Chương trước
Chương sau
Tin bố tôi bị cướp lan rất nhanh khắp cả cái nông trường này đều biết rõ, trộm cắp vặt thì cũng không còn lạ nhưng cướp mà dùng cả súng quân dụng thật sự là đề tài đáng để bàn tán.
Bố tôi về nhà với một bàn tay phải băng bó vải trắng tinh, khi biết cái bát hương của bà cô Tổ do tôi làm vỡ, bố tôi chỉ lắc đầu thở dài.
- Số tao còn chưa tận, tao đã nói chơi thì phải né những thứ thờ cúng ra! Mày nên nhớ rằng tổ tiên có nhiều nhưng đều thờ chung bát nhang, chỉ có em gái mày và bà cô Tổ này là thờ riêng, nghĩa là phải cực kì cẩn thận, bố mày không may mắn nhiều như thế đâu!
Tôi đứng im nghe lời dạy, nghe câu chuyện bố mình bị bắn, xém chút thành mồ côi cha nên tôi khắc cốt ghi tâm cho đến bây giờ. Trẻ con vô tội nhưng người lớn sẽ phải hứng chịu thay, mọi người có thể nói chỉ là do trùng hợp nhưng tôi thì không cho là như vậy, bởi sau này có nhiều sự trùng hợp quá mức.
Những ngày nghỉ hè chói chang, tôi với chúng bạn ở nông trường chơi thả ga trên các sườn đồi, trẻ con miền núi cũng có những thú vui riêng rất đặc trưng. Có khi tôi đi theo người lớn bắt rắn, đôi khi lại chơi trốn tìm trong những vườn chè xanh bạt ngàn, đã nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ vài cái tên, tôi đã từng muốn tới nơi này thăm lại nhưng dòng đời xô đẩy tôi ngày càng xa về hướng khác, cuộc sống mưu sinh mà. Bây giờ, mùa hè lại đến, tôi lại muốn được ăn lại quả sim hay quả mâm xôi mọc ở những sườn đồi đầy nắng ấy.
Vào khoảng giữa Hè, nhà tôi được bên cơ quan công an báo tin đã bắt được hung thủ gây ra vụ cướp nhờ nhận dạng từ cái "chân có vẻ thọt" ấy, sau này tòa kết án nhóm cướp mấy năm tù còn tiền thì cũng không thấy ai đả động gì đến, chuyện cứ như vậy mà trôi đi...
Bố tôi vẫn buôn bán tivi, vẫn thu mua hạt sa nhân hay long nhãn nhưng có một số thay đổi sau vụ cướp, ông không đi lại vào đêm khuya nữa mà chỉ đi vào ban ngày để tránh rủi ro. Việc bán tivi cho người đồng bào thì giảm bớt vì có nhiều người bán hơn và giá rẻ hơn nên bố tôi tính bỏ việc này.
Dạo ấy ở nông trường lại có trend chơi số đề!!! Không biết ai đã mang về đây môn thể thao đỉnh cao của trí tuệ ấy nhưng nhà nhà, người người tham gia và bố mẹ tôi cũng không ngoại lệ. Bố tôi hay cùng các bác hàng xóm ngồi uống chè rồi bàn luận xoay quanh những tờ thơ đề khó hiểu, có lẽ tỉ lệ 1 ăn 70 đã khiến những tỷ phú thời gian này đam mê. Mỗi người khẳng định niềm tin của bản thân vào con số qua cách xuống tiền, bố mẹ tôi cùng chơi, người ta nói thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn là vậy.
Cuộc đời, tốt nhất không nên nói ra hai chữ "Biết thế..." buổi tối mỗi khi có kết quả là trong nhà tôi lại nghe thấy câu "Biết thế đánh con này...", cuộc sống vốn êm đềm thì nay thi thoảng bố mẹ tôi cãi nhau, tôi không biết có phải do tính trượt hay không. Cũng may hai người cùng chơi nhưng chưa đến mức mang đồ trong nhà đi bán lấy tiền chơi. Kể ra, tôi cũng thừa hưởng đức tính này của bố mẹ, sau này khi tham gia vào môn thể thao mạo hiểm này tôi không chọn 1 ăn 70 mà chọn 23 ăn 80, tôi cho là rủi ro ít hơn và cơ hội kiếm tiền tốt hơn. Khi chơi tôi không có tiền, tôi đi tính lô đề thuê cho đám bạn học lấy tiền sinh hoạt cả mấy tháng trời, thú thật có đôi lúc tôi đã bỏ bê việc học vì học xong ra đi làm kiếm tiền mà bây giờ đã kiếm được tiền mà không phải học, thì sao phải đi học nhỉ?
Hồi năm 2007, tôi vẫn nhớ dịp đó sắp tới Noel tôi bắt được một cầu lô dài như cầu Chương Dương, bạn tôi có đứa thắng đến hàng trăm triệu. Còn tôi thì đủ tiền mua tặng em gái út cái điện thoại Samsung nắp trượt làm quà sinh nhật cùng ít tiền dằn túi, tôi chưa bao giờ mê lô đề hay tham lam, tôi chỉ thích cảm giác mình chọn đúng, tận hưởng cảm giác đứng trên đỉnh vinh quang.
Hồi năm 2014 có một đợt rảnh, tôi sắm cho vợ tủ lạnh và máy giặt mới cũng theo dạng nhà nước tài trợ miễn phí. Nhưng những lần này là do tính toán chứ không ai báo mộng cho cả, kể cũng lạ, lớn lên tôi học toán thì dốt nhưng tính lô đề rất tinh thông nhưng tôi không đam mê, thích thì chơi vài hôm rồi lại thôi.
Giỗ ông ngoại tôi, kỳ này đám giỗ và sang cát luôn (sang cát có thể là từ địa phương, chỉ việc bốc mộ) cho ông, ông ngoại tôi mất đã được 4 năm, theo bàn bạc của mọi người thì mỗi người con phải đóng góp tiền làm cỗ linh đình và tiền đóng góp xây mộ cho ông ngoại, tôi không biết là bao nhiêu nhưng có lẽ không ít, nhưng nhằm đúng lúc này dây đen kéo dài, mãi mà số đề bố tôi nuôi nó không về. Các bạn ạ, khi đam mê điều gì đó bạn sẽ luôn có cách để đạt được điều bạn muốn, lúc chơi số đề có ai nghĩ mình thua đâu nhỉ?
Thế là bố mẹ tôi cãi nhau to vì không có tiền đóng góp giỗ ông ngoại, hàng xóm nghe không thấy, dù sao nhà nọ cách nhà kia cũng cả vườn chè khoảng 300m. Tôi có vẻ là một đứa trẻ nhạy cảm, tôi không thích bố mẹ cãi nhau như vậy, khi đấy tôi cũng không biết số đề là cái gì nhưng tôi biết chỉ cần đoán đúng con số sẽ có nhiều tiền, rất nhiều.
Gần nửa đêm, tôi trằn trọc mãi không ngủ được nên thức dậy ra ngoài hiên nhà ngồi, dựa vào cái cột xi măng nhìn ra vườn chè trước mặt, Trăng sáng, gió thổi nhẹ, cây roi trước mặt đung đưa theo gió, bỗng nhiên tôi nhớ em gái mình, đứa em gái nhỏ đã chết vì viêm não Nhật Bản hơn ba năm trước nhưng không sang cát, bố mẹ tôi cho rằng nó còn quá nhỏ, thân thể đã hóa vào đất hết rồi cho nên nó vẫn nằm lại Thái Nguyên, bên cạnh một dòng suối nhỏ, bất chợt tôi thở dài lẩm bẩm một mình.
- O. ơi, em có linh thiêng thì phù hộ cho bố trúng đề đi để bố mẹ đỡ cãi nhau...
Đột nhiên một cơn gió thổi mạnh qua làm tôi lạnh run, tôi khẽ thu mình lại cho đỡ lạnh rồi đưa mắt nhìn xa xăm, thoáng trong tiếng gió thổi tôi nghe đâu đây như có tiếng cười quen quen nhưng lắng tai nghe lại chẳng có gì.
Tôi leo lên giường ngủ.
Tôi thấy mình đứng giữa một nơi có nhiều ánh sáng trắng, ngó xung quanh đều thấy trong veo, chẳng có cảnh vật gì.
- Anh! Anh!
Ai đó gọi tôi, cầm tay tôi rồi lắc lắc, tôi cố nhìn nhưng chỉ thấy mái tóc đen, cái váy hoa còn tuyệt nhiên không nhìn rõ mặt.
- Anh nói bố chọn số 25 trong 2 ngày, chỉ được đánh không quá 100 nghìn anh nhé, hơn là không được đâu. anh phải nhớ lấy!
Tiếng nói như lẫn trong tiếng gió, rất khó định nghĩa, tôi muốn hỏi gì đó nhưng choàng tỉnh, áo quần ướt đẫm, tôi sợ vãi đái ra rồi!!!
Buổi sáng tinh mơ, bố tôi ngồi hút thuốc lào, trên bàn có ấm chè nóng, tôi mò dậy đến ngồi bên cạnh.
- Thằng này không ngủ mày dậy sớm làm gì đấy?
- Bố! Hôm nay bố đánh đề 25 đi bố, hôm nay và ngày mai đều đánh 25 nha bố!
- Mày nói linh tinh cái gì? Đây không phải việc của trẻ con - Bố tôi gắt.
- Người ta nói với con thế, bảo con với nhắc bố là chỉ được chơi 100 nghìn thôi, hơn là không được.
Bố tôi đặt chén trà xuống bàn, nhìn tôi chăm chăm như để xem tôi có nói thật hay không vậy.
- Ai bảo mày thế?
- Con không biết, con nằm mơ không nhìn thấy mặt, con sợ quá nên con tỉnh luôn không dám ngủ.
- Mày chạy chơi cho lắm vào lại ngủ mơ liên thiên, mày lại nghe lỏm mấy ông ở nông trường đúng không?
Nói xong bố tôi cho điếu cày lên miệng rồi bắt đầu rít rít.
- Con không, con mơ thấy người ta gọi con là anh cơ mà, hay là cái O. hả bố?
Bố tôi ngưng rít, mắt chớp vài cái rồi bỏ điếu cày xuống, thở thật mạnh làm khói thuốc mù mịt, quay sang nheo mắt nhìn tôi đầy khó hiểu.
- Đi ngủ đi, mới 5g sáng thôi, vào ngủ với mẹ mày ấy, đi đi!
Nhưng tối hôm ấy đề về 25 thật, tôi thấy bố mẹ tôi vui mừng đúng kiểu trúng số, tôi không biết bố tôi chơi hết bao nhiêu nhưng thắng 7 triệu là một số tiền lớn, rất lớn, chắc dư tiền góp giỗ và xây mộ. Bên cạnh đó tôi vẫn băn khoăn về giấc mơ khiến tôi ướt quần đêm vừa rồi.
Hôm sau đề cũng về 25!!!
Tôi không hiểu nhưng tôi lại càng thấy sợ, vấn đề là bố mẹ tôi hiểu, con gái đã chết của ông bà đã báo mộng, giống như kiểu cảm ơn con cái, bố mẹ tôi mua nhiều bánh trái về thắp hương!
Và vì công lao to lớn ấy tôi được cho về quê ăn đám giỗ, lần này về quê sẽ được ở lại, không phải đi ngay như mấy tháng trước.
Như các bạn đã biết mảnh đất ở quê nhà tôi đã từng có một cái miếu nhỏ.
***
Chiếc xe ca Hải Âu với màu vàng đất chủ đạo và những sọc trắng đan xen đặc trưng của loại xe này chở bố mẹ và tôi từ ngã ba Xưa về quê, giống như nhiều đứa trẻ khác thời đó, tôi rất thích được ngồi hàng ghế đầu cạnh bác tài xế, cảm giác được quan sát mọi thứ thật thích, nhưng không phải chuyến đi nào cũng có may mắn được ngồi phía trên như vậy, lần này tôi được ngồi gần cửa lên xuống của xe, vẫn tốt hơn khi phải ngồi phía dưới.
Nhiều bạn sẽ không biết xe ca Hải Âu là xe gì, tôi thì chỉ biết đó là loại xe khách tôi nhìn thấy nhiều nhất khi còn nhỏ và người lớn gọi nó là xe Hải Âu, bây giờ hiếm khi tôi được thấy và mỗi lần thấy thì xe này đều đeo biển số đỏ của quân đội. Thật sự thì, loại xe này gắn với tuổi thơ của tôi rất mật thiết khi có những khoảng thời gian vào mỗi chiều, tôi thẫn thờ đứng ngóng đợi từng chiếc xe Hải Âu đi qua, chờ đợi người mình mong ngóng bước xuống.
Tôi cũng như nhiều đứa con trai khác, đều có sở thích đặc biệt với ô tô và ao ước sẽ sở hữu chúng, tất nhiên chỉ là dưới dạng đồ chơi bằng nhựa hoặc gỗ hay thậm chí là đất sét. Ở nông trường nơi tôi ở, chúng tôi vẫn hay nặn đất sét phơi khô thành ô tô, bánh xe cũng bằng đất, kéo đi chơi và tưởng tượng đó là một chiếc xe thật.
Ở sân nông trường có một cái xe Gaz69 hư hỏng bỏ không, tôi với đám bạn vẫn hay chơi ở đó, vần vô lăng và tưởng tượng mình chính là người lái, có lẽ vì thế mà sau này tôi rất thích lái xe, lái một mình đi xa mãi không chán. Đôi khi tôi từng mong muốn trở thành tài xế grab và kiếm tiền bằng cách chở khách nhưng điều này khó có thể xảy ra lắm, có thể đến lúc 50 tuổi tôi sẽ làm được điều này, khi những ràng buộc về trách nhiệm vơi đi và có thể sống cho riêng mình.
Chặng đầu tiên của chuyến hành trình về quê thì tới bến xe Hà Đông sẽ đổi xe, (bến xe Hà Đông nằm trên đường Nguyễn Trãi chắc bây giờ đã thành bến xe bus) sau đó lên xe bus số 2 đi ra bến Nứa (bến xe nằm trong chợ Long Biên) rồi từ đó bắt thêm một chuyến xe nữa về quê. Từ bến Nứa về quê thì gần, chỉ độ 40km là tới nơi nhưng nhà tôi không đi như vậy, bố tôi bắt xích lô về khu Trung Tự, nơi nhà cô ruột tôi đang ở, chỗ nhà cô tôi ở rất gần môt cái thủy đài lớn, gần tổng công ty rau củ quả Việt Nam, chính xác hơn là cạnh một con mương thoát nước mà sau này tôi biết là gần cầu Trung Tự. Mấy năm sau cô tôi mua căn nhà khác trong khu Khương Thượng, rộng và đẹp hơn chỗ hiện đang ở nhưng cái khu Khương Thượng ấy xưa kia nghe đâu là cánh đồng bát ngát, là chiến trường thời Tây Sơn đánh giặc nên rất nhiều xác chết vùi thây dưới đấy, nhiều lần người ta làm đường đào được cả núi xương, lên cả báo đó thôi.
Ăn cơm ở nhà cô xong xuôi, bố tôi mượn xe máy và cả nhà tôi rong ruổi về quê, kì này tôi cũng háo hức hơn vì được về thăm quê đúng nghĩa.
Các bạn đã biết sơ qua về làng tôi rồi, ngôi làng như ốc đảo giữa những cánh đồng lúa bạt ngàn, cho đến bây giờ những thanh niên thế hệ 7x, 8x vẫn tự hào vì làng mình từng giàu nhất xã, có số má trong huyện nhưng tôi thì không thích ăn mày dĩ vãng cho lắm, phải nhìn vào thực tế mới được.
Lũy tre xanh rì bao quanh thôn làng giống như bao thôn quê Đồng bằng Bắc Bộ thời ấy, nằm cạnh con lộ 282 (sau này đổi thành Quốc lộ 17) và được ngăn cách bởi một con mương tương đối lớn nhằm phục vụ việc tưới tiêu nông nghiệp, nghe đâu con mương này được đào hồi những năm đổi mới theo chủ trương của Nhà nước, con mương tuy hiền hòa này cũng đã đón nhận cái chết của nhiều người, cả người lạ lẫn người làng.
Đoạn đường gần tới cổng làng là một khúc cua, cũng không gắt đến nỗi cua tay áo nhưng cũng đủ làm những những tay lái lạ đường hoảng hốt nếu phi tốc độ cao nhưng ở thời 1992 này chưa có nhiều xe máy và đường cũng chưa đẹp như sau này.
Như tiêu chuẩn của một ngôi làng cũ (tôi không gọi là làng cổ, vì chả có cái gì cổ mà tôi thấy cả) như trong thơ ca đó là: cây đa - bến nước - sân đình đều có đủ theo tiêu chí ấy. Qua cây cầu vào đến làng, bên tay phải có một cây đa xum xuê gần đình làng, bến nước cách sân đình một khoảng chừng hơn 50m và nằm ngay phía trước cửa đình, rất nhiều người thường xuyên xuống rửa hoa màu vào mỗi chiều sau khi thu hoạch về, khung cảnh tiêu biểu giống như những bộ phim được làm những năm 2000 đã miêu tả.
Bên cạnh ngôi đình có một cây si già, có một bệ thờ xi măng cũ, bà Già tôi kể rằng chính cái cây ấy, cả làng này già trẻ lớn bé, những ai không kịp chạy thoát giặc tây đã bị treo ngược lên chọc tiết, như một cuộc thảm sát vậy. Tôi tin lời bà Già nhưng đến nay vẫn thắc mắc về thời điểm xảy ra sự kiện ấy. Những năm đầu thế kỉ 20, quả thật vẫn có rất nhiều cách giết người dã man được thực hiện bởi quân xâm lược nên có thể hiểu được khi Bác Hồ đứng lên kháng Pháp bảo sao lại được lòng dân như vậy.
Nhà của gia đình tôi ở quê lúc ấy đã không còn nhà tranh vách đất nữa, hồi vỡ đê năm 1971 đã làm ngập lụt kinh hoàng, sử sách có ghi lại rằng Nhà nước phải mang cả tàu hỏa chở đầy đá hộc ra giữ cầu Long Biên, ngập lụt diện rộng phải tiếp tế lương thực cho dân bằng máy bay trực trăng. Do lũ lụt lớn mà căn nhà ông nội tôi dựng lên bị hư hại nhiều nhưng do hoàn cảnh con cái còn nhỏ, hai bà nội của tôi vẫn cố gắng sửa để ở mãi đến lúc bố tôi lấy mẹ tôi thì một căn nhà kiên cố được xây dựng mới cho khang trang để làm đám cưới, một phần vì khi ấy bố tôi kiếm cũng nhiều tiền nên xây nhà to và cao nhằm đề phòng lụt như năm 1971. Theo style thời ấy, trên nóc nhà có gắn những con số thể hiện năm xây dựng được làm bằng xi măng, những ô thoáng thông gió tôi nhìn đâu giống như chữ hỉ, chắc khi ấy bố tôi muốn thể hiện tình yêu cũng nên.
Nguồn gốc mảnh đất này của gia đình tôi như tôi đã nói, nó từng là bãi đất chăn vịt nằm rìa làng, do Cải cách ruộng đất ông tôi bị liệt vào thành phần địa chủ nên bị đuổi ra đây, mảnh đất rộng khoảng 800m², phía trước, phía sau đều có ao nước, bên phía đầu hồi trái của căn nhà là lũy tre gai và rặng mây gai, phía đầu hồi bên phải của căn nhà nằm ở hướng Tây là một rãnh nước rất nhỏ sử dụng để điều phối nước giữa các ao nước với nhau, bên cạnh rãnh nước là một bụi mây gai làm tường rào ngăn cách với nhà hàng xóm.
Lúc xây nhà thì chọn hướng chính Nam nhưng vì lí do nào đó ông ngoại tôi khi ấy chuẩn bị là bố vợ trông coi giúp lại điều chỉnh chếch sang hướng Đông Nam nên bà Già tôi hay bảo xây như này là thất cách. Nền nhà xây cao thường thì có bậc tam cấp nhưng không hiểu sao lại xây thành bậc tứ cấp, khi tôi 18 tuổi và đã có internet 2000đ / giờ, tôi đọc và được biết rằng người ta chỉ xây tam cấp hoặc ngũ cấp trở lên chứ kị tứ cấp vì nó ứng vào chữ Tử trong "Sinh lão bệnh tử", thế nên tôi đã thuyết phục bà Già thuê người đập bỏ một bậc thềm đi, tôi không biết đó có phải là quyết định đúng khi tôi 18 tuổi hay không.
Trước cửa nhà có một cây ổi rất lớn, sau này bà tôi chặt đi làm tôi tiếc mãi, tôi đã từng bị ngã từ trên cây khi hái ổi xuống đất, độ cao chừng 4m nhưng không hề hấn gì, có lẽ tôi may mắn khi rơi xuống phần đất mềm mà bà tôi đã xới lên để trồng rau trước đó.
Bố mẹ tôi mở cửa dọn dẹp căn nhà để ngủ lại mấy đêm, giường có sẵn nhưng điện thì không, chiếu cói đầu làng có bán nhưng không có điện thì nóng bức. Trong căn nhà ở quê vẫn có một bát hương tổ tiên thi thoảng cô tôi vẫn về cúng bái hoặc người em gái ruột của ông nội tôi sống trong làng tạt qua thắp nhang. Bát hương ở quê này đích thực là đồ cổ hàng trăm năm có lẻ, sau này bố tôi phải mang theo để tránh bị trộm. Trong lúc bố mẹ tôi dọn dẹp và bày trái cây lên thắp hương tổ tiên thì tôi tranh thủ khám phá thêm về mảnh đất mà sau này nó sẽ là của mình (bây giờ vẫn là của bố tôi, anh em tôi giao ước đứa nào về ở quê sẽ là của đứa đó).
Các bạn còn nhớ cái miếu cũ trên mảnh đất này tôi đã từng đề cập chứ? Tôi nghe bà Già nói đã đổ nát từ tầm 40 năm trước, còn lúc này khi tôi 8 tuổi thì cái miếu chỉ còn là một đống đất nhô cao hơn xung quanh, có hình chữ nhật và nhiều gạch ngói vụn, tuyệt nhiên không còn dấu tích gì để tôi biết chỗ đó từng có một công trình nhỏ. Một số thanh niên rất kì cục, khi đi tiểu bậy họ có xu hướng chọn những nơi gạch đá ngổn ngang, nói cho vuông là tiểu bậy phải chọn chỗ có vẻ không được sạch sẽ gọn gàng cho đỡ áy náy. Tôi đứng cạnh đống đổ nát nhỏ nằm cạnh bờ rào và gần cổng đó, tay chống nạnh hứng chí vạch quần ra định tạo mưa.
- Này!
Một tiếng quát làm tôi giật bắn cả người, chưa kịp tạo mưa, tôi quay ra thì thấy một bà cụ chừng 70 tuổi, tóc bạc trắng, khổ người cao lớn, một tay chống gậy tre, khuôn mặt nghiêm nghị, da mặt hồng hào và đôi mắt sáng quắc đang nhìn chằm chằm vào tôi.
- Mày định làm gì đấy thằng kia?
- Cháu ..., cháu ...,
Tôi lắp bắp không nói thành lời, kéo vội cái quần chun lên như cũ. Bà cụ tiến lại gần tôi nhìn tôi một lượt rồi dùng cái gậy tre gõ lên đầu tôi mấy cái, gõ nhẹ nhưng đủ cảm thấy đau làm tôi co rúm người.
- Sau này mày dám đái ở đây tao sẽ cắt chim luôn nghe chưa?

- Vâng! - Tôi cúi mặt nhìn xuống, tay mân mê vạt áo tỏ vẻ biết lỗi.
- Tên gì?!
- Dạ, cháu là N. ạ.
- A, thằng đích tôn đây à? Bố mày đâu?
Tôi chưa kịp đáp thì bố tôi từ trong nhà đã bước ra thềm và nói vọng tới.
- Bà mới tới ạ? Bố cháu vừa mới về định tối mới qua nhà bà, bà vào nhà đi.
- Tôi đang ngồi chơi gần đây, nghe người ta nói anh về nên tôi qua.
Mẹ tôi cũng đi tới, cả hai đi bên cạnh bà cụ tóc bạc vào nhà, tôi lững thững đi theo sau. Nhà không có bàn ghế, bà cụ ngồi bên mép cái phải gỗ lim truyền thừa của nhà tôi, một tay vẫn chống cây gậy tre đen bóng. Tôi không biết bà cụ này là ai nhưng bố mẹ tôi có vẻ rất kính trọng, xem ra có phần khúm núm. Tôi không thích người già khó tính, hai bà nội của tôi chưa gõ vào đầu tôi bao giờ vậy mà bà cụ này vừa gặp đã quát và gõ đầu tôi mấy cái.
- Anh về được mấy ngày? - Bà cụ lên tiếng hỏi.
- Bố cháu về sang cát, xây mộ xong cho ông ngoại thằng này rồi mới đi, đây là thằng lớn đấy bà, cháu nó chuẩn bị lên lớp 4.
Bố tôi chỉ vào tôi, rồi vẫy vẫy tôi lại gần rồi giới thiệu.
- Đây là bà H. Lớn, em ruột của ông nội.
- Cháu chào bà ạ!
- Lại đây bà xem nào!
Bà cụ xoa đầu tôi làm như chưa bao giờ xảy ra việc gõ đầu vậy.
- Cái mũi giống ông nội mày, tương lai tài giỏi lắm đấy nhé.
- Năm vừa rồi cháu nó đạt học sinh giỏi, đứng nhất lớp đấy bà.
Bố tôi bổ sung thêm, người già luôn hài lòng với những đứa trẻ học giỏi và biết nghe lời.
- Mộ bố vợ anh cũng sắp xây, anh làm ăn như thế nào tôi không biết nhưng cũng phải thu xếp mà xây mộ của bố anh cho nó đàng hoàng.
- Vâng, bố cháu sẽ sắp xếp việc này ạ.
Bà cụ nói tiếp vẫn với giọng như ra lệnh.
- Còn cái miếu cũ nữa, anh cũng lo mà xây mới không được để hoang toàn như thế, bao lâu tôi không gặp anh nên giờ mới nói. Cái miếu anh để như thế thì sau này cơm anh còn không có mà ăn anh nghe chưa?
- Vâng, Vâng!
- Khi nào anh chị xong việc thì cho cháu xuống nhà tôi!
Bà cụ ra về, chờ bóng bà cụ khuất hẳn sau mấy căn nhà bố mẹ tôi mới trở vào nhà ngồi trên tấm phản gỗ lim, khuôn mặt bố trở nên đăm chiêu. Bà Già (tức bà nội thứ hai của tôi) vẫn là từ điển gia đình giải đáp mọi thắc mắc cho tôi xung quanh những điều liên quan đến gia đình hay chuyện ở làng. Bà về làm dâu từ năm 1942 nên biết nhiều chuyện, còn bà Trẻ tôi là người trong làng từ nhỏ nhưng bà bận buôn bán, không bao giờ có nhã hứng kể cho chúng tôi nghe điều gì. Bà Trẻ thương các cháu nội ngoại bằng cách lo cho chúng miếng ăn, cho tiền mua bánh nhưng bà luôn thiên vị bố tôi, bố tôi là số 1 còn cháu chỉ số 2 trở đi mà thôi. Sau này tôi mới hiểu trong hai bà thì bà Già cực kì ghê gớm còn bà Trẻ lại hiền lành quá đỗi, khi tôi hiểu ra thì đã lớn và tình cảm dành cho hai bà là như nhau, không thay đổi, nhưng tôi có phần thiên vị bà Già hơn.
Bà Già cho tôi biết ở làng tôi, người ta có tục lệ gọi tên các em gái, chị gái theo tên của người anh/ em đích tôn. Ông nội tôi tên H. bởi vậy người em gái kế ông thì người làng gọi là H. Lớn, bà em út được gọi là H. Con trong khi nếu là vợ thì có thể gọi là bà H. hoặc gọi tên riêng. Chính vì tục lệ này, ngay đến bố tôi còn không biết tên thật của cô ruột mình, tôi chưa hiểu hết tục lệ vì nó quá lằng nhằng nhưng tôi biết nhờ có vậy ở làng người ta biết rõ gốc tích của nhau.
Bà H. Lớn lấy chồng với của hồi môn cụ nội tôi cho nên cũng có của ăn của để, chồng bà vì đi cày bị lưỡi cày cắt vào chân, nhiễm trùng rồi chết, bà ở vậy nuôi 2 cô con gái. Bà là một người khó tính và ghê gớm có tiếng trong làng, vì một cơ duyên nào đó sau khi chồng mất bà lập điện thờ. Lúc ông nội tôi mất, bố tôi mới 6 tuổi và cô út mới chỉ 3 tháng vẫn còn ẵm ngửa, ma chay cho ông tôi xong, mấy người em của bà Già ở huyện khác có ý muốn đón chị gái về vì ông tôi mất rồi, bà Già lại chẳng có con cái, chẳng còn vướng víu gì mà ở lại đây cả. Bà Già lúc ấy cũng khăn gói tính đi nhưng bố tôi và các cô cứ quấn lấy khóc gọi mẹ, xin bà đừng đi, vậy là bà Già ở lại chăm con của chồng. Sau khi bà Già quyết định ở lại, bà H. Lớn có nói một câu:
- Số của chị ăn về đường hậu vận, sau này chị sẽ hiểu.
Bà Già cũng cho tôi biết, tên của tôi cũng do bà H. lớn đặt chứ không phải ai khác, những chuyện tương tự như thế này phải khi tôi lớn hơn, vào những đêm bên ngọn đèn dầu heo hắt bà kể cho tôi nghe.
- Chờ hương tàn rồi lên bà ngoại, sáng mai xuống dưới nhà bà H. Lớn. - Bố tôi nói.
***
Bà H. Lớn ngằm trên võng, tay phe phẩy cái quạt nan, bố mẹ tôi cùng ngồi trên cái trường kỷ bên cạnh như kiểu nghe dạy bảo, còn tôi thì đang bận ăn những trái cây được hái ngoài vườn, tôi nhớ không nhầm thì đó là hồng xiêm.
- Thằng N. nó cũng lớn rồi, anh chị có tiện dịp này thì sửa lễ mà xin nó về, để lâu nó lại thành thằng ngớ ngẩn đấy.
Lúc còn nhỏ do tôi ốm đau bệnh tật nhiều quá, bà H. Lớn đã làm lễ bán tôi làm con nuôi cho Đức Ông trên ngôi chùa của làng, chuyện này lần đầu tôi được nghe.
- Mấy năm trước ở làng có người mời thầy địa lý về xem đất, tôi cũng tiện dịp ấy mời ông ta xem giúp thửa đất nhà anh chị luôn, mấy lần trước gặp anh mà anh cứ vội đi nên tôi chưa có dịp nói.
Thầy địa lý? Tôi có nghe mấy anh chị lớp trên nói phải học cấp 2 mới có môn này, khi học sẽ được biết nhiều nơi trên khắp đất nước, thậm chí cả thế giới này luôn, tuy mới chỉ học lớp 3 nhưng tôi đã được đọc một vài cuốn sách cấp 2 rồi, tuy không hiểu gì nhiều nhưng để giết thời gian cũng tốt.
Bà H. Lớn nói tiếp, bố mẹ tôi vẫn ngồi im để nghe.
- Thứ nhất, căn nhà bây giờ của anh xây bị lệch hướng, làm ăn sau này nặng bị thì đứt quai, không giàu có được, muốn giàu thì phá nhà đi để hướng như căn nhà cũ trước đây, hướng Nam.
- Thứ hai, đầu hồi nhà anh có cái rãnh nước chảy, rãnh này do người khác họ đào cho nên chỉ khi nào tự nhiên nó bị lấp đi thì anh chị mới ở cố định một nơi, bằng không chỉ ở mỗi nơi vài năm rồi lại chuyển.
- Thứ ba, ông thầy đấy cầm nắm đất lên xem chỉ lắc đầu mãi không thôi, ông ta chỉ nói "gia chủ nhà này lúc 45 tuổi thì ..." rồi ném nắm đất bỏ đi, cũng không lấy tiền.
Bố tôi nghe đến đấy hơi giật mình hỏi lại, bà H. Lớn ngưng tay quạt ngồi nhỏm dậy, bố tôi đỡ bà lên ngồi ở tràng kỷ đối diện.
- Ông ấy nói vậy là có ý gì? Bố cháu không hiểu.
- Anh thuộc dạng người qua loa đại khái, với kiểu nói như vậy của ông ta thì e là lúc 45 tuổi anh có vận hạn lớn, bây giờ tôi không biết nhưng tôi sẽ nói cho anh khi tôi biết.
- Vâng, Vâng! - Bố tôi gật đầu liền mấy cái.
- Còn đứa con gái anh khi nào có điều kiện thì đưa nó về quê, không thể để nó một mình nơi đất khách quê người thế được, nó vắn số nhưng phù hộ gián tiếp sau này cho anh chị.
- Gián tiếp là sao bà nhỉ? Mẹ tôi tò mò.
- Tôi chỉ nói được đến thế thôi, mọi thứ đều phải phụ thuộc vào ý trời và phúc đức của anh chị. Phải nhớ cho rõ lời tôi nói.
Bà H. Lớn không nói thêm nữa nhưng lại nhìn tôi và nở nụ cười, bỗng nhiên tôi thấy bà nhìn ra cửa rồi gật đầu như kiểu đáp lễ, tôi quay đầu lại nhìn nhưng không thấy ai, có lẽ người già mắt kém.
***
Rời nhà bà H. Lớn, tản bộ trên con đường chính chạy dài xuyên suốt từ đầu đến cuối của làng giống như trục tung trên đồ thị, từ trục chính này cắt ngang rất nhiều đường rẽ vào các ngõ xóm như hình xương cá. Con đường chính có đoạn được lát gạch nhưng chủ yếu vẫn là đường đất, hai bên có rãnh nước được kè cũng bằng gạch xếp lớp với nhau.
Làng tôi được chia thành nhiều khu nhỏ như: Khu Trên, khu Đình, khu Giữa, khu Tây, khu Đông ..., nhà tôi nằm rìa bên của khu Giữa, sau rặng tre gai là cánh đồng lúa bạt ngàn. Tôi hay nhắc đến cánh đồng lúa bởi vì nó giúp tôi cảm thấy yên bình, chỉ cần dứng trên một gò đất cao bạn có thể phóng tầm mắt thật xa nhìn thấy ngôi làng bên cạnh dù cách xa đến 2, 3km. Như nơi tôi đang sống, chỉ cần đứng trên triền đồi có thể phóng tầm mắt nhìn thật xa, bao la bát ngát là rừng chè vậy.
Bản thân tôi cũng cho là kì lạ, khi sống giữa những vườn chè hay cánh đồng lúa với những con trâu thì tôi lại ao ước được nhìn nhà cao tầng, ngắm từng hàng xe máy chen chúc xen lẫn trong đó là tiếng còi của đủ thứ xe đầy ồn ào và náo nhiệt nơi phố thị. Người ta hay nói, cỏ luôn xanh hơn phía bên kia tường rào có lẽ là do vậy, ta luôn ao ước thứ ta không có, để rồi khi có lại mong muốn mọi thứ giống như "Ngày xưa..."
Đến đoạn rẽ vào ngõ nhà tôi, bố tôi bảo:
- Bố mẹ lên nhà bà ngoại lo chuẩn bị cỗ cùng mọi người, con cầm chìa khóa về nhà dọn hộ bố đống gạch vụn ở chỗ mô đất đi, xong thì lên bà ăn trưa.
Tôi không có ý phản đối, lên đó cũng gặp nhiều anh chị của mình nhưng có vẻ chưa dò được sóng hoặc do tôi hơi khác người nên chưa cảm thấy vui nhưng thật ra, sự khác biệt văn hóa nho nhỏ giữa chúng tôi không thể xóa bỏ chỉ trong một hai ngày được. Trong suy nghĩ của các anh chị bằng hoặc lớn hơn tôi vài tuổi, nơi tôi ở là "đồng rừng" chứ không phải "đồng ruộng", người ở trên rừng có vẻ không thông minh, có vẻ lạc hậu vì một số trò chơi tôi lần đầu nhìn thấy, cho đến khi lớn tôi cũng không phân biệt được các khái niệm và cách chơi những game đó ở quê mình, có vẻ tôi lạc hậu thật sự.
Trời nắng! Hè thì ở đâu cũng nắng.
Tôi tìm một thanh tre nhỏ cắm xuống đất để xem giờ, xác định hướng Đông Tây Nam Bắc để đặt kí hiệu 12 giờ chỉ cần vậy tôi đã có một đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời, mỗi tội hết nắng thì phải tính cách khác. Đấy, lợi thế của người ở đồng rừng là phân biệt hướng rất tốt, không có đồng hồ thì dùng mặt trời thay thế, mặt trời thì luôn mọc từ đông sang tây, không có nắng mà phải ngẩng đầu nhìn thì áng chừng giữa trưa, cho đến sau này đôi khi vẫn có ích khi tôi bị lạc đường giữa những vùng đất lạ mà không có la bàn hay GPS, tôi có thể ước lượng thời gian rất tốt, có thể xem như một kĩ năng vậy, việc tính toán thời gian tốt giúp tôi làm nhiều việc, đi nhiều nơi đều trong khoảng thời gian tính toán, tôi luôn cố hoàn thành sớm một chút, kể cả việc đi tán gái.
Khoảng 9g sáng hơn, ước chừng như vậy, tôi bắt tay vào công việc dọn dẹp đống gạch vụn ngói vỡ, gạch còn lành thì tôi xếp lại chung một đống, còn những thứ đã vỡ tôi mang chúng rải sát vào phần chân tường cuả căn nhà, điều này bà già tôi từng nói rằng làm như vậy để khi mưa, giọt ranh rơi từ mái nhà xuống không làm xói mòn chân tường. Thời còn nhà tranh vách đất thì có vẻ hợp lý nhưng nhà ngói kiên cố có vẻ không hợp lý lắm nhỉ? Nhưng tôi thì chưa đủ tuổi để logic như vậy, tôi làm theo những gì được kể lại và biến nó thành kiến thức nhưng nhiều thứ bây giờ không dùng được rồi.
Tôi chăm chỉ làm, mọi thứ rồi cũng xong, mô đất rộng chừng 3m² hình chữ nhật hiện ra, phân biệt rõ với những cỏ dại mọc xung quanh. Bỗng dưng tôi tự hỏi là mình có nên thắp hương hay không? Tôi lại nhớ rằng một ngôi mộ thì luôn cao hơn đất bằng, đây là nền miếu cũ chắc cũng giống như mộ vậy, thế là tôi đi mua kẹo.
Quán nhỏ đầu làng, tôi mua gói kẹo mút màu đỏ có gắn kèm những hình con ngựa, thanh gươm..., với những hạt đường trắng li ti phủ lên mà tôi thích, cúng xong là của mình nên nhất định phải mua thứ mình thích, ba que hương tôi lấy ở trong nhà ra đốt, cũng phe phẩy cho lửa tắt như người lớn. Gói kẹo tôi để xuống nền đất, nhang cắm bên cạnh rồi quỳ xuống chắp tay như bố tôi hay làm nhưng mà không biết khấn cái gì nên chỉ lạy ba lạy rồi thôi.
Ngồi trong mái hiên nhà tránh nắng, tôi chờ đợi nhang cháy hết để lấy kẹo vào, tôi sợ bị ai đó lấy đi, việc ngồi chờ đợi làm tôi ngủ quên lúc nào không hay.
***
Chiều tối, nhà bà ngoại các bác, các dì, các cậu và nhiều họ hàng tề tựu đông đủ ăn cơm, cũng đến 10 mâm, mỗi mâm 6 người, trước ngày giỗ chính ở quê tôi đều có tục lệ như vậy. Sau bữa cơm này nhiều người sẽ ở lại cùng phân chia công việc giữa nhóm phụ trách làm cỗ, nhóm khác thì ra ngoài nghĩa trang của làng giám sát việc đào huyệt nhưng nửa đêm thì đông đủ không vắng ai vì có một phần văn nghệ không thể thiếu của mọi đám giỗ hay đám cưới ở làng này, ở vùng này đấy là môn XÓC ĐĨA!
Xóc đĩa cũng là một môn thể thao đỉnh cao của trí tuệ với hai mặt chẵn lẻ, mở bát ra trúng hoặc trượt, tính sát phạt rất cao. Sới bạc trước hay sau đám cỗ của mỗi nhà đều quy tụ những tay chơi từ ông bà cụ 80 hay trẻ con chỉ mới lên 10 đều được tham gia mà không hề bị ai la mắng! người ở xa về mang theo tiền, người ở quê muốn kiếm thêm chút đỉnh, nhìn quanh cả sới cũng đa phần là họ hàng với nhau. Lúc bắt đầu chơi cược rất nhỏ kiểu văn nghệ giết thời gian chờ đến lúc mổ lợn luộc gà và gọi nhau nhẹ nhàng chú cháu cực kì tình cảm, đến lúc cao trào thì đòi quan hệ mẫu thân, thằng nọ thằng kia..., có thể người bạn mới gọi bằng thằng lại có vai vế ngang ông nội của bạn mặc dù tuổi chỉ đáng làm em, tuy thế mà lại không có đánh nhau vì thằng bạn muốn đấm vào mặt là ông cậu của mẹ!
Bố mẹ tôi ở lại, tôi lại muốn về ngủ nên xin phép về, trên tay mang theo hai đĩa xôi vò trong túi bóng, tôi thích ăn xôi mà xôi trong đám nhiều người không ăn. Nhà bà ngoại tôi ở khu Trên, nhà tôi khu Giữa, trong làng có nhiều lối để đi nhưng tôi mới chỉ biết đường chính, buổi tối gần cuối tháng trăng treo trên cao, bầu trời mùa hè trong veo. Tôi vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ mờ mờ đủ để đi nên mặc dù có đèn pin nhưng tôi không sử dụng, ở xứ đồng rừng tôi vẫn hay đi chơi với đám bạn vào mỗi tối không cần đèn pin nên thấy việc này bình thường.

Gần đến cổng nhà, gọi là cổng cho sang nhưng nó như một tấm phên đan bằng tre, hai bên có hai cột cũng bằng tre, tôi nhìn thấy như có bóng một người phụ nữ đứng gần cổng nhà mình, trên tay hình như có cầm một cái nón mê.
***
Tôi không phải là đứa gan dạ, tài giỏi lại càng không nhưng tôi luôn cho rằng mình thông minh, sự thông minh sẽ giúp con người ta bình tĩnh và phản ứng đúng mực trước những bất ngờ xảy đến.
Từ lúc 5 tuổi, bà Già luôn dặn dò tôi mỗi lần trước khi ra khỏi nhà đi chơi vào mỗi tối vài điều mà tôi không muốn cũng phải thuộc nằm lòng.
- Đi chơi tối có ai gọi tên mà không thấy người thì không được thưa lại.
- Gặp người lạ không thấy mặt vào buổi tối, hãy nhìn chân của họ.
Thuộc và hiểu là hai phạm trù khác nhau, bạn học thuộc lòng một bài thơ nhưng cho đến già bạn vẫn không hiểu được ông tác giả nói về điều gì, chuyện này cũng bình thường đúng không?
Tôi định đẩy cái phên tạm gọi là cửa để vào cổng nhà nhưng nghĩ thế nào, tôi ngẩng đầu quay sang nhìn, trước mặt tôi cách chừng 2m, người phụ nữ vẫn đứng im ở đó, mái tóc dài có vài sợi phất phơ theo gió, nón lá để trước ngực, mặc váy màu tối dài chấm đất nên tôi không thể nhìn thấy chân của chị ta. Từ hôm qua về đây, tôi cũng thấy nhiều cụ bà mặc váy hoặc cái quần màu đen có ống rất rộng giống như váy nên tôi cũng không bận tâm.
- Chào chị ạ! Có việc gì không chị ơi?
Chị ta cao chừng 1m6 hoặc hơn, còn tôi thì thấp, bóng trăng treo lơ lửng phía sau lưng chị ta nên tôi chỉ nhìn thấy một bên gò má trắng dường như đã được trang điểm. Nhưng chắc không phải là ma, dù sao ma cũng mặc đồ màu trắng và bay lơ lửng cơ mà.
- Em trai cho chị gói xôi được không?
Giọng thiếu nữ trong veo cất lên, trên tay tôi đúng là có hai gói xôi thật, cho một gói cũng không sao.
- Xôi này cũng nguội rồi, em mang từ đám cỗ về, chị thích ăn thì em cho.
- Chị hỏi vậy thôi.
Giọng cười khúc khích, nón lá kéo lên che mặt, chẳng che thì tôi cũng không nhìn thấy. Tôi có đèn pin, muốn xem mặt thì thiếu gì cách nhưng có vẻ không lịch sự lắm, đứa trẻ ngoan không nên soi đèn pin vào mặt người lớn.
- Ngày mai em trai mua hộ chị bó hoa được không? Chị gửi tiền.
- Em mới về đây chơi, em không biết hoa bán ở đâu cả. - Tôi có ý muốn từ chối.
- Vậy mai đi chơi mà gặp ai bán hoa thì mua hộ chị một bó với nhé.
- Cũng được ạ! - Tôi gật đầu rồi hỏi - Mà xôi chị có lấy không?
- Không! chị thích bánh đúc hơn. Nhớ mua hoa hộ chị với nhé.
- Được ạ, nếu gặp em sẽ mua hộ, mà nhà chị ở đâu?
- Chị tên là Ngọc Hoa nhé, cứ mua hộ chị rồi chị đến lấy, nhà chị ngay gần đây thôi.
Ah, một cái tên ấn tượng đấy, mấy năm nay tôi chỉ thấy mấy đứa con gái cùng lớp bạn hay những người xung quanh là "Thị Hoa" hay "Thị Bông" thôi, cái tên nghe kêu ghê luôn. Tôi nghĩ vậy rồi tự cười, cũng không hỏi thêm nữa, người ta nhờ giúp được thì giúp thôi, việc này cũng không có gì là khó khăn.
Gâu! Gâu! Gâu!
Tiếng chó trong xóm sủa văng vẳng từ đâu vọng tới, có cả tiếng chó nhà ai tru lên từng hồi, thoáng chốc cả khu râm ran tiếng chó, con nọ nối con kia sủa vang.
- Thôi cứ vậy em nhé! Chị có việc phải đi.
- Vâng.
Tôi đẩy cửa cổng ra, toan bước vào thì quay lại nhìn thêm lần nữa nhưng không còn thấy ai ..., tiếng chó sủa cũng im dần.
- Người kì lạ, xin xôi không lấy rồi lại nhờ mua hoa, các chị ở quê cũng thật khác người.
Tôi lẩm bẩm một mình rồi quẹt diêm thắp ngọn đèn dầu, để lên cái tủ gỗ cũ kĩ ở góc tường, khép cửa lại rồi lên giường, trẻ con nên đi ngủ sớm, giá như có cái đài cassette thì tốt biết mấy, mở đài nghe ngủ sẽ dễ hơn.
Chắc có lẽ gần nửa đêm mẹ tôi về chợp mắt một chút, 4 giờ sáng là phải có mặt ngoài nghĩa trang, việc bốc mộ phải hoàn thành trước khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu rọi khắp nơi.
Với bản tính tò mò, tôi cũng dậy và cố chen chân len lỏi giữa những người lớn đứng xung quanh cái huyệt để xem người ta khi chết đi rồi chôn vào lòng đất sẽ như thế nào, khi nắp quan tài được mở ra, tiếng than khóc của phụ nữ trong đó có mẹ tôi vống lên trong hương khói nghi ngút.
- Ối bố ơi, sao bố lại chết sớm thế này!
- Ối chú ơi, sao chú lại bỏ chúng cháu mà đi!
- Ơi bố ơi, ngày nào bố còn lên thăm con con mà giờ đây sao chỉ còn nắm xương bố ơi!
Nghe đến là thê lương, sầu thảm.
Kí ức của tôi về ông ngoại không nhiều, tôi nhớ lúc ông chết thì tôi mới hơn 4 tuổi, tôi và mẹ về đến quê thì ông đã được phủ khăn lên mặt, nằm thẳng trên giường với hai ngón chân cái buộc vào nhau bằng một miếng vải trắng.
Phải nói rằng tục lệ bốc mộ, tắm rửa bộ xương người rồi chuyển sang một cái tiểu sành thật sự là đáng sợ, thử thách thần kinh mạnh và không dành cho kể yếu tim, thời hiện đại bây giờ người ta dùng phương pháp thiêu nhiều hơn. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, lúc bà trẻ nằm viện cứ một mực dặn con cháu phải chôn chứ không được thiêu vì thiêu sẽ rất nóng?! "đứa nào trái lời tao hiện hồn về bóp cổ chết!" May quá, bây giờ bà trẻ vẫn sống khỏe, tiền nhỏ tiền to không nhầm một đồng cắc nào, có lẽ kĩ năng đếm tiền nhiều năm đã ăn vào máu mất rồi.
6g30 sáng, đoàn người lững thững trở về làng, đến đầu làng có vài người xuống bến nước rửa lại chân tay một lần nữa còn tôi đi sau mẹ. Nãy mẹ tôi khóc nhiều, gào rất to mà bây giờ giọng ráo hoảnh, chỉ có đôi mắt hơi đỏ một chút.
- Con ăn bánh đúc không?
Mẹ tôi chợt quay lại hỏi.
- Con cũng chưa muốn ăn lắm.
- Ăn tạm đi con ạ, cỗ bàn cũng phải 10g mới ăn, tí nữa mẹ bận.
- Vâng, thế cũng được.
Sân đình buổi sáng có nhiều gánh hàng bán đồ ăn như thịt heo, bún riêu, cháo ..., chợ quê đầu làng vậy mà cũng có nhiều thứ hàng quán. Mẹ tôi đưa tôi đến một gánh hàng bán bánh đúc nóng, trả tiền trước rồi rảo bước đi. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao mình có thể ăn khi vừa tham gia quan sát việc bốc mộ từ đầu đến cuối.
Tôi sực nhớ chị gái tối qua có nói thích ăn bánh đúc nên tôi mua thêm một cái mang theo, đến lúc cầm gói bánh trên tay tôi mới ngớ người ra là chị ta đâu có dặn mua cái này, sáng sớm đi mua đồ ăn cho người không quen có vẻ không hợp lý lắm, tôi đứng lưỡng lự một hồi nhưng rồi tặc lưỡi bỏ đi.
Bước độ hơn mươi bước chân, rẽ phải bắt đầu con đường chính của làng thì tôi nhìn thấy người bán hoa.
Đúng vậy đấy, nhưng chỉ có một bó hoa màu trắng đựng trong cái xô bằng sắt đặt dưới đất, bên cạnh là chiếc xe đạp thồ đang dựng dựa vào bức tường của một căn nhà, chủ của "vựa hoa" là một bác lớn tuổi, đội nón cối, khăn mặt vắt trên vai.
- Bao nhiêu tiền bó hoa này thế bác?
- À, 1000 đồng cháu ơi.
Tôi còn có 500 đồng, hôm qua mua kẹo, nãy lại trả tiền bánh đúc nên bây giờ chỉ còn từng ấy, mua kẹo mút thì được.
- Vâng, cháu cảm ơn.
Tôi đi được vài bước thì bị gọi giật lại.
- Này! Này! Cháu sao lại không mua thế?
Bác vẫy tôi, tôi đứng quay lại.
- Mua đi cháu, bác để rẻ cho.
- Cháu chỉ còn 500 đồng. - Tôi móc trong túi ba tờ tiền ra như để chứng minh lời mình nói.
- Ừ thì 500 đồng, đây lấy đi, hoa này còn tươi roi rói về cúng là đẹp lắm đấy nhé!
Tôi đỡ bó hoa nhỏ màu trắng được dúi vào tay còn tiền bác ấy đã nhanh chóng cầm lấy, rất nhanh gọn, bác ấy treo cái xe lên xe rồi dắt đi như kiểu sợ tôi đổi ý.
- Ơ kìa!
Tôi đâu mua hoa cúng, tôi không biết gì về hoa, chỉ biết hoa là hoa mà thôi, giờ mua hộ người ta sao lại là hoa cúng? Hoa cúng chỉ dành cho người chết mà thôi, đứa không thông minh cũng hiểu điều này.
- "Đúng là dở hơi!"
Tôi thầm nghĩ và nhìn những thứ trên tay mình, hết nhìn gói bánh đúc rồi lại nhìn bó hoa và cảm thấy bị lừa dối, tôi đã tiêu những đồng tiền cuối cùng làm những việc vô nghĩa rồi.
- "Thôi! Mang về làm hoa cúng cũng được, đằng nào hôm qua chỗ cái miếu ấy chưa có hoa."
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.