Chương trước
Chương sau
Gã người Cam kia không giỏi tiếng Trung nên chỉ mỉm cười nhìn Tông Hàng, là A Phạ phiên dịch lại.

Quả nhiên đúng là nói về Dịch Táp.

Tông Hàng vĩnh viễn không ngờ rằng lại có kiểu cuộc sống như vậy.

Quán rượu tuk tuk này là của Dịch Táp. Gã người Cam chỉ là thuê lại, chia lãi định kỳ với cô, không chỉ xe tuk tuk, cô còn cho thuê một con thuyền gỗ nhỏ đơn sơ ở xóm nổi trên hồ Tonlé Sap, là loại thuyền độc mộc có chân vịt, cung cấp cho du khách ngồi ngắm phong cảnh.

Chưa dừng lại ở đó.

Nghe nói, những hoạt động cho thuê của Dịch Táp phân bố rải rác ngược dòng sông Mê Kông lên đến Lào và xuôi tới tận Việt Nam. Cô chẳng khác gì một bà chủ cho thuê xuyên quốc gia khôn khéo, ký hợp đồng cho thuê khắp lưu vực sông lớn. Hơn nữa, khác hẳn với trò mua nhà xây đường đao to búa lớn của đám nhà giàu, tất cả những gì cô làm đều chỉ là làm ăn nhỏ lẻ.

Kiểu làm ăn nhỏ lẻ mà đến người bình thường cũng chưa chắc đã coi trọng.

Tỉ dụ như cung cấp lưới đánh cá cho những ngư dân Lào đánh bắt cá chiên sông ăn thịt người ở dòng nước xiết; bán nồi hấp nguyên bộ và nguyên liệu cho những bà già bán bún tại chợ nổi Việt Nam; cung cấp ô tô cũ cho những tay thợ săn vào rừng cây sát biên giới Thái Lan bắt nhện – không phải biếu tặng, hết thảy đều tính là cho thuê và chia lãi.

Vì thế nên cô không bao giờ dừng chân quá lâu tại một nơi, bởi phải đi thu tiền cho thuê. Dịch vụ cho thuê của cô nở rộ khắp trời nam đất bắc, đợi cô tới đếm tiền – có lúc thu được tiền, có lúc thì xách cá hoặc những vật phẩm khác có giá trị tương đương về, bán tháo đi rồi thì lại tiếp tục ký hợp đồng cho thuê mới.

Tông Hàng nghe kể mà cứ như nghe Nghìn lẻ một đêm, sâu tận đáy lòng bỗng sinh ra một cảm giác khao khát nào đó với Dịch Táp.

Kiểu khao khát mà tự biết rằng cả đời này chắc chắn sẽ không thể đạt được.

Hắn ngẩn người hồi lâu rồi hỏi A Phạ: “Đường sóng đó nghĩa là gì?”

Trên mặt A Phạ nở một nụ cười như ăn vụng được thứ gì ngon lắm.

Cậu kể, cậu hỏi gã người Cam kia rằng cô Isa này có tốt tính không, có khắt khe với khách thuê không?

Gã người Cam nghĩ một chốc rồi vẽ tranh để trả lời.

Tổng kết đơn giản thì là, đừng để bị khuôn mặt và nụ cười của cô ấy đánh lừa, cô nàng Dịch Táp này kỳ thực tính khí thất thường lắm, chỉ có điều sự thất thường này không khó lường mà khá có quy luật.

Căn cứ vào những gì gã quan sát bấy lâu nay cùng với nhận xét của những người thuê khác thì mỗi tháng Dịch Táp đều sẽ có vài ngày tính tình từ từ trở nên cáu kỉnh, quái gở từ đầu đến chân, chanh chua ngoa ngoắt, nhìn ai cũng không vừa mắt, ai chọc phải là thôi xui rồi.

Sau đó đánh dấu đại khái thời gian của lần trước và dự đoán thời gian của lần này, vui mừng vì bản thân vừa vặn tránh thoát, nhưng, người thuê tiếp theo ắt chẳng gặp may.

A Phạ nhìn đồ thị, dạ đột nhiên sáng hẳn: “Hay là mấy hôm đó, cô ấy đến ‘cái kia’?”

Thế là cậu ta và gã người Cam cười lăn lộn, khuôn mặt thiếu niên mười bảy, mười tám tuổi thanh tú trông dung tục chẳng khác gì kẻ gian.

Tông Hàng ghét bỏ: “Có còn biết xấu hổ không hả? Chuyện đó của con gái người ta mà cũng đem ra bàn tán được.”

Ánh mắt chán ghét của hắn trượt khỏi tờ giấy kia, bản thân cũng không muốn nhưng đã nhớ kỹ khoảng thời gian đó rồi.

Ngẫm lại, hình như hôm mình bị đánh ấy rơi đúng vào khoảng thời gian bụng sóng này.



Trên đường về, Tông Hàng vẫn mắc kẹt trong một cảm giác hoảng hốt không chân thực, hắn lôi kéo A Phạ tán gẫu về Dịch Táp…

“Cậu nói xem cô ấy như vậy có kiếm được tiền không?”

Kiểu làm ăn nhỏ lẻ lắt nhắt này, cứ coi như có chia chác thì vào tay có còn được bao đồng? Cô còn phải chạy xuyên quốc gia nữa, tuy các nước Đông Nam Á không lớn, Campuchia chỉ xấp xỉ bằng tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, nhưng thường xuyên chạy qua chạy lại như vậy sao chịu thấu chứ…

“Cô ấy là con gái, một thân một mình không sợ gặp chuyện à?”

“Hẳn là phải có người chống lưng cho cô ấy chứ nhỉ?”

Không có chỗ dựa thì cũng phải có đội, còn phải khôn khéo, tháo vát nữa.

Tiếc rằng A Phạ chẳng tò mò chút nào về Dịch Táp: “Cậu chủ, cậu để ý đến cô ấy làm gì, loại người như thế phức tạp lắm, cách xa một chút cho lành vẫn hơn.”

Cũng phải, Tông Hàng tiu nghỉu.

Cuộc sống của hắn rất bình thường, bởi vậy nên hắn thường xuyên mơ ước có thể gặp được những nhân vật truyền kỳ ngầu lòi đứng ngoài mọi ranh giới, hiện giờ đột nhiên lại cảm thấy vấn đề không nằm ở cơ hội mà nằm ở bản thân là ai: Những người đó giống như một trận gió to táp thẳng vào mặt, táp tới hắn rồi cũng chẳng buồn dẫn hắn bay nhảy theo.

Hắn chẳng phải một con diều lớn cưỡi gió lên chín tầng trời mà chỉ là một tờ giấy báo dán cửa sổ, có gió thổi qua sẽ phấn khởi loạt xoạt một trận rồi sau đó lại tiếp tục dán trên cửa sổ.

Tông Hàng thở dài.

***

Ngày hôm sau, hắn như thường lệ được đánh thức bởi nhân viên đưa đồ ăn.

Ăn xong, hắn xuống tầng tản bộ, từ đại sảnh lễ tân dạo tới vườn hoa, cuối cùng lượn đến phòng làm việc của Long Tống.

Đó là một căn phòng làm việc rộng lớn, nhân viên hành chính ra ra vào vào, điện thoại đổ chuông liên tiếp. Long Tống bảo Tông Hàng ngồi xuống bàn bên cạnh rồi chụp cho hắn tấm ảnh hắn đang cúi đầu xem văn kiện, chuẩn bị bấm đốt ngón tay chọn ngày hoàng đạo gửi cho Tông Tất Thắng.

Giả tạo nhiều quá rồi, chính Tông Hàng cũng cảm thấy xấu hổ. Hắn nói với Long Tống hay là sớm khôi phục lại việc thực tập bình thường đi, cứ ở lỳ mãi trong phòng thế này ốm tới nơi mất.

Long Tống thở phào nhẹ nhõm, gạt Tông Tất Thắng mãi thế này, y cũng hổ thẹn hết sức.

Long Tống chỉ vào chiếc bàn Tông Hàng đang ngồi: “Hay từ mai bắt đầu làm quen với công việc hành chính đi!”

Chẳng biết làm hành chính là làm cái gì, Tông Hàng tiện tay lật văn kiện trên bàn, mấy trang liền toàn là danh sách thống kê khách hàng, nhưng mỗi trang đều chỉ có bảy, tám người, in trên đầu trang là địa danh bằng tiếng Khmer và tiếng Anh.

Hắn đọc trang đầu tiên: “Pờrếc…tôn…”

Long Tống giải thích cho hắn, đây là dịch vụ cung cấp xe của khách sạn, có một vài vị khách không thích ngồi tuk tuk, ngại nhiều bụi, mà lá gan lại nhỏ, không dám đi tham quan một mình nên thích đăng ký tham gia lịch trình du ngoạn mỗi ngày do khách sạn sắp xếp, mỗi ngày họ đều thống kê những vị khách muốn ra ngoài chơi, trên văn kiện là danh sách của ngày hôm nay.

Sau đó hỏi hắn: “Cậu thích ngắm chim không?”

Trên trang đó đăng ký đi thăm khu bảo tồn chim Prek Toal (*),sẽ khởi hành vào buổi chiều, Long Tống nghĩ nếu Tông Hàng thấy hứng thú thì có thể nhân tiện dẫn hắn theo.

(*) Prek Toal là khu bảo tồn chim và đầm lầy Ramsak nằm trong khu dự trữ sinh quyển Tonlé Sap, ở góc tây bắc hồ Tonlé Sap, là một địa điểm du lịch để ngắm chim với hệ sinh thái trù phú và các loài chim nước quý hiếm.

Lại đi hỏi hắn có thích “ngắm chim” không, Tông Hàng nhớ đến trò đùa thô bỉ về “chim” của đám bạn mất dạy trong nước, cười suýt co giật.

Tiếng Trung của Long Tống chưa tốt đến mức ấy, chỉ nghĩ là Tông Hàng không thích, bèn chỉ tiếp xuống trang sau: “Còn đến cả xóm nổi đấy, cậu thích đi không?”

Tông Hàng đáp: “Tôi ngồi thuyền bị say, không…”

Hắn bỗng nhớ ra.

Không phải Dịch Táp có cho thuê một du thuyền nhỏ ở xóm nổi sao, cô thu xong tiền thuê ở Xiêm Riệp, đi rồi, đi là đi đâu?

Điểm thu tiền thuê tiếp theo? Hình như xóm nổi ở ngay sát Xiêm Rệp, hơn nữa nếu muốn tình cờ gặp được cô thì phải nắm thật chắc cơ hội, cô ở đâu cũng đều không lâu.

Hắn nói: “… Tôi không ngại đi dạo một chuyến.”

Khi nói những lời này, hắn mỉm cười với Long Tống, giống hệt như lúc gặp nhau lần đầu, cười đến độ khóe miệng và chân mày đều cong cong.

Cũng cười đến độ làm Long Tống quên luôn cả việc truy xét vấn đề không logic giữa câu trước và câu sau của hắn.

Hiện giờ, đối với Dịch Táp, Tông Hàng ôm lòng say mê nhỏ bé chẳng khác nào hâm mộ minh tinh.

Đúng vậy, đời này hắn chẳng có cơ hội nào mà bay nhảy cùng gió, nhưng hắn có thể khiến cơn gió lớn này táp vào hắn thêm trận nữa.

***

Buổi chiều, Tông Hàng đi xuống cùng A Phạ, ngồi lên chiếc xe van chật khách, tiến về xóm nổi trên hồ Tonlé Sap.

Tonlé Sap là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Theo đường sông đổ thẳng vào sông Mê Kông, nhìn trên bản đồ giống một cái nhọt lớn nổi trên đoạn ruột mỏng.

Kỳ diệu ở chỗ: Phần lớn thời gian trong một năm, mực nước sông Mê Kông đều xuống thấp, còn hồ Tonlé Sap thì bổ sung nguồn nước cho nó, nước hồ không ngừng đổ vào để sông Mê Kông có thể dồi dào lượng nước, tiếp tục chảy xuống hạ lưu.

Nhưng đến mùa mưa, cả Đông Nam Á mưa như trút nước. nước mưa của nhiều đất nước tụ cả về sông Mê Kông khiến mực nước của nó dâng cao, vượt xa hồ Tonlé Sap – theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”, thế là một lượng lớn nước sông đổ ngược trở lại, xem như là ơn giọt nước báo đáp cả suối trào.

Nghe thì hơi khó tin, nhưng lượng nước sông đổ ngược này có thể khiến thể tích hồ Tonlé Sap tăng lên gấp mười, bình thường nước trong hồ sâu một mét, nhưng tới lúc ấy lại có thể sâu đến hơn mười mét, cứ đến mùa khô là dân xóm nổi lại đối mặt với một vùng mênh mông.

Cũng bởi lẽ đó nên mới sinh ra xóm nổi ven hồ Tonlé Sap: Rất nhiều những gian nhà dùng sào tre dựng thành nhà sàn, thời điểm nước dâng, nước dâng một mét thì thân tre cũng chìm trong nước một mét, ngập đến gầm giường, ngập đến dép trôi lung tung trong nhà; không thì dứt khoát cứ sống trên khoang thuyền cho tiện di chuyển, gác cái bếp trên thuyền mà sống, nuôi lợn, còn trồng cả vườn rau.



Khách tham quan về cơ bản chỉ toàn dân Trung Quốc nên đi theo xe cũng là một hướng dẫn viên nói tiếng Trung. Nghe hướng dẫn viên giảng giải, Tông Hàng mới biết, có rất nhiều xóm nổi trên hồ Tonlé Sap, điểm tới hôm nay là nơi nổi tiếng nhất, thương mại hóa nhất.

Tông Hàng thầm tính trong lòng: Du thuyền nhỏ của Dịch Táp liệu có cho thuê ở xóm nổi này không? Chắc là có nhỉ, nổi tiếng nhất, thương mại hóa nhất cơ mà, cũng có nghĩa là đông khách nhất và kiếm được nhiều tiền nhất…

Đến nơi, không khỏi sứng sờ

Quy mô lớn vô cùng, người đông nườm nượp. Trên bến tàu, tiếng người huyên náo, du thuyền nhỏ cập bờ tưởng như dây chuyền sản xuất vậy, cứ đầy người là chạy, tiếng động cơ ầm ầm, chân vịt thô sơ khuấy lên làn nước đục ngầu, qua lại không ngớt trong lòng sông.

Điều này khác xa với tưởng tượng của Tông Hàng. Trong tưởng tượng của hắn, hẳn phải là “mênh mông cuồn cuộn, vắt ngang vô bờ” như hồ Động Đình, Dịch Táp đứng trên mũi thuyền, mái tóc bị gió thổi tung, giơ tay lên che bớt ánh mặt trời chói mắt mới đúng.

Tóm lại là cảnh tượng thần tiên xíu.

Thế này biết lên thuyền nào tìm người đây, xác xuất gặp gỡ cũng thấp quá rồi, thêm nữa vừa xuống xe đã bị người ta xô đẩy, vị đồng bào chen lấn sau lưng hắn hẳn là đến từ Thượng Hải: “Ăn trắn ra xíu được hông? Nhừng đừng xíu…”

Du khách đi cùng xe ầm ầm dồn lên một du thuyền, A Phạ giục hắn: “Cậu chủ, cậu nhanh chân lên đi!”

Tông Hàng đáp: “Tôi bị say thuyền!”

Chẳng còn tâm trạng gì nữa, không gượng được sức nên say thuyền.

Nếu không phải coi hắn là cậu chủ thì A Phạ đã thật sự nhảy dựng lên rồi: Người gì thế hả, đi Angkor Wat thì lăn ra ngủ, đến xóm nổi thì say thuyền.

Tông Hàng không đi thuyền nên A Phạ cũng không tiện đi một mình, Long Tống đã dặn cậu: Ngày đầu tiên đi chơi cùng, Tông Hàng xém bị người ta đánh tàn phế, lần này còn xảy ra chuyện gì nữa thì cậu cứ liệu cái thần hồn.

Vì thế, cậu đành ngồi trên bờ với Tông Hàng, nhìn du thuyền nhỏ rẽ nước đi ra đi vào, thuận tiện chuyện trò đùa cợt với đám nhóc coi cái chậu rửa mặt làm thuyền để chèo. Tông Hàng là một con vịt cạn, nhìn mặt nước dập dờn, hắn có chút tiêu hóa không nổi, cộng thêm việc nghe chẳng hiểu gì, cuối cùng phủi mông đứng dậy, đi tới chỗ cao trên bờ kè nhìn một đám trẻ khác chơi đùa.

Do điều kiện vật chất có hạn nên nơi này gần như chẳng có đồ chơi gì. Nhưng điều đó không cản được sắp nhỏ dùng chính những thứ có sẵn tự mua vui.

Tông Hàng quan sát hồi lâu, cơ bản đã hiểu rõ cách chơi của trò ném dép này: Bọn trẻ chọn một địa điểm, đặt một tờ tiền giấy mệnh giá nhỏ ở đấy, lấy đá chẹn lại, sau đó chạy ra xa khoảng mười mét, từng đứa một cong mông cầm dép dưới chân lên ném, chủ yếu là dép lê, nhắm thẳng vào mục tiêu rồi ném.

Ai ném trúng trước tiên thì tiền thuộc về đứa đó.

Có điều cái món dép lê này quá dễ bay, nói chính xác là đám nhóc cũng kém, dép bay lên trời là cứ thế lên trời, mà xuống nước là xuống hẳn nước luôn.

Tông Hàng xem mà bật cười ha ha.

Đám nhỏ ở đây đã gặp rất nhiều du khách, chẳng sợ người lạ, còn ra dấu rủ Tông Hàng chơi cùng.

Chơi thì chơi, Tông Hàng hào hứng đi tới, móc tờ hai đô ra nhập bọn, sau đó đứng vào đội hình, cởi một bên giày bóng rổ màu trắng lóa mắt ra.

Đến lượt hắn, bọn trẻ đồng thanh hò reo, đều hy vọng hắn ném trượt.

Tông Hàng vốn nhắm đoạt giải, song, trong chớp mắt lúc cởi giày ra cầm trên tay đã đổi ý: Hai đô đối với mình cũng chỉ bằng tiền một cốc trà sữa, nhưng đối với đám trẻ này thì lại là một khoản thu nhập lớn, đủ để vui đến mấy ngày.

Bỏ đi, tặng người hoa hồng tay cũng lưu dư hương, nhường vận may cho người khác vậy, để lũ nhóc nhớ kỹ ông anh Trung Quốc đẹp trai này đi.

Hắn vung cổ tay lên, chiếc giày bay xéo ra, xem chừng sẽ bay tới căn nhà sàn phía sau.

Đám trẻ nhìn ra được hắn chắc chắn ném không trúng, thế là đồng thanh reo hò biến thành phấn khích rồi chuyển thành tiếng kêu kinh hãi ngay giây tiếp theo.

Một cô gái trẻ đang cúi đầu gọi điện thoại đi ra từ phía sau căn nhà sàn.

Dịch Táp.

Nơi cô đi ra quá hiểm, gần như trùng khớp với quỹ đạo bay của chiếc giày.

Nếu không có gì bất ngờ, chiếc giày này sẽ đổ bộ lên mặt cô, sau đó bởi lực hút của Trái Đất mà rơi thẳng xuống đất.
Chương trước
Chương sau
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải.
Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]

Chính sách bảo mậtQuy định nội dungBản quyềnĐiều khoảnQuyền riêng tư

Website hoạt động dưới Giấy phép truy cập mở Creative Commons Attribution 4.0 International License.