Chương trước
Chương sau
Văn án:

Bạn đã ăn bánh bao máu cừu bao giờ chưa?

Nhốt con cừu mới sinh vào lồng, chỉ cho nó ăn lá ngải cứu trong vòng nửa năm rồi liên tục ép uống nước đến khi chắc chắn nó đào thải hết chất bẩn trong ruột.

Bấy giờ mới cắt cổ nó, hứng lấy máu chảy ra mang đi làm bánh bao. Loại bánh bao này không chỉ có mùi vị vô cùng tuyệt vời mà còn có thể trị khỏi bách bệnh!

_____________________________________________________

phần 1/2

1.

Tôi luôn thấy hết sức có lỗi với em gái mình, bởi vì tôi đã cướp mất chỉ tiêu cử ra nước ngoài học tập ba năm của nó.

Từ đó, nó không còn thân thiết với tôi nữa, chúng tôi tựa như những người xa lạ không hề có dính dáng gì tới nhau.

Nhưng hôm nay tôi vừa mới về nước thế mà em gái lại chủ động gửi tin nhắn cho tôi.

Nó nói nó không hận tôi.

Nó còn bảo mình đang đi dạy ở một thôn nhỏ trên vùng núi, chỉ cần dạy đủ một năm là sẽ có thể trở về thành phố làm giáo viên biên chế.

Tôi thật lòng mừng cho nó từ tận đáy lòng.

Em gái kể với tôi rằng không khí và hoàn cảnh trong thôn tốt lắm nhưng có mình nó bơ vơ xa nhà nên khá cô đơn buồn tẻ, muốn tôi đến đó ở cùng.

Tôi vẫn luôn áy náy với nó mãi, giờ thấy nó đề nghị thế thì đương nhiên là đồng ý ngay.

Dựa theo địa chỉ em gái gửi, tôi phải chuyển từ tàu hoả sang xe buýt, lại đến xích lô, cuối cùng còn cần ngồi xe bò cả tiếng đồng hồ mới tới được thôn mà nó đang ở.

Tôi ngạc nhiên lắm. Nơi này tuy hẻo lánh nhưng được cái môi trường rất trong lành, cây trúc xanh um tươi tốt và ngải cứu sum suê mọc khắp núi khiến người ta có cảm giác như lọt vào chốn thần tiên cách xa trần thế.

Tôi lấy điện thoại di động ra, định gọi cho em gái.

Đúng lúc này, có một bà lão cõng bó ngải cứu lớn trên lưng đi về phía tôi.

Bà lão dừng chân quét mắt đánh giá tôi một chút rồi nói bằng giọng đặc tiếng địa phương: "Tiểu Lỵ hiện không ở trong thôn."

Tôi kinh ngạc nhìn bà ấy: "Sao bà biết cháu tới tìm nó ạ?"

"Cả thôn chúng tôi có mỗi một người thành phố là Tiểu Lỵ thôi, cho nên cháu không tìm nó thì còn tìm ai được nữa."

Bà lão vòng tay ra sau ôm chặt lấy bó ngải cứu vừa cắt và cười hiền lành nói tiếp: "Cháu đến đây chắc cũng mệt rồi nhỉ? Bà dẫn cháu vào nhà Tiểu Lỵ nghỉ chân chút nhé."

Tôi ồ một tiếng, vừa đi theo sau bà lão vừa gọi điện thoại cho em gái. Nhưng mới có vài hồi chuông điện thoại đã tự động ngắt kết nối.

Nhìn kỹ màn hình thì phát hiện ra sóng ở đây yếu vô cùng, chập chà chập chờn, không tài nào gọi điện nổi.

Hết cách, tôi chỉ đành theo chân bà lão.

Thôn này không lớn, phòng ốc cũng đã lâu đời lắm rồi, là loại nhà dựng lên bằng lõi trúc và bùn trét bên ngoài.

Tôi không nhịn được, hỏi: "Bà ơi, sao mọi người không chuyển ra ngoài sống ạ?"

Bà lão dừng khựng lại, xấu hổ không vui nói: "Dọn ra ngoài làm cái gì? Chúng tôi sống ở đây có thể kéo dài tuổi thọ, còn tránh được bệnh tật."

"Thật á?" Tôi kinh ngạc. "Môi trường nơi này tốt đến mức có thể giúp người ta tránh được các loại bệnh ấy ạ?"

"Cũng không phải thế."

Ánh mắt của bà lão dừng lại trên cổ tôi, nói nhỏ: "Người trong thôn chúng tôi đều thích ăn bánh bao máu cừu. Ăn loại bánh bao làm từ máu cừu này thì thân thể chắc chắn sẽ không sinh bệnh."

Tôi không nói tiếp nữa nhưng trong lòng thấy người dân thôn này có vẻ khá vô tri và ngu muội.

"Cháu là chị của Tiểu Lỵ đúng không?" Một giọng nói xởi lởi vang lên.

Tôi ngẩng đầu, thấy một ông chú lùn tịt nhưng cực kỳ mập đang đứng cách đó không xa.

"Chú là hiệu trưởng trong trường." Ông ta lau mồ hôi trên trán, cười nói: "Chú thường xuyên bắt gặp Tiểu Lỵ gửi tin nhắn cho cháu nên vừa thấy cháu chú đã biết chắc là chị của con bé rồi."

Tôi cất tiếng hỏi thăm: "Cháu chào chú! Em gái cháu đang ở đâu ạ?"

Hiệu trưởng hình như vừa làm chuyện gì nặng nhọc, mồ hôi trên sống lưng thấm ướt áo. Ông ta lấy tay phẩy phẩy thay quạt:

"Tiểu Lỵ đưa bọn nhỏ đi vẽ tranh ngoại cảnh rồi."

Trong lòng tôi hơi buồn bực. Em gái biết rõ tôi sắp tới thăm mà con bé còn đưa đám học sinh ra ngoài vẽ vời sao?

Mãi tôi mới hỏi tiếp: "Thế khoảng bao giờ nó về ạ?"

"Cái này phải xem tốc độ của mấy đứa nhỏ. Nếu mà vẽ nhanh thì có lẽ tối nay là cháu có thể gặp Tiểu Lỵ rồi."

Ông ta cười xoà giơ bàn tay mập mạp nhớp nháp ra muốn bắt tay tôi nhưng như có giác quan thứ sáu mách bảo, tôi không hiểu sao không thấy thiện cảm với ông hiệu trưởng này chút nào.

Ông ta tựa như một con lợn ú nu nhớp nhúa, âm u và quái dị.

Tuy nhiên tôi vẫn định bắt tay ông ta cho phải phép.

Trong giây phút vươn tay ra, tôi đột nhiên phát hiện điểm bất thường.

Cánh tay thô kệch của ông hiệu trưởng chi chít những vệt máu đỏ loang lổ đã khô!

2.

"Chú vừa giết cừu, máu cừu đấy."

Hiệu trưởng vội vàng kéo tay áo lau máu đọng trên tay, giải thích:

"Trong thôn có một con cừu không biết nghe lời nên bọn chú làm thịt luôn."

Thịt cừu là loại thịt đỏ giàu cholesterol, có tính nhiệt. Bình thường người ta hay ăn thịt cừu vào mùa đông, vừa giúp hỗ trợ máu lưu thông vừa có tác dụng giữ ấm cơ thể.

Người dân thôn này kỳ ghê, mùa hè nóng nực thế này mà đi mổ cừu.

Tôi không muốn nói về chuyện giết cừu nữa nên rụt tay lại, ôm bụng nói:

"Bụng cháu hơi đau. Hai người dẫn cháu đến nhà vệ sinh được không ạ?"

"Được chứ, được chứ, tất nhiên là được rồi!"

Hiệu trưởng gật đầu, ông ta dỡ bó ngải cứu trên lưng bà lão xuống, nói:

"Chị cả, phiền chị dẫn cô bé đến nhà xí nhé."

Tôi trợn tròn mắt.

Hiệu trưởng trông khoảng năm mươi mà bà lão ít nhất cũng phải tám mươi rồi, thế mà hiệu trưởng lại gọi bà ấy là chị cả?

Này là loạn hết cả vai vế mà phải không?

Bà lão dẫn tôi đi về phía nhà vệ sinh.

"Chị cả, để ý nhé."

Chúng tôi vừa mới đi được mấy bước ông hiệu trưởng đã cao giọng hô:

"Nhà xí trong thôn là loại ngồi xổm hố cạn. Cẩn thận chút, đừng để con gái nhà người ta bước hụt mất tiêu!"

Bà lão toét miệng hô một tiếng đáp lại.

Hiệu trưởng nhấn mạnh câu ‘mất tiêu’ lúc sau khiến tôi có hơi bất an trong lòng.

Vào nhà vệ sinh xong, tôi xoay người nhảy ra ngoài từ ô thông gió đằng sau.

Dạo một vòng quanh thôn, tôi phát hiện ra một sự thực vô cùng đáng sợ.

Thôn này không có trường học!

Lý nào lại vậy, không có trường học thì em gái tôi dạy chỗ nào?

Lúc này, có tiếng ồn ào nói chuyện của đám người truyền đến.

Bọn họ nói tiếng địa phương, lại nói quá nhanh nên tôi ù ù cạc cạc nghe chẳng hiểu gì.

Chỉ thấy trên mặt ai cũng mang một nụ cười, còn hứng thú bừng bừng khiêng một tấm ván gỗ đi vào trong căn phòng đắp đất xơ xác tiêu điều.

Trên tấm ván gỗ có thứ gì đó bị phủ kín dưới vải trắng dính máu, trông na ná con gì đang co ro.

Đợi đám người này vào trong phòng rồi tôi mới lén lút lần dấu ngược trở lại hướng bọn họ xuất hiện.

Tại địa điểm cách thôn chừng năm mươi mét, một tảng đá lớn đập vào mắt tôi.

Tảng đá rất lớn, trông như đã ở đấy từ lâu lắm rồi. Có lẽ ai đó thường xuyên nằm trên nên bề mặt tảng đá có một vết lõm to hình chữ ‘đại’ (大) giống dáng người.

Bên cạnh tảng đá lớn có một chậu gỗ to. Nó ướt sũng, chắc là vừa mới được rửa qua nhưng vẫn còn phảng phất mùi máu tanh.

Tôi bình tĩnh quét mắt nhìn thật cẩn thận, thấy bụi cỏ sát đó có vô số con kiến đen đang lít nha lít nhít bò chồng chéo lên nhau.

"Cháu gái, cháu đến đây làm gì thế?"

Bà lão không biết đã đứng sau lưng tôi từ bao giờ. Bà ta cầm một cái mẹt đan bằng trúc trong tay, trên đó đựng một chiếc bánh bao màu đỏ.

Bà ta nói tiếp: "Nơi này là chỗ lúc nãy hiệu trưởng giết cừu, xúi quẩy lắm."

"À phải rồi! Cháu gái à, hiệu trưởng nhờ bà nhắn cháu là bọn nhỏ vẽ tranh rất nhanh, Tiểu Lỵ đã trở về rồi. Cháu có muốn đến gặp con bé chút không?"

Tôi ngồi xổm xuống, vớ lấy một nhánh cây, thuận miệng đáp ‘vâng ạ’.

Bà lão cũng ngồi xổm xuống theo.

Bà ta giơ cái mẹt ra trước mặt tôi, chỉ vào cái bánh bao và hỏi: "Cháu ăn loại bánh bao màu đỏ này bao giờ chưa?"

"Cháu chưa ạ."

Tôi lắc đầu, định dùng nhánh cây chọc vào đống kiến bu nhưng mắt tôi cứ như không nghe tôi điều khiển nữa mà dán chặt vào cái bánh bao.

Tôi chưa từng thấy cái bánh bao đẹp đẽ, đỏ tươi như thế trước đây.

Bề mặt nó bóng mịn, màu sắc đồng đều, còn phảng phất toả ra mùi lá ngải cứu thơm thơm.

Càng nhìn tôi càng thấy nó ngon miệng.

Bánh bao đỏ hấp dẫn đến mức bụng tôi kêu vang, tôi muốn chộp ngay lấy ăn ngấu ăn nghiến.

"Cái này ấy à, là đặc sản của Thôn Trúc nhà chúng tôi đấy."

Bà lão liếm liếm môi, thèm ăn ra mặt: "Làm loại bánh bao này cũng không có dễ à nha."

"Chúng tôi phải nhốt con cừu mới sinh vào lồng, chỉ cho nó ăn lá ngải cứu trong vòng nửa năm rồi liên tục ép uống nước đến khi chắc chắn nó đào thải hết chất bẩn trong ruột."

"Bấy giờ mới cắt cổ nó, hứng lấy máu chảy ra mang đi làm bánh bao. Loại bánh bao này không chỉ có mùi vị vô cùng tuyệt vời mà còn có thể trị khỏi bách bệnh!"

Trong lúc kể, bà lão đặt cái bánh bao vào tay tôi, nhỏ nhẹ chậm rãi nói: "Ăn đi, ăn xong thì cháu sẽ được gặp em gái nhanh thôi."

Nói thật, tôi cảm thấy đói cồn cào ruột gan, chỉ muốn nhét ngay bánh bao vào trong miệng.

Tôi cũng không khách sáo nữa, ném nhánh cây sang một bên, cầm bánh bao, há to miệng chuẩn bị cắn.

Nhưng lúc này, nhánh cây tôi ném đi vừa hay liệng vào bầy kiến nhung nhúc.

Bọn chúng bỏ chạy toán loạn.

Qua khoé mắt, tôi liếc thấy được một hình ảnh hãi hùng khiếp vía.

Không phải bọn kiến đang bu quanh vụn thịt dê mà là một cái móng tay người còn dính máu thịt bầy hầy!

3.

Tôi giật nảy mình, ứa mồ hôi lạnh toát sống lưng ngay lập tức.

"Ôi chao."

Bà lão tinh mắt cũng nhìn thấy cái móng tay này, xoa tay nói: "Hôm nay là người mới xung phong giết cừu."

"Thằng bé ấy nhát gan, không xử lý được cừu mà còn bị móng cừu nghiền nát ngón tay."

Lời giải thích của bà ta không thuyết phục được tôi. Tôi cố giả vờ bình tĩnh hỏi: "Em gái cháu đang ở đâu ạ?"

"Ăn bánh bao trước đi đã."

Bà lão cười cười: "Đến đây nãy giờ chắc cháu đói bụng lắm. Cháu ăn xong đi rồi bà dẫn đi gặp em gái luôn."

Giờ phút này, vẻ mặt của bà ta không khác gì mụ phù thủy đang mời Bạch Tuyết ăn táo đỏ. Nó kỳ dị vô cùng nhưng lại khiến tôi thực sự khó lòng từ chối.

Tôi không nhịn được mà há miệng.

Bánh bao càng lúc càng gần, một mùi ngải cứu thoang thoảng và tanh nhẹ của máu xộc vào mũi tôi.

"Ăn đi, ăn đi, mau ăn đi."

Bà lão giục giã, liên tục thì thầm bên tai tôi không ngừng.

Đúng lúc tôi sắp cắn vào thì một đôi tay cực kỳ bẩn nhanh như chớp giật lấy cái bánh bao trên tay tôi.

Đó là một đứa bé trai.

Thằng bé không mặc áo, thân hình gầy gò nhỏ bé dơ bẩn.

Trông nó có vẻ rất đói.

Cái bánh bao to, chu vi phải bằng hai gang tay, thế mà thằng bé cắn hai ba miếng đã nhét hết được vào trong miệng.

Miệng nó phồng to như miệng ếch, càng đối lập với thân hình gầy trơ xương sườn.

"Á!"

Bà lão rít lên một tiếng.

Cặp mắt của bà ta trừng lớn, hoảng sợ ra mặt, lảo đảo chạy về hướng thôn.

"Em tên là gì?"

Tôi lặng lẽ lùi lại mấy bước, giữ khoảng cách nhất định với thằng bé rồi cất tiếng hỏi.

Nó không trả lời tôi.

Nhưng mắt nó lại nhìn tôi chằm chằm không rời.

Con ngươi của thằng bé không phải màu đen mà là màu vàng đất, trông không giống mắt người cho lắm.

"Em đói lắm à? Bố mẹ em đâu rồi?"

Tôi tiếp tục hỏi nó: "Em chắc là hay chơi ở đây đúng không? Em có thấy một chị gái từ thành phố đến đây không?"

Tôi định hỏi thăm xem liệu thằng bé có biết tung tích của em gái tôi ở nơi nào.

Nhưng nó một mực không trả lời tôi.

Miệng thằng bé mở ra ngậm lại nhai nuốt bánh bao.

Cái bánh bao này màu tươi thật đấy. Thằng bé nhai lấy nhai để, nước bọt ứa ra từ khóe miệng có màu đỏ như máu.

Bỗng dưng tôi thấy buồn nôn.

Tôi che miệng, chỉ cảm thấy mình như kiểu bị ám. Vừa rồi sao tôi lại có thể nảy sinh ý tưởng muốn ăn cái bánh bao đỏ như máu này vậy?

Mấy chục giây sau, cuối cùng thì thằng nhóc cũng nuốt hết cái bánh bao.

Tôi vội vàng hỏi nó: "Em có thấy em gái chị không?"

Thằng bé toét miệng cười hê hê.

Nụ cười này của nó lại làm tôi kinh hãi đến mức cảm giác tim muốn nhảy vọt ra khỏi cổ họng.

Trong miệng nó không có lưỡi!

Tôi học y, nhìn qua biết ngay không phải thằng bé bẩm sinh đã không có lưỡi mà là có người dùng kéo cưỡng ép cắt ngang gốc lưỡi của nó!

"Em..."

Tôi còn chưa nói hết câu thì tiếng ồn ào huyên náo đã vọng đến từ cách đó không xa: "Đánh! Đánh chết nó!"

Tôi mãi mới phản ứng được quay đầu sang hướng tiếng gào.

Người dân trong thôn đang cầm dao bổ củi, xẻng, các loại công cụ sắc bén trong tay lao về phía chúng tôi.

Con ngươi màu vàng đất của thằng bé bỗng nhiên co thành một chấm nhỏ xíu.

Nó bồn chồn lo lắng siết tay tôi, trong cổ họng phát ra những tiếng ú ớ.

Tôi nghe không rõ thằng bé đang cố nói gì.

Nó siết tay tôi rất chặt, móng tay đen sì sắc bén rạch vào da tôi đau điếng.

Thằng bé không ngừng lặp lại tiếng ú ớ kia.

"Nhất định phải đánh chết nó!"

Các thôn dân đã chạy lại gần.

Thậm chí, có người còn ném đao bổ củi đến bên chân tôi!

Thằng bé thả tôi ra, lẩn vào cánh rừng gần đó như một con khỉ.

Nó rất giỏi lẩn trốn.

Chờ thôn dân đến nơi thì thằng bé đã biến mất trong rừng rậm.

"Cháu không sao chứ?"

Cầm đầu đám người là hiệu trưởng. Ông ta buông cuốc xuống, chộp lấy tay tôi, hô lớn: "Tay con bé bị Quỷ Bất Tường làm ô uế rồi, mau mang máu cừu tươi tới đây!"

Tôi thấy hơi không thoải mái nên lặng lẽ rút tay về.

"Chú mới gọi thằng bé kia là quỷ ấy ạ?"

Để bớt xấu hổ, tôi dò hỏi thêm: "Nhưng nó có phải quỷ đâu, trông nó giống chúng ta, đều là người cả mà."

"Máu của nó là máu bẩn, nó bị Thôn Trúc xua đuổi cho nên nó chính là quỷ."

Hai con mắt của hiệu trưởng còn đang nhìn chằm chằm tay tôi, ông ta lộ ra ánh mắt vừa tiếc nuối vừa giận dữ: "Ngữ như nó không xứng được đứng trên bất kì khoảnh đất nào của thôn này."

Tôi trầm tư không nói thêm lời nào nhưng trong lòng thấy tội nghiệp thằng bé vô cùng.

Mới mười ba, mười bốn tuổi thôi mà nó lẩn nhanh như thế thì chắc thường xuyên bị người trong thôn đuổi đánh lắm.

Thằng bé vẫn là trẻ con, có tội tình gì đến mức bị toàn thôn vứt bỏ vậy?

Tôi thấy rất là khó hiểu.

Đúng lúc tôi đang định hỏi thì bà lão bưng một bát máu đỏ sậm, đỏ đến mức sắp chuyển sang màu đen đi tới với vẻ mặt thành kính.

Tôi hít vào một ngụm khí lạnh.

Ở trong phòng thí nghiệm tôi phải quan sát đủ loại máu động vật.

Nếu như cẩn thận nhìn kỹ sẽ thấy mỗi loại máu đều mang một sắc đỏ khác nhau.

Tôi hãi nhất là sắc đỏ như bát máu bà lão kia đang bưng.

Nó là… máu người!

4.

Tôi lùi lại, muốn rời đi.

Nhưng hiệu trưởng bắt lấy cánh tay tôi: "Cháu xước da rồi này, nhất định phải đắp máu cừu tươi thì mới khỏi được!"

Ông ta kìm rất chặt, tôi không thể động đậy.

Thế là, bát máu người nhớp nháp dính dính rơi xuống vết thương của tôi.

Trong nháy mắt đó, tôi đau đến toát mồ hôi lạnh, cả người run rẩy.

Sau khi lau máu thừa đi thì lạ thay, vết thương do bị thằng bé bấm móng tay vào thế mà phục hồi như chưa từng chịu tổn hại!

Hiệu trưởng hết sức đắc ý nói: "Thấy chưa? Máu cừu ở thôn này là đồ thượng hạng đó. Chỉ cần ăn nó là lập tức có thể kéo dài tuổi thọ, sống lâu trăm tuổi cũng nói không ngoa đâu!"

Tôi lại càng thấy sợ hãi.

Sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên, loại máu này phá vỡ quy luật ấy thì ắt hẳn phải có điều gì kỳ dị mà tôi chưa phát hiện ra.

"Em gái cháu đâu?"

Tôi cất tiếng hỏi: "Hiện tại trời cũng tối rồi, đám học sinh em gái cháu dạy chắc là trở về đúng không?"

"Em gái cháu..."

Sắc mặt của hiệu trưởng đột nhiên trở nên khó chịu: "Con bé ngã từ trên núi xuống, giờ đang có chút không thoải mái."

"Nhưng cháu cứ yên tâm."

Bà lão đứng bên cạnh toét miệng cười: "Con bé chỉ cần ăn bánh bao máu cừu của thôn chúng tôi thì khoẻ lại liền à."

"Cháu muốn đi thăm em ấy ngay bây giờ."

Tôi nói với giọng điệu thăm dò.

"Được thôi, nếu cháu không sợ nhìn dáng vẻ vừa bị ngã núi thì đương nhiên chú có thể dẫn cháu đi nhìn một cái."

Hiệu trưởng trưng ra một khuôn mặt tươi cười.

Tôi phát hiện ra trên răng ông ta vẫn còn dính thịt vụn.

Màu thịt vụn ấy cực kỳ giống màu thịt dính trên cái móng tay mà bầy kiến ban chiều đang khiêng về tổ…

Thôn này có gì đó rất quái lạ, hết sức quái lạ!

Thật ra tôi muốn rời đi nơi này hơn là đi xem em gái.

Nhưng bây giờ đêm đã buông xuống rồi, ngoài thôn là rừng trúc rậm rạp. Chỉ sợ tôi trốn cũng không thoát được.

Tôi đi theo hiệu trưởng tới một gian nhà đất.

Trên chiếc giường trúc đơn sơ, em gái tôi đang đắp một lớp chăn màu tro kín người.

Tấm chăn rất mỏng, lộ rõ thân hình co cụm bên dưới.

Tôi nghiến chặt răng.

Cái dáng nằm co cụm này cực kỳ giống thứ dưới mảnh vải trắng dính máu mà chiều nay tôi thấy đám dân trong thôn khiêng trên ván cửa.

"Tiểu Lỵ, chị cháu tới thăm này, cháu mở mắt ra nhìn xem đi."

Bà lão vỗ vỗ vai em gái tôi.

Nó không đáp lại.

Tôi ngồi bên mép giường con bé, cúi xuống để nhìn nó rõ hơn.

Mấy năm không gặp, nó vẫn hơi mập giống như trước đây.

Nhưng trong thâm tâm tôi cứ cảm thấy nó khác trước rất nhiều.

Ngày xưa con bé mập thật, mập chắc nịch luôn. Còn bây giờ, tôi cảm tưởng nó như là một quả bóng da chứa đầy nước vậy, chỉ cần tôi đụng nhẹ một cái là lập tức sẽ nổ tung.

"Em ơi."

Ánh sáng trong phòng khá tù mù, tôi mở chức năng đèn pin trên điện thoại.

Khoảnh khắc tôi nhìn rõ mặt nó, tôi sợ hãi nghẹn ngào gào lên!

Sắc mặt của nó không phải tái nhợt mà là màu tím xanh!

Tôi như rơi vào hầm băng.

Chỉ có người đã chết khoảng hai giờ đồng hồ mới có màu da này!

5.

"Em ơi!"

Lo lắng, phẫn uất, đủ loại cảm xúc trào lên trong lòng tôi.

Tôi đỏ vành mắt, trừng đám người đang đứng phía sau không rời:

"Con bé chết rồi!"

"Sao mà thế được!"

Hiệu trưởng nhíu mày, ông ta gạt bà lão ra để chen đến bên giường.

"K… Không có sao, đây là em gái cháu mất máu quá nhiều thôi, đợi lát nữa là khoẻ ngay ấy mà."

Ông ta nhìn em gái tôi rồi lại nhìn sang bà lão: "Chị cả, có phải chị ăn vụng bánh bao máu cừu của Tiểu Lỵ không?"

Bà lão cúi đầu không nói lời nào.

"Không sao đâu, cháu không cần quá lo cho em gái thế."

Hiệu trưởng vỗ vỗ vai tôi, cười nói: "Để chú bảo người mang bát máu cừu khác đến cho em gái cháu, đảm bảo uống xong là con bé hồi phục liền."

Tôi vô cùng phẫn nộ, nghẹn ngào gào to: "Sao mà được!"

"Cháu chớ vội không tin."

Hiệu trưởng nâng cằm, chỉ vào mặt mình nói: "Em gái, đoán thử xem năm nay ta bao nhiêu tuổi đi."

(*đổi xưng hô vì lão này bắt đầu hiện nguyên hình)

Em tôi chết rồi mà ông ta còn đứng đây đòi tôi đoán tuổi, dáng vẻ này của ông ta khiến tôi vừa ghê tởm vừa phẫn nộ.

Nhưng tôi chỉ có thể nhịn xuống. Đang đứng dưới mái hiên nhà người ta, tôi không thể không cúi đầu.

"Em à, ta chỉ nhỏ hơn chị cả hai tuổi thôi đó."

Hiệu trưởng cao giọng: "Nhưng có phải trông ta trẻ như mới năm mươi không?"

"Chắc em đoán ra rồi, ta trông trẻ như vậy đều là nhờ ngày nào cũng uống máu cừu, ăn bánh bao máu cừu đấy."

Tôi thoáng thấy sai sai ở đâu.

Đột nhiên nhớ lại lúc hiệu trưởng gọi bà lão là chị cả.

Ông ta còn khá trẻ mà bà lão đã khoảng tám mươi rồi. Nói như ông ta thì chẳng lẽ bà lão trông già thế là bởi vì bà ta không uống máu cừu, ăn bánh bao máu cừu hàng ngày?

Tôi rùng mình một cái, trong đầu thình lình hiện ra dáng vẻ tham lam thèm thuồng của bà lão khi thấy bánh bao máu cừu.

Không bao lâu sau, một cái bát đầy máu sền sệt được người dân bưng vào.

Bà lão có vẻ không vui ra mặt: "Cho con bé uống hết chỗ này cơ á?"

Hiệu trưởng xì một tiếng: "Nói nhảm, mạng người quan trọng hay là máu cừu quan trọng?!"

Thế là, một đám người xúm lại đỡ em gái tôi dậy, đổ chất lỏng sền sệt đỏ sậm vào khuôn miệng cứng ngắc tím xanh của nó.

Cảnh tượng này làm da đầu tôi tê dại.

Tôi là người theo chủ nghĩa khoa học, loại chuyện kiểu máu dê cứu sống người như này còn khuya tôi mới tin.

Tôi tụt lại sau đám người, lôi điện thoại ra định tìm cách cầu cứu thế giới bên ngoài.

Màn hình hiển thị không có vạch sóng nào.

"Em gái, em đang làm gì đó?"

Bỗng một giọng lạnh như băng vang lên sau lưng tôi.

Tôi quay sang, bắt gặp khuôn mặt cười cợt nhả của gã hiệu trưởng. Ông ta nói: "Đêm hôm khuya khoắt, bớt nhìn điện thoại lại một chút, không tốt cho mắt đâu."

Tôi siết chặt điện thoại trong tay, không dám lên tiếng.

"Được rồi, sống lại rồi."

Đám người vây quanh em gái tôi reo hò ầm ĩ.

Tôi nhón chân lên nhìn qua đầu bọn họ.

Em gái tôi mở mắt thật kìa!

Chỉ là hai con mắt của nó trông rất dị, không phân rõ tròng đen tròng trắng nữa mà đục ngầu xám ngoét.

Giống như là tròng đen và tròng trắng hoà trộn lẫn vào nhau.

Nhưng bây giờ tôi chẳng nghĩ thêm được gì, chỉ biết kích động vọt tới trước mặt em gái: "Em tỉnh rồi, em thấy trong người thế nào?"

Em gái trơ mắt nhìn tôi, hơi há miệng.

Thế là tôi lại thấy một cảnh tượng khiến da đầu tê dại.

Lưỡi của con bé biến mất rồi!
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.