Chương trước
Chương sau
Thời gian dưỡng bệnh của Annet có những tiến bộ nhanh. Tuy nhiên Fêlixitê vẫn chưa được miễn nhiệm vụ trong nom bệnh nhân. Con bé vốn hiền dịu và chịu đựng, lúc này dễ dàng cáu gắt, hốt hoảng mỗi khi cô gái rời căn buồng. Bà nghị không còn cách nào khác là yêu cầu Fêlixitê ở lại với đứa bé cho đến khi nó bình phục hẳn. Chắc chắn là người goá phụ trẻ làm việc ấy mà lòng nhẹ nhàng vì giáo sư gần như không dừng lại phòng bệnh nhân. Sáng nào anh cũng đến khám cho con bé, nhưng việc khám bệnh không kéo dài quá ba phút. Thỉnh thoảng anh bế con bé lên tay và đi lại trong sân trước đầy ánh sáng. Bình thường, ít ai thấy anh ở nhà. Hình như anh đột nhiên ham thích khu vườn thực sự; buổi sáng anh không làm việc ở phòng mình nữa. Ai muốn gặp anh đều được bảo ra vườn. Điều lạ lùng là bà Hêluy chiều theo “sự nghiện ngập” này, bà gọi sự thay đổi ấy như thế, và thu xếp để các bữa chính đều ăn trong nhà mái, làm cho bà nghị vô cùng hài lòng. Vì vậy ngôi nhà cổ của các thương nhân càng lặng lẽ hơn bao giờ hết; người ta chỉ trở về vào lúc mười giờ tối. Cũng có khi giáo sư về một mình và về sớm hơn. Khi Fêlixitê nghe tiếng chân anh chậm rãi bước lên cầu thang. Đến tầng một anh như vô thức đi mấy bước về phía phòng bệnh nhân, rồi dừng lại ở cầu thang như suy nghĩ và sau đó rảo bước đi lên tầng hai. Những buổi tối ấy, anh không chúi đầu vào sách vở. Anh đi đi lại lại hàng giờ. Những bước đi ấy làm cho Fêlixitê bứt rứt. Cô liên hệ chúng với lời bộc lộ tối hôm trước.

Annet thường ngủ vào lúc tám giờ tối. Lúc này Rôda thay Fêlixitê bên giường bệnh nhân và cũng là giờ Fêlixitê được tự do. Cô lên tầng xép. Tình trạng suy nhược thân thể và cảm thấy chết chóc của bà cô Coocđula đã qua khỏi một cách may mắn; bà cụ vui vẻ hơn trước và trò chuyện về thời gian sắp tới bà sẽ có Fêlixitê ở hẳn bên bà với niềm vui sướng của trẻ thơ. Bà có thói quen đợi Fêlixitê cùng ăn bữa phụ buổi tối. Thế là chiếc bàn trà bày biện cẩn thận được đặt ra hiên món bánh ngọt Fêlixitê ưa thích luôn được dành cho cô gái và một tập dày các nhật báo vừa nhận được đã chờ cô gái đọc cho người che chở của mình. Trong những giờ sung sướng ấy, đáng tiếc là quá ngắn, tan biến hết những gì đè nén và giày vò trái tim Fêlixitê. Không bao giờ cô nói đến những cuộc gặp gỡ trong ngôi nhà phía trước, trung thành với thói quen của bà, bà cụ không gợi cho cô kể lại bất cứ điều gì về vấn đề ấy, những băn khoăn nhất thời trong nội tâm của Fêlixitê lùi lại phía sau, những băn khoăn ấy bí ẩn ngay cả với cô.

Một buổi chiều nắng Fêlixitê ngồi một mình với Annet; cả ngôi nhà lặng lẽ một cách buồn tẻ. Bà Hêluy và bà nghị đi thăm người quen và giáo sư có lẽ ở ngoài vườn, vì không có dấu hiệu gì tỏ ra có người ở tầng hai... Con bé chơi đã lâu, nó mệt nằm dài ra và nói:

- Hát cho em nghe đi Carôlin!

Con bé cực kỳ thích nghe Carôlin hát. Cô gái có giọng nữ trung. Nhờ sự hiểu biết hiếm có về âm nhạc và sự phát triển tuyệt vời tài năng của bà cô được đào tạo đặc biệt, bà cô đã luyện cho thứ giọng quý kia thật hoàn hảo. Fêlixitê diễn đạt thành công nhất những ca khúc ngắn của Đức một cách thực sự cổ điển... Cô đã nhận xét thấy con bé luôn dịu cơn bứt rứt khi cô bắt đầu những giai điệu thanh thoát bằng giọng hát thật êm dịu; sau đó cô mới cất cao giọng tất nhiên trừ khi nào cô biết có những cái tai ác cảm ở gần đấy.

“Ôi, cỏ cây mới nhú xanh, cỏ của mùa xuân”, bài ca kỳ diệu của Suman lúc này ngân vang trong sự lặng lẽ của căn phòng với cách diễn tả thanh khiết mà chỉ một cô gái tâm hồn trong sáng mới đạt được. Fêlixitê hát câu đầu thật êm ái rồi vừa giản dị vừa dè dặt, giọng cô vút lên như tiếng đại phong cầm:

“Con quỷ bí mật nào đã lôi kéo ta xa rời thế giới này. Nỗi thống khổ của ta...”

Ngay lúc ấy, ở tầng trên, trong phòng giáo sư, một chiếc ghế không phải bị đẩy mà bị ném ra xa... Có tiếng chân chạy nhanh ra cửa và tiếng chuông giật mạnh, lanh lảnh, như tiếng cấp báo, bỗng vang lên trong ngôi nhà vắng vẻ. Đây là lần đầu tiên dây chuông trong phòng giáo sư được kéo. Vêrônic thở hổn hển bước lên. Fêlixitê hốt hoảng im bặt. Giây lát sau, bác bếp già nặng nề bước xuống và vào phòng bệnh nhân:

- Giáo sư bảo cô không được hát nữa, cậu ấy không làm việc được. Mặt cậu ấy tái đi, giận đến nghẹn họng. À, và cô phải đưa đứa bé ra sân, cho nó ngồi xe đi chơi.

Fêlixitê giấu bộ mặt nóng bừng vào hai bàn tay. Cô như vừa bị một cái tát! Cô cảm thấy nhục nhã quá! Dù dũng cảm đến mấy trong lúc bảo vệ những điều cô tin chắc và ném thẳng sự thật vào mặt đối phương không che đậy, cô vẫn sợ hãi giấu kín tài năng và kiến thức của mình. Chỉ nghĩ rằng giọng hát của mình có thể lọt vào tai người xa lạ, cô đã như nghẹn cổ nhưng làm phiền ai bằng giọng hát của mình, đó là điều cô không thể tưởng tượng được. Thế mà bây giờ điều ấy đã đến thực sự rồi; người ta tưởng cô muốn thu hút sự chú ý, người ta vừa trừng phạt và sỉ nhục cô không nể nang! Những sự bất công thô bạo nhất, mà các ngược đãi của bà Hêluy chưa bao giờ có thể làm cho cô chảy nước mắt, lúc này cô khóc nức nở.

Mười lăm phút sau, Fêlixitê đẩy chiếc xe trẻ em đi trong sân, chậm rãi và thận trọng. Hai má đỏ bừng của cô dịu dần trong không khí mát lạnh nhưng bất lực không xoá nổi vẻ suy tư trên vầng trán không còn đỏ nữa.

Không bao lâu bà Hêluy trở về cùng với bà nghị. Ngay lúc ấy giáo sư từ trên gác bước xuống, anh sắp đi vì một tay anh cầm mũ, một tay cầm can. Cả ba người bước vào sân.

Bước vào sau họ là người đàn bà nhỏ trong phố, Fêlixitê đã gặp trước kia ở phòng làm việc của bác sĩ. Hình như bà ta ôm một bọc to trong áo khoác, bà ta đến gần giáo sư, điệu bộ rất cung kính.

- Thưa giáo sư, cháu Guyôm nhà tôi đã nhìn thấy rồi, cháu nhìn rõ cũng như tôi nhìn vậy, – bà ta nói giọng run run, nước mắt chảy ròng ròng. – Nào ai ngờ được như thế! Trước kia cháu khổ biết chừng nào, và chúng tôi cũng khổ như nó! Bây giờ nó lại tự mình kiếm sống được rồi, thế là tôi có thể chết cũng yên tâm, vì tôi không để lại một đứa con mù loà không người giúp đỡ... Ôi, thưa giáo sư tất cả kho tàng trên thế giới này cũng không đủ để đền ơn ông! Nhưng chúng tôi nghèo lắm, nghèo quá, chúng tôi không dám nghĩ đến việc đền đáp công ơn ông đã mang lại cho chúng tôi... Xin ông đừng giận, ông giáo sư, tôi nghĩ ít ra cũng phải có một tý gì...

- Bà muốn gì thế? – giáo sư thốt lên gay gắt và lùi lại một bước.

Trong khi nói mấy lời cuối, bà ta vén vạt áo khoác lên: một cuộn vải lộ ra.

- Đây là một tấm vải, không mịn nhưng bền, tôi tự kéo sợi... Nếu bà Hêluy chiếu cố dùng làm khăn giường...

Giáo sư gắt lên:

- Bà điên đấy ư, bà tưởng có nhiệm vụ cung cấp vải cho chúng tôi hay sao?... Bà đem cái của ấy về đi cho tôi nhờ, và bà về đi!

Người đàn bà ngượng ngùng đứng im trước mặt anh.

- Bà có thể loại bỏ việc này, bà Gôchiô ạ! – anh nói tiếp, giọng nhẹ nhàng hơn. – Tôi đã nói lại với bà rằng tôi không chấp nhận như thế... Còn bây giờ thì bà về đi, bà bảo với con bà tôi gửi lời chào, ngày mai tôi sẽ còn đến thăm anh ta một lần nữa.

Anh chìa tay cho bà ta và kéo vạt áo khoác phủ lên tấm vải. Người đàn bà cúi chào rồi đi ra, mắt nhìn xuống.

Bà Hêluy và bà nghị là những người lặng lẽ chứng kiến cảnh này. Nét mặt của bà Hêluy lộ rõ vẻ phản đối nghiêm khắc, có lúc bà đã định can thiệp.

- Mẹ không hiểu được con, Giôhanex, – bà nói giọng trách móc sau khi người đàn bà kia đi khỏi. – Khi nghĩ đến việc học của con tốn kém ra sao mẹ không biết vì lẽ gì con lại từ chối sự đền bù, dù như thế nào đi nữa. Nếu điều ấy tùy thuộc mẹ, người kia sẽ để tấm vải lại đây. Không ai vứt qua cửa sổ thứ vải tốt ấy mà không biết phải trái gì cả!

- Bác ơi, thế thì chắc cháu sẽ không được hoan nghênh với những ý nghĩ từ thiện đã đến với cháu! – bà nghị nói giọng bông đùa. – Anh Giôhanex, anh có hình dung được không, – bà nghị nói tiếp, trịnh trọng hơn, – sáng hôm nay chúng tôi đã nghe nói đến một gia đình cùng khổ nhưng lương thiện, mấy đứa bé tội nghiệp không có đến cả áo lót mặc bên trong đồ rách rưới của chúng nữa, em buồn quá, bác và em đã nghĩ đến việc đi quyên tiền. Nếu anh nhận tấm vải kia thì em đã đến gặp anh để xin rồi, dù thế nào thì anh cũng phải cho em, vải ấy sẽ may được bao niêu sơ mi cho lũ trẻ, em sẽ tự tay mình khâu lấy...

- Ôi, lòng nhân ái của người ngoan đạo mới sâu sắc làm sao chứ! – Giáo sư kêu lên và cười gằn. – Phải lấy đến đồng tiền cuối cùng của một gia đình bần cùng để giúp đỡ cho những kẻ cùng quẫn khác, và bên trên cái việc làm đầy tình thương ấy, người trung gian độ lượng đứng lồng lộng chỉ cho đang day dứt thấy vòng hào quang của lòng từ thiện của phụ nữ chung quanh những búp tóc vàng hoe.

- Anh ác lắm! – Bà góa trẻ phật ý nói. – Em muốn thấy...

- Nhưng vịêc ấy không được tốn của cô một đồng xu nào, phải không Ađen? – Anh châm biếm nói. – Tại sao bà nội trợ từ thiện không rút từ trong tủ đầy ắp vải của mình ra nhỉ?

- Không được, anh đùa đấy à! – Bà nghị phản đối.

Giáo sư quay về phía mẹ:

- Mẹ vừa trách con không làm cho kết quả của việc học hành tốn kém có giá trị như cần thiết... Con có thể đảm bảo với mẹ rằng con là người thực tiễn và coi như con người phải có nhiệm vụ làm việc tốt, nhưng bên cạnh việc đó con còn nghĩ cao hơn về nghề nghiệp của con, nghề này có phạm vi hoạt động rộng hơn mọi hoạt động khác – không loại trừ phạm vi của tôn giáo – trong lĩnh vực nhân ái rộng lớn đối với con người. Côn sẽ không bao giờ là người thầy thuốc một mặt giúp cho người bệnh bần cùng thoát khỏi giường bệnh, mặt khác lại đẩy họ ngập trong lo âu vì phải trả tiền cho sự giúp đỡ kia.

Cho đến bấy giờ anh không để ý đến sự có mặt của Fêlixitê. Đến lúc ấy anh vẫn còn đưa mắt nhìn cô một cách vô thức, nhưng cái nhìn này đã không rời bộ mặt rạng rỡ vì sự hài lòng trong nội tâm, mắt họ gặp nhau lần đầu tiên với vẻ hài hoà trong ý nghĩ, thì ra chỉ trong khoảnh khắc của một ánh chớp; cô gái hoảng hốt nhìn xuống, và giáo sư ấn mạnh mũ xuống trán bằng một cử chỉ bực bội, làm cho bộ mặt đỏ gay của anh bị khuất một nửa dưới vành mũ rộng.

- Tùy ý con thôi, Giôhanex, đấy là việc của con, – bà Hêluy lạnh lùng nói. – Nếu ông con còn sống chắc không chấp nhận cách nhìn này; hành nghề thầy thuốc là việc riêng của con, nhưng trong công việc, cụ thường nói, không nên dung nạp những tình cảm nhỏ mọn.

Bà hầm hầm di chuyển thân hình đồ sộ của mình ra phía cửa sân. Bà nghị theo bên cạnh giáo sư. Đến phòng trước nhà, anh quay đầu về phía sân một lần nữa, Fêlixitê đã nhấc Annet ra khỏi xe để bế nó trên tay đi dạo chơi theo yêu cầu của nó. Có thể tưởng rằng thân hình mảnh khảnh của cô gái sẽ gãy gục lúc con bé quàng tay ôm cổ cô với tất cả trọng lượng của nó. Giáo sư trở lại sân ngay.

- Tôi đã nhiều lần cấm cô không được bế con bé này... nó nặng quá mức với sức cô! – Anh nói – Vêrônic không dặn cô gọi Hăngri giúp ư?

- Bà ấy quên và bác Hăngri không có nhà.

Giáo sư nhấc nó khỏi tay cô đặt lại vào xe và mắng nó. Nét mặt anh nghiêm khắc và u ám hơn bao giờ hết; nếu lúc khác, Fêlixitê đã quay lưng đi rồi, nhưng hôm nay cô đã gây ra sự bực bội này, vì tiếng hát của cô, cô đã làm ngắt quãng các suy tư sâu sắc và quan trọng của người thầy thuốc và có lẽ làm mất đi một tia sáng mới đang hình thành. Bằng bất cứ giá nào, dù anh có bực bội như thế nào, cô cũng phải giải thoát được sự nặng nề đang đè nén cô, và anh cần biết rằng cô mắc lỗi vì vô tình. Thời cơ thuận lợi, hơn nữa cô lại không phải nhìn vào anh; cúi xuống xe, anh vẫn đang nói chuyện với con bé.

- Tôi phải xin lỗi ông vì đã làm phiền ông do tôi hát.

Giọng năn nỉ hoà nhã ấy, hoàn toàn mới đối với anh, tạo ra một tác dụng kỳ lạ. Anh đứng thẳng lên và nhìn cô một cách sâu sắc.

- Xin ông hãy tin, – cô nhấn thêm – tôi thật không ngờ rằng ông có nhà.

Tiếng “hát” có lẽ làm cho con bé nhớ đến nước mắt của Fêlixitê:

- Bác ác lắm! Làm cho Carôlin khóc! – Nó lầu bầu và giơ nắm tay lên doạ giáo sư.

- Con bé nói có đúng không? – anh vội vã hỏi

Cô tránh trả lời thẳng câu hỏi này:

- Tôi rất khổ tâm khi nghĩ rằng...

- Rằng người khác có thể tưởng cô muốn người ta nghe thấy cô hát phải không? – anh ngắt lời Fêlixitê và thoáng mỉm cười. – Cô cứ yên tâm về điểm này, dù tin rằng cô hiếu thắng và cố chấp, tôi còn xa mới nghĩ được rằng cô muốn phô trương mình... Tôi bảo họ yêu cầu cô đừng hát nữa không phải vì cô làm phiền tôi mà bởi vì... giọng cô làm tôi khó chịu... Có lẽ điều đó làm mếch lòng cô chăng?

Fêlixitê lắc đầu mỉm cười.

- Như thế mới đúng chứ... Hơn nữa, tôi cần nói với cô điều này – Anh cúi gần cô và nhìn như dò xét. – Giọng hát của cô hôm nay đã bộc lộ cho tôi một bí mật vẫn được giữ rất kín.

Fêlixitê giật mình. Anh đã theo dõi được mối quan hệ của cô với bà Coocđula. Cô cảm thấy mình đỏ mặt lên và nhìn anh bối rối vì lo lắng.

- Bây giờ tôi đã hiểu tại sao cô từ chối mọi sự giúp đỡ của chúng tôi trong tương lai. Đúng thế, tay chúng tôi không với tới phạm vi cô dự định sẽ sống và hoạt động sau này... Cô sẽ lên sân khấu.

- Thế thì ông nhầm rồi! – Cô trả lời không lưỡng lự. Cô thấy nhẹ nhõm hẳn – Dù cho việc trình bày trước đồng bào các sáng tạo của những trí tuệ lớn là một trong những việc làm tốt đẹp, tôi vẫn không đủ can đảm. Tôi vô cùng nhút nhát trước công chúng và tất sẽ không vượt quá được mức bình thường, vì thiếu tự tin... Hơn nữa, tôi sẽ không bao giờ có đủ kiến thức âm nhạc chuyên sâu cần thiết.

- Điều đó chỉ phụ thuộc ở cô.

- Chính thế. Ngay từ bé tôi đã hình dung thấy âm nhạc là một thứ không thể học được như tập đọc, tập viết; thứ ấy chắc phải từ trên trời rơi xuống gần như giáo lý Giatô, và ý nghĩ trẻ con ấy tôi vẫn giữ. Thứ làm cho tôi xúc động đến rơi nước mắt, làm cho tôi sôi nổi lên hơn mọi sự lộng lẫy trên thế giới, lại phải căn cứ vào các quy luật cứng nhắc và diệu vợi rồi ghi lại trên giấy bằng những ký hiệu to tướng và xấu xí mà lại phải đếm tỉ mỉ, chỉ ý nghĩ ấy cũng làm tôi ghê sợ, như bộ xương người... Vì thế, về nguyên tắc, tôi không nhìn đến cái thứ máy móc đáng ghét ấy.

- Thế là chúng ta lại có một nét cơ bản về tính cô, nó ngược lại với tất cả những gì là quy luật, quy tắc, – anh nhận xét bằng giọng châm biếm, dù anh đã thích thú nghe cách định nghĩa kỳ lạ về âm nhạc. – Vậy là tôi đã kết luận nhầm và lúc nãy cô đã lúng túng rất lạ lùng cũng là thừa. – Anh nói thêm, giọng sắc bén. – Có lẽ đấy là một bí mật đặc biệt!... Tôi gần như bị cám dỗ là cố nài để cô nói rõ dự kiến về cuộc sống của cô như thế nào, nhân danh người bảo trợ.

- Ông sẽ mất công, – cô đáp lại bình tĩnh và cương quyết. – Tôi sẽ không nói... Ông đã cho tôi được tự do hành động theo ý muốn trong thời hạn hai tháng nữa.

- Đúng thế, tôi đã rủi ro mắc lỗi ấy, – anh nói tiếp vẻ khó chịu. – Tuy nhiên tôi cho rằng như thế là mạo hiểm, nếu không nói quá hơn, khi ở tuổi cô, muốn giải quyết các vấn đề sống còn theo ý muốn không có lời khuyên hay sự giúp đỡ của một người chín chắn và hiểu biết lẽ phải... Giả sử như khi phải cân nhắc việc quan trọng nhất trong đời sống của người phụ nữ... là gắn bó cuộc đời.

- Trong trường hợp như thế, người bảo trợ của tôi sẽ là người tôi hỏi sau cùng! – Fêlixitê thốt lên với cặp mắt lấp lánh. – Có lẽ, tôi đã gửi gắm số phận mình cho con người khả ố, thất thường đó, nếu như tôi không sẵn có tính mạo hiểm muốn tự giải quyết những vấn đề sống còn của mình... Ông cũng có thể đã thản nhiên chấp thuận, tán thành lời đề nghị được coi là đáng tôn trọng của Vennơ, nếu tôi nhu nhược để cho mình bị khủng bố vì doạ nạt và ngược đãi.

Lời trách móc ấy như một con dao hai lưỡi vì nó đúng. Giáo sư cắn môi, mắt anh do dự nhìn xuống nền đá lát dưới chân một lúc.

- Đúng là tôi tưởng rằng như thế là kết thúc tốt nhiệm vụ thuộc phạm vi của tôi, – anh nói sau một lúc im lặng nặng nề. Giọng anh không còn vững vàng như mọi lúc. – Đấy là một sai lầm, vả lại tôi đã không cố chấp duy trì nó, cô biết đấy. Nếu theo ý kiến và bằng cớ của mẹ tôi, tôi đã đồng ý, không xem xét kỹ các mặt, tôi cũng không làm gì gây ảnh hưởng đến quyết định của cô bằng lời khích lệ hay sự nghiêm khắc... Hơn nữa, những lời nói khi ấy của tôi cũng sẽ là việc làm cuối cùng để tỏ ra tôi là người bảo trợ, – anh nói tiếp không phải không chua cay. – Tôi đành phải để mặc cô với số phận riêng tư... Cô có chờ đón với niềm vui và nguồn hy vọng không?

- Có chứ! – Cô trả lời và mắt cô sáng lên.

- Cô tin rằng cô sẽ sung sướng trong hoàn cảnh mới?

- Tin vững chắc như tôi tin ở cuộc sống tốt đẹp sau này!

Với câu hỏi sau anh đã nhìn cô bằng cái nhìn dò xét và sắc sảo chắc anh thường dùng với những bệnh nhân hay giấu giếm; nhưng nhìn thấy sắc diện cô rạng rỡ lên, anh quay đầu đi như bị mếch lòng hoặc tức tối. Anh không nói thêm một lời, đưa tay lên mũ chào rồi thong thả quay vào trong nhà...

Chuông chín giờ buông đã từ lâu. Fêlixitê vào buồng đi ngủ. Trước hết cô mở toang cửa sổ cho thoáng, ngồi lên thành cửa, hai tay bó gối và nhìn vào sân. Trên đầu tầng một và tầng hai, đèn vẫn còn sáng.

Từ các cửa sổ cao những vệt sáng rọi xuống nền đá. Không có mục đích gì nhất định, cô gái đưa mắt nhìn toà nhà phía trên. Cô giật mình vì ngạc nhiên. Ánh đèn tầng hai rọi sáng đến tận cuối hành lang đưa đến chỗ của bà Coocđula. Trên vách hiện lên một hình bóng, nhưng không phải là một cái bóng trong suốt hay hư ảo. Đấy chính là người bác sĩ. Fêlixitê trông thấy rất rõ nét nổi bật của cái đầu, nét lượn của bộ râu, thân người vạm vỡ với các đường nét và cử chỉ không chút thanh lịch. Tay vuốt ve râu liên tục, anh đi dọc theo hành lang đến tận cửa sổ gần khung cửa sơn, rồi đi trở lại. Chắc anh đi tản bộ trong đêm, và vì bà nghị với Annet ngủ ở tầng dưới phòng anh nên anh đi trong hành lang vắng vẻ này để tránh gây tiếng ồn... Cái gì có thể làm cho anh đi lại như thế mãi không thôi? Anh nghiền ngẫm một vấn đề y học, hay hình ảnh của người yêu ở phương xa, vì người ấy mà anh buộc phải sống cô đơn. Trầm ngâm, Fêlixitê kéo lại bức rèm len xanh bạc màu đã từ thời xa xưa che chở cho những giấc mơ của các chị đầu bếp trong ngôi nhà cổ của thương nhân này.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.