🔔 Tham gia cộng đồng đọc truyện online trên Telegram:  https://t.me/+_tC4EYqfkw83NTE1
Chương trước
Chương sau
Hai tên kia – tên lùn tì và tên cao lớn – đứng ngây người. Mụ Y tá Trưởng phải búng ngón tay tanh tách chúng mới động đậy được. Chúng tức thì lao tới lão Pete, tên bé cạnh tên lớn, nom như cái bóng tương phản trong tấm gương thu nhỏ. Chúng đã sắp tới nơi thì đột nhiên hiểu ra cái điều mà tên thứ nhất phải hiểu ra rồi – đó là lão Pete không hề được lắp máy điều chỉnh như những người khác, rằng lão sẽ không nghe lời chỉ vì nghe các mệnh lệnh cũng như các kiểu giật tay. Chỉ có thể bắt lão như bắt gấu hoặc bò tót, mà một tên trong bọn chúng đã bị bẹp gí nơi góc tường, thành ra công việc càng chẳng hay ho gì với chúng lắm.
Phát hiện ra điều đó cùng lúc, bọn chúng đờ người ra trong cùng một tư thế - cả đứa lớn, cả đứa bé – chân trái đặt lên trước, tay phải đưa lên, ở ngay nửa đoạn đường giữa lão Pete và mụ Y tá Trưởng. Trước mặt chúng là quả cầu gang đung đưa, sau lưng chúng là cơn thịnh nộ trắng bệch của mụ, chúng run người lên, bốc khói và tôi nghe thấy cả tiếng các bánh răng nghiến lên kin kít bên trong. Tôi thấy chúng co giật liên hồi, hệt như chiếc ô tô khi tăng hết ga mà không nhả phanh.
Lão Pete đứng giữa phòng, đung đưa bên sườn quả cầu gang, người gập cong vì sức nặng của nó. Bây giờ thì tất cả đều nhìn lão ta. Lão đưa mắt liếc hết đứa lớn lại đứa bé; nhận ra rằng chúng không định tới gần, lão liền quay về phía bệnh nhân: "Các anh hiểu đấy, tất cả ở đây đều nhảm nhí cùng cực vô lý cùng cực."
Mụ Y tá Trưởng lặng lẽ tụt khỏi ghế và tiến tới cái giỏ liễu ở cạnh cửa. "Vâng, vâng, ông Bancini," mụ ta phụ họa. "Chỉ có điều phải bình tĩnh..."
"Vô lý cùng cực và ngoài ra không gì hơn." Giọng của lão mất hết cái âm oang oang như đồng và trở nên căng thẳng, quyết liệt, dường như lão còn rất ít thời giờ để nói. "Các anh hiểu cho, tôi không đừng được... không thể. Tôi sinh ra đã là một cái xác chết. Còn các anh thì không. Các anh không sinh ra là xác chết. Ôi, những năm thật là đau khổ..."
Rồi lão khóc. Lão không thể nói ra được những lời muốn nói. Lão mấp máy môi nhưng không thể thốt nên lời nào. Lão lắc lư đầu để đẩy lời nói ra và chớp chớp đôi mắt nhìn đám Cấp tính.
"Ôi tôi nói... cho các anh... nói cho các anh."
Lão rũ người xuống và quả cầu gang cũng xẹp xuống bằng nắm tay bình thường. Lão chụm các ngón tay lại, đưa ra phía trước, dường như muốn trao cái gì cho các con bệnh.
"Tôi không thể làm gì hơn. Tôi sinh ra đã là thai sẩy. Chịu bao nhiêu điều tủi nhục để rồi chết. Tôi sinh ra đã là xác chết. Tôi không thể làm gì hơn. Tôi mệt mỏi. Đầu hàng. Các anh còn có hy vọng. Tôi chịu biết bao nhiêu tủi nhục đến nỗi phải chết. Các anh thật dễ dàng. Tôi sinh ra là xác chết nên phải sống thật là cơ cực. Tôi mệt. Tôi mệt vì nói và đứng. Tôi là người chết đã năm mươi lăm năm nay."
Mụ Y tá Trưởng xuyên qua suốt gian phòng, tiêm cho ông lão, mũi kim đâm qua cả chiếc quần xanh. Mụ lùi phắt lại, không thèm rút cả kim tiêm ra nên cái ống tiêm vẫn dính trên quần nom như cái đuôi nhỏ bằng thủy tinh và thép; còn lão Pete càng ủ rũ hơn, càng gục đầu về phía trước, không phải vì bị tiêm mà vì mệt mỏi, những phút cuối cùng đã vĩnh viễn vắt kiệt sức lực của lão – chỉ cần nhìn cũng thấy rõ rằng lão đã tận số.
Vì thế mũi tiêm là thừa, cái đầu lão cứ thế lắc lư, còn đôi mắt mờ đục mãi đi. Lúc mụ Y tá Trưởng đến để rút kim tiêm ra thì lão đã quỵ xuống đến mức nước mắt rơi ngay trên sàn nhà, không chảy trên mặt; đầu lão lắc lắc làm cho nước mắt vung ra tứ phía, nom như lão đang gieo những giọt nước mắt. "Ôi!" Lão kêu lên. Và thậm chí không hề rùng mình khi kim tiêm rút ra.
Lão đã quay trở về cuộc sống có lẽ chừng một phút để nói với chúng tôi điều gì đó, nhưng chúng tôi một phần không muốn nghe, một phần chẳng buồn suy nghĩ, và cố gắng đó đã làm lão quỵ. Mũi tiêm ở mông lão hoàn toàn vô ích, như thể tiêm cho một người chết – tim không còn bơm nó đi, mạch không còn truyền lên đầu, và bộ não không còn để mà chịu tác động gì từ chất thuốc trong đó. Chẳng khác gì mụ tiêm vào cái xác mục rỗng.
"Tôi... mệt..."
"Nào. Nếu hai anh có can đảm thì hãy đưa ông Bancini đi. Ông ta sẽ ngủ yên đấy."
"... mệt kinh khủng."
"Bác sĩ Spivey! Hộ lý Williams đã tỉnh. Cứu chữa cho anh ta đi nhé. Anh ta bị gãy tay và vỡ đồng hồ."
Sau đó và sau này nữa, lão Pete sẽ không bao giờ còn làm nên một chuyện như vậy. Giờ đây mỗi khi ông lão bắt đầu làm ồn trong cuộc họp, người ta vỗ về lão và lão yên ngay. Đôi lúc vẫn như xưa, lão đứng dậy, lắc đầu và kêu rằng lão mệt nhưng đó không còn là lời trách móc, lời thú nhận hay lời cảnh cáo – tất cả đã kết thúc; việc đó giống như một cái đồng hồ cũ không còn chỉ được thời gian nữa nhưng vẫn chạy, với những chiếc kim cong queo, các chữ số nhàn nhạt còn tiếng chuông thì tắt ngấm vì han gỉ, cái đồng hồ cũ vô tích sự, tuy vẫn kêu tích tắc và khe khẽ, nhưng đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Cả nhóm thi nhau đấu tố Harding bất hạnh đến tận hai giờ.
Đến hai giờ, gã bác sĩ bắt đầu cựa quậy trên ghế. Trong cuộc họp, nếu không được thuyết trình gã không chịu nổi; thà gã ngồi nhà mà vẽ đồ thị còn hơn Gã cựa quậy không yên, cuối cùng ho khục khặc khi đó mụ Y tá Trưởng nhìn đồng hồ và bảo rằng ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục tranh luận vào lúc một giờ, còn bây giờ hãy mang bàn từ phòng tắm trở lại. Tụi Cấp tính nhất loạt thoát ra khỏi trạng thái đờ đẫn, đưa mắt nhìn trộm Harding. Mặt mũi chúng đỏ rực lên vì ngượng, dường như giờ đây mới hiểu rằng thêm một lần nữa chúng bị người ta dắt mũi. Một số đi qua hành lang vào phòng tắm lấy ghế, một số lê bước tới giá sách chăm chú xem mấy số tạp chí McCall’s cũ, nhưng thực ra chỉ muốn tách ra xa Harding. Một lần nữa người ta lại xúi giục chúng chống lại bè bạn, hỏi như hỏi cung, như thể Harding là tội phạm, còn chúng là các công tố viên, quan tòa và thẩm phán. Bốn mươi lăm phút, chúng như muốn xé nát hắn ra, thậm chí còn vui sướng, hỏi hắn nào là, Hắn nghĩ có vấn đề gì nếu hắn không làm thỏa mãn người vợ yêu của hắn? Tại sao hắn lại cố sống cố chết cãi rằng vợ hắn không bao giờ quan hệ với đàn ông? Hắn hy vọng khỏi bệnh bằng cách nào, nếu không trả lời thành thực? Bây giờ chính bọn chúng cũng phát tởm lợm vì những câu hỏi và những lời ám chỉ của mình, do đó chúng không muốn đến gần hắn để phải xấu hổ hơn.
Cặp mắt của McMurphy không ngừng dõi theo tất cả những chuyện đó. Hắn không đứng dậy. Bộ dạng của hắn như đang nghiền ngẫm điều gì. Hắn vẫn tiếp tục ngồi trong ghế bành, theo dõi lũ bệnh nhân Cấp tính, gại gại cỗ bài vào bộ râu rễ tre hung hung dưới cằm, cuối cùng đứng lên, vươn vai ngáp dài, cào cào cạnh các quân bài gãi rốn, sau đó bỏ bài vào túi và bước tới bên Harding đầm đìa mồ hôi đang ngồi lẻ loi cô độc.
Hắn nhìn harding một phút, sau đó tóm lấy cái ghế bên cạnh, quay lưng ghế lại phía Harding, ngồi lên đó như là cưỡi ngựa. Harding vẫn không hề hay biết. McMurphy vỗ vỗ vào túi tìm thuốc lá, rút ra một điếu và châm lửa; hắn giơ điếu thuốc lên trước mặt đăm đăm nhìn, rồi liếm ngón tay và chỉnh lại điếu thuốc theo ý thích.
Hai người có vẻ không để ý nhau. Tôi thậm chí không thể hiểu Harding có nhận ra McMurphy không. Harding hầu như đã hoàn toàn thu mình vào giữa đôi vai, như đôi cánh màu xanh, và ngồi ngay đơ trên mép ghế, tay nhốt giữa hai đầu gối. Hắn nhìn bâng quơ ra phía trước, lẩm nhẩm hát, cố tỏ ra bình tĩnh, song hắn đang cắn phía bên trong hai má làm chúng hóp lại, tạo ra một nụ cười đầu lâu nhăn nhở, nom càng thảm hại hơn.
McMurphy lại cắm điếu thuốc vào răng, khoanh tay trên lưng ghế rồi kê cằm lên đó, nheo nheo một mắt vì khói thuốc. Một mắt hắn nhìn Harding rồi bắt đầu nói, điếu thuốc vẫn nhảy tưng tưng trên môi:
"Này, chú em, ở đây vẫn thường xuyên diễn ra các buổi họp như vậy sao?"
"Thường xuyên?" Harding ngừng hát, và cũng không cắn má nữa nhưng vẫn nhìn bâng quơ ra phía trước qua vai McMurphy.
"Ở đây những cuộc đấu tố vẫn thường xuyên diễn ra theo hình thức này phải không? Cái thứ gà vịt mổ nhau trong sân gia cầm?"
Harding vụt quay đầu và cặp mắt hắn chạm phải McMurphy, dường như bây giờ mới nhận ra có người ngồi trước mặt mình. Hắn lại hóp má vào, mặt như bị đứt ngang ở giữa, có thể tưởng tượng rằng hắn đang cười. Hắn xuôi vai ngồi ngả người ra thành ghế và làm bộ bình tĩnh.
"Gà vịt mổ nhau trong sân gia cầm à? Tôi sợ rằng cái ẩn dụ kỳ cục của ngài đã dùng không đúng chỗ. Tôi hoàn toàn không hiểu ngài đang nói gì?"
"À, thế thì qua sẽ giải thích cho chú em." McMurphy cao giọng; hắn không nhìn những bệnh nhân Cấp tính khác nhưng rõ là cốt nói cho cả họ nghe. "Nếu đàn gà nhận thấy có vệt máu ở một con, chúng liền xúm vào mổ và mổ cho đến tóe máu, tan xương con đó ra. Thường thường trong đám hỗn loạn đó, một vệt máu lại xuất hiện trên con khác và thế là lại đến lượt con vật đó. Sau đó các con khác lại có máu và chúng cũng bị mổ cho đến chết. Cứ vậy trong vòng vài giờ cả bầy gà vịt đi tong, qua đã chính mắt nhìn thấy, chú em ạ. Một cảnh cực kỳ đáng nhìn. Còn nếu như muốn cản lại thì chỉ có mỗi việc là bịt mắt chúng để chúng không nhìn thấy gì nữa."
Harding đan các ngón tay dài trên đầu gối, thu gối lại ngả người ra sau ghế. "Sân gia cầm. Một ví von thú vị, thực tế, anh bạn ạ!"
"Đó chính là điều qua nhớ lại khi dự cuộc hộp của tụi bay, nếu chú muốn biết cái sự thật khó chịu ấy. Thật giống hệt một đàn gà bẩn thỉu."
"Có nghĩa tôi là con gà có vệt máu, hả?"
"Thì còn ai nữa?"
Chúng vẫn cười với nhau như trước nhưng cái giọng của chúng trở nên nhỏ, căng đến nỗi tôi phải lại gần quét dọn để nghe được rõ. Các bệnh nhân Cấp tính khác cũng tiến tới gần hơn.
"Thế chú em có muốn biết một điều khác nữa không? Có muốn biết cú mổ đầu tiên là của ai không?"
Harding chờ hắn tiếp tục.
"Của mụ y tá! Thế đấy."
Tiếng rú sợ hãi rít lên trong im lặng. Tôi nghe thấy máy móc trong tường bắt được tín hiệu và bắt đầu làm việc. Harding khó khăn lắm mới giữ nổi hai tay như cũ, nhưng hắn cố gắng giữ bình tĩnh.
"Té ra là đơn giản vậy đấy," Hắn nói. "Đơn giản đến mức ngu xuẩn. Ngài mới ở trong phân khoa có sáu tiếng đồng hồ mà đã giản lược được thực chất công việc của Freud, Jung và Maxwell Jones và tóm gọn lại trong một cái ví von: gà vịt mổ nhau trong sân gia cầm."
"Qua không nói về Fred Yoong và Maxwell Jones. Qua nói về cuộc họp của tụi bay, qua nói về việc mụ y tá và đám chết tiệt kia đã hành chú em như thế nào, đến nơi đến chốn."
" Hành tôi ư?"
"Đúng, đúng, hành. Người ta đã rửa ruột cho chú em, cạo trắng đuôi và bờm chú em. Chú em đã làm cái gì mà rước lấy cả đàn kẻ thù thế, bởi có cả đàn bám gót chú em."
"Không, thật không thể tin nổi! Ngài hoàn toàn không đếm xỉa đến, không chịu hiểu rằng họ làm tất cả những việc đó là vì tôi! Không chịu hiểu rằng tất cả mọi cuộc bàn cãi, mọi câu hỏi do các nhân viên hoặc bà Ratched đưa ra đều hoàn toàn nhằm mục đích chữa bệnh. Ngài chắc không thèm nghe một lời nào trong bài phát biểu của bác sĩ Spivey về lý thuyết Cộng đồng Trị liệu, hoặc nếu có lắng nghe chăng nữa thì do không đủ tri thức nên ngài không thể hiểu được. Tôi hoàn toàn thất vọng. Sáng nay, khi chúng ta làm quen với nhau ngài tỏ ra thông minh hơn. Vâng, có thể ngài là một thằng ngốc mù chữ, chính xác hơn, một kẻ khoác lác quê mùa và vô cảm như ngỗng, nhưng bản chất vẫn là thông minh. Tuy nhiên không ngoại trừ trường hợp sự phán đoán vẫn thường đúng đắn và sâu sắc của tôi lần này cũng có hơi nhầm lẫn."
"Cút cha mày đi, chú em ạ."
"À vâng, tôi quên nói rằng tính thô lỗ bẩm sinh của ngài cũng đã đập vào mắt tôi. Thái nhân cách cộng thêm xu hướng ưa tàn ác, dựa trên căn bản là lòng ái kỷ mù quáng. Vâng, như ngài thấy, tất cả tài năng thiên bẩm đó hiển nhiên sẽ làm ngài trở thành một điều trị viên tài giỏi và ban cho ngài đủ khả năng để chỉ trích hệ thống của bà Ratched, cho dù bà là một y tá thần kinh có tiếng và đã có hai mươi năm trong nghề. Vâng, với tài năng của ngài, thưa ngài, ngài có thể sáng tạo ra bao điều kỳ diệu trong lĩnh vực tiêm thức, an ủi được cái vô thức khốn khổ, chữa khỏi cái siêu thức đang quằn quại. Có lẽ ngài sẽ chữa được cho cả khoa, cả tụi Thực vật và những loại khác, chỉ cần sáu tháng thôi, thưa quý bà quý ông, nếu không xin hoàn tiền lại."
McMurphy không tranh cãi, chỉ nhìn Harding và cuối cùng hỏi, giọng bình tĩnh. "Thế chú em thực sự nghĩ rằng những buổi họp như của khỉ hôm nay chữa được cho ai đó hoặc mang lại lợi ích gì chăng?"
"Nếu không thì chúng ta tham dự làm gì, thưa ngài thân mến. Nhân viên bệnh viện cũng mong chúng ta khỏe mạnh không kém gì chúng ta. Họ không phải là những kẻ dã man. Cứ cho bà Ratched là một phụ nữ nghiêm khắc và không còn trẻ nữa, nhưng bà ta hoàn toàn chẳng phải là một quái vật trong sân gia cầm chỉ chực mổ vào mắt chúng ta. Chắc ngài không nghi ngờ bà ta điều đó?"
"Điều đó thì không. Bà ta không mổ vào mắt các chú em, chú em ạ. Bà ta không mổ cái đó."
Harding rùng mình và tôi thấy hai tay của hắn kẹp giữa đầu gối bắt đầu bò ra như hai con nhện trắng giữa hai khúc cây mốc meo, dọc lên đến điểm hai khúc cây nhập một.
"Không phải vào mắt?" Hắn hỏi. "Thôi xin ngài, thế bà Ratched mổ vào cái gì?"
McMurphy nhếch mép cười. "Thế chú em không biết sao?"
"Tất nhiên, tôi không biết! Nhưng nếu ngài..."
"Hòn dái của chú em đấy, chú em ạ, vào hai hòn dái vàng ngọc của chú em."
Hai con nhện đã tới giao điểm hai thân cây và dừng lại ở đấy mà run rẩy. Harding cố cười, mặt và môi hắn trắng bệch ra đến nỗi không nhìn ra nụ cười nữa. Hắn nhìn trừng vào McMurphy. McMurphy rút điếu thuốc khỏi miệng và nhắc lại.
"Vào chính hòn dái của chú em. Không, chú em, bà y tá của các chú em chẳng phải con quái vật gà gì đâu, bà ta là kẻ cắt dái. Qua đã thấy hàng nghìn người như vậy, cả già, cả trẻ, đàn ông, đàn bà. Qua đã thấy cả trên đường phố lẫn trong nhà – những người đó muốn làm cho chú em yếu ớt đi để dễ bề giam cần chú em trong khuôn khổ, thực hiện các quy tắc của họ, sống như họ sai khiến. Nhưng thực hiện việc đó thế nào để có hiệu quả nhất, làm thế nào để trói buộc chú em? Chỉ có cách đánh chú em vào chỗ đau nhất. Đã bao giờ trong khi gây lộn có kẻ thúc gối vào háng chú em chưa? Cứ như la chặt ngang người, đúng không? Không gì đau hơn. Không còn một tí sức lực nào nữa. Nếu cái đứa chống lại chú em muốn thắng chú em không phải do nó khỏe hơn mà bằng cách làm cho chú em yếu đi, lúc đó chú em cần theo dõi đầu gối của nó, nó sẽ đánh vào chỗ đau nhất đấy. Thế đấy, cái con chim ăn xác thối già cỗi của các chú em đang làm như vậy đấy, đánh vào chỗ đau nhất."
Mặt Harding vẫn trắng bệch như cũ, nhưng hắn đã kiểm soát được hai bàn tay, chúng mơ hồ vung lên trước mặt hắn xua xua những lời của McMurphy:
"Bà Ratched đáng yêu của chúng ta? Mẹ Ratched nhỏ bé dịu hiền của chúng ta, thiên thần tốt bụng ấy, lại là kẻ cắt dái ư? Hoàn toàn không thể thế được, anh bạn ạ!"
"Qua không cần lời ca về bà mẹ nhỏ bé dịu hiền đó đâu, chú em! Có thể mụ ta là mẹ thật nhưng mụ bự như cái máy ủi và sắt đá như là cái búa tạ ấy. Và hôm nay, bằng cái tiết mục mẹ già phúc hậu đó, mụ đã đánh lừa được qua khoảng ba phút khi qua tới đây đấy, nhưng không hơn. Và qua cũng không nghĩ rằng mụ đã thực sự dắt mũi được ai trong số các chú em dù là một năm hay nửa năm. Ôi, qua đã thấy bao nhiêu là chó cái trong đời mình, nhưng đây là con gian xảo hơn cả."
"Chó cái à? Nhưng một phút trước đây bà ta còn là kẻ cắt dái, sau đó lại là con chim ăn xác thối... hay là gà mái xề? Những so sánh của ngài thật là cứ choảng nhau lung tung cả lên."
"Thì cứ kệ cha chúng. Mụ vừa là chó cái và là chim ăn xác thối và là kẻ cắt dái. Chẳng phỉnh phờ qua được đâu, chú hẳn biết là qua đang nói về cái gì."
Hai tay và bộ mặt của Harding càng biến đổi nhanh hơn: cử chỉ, điệu cười mát, vẻ vờ vịt thay đổi liên tục như trong phim chiếu nhanh. Hắn càng cố gắng dừng lại thì chúng càng biến đổi nhanh hơn. Khi hắn cho phép chúng chuyển động thoải mái, không kiềm chế, thì cử chỉ và nét mặt của hắn chuyển động theo những đường đẹp mắt là khác, nhưng khi hắn nghĩ đến chúng, cố gắng kiềm chế chúng theo ý muốn thì hắn biến thành một con rối đang bị giật dây nhảy một điệu hoang dại. Hắn ngày càng giật cục nhanh hơn và giọng nói cũng gấp gáp không kém.
"Hãy nghe đây, ngài McMurphy, bạn thân và đồng nghiệp thần kinh của tôi, bà Ratched của chúng ta là một thiên thần tốt bụng thực sự, điều đó tất cả đều biết. Bà ta vô tư như ngọn gió, ngày này qua ngày khác làm công việc nhọc nhằn của mình vì tập thể năm hôm liền trong một tuần. Để làm được điều đó, bạn thân mến ạ, cần phải có lòng dũng cảm, rất dũng cảm. Ngoài ra, tôi còn được biết từ những nguồn tin cậy; tôi không được phép tiết lộ những người ấy nhưng có thể cho biết Martini cũng có quan hệ với họ suốt một thời gian dài – rằng trong những ngày nghỉ bà ta vẫn tiếp tục phục vụ nhân loại, thực hiện các công tác xã hội trong thành phố, không lấy tiền công. Bà ta chuẩn bị các loại quà tặng đắt tiền – đồ hộp, pho mát chua, xà phòng – và đem tặng đôi vợ chồng nghèo nào đó đang trong thời kỳ gặp khó khăn." Hai tay hắn loa lên trong không khí vẽ nên bức tranh như sau: "Ôi các ngài hãy nhìn xem. Bà ấy đấy, người chị của chúng ta đấy. Bà nhẹ nhàng gõ cửa. Cái giỏ bọc trong tấm lụa điều. Đôi vợ chồng trẻ tê dại đi vì sung sướng. Chồng há hốc mồm, vợ khóc nấc lên, không giấu giếm. Bà nhìn căn phòng của họ. Bà hứa sẽ gửi tiền cho họ để mua... xà phòng bột, phải. Bà đặt cái giỏ xuống giữa phòng. Và khi thiên thần của chúng ta đi ra; với những cái hôn gió và nụ cười thánh thiện – bà đã say lảo đảo vì sữa ngọt của tình hữu ái nồng cháy tạo thành trong bộ ngực vĩ đại của mình, bà choáng váng vì lòng độ lượng. Bà đã choáng váng, các ngài có nghe thấy không? Dừng lại trên ngưỡng cửa, bà còn gọi lại người vợ trẻ đang ngượng ngùng, đưa cho cô ta hai mươi đô la từ chính hầu bao của mình: ‘Hãy đi mua lấy một chiếc áo đàng hoàng mà mặc, cháu gái nghèo nàn, bất hạnh của ta ạ. Ta biết chồng cháu chẳng thể nào đủ tiền để làm việc đó. Đây tiền cho cháu đây, cầm lấy và đi mua áo đi.’ Và đôi vợ chồng trẻ biết ơn bà suốt đời vì hành động hào hiệp đó."
Hắn nói mỗi lúc một nhanh, các dây thanh đới căng ra trong họng. Rồi hắn thôi, trong phòng yên lặng như chết. Tôi chẳng còn nghe thấy một tiếng động nào ngoài tiếng sột soạt của băng từ quay đâu đó. Có lẽ, người ta đang ghi tất cả vào băng.
Harding nhìn quanh, thấy mọi người đang nhìn mình bèn rặn ra một tiếng cười. Tiếng cười nghe cứ như tiếng người ta nhổ đinh ra khỏi tấm gỗ thông tươi – iii – iii – iii. Hắn nheo nheo đôi mắt vì cái tiếng kêu the thé đó, nhưng không thể ngừng được. Tiếng cười cứ vang lên the thé, và cuối cùng hắn nấc lên. Hắn gục đầu xuống lòng bàn tay.
"Đồ chó cái, chó cái, chó cái." Hắn lẩm bẩm qua kẽ răng.
McMurphy châm điếu thuốc nữa và chìa ra cho hắn. Harding cầm lấy không nói một lời. McMurphy tiếp tục quan sát bộ mặt Harding một cách ngạc nhiên, chăm chú, tựa như lần đầu tiên trong đời nhìn thấy mặt người. Hắn vẫn nhìn đến lúc Harding dần dần thôi co giật và cuối cùng chậm chạp ngẩng đầu lên.
"Ngài nói đúng," hắn gật đầu, "từ đầu chí cuối." Hắn đưa mắt nhìn các con bệnh khác. Tất cả đều đang nhìn hắn. "Chưa có ai dám cả gan nói điều đó, nhưng không ai trong chúng tôi không nghĩ như ngài, không giấu giếm tình cảm đó trong tâm hồn sợ hãi của mình về bà ta và toàn bộ chỗ này."
McMurphy cau mày hỏi, "Thế cái gã bác sĩ làm quái gì ở đây? Hắn ta có thể hơi đần, nhưng phải nhìn thấy mụ ta làm gì và đang quay mọi người như thế nào ở đây chứ!"
Harding rít một hơi thật dài và phà khói ra mà nói, "Bác sĩ Spivey... cũng giống như chúng tôi: ông ta thừa biết sự kém cỏi của mình. Cái chú thỏ đáng thương, khiếp nhược, bất lực đó hiểu rằng mình không có khả năng lãnh đạo khoa nếu không có bà Ratched giúp sức. Khốn nạn hơn nữa, bà ta cũng hiểu rằng ông ta hiểu điều đó và cứ có dịp là lại nhắc ông ta. Ngài hãy tưởng tượng, hễ tìm ra một sơ suất nào trong sổ tay hay trong các biểu đồ là bà ta lập tức gí mũi ông ta vào đó."
"Đúng đấy!" Đó là Cheswick đang bước tới. "Bà ta cứ gí mũi chúng tôi vào những sai lầm của chúng tôi."
"Thế sao ông ta không đuổi bà ta đi?"
"Trong cái bệnh viện này, bác sĩ không có quyền thuê và đuổi việc." Harding nói. "Chỉ có thanh tra làm điều đó. Còn thanh tra lại là một phụ nữ, bạn cũ của bà Ratched; trong những năm ba mươi họ cùng làm y tá trong quân đội. Chúng ta là vật hy sinh cho chế độ mẫu hệ, anh bạn ạ, và ông bác sĩ cũng bất lực như chúng ta. Ông biết rằng, bà ta chỉ cần nhấc ống điện thoại, mà ngài thấy ở ngay cạnh tay bà ta đấy, gọi cho bà thanh tra và trong lúc nói chuyện buông ra một câu, ví dụ như, ông bác sĩ dạo này hình như yêu cầu nhiều Demerol quá..."
"Khoan, Harding, qua không hiểu hóa học."
"Demerol là một loại ma túy tổng hợp, anh bạn ạ, và gây ra hiệu ứng nhanh gấp hai lần so với heroin. Phần lớn giới bác sĩ đều dính nó."
"Chẳng nhẽ tay bác sĩ này nghiện xì ke?"
"Tôi chẳng biết."
"Thế làm sao kết tội ông ta..."
"Ngài không chú ý nghe, anh bạn ạ. Bà ta không kết tội. Bà ta chỉ cần ám chỉ, thế thôi, ngài có hiểu không. Hôm nay ngài không nhận thấy gì à? Gọi một người đến, bắt đứng ở cửa phòng trực và hỏi sao người ta lại tìm thấy giấy Kleenex dưới giường anh ta. Chỉ hỏi thế thôi. Và thế là kẻ đáng thương sẽ cảm thấy mình không thành thực, dù hắn có bảo gì. Nếu nói là để lau bút máy thì bà ta nói: ‘Hiểu rồi, để lau bút máy,’ còn nếu hắn ta bị sổ mũi thì: ‘Hiểu rồi, bị sổ mũi hả,’ rồi bà ta gật cái đầu chải cẩn thận, nở một nụ cười cũng cẩn thận như thế, quay gót vào phòng kính, còn con bệnh thì sẽ đứng đấy mà nghĩ không hiểu hắn đã làm gì với tờ giấy lau ấy."
Harding lại rung người lên và hai vai gập lại.
"Không, bà ta buộc tội làm gì. Bà ta là thiên tài về ám chỉ. Hôm qua ngài có nghe bà ta buộc tội một lần nào không, trong buổi họp? Thế mà dường như tôi bị buộc cho hàng lô tật xấu, ghen tuông, hoang tưởng, bị buộc cho tội không làm thỏa mãn vợ, có quan hệ với đám bạn đàn ông, tội cầm điếu thuốc một cách điệu bộ, thậm chí, theo cảm tưởng của tôi, cả tội giữa hai chân tôi không có gì ngoài một dúm lông, mà là dúm lông con con, trăng trắng và mềm mềm như tơ! Con mụ cắt dái ấy à? Ô, ngài chưa đánh giá hết mụ ta!"
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.