Vâng, tôi và chị Tám từng rơi vào tay viên quân y Nhật, vượt biển, xuất hiện trên báo chí Nhật bản. Sau đó mấy chục năm, các Hồng vệ binh dùng roi mây đánh tôi, tra hỏi: Nói! Quân y Nhật vì sao lại cứu mày? Tôi oan quá, vừa khóc vừa nói: Tôi không rõ, không biết gì hết. Đánh, đánh chết cái ngữ vừa lọt lòng mẹ đã làm Hán gian. Roi quất vun vút, mông đít tôi bật máu tươi. Oan tôi quá, tôi nói, oan cho tôi quá! Lại mấy chục năm sau, viên quân y Nhật đầu bạc phơ cùng ông Chủ nhiệm Kinh tế đối ngoai thị trấn Đại Lan đến gặp tôi, khi ấy tôi năm mươi hai tuổi: ông ta giở ra một tờ báo đã ố vàng cho tôi xem. Trên báo là ảnh hai đứa trẻ xấu xí hết cỡ, còn viên quân y Nhật thì sao mà đẹp, sao mà thanh nhã. Người phiên dịch bảo tôi, tiên sinh Koyoto là triệu phú Nhật Bản đến thị trấn ta để đầu tư. Ông ta nói rằng cách đây hơn năm mươi năm đã từng đến thị trấn này, cứu sống một người mẹ và hai con. - Chúng tôi đã rà soát bằng nhiều cách, thấy rằng, những người được cứu chính là mẹ con anh. Đứng trước vị ân nhân này tôi chẳng thấy xúc động chút nào. Tôi nói vẻ lạnh nhạt: - Xin lỗi, ông nhầm người rồi! Tôi trông thấy vẻ lúng túng của viên bác sĩ quân y già. Ông ta cúi rạp vái tôi một vái, miệng lí nhí xin lỗi. - Cút mẹ mày đi - tôi lẩm bẩm trong miệng, rồi quay lại đút mồi cho con yểng biết nói. Sau khi tiêm thuốc cầm máu, mẹ tôi tỉnh lại, cái nhìn đầu tiên là nhìn tôi - chính xác hơn là nhìn cái chim bé như con nhộng ở giữa hai chân tôi, cặp mắt u tối của mẹ chợt bừng sáng. Mẹ bế tôi lên, áp mặt vào mặt tôi. Mặt tôi đẫm nước mắt của mẹ. Tôi khóc oe oe, miệng tìm vú. Mẹ nhét vú vào miệng tôi. Tôi mút vú thành thạo như đã được huấn luyện trước. Chỉ có mùi tanh của máu, không có sữa. Tôi khóc thét lên. Chi Tám cũng khóc. Mẹ tôi trông thấy chị nhưng không bế chị lên. Mẹ đặt hai chị em nằm kề nhau, rồi bước xuống giường, lảo đảo ra chỗ ang nước, vục đầu mà uống như lừa ngựa. Mẹ đờ đẫn nhìn các xác chết trong sân. Lừa mẹ và la con run rẩy bên vựa lạc. Mẹ thấy đất trời chao đảo. Các chị lếch thếch nhạy về, vây quanh mẹ, chỉ khóc được mấy tiếng rời rạc, rồi vì mệt quá, đều ngất xỉu dưới chân mẹ. ống khói bếp nhà tôi tỏa khói trắng. Mẹ mở hòm của bà nội, lấy ra trứng gà, táo đỏ, đường phèn và một củ sâm đất để dành đã lâu. Nước trong nồi đã sôi, trứng gà nhào lộn trong nước. Mẹ gọi các chị lại ngồi xung quanh một cái chậu, múc thức ăn từ nồi vào chậu rồi bảo: Các con ăn đi! Các chị múc thức ăn ra bát, tranh nhau ăn. Người thì ăn trứng, ăn cả vỏ. Người ăn táo, nuốt chửng cả hột. Mẹ chỉ uống phần nước. Mẹ uống liền ba bát, chậu thức ăn đã cạn tới đáy. Mọi người ngồi yên một lát rồi ôm nhau khóc. Khóc chán, mẹ nói: - Các con ơi, chúng ta có thêm một em trai và một em gái! Mẹ cho tôi bú sữa. Tôi mút được một thứ sữa hỗn hợp có vị của táo, đường và trứng gà - một dịch thể vĩ đại và quí giá. Tôi mở mắt, các chị vui vẻ nhìn tôi. Tôi mơ hồ nhìn thấy các chị. Tôi ti cạn dòng sữa trong vú mẹ trong khi chị Tám khóc ngằn ngặt, mắt nhắm nghiền. Tôi nghe thấy mẹ thở dài bế chị lên: - Con ơi, con là người thừa rồi! Sáng sớm hôm sau, tiếng thanh la vang lên ngoài ngõ. Ông Cả Tư Mã Đình nhà Phúc Sinh Đường giọng khản đặc, thông báo: - Bà con ơi, nhà nào có xác chết thì khênh ra! Mẹ bế tôi và chị Tám đứng trong sân, tấm tức khóc trong họng. Tiếng khóc của mẹ khô khốc, đứt đoạn như những thân cây liễu bị chặt ra từng khúc, đầy cay đắng, không có nước mắt. Các chị vây quanh mẹ, người khóc, người không khóc. Trên mặt các chị cũng không có nước mắt. Tư Mã Đình xách thanh la bước vào nhà tôi. Đó là một người như quả dưa héo, khó đoán tuổi, vì rằng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn là một cái mũi tròn trịa như nấm rơm và cặp mắt sáng và đen như mắt trẻ. Lưng hơi gù có vẻ đã bước sang tuổi già, nhưng hai bàn tay thì vừa trắng vừa mập, lòng bàn tay có năm cái mụn cơm. Hình như để mẹ tôi chú ý, lão đứng cách mẹ chỉ một bước chân, gõ thật mạnh một dùi vào thanh la. Tiếng thanh la khàn khàn, vỡ ra như vết nứt lò phóng xạ, xoáy vào từng mạch máu, từng đường gân thớ thịt. Mẹ ngừng bặt, họng cứng lại, ngưng thở trong một phút, tim cũng ngừng đập, máu không chảy. Thê thảm quá! Tư Mã Đình thở dài. Đôi môi và hai mép lão, gò má lão đều lộ vẻ đau xót và căm phẫn cùng cục, nhưng cái mũi và cặp mắt của lão thì lại lộ vẻ mừng thầm, cho rằng trong cái rủi có cái may. Lão bước đến bên cái xác đông cứng của Phúc Lộc, đứng lặng một lát. Rồi lão lại gần cái xác Thọ Hỉ đầu lìa khỏi cổ, cúi xuống nhìn vào đôi mắt đã mất hết ánh sáng, làm như muốn trao đổi tâm tình với Thọ Hỉ. Miệng lão trễ xuống để rớt một dòng nước bọt, nét mặt lão đần độn và man rợ, hoàn toàn tương phản với vẻ mặt thanh thản của Thọ Hỉ. - Các người không nghe lời tôi, các người không nghe lời tôi!... Lão lẩm bẩm trong miệng như trách cứ người đã chết, lại như đang nói một mình. Trở lại trước mặt mẹ, lão nói: - Chị Thọ Hỉ này, tôi cho người khiêng hai cái xác đi. Thời tiết này, chị thấy đấy! Lão ngửa mặt nhìn trời. Mẹ cũng ngẩng lên nhìn. Trên đầu là bầu trời màu chì đè nặng đến nghẹt thở, phía đông đỏ như máu bị những cụm mây đen dồn nén. - Con sư tử đá nhà tôi chảy mồ hôi, mưa ập đến ngay bây giờ. Không đưa họ đi, dầm mưa dãi nắng, chị hiểu chưa? Mẹ bế tôi quì trước mắt Tư Mã Đình, nói: - Ông Cả, tôi mẹ góa con côi, xin nhờ vào ông! Các con ơi, lại đây, các con lạy bác đi! Các chị tôi quì trúc mặt Tư Mã Đình. Lão gõ mấy tiếng thanh la thật to. - Tổ sư chúng nó! Lão chửi, nước mắt ứa ra - Đây là bọn Sa Nguyệt Lượng gây ra đây! Chúng nó đánh phục kích, bọn Nhật liền nhè vào dân chúng mà trút giận! Này cô em, này các cháu, đứng cả dậy, đừng khóc nữa, tai họa không chỉ có nhà mình. Ai bảo tôi được ủy nhiệm thay chúc Trưởng trấn của Trương Duy Hán làm gì? Huyện trưởng bỏ chạy, Trấn trưởng thì không. Tổ sư nó! Lão gọi với ra ngoài cổng: - Ba Câu, Tư Diêu đâu, còn chần chờ gì nữa, chẳng lẽ phải dùng kiệu bát cống rước các anh vào đây hả? Ba Câu và Tư Diêu rón rén bước vào sân, theo sau là một đám người vô công rỗi nghề trong thị trấn. Họ đều là tay chân của Trưởng trấn, thuộc đội danh dự và là tùy tùng của Trưởng trấn mỗi khi làm công vụ. Họ là hiện thân của oai phong và quyền lực của Trưởng trấn. Tư Diêu nách cắp quyển sổ mỏng đóng lề bằng dây gai, cài trên tai chiếc bút chì sọc màu. Ba Câu cố sức lật cái xác Phúc Lộc ngửa mặt lên bầu trời mây đen vần vũ. Anh ta dài giọng xướng: - Thượng Quan Phúc Lộc - đầu bị chém vỡ đôi - chủ hộ. Tư Diêu nhấm nước bọt giở sổ, lật đi lật lại, tìm hồi lâu mới thấy trang giấy ghi chép về nhà Thượng Quan, rồi gỡ bút chì trên vành tai xuống, chân quì chân không, dùng gối làm bàn viết, đặt quyển sổ lên, thấm bút bằng nước bọt, rồi câu một nét xóa tên Phúc Lộc... - Thượng Quan Thọ Hỉ - giọng ba Câu đột nhiên trầm hẳn xuống - chết đầu lìa khỏi xác. Mẹ khóc rống lên. Tư Mã Đình bảo Tư Diêu: - Ghi đi, ghi đi, có nghe thấy không? Nhưng Tư Diêu chỉ khoanh một vòng tròn lên tên Thọ Hỉ, không ghi nguyên nhân vì sao mà chết. Tư Mã Đình giơ dùi thanh la gõ vào đầu Tư Diêu, chửi: - Đ. mẹ mày, ăn cắp ngày công cả với người chết, mày khinh tao không biết chữ hả? Tư Diêu xịu mặt: - Thưa ông, đừng đánh nữa, tôi đã ghi trong lòng rồi, nghìn năm nữa cũng không thể quên. Tư Mã Đình trợn mắt: - Sống dai thế! Những một nghìn năm, rùa hay ba ba mà sống lâu thế! Tư Diêu nói: - Thưa ông, đây chẳng qua là ví von. Việc lượm xác này của ông... - Ai lượm cùng với mày! Tư Mã Đình lại nện Tư Diêu một dùi. Ba Câu đứng bên thân thể bất động của bà Lã, ngoảnh mặt hỏi mẹ: - Mẹ chồng chị tên họ là gì? Mẹ lắc đầu. Tư Diêu dùng bút chì gõ gõ vào cuốn sổ, nói: - Họ Lã... Ba Câu cúi xuống kiểm tra thân thể bà Lã. Quái lạ, không bị vết thương nào, anh ta lẩm bẩm, rồi túm tóc bà Lã nâng đầu dậy. Từ miệng bà Lã lọt ra một tiếng rên yếu ớt. Ba Câu vội đứng thẳng lên, mắt trợn tròn, đi thụt lùi liền mấy bước, miệng lắp bắp: - Đâu phải là... xác chết! Bà Lã từ từ mở mắt, nhìn mà không hẳn nhìn vào chỗ nào như đứa trẻ sơ sinh. Mẹ gào lên: - Mẹ ơi. Mẹ bế tôi đến bên bà nội. Đi được hai bước mẹ dùng lại, cảm thấy mẹ chồng rõ ràng là nhìn về phía mình, nhìn vào tôi. Tư Mã Đình nói: - Cô em, bà bác như vậy là hồi quang phản chiếu, xem ra bác ấy muốn biết con em là trai hay gái? Cái nhìn của bà nội khiến mẹ tôi rất khó chịu, tôi khóc, nước mắt ràn rụa. Tư Mã Đình bảo: - Cho bà ấy ngó cháu nội một cái, để bà đi cho yên lòng. Mẹ quì xuống, lết bằng gối đến bên bà nội, giơ tôi lên trước mặt bà, vừa khóc vừa nói: - Mẹ ơi, con không còn cách nào khác mới ra thế này... Dưới đít tôi, ánh mắt của bà bỗng lóe lên những tia giận dữ. Bụng bà réo ùng ục rồi xả ra một tràng rắm thối. - Hỏng rồi, thoát khí rồi, thế là hết! Tư Mã Đình nói. Mẹ bế tôi đứng dậy, trước c mặt những người đàn ông, mẹ vén áo cho tôi ti sữa. Bầu vú to bự phủ kín mặt, tôi lập tức ngừng khóc. Trưởng trấn Tư Mã Đình tuyên bố: - Thượng Quan Lã thị, vợ Thượng Quan Phúc Lộc, mẹ đẻ Thượng Quan Thọ Hỉ, vì chồng con dâu tử nạn, nên đứt ruột mà chết! Được rồi, khiêng đi! Mấy dội viên đội lượm xác vừa giơ móc câu lên thì bà nội từ từ bò dậy như một con rùa già. Nắng dọi trên khuôn mặt phù thũng, xanh như vỏ chanh của bà nội. Bà ngồi dậy tựa lưng vào tường, cười cay độc. Bà ngồi đó, vũng vàng như một quả núi nhỏ. Tư Mã Đình nói: - Bà bác ơi, mệnh của bà lớn lắm! Không chết, đừng xóa tên! Những tùy tùng của Tư Mã Đình, người nào cũng bịt miệng bằng chiếc khăn tẩm rượu để chống lại mùi xác chết. Họ khiêng đến một chiếc cánh cửa trên đỏ còn lưu lại vết tích mờ nhạt của những câu đối, nếu không là Một đêm nối hai năm thì chắc chắn là: Tuyết đầu mùa báo hiệu được mùa. Mỗi người đều mang theo móc câu bằng sắt, họ dùng móc câu lôi xác lên cánh cửa. Bốn kẻ vô công rỗi nghề - giờ đây họ là đội viên Đội lượm xác của cơ quan Trấn, vội vã dùng móc câu móc chân tay Phúc Lộc rồi quẳng lên tấm cửa. Hai người, một trước một sau, khênh ra ngoài cổng. Một cánh tay đã cứng đờ của Phúc Lộc bỏ thõng ngoài mép ván, đung đưa chẳng khác quả lắc của đồng hồ treo tường. - Kéo bà lão này sang một bên. Một trong hai người khiêng kêu lên. Hai người khác lại chạy ra. Đó là Tôn Đại Cô, vợ ông thợ đắp lò - Bà này sao lại chết ở đây?. Người trong ngõ hỏi vậy. Hãy đem bà ta ra xe! Cảnh tượng ồn ào diễn ra trong ngõ. Tấm ván cổng đã đặt bên cạnh Thọ Hỉ. Anh ta giữ nguyên tư thế trước khi chết, từ cái lỗ trống hoác chĩa lên trời như kêu gọi trời xanh, phun ra từng đám bọt, y như có một con cua nấp trong đó. Các đội viên do dự, chưa biết giải quyết như thế nào. Một người nói: - Ôi dào, cứ câu lên đi. Anh ta vừa nói vừa giơ móc câu lên. Mẹ gào lên: - Đừng dùng móc câu móc anh ấy! Mẹ ấn vội tôi vào lòng chị Lai Đệ, vừa kêu gào vừa phủ phục bên xác chồng. Mẹ thử nhặt cái đầu lên, nhưng vừa chạm tay liền rụt lại: - Thôi nào, bác ơi! Chẳng lẽ bác chắp được đầu vào thân? Bác ra ngoài xe mà xem, có người bị chó xé nát, chỉ còn mỗi một cái chân! Bác giai thế là còn khá. Vì vướng khăn, nên giọng nói ồm ồm: - Tránh ra, quay mặt đi, đừng nhìn! Họ lôi mẹ ra một cánh thô bạo, dồn mẹ và các chị vào một chỗ. Anh ta nhắc: - Nhắm mắt lại! Khi mẹ và các chị mở mắt ra, các xác chết trong sân đã được dọn đi. Chúng tôi đi sau cỗ xe ngựa chất đầy xác chết, trên đường phố đầy bụi. Ba con ngựa rất giống ba con mà buổi sáng hôm ấy chị Lai Đệ đã trông thấy: một con màu hoàng hạnh, một con màu táo hồng, một con màu lam ngọc, ba con ngựa hùng dũng béo tốt là thế, mà nay ủ rũ, xọm hẳn đi. Con hoàng hạnh bị thọt, mỗi bước đi đầu lại gật một cái. Chúng bước đi lặng lẽ, chậm chạp. Lão xà ích tay vịn dóng xe, tay thả lỏng cây roi. Lão có bộ tóc ba chòm, hai bên đen, giữa là một vệt trắng. Lão dẩu mỏ, y hệt một con sẻ rừng. Hai bên đường, những con chó mắt đỏ ngầu, nhìn chăm chằm vào những xác chết trên xe. Đi lẫn trong đám bụi sau xe, là thân nhân của những người bị hại, đi sau cùng là Trưởng trấn Tư Mã Đình cùng Đội danh dự của lão cầm đầu là Ba Câu và Tư Diêu, người vác xẻng, người cầm móc câu. Một người vác cây sào dài, đầu sào có những tua bằng vải đỏ. Tư Mã Đình tay xách thanh la, cứ khoảng mười bước chân lại gõ một tiếng. Và mỗi lần tiếng thanh la dóng lên, các thân nhân lại òa khóc. Họ khóc không tự nhiên, dư âm của thanh la vừa dứt thì tiếng khóc cũng ngừng, hình như không phải vì đau xót, mà là để hoàn thành nhiệm vụ do Trưởng trấn giao cho. Và cứ như vậy, chúng tôi đi sau xe, khóc dứt quãng từng chặp, qua nhà thờ có gác chuông đổ nát, qua khu vực có cối xay gió mà cách đây năm năm, Tư Mã Đình cùng em trai là Tư Mã Khố lắp đặt thử để xay bột mì. Hơn chục chiếc cối xay gió chỏng chơ chĩa lên trời, cánh quạt kêu kèn kẹt. Chúng tôi bỏ lại sau lưng trụ sở Công ty trồng bông sản lượng à cách đây hơn hai mươi năm một thương gia Nhật tên là Myamoto chủ trì, bỏ lại sân phơi nhà họ Mã cùng với khán đài mà Huyện trưởng Cao Mật Ngưu Đằng Tiêu đã đứng diễn thuyết trong phong trào xóa bỏ tục bó chân. Cuối cùng bỏ lại con đường song song với dòng sông Mực, rẽ vào cánh đồng rộng, bằng phẳng, chạy dài tới vùng đầm lầy. Gió nam ẩm ướt đưa tới mùi cỏ mục. ếch kêu ồm ộp dưới lòng mương và các vũng nước rải rác đây đó. Từng bầy những con gọng vó dầy đặc, làm nước sông thay đổi cả màu sắc. Xe tang vào đến cánh đồng thì tăng tốc độ. Lão xà ích biệt hiệu Sẻ Rừng vung roi thúc ngựa đi nhanh, ngay cả con ngựa đi cà nhắc cũng bị quất một roi. Mặt đường lồi lõm, xe lắc dữ dội, những xác chết trên xe dồn nén, bốc mùi nồng nặc, nước vàng rỉ xuống từ kẽ hở sàn xe. Tiếng khóc đã ngừng hẳn, các thân nhân kéo vạt áo bịt mũi. Tư Mã Đình cùng bọn tùy tùng lách lên vượt trước đoàn xe, khom lưng mà chạy, bỏ lại chúng tôi, bỏ lại mùi hôi thối đến tắt thở lại sau. Mười mấy con chó dại cùng cất tiếng sủa, nhảy như con choi choi trong đám lúa mạch ven đường, nhấp nhô chẳng khác những con hải cẩu lặn hụp trên sóng biển. Ruồi nhặng không chê xác chết. Hôm nay là ngày hội của quạ và diều hâu. Tất cả những con quạ trên vùng Cao Mật rộng lớn đều có mặt, đen kịt bầu trời phía trên xe. Chúng bổ nhào xuống đất, kêu quạ quạ chói tai, tỏ vẻ mừng rỡ. Những con dày dạn, dùng mỏ cứng mổ mắt xác chết, phát ra những tiếng bộp bộp. Sẻ Rừng dùng roi vụt, mỗi lần vụt là chết một con. Vài con ngã xuống đất bị bánh xe nghiền nát. Có khoảng bảy tám con diều hâu bay lượn trên không. Dòng khí lưu phức tạp khiến chúng có lúc sà xuống thấp hơn lũ quạ. Diều hâu cũng thích xác chết. Chúng là loài ăn thịt thối. Nhưng chúng không nhập bọn với lũ quạ mà giữ vẻ cao ngạo vờ vĩnh. Mặt trời ló ra khỏi tầng mây, cánh đồng tiểu mạch trải đài tít tắp bừng sáng. Gió bắt đầu đổi chiều. Trong quá trình đổi hướng, có một khoảnh khắc lặng gió, sóng lúa đang dồn dập bỗng im lìm như ngủ, hoặc giả như chết. Một tấm thảm màu vàng rộng mênh mông kéo dài đến tận chân trời, phơi dưới nắng. Cơ man nào là râu của những hạt mạch chín, dựng tua tủa như kim, lấp lóa lấp lóa, một biển lấp lóa ngút tầm mắt. Chính lúc đó, cỗ xe rẽ vào con đường chật hẹp của cánh đồng lúa mạch. Xà ích chỉ có thể lội lúa mạch mà di. Hai con ngựa đi đầu không thể song hành, hoặc là con màu hoàng hạnh đi trên đường thì con màu lam ngọc đi trên ruộng, hoặc ngược lại. Hai con ngựa như hai đứa trẻ ngỗ nghịch, lúc thì con nọ huých con kia vào ruộng, lúc thì con kia huých con nọ vào ruộng. Xe đi chậm hẳn lại, lũ quạ càng điên cuồng. Vài chục con ngang nhiên đậu trên xác chết, dựng cánh lên mổ như máy. Lão Sẻ Rừng đuổi không kịp. Lúa mạch năm nay đặc biệt tốt, thân mập, bông nặng trĩu, hạt mẩy. Râu lúa quệt vào bụng ngựa, vào bánh xe cao su, vào thành xe loạt soạt, khiến người ta có cảm giác ngứa ngáy, tiếng quạ kêu cũng không át nổi. Tiếng rì rào của lúa là biển cả. Tiếng kêu của lũ quạ chỉ như một tấm ván trôi trên biển. Trong đám ruộng mạch thi thoảng lại nhô lên cái đầu của lũ chó. Chúng không dám mở to mắt, sợ mù vì râu lúa. Chúng nhờ vào khứu giác mà định hướng cho chuẩn xác. Sau khi đi vào cánh đồng lúa mạch, đội hình chúng tôi dàn dài ra. Mọi người ngừng kêu gào từ lâu, ngay cả tiếng sụt sịt cũng chấm dứt. Thi thoảng lại có một em nhỏ vấp ngã, người đi bên cạnh bất kể là ai lập tức giơ tay vực dậy. Trong không khí đoàn kết trang nghiêm ấy, trẻ con vấp chảy máu môi cũng không khóc. Cánh đồng mạch êm ả, nhưng trong đó là sự căng thẳng. Đôi khi những con chim cút bị kinh động bởi cỗ xe hoặc lũ chó hoang bay vụt lên, là là một đoạn ngắn rồi lại mất hút trong đám lúa mạch. Rắn mạch tiêu! Mạch tiêu là loại rắn nhỏ, đỏ như lửa, nọc cực độc ở vùng đông bắc Cao Mật. Chúng thường phóng điện trên râu lúa để đùa rỡn. Ngựa trông thấy tia lửa điện trên râu lúa là run lẩy bẩy, gục đầu xuống rãnh ư ử như chó, không dám ngẩng lên. Mặt trời mọi khi khuất một nửa trong mây thì nửa kia ánh nắng cực kỳ gay gắt. Những đám mây khổng lồ vội vã trôi qua trên cánh đồng lúa mạch, những chỗ được nắng vàng rục như lửa. Trong khoảng thời gian để gió đổi chiều, hàng tỉ tỉ cây lúa quấy đảo không khí, lúa đang rì rào, lúa đang thầm thì trao đổi những tin tức đáng sợ. Thoạt tiên là một làn gió nhẹ từ hướng đông bắc lướt qua cánh đồng. Hình dáng của gió được biểu hiện qua hàng tỉ cây lúa run rẩy. Biển lúa im lìm, xuất hiện một số rãnh nhỏ như khe suối. Làn gió tiếp theo mạnh hơn, chia cắt biển lúa ra từng vệt. Túm vải do trên đầu sào bay phần phật, réo vù vù. Chân trời mạn đông bắc xuất hiện một con kim sà khổng lồ, đỏ như pha máu, tiếng sấm nặng nề vọng tới. Lại một khoảnh khắc yên lặng, những con diều hâu đang bay lượn bỗng sà xuống thấp, rồi mất hút trong đám lúa mạch. Lũ quạ thì bung ra như một quả trái phá, hốt hoảng tìm chỗ cao ẩn nấp, vừa bay vừa kêu. Rồi cơn bão ập tới, sóng lúa quằn quại, từ bắc dồn sang tây, từ tây dồn xuống nam. Sóng dài, sóng ngắn, xô đẩy nhau, dồn ép nhau xoắn lại thành xoáy lúa màu vàng. Biển lúa đang sôi sục. Đàn quạ tan biến. Những hạt mưa lớn, đơn độc, rơi lộp bộp, xen vào đó là những cục đá to bằng hạt hạnh đào. Thoắt cái, trời lạnh thấu xương. Những cục đá rơi rải rác trên những bông lúa mạch, trên mông và tai ngựa, trên bụng người chết và đầu người sống. Vài con quạ bị đá rơi trúng đầu, chết ngay trước mặt chúng tôi. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng, che đầu tôi - cái đầu mong manh dễ vỡ, dưới cặp vú đồ sộ và ấm áp của bà. Mẹ thường đặt chị Tám - người mà từ khi sinh ra đã bị coi là người thừa - trên giường, làm bạn với bà nội nửa ngây nửa dại. Bà nội tự bò vào được chái tây bốc phân lừa để ăn. Các chị tôi cũng học theo người ta, cởi áo quấn lên đầu. Cặp vú rắn chắc, to bằng quả táo của chị Lai Đệ, đã phô vẻ đẹp bằng cách hằn qua ngực áo. Chị không cởi áo như những người khác. Chị hai tay ôm đầu, người ướt đẫm nước mưa, gió dán chặt áo vào người chị. Lội bộ rất vất vả, cuối cùng chúng tôi cũng tới nghĩa trang. Đây là một khuôn viên mười mẫu đất, xung quanh là ruộng lúa. Trong nghĩa trang có mấy chục ngôi mộ lút trong cỏ dại, những tấm mộ chí bằng gỗ đều mục nát. Tạnh mưa, những đám mây rách bươm vội vã trôi. Qua kẽ mây, da trời xanh ngắt, nắng bỏng rát. Những cục đá chưa tan bốc hơi trong chớp mắt. Những cây lúa bị thương, có cây ngỏng dậy được, có cây nằm xuống vĩnh viễn. Gió lạnh chuyển nhanh sang gió nóng, thay đổi từng phút một. Chúng tôi tụ tập ở rìa nghĩa trang nhìn Trưởng trấn Tư Mã Đình đi đi lại lại trong đó. Cào cào bay loạn xạ dưới chân lão, bên trong đôi cánh cứng là cặp cánh lụa màu hồng, chẳng khác năm mươi năm sau, bên trong váy của người đẹp là chiếc xi-líp màu hồng. Tư Mã Đình dừng lại bên khóm cúc vàng đầy những bông cúc nhỏ, chân dẫm dẫm mặt đất, nói to: - Chỗ này, đào chỗ này! Bảy người đàn ông đen nhẻm, uể oải đi tới chỗ đã định, chống xẻng nhìn nhau, nhìn kỹ như để nhớ mặt nhau. Rồi, ánh mắt chuyển sang Tư Mã Đình. - Các người nhìn gì ta? Tư Mã Đình gầm lên - Đào đi! Lão quẳng thanh la và dùi ra phía sau. Thanh la rơi xuống đám cỏ mao, một con dế hốt hoảng bỏ chạy. Chiếc dùi rơi vào đám lá cây đuôi chó. Tư Mã Đình giằng lấy một chiếc xẻng, cắm lưỡi xuống đất, đặt chân lên vai xẻng rồi dấn xuống. Lão khó nhọc bẩy tảng đất dầy đặc những rễ cỏ lên, rồi hai tay cầm chắc cán xẻng, trước tiên lão xoay trái 90 độ, sau đó xoay mạnh sang phải 180 độ, tảng đất bay đi rơi bụp xuống bụi bồ công anh như một con gà chết. Lão trả lại chiếc xẻng cho người kia, vừa thở vừa nói: - Đào mau lên! Các người có ngửi thấy mùi gì không? Những người mặt đen cố sức đào, từng tảng đất bay đi dưới đất đã hình thành một cái hố ngày càng sâu. Đã giữa trưa, không khí nóng bỏng. Giữa khoảng trời và đất là một màu sáng trắng, không ai dám ngước nhìn mặt trời. Mùi trên xe càng nồng nặc, dù chúng tôi đã đứng ở đầu gió, nhưng mùi hôi thối vẫn quẩn ngược lại, xáo trộn gan ruột mọi người, chỉ muốn nôn ọe. Lũ quạ lại kéo đến. Chúng như vừa tắm xong, bộ lông sạch tinh, màu xanh đen bóng loáng. Tư Mã Đình nhặt thanh la và cái dùi lên, chạy đến bên cỗ xe, bất chấp mùi hôi thối. - Bọn súc sinh, xem chúng mày có dám sà xuống không? Ông đập cho nát bét bây giờ! Lão gõ thanh la, nhảy như choi choi, ngẩng lên trời mà chửi. Đàn quạ lượn vòng trên không ở độ ười mấy mét phía trên cỗ xe, kêu ầm ĩ, đồng thời vãi cút xuống. Lão Sẻ Rừng vớ lấy chiếc sào có những tua vải đỏ, khua lên trời đuổi đám quạ. Ba con ngựa khép chặt lỗ mũi, cái đầu vốn đã vụng về, vì cúi thấp, càng tỏ ra nặng nề hơn. Đàn quạ từng tốp lao xuống, kêu chói tai. Vài chục con bay quanh đầu Tư Mã Đình và lão Sẻ Rừng, mắt tròn xoe, cánh khỏe và rắn chắc, những cặp vuốt xấu xí bẩn thỉu, ấn tượng về chúng thật khó quên. Hai người dùng tay chiến đấu với lũ quạ. Những cái mỏ cứng mổ lên đầu họ. Họ bèn đánh quạ bằng thanh la, bằng dùi gõ, bằng cây sào có túm vai đỏ. Những con quạ bị thương rơi xuống bãi cỏ xanh mượt điểm những bông hoa nhỏ màu trắng, cánh xõa ra, loạng choạng trốn vào đám lúa mạch. Nấp trong ruộng mạch là những con chó dại lao đến như tên bắn, xé tan xác con quạ bị thương. Chi trong chóp mắt, trên đám cỏ chỉ còn lại những cái lông quạ. Lũ chó phục trong ruộng lúa và ven rìa nghĩa trang, thè lưỡi đỏ như máu, thở hồng hộc. Lũ quạ chia lực lượng ra làm hai, một số quấy nhiễu Tư Mã Đình và lão Chim Sẻ Rừng, còn số lớn thì tề tựu trên xe kêu quạ quạ, rất sung sướng, rất đáng ghét, cổ như lò xo mỏ như mũi khoan thọc sâu vào các xác chết, ngon tuyệt, bữa tiệc của ma quỉ! Tư Mã Đình và lão Sẻ Rừng mệt đến nỗi nằm thẳng cẳng dưới đất, trên mặt bám một lớp bụi dầy, mồ hôi chảy thành rãnh trên đó, khiến khuôn mặt cực kỳ nhem nhuốc. Cái hố đã sâu ngập đầu. Chúng tôi chỉ còn trông thấy những chỏm tóc khi ẩn khi hiện và từng xẻng đất nhão màu trắng bay lên. Chúng tôi còn ngửi thấy mùi dìu dịu của đất mới. Một người đàn ông trèo lên miệng hố đến bên Tư Mã Đình, nói: - Thưa ông, đã đào tới nước rồi! Tư Mã Đình hé mắt nhìn anh ta, chậm rãi giơ một cánh tay lên. Anh ta lại nói: - Ông Trưởng trấn, ông xem, sâu như vậy đủ rồi! Tư Mã Đình cong ngón tay tróc mặt, anh ta tỏ vẻ không hiểu. - Đồ khốn! - Tư Mã Đình nói Dựng tao dậy Anh ta vội cúi xuống kéo Tư Mã Đình ngồi dậy. Lão rên rỉ quài tay đấm lưng. Người kia dìu lão trèo lên ụ đất mới đào. - Cha mẹ ơi! - Tư Mã Đình kêu lên. - Bọn bay lên hết cả đi, đào nữa thì đến suối vàng mất! Những người dưới hố tranh nhau leo lên bờ. Vừa lên khỏi mặt đất đã tối tăm mặt mũi vì mùi hôi thối. Tư Mã Đình đá lão xà ích một cái, gọi: - Dậy đi, vòng xe lại! Lão xà ích nằm bất động. Tư Mã Đình quát to: - Ba Câu, Tư Diêu đâu, quẳng thăng cha này xuống hố trước! Ba Câu đứng lẫn trong đám phu huyệt, dạ lên một tiếng. - Tư Diêu đâu? Tư Mã Đình hỏi. - Chuồn rồi! - Ba Câu tức tối chửi. - Về nhà đập vỡ bát cơm của nó đi! Tư Mã Đình vừa nói vừa đá lão xà ích một cái nữa, hỏi: - Chết thật hả? Lão xà ích ngồi dậy, nét mặt thiểu não nhìn ra cỗ xe ngựa đỗ bên rìa nghĩa trang, trên xe dầy đặc những quạ bay loạn xạ, kêu ầm ĩ. Ba con ngựa phủ phục trên mặt đất giấu mõm trong bụi cỏ, những con quạ đậu đầy lưng. Trên bãi cỏ quanh xe, lũ quạ đang vươn cổ mà nuốt. Hai con quạ đang tranh nhau một khúc ruột, chúng như chơi trò kéo co, con này lui thì buộc con kia phải tiến hoặc ngược lại, có lúc cả hai cùng sững lại trong thế cân bằng. Chúng nhảy tâng tâng trên cỏ, cánh xõa, cổ vươn dài, lông ở cổ xù lên để lộ sắc da mai mái, hai cái cổ như lúc nào cũng có thể bứt ra khỏi thân. Một con chó xộc tới cướp lấy khúc ruột chạy đi, lôi theo hai con quạ lăn lông lốc. - Thưa ông Trưởng trấn, xin ông mở lòng nhân đức mà tha cho tôi! - Lão xà ích quì xuống lạy Tư Mã Đình. Tư Mã Đình cầm cục đất ném lũ quạ. Chúng không thèm để ý. Lão đến trước mặt thân nhân những người bị hại, nhìn họ bằng còn mắt thương cảm, nói lí nhí: - Thế này nhé, các vị nên đi về! Các thân nhân sững sờ. Mẹ là người đầu tiên quì xuống, mọi người hùa theo, tiếng khóc dậy đất. Mẹ nói: - Thưa ông Tư Mã, phải cho họ mồ yên mả đẹp, ông ạ! Mọi người nhao nhao: - Xin ông cho yên nghỉ trong lòng đất! ối mẹ ơi. ối cha ơi! ới con ơi là con... Tư Mã Đình đầu cúi gằm, mồ hôi chảy ròng ròng trên cổ. Lão khoát tay về phía chúng tôi tỏ vẻ bất lực rồi quay lại đám tùy tùng của lão, hạ giọng nói: - Này các cậu này anh em! Các anh em cáo mượn oai hùm, theo Tư Mã Đình này bắt gà trộm chó, càn quấy đánh lộn, ăn hiếp bà góa, đào mả phơi thây, nghĩa là bao nhiêu chuyện thương luân bại lý! Nuôi quân nghìn ngày, dùng binh một buổi, hôm nay dù có bị quạ mổ lòi mắt, vỡ đầu sứt trán thì Tư Mã Đình cũng quyết đảm đương lấy chuyện này. Chẳng gì cũng là người đứng đầu một thị trấn, tôi xin xung phong! Kẻ nào lười nhác trốn tránh công việc tôi ỉa vào mười tám đời tổ tông nhà hắn! Xong việc, tôi khao các vị một bữa rượu! Dậy mau! - Lão xách tai xà ích lôi dậy - Quay xe đi! Anh em ơi thu vén cho xong, nào! Lúc này có ba đứa trẻ rẽ lúa trườn đến. Tới gần, mới rõ đó là ba thằng câm của nhà Tôn Đại Cô. Chúng đểu cởi trần, quần cộc cùng màu. Trong tay đứa lớn nhất là thanh dao dài bằng thép dẻo, khi vung lên phát ra tiếng vù vù. Đứa thứ hai thấp hơn, cầm thanh yêu đao, đứa nhỏ nhất vác trên vai một thanh phác đao có cán dài. Chúng trợn mắt, miệng kêu a...a!... Tay làm hiệu tỏ ra vô cùng đau xót. Tư Mã Đình chợt hiểu, vỗ vai từng đứa, bảo: - Các cháu ơi, bà nội và anh em cháu đều ở trên xe, bác phải chôn cất cho họ. Lũ quạ ác độc, khinh người. Các cháu ơi, bác đã đánh nhau với chúng. Các cháu rõ chưa nào?... Tư Diêu từ một nơi nào đó chui ra, nói chuyện với lũ trẻ câm bằng những động tác. Nước mắt ứa ra, lửa giận bùng lên, bọn trẻ múa đao xông vào lũ quạ - Quân láu cá! Tư Mã Đình túm vai Tư Diêu mà lắc -Nãy giờ mày trốn ở đâu? - Oan cho tôi, thưa ông - Tư Diêu nói - Tôi đi gọi ba anh em chúng nó. Ba anh em thằng câm leo lên xe. Những thanh đao múa lượn, những mảnh thịt quạ rơi lả tả. - Đến cả đi! Tư Mã Đình gọi to. Mọi người ùa tới chiến dấu với lũ quạ. Tiếng khóc, tiếng va chạm của gươm đao, tiếng vỗ cánh của những con quạ quyện vào nhau. Mùi tử khí, mùi mồ hôi, mùi máu, mùi bùn, mùi lúa mạch, mùi hoa dại trộn làm một. Những mảnh thi thể chất đống dưới hố. Mục sư Malôa đứng trên ụ đất mới đào, đọc lời cầu nguyện: Lạy Chúa, hãy cứu vớt những linh hồn đau khổ! Nước mắt ứa ra từ cặp mắt xanh của ông, chảy trên khuôn mặt còn hằn những vết roi thâm tím, rỏ xuống chiếc áo chùng đen rách bươm, rớt xuống cây thánh giá nặng chịch đeo trước ngực. Trưởng trấn Tư Mã Đình kéo ông mục sư xuống, nói: - Ông ra kia nghỉ một lát! Ông cũng từ chỗ một chết một sống mà về đấy thôi! Đám phu huyệt bắt đầu lấp đất. Ông mục sư chệnh choạng đi tới chỗ chúng tôi. Mặt trời đã ngả về tây, bóng ông trải dài trên mặt đất. Mẹ nhìn ông, trái tim mẹ ẩn sau cặp vú đập rộn lên. Khi ánh nắng mặt trời chuyển sang màu đỏ, thì một nấm mồ lớn đã đắp xong. Theo sự hướng dẫn của Trưởng trấn Tư Mã Đình, thân nhân của những người tử nạn quì lạy trước mồ và khóc vài tiếng cho đúng bổn phận. Mẹ đề nghị họ vái tạ Tư Mã Đình và nhóm phu huyệt để tỏ lòng cảm ơn. Tư Mã Đình gạt đi: - Thôi, thôi, miễn! Nhóm phu huyệt ra về trong ráng chiều đỏ rực. Mẹ và các chị rớt lại sau. Mục sư Malôa thân hình cao lớn, ra về sau cùng. Đoàn người đứt quãng, kéo dài đến hơn một dặm, bóng đổ dài trên cánh đồng lúa mạch. Trong sự tĩnh lặng mênh mông của hoàng hôn, vang lên tiếng bước chân, tiếng gió xào xạc trên ngọn lúa, tiếng khóc khan của tôi, tiếng kêu ai oán của con cú vọ sau một ngày ngủ vùi trên cây đâu thân to bằng đầu người, ở chính giữa khu nghĩa trang. Tiếng kêu của con cú làm mọi người bủn rủn. Mẹ dừng bước, quay lại nhìn nấm mồ, nhìn bó huống đang cháy nghi ngút. Mục sư Malôa cúi xuống bế chị Cầu Đệ, than thở: - Khổ thân các con! Ông vừa nói xong, bản dạ khúc của ngàn vạn côn trùng từ bốn phương tám hướng đã ùa tới.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]