Hai thanh niên trẻ không thể tránh khỏi số phận cải tạo đọa đày. Họ bị đưa về vùng núi có cái tên thơ mộng Thiên Phụng, phải sống trong một căn nhà tồi tàn không có đồ đạc gì, hằng ngày phải cõng phân lên các thửa ruộng, làm việc nặng nhọc trong hầm mỏ. Giữa những khổ sai trần tục đó, họ tìm niềm vui trong chiếc đàn violin. Khi hai chàng trai phát hiện ra Mục Kỉnh – một người bạn của họ cũng đang thực hiện cải tạo – có một va li bí mật chứa toàn là sách, họ biết rằng họ khao khát những quyển sách kia như thế nào. Sau một thỏa thuận, họ có được quyển sách đầu tiên – đó là một quyển sách của Balzac.
Với họ, quyển sách là một thế giới chưa từng được biết đến, chứa đựng những điều phi thường của những hưng phấn, xúc động, về tình yêu, về những thứ hoàn toàn mới mẻ và tuyệt diệu so với cuộc sống tăm tối trần tục đầy thứ phân lõng bõng hôi thối ngoài kia. Nhờ Balzac, họ đã không chìm đắm vào những thứ tầm thường của cuộc cải tạo vô nghĩa hay mê muội trong những tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước mị dân. Dù có bị đàn áp thì tri thức vẫn không thể bị triệt tiêu mà nó càng sinh tồn mạnh mẽ và đầy khao khát.
Nếu như đối với hai chàng trai, những quyển sách là thứ tìm về chính mình thì với Cô bé Thợ may, những quyển sách là ngọn đèn khai sáng. Còn hơn cả gươm đao chỉ có thể đàn áp con người, tri thức có thể thay đổi nhận thức của con người. Cuộc cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông với mục đích ngu dân dễ bề cai trị, bởi vì nếu có tri thức thì sẽ có phản kháng. Nhưng có những ngọn lửa, có những khao khát, có những hy vọng nào có thể bị dập tắt? Đó là những khao khát về tri thức, khao khát về cái đẹp và khao khát tự do. Vẫn luôn có những con người âm thầm dung dưỡng những ngọn lửa trong tim để không bị biến thành những kẻ ngu ngốc tầm thường hay những cỗ máy lao động vô hồn.