Ngày thứ hai
Mathidle tỉnh lại khi trời chưa sáng hẳn. Trong đêm, người ta đã đưa cô xuống phòng điều trị, nơi cô bắt đầu cảm thấy buồn chán. Từ mười lăm tháng nay, cường độ hoạt động căng thẳng đã là cách duy nhất để chống lại những chất cặn bã tồn tại từ một lối sống trong quá khứ, cái thời mà những tiệc rượu tràn trề thất vọng và các chất gây nghiện đã hoàn toàn chế ngự cô. Ánh đèn ne-ong nhấp nháy trên đầu khiến cô nhớ lại những giờ dài đằng đẵng chống chọi lại với cơn nghiện giày vò khiến ruột gan cô đau đớn không tả xiết. Đó là ký ức về những ngày khốn khổ khi Zofia mà không vẫn quen gọi là thiên thần hộ mệnh của mình, đã phải giữ chặt lấy tay cô. Để tồn tại, cô đã vò xé than thể mình, tự cào cấu cho tới rách da để tạo ra những vết thương mới át đi những hình phạt của các thú vui tội lỗi trong quá khứ.
Đôi khi cô vẫn như cảm thấy phía sau đầu nhói đau bởi những vết tụ máu, dấu vết còn lại từ những đêm vật vảtrong những cơn đau đớn tột cùng. Cô nhìn vào mặt trong khuỷa tay, những vết thâm do mặt kim để lại đã mờ dần từ tuần này sang tuần khác, bằng chứng cho sự ân hận của cô. Chỉ còn một nốt tím duy nhất nằm trên đường ven như nhắc nhở đó đã từng là lối vào của một cái chết chậm rãi. Zofia đẩy cửa vào phòng.
- Đúng lúc quá, - cô vừa nói vừa để bó hoa mẫu đơn lên bàn kê đầu giường.
- Đúng lúc là sao? - Mathilde hỏi.
- Chị đã nhìn thấy mặt em lúc bước chân vào đây, tinh thần em có vẻ như sắp có biến động hay giông tố. Chị đi hỏi y tá xem có lọ cắm hoa không đây.
- Ở lại đây với em. - Mathilde nói, giọng lạc đi.
- Những bông hoa mẫu đơn cũng nóng ruột chẳng kém em, chúng cần rất nhiều nước, cứ ngồi đấy, chị sẽ quay lại ngay.
Còn lại một mình trong phòng, Mathilde ngắm những bong hoa. Cô giơ bàn tay không bị thương ra vuốt ve những chiếc nhụy mịn như tơ. Những cánh hoa mẫu đơn mượt như lông mèo, Mathilde vô cùng yêu mèo. Zofia quay trở lại với một xô đầy nước, cắt ngang dòng suy nghĩ mơ mộng của bạn.
- Họ chỉ có cái này thôi; cũng chẳng sao, loài hoa này cũng không phải kén chọn lắm.
- Đây là loại hoa em thích nhất.
- Chị biết.
- Làm thế nào chị tìm được chúng vào mùa này?
- Bí mật!
Zofia nhìn bên chân bó bột rồi lại nhìn chiếc kẹp dùng để cố định cánh tay bạn. Mathilde bắt gặp cái nhìn của cô.
- Chị vẫn không hề hấn gì sao? Thật ra chuyện gì đã xảy ra vậy nhỉ? Em hoàn toàn chẳng nhớ gì cả. Chị em mình đang nói chuyện, rồi chị đứng dậy, còn em thì vẫn ngồi đó, và rồi sau đó tất cả đều chìm trong bóng tối.
- Không... gas đã bị rò rỉ từ lớp trần giả trong nhà hàng! Em sẽ phải ở lại đây bao lâu?
Các bác sĩ có thể cho phép Mathilde xuất viện ngay ngày mai, nhưng cô không đủ tiền thuê người giúp việc tại nhà mà tình trạng của cô hiện chưa thể tự làm gì được. Khi Zofia chuẩn bị ra về, Mathilde trào nước mắt.
- Đừng bỏ em lại đây, mùi thuốc sát trùng làm em phát điên mất. Em đã trả giá đủ rồi, em thề với chị. Em không chịu được nữa rồi. Em vô cùng sợ bị chìm đắm thêm một lần nữa, đến nỗi em đã phải giả vờ uống những viên thuốc an thần mà họ phát cho em. Em biết em là một gánh nặng đối với chị, nhưng hãy đưa em ra khỏi đây, Zofia, ngay bây giờ!
Zofia quay lại bên bạn và vuốt trán cô để an ủi và xoa dịu cơn kích động đang làm toàn thân cô run lên. Cô hứa với Mathilde sẽ làm hết sức mình để sớm tìm ra một giải pháp. Cô sẽ quay lại thăm vào cuối buổi chiều.
Sau khi ra khỏi bệnh viện, Zofia ra khu cảng, một ngày bận rộn đang chờ đón cô. Thời gian trôi rất nhanh: cô có một nhiệm vụ phải hoàn thành và một vài người cần tới sự che chở của cô mà cô không thể bỏ rơi. Cô phải tới thăm người bạn già vô gia cư của mình. Jules đã tách mình khỏi thế giới mà chưa bao giờ biết được con đường nào đã đưa ông tới gầm cầu nhánh số 7 mà ông đã chọn làm nơi cư trú của mình... Chỉ là một chuỗi bất hạnh mà cuộc sống đã dành cho ông. Một đợt cắt giảm nhân sự tại chỗ làm đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông. Một lá thư đơn giản đã được gửi đến báo tin ông không còn là thành viên của một công ty lớn mà ông đã cống hiến cả cuộc đời mình.
Ở tuổi năm mơi tám, con người ta vẫn còn rất trẻ... và ngay cả khi các công ty mỹ phẩm đồng loạt tuyên bố rằng khi tuổi sáu mươi đến gần, con người vẫn còn cả cuộc đời ở phía trước nếu biết trân trọng vẻ đẹp của chính mình, thì bộ phận nhân sự của công ty ông lại chẳng hề tin vào điều đó khi họ đánh giá khả năng cống hiến của các nhân viên. Chính vì thế mà Jules Minsky đã rơi vào cảnh thất nghiệp. Một nhân viên bảo vệ đã tịch thu tấm thẻ ra vào tòa nhà nơi ông đã trải qua nhiều thời gian trong đời hơn cả trong chính ngôi nhà của ông. Không nói với ông một lời, một người đàn ông mặc đồng phục đã tháp tùng ông vào tận phòng làm việc. Dưới ánh nhìn câm lặng của các đồng nghiệp, ông đã thu dọn đồ đạc của mình. Vào một ngày trời mưa tầm tã, Jules đã ra đi, hành lý duy nhất mang theo là một hộp giấy đựng đồ đạc cá nhân, sau ba mươi hai năm trời trung thành cống hiên.
Cuộc đời của Jules Minsky, nhà thống kê say mê nghiên cứu toán học ứng dụng, cuối cùng đã gói gọn trong những phép tính số học đơn giản và không hoàn chỉnh: một phép cộng những ngày cuối tuần cắm đầu vào những tập hồ sơ mà quên đi cuộc sống của chính mình; một phép chia bị áp đặt bởi quyền lợi của những người sử dụng sức lao động của ông (ai cũng tự hào vì được làm việc cho họ, các nhân viên coi nhau như thành viên của một gia đình lớn trong đó mỗi người đều có một vị trí để bám trụ và một trách nhiệm riêng phải hoàn thành); một phép nhân những sự nhục mạ và những ý tưởng bị gạt bỏ bởi một số người nắm quyền lực không chính thống; và cuối cùng là một phép trừ quyền được kết thúc sự nghiệp của mình một cách xứng đáng. Giống như một phép cầu phương của đường tròn, sự tồn tại của Jules đã bị quy về một phương trình vô nghiệm với đầy những bất công.
Suốt quãng đời tuổi thơ, Jules Minsky vẫn thường thích lân la tới những bãi thải sắt vụn, nơi những chiếc máy ép khổng lồ đang nghiến bẹp xác những chiếc ô tô cũ. Để xua đi nỗi cô đơn luôn ám ảnh ông trong những đêm dài, ông vẫn thường hình dung về cuộc sống đầy đủ của anh chàng chuyên viên mới đã phá hoại sự nghiệp của mình và "đánh giá" rằng anh ta chỉ đáng là một thứ đồng nát. Các thẻ tín dụng của ông đã bị phong tỏa vào mùa thu, tài khoản của ông trong ngân hàng đã không thể qua khỏi mùa đông, và ông đã phải từ bỏ căn nhà của mình trong mùa xuân. Mùa hè tiếp đó, ông đã phải hy sinh tất cả cho một đam mê lớn bằng cách dốc hết tiền cho một chuyến du lịch cuối cùng. Rồi chẳng biết từ bao giờ, một con người mang tên Jules Minsky đã chọn gầm cầu nhánh số 7, ngay dưới bến số 80 của khu cảng thương mại San Francisco, làm nơi cu trú của mình. Chẳng mấy chốc ông sẽ có thể kỷ niệm mười năm sống dưới bầu trời đầy sao sáng. Ông luôn sẵn lòng kể cho bất kỳ ai muốn nghe rằng vào cái ngày ông phải rời bỏ mọi thứ, thật sự ông đã chẳng hề cảm thấy gì.
Zofia nhìn vết thương đang rỉ nước dưới chỗ toạc của ống quần bằng vải tuýt len kẻ ô vuông.
- Bác Jules, bác phải đi khám chân bác đi!
- Ôi thôi, cháu đừng nhiều chuyện nữa, cái chân này có sao đâu!
- Nếu bác không rửa vết thương ấy ngay, chỉ trong vòng một tuần nó sẽ nhiễm trùng và gây hoại thư, bác biết rõ điều đó mà!
- Ta đã phải chịu đựng vết thương lớn nhất trong cuộc đời rồi, con gái ạ. Thêm hay bớt một vết thương nữa thì có sá gì! Hơn nữa, từ bao lâu nay ta vẫn cầu Chúa tới đưa ta đi, có lẽ ta cũng nên hợp tác với Người một chút chứ. Nếu mỗi lần có chuyện gì ta cũng vội càng chạy chữa ngay, thì việc gì còn phải khẩn nài số phận đưa ta rời khỏi mặt đất đáng nguyền rủa này! Cháu thấy không, cái vết thương này có thể sẽ là vé vào cửa của thế giới bên kia đấy.
- Ai đã nhồi nhét những ý nghĩ ngốc nghếch ấy vào đầu bác vậy?
- Chẳng ai cả, nhưng đúng là có một gã trai trẻ thường lảng vảng ở đây rất đồng tình với ý kiến đó của ta. Ta rất thích tán phét với gã. Mỗi lần nhìn thấy gã, ta như nhìn thấy hình ảnh của mình thời trai trẻ. Gã mặc đúng những bộ quần áo mà ta vẫn thường mặc cái thời mà ta chưa phải khoác bộ cánh rác bươm để thòi cả những gì trong túi ra ngoài. Ta dạy cho gã những điều hay, còn gã thì truyền cho ta những lời u ám, một cuộc trao đổi có đi có lại, cháu thấy không, và điều đó làm ta khuây khỏa.
Không có tường bao quanh, cũng chẳng có mái che, không ai để thù hận, không có thức ăn để trước cửa mà cũng chẳng có những chấn song sắt để mơ tưởng sẽ cưa đi để vượt ngục... hoàn cảnh sống của Jules Minsky còn tồi tệ hơn cả của một tù nhân. Mơ ước có thể trở thành xa xỉ khi người ta phải vật lộn với cuộc sống. Ban ngày, phải bới rác tìm thức ăn, mùa đông, phải đi bộ không ngừng để chống lại liên minh chết chóc giữa cái lạnh và cơn buồn ngủ.
- Bác Jules, cháu sẽ đưa bác tới nhà tình thương!
- Ta cứ tưởng cháu làm việc trong đội bảo an của cảng, chứ có phải cho Đội Cứu trợ Tình thương đâu!
Zofia phải dùng hết sức kéo cánh tay của người hành khất để lôi ông đứng dậy. Ông chẳng hề muốn nhượng bộ song cuối cùng cũng đành theo cô ra tới xe. Cô mở cửa xe, Jules đứng vuốt râu, ngập ngừng. Zofia nhìn ông, im lặng. Những nếp nhăn hài hòa quanh đôi mắt màu xanh nước biển bộc lộ một tâm hồn giàu cảm xúc. Quanh đôi môi dày luôn mỉm cười của ông như hiện lên những hình vẽ về một cuộc sống mà sự nghèo đói chỉ tồn tại ở dáng vẻ bên ngoài.
- Xe của cháu sẽ bốc mùi mất thôi, vì cái chân đáng nguyền rủa này mà đã nhiêu ngày nay ta chẳng thể lết tới chỗ có thể tắm rửa được!
- Bác Jules ạ, nếu người ta bảo tiền bạc không có mùi thì một chút nghèo khổ làm sao có thể bốc mùi được? Bác đừng tranh luận nữa và lên xe đi!
Sau khi đã gửi ông vào nhà tình thương, cô quay lại bến cảng. Dọc đường, cô ghé về nhà gặp bà Sheridan : cô có một việc quan trọng cần nhờ tới bà. Cô gặp bà ngay ngoài hiên. Reine đang cần mua một vài thứ trong cái thành phố nổi tiếng với những con phố dốc ngược mà mỗi bước đi quả là một thách thức đối với một người có tuổi, gặp được Zofia vào giờ này quả là một điều kỳ diệu đối với bà. Zofia đề nghị bà lên xe rồi vội vã chạy lên nhà mình. Cô vào phòng, liếc qua hộp thư thoại và nhận thấy không có một tin nhắn nào để lại cho mình nên lại vội vàng chạy xuống. Trên đường đi, cô kể chuyện cho Reine nghe, bà đồng ý cho Mathilde ở nhờ cho tới khi cô bình phục. Chỉ cần tìm được cách đưa cô lên tầng trên và một vài cánh tay khỏe mạnh để lôi chiếc giường sắt từ phòng áp mái xuống.
Ngồi thoải mái trong quán cà phê tại số 666 Phố Chợ, Lucas nguệch ngoạc vài con tính lên mặt bàn bằng foóc-mi-ca. Hắn vừa thu xếp được một công việc mới trong tập đoàn bất động sản lớn nhất California. Hắn nhúng chiếc bánh ngọt thứ bảy vào tách cà phê kem, chúi đầu vào mỗi cuốn sách rất hay kể chuyện về sự phát triển của Silicon Valley: Một dải đất rộng, chỉ trong vòng ba mươi năm đã trở thành trung tâm chiến lược hàng đầu thế giới về công nghệ cao và được coi là lá phổi của tin học toàn cầu. Đối với một chuyên gia về thay đổi lý lịch như hắn, để được nhận vào làm chỉ là một việc đơn giản đến mức nhàm chán, song hắn đã bắt đầu phát cuồng vì háo hức chuẩn bị cho một kế hoạch xảo quyệt.
Hôm trước, trên chuyến bay từ New York, một bài báo trong tờ San Francisco Chronicle nói về tập đoàn bất động sản A&H đã thu hút sự chú ý của Lucas: bộ mặt béo múp của ngài phó tổng giám đốc đã gần như choán hết ống kính trong bức ảnh minh họa. Ed Heurt, chữ H trong A&H, người chỉ giỏi vênh vang trong các buổi phỏng vấn hay các cuộc họp báo, đã không ngớt tán dương những đóng góp to lớn của tập đoàn mình đối với sự nghiệp phát triển kinh tế khu vực. Con người này từ hai mươi năm nay đã nhòm ngó ghế nghị sĩ nên không bỏ qua một cơ hội nào xuất hiện trước công chúng. Ông ta đang chuẩn bị khánh thành một các rất hoành tráng mùa câu cua bể vào Chủ nhật tới. Chính trong dịp này Lucas đã gặp Ed Heurt.
Cuốn sổ điện thoại đầy ấn tượng với tên và địa chỉ liên lạc của các nhân vật quyền lực mà Lucas đã khéo kéo nhắc tới trong cuộc trò chuyện đã khiến hắn trở thành người xứng đáng với chức danh cố vấn phó tổng giám đốc vừa mới được lập ra cho hắn. Cơ chế hoạt động của chủ nghĩa cơ hội không có gì là bí mật đối với Ed Heurt và một thỏa thuận đã được thông qua ngay trước khi nhân vật số hai của tập đoàn kịp nuốt gọn chiếc càng cua bể được chấm đẫm xốt mayonne trộn nghệ và làm nước xốt dây đầy ra ngực áo vét.
Lúc này là mười một giờ sáng, và trong một giờ nữa Ed sẽ giới thiệu Lucas với người cùng hùn vốn của ông ta, Antonio Andric, chủ tịch tập đoàn.
Chữ A trong A&H, với cánh tay sắt bọc nhung, điều hành hệ thống kinh doanh rộng lớn mà ông ta đã khéo léo gây dựng trong nhiều năm. Năng khiếu bẩm sinh về kinh doanh địa ốc cộng với sự miệt mài khó ai bì kịp trong công việc đã giúp Antonio Andric phát triển được một tập đoàn khổng lồ với hơn ba trăm nhân viên môi giới và cũng khoảng chừng ấy nhân viên kế toán, luật sư, trợ lý.
Lucas ngập ngừng trước khi quyết định dừng lại ở chiếc bánh ngọt thứ tám. Hắn búng ngón cái gọi một tách cà phê cappucino. Vừa gặm chiếc bút phớt màu đen trong tay, hắn vừa tra cứu tập giấy trước mặt và tiếp tục suy nghĩ. Những số liệu thống kê mà hắn lấy được từ phòng dữ liệu tin học của A&H thật đáng kinh ngạc.
Vừa nhúng chiếc bánh vào tách sô-cô-la, hắn vửa rút ra kết luận rằng không có cách nào có thể thuê, bán hoặc mua một tòa nhà hay một mảnh đất trong khắp thung lũng mà không phải giao dịch với tập đoàn mà kể từ tối hôm qua hắn đã trở thành một nhân sự. Tấm biển quảng cáo cùng với khẩu hiệu trứ danh của tập đoàn: "Bất động sản thông minh" đã giúp hắn hoàn thiện kế hoạch.
A&H như một thực thể có hai cái đầu, gót chân Achille của nó nằm ở mối kết nối của hai cái đầu này. Chỉ cần hai bộ não của tổ chức này cùng ham muốn một thứ là chúng sẽ tự đấu với nhau. Nếu Andric và Heurt cùng tranh giành nhau bánh lái thì chẳng mấy chốc con tàu sẽ đi chệch hướng. Cú đắm bất ngờ của tập đoàn A&H sẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nghiệp chủ háu đói, kéo theo sự bất ổn của thị trường bất động sản trong khu thung lũng, nơi các khoản tiền thuê nhà đóng một vai trò chủ chốt trong hoạt động kinh doanh. Phản ứng liên hoàn sẽ nhanh chóng gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính và các doanh nghiệp trong vùng sẽ bị bóp nghẹt trong thời gian rất ngắn.
Lucas nghiên cứu một vài dữ liệu để đặt ra giả thiết: khả năng dễ xảy ra nhất là rất nhiều doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại trước sự tăng giá đột xuất tiền thuê nhà cùng lúc với sự giảm giá của cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường tài chính. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất, những tính toán của Lucas cũng cho thấy ít nhất sẽ có khoảng mười nghìn người mất việc làm; một con số đủ để bóp nghẹt nền kinh tế trong vùng và gây ra sự nghẽn mạch tuyệt vời nhất mà chưa ai từng hình dung nổi đối với Lá phổi của tin học toàn cầu.
Trong lĩnh vực tài chính, sự chắc chắn bao giờ cũng chỉ thoáng qua trong khi nỗi nghi ngờ thì luôn thường trực, hàng tỷ đô la mà Wall Street đang đầu tư vào các công ty công nghệ cao sẽ tan thành mây khói chỉ trong vài tuần, tạo nên một cơn nhồi máy cấp tính cho trái tim của cuộc gia.
- Toàn cầu hóa thật ra cũng rất có lợi, - Lucas nói với cô phục vụ bàn khi cô mang tới thêm cho hắn một tách sô-cô-la nóng.
- Thế nghĩa là sao, có phải anh định dùng một sản phẩm xuất xứ Hàn Quốc để tẩy đi những vết bẩn mà anh bôi ra kia không? - Cô vừa hỏi với vẻ nghi hoặc vừa nhìn những nét nguệch ngoạc trên bàn.
- Tôi sẽ lau sạch trước khi đi! - Hắn vừa làu bàu vừa tiếp tục với những toan tính của mình.
Người ta vẫn nói rằng chỉ cần một cái vẫy cánh của một con bướm cũng có thể tạo nên một trận gió xoáy, Lucas sẽ chứng minh rằng định lý này cũng có thể áp dụng trong kinh tế. Cơn khủng hoảng tại nước Mỹ sẽ nhanh chóng lan tới châu Âu và châu Á. A&H sẽ là con bướm, và các bến cảng trong thành phố rất có thể sẽ là sân khấu cho chiến công ngoạn mục của hắn.
Sau khi đã tỉ mẩn gạch nát mặt bàn foóc-mi-ca bằng một chiếc dĩa ăn, Lucas bước ra khỏi quán cà phê và đi một vòng quanh tòa nhà. Hắn ngắm thấy một chiếc Chrysler hai chỗ đậu trên phố và nhanh chóng mở khóa xe. Tới ngã tư, hắn nhấn nút để mui xe tự động gấp vào phía trong khoang. Vừa lái xuống bãi để xe ngầm của nơi làm việc mới, Lucas vừa với tay lấy điện thoại di động. Hắn dừng lại trước mặt nhân viên đậu xe và thân thiên ra dấu cho anh chờ hắn kết thúc cú điện thoại. Cố tình nói thật to, hắn kể cho một nhân vật tưởng tượng ở đầu dây bên kia rằng hắn đã tình cờ bắt gặp Ed Heurt đang giảng giải cho một cô nhà báo xinh đẹp hiểu rằng bộ não thực sự của tập đoàn chính là ông ta, còn người cộng tác của ông ta chỉ xứng đáng là đôi chân! Lucas nối tiếp bằng một tràng cười giòn giã, mở cửa xe và đưa chìa khóa cho chàng trai trẻ trong lúc anh ta chỉ cho hắn thấy ổ khóa xe đã bị hỏng.
- Tôi biết rồi, - Lucas nói, vẻ bực bội. - chẳng còn chỗ nào có thể đậu xe an toàn được nữa cả!
Anh nhân viên đậu xe, không hể bỏ sót một lời nào của cuộc hội thoại, nhìn theo bóng hắn đi xa dần về phía sảnh tòa nhà. Anh ta sẽ đưa chiếc xe mui trần ra chỗ đậu bằng tất cả sự chuyên nghiệp và quan trọng... chính anh ta chứ chẳng phải ai khác là người được viên trợ lý của ngài Antonio Andric hàng ngày tin cẩn giao cho đậu chiếc xe 4x4. Tin đồn chỉ cần hai tiếng đồng hồ đã leo lên tới tận tầng chín và cũng là tầng cao nhất của tòa nhà số 666 Phố Chợ, trụ sở chính của tập đoàn A&H; giờ nghỉ ăn trưa đã làm tin đồn này tạm dừng lan tỏa. Vào lúc mười ba giờ mười bảy phút, Antonio Andric giận điên cuồng bước vào phòng làm việc của Ed Heurt, đến mười ba giờ hai mươi chín phút, cũng chính Antonio vừa bước ra khỏi đó vừa đóng sập cửa lại. Ông ta gào lên trong hành lang rằng "đôi chân" sẽ ra sân gôn thư giãn và "bộ não" chỉ có việc thay thé điều hành buổi họp hàng tháng với các giám đốc kinh doanh.
Lucas nháy mắt vẻ đồng lõa với anh nhân viên đậu xe khi quay lại lấy xe. Một tiếng nữa mới đến giờ hắn hẹn gặp Ed Heurt, hắn vẫn còn đủ thời gian đi sắm một vài thứ đồ. Đột nhiên hắn rất muốn đổi xe ô tô, và theo cái cách hắn vẫn áp dụng để loại bỏ những chiếc xe đã dùng, thì bến cảng quả là nằm cách đây không xa.
Zofia đưa Reine đến hiệu làm đầu và hẹn hai tiếng sau sẽ quay trở lại đón bà. Trong thời gian đó cô sẽ tới dạy giờ lịch sử tại trung tâm đào tạo dành cho người khiếm thị. Các học trò của Zofia đồng loạt đứng dậy khi cô bước vào.
- Không cần phải kiểu cách quá đâu, dù sao tôi cũng là người trẻ nhất trong lớp này, xin mời tất cả mọi người ngồi xuống!
Lớp học ngồi xuống trong tiếng xì xào và Zofia bắt đầu phần tiếp theo của bài giảng. Cô mở cuốn sách chữ nổi đặt trên bàn và bắt đầu đọc. Zofia rất thích cách đọc những dòng chữ lần lượt lướt qua dưới các đầu ngón tay, và những câu chuyện cứ sống động dần lên dưới lòng bàn tay. Cô rất ngưỡng mộ thế giới của những người khiếm thị, rất bí hiểm đối với những người tự cho là mình nhìn rõ mọi thứ, cho dù họ lại thường mù quáng trước nhiều điều rất cơ bản. Đến lúc chuông reo, cô đã hoàn thành bài giảng của mình và hẹn gặp các học viên vào thứ Năm tuần tới. Cô quay ra lấy xe rồi đến đón Reine và đưa bà về nhà. Rồi cô lại lái thêm một vòng thành phố để đưa Jules từ trạm xá quay về khu bến cảng. Chỗ băng bó ở đùi khiến cho ông có vẻ giống như một tên cướp biển, và ông chẳng hề che giấu sự tự hào khi cô nhận xét với ông như vậy.
- Cháu có vẻ đang băn khoăn điều gì thì phải? - Jules hỏi.
- Không, cháu chỉ hơi quá bận thôi.
- Lúc nào mà cháu chẳng bận rộn, ta đang chờ nghe cháu nói đây.
- Bác Jules này, cháu đã chấp nhận một lời thách đố rất kỳ quặc. Nếu như bác phải làm một việc gì đó vô cùng tốt, một điều gì đó sẽ có khả năng thay đổi cả thế giới này, thì bác sẽ lựa chọn thế nào?
- Nếu ta là một người theo chủ nghĩa không tưởng, hoặc nếu ta tin vào phép lạ, thì ta sẽ nói với cháu rằng ta sẽ xóa bỏ nạn đói, diệt trừ các loại bệnh tật, không để cho bất cứ một người nào có thể xâm phạm tới trẻ em. Ta sẽ hòa hợp tất cả các tôn giáo với nhau, sẽ thổi một làn sóng mênh mông chan chứa lòng khoan dung lên khắp mặt đất, và ta nghĩ có lẽ ta cũng sẽ làm cho sự nghèo khổ hoàn toàn biến mất. Phải, ta sẽ làm tất cả những điều đó... nếu ta là Chúa Trời!
- Thế đã bao giờ bác tự hỏi vì sao Người lại không làm như vậy chưa?
- Cháu cũng biết rõ như ta, tất cả những điều đó không phụ thuộc vào ý muốn của Người mà là do ước vọng của những con người mà Chúa đã phó thác Trái Đất vào tay họ. Chẳng ai có thể đại diện cho một cái tốt quá lớn, Zofia ạ, đơn giản là vì trái với cái xấu, cái tốt không thể định hình. Chẳng thể nào tính toán hoặc tâng bốc cái tốt mà không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa và sự cao đẹp của nó. Cái tốt được cấu thành bởi hằng hà sa số những sự ân cần nho nhỏ, mà cứ tích lũy dần dần, thì rồi cuối cùng, một ngày nào đó, sẽ có thể thay đổi thế giới. Hãy đề nghị một người nào đó kể ra tên năm con người đã từng làm những việc giúp cho sự tiến bộ của nhân loại. Ta chẳng biết nữa, thí dụ như người đầu tiên trong những người theo chủ nghĩa dân chủ, người phát minh ra thuốc kháng sinh, hoặc một nhà bảo vệ hòa bình. Một điều rất đáng ngạc nhiên là sẽ có rất ít người có thể kể tên họ ra, trong khi người ta lại có thể dễ dàng liệt kê ra năm tên độc tài. Người ta thuộc tên tất cả các bệnh nguy hiểm nhất, song lại chẳng mấy khi nhớ tên những người đã tìm ra cách điều trị những căn bệnh đó. Khi cái xấu lên đến tột đỉnh vinh quang của nó thì cũng sẽ là ngày tận thế, song dường như mọi người lại chẳng hề để ý rằng tột đỉnh vinh quang của cái tốt đã được chinh phục... vào chính cái ngày Chúa tạo ra thế giới.
- Thế nhưng nếu nói vậy, thì bác sẽ làm gì để hoàn thành một điều tốt và tiến tới cái tốt hơn, bác Jules?
- Ta sẽ làm đúng điều cháu đang làm! Ta sẽ cố hết sức để mang lại cho những người xung quanh niềm hy vọng. Vừa mới đây thôi, cháu đã sáng tạo ra một điều kỳ diệu mà cháu không hề nhận thấy!
- Cháu đã làm gì cơ ạ?
- Khi đi ngang qua vòm cầu của ta, cháu đã mỉm cười với ta. Một lát sau đó, tay thám tử vẫn thường tới đây ăn trưa lái xe đi ngang qua, cậu ta nhìn ta với cẻ cau có cố hữu. Ánh mắt của ta và cậu ta đã gặp nhau, ta đã trao lại cho cậu ta nụ cười của cháu, và khi cậu ta quay trở ra, ta đã nhìn thấy, cậu ta vẫn còn mang nụ cười ấy trên môi. Như vậy, có thể hy vọng rằng, cậu ta sẽ tiếp tục chuyển nó cho một anh chàng hoặc một cô nàng mà cậu ta sẽ gặp sau đó. Giờ thì cháu đã hiểu mình làm được gì chưa? Cháu đã phát minh ra một loại vắc-xin chống lại cảm giác khó chịu. Nếu tất cả mọi người đều hành động như vậy, dù mỗi ngày chỉ một lần thôi, gửi đi một nụ cười, thì cháu thử hình dung xem hạnh phúc sẽ lan ra trên khắp trái đất này như thế nào? Và như thế có nghĩa là cháu sẽ chiến thắng lời thách đố kia.
Ông già Jules bụm miệng ho.
- Nhưng thôi. Ta đã bảo cháu rằng ta không phải là người theo chủ nghĩa không tưởng mà. Vì vậy, ta đành phải tự hài lòng mà cảm ơn cháu đã đưa ta về đây.
Người hành khất già bước ra khỏi xe, và trở về chỗ trú ẩn của mình. Ông quay lại, khẽ giơ tay vẫy Zofia.
- Cho dù cháu có đang tự đặt cho mình những câu hỏi gì đi chăng nữa, thì cũng nên tin vào linh cảm của cháu và tiếp tục những gì cháu đang làm.
Zofia nhìn ông vẻ băn khoăn dò hỏi.
- Bác Jules, trước khi tới sống ở nơi này, bác đã làm gì?
Ông già biến mất dưới vòm cầu mà không trả lời câu hỏi của cô.
Zofia ghé quán Fisher's Deli thăm Manca, đã sắp tới giờ ăn trưa, và lại thêm một lần nữa trong ngày hôm nay, cô có việc cần nhờ tới một người. Viên đốc công vẫn chưa hề đụng tới đĩa thức ăn. Zofia ngồi vào bàn.
- Anh không ăn món trứng chưng đi à?
Manca cúi thấp người thì thầm vào tai cô:
- Khi Mathilde không có mặt ở đây, thức ăn ở quán này chẳng có chút mùi vị nào cả.
- Thật trùng hợp, tôi đến đây tìm anh cũng là để nói chuyện về cô ấy.
Nửa tiếng đồng hồ sau, Zofia rời khu bến cảng cùng với người đốc công và bốn công nhân bốc xếp. Đi ngang qua vòm cầu số 7, cô giật mình. Cô nhận ra người đàn ông trong bộ com-lê lịch lãm đang hút xì gà cạnh ông Jules. Cả hai người công nhân bốc xếp ngồi cùng xe với cô và hai người khác đi trong chiếc xe tải nhỏ đều hỏi cô sao bỗng nhiên lại phanh gấp như vậy. Cô không đáp, nhấn ga và lái thật nhanh về phía bệnh viện Memorial.
Hai ngọn đèn pha của chiếc Lexus mới cứng và bóng nhoáng liền bật sáng khi xe bắt đầu chui vào đường hầm. Lucas rảo bước về phía cánh cửa dẫn tới cầu thang bộ. Hắn nhìn đồng hồ đeo tay, vẫn còn sớm mười phút.
Hai cánh cửa thang máy mở ra ở tầng chín. Hắn vòng lại để đi qua cửa phòng làm việc của người trợ lý cho Antonio Andric, tiến thẳng vào trong phòng và ngồi ghé lên góc bàn. Chị chẳng buồn ngước mắt nhìn lên và tiếp tục gõ lên bàn phím máy tính.
- Chị là người tuyệt đối tập trung trong công việc, có phải không?
Elizabeth mỉm cười với hắn và tiếp tục công việc của mình.
- Chị có biết rằng ở châu Âu, luật pháp có quy định rõ số giờ làm việc không? Ở Pháp, - Lucas tiếp lời, - thậm chí người ta còn cho rằng làm việc quá ba mươi lăm giờ một tuần sẽ gây ảnh hưởng xấu tới điều kiện sống của con người.
Elizabeth đứng dậy lấy cho mình một tách cà phê.
- Thế nếu anh muốn làm việc nhiều hơn thì sao? - Chị hỏi
- Cũng không được! Ở Pháp người ta rất coi trọng nghệ thuật sống!
Elizabeth lại ngồi vào trước màn hình máy tính và nói chuyện với Lucas bằng giọng hờ hững.
- Năm nay tôi bốn mươi tám tuổi, tôi đã ly dị chồng, cả hai đứa con tôi đều đang học đại học, tôi sở hữu một căn hộ ở Sausalito và còn có căn nhà nghỉ cuối tuần xinh xắn bên bờ hồ Tahoe, chỉ hai năm nữa là tôi sẽ hoàn thành việc trả góp tiền mua căn nhà đó. Nói tóm lại, tôi chẳng bao giờ tính thời giờ tôi làm việc tại đây. Tôi yêu thích công việc đang làm, còn hơn là đi lang thang ở các cửa hàng để rồi chợt nhận ra rằng tôi vẫn chưa làm việc đủ để có thể mua những gì mình thích. Còn người Pháp thì cũng phải nhắc để anh nhớ rằng họ ăn cả ốc sên cơ đấy! Ông Heurt đang ở trong phòng làm việc và anh có hẹn với ông ấy lúc mười bốn giờ... rất may là bây giờ cũng vừa đúng mười bốn giờ rồi đấy!
Lucas tiến về phía cửa. Trước khi bước ra hành lang, hắn quay người lại.
- Chắc chị chưa bao giờ nếm thử món bơ trộn tỏi nghiền, nếu không thì chị sẽ chẳng bao giờ nói như vậy!
Zofia đã chuẩn bị để Mathilde xuất viện sớm hơn dự định. Mathilde đã đồng ý ký giấy xin xuất viện, và Zofia đã phải hứa cho dù chỉ có một dấu hiệu bất thường nhỏ, cô cũng sẽ đưa bạn quay trở lại phòng cấp cứu. Ông trưởng khoa chỉ đồng ý cho Mathilde xuất viện với điều kiện kết quả tái khám lúc mười lăm giờ sẽ không cho thấy điều gì trái ngược với diễn biến khả quan về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Bốn người công nhân bốc xếp chờ đón Mathilde ở bãi đậu xe của bệnh viện. Họ đùa giỡn nhau về sự mỏng manh của lô hàng cần chuyên chở: họ dùng tất cả các từ vựng của ngành bốc xếp để ví Mathilde với một công-ten-nơ hàng. Họ cẩn thận đặt cô nằm lên một chiếc cáng mà họ đã chuẩn bị sẵn ở khoang sau chiếc xe tải nhỏ. Zofia cố gắng lái xe chậm hết sức có thể, song chỉ cần xe hơi xóc một chút là vết thương ở đùi của Mathilde lại nhói đau lan lên tới tận khớp háng. Phải mất nửa tiếng đồng hồ xe mới về tới nhà.
Các công nhân bốc xếp vác chiếc giường bằng kim loại từ phòng áp mái xuống và đặt nó vào phòng khách của Zofia. Manca đẩy nó tới sát cửa sổ và đặt một chiếc đôn bên cạnh thay cho bàn ngủ. Sau đó họ bắt đầu chậm rãi đưa Mathilde lên tầng, những người công nhân bốc xếp nâng cáng của Mathilde lên và di chuyển theo sự điều khiển của Manca. Cứ mỗi lần họ lên được một bậc thang, Zofia lại siết chặt các ngón tay vào nhau khi nghe thấy Mathilde hét lên vì sợ hãi. Đám đàn ông ra sức trấn an bằng cách hát váng lên. Hai cô gái cũng phải bật cười theo họ khi cuối cùng cáng cũng lên khỏi cầu thang. Hết sức thận trọng, họ đặt cô gái phục vụ bàn mà họ quý mến nhất vào chiếc giường mới của cô.
Zofia mời mọi người ăn trưa để cảm ơn. Manca nói không cần thiết phải như vậy, Mathilde luôn chăm chút cho họ khi cô làm việc ở quán Deli nên họ cũng muốn có dịp đền đáp lại. Zofia liền đưa họ quay về khu cảng. Khi chiếc xe đi khỏi, bà Reine liền pha hai tách cà phê cùng một vài chiếc bánh nướng đặt trong một chiếc cốc bạc chạm trổ rồi đi lên tầng trên.
Rời khỏi bến tàu số 80, Zofia quyết định đi đường vòng một chút. Cô bật radio và dò tìm sóng cho tới khi giọng ca của Louis Armstrong bay bổng trong khoang xe. What a wonderful world là một trong những bài hài mà cô yêu thích nhất. Cô khẽ nhẩm hát cùng người nam ca sĩ gạo cội của dòng nhạc blue. Chiếc xe Ford rẽ ngay góc các kho hàng và chạy thẳng về phía dãy gầm cầu nằm dọc những lối đi mọc đầy những chiếc cần cẩu khổng lồ. Cô nhấn ga, và khi băng qua gờ giảm tốc, chiếc xe nảy lên bần bật. Cô mỉm cười và hạ kính xe xuống thật thấp. Gió thổi làm tóc cô bay tung lên, cô đưa tay xoay núm chỉnh âm thanh, bài hát lại càng trở nên bay bổng và vang xa. Phấn khởi, cô thích thú lái xe len lỏi giữa các cột an toàn... cho tới tận vòm cầu số 7. Khi nhìn thấy ông Jules, cô liền giơ tay lên vẫy và được ông đáp trả ngay bằng một cái vẫy tay. Ông chỉ còn có một mình... thế là Zofia tắt ngay radio đi, nâng kính xe lên và đổi hướng chạy về phía cổng.
Heurt rời khỏi phòng họp dành cho ban cố vấn trong tiếng vỗ tay xảo quyệt của ban giám đốc lúc này vẫn còn hơi hoảng trước những lời hứa hẹn mà họ vừa được nghe. Tự tin rằng mình là người lão luyện trong việc tuyên truyền quảng bá, Ed đã biến buổi họp bàn về kinh doanh gần như thành một buổi họp báo, thả sức mô tả chi tiết dự định của ông ta về việc khuếch trương trên diện rộng. Đứng trong thang máy lên tầng chín, Ed thấy lâng lâng như đang đứng trên mây: suy cho cùng việc quản lý con người cũng chẳng có gì là quá phức tạp cả; nếu cần thiết ông hoàn toàn có thể một mình lèo lái cả tập đoàn. Phấn khích phát điên, ông giơ nắm tay đấm thẳng lên trời tỏ dấu hiệu của chiến thắng.
Trái bóng golf đã làm lá cờ nhỏ thoáng lung lay trước khi biến mất. Antonio Andric vừa mới thành công một cú "phát một" trên địa hình "phân bốn". Phát điên vì sung sướng, ông ta giơ nắm đấm lên trời tỏ dấu hiệu chiến thắng.
Khoái chí, Lucas đưa nắm tay về phía mặt đất tỏ dấu hiệu chiến thắng: vị phó tổng giám đốc đã thành công trong việc gieo rắc một nỗi hoang mang chưa từng thấy cho những người điều hành tập đoàn của ông ta, và tâm trạng bối rối của họ chắc chắn sẽ nhanh chóng lan tới các cấp dưới.
Ed đứng chờ hắn gần máy bán đồ uống tự động, ông ta dang rộng hai cánh tay khi nhìn thấy hắn.
- Buổi họp thật tuyệt vời, phải không? Tôi chợt nhận ra rằng tôi đã bỏ rơi lính tráng của mình quá thường xuyên! Cần phải chấn chỉnh việc này mới được, mà nhân tiện, tôi có việc phải nhờ đến anh đây.
Ngay tối hôm nay Ed hẹn gặp một nữ phóng viên có nhiệm vụ phải viết bài về ông ta cho một tờ báo địa phương. Lần này thì ông ta đành phải hy sinh nghĩa vụ của mình đối với báo chí để ưu tiên cho các cộng tác viên trung thành của mình. Ông ta vừa mới gửi lời mời ăn tối tới giám đốc phát triển, giám đốc tiếp thị và bốn giám đốc trong hệ thống kinh doanh. Vì giữa ông ta và Antonio đang có chút va chạm, nên ông ta không muốn thông báo cho cộng sự về ý tưởng của mình và để mặc cho Antonio được tận hưởng một buổi tối nghỉ ngơi thực thụ mà chắc ông này đang rất cần. Nếu Lucas có thể thay ông ta tới thực hiện buổi phỏng vấn, thì coi như hắn đã giúp ông ta một việc lớn; hơn nữa những lời khen ngợi của một người ngoài bao giờ nghe cũng có vẻ thuyết phục hơn. Ed tin tưởng vào hiệu quả công việc của viên cố vấn mới, ông ta thân mật vỗ vai động viên hắn. Bàn ăn đã được đặt sẵn vào lúc hai mươi mốt giờ tại nhà hàng Simbad, một nhà hàng đặc sản biển ở Fisherman's Wharf: một khung cảnh mang hơi hướm lãng mạn, món cua bể tuyệt ngon, giá cả không thấp chút nào, bài viết chắc hẳn sẽ rất hùng hồn.
Sau khi đã thu xếp xong việc di chuyển Mathilde, Zofia quay trở lại bệnh viện Memorial, nhưng lần này cô vào một khoa khác. Cô đi vào tòa nhà số 3 và leo thang bộ lên tầng ba.
Khoa nội trú bệnh nhi như thường lệ vẫn trong tình trạng quá tải. Ngay khi cậu bé Thomas nhận ra tiếng bước chân của cô từ cuối hành lang, khuôn mặt cậu đã sáng bừng lên. Đối với cậu, các ngày thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần luôn là những ngày trời không u ám. Zofia vuốt má cậu, ngồi ghé cạnh giường bệnh, gửi một cái hôn gió vào lòng bàn tay và thổi về phía cậu (đó là tính hiệu riêng giữa cô và cậu bé),rồi bắt đầu đọc tiếp trang sách có đánh dấu góc. Không ai được phép động vào cuốn sách mà cô vẫn cất trong ngăn kéo bàn đầu giường của cậu bé sau mỗi lần cô tới thăm. Thomas canh chừng nó như một kho báu. Chính bản thân cậu bé cũng không tự cho phép mình đọc một chữ nào khi không có cô. Cậu bé với cái đầu trọc lốc hiểu rõ hơn ai hết giá trị của khoảnh khắc kỳ diệu. Chỉ một mình Zofia mới có thể đọc cho cậu nghe câu chuyện đó. Không gì có thể bớt xén được, dù chỉ một phút, những câu chuyện cổ tích về chú thỏ Theodore. Giọng đọc trầm bổng của cô khiến cho mỗi dòng chữ đều trở nên quý giá. Đôi khi cô đứng dậy, hết đi dọc lại đi ngang trong căn phòng; mỗi bước sải chân lại kèm theo những cái khoát tay hay điệu bộ diễn cảm khiến cậu bé bật lên những tràng cười như nắc nẻ. Trong suốt một tiếng đồng hồ kỳ diệu ấy, các nhân vật trong câu chuyện trở nên sống động trong căn phòng, sự sống dường như mạnh mẽ hơn trong cậu. Ngay cả khi mở choàng mắt ra, Thomas cũng không còn nhớ tới những bức tường, nỗi sợ và đau đớn nữa.
Cô gấp cuốn sách lại, cất nó vào đúng chỗ và nhìn Thomas đang nhíu mày.
- Sao bỗng nhiên trông cháu có vẻ nghĩ ngợi thế?
- Không ạ, - cậu bé trả lời.
- Có phải trong câu chuyện có gì cháu chưa hiểu không?
- Vâng ạ.
- Điều gì vậy? - Cô vừa nói vừa cầm tay cậu bé lên.
- Sao cô lại đọc truyện này cho cháu nghe?
Zofia không biết dùng lời nào để diễn giải câu trả lời của mình, còn Thomas nhoẻn miệng cười.
- Cháu biết đấy, - cậu bé nói.
- Nếu vậy thì cháu nói cho cô nghe đi nào.
Cậu bé đỏ mặt, vân vê các nếp gấp của tấm ga trải giường bằng vải bông giữa các đầu ngón tay. Cậu thì thầm:
- Bởi vì cô yêu cháu!
Lần này thì đến lượt hai má Zofia đỏ bừng.
- Cháu nói đúng, đó chính là từ mà cô đang tìm kiếm, - cô nói bằng giọng dịu dàng.
- Tại sao người lớn không phải lúc nào cũng nói ra sự thật?
- Bởi vì đôi khi nó làm cho họ sợ hãi, - cô nghĩ thế.
- Nhưng cô không giống họ, có phải không ạ?
- Nói đúng ra là cô cố hết sức mình, Thomas ạ.
Cô nâng cằm cậu bé lên rồi ôm lấy cậu. Cậu bé vùi mình vào vòng tay của cô và ôm cô thật chặt. Âu yếm cậu bé xong, Zofia tiến ra cửa, nhưng cậu bé lại gọi với theo cô:
- Cháu sẽ chết phải không ạ?
Thomas nhìn cô dò hỏi, Zofia chăm chú nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của cậu.
- Có thể như vậy.
- Sẽ không phải nếu có cô ở đây, thứ Sáu cô nhớ đến nhé, - cậu bé nói.
- Thứ Sáu gặp lại, - Zofia vừa trả lời vừa thổi một nụ hôn vào lòng bàn tay.
Cô lại đi theo con đường ra bến cảng để kiểm tra độ an toàn của tiến trình bốc dỡ các kiện hàng. Cô tiến gần tới chồng thùng hàng đầu tiên, một chi tiết đã thu hút sự chú ý của cô: cô quỳ xuống kiểm tra tem an toàn vệ sinh đảm bảo cho việc tôn trọng tiêu chuẩn môi trường lạnh. Miếng dán đã chuyển sang màu đen. Ngay lập tức Zofia rút máy bộ đàm ra và chuyển sang kênh số 5. Phòng dịch vụ an toàn thú y không có ai trả lời máy. Chiếc xe tải thùng lạnh đang đứng chờ ở đầu đường chẳng mấy chốc sẽ chở số hàng hóa kém chất lượng này tới rất nhiều nhà hàng trong thành phố. Cô phải tìm ra cách giải quyết thật nhanh. Cô liền xoay núm chuyển sang kênh số 3.
- Anh Manca, tôi Zofia đây, anh đang ở đâu thế?
Cái máy kêu rè rè.
- Trên chòi gác, - Manca đáp, - và thời tiết rất đẹp nếu như cô vẫn còn nghi ngờ vào điều đó! Tôi gần như có thể nhìn thấy cả bờ biển Trung Quốc!
- Tàu Vasco-de-Gama đang trả hàng, anh có thể đến đây ngay lập tức không?
- Có vấn đề gì sao?
- Tôi nghĩ để chờ anh đến đây mới nói thì hay hơn, - cô đáp và tắt máy.
Cô đứng chờ Manca dưới chân chiếc cần cẩu đang cẩu những lô hàng từ trên tàu xuống mặt đất, vài phút sau anh lái một chiếc Fenwich đến.
- Nào, tôi có thể giúp được gì cho cô? - Manca hỏi.
- Ở trên móc chiếc cần cẩu kia có năm thùng tôm không ăn được.
- Rồi sao?
- Anh thấy rồi đấy, chẳng ai trực bên bộ phận vệ sinh an toàn cả và tôi không thể nào liên lạc được với họ.
- Đúng là ở nhà tôi có hai con chó và một con chuột lợn, song không phải vì thế mà tôi có thể thành bác sĩ thú y. Hơn nữa, cô thì biết gì về các loài động vật giáp xác ấy cơ chứ ?
Zofia chỉ cho anh xem miếng dán làm bằng chứng.
- Lũ tôm này chẳng có gì là bí ẩn đối với tôi cả! Nếu chúng ta không xử lý ngay, thì tốt nhất là tối nay không nên đi ăn đồ biển tại các nhà hàng trong thành phố...
- Thì đúng rồi, nhưng cô muốn tôi làm gì bây giờ, ngoài việc ngồi nhà ăn bò bít-tết?
- ... Mà cũng không thể để cho bọn trẻ ăn trưa ở bếp ăn tập thể ngày mai được!
Câu nói ấy không hề bâng quơ chút nào, Manca không thể nào chịu được nếu có ai đó đụng tới dù chỉ là sợi tóc của một đứa trẻ, đối với anh trẻ con là thượng đế. Anh vừa xoa cằm vừa nhìn cô chăm chú trong giây lát.
- Thôi được, tôi đồng ý! - Manca vừa nói vừa với lấy bộ đàm của Zofia.
Anh đổi tần số của máy để có thể liên lạc với người lái cần cẩu.
- Samy, cậu cho cần cẩu quay ra phía biển ngay!
- Anh đấy à, Manca? Tôi đang có ba trăm cân hàng ở đầu cẩu, có thể chờ một chút được không?
- Không!
Chiếc cần cẩu chậm rãi xoay đi, kéo theo cả kiện hàng đang chầm chậm đung đưa. Nó dừng lại thẳng đứng trên mặt nước.
- Tốt! - Manca nói vào micro. - Giờ thì tôi sẽ chuyển máy cho cậu nói chuyện với đội trưởng đội bảo an, cô ấy vừa mới phát hiện ra một khiếm khuyết rất lớn trong kiện hàng của cậu. Cô ấy sẽ ra lệnh cho cậu thả rơi kiện hàng ngay bây giờ để cậu không phải chịu trách nhiệm cá nhân, rồi cậu cũng sẽ làm ngay theo lệnh của cô ấy bởi vì nghề của cô ấy là làm những việc như vậy!
Anh vừa đưa trả máy cho Zofia vừa mở miệng cười hết cỡ. Zofia ngập ngừng rồi khẽ ho trước khi đưa ra mệnh lệnh. Một tiếng động khô khốc vang lên, rồi móc cẩu bắt đầu nhả ra. Những thùng tôm hỏng rơi tõm xuống nước. Manca quay về với chiếc Fenwich. Anh khởi động máy nhưng quên mất là vẫn cài số lùi và húc đổ những thùng gỗ nằm dưới đất. Anh dừng lại ngang chỗ Zofia đứng.
- Nếu đêm nay lũ cá bị ốm hết thì là việc của cô nhé, tôi không muốn nghe nói đến chuyện đó đâu đấy! Cả giấy tờ bảo hiểm cũng thế!
Rồi anh lái xe đi khuất theo con đường rải nhựa.
Chiều buông xuống dần. Zofia băng ngang thành phố, tiệm bánh mì nơi có bán những chiếc bánh hạnh nhân ưa thích của Mathilde nằm trên đỉnh phía Bắc Richmond, đường số 45. Cô cũng tranh thủ mua thêm vài thứ khác.
Một tiếng sau Zofia trở về nhà, hai tay khệ nệ vác đồ và leo lên cầu thang. Cô lấy chân đẩy cánh cửa, cô hầu như chẳng nhìn thấy gì phía đằng trước và đi thẳng ra sau bàn bếp. Cô vừa thở vừa đặt những gói đồ màu nâu xuống mặt bàn gỗ và ngẩng đầu lên: bà Reine và Mathilde đang nhìn cô với vẻ rất lạ.
- Cháu có thể biết điều gì làm hai người cười được không? - Zofia hỏi.
- Bác và em có cười đâu! - Mathilde trấn an.
- Bây giờ thì chưa... nhưng nhìn mặt hai người, chị dám cá là hai người đang chuẩn bị cười.
- Cháu được tặng hoa! - Bà Reine rì rầm nói qua đôi môi mím chặt.
Zofia chăm chú quan sát hết người nọ sang người kia.
- Bác Reine đã để hoa vào trong phòng tắm! - Mathilde nói thêm, giọng nghèn nghẹt.
- Tại sao lại để trong buồng tắm? - Zofia hỏi, vẻ ngờ vực.
- Chắc để chúng có đủ độ ẩm, em đoán thế! - Mathilde đáp lại, gần như phá lên cười.
Zofia kéo tấm màn che bồn tắm ra và nghe bà Reine nói thêm:
- Cái loại thực vật này cần rất nhiều nước!
Sự yên lặng đột ngột trở lại trong căn phòng. Tới khi Zofia hỏi không biết ai đã tử tế tới mức gửi hoa súng cho cô, thì tiếng cười của bà Reine vỡ bung ra trong phòng khách, tiếp ngay sau đó là giọng của Mathilde. Phải cố gắng lắm bà Reine mới có thể tạm trấn tĩnh để nói thêm rằng trên mép bồn rửa mặt còn có một lời nhắn. Bối rối, Zofia gỡ tờ giấy ra.
Tôi rất lấy làm tiếc vì có việc đột xuất buộc tôi phải dời buổi hẹn ăn tối của chúng ta lại. Để xin lỗi, tôi muốn hẹn gặp cô vào lúc 19h30 tại quầy bar Hyatt Embarcadero, chúng ta có thể cùng nhau thưởng thức chút rượu khai vị. Mong cô sẽ tới, sự có mặt của cô vô cùng quan trọng đối với tôi.
Mẩu danh thiếp được ký tên Lucas. Zofia vo nó lại và ném vào thùng rác. Cô quay trở lại phòng khách.
- Thế nào, ai vậy? - Mathilde vừa nói vừa chùi má.
Zofia bước về phía tủ quần áo và kéo thật mạnh cánh cửa tủ. Cô xỏ chiếc áo khoác, với lấy chùm chìa khóa để trên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa ra vào, quay người lại nói với bà Reine và Mathilde rằng cô rất vui khi thấy hai người họ ngồi với nhau rồi rời khỏi phòng. Trên bàn bếp có đầy đủ mọi thứ để chuẩn bị cho bữa tối. Cô có việc bận nên sẽ về muộn. Cô cố tình nghiêng người chào họ rồi biến mất. Mathilde và bà Reine còn nghe một tiếng "xin chào" lạnh như băng từ dưới cầu thang vọng lên, ngay trước khi cánh cửa chính đóng sập lại. Tiếng động cơ xe Ford mất hút sau đó một vài giây. Mathilde nhìn bà Reine và không giấu nổi nụ cười còn đọng trên khóe môi.
- Bác có nghĩ là chị ấy tự ái không?
- Cháu chưa bao giờ nhận được hoa súng, phải không?
Bà Reine đưa tay chùi khóe mắt.
Zofia lái xe rất dứt khoát. Cô bật radio và làu bàu.
- Thế ra anh ta coi mình là một con ếch.
Tới ngã tư của Đại lộ số 3, cô giận dữ đánh tay lái, bất ngờ nhấn còi xe. Qua lớp kính phía trước xe, một người đi bộ có cử chỉ không mấy lịch sự ra hiệu vẫn còn chưa hết đèn đỏ. Zofia thò đầu ra cửa sổ và hét lên với ông ta:
- Xin lỗi, loài ếch bị mù màu mà lại!
Cô lái xe như điên về phía bến cảng.
- Một việc đột xuất tai hại, nha nha nha, anh ta tự cho mình là ai mới được chứ !
Khi Zofia đến bến cảng số 80, người gác cảng từ trong phòng trực đi ra. Manca nhắn anh muốn gặp cô ngay lập tức. Cô nhìn đồng hồ rồi rảo bước về phía phòng dành cho các đốc công. Vừa bước vào phòng, nhìn nét mặt của Manca cô biết ngay đã xảy ra tai nạn: anh xác nhận với cô một thợ bốc vác cảng tên Gomez đã bị ngã. Rất có khả năng chiếc thang bị hỏng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn của ông ta. Lớp rơm mỏng rải trên sàn khoang tàu hầu như không đỡ được chút gì cho cú sốc, ông đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong các đông nghiệp của ông ta. tai nạn không xảy ra trong phiên trực của Zofia song không phải vì thế mà cô cảm thấy không có trách nhiệm đối với việc này. Kể từ lúc xảy ra chuyện không may, bầu không khí càng trở nên căng thẳng và những tin đồn về một cuộc đình công đã bắt đầu được truyền đi giữa các bến từ số 96 đến số 80. Để trấn an mọi người, Manca đã hứa sẽ giữ con tàu lại bến. Nếu như kết quả điều tra xác nhận những gì mọi người nghi ngờ thì giới nghiệp đoàn sẽ đảm nhận vai trò của bên nguyên để theo kiện chủ tàu. Trong thời gian chờ đợi, để thảo luận xem một cuộc đình công vào lúc này liệu có chính đáng hay không, Manca đã mời ba người đứng đâu Liên đoàn Công nhân Bến cảng ngay tối nay. Vẻ mặt nghiêm trọng, Manca viết vội địa chỉ nhà hàng lên mẩu giấy xé tạm từ cuốn sổ tay.
- Nếu cô có thể đến cùng chúng tôi thì tốt, tôi đã đặt chỗ lúc chín giờ.
Anh đưa tờ giấy cho Zofia, cô chào tạm biệt anh.
Làn gió lạnh rít trên bến cảng quất vào hai má cô. Cô hít một hơi làn khí lạnh như băng rồi từ từ thở ra. Một con hải âu tới đậu lên sợi cáp neo đang kêu ken két vì bị kéo quá căng. Chú chim cúi đầu và nhìn chăm chăm vào Zofia.
- Cậu đấy à, Gabriel? - Cô rụt rè hỏi.
Con hải âu bay vút lên không trung và kêu một tiếng thật to.
- Không, không phải cậu rồi...
Vừa đi men theo bờ nước, cô vừa có một cảm giác trước nay chưa từng có, giống như một tấm voan buồn bã từ đâu đó vương vấn trong đám bụi nước.
- Cháu không khỏe hả?
Giọng nói của ông Jules khiến cô giật nảy mình.
- Cháu không nghe thấy tiếng bác đi đến.
- Còn ta thì có đấy, - ông lão vừa nói vừa bước lại gần cô. - Cháu làm gì ở đây vào giờ này thế, có phải phiên trực của cháu đâu!
- Cháu đến để ngẫm nghĩ về một ngày cứ liên tục xảy ra nhiều chuyện trục trặc.
- Nếu vậy thì đừng có tin vào vẻ bề ngoài, cháu biết thừa là vẻ bề ngoài thường rất dễ gây nhầm lẫn mà.
Zofia nhún vai và ngồi xuống bậc đầu tiên của cầu thang đá dẫn xuống bờ nước. Ông Jules cũng ngồi xuống bên cạnh cô.
- Chân bác không đau ạ? - Cô hỏi.
- Cháu đừng để ý đến cái chân của ta có được không! Nào, có chuyện gì không hay thế?
- Cháu nghĩ là cháu mệt quá thôi.
- Cháu có bao giờ mệt đâu... nói cho ta nghe đi nào!
- Cháu chẳng biết mình bị làm sao nữa, bác Jules ạ... cháu cảm thấy hơi nản...
- Vậy là phải rồi!
- Tại sao bác lại nói thế?
- Chẳng có gì cả, ta chỉ nói vu vơ thế thôi! Thế cái cảm giác buồn chán này từ đâu mà ra thế?
- Cháu chẳng biết nữa.
- Chẳng ai nhìn thấy nỗi buồn đến như thế nào bao giờ, nó tự dưng xuất hiện và rồi một buổi sáng nó lại ra đi, chẳng ai biết bằng cách nào.
Ông tìm cách đứng dậy, cô đưa tay ra để ông vịn vào làm điểm tựa. Ông nhăn mặt khi đứng lên.
- Bây giờ là bảy giờ mười lăm phút... ta nghĩ là cháu phải đi thôi.
- Sao bác lại nói thế?
- Đừng có hỏi ta câu đó nữa! Cứ cho là vì đã muộn rồi đi. Chúc cháu một buổi tối vui vẻ, Zofia.
Ông bước đi mà không hề khập khiễng. Trước khi chui vào mái vòm của mình, ông quay lại hỏi cô:
- Thế nỗi buồn của cháu là tóc vàng hay tóc đen?
Rồi ông Jules biến mất trong bóng tối, để lại một mình cô trên bãi đậu xe.
Mấy vòng đầu chiếc chìa khóa cứ xoay mà chẳng mang lại kết quả gì: những đèn pha của chiếc Ford chỉ vừa đủ soi sáng phần mũi tàu đối diện. Tiếng máy khởi động chỉ to gần bằng tiếng khoai tây nghiền bằng tay. Cô bước ra khỏi xe, sập thật mạnh cánh cửa rồi tiến về phía trạm gác.
- Khỉ thật! - Cô vừa nói vừa dựng cổ áo lên.
Mười lăm phút sau, một chiếc taxi thả cô xuống chân tòa nhà Trung tâm Embarcadero. Zofia chạy lên những cầu thang cuốn dẫn tới sân trong của khu khách sạn. Ở đó, cô vào thang máy đi thẳng một mạch lên tầng cao nhất.
Quầy bar với tầm nhìn toàn cảnh đang chậm rãi quay tròn quanh trục. Cứ như vậy chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, người ta có thể chiêm ngưỡng đảo Alcatraz phía Đông, bãi vịnh Bridge phía Nam, những thành lũy tài chính và những tòa tháp cao ngất của chúng ta ở phía Tây. Ánh mắt của Zofia cũng có thể bắt gặp cây cầu Golden Gate khổng lồ nối liền hai dải đất xanh rờn từ Presidio đến những mỏm đá phủ đầy cây bạc hà mọc nhô trên Sausalito... với điều kiện cô phải được ngồi đối diện với cửa kính, nhưng Lucas đã ngồi yên vị ở chỗ đó từ lúc nào...
Hắn gấp tấm danh mục rượu cocktail rồi búng ngón tay gọi người phục vụ. Zofia cúi đầu xuống. Lucas nhổ ra lòng bàn tay cái hạt mà hắn đang dùng lưỡi xoay vần.
- Giá cả ở đây đắt một cách vô lý, song phải thừa nhận rằng tầm nhìn ở đây thật tuyệt vời, - hắn vừa nói vừa nhét một quả ô-liu nữa vào miệng.
- Phải, anh nói đúng, cảnh quan ở đây khá đẹp, - Zofia nói. - Thậm chí hình như tôi còn thấy lấp ló một góc Golden Gate trong dải kính nhỏ xíu trước mặt tôi. Trừ khi đó là bóng phản chiếu của cánh cửa phòng vệ sinh, vì nó cũng có màu đỏ mà.
Lucas thè lưỡi ra và cố dùng mắt nhìn vào đầu lưỡi khiên đôi mắt hắn trở nên lác xệch, hắn nhón lấy cái hạt bóng nhẫy, thả nó xuống chiếc cốc nhỏ đựng bánh mì rồi kết luận:
- Dù sao đi nữa thì trời cũng tối rồi, phải không?
Người phục vụ run rẩy đặt lên bàn một ly martini, hai đĩa cua trộn rồi vội vã bỏ đi.
- Anh có thấy anh ta hơi căng thẳng quá không? - Zofia hỏi.
Lucas đã phải chờ cái bàn này khoảng mười phút và đã mắng mỏ chàng trai trẻ.
- Tin tôi đi, với giá cả ở đây, cô có quyền được đòi hỏi!
- Chắc chắn anh phải có một tấm thẻ tín dụng mạ vàng? - Zofia độp lại.
- Hoàn toàn đúng! Sao cô biết vậy? - Lucas hỏi, vẻ vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.
- Những tấm thẻ ấy thường làm cho chủ nhân của chúng trở nên lỗ mãng... Hãy tin tôi, số tiền thanh toán thường chẳng liên quan gì đến mức lương của những người làm việc ở đây.
- Đó cũng là một quan điểm, - Lucas vừa nói vừa nhai tóp tép quả ô-liu thứ n.
Kể từ lúc đó, hắn liên tục yêu cầu lúc thì thêm hạt hạnh nhân... thêm một ly rượu nữa... khi thì một chiếc khăn sạch... hắn cố gắng thốt ra một vài lời cảm ơn nghèn nghẹt dường như có thể khiến cổ họng hắn bốc cháy. Zofia lo lắng vì hắn có vẻ không được khỏe, hắn liền bật một tràng cười giòn giã. Tất cả mọi thứ đều đang tốt đẹp như không thể nào hơn được nữa, hắn cảm thấy thực sự hạnh phúc vì đã gặp được cô. Sau khi nhai thêm mười bảy quả ô-liu nữa, hắn thanh toán tiền mà không để lại xu tiền boa nào cho người phục vụ. Trước khi ra khỏi nhà hàng, Zofia kín đáo nhét một tờ năm đô la vào tay người phục vụ vừa mới lái xe tới cho Lucas.
- Tôi đưa cô về chứ ? - Hắn nói.
- Không, cảm ơn anh, tôi sẽ gọi ta-xi.
Bằng một cái khoát tay điệu bộ, Lucas mở cánh cửa dành cho người ngồi phía trên.
- Cô lên xe, tôi đưa cô đi.
Chiếc xe mui trần lao vút đi. Lucas khiến động cơ xe kêu vù vù, nhét chiếc đĩa vào máy nghe nhạc lắp trên xe. Nở một nụ cười rộng tới mang tai, hắn rút một chiếc thẻ tín dụng Platinium ra khỏi túi áo kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ mà ve vẩy.
- Cô nên thừa nhận rằng chúng không phải chỉ toàn nhược điểm.
Zofia chăm chú nhìn hắn một vài giây. Nhanh như chớp, cô rút tấm thẻ nhựa màu vàng đang kẹp giữa hai đầu ngón tay hắn và ném qua cửa sổ.
- Hình như người ta còn có thể làm lại chúng chỉ trong vòng hai mươi tư giờ! - Cô nói.
Chiếc xe rít lên trong tiếng lốp xe miết trên mặt đường, Lucas phá lên cười.
- Khiếu hài hước đúng là một chất gây nghiện ở đàn bà!
Khi chiếc xe đậu ghé trước bến chờ ta-xi, Zofia quay chìa trong ổ điện để cắt đứt tiếng ồn điếc tai của động cơ. Cô bước xuống và nhẹ nhàng đóng cửa xe lại.
- Cô có chắc là không muốn tôi đưa về tận nhà không? - Lucas hỏi.
- Cảm ơn anh, nhưng tôi có hẹn rồi. Tuy nhiên, tôi có một việc nhỏ muốn nhờ anh giúp đỡ.
- Cô muốn gì cũng được!
Zofia cúi người qua cửa sổ của Lucas.
- Anh có thể chờ đến khi tôi đi khuất chỗ rẽ rồi hẵng để cho chiếc máy cắt cỏ siêu hạng của anh khởi động có được không?
Cô lùi lại một bước, hắn chụp lấy cổ tay cô.
- Tôi đã có một khoảnh khắc tuyệt đỉnh, - Lucas nói.
Hắn đề nghị cô chấp nhận dời bữa ăn tối bị lỡ vào một lần khác. Những thời khắc đầu tiên của một buổi gặp gỡ bao giờ cũng căng thẳng và khó khăn đối với hắn, vì hắn vốn là người nhút nhát. Cô cần phải cho cả hai thêm cơ hội để tìm hiểu về nhau rõ hơn. Zofia băn khoăn không biết nên định nghĩa thế nào về sự nhút nhát.
- Không thể đánh giá con người chỉ qua ấn tượng ban đầu được, cô công nhận không?
Có một chút gì đó rất quyến rũ trong giọng nói của hắn... Cô nhận lời ăn trưa, chỉ thế thôi! Rồi cô quay gót và tiến về phía chiếc ta-xi đỗ nơi đầu bến. Chiếc V12 của Lucas đã bắt đầu rền máy sau lưng cô.
Chiếc ta-xi ghé vào dọc vỉa hè. Dàn chuông gác nhà thờ Grace rung lên hồi thứ chín. Zofia bước vào nhà hàng Simbad, cô đến đúng giờ hẹn. Cô gập thực đơn lại, đưa trả cho cô phục vụ rồi uống một ngụm nước, quyết định đi thẳng vào trọng tâm vấn đề đã khiến cô đến ngồi bên chiếc bàn này. Cô phải thuyết phục những người đứng đầu nghiệp đoàn để dập tắt phong trào đình công ở khu cảng.
- Cho dù các anh có ủng hộ họ thì công nhân của các anh cũng chẳng thể nào chịu được quá một tuần không có lương. Nếu hoạt động ngưng trệ thì hàng hóa chỉ còn nước đổ bộ vào phía bên kia vịnh. Các anh sẽ giết chết họ mất thôi, - cô nói bằng giọng chắc chắn.
Hoạt động thương mại ở đây bị cạnh tranh quyết liệt bởi Oakland, khu cảng đối thủ nằm ngay cạnh đó. Một đợt đình công mới rất dễ dẫn đến sự bỏ đi của các doanh nghiệp vận tải. Sự thèm thuồng của các nhà tài phiệt từ mười năm nay dòm ngó những mảnh đất đẹp nhất thành phố đã được đẩy lên đến đỉnh điểm, chẳng cần phải chơi trò Cô bé quàng khăn đỏ với những mùi thơm của cuộc đình công từ giỏ bốc lên.
- Chuyện này đã xảy ra ở New York và Maltimore, nó cũng có thể xảy đến với chúng ta ở đây, - cô nói tiếp, vô cùng tin tưởng vào lý do mình đưa ra.
Mà nếu các cảng thương mại phải đóng cửa thì hậu quả sẽ không chỉ nghiêm trọng đối với đời sống của các công nhân cảng. Chẳng mấy chốc, những đoàn xe tải ngày đêm nối đuôi nhau qua cầu sẽ làm tắc nghẽn các lối vào bán đảo. Những người đi làm sẽ phải ra khỏi nhà sớm hơn và sẽ trở về nhà muộn hơn nữa. Chả cần đến sáu tháng, rất nhiều người trong số họ sẽ chán nản mà bỏ về phía Nam.
- Cô không nghĩ là cô đang ấn nút chai hơi sâu quá hả? - Một trong những người đàn ông hỏi. - Đây chỉ là việc thương lượng lại tiền bồi thường rủi ro thôi mà! Hơn nữa tôi nghĩ các đồng nghiệp bên Oakland cũng sẽ ủng hộ chúng tôi.
- Đó chính là cái mà người ta vẫn gọi là lý thuyết bươm bướm vẫy cánh, - Zofia nhấn mạnh và xé một mẩu khăn trải bàn bằng giấy.
- Bươm bướm thì có liên quan gì tới chuyện này? - Manca hỏi.
Người đàn ông mặc bộ com-lê đen ngồi phía sau quay người lại để xen vào câu chuyện của họ. Máu trong người Zofia như đông lại vì cô nhận ra đó là Lucas.
- Đây là một nguyên tắc địa vật lý cho rằng sự vận động vẫy cánh của một chú bướm ở châu Á khiến cho không khí chuyển động gây tương tác có thể tạo thành một cơn lốc tàn phá các bờ biển ở Florida.
Các đại diện nghiệp đoàn lần lượt nhìn nhau, ngơ ngác và cũng chẳng nói năng gì. Manca nhúng khúc bánh mì vào xốt mayonne và khịt mũi trước khi lên tiếng:
- Chẳng thà làm một lũ ngốc ở Việt Nam, có thể tận dụng cơ hội để đốt rụi sâu bọ, chí ít ra cũng không đến nỗi chẳng được việc gì!
Lucas gật đầu chào Zofia và quay lại với cô nhà báo đang phỏng vấn hắn ở bàn bên cạnh. Khuôn mặt Zofia đỏ lựng như gấc. Một trong số ba người đứng đầu nghiệp đoàn hỏi cô có phải bị dị ứng với đồ biển hay không, nhưng cô chưa hề đụng tới chút thức ăn nào. Cô cảm thấy hơi buồn nôn, cô thanh minh, và đề nghị họ chia nhau ăn giúp cô đĩa thức ăn. Cô xin họ hãy suy nghĩ kĩ trước khi mắc phải một sai lầm vô phương cứu chữa, rồi cô xin lỗi: cô thật sự cảm thấy không được khỏe.
Ai nấy đều đứng lên khi cô rời khỏi bàn. Khi đi ngang, cô cúi người về phía người phụ nữ và nhìn chằm chằm vào mặt cô ta. Ngạc nhiên, cô ta hơi lùi người lại, thiếu chút nữa thì ngã ngửa ra đằng sau. Zofia nở một nụ cười gượng ép với cô ta.
- Chắc anh ta phải thích cô ghê lắm thì mới chịu nhường cho cô vị trí nhìn ra cửa sổ! Mà phải rồi, tóc cô màu vàng mà! Chúc một buổi tối vui vẻ... công việc mà... chúc cả hai người!
Cô quả quyết bước về phía quầy gửi áo khoác, Lucas vội vã đuổi theo, tóm lấy cánh tay cô và kéo cô quay lại.
- Cô làm sao thế?
- Công việc, anh không biết đánh vần hay sao? Cờ... ông... công, vờ... iếc... viếc... nặng... việc! Chẳng có chút riêng tư nào trong đó! Ấy vậy mà chỉ cần cố một tí thôi thì người ta cũng có thể làm cho nó thành có đấy!
- Đó là một nhà báo!
- Phải, tô cũng là nhà báo: Chủ nhật hàng tuần, tôi chép lại những gì ghi trong sổ tay hàng ngày vào nhật ký riêng của tôi.
- Nhưng Amy là một nhà báo thực thụ!
- Và chính phủ dạo này có vẻ rất bận rộn vì phải họp hành với Amy!
- Hoàn toàn đúng, mà cô đừng có nói ầm lên như thế, cô sẽ làm tôi bị lộ vỏ bọc mất thôi!
- Vỏ bọc cái tờ tạp chí của cô ta chứ gì? Anh nhớ mời cô ta món tráng miệng đấy, tôi thấy trong thực đơn có món chưa tới sáu đô-la đâu!
- Tôi đang nói đến cái vỏ bọc cho công tác của tôi cơ mà, trời ạ!
- Đây quả đúng là một tin tốt lành! Sau này, khi tôi đã trở thành bà, tôi sẽ kể cho các cháu của tôi nghe rằng có một buổi tối tôi đã ngồi nhấm nháp rượu khai vị với James Bond! Khi nào về hưu, chắc anh cũng có quyền được tiết lộ bí mật quốc gia chứ, phải không?
- Thôi, đủ rồi đấy! Theo như tôi thấy, cô cũng có ăn cơm với ba cô bạn gái thời đi học đâu!
- Thú vị, anh quả là một con người thú vị, Lucas ạ, mà ngay cả vị khách mời của anh cũng vậy, - cô nói. - Cái đầu tuyệt đẹp của cô ta cắm trên cái cổ chim trông mới duyên dáng làm sao. Cô ta thật may mắn: chỉ bốn mươi tám tiếng đồng hồ nữa thôi cô ta sẽ nhận được một cái lồng tuyệt vời kết bằng vỏ liễu.
- Câu này chắc chắn muốn ám chỉ điều gì đây! Cô không thích bó hoa súng của tôi phải không?
- Ngược lại là đằng khác! Tôi còn cảm thấy hãnh diện vì anh đã không gửi tới cho tôi một cái bể cá kèm theo một cái thang nhỏ để trèo vào! Thôi, anh quay lại đi, cô nàng của anh có vẻ bứt rứt rồi đấy! Thật đáng sợ nếu một người phụ nữ cảm thấy chán khi ngồi cùng bàn với một người đàn ông, tin tôi đi, tôi luôn biết rất rõ những điều tôi nói.
Zofia quay gót, cánh cửa nhà hàng khép lại sau lưng cô. Lucas nhún vai, liếc nhanh về phía bàn nơi Zofia vừa rời khỏi rồi quay trở lại với người khách của hắn.
- Ai vậy? - Cô nhà báo hỏi vẻ sốt ruột.
- Một người bạn.
- Có lẽ tôi đang nhúng mũi vào một chuyện chẳng liên quan gì đến mình, nhưng cô ấy trông chẳng có vẻ gì giống một người bạn của anh cả.
- Đúng vậy, cô đang can thiệp vào chuyện không liên quan gì tới cô!
Suốt bữa tối, Lucas không ngớt lời ca ngợi công lao của cấp trên mình. Hắn giải thích rằng không phải như mọi người thường nghĩ, chính nhờ có Ed Heurt mà công ty mới có được những thành tựu lớn lao như ngày hôm nay. Vì sự chung thủy quá mức đối với người hùn vốn và đức tính khiêm tốn hiếm có nên ông phó chủ tịch đã bằng lòng đứng ở vị trí thứ hai, vì Ed Heurt chỉ quan tâm tới lý tưởng. Mặc dù vậy, trong hai cái đầu thì chính ông ta và chỉ có ông ta mới thực sự có trọng lượng! Cô phóng viên gõ lia lịa một cách thuần thục lên bàn phím chiếc máy tính xách tay. Lucas vờ vĩnh yêu cầu cô đừng kể lại trong bài báo những nhận xét mà hắn đã tâm sự thân tình với cô và hoàn toàn chỉ vì đôi mắt xanh tuyệt đẹp của cô đã chinh phục hắn. Hắn cúi thấp người rót thêm cho cô một ly rượu vang, cô khuyến khích hắn tiếp tục tiết lộ những bí mật nội các, tất nhiên là chỉ với tư cách bạn bè. Hắn phá lên cười và nói thêm rằng hắn vẫn còn chưa say đến mức kể hết mọi chuyện ra. Vừa đưa tay chỉnh lại dây áo lót lụa trên vai, Amy vừa hỏi điều gì mới có thể khiến cho hắn say mềm.
Zofia sải bước trên những bậc thềm. Trời đã tối muộn nhưng cửa nhà bà Reine vẫn còn hé mở, Zofia dùng ngón tay đẩy nhẹ. Trên thảm chẳng có cuốn album hay chiếc cốc đựng bánh nào, nhưng bà Sheridan vẫn đang ngồi trong ghế bành chờ cô. Zofia bước vào.
- Anh chàng đó làm cháu xiêu lòng phải không?
- Ai cơ ạ?
- Đừng có làm vẻ ngốc nghếch, cái anh chàng gửi hoa súng mà cháu đã đi cùng cả buổi tối chứ còn ai!
- Cháu chỉ uống với anh ta có một cốc nước thôi. Sao hả bác?
- Bác thấy không thích anh ta, có thế thôi!
- Cháu cam đoan với bác, cháu cũng không. Anh ta tệ lắm.
- Bác nói không sai mà, cháu có cảm tình với anh ta.
- Ồ không! Anh ta thô lỗ, hợm hĩnh, nhàm chán đến phát ngấy lên được!
- Chúa ơi, cô bé đã yêu mất rồi! - Bà Reine giơ hai cánh tay lên trời và thốt lên.
- Không hề có chuyện đó! Đó là một con người đang gặp trục trặc vói chính bản thân mà cháu muốn giúp đỡ.
- Vậy thì còn tệ hơn bác tưởng! - Bà Reine nói và lại giơ hai cánh tay lên trời.
- Thôi nào bác!
- Đừng có nói to như thế, cháu đánh thức Mathilde bây giờ.
- Dù sao đi nữa thì chính bác mới là người suốt ngày bảo cháu phải tìm cho mình một người nào đó trong cuộc sống.
- Điều này, cháu gái ạ, bất cứ một bà mẹ Do thái nào cũng nói với con cái của mình... chừng nào chúng còn độc thân. Nhưng ngay khi chúng dẫn một ai đó về nhà, thì lập tức họ vẫn sẽ hát bài đó, có điều lời lẽ sẽ bị đảo ngược lại thôi.
- Nhưng bác Reine ơi, bác có phải là người Do thái đâu!
- Thì đã sao?
Bà Reine đứng dậy và lấy trong tủ chiếc khay nhỏ; bà mở chiếc hộp kim loại ra và lấy ba chiếc bánh quy để vào trong chiếc cốc bạc. Bà ra lệnh cho Zofia phải nhấm nháp ít nhất là một cái, và không được tranh cãi gì, bà đã phải ngồi chờ cô suốt cả buổi tối như vậy là cũng đủ khổ lắm rồi!
- Ngồi xuống đây và kể hết cho bác nghe đi nào! - Bà Reine vừa nói vừa ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành.
Bà nghe Zofia nói một mạch không ngắt lời, cố tìm hiểu ý đồ của người đàn ông đã nhiều lần tìm cách gặp cô. Bà nhìn Zofia chăm chăm dò hỏi và chỉ phá vỡ sự im lặng mà bà đã tạo ra để bảo cô đưa cho bà thêm một cái bánh nữa. Thường thì bà chỉ ăn bánh vào sau mỗi bữa ăn, nhưng với hoàn cảnh hiện giờ thì bà rất cần một chút đường chuyển hóa nhanh.
- Tả kĩ hơn về anh ta cho bác nghe đi nào, - Reine yêu cầu và cắn một miếng bánh giòn xốp.
Zofia rất thích thú trước thái độ của bà chủ nhà. Trời đã về khuya, cô hoàn toàn có thể kết thúc cuộc nói chuyện và xin phép đi nghỉ, nhưng để tận hưởng những khoảnh khắc quý giá này, sự vuốt ve của một giọng nói còn quyến rũ hơn nhiều so với sự mơn trớn của một bàn tay. Vừa thành thật trả lời các câu hỏi của bà, cô vừa cảm thấy ngạc nhiên vì không thể tìm nổi bất cứ ưu điểm nào, dù là nhỏ nhất ở người đàn ông đã cùng cô chia sẻ buổi tối, có lẽ chỉ trừ tư duy logic là đức tính nổi bật của con người anh ta.
Bà Reine dịu dàng gõ tay lên đầu gối Zofia.
- Việc cháu gặp anh ta chắc chắn không phải là một sự tình cờ! Cháu đang gặp nguy hiểm mà cháu lại hoàn toàn không biết gì!
Bà chợt nhận ra chủ ý của bà đã hoàn toàn không hề khiến Zofia để tâm; bà tựa người thật sâu vào lòng chiếc ghế bành.
- Anh ta đã đi guốc trong bụng cháu rồi, anh ta sẽ còn tiến sâu vào tận trái tim cháu. Anh ta sẽ gặt hái được những xúc cảm mà cháu đã cẩn trọng gieo trồng bấy lâu nay. Rồi anh ta sẽ khiến cháu tràn trề hy vọng. Chinh phục tình yêu là một trong những cuộc chinh phạt ích kỷ nhất.
- Bác Reine, cháu thật sự tin rằng bác đã quá lạc đề mất rồi!
- Không, chính cháu mới là người đang lạc quá xa. Bác biết cháu sẽ cho bác là một bà già lẩn thẩn, nhưng rồi cháu sẽ thấy bác nói đúng. Từng ngày, từng giờ, cháu sẽ tự trấn an mình về khả năng kháng cự của bản thân, về những cử chỉ, về sự tránh né của mình, nhưng rồi ước muốn gặp anh ta sẽ mạnh dần lên như một loại thuốc gây nghiện. Vì vậy, đừng có tự đánh lừa bản thân, đó là tất cả những gì bác yêu cầu cháu. Anh ta sẽ khiến cháu say đến mất hồn, và rồi sẽ chẳng gì có thể giúp cháu thoát khỏi sự thèm muốn. Cả lý trí lẫn thời gian rồi sẽ trở thành kẻ thù của cháu. Chỉ cần ý nghĩ muốn gặp anh ta kết hợp với trí tưởng tượng của cháu, nó sẽ khiến cháu chinh phục được cả nỗi sợ hãi lớn nhất: sự buông xuôi... của anh ta, và của cả cháu nữa. Đó chính là sự lựa chọn tế nhị nhất mà ta buộc phải đối đầu trong cuộc sống.
- Sao bác lại nói với cháu tất cả những điều này, bác Reine?
Bà Reine trầm ngâm nhìn vào gáy một cuốn album để trong tủ sách. Một vài dòng hồi tưởng thoáng hiện lên trong mắt bà.
- Bởi vì cuộc sống đã ở sau lưng bác rồi! Vì vậy, hoặc cháu đừng làm gì, hoặc cháu phải làm tất cả những gì có thể! Đừng gian dối, đừng vờ vĩnh, và nhất là đừng thỏa hiệp gì cả!
Zofia vân vê những sợi diềm len của tấm thảm giữa các ngón tay. Bà Reine nhìn cô âu yếm và vuốt mái tóc cô.
- Thôi, đừng có ngẩn ngơ như vậy nữa, hình như đôi khi những câu chuyện tình cũng kết thúc tốt đẹp! Nào, nói chuyện như vậy đã là quá đủ rồi, thậm chí bác còn chẳng dám nhìn xem mấy giờ rồi nữa.
Zofia nhẹ nhàng khép cửa lại và leo lên phòng mình. Mathilde vẫn đang say giấc ngủ.
Hai ly Margarita khẽ chạm vào nhau làm ngân lên một tiếng pha lê. Ngồi lún sâu người trong ghế tràng kỷ của phòng khách sạn, Lucas tự mãn khoe rằng mình pha loại cocktail này ngon hơn ai hết. Amy nâng ly lên miệng và nháy mắt tỏ ý tán thưởng. Bằng một giọng nói êm ái kinh khủng, hắn thú nhận rằng mình đang ghen với những hạt muối được đọng lại trên khóe môi cô. Cô cắn vỡ những hạt muối giữa hai hàm răng và dùng lưỡi đùa với chúng, lưỡi Lucas lướt nhẹ trên môi Amy trước khi tiến xa hơn, xa hơn nữa.
Zofia không bật đèn lên. Cô băng qua phòng trong bóng tối để tiến đến bên cửa sổ và nhẹ nhàng nâng cửa lên. Cô ngồi lên bệ cửa sổ và nhìn biển vỗ sóng vào bờ. Cô hít đầy phổi làn hơi sương mà gió biển thổi lên thành phố và nhìn lên bầu trời, trầm ngâm. Trên trời tuyệt nhiên không một bóng sao.
Trời đã tối, rồi trời lại sáng...