nhiên của anh. Việc này làm anh nhớ lại dạo trước đó, khi anh bắt đầu tập ba môn thể thao phối hợp. Anh là một vận động viên rất khá trong môn bơi lội và đi xe đạp, nhưng anh lại ghét môn chạy bộ. Hai chân và đầu gối anh đau nhức, còn lưng thì mỏi nhừ. Sau mỗi buổi tập, anh cảm thấy toàn thân cứng đờ, phổi nóng rát và anh chỉ còn biết ngồi thở dốc, dù anh không chạy nhanh lắm! Tất cả những điều đó làm John khiếp sợ môn chạy.
Tuy nhiên, anh biết rằng nếu muốn trở thành vận động viên xuất sắc, anh buộc phải tập chạy và chấp nhận hành động đó như một phần việc phải thực hiện để đạt được thành công. Trước đây, John tìm cách tránh né môn
chạy, nhưng bây giờ anh quyết định tập chạy mỗi ngày. Chỉ sau vài tháng, anh bắt đầu quen dần rồi cảm thấy thích môn này.
Đối với John, lĩnh vực quản lý tiền phiền phức và xa lạ kia cũng tương tự như việc chạy bộ. Lúc đầu, anh ghét cay ghét đắng, nhưng dần dần anh đã thật sự thích nó. Bây giờ, anh cứ ngóng trông đến kỳ nhận lương để phân bổ khoản tiền đó vào các tài khoản khác nhau! Anh cũng thích thú quan sát tổng tài sản của mình tăng dần từ số 0 lên đến trên 300.000 đô-la và tiếp tục tăng lên từng ngày.
Tóm lại, hoặc bạn kiểm soát tiền, hoặc tiền kiểm soát bạn. Để kiểm soát được tiền, bạn phải quản lý được nó.
Quy Tắc Thịnh Vượng số 33:
Hoặc bạn kiểm soát tiền, hoặc tiền kiểm soát bạn.
Tôi thích nghe các học viên chia sẻ suy nghĩ rằng họ đã cảm thấy tự tin hơn trong vấn đề tiền bạc, thành công, cũng như tự tin vào bản thân họ, kể từ khi họ biết cách quản lý tiền bạc một cách hiệu quả. Khía cạnh tích cực nhất của cảm giác này là sự tự tin đó đã lan truyền sang cả các lĩnh vực khác trong cuộc sống của họ, khiến cho họ hạnh phúc hơn nhờ các mối quan hệ, và thậm chí sức khỏe của họ được cải thiện.
Tiền bạc là phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, và khi bạn học được cách kiểm soát tài chính, tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn cũng sẽ được nâng cao.
TUYÊN BỐ: Bạn hãy đặt tay lên ngực và nói...
“Tôi là người quản lý tiền tuyệt vời!”
Rồi bạn đặt tay lên trán và nói...
“Tôi có Tư Duy Triệu Phú!”
NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA TƯ DUY TRIỆU PHÚ
1. Hãy mở một tài khoản Tự do Tài chính ở ngân hàng và bỏ 10% thu nhập (sau thuế) của bạn vào đó. Số tiền này bạn sẽ không bao giờ được sử dụng để chi tiêu, mà chỉ dùng để đầu tư nhằm đem lại nguồn thu nhập thụ động cho bạn.
2. Hãy có một ống tiết kiệm ở nhà bạn và bỏ tiền vào đó hàng ngày, có thể là 10 đô-la, 5 đô-la, 1 đô-la, thậm chí
1 xu, hay cũng có thể là toàn bộ số tiền tiêu vặt của bạn. Điều đó sẽ hướng sự chú ý của bạn vào mục tiêu tự do tài chính, và ở đâu có sự chú tâm, ở đó sẽ có kết quả.
3. Hãy mở Tài khoản Hưởng thụ hay ống tiền dành cho quỹ Vui chơi ở nhà bạn rồi bỏ vào đó 10% thu nhập. Bên cạnh Tài khoản Hưởng thụ và Tài khoản Tự do Tài chính của bạn, hãy mở thêm bốn tài khoản khác và gửi vào đó những số tiền được phân chia dựa trên phần trăm tổng thu nhập của bạn như sau:
10% cho các khoản Tiết kiệm dài hạn dành để chi tiêu
10% cho tài khoản Giáo dục, học hành
50% cho tài khoản Nhu yếu phẩm
10% cho tài khoản phụ
4. Bất kể bạn đang có bao nhiêu tiền, hãy bắt đầu quản lý chúng ngay từ bây giờ, đừng nên trì hoãn. Ngay cả khi chỉ có một đô-la, bạn cũng phải quản lý một đô-la đó. Hãy bỏ 10 xu vào tài khoản Tự do Tài chính và 10 xu khác vào Tài khoản Hưởng thụ.
Chỉ với một hành động đơn giản này thôi, bạn đã gửi vào vũ trụ thông điệp rằng bạn đã sẵn sàng để đón nhận và quản lý nhiều tiền hơn.
Câu chuyện thành công của Christine Kloser
Người gửi: Christine Kloser
Người nhận: Harv Eker
Nói một cách đơn giản, sau khi tham gia khóa học Tư Duy Triệu Phú của T. Harv Eker, mối quan hệ của tôi với tiền bạc đã hoàn toàn thay đổi và hiệu quả kinh doanh của tôi đã tăng trưởng 400% chỉ trong vòng một năm.
Quan trọng nhất là chồng tôi và tôi cuối cùng đã hiểu việc tiết kiệm 10% thu nhập hàng tháng là cần thiết, bất kể khoản thu nhập đó là bao nhiêu. Bây giờ, tôi rất tự hào nói rằng chỉ trong vài năm sau khi tham dự chương trình của Harv, chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều hơn số tiền chúng tôi tích cóp trong 15 năm trước đó.
Ngoài ra, những kỹ năng giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền bạc trong quan hệ tình cảm mà chúng tôi học được còn giúp chúng tôi tránh khỏi những cuộc xung đột hay cãi vã về tiền bạc.
Hệ thống quản lý tiền bạc mà Harv hướng dẫn rất dễ thực hiện và mang lại hiệu quả rõ rệt!
Chúc bạn thành công.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.