Chương 22: BẢO TÀNG Hang động khá sâu và ẩm thấp. Bên trong chất đầy cổ vật, xếp bừa bãi ngổn ngang. Đặc biệt, ở đây toàn là hiện vật, không hề thấy vàng bạc và đồng tiền. Dựa vào một số văn hiến còn sót lại, Narumi đoán rằng đây là kho tàng của Mạc Phủ Tokugawa. Sau cuộc chiến tranh Boshin, quân đội của Mạc Phủ thất bại, dư đảng của dòng họ Tokugawa đã bỏ chạy khỏi thành Edo(1),rút lui về phía bắc Honshu, rồi sau đó là Hokkaidou, nơi họ thành lập Cộng hòa Ezo. Trên đường tháo chạy, bọn họ đã mang các hiện vật trong kho tàng của Mạc Phủ chôn giấu ở đây, chỉ mang theo hiện kim, những thứ nhẹ nhàng. Đến khi thất bại trong trận Hakodate, căn cứ địa cuối cùng ở Hokkaidou thất thủ, những lãnh đạo lần lượt tự sát, và kho tàng ở đây chìm vào quên lãng. Sau này, người Nhật đã lãng mạn hóa cuộc chiến tranh Boshin nhằm để biến cuộc Minh Trị Duy Tân thành một cuộc ‘cách mạng không đổ máu’, bất chấp số lượng thương vong và thời gian kéo dài của nó. Cũng vì thế mà những tư liệu chiến tranh về thời kỳ này không được biết đến nhiều. Tiếp đó, David Glover lại dẫn bọn Narumi đến một góc hang động, chỉ vào mấy chiếc rương gỗ cũ kỹ, nói : - Chủ tịch. Những thứ này lấy được từ tầng hầm bí mật của Lâu đài Hoàng Hôn. Chủ cũ của nó thiết kế căn hầm rất bí ẩn, phải sử dụng máy dò tìm mới phát hiện được. Không chỉ có hòn đảo này, Narumi còn mua lại Lâu đài Hoàng Hôn, chuẩn bị cải tạo nó thành Lâu đài Hoàng Gia, và đương nhiên những cổ vật ở đó cũng được cậu thu lấy. Cậu nhớ đến sự việc ở Lâu đài Hoàng Hôn bởi vì đó là một trong số ít lần Siêu trộm Kid hoạt động, đấu trí đấu dũng cùng với Conan – cậu yêu thích nhân vật Kaitou Kid nên cũng nhớ khá rõ sự việc đó. Có thêm những cổ vật ở Lâu đài Hoàng Hôn với niên đại cho đến giai đoạn Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, kho báu của cậu mới thật sự hoàn mỹ. Xem qua một lượt các cổ vật ở Lâu đài Hoàng Hôn, cậu chợt nhìn thấy vài món trông có vẻ rất quý giá và một bức thư viết bằng tiếng Anh. Cậu chợt nghĩ đến một ý tưởng. Ngẫm nghĩ hồi lâu, cậu cẩn thận thu lấy các văn hiến, sau đó quay sang bảo Mitchell Bard : - Chờ khi giải quyết xong các vấn đề ở Palau, rồi bí mật chuyển những thứ ở đây đến đó. Nơi đây cách xa đất liền, lợi dụng các tàu vận chuyển vật liệu xây dựng, bọn họ hoàn toàn có thể bí mật chuyển bảo tàng đi nơi khác. Ở đây toàn là văn hiến, văn vật, tạm thời Narumi chưa muốn tiết lộ tin tức ra ngoài. Lý do quan trọng nhất là vì thực lực của cậu chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ được chúng. Rời hang động, Narumi đi tham quan khắp đảo. Đây là lần đầu tiên cậu đến đảo, nên quyết định đi khảo sát thực địa. Ở phía đông bắc là di chỉ làng Toriuchi, bến tàu cũng ở đó. Một ngôi làng nghỉ dưỡng sẽ được xây dựng ở đấy và có thể mở cửa tiếp đón du khách. Còn làng Utsuki ở phía tây nam sẽ xây dựng một cung điện theo phong cách truyền thống Nhật Bản, là nơi nghỉ dưỡng dành riêng cho cậu. ... Bang Arizona, Lĩnh địa Fujiwara, Thành phố La Paz. Sau hơn hai tháng khẩn trương thi công, với máy móc hoạt động không ngừng nghỉ, công nhân làm việc ba ca luân phiên nhau suốt 24/24, giai đoạn I của Dự án xây dựng thành phố La Paz, thủ phủ của Lĩnh địa Fujiwara, đã hoàn thành. Công trình chủ yếu của Dự án này là Cung điện Etou(2) ở ngay trung tâm thành phố, chiếm diện tích đến 120 ha, gồm một quần thể kiến trúc cung điện kiểu Á Đông với các công viên và nhiều công trình phụ trợ bao quanh. Đương nhiên, giai đoạn I chỉ mới thi công một bộ phận nhỏ của cung điện, đủ làm nơi ở và nơi làm việc của Narumi. Hiện tại, ở đây có bốn công trình chính được ưu tiên thi công ở giai đoạn I. Ngoài bộ phận Cung điện Etou còn có Đại lộ Fujiwara nối thành phố La Paz với thị trấn Ehrenberg, cách sáu dặm về phía nam; khu dân cư với 3.000 căn hộ, có cả trường học, bệnh viện, sở cảnh sát, siêu thị, trạm xăng; khu sản xuất kinh doanh, chủ yếu là nhà máy lắp ráp thiết bị vi tính của Công ty Công nghệ Mars với hơn 2.000 công nhân. Dân cư của thành phố hiện giờ là 3.762 người, đã trở thành đô thị lớn nhất ở hạt La Paz, bang Arizona. Dự kiến sau một năm phát triển, dân số sẽ vượt mức 10.000 người, nên chính quyền đã chấp thuận nâng cấp thị trấn La Paz lên thành phố. Cung điện Etou. Ashlee Vance ngồi đối diện với Narumi, trịnh trọng nói : - Chủ tịch. Quá trình đàm phán đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, chỉ cần Chủ tịch đồng ý là có thể hoàn thành hiệp nghị ngay sau đó. - Cụ thể thế nào ? - Chủ tịch. Vào thập niên 1970s, tập đoàn MGM trở nên suy sụp, mỗi năm chỉ đạt sản lượng từ 3 – 6 bộ phim. Sang thập niên 1980s, tình hình có khá hơn chút ít, sản lượng đạt từ 10 – 15 bộ phim, nhưng đa phần đều không đạt doanh thu như mong muốn. Chẳng hạn như năm 1982, dưới sự lĩnh đạo của David Begelman, tập đoàn đã sản xuất 11 bộ phim, nhưng chỉ có một bộ phim là ‘Poltergeist’ đạt yêu cầu. Vì thế mà Begelman đã bị sa thải. Từ đó về sau, tập đoàn chủ yếu phân phối phim của các hãng phim độc lập, chứ không sản xuất phim nữa. Năm 1986, Ted Turner đã mua lại tập đoàn với giá 1,5 tỷ USD, gồm tiền mặt và cổ phiếu. Lúc đó, tập đoàn đã được tổ chức lại thành nhiều bộ phận độc lập. Sau đó, Turner đã bán lại ngay lập tức một công ty con là United Artists cho Kerkorian với giá 480 triệu USD. Rồi để giải quyết các khoản nợ trong tập đoàn của mình, Turner lại bán bộ phận sản xuất và phân phối của MGM cho Kerkorian với giá 300 triệu USD, bán rất nhiều phòng thí nghiệm và các cơ sở khác cho Lorimar – Telepictures. Turner chỉ giữ lại thư viện phim của MGM trước tháng 5 năm 1986 và RKO Radio Pictures. - Ân ! Xem ra MGM hiện tại đã bị thu nhỏ rất nhiều so với nguyên bản của nó. - Vâng ạ. Tập đoàn MGM hiện tại có tên đầy đủ là ‘MGM/UA Communications Co.’, là bộ phận MGM và United Artists mà Kerkorian đã mua lại, chỉ bằng một nửa so với giá trị tài sản của nó trước kia. Năm 1988, Barris Industries có ý định mua lại 25% cổ phiếu của MGM/UA Communications Co., nhưng thỏa thuận không thành công. Sang năm 1989, cả Qintex của Úc và Turner đều có ý định mua lại MGM/UA Communications Co., nhưng vì nhiều nguyên nhân kế hoạch cũng đã thất bại. Năm 1990, nhà tài chính người Italia là Giancarlo Parretti đã mua lại MGM/UA Communications Co., rồi sát nhập với tập đoàn Pathé Communications Group của ông ta, thành tập đoàn mới MGM-Pathé Communications Co., rồi mời Alan Ladd, Jr về làm CEO. Chỉ có điều, đến đầu năm nay, Parretti dính líu đến hàng loạt các vụ kiện tụng ở Mỹ và châu Âu, khiến cho MGM-Pathé Communications Co. đứng bên bờ vực phá sản. Ông ta và một số cổ đông khác đồng ý bán lại 90,2% cổ phiếu của tập đoàn với giá 850 triệu USD tiền mặt, đương nhiên kèm theo khoản nợ của tập đoàn lên đến 935 triệu USD. Thực ra thì Kerkorian rất muốn mua lại, nhưng ông ta không có nhiều tiền mặt. Parretti cần nhiều tiền mặt để giải quyết các khó khăn của mình. - Ta cũng không có nhiều tiền mặt nha. - Chủ tịch. Công ty Công nghệ Mars rất có giá trị đó nha. Các ngân hàng sẵn sàng cho vay đến 700 triệu USD với lãi suất ưu đãi. Bọn họ cho rằng công ty có giá trị đến 1 tỷ USD. Công ty Công nghệ Mars chỉ được đầu tư ban đầu 300 triệu USD, sau vài tháng kinh doanh đã có thể tăng giá trị hơn ba lần, chủ yếu là do lợi nhuận quá lớn. Các địa điểm cho thuê máy vi tính luôn luôn đông khách, và đã phát triển dần thành một trung tâm giải trí tổng hợp, với cả siêu thị mini, cửa hàng nước giải khát và thức ăn nhanh (chủ yếu bán cho những người chơi game),cửa hàng kinh doanh thiết bị và phần mềm vi tính (chủ yếu bán các sản phẩm của Công ty Công nghệ Mars). Nhưng mô hình này được cho là khó thể học tập, bởi khách hàng bị thu hút chủ yếu bởi những phần mềm và game ‘lưu hành nội bộ’. Narumi không cho bán các game ra ngoài, nên các phòng máy của cậu trở nên độc quyền và cực kỳ đông khách. Cũng may ở Mỹ không lưu hành các phần mềm lậu, việc ăn cắp bản quyền có thể bị xử phạt rất nặng. Narumi trầm ngâm giây lát, rồi nói : - Thế thì tốt. Vay ở ngân hàng nào đó tại California, tránh liên quan đến Phố Wall. Sau đó nhanh chóng hoàn tất việc chuyển nhượng. Ashlee Vance trịnh trọng nói : - Chủ tịch yên tâm. Chỉ cần một tuần thôi. Việc mua lại Hãng MGM có thể xem như ổn thỏa. Narumi lại quan tâm đến chuyện khác : - Máy nghe nhạc mini của ta ra sao rồi ? Ashlee Vance nói : - Chủ tịch. Tôi đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Tập đoàn Honhai của Terry Gou ở Đài Loan. Ông ta có danh tiếng rất tốt trong cộng đồng người Hoa, rất giữ chữ tín, khi đã ký hợp đồng rồi, dù có lỗ cũng vẫn cố gắng hoàn thành. Đối với máy nghe nhạc của chúng ta, ông ta cho hai giá, nếu hợp đồng 100.000 máy trở lên thì giá xuất xưởng là 34 USD, còn nếu hợp đồng 1 triệu máy trở lên thì chỉ còn 21 USD. Loại cao cấp tương ứng là 46 USD và 32 USD. Đĩa trắng nếu số lượng trên 1 triệu đĩa sẽ có giá 0,22 USD, còn trên 10 triệu sẽ có giá 0,14 USD. Terry Gou (Quách Đài Minh, 郭台銘) là một doanh nhân Đài Loan nhưng khá thân thiện với Trung Hoa Đại lục. Ông ta thành lập công ty vào năm 1974 với số vốn 7.500 USD và 10 nhân viên. Ngay từ năm 1988, ông ta đã xây dựng một nhà máy lớn ở Long Hoa, Thâm Quyến. Khuôn viên nhà máy không chỉ có nhà xưởng mà còn có cả nhà ở, khu ăn uống và chăm sóc y tế, thậm chí nuôi gà để cải thiện bữa ăn. Công ty Công nghệ Mars đã có hợp đồng gia công với Tập đoàn Honhai để sản xuất linh kiện máy vi tính, quá trình hợp tác rất tốt. Nhà máy sản xuất của Tập đoàn Honhai ở Thâm Quyến đã mở rộng quy mô rất nhiều. Nghe nói, Công ty Công nghệ Mars là đối tác lớn nhất của Tập đoàn Honhai trong năm qua, nên mọi yêu cầu đều được ưu tiên đáp ứng. Narumi hỏi : - Giá bán lẻ thấp nhất có thể được là bao nhiêu ? - Chủ tịch. Nếu chúng ta đặt hàng số lượng lớn, bán hàng trực tiếp không qua trung gian, không cần lợi nhuận thì giá bán lẻ của loại phổ thông là 26,4 USD và loại cao cấp là 39 USD. - Ân ! Vậy loại phổ thông có giá bán lẻ là 29 USD, giá bán sỉ từ 26,5 – 28 USD. Còn loại cao cấp tương ứng là 69 USD và 60 – 65 USD. Ta cần mở rộng thị phần, lợi nhuận không quan trọng, miễn sao không lỗ là được. - Chủ tịch. Tôi đã thương lượng với các hãng âm nhạc ở California, mua quyền sử dụng của các bản nhạc từ thập niên 1970s về trước, được 623 bài, giá chẳng đáng kể. Bọn họ không đồng ý bán bản quyền hoặc ra giá rất cao. - Được rồi. Không cần mua bản quyền làm gì. Máy nghe nhạc thì cần phải có đĩa nhạc. Hiện tại trên thị trường đang thịnh hành các loại đĩa CD tiêu chuẩn, rất hiếm thấy loại đĩa Mini-CD, vì thế mà Narumi mới phải cho mua các bài hát, rồi tự phát hành đĩa, bán kèm theo máy nghe nhạc. Nhưng Ashlee Vance lại nói : - Chủ tịch. Các bài hát đó xưa lắm rồi, chỉ những người trung niên trở lên mới ưa chuộng, giới thanh thiếu niên có lẽ không thích đâu. Tôi đã cố gắng lựa chọn những bài hát dễ nghe, nhưng chưa chắc được thị trường chấp nhận. - Ta cũng không đặt nhiều hy vọng vào nó. Mỗi đĩa nhạc có từ 4 – 5 bài hát, chỉ cần có 1 – 2 bài hát ăn khách, những bài còn lại không quá khó nghe là được. Các đĩa CD có dung lượng lớn, có thể chứa hơn 10 bài hát, còn đĩa Mini-CD chỉ có dung lượng 185 – 210 MB, thời lượng hơn 20 phút, chỉ chứa được khoảng 4 – 5 bài hát mà thôi. Đương nhiên giá phát hành cũng sẽ rẻ hơn nhiều. Các hãng đĩa còn phát hành loại 'đĩa đơn' chỉ có một bài hát. Ashlee Vance tán đồng : - Vâng. Chủ tịch nói phải lắm. Nếu tất cả đĩa nhạc đều là những bài hát ăn khách thì phí lắm. Nhưng những bài hát ăn khách ở đâu ạ ? - Rồi sẽ có, không quá lâu đâu. Việc đó đã quyết định. Ashlee lại nói sang vấn đề khác : - Chủ tịch. Không ngờ lạc hậu như Trung Hoa Đại lục mà cũng có ý hướng hợp tác với chúng ta nữa ạ. Bọn họ muốn mở các Trung tâm Giải trí Mars ở Trung Hoa Đại lục, bước đầu là ở Thâm Quyến và Quảng Châu. - Ân ! Sự tình thế nào ? Narumi thật sự ngạc nhiên. Ashlee nói : - Dạ. Hôm trước có một nhóm con em các quan chức ở Quảng Đông đến Hongkong chơi. Bọn họ ghé thăm Trung tâm Giải trí Mars, rồi bị hấp dẫn. Sau hơn một tuần bám trụ trong Trung tâm Giải trí, bọn họ liên hệ với Giám đốc Trung tâm, đề nghị hợp tác mở các Trung tâm tương tự ở Thâm Quyến và Quảng Châu. Vấn đề ở chỗ, ở Trung Hoa Đại lục có bao nhiêu người đủ tiền đến tiêu phí ở các Trung tâm của chúng ta. Trong mắt đa số người Âu Mỹ lúc bấy giờ, người Tàu thường đồng nghĩa với nghèo đói và lạc hậu. Đó là cũng hiện cảnh Trung Hoa Đại lục thời bấy giờ. Tuy nhiên, việc gì cũng có ngoại lệ. Narumi mỉm cười bảo : - Đừng xem thường bọn họ. Ở đó, những người nghèo thì rất nghèo, nhưng những người giàu có cũng không ít đâu. - Chủ tịch. Ở Trung Hoa Đại lục tình hình đặc thù, chúng ta không tiện tự kinh doanh, tốt nhất là liên doanh với các thế lực địa phương. - Ân ! Liên doanh cũng được, chỉ cần chúng ta chiếm chủ đạo. Tốt nhất là mỗi địa phương thành lập hai công ty riêng biệt, một mặt cạnh tranh với nhau, một mặt lũng đoạn thị phần. Không chỉ Trung Hoa Đại lục, ở những nơi tình hình phức tạp đều có thể làm thế. - Vâng ạ. (1) Edo : Giang Hộ, tên cũ của Tokyo. (2) Etou : Giang Đông.
Website đọc truyện online chất lượng hàng đầu việt nam, với nhiều truyện tiên hiệp, truyện kiếm hiệp, truyện ngôn tình, truyện teen, truyện đô thị được tác giả và dịch giả chọn lọc và đăng tải. Liên hệ về bản quyền/quảng cáo: [email protected]